Giới thiệu về Kinh Thi

 (Bửu Cầm, In trong "Những vấn đề ngữ văn" (Tuyển tập 40 năm nghiên cứu khoa học của Khoa Văn học và Ngôn ngữ)

I. Nguồn gốc Kinh Thi

Kinh Thi là một bộ sách gồm có những câu ca dao rất cổ của Trung Hoa. Ngày xưa, Thiên tử cứ năm năm đi tuần thú một lần và ra lệnh cho quan Thái sư hiến dâng ca dao để xem phong tục của dân. Thiên Nghệ văn chí trong Hán thư có chép: "Cổ hữu thái thi chi quan, vương giả sở dĩ quan phong tục, tri đắc thất." (nghĩa là: Xưa có chức quan phụ trách việc đi nhặt ca dao; bậc vương giả lấy đó mà xem xét phong tục, biết được sự đắc thất về chính trị).

Trong Thi tập truyện, Chu Hy cũng luận về “Quốc phong” như thế này: "Quốc giả, chư hầu sở phong chi vực, nhi phong giả, dân tục ca dao chi thi dã. Vị chi phong giả, dĩ kỳ bị thượng chi hóa dĩ hữu ngôn, nhi kỳ hựu túc dĩ cảm nhân, như vật nhân phong chi động dĩ hữu thanh, nhi kỳ thanh hựu túc dĩ động vật dã. Thị dĩ chư hầu thái chi dĩ cống ư Thiên tử, Thiên tử thụ chi nhi liệt ư nhạc quan, ư dĩ khảo kỳ tục thượng chi mỹ ác, nhi tri kỳ chính trị chi đắc thất yên." (nghĩa là: Quốc là chỉ lĩnh vực phong cho chư hầu; phong là gọi chung các bài thi ca trong dân gian. Gọi rằng Phong là chỉ lời dân phát ra bởi chịu sự cảm hóa của người trên, mà lời ấy lại đủ để cảm người, như vật nhân có gió mà động và phát ra tiếng, rồi tiếng ấy trở lại làm rung động vật. Bởi thế nên chư hầu nhặt những thi ca ấy để hiến dâng Thiên tử, Thiên tử tiếp nhận và liệt vào nhạc quan, lấy đó để xét phong tục tốt xấu, biết việc chính trị nên hư).

Theo mấy lời dẫn trên thì những bài ca dao trong Kinh Thi đã được các nhà cầm quyền ở Trung Quốc ngày xưa sưu tập trước đời Khổng Tử . Nguyên nhan đề sách ấy là Thi chứ không có chữ Kinh; người sau thêm vào chữ Kinh là vì cho rằng sách đó đã được Khổng Tử  san định. Nhưng Khổng Tử  thật có san định Kinh Thi hay không? Đó là một vấn đề mà chúng ta phải đưa ra thảo luận.

Thiên Khổng Tử thế gia trong Sử ký của Tư Mã Thiên có chép: "Tam bách ngũ thiên, Khổng Tử  giai huyền ca chi, dĩ cầu hợp Thiều, Vũ, Nhã, Tụng chi âm." (nghĩa là: Khổng Tử  đã đem ba trăm lẻ năm thiên trong Kinh Thi ra mà đàn ca để cho hợp với âm thanh của Thiều, Vũ, Nhã, Tụng). Thiên “Tử Hãn” trong Luận ngữ cũng có dẫn lời Khổng Tử : "Ngô tự Vệ phản Lỗ, nhiên hậu nhạc chính, Nhã Tụng các đắc kỳ sở." (nghĩa là: Ta từ nước Vệ trở về nước Lỗ, nhiên hậu nhạc mới được chỉnh đốn lại, Nhã Tụng được đặt đúng chỗ).

Thế là Khổng Tử  đã từng nghiên cứu âm nhạc và đem thi ca phổ thành nhạc khúc. Việc Khổng Tử  san định Kinh Thi cũng có thấy chép trong thiên Khổng Tử  thế gia sách Sử ký: "Cổ giả Thi tam thiên dư thiên, cập chí Khổng Tử, khứ kỳ trùng, thủ khả thi ư lễ nghĩa, thượng thái Tiết, Hậu Tắc, trung thuật Ân Chu chi thịnh, chí U Lệ chi khuyết... tam bách ngũ thiên." (nghĩa là: Ngày xưa, Thi có hơn ba ngàn thiên, Khổng Tử  san khứ phần trùng phúc, chỉ lấy những thiên hợp với lễ nghĩa, trước nhặt các bài từ đời Tiết, Hậu Tắc, kế đến các bài thuật sự hưng thịnh đời Ân, Chu, sau là các bài nói về sự khuyết điểm của U vương và Lệ vương.. gồm có ba trăm lẻ năm thiên). Thiên Nghệ văn chí trong Hán thư cũng có đề cập việc Khổng Tử  san định Kinh Thi: "Khổng Tử  thuần thủ Chu thi, thượng thái Ân, hạ thủ Lỗ, phàm tam bách ngũ thiên." (nghĩa là: Khổng Tử  chọn lấy thi ca đời Chu, từ những bài cảu nước Ân đến những bài của nước Lỗ, phàm ba trăm lẻ năm thiên). Lục Đức Minh trong Kinh điển thích văn cũng viết: "Khổng Tử  tối tiên san lục, ký thủ Chu, thượng kiêm Thương tụng, phàm tam bách thập nhất thiên." (nghĩa là: Khổng Tử  san lục Kinh Thi, trước hết chọn lấy những bài về đời Chu, lại lấy cả những bài Thương tụng, phàm ba trăm mười một thiên).

Người ta thường vin vào các thuyết trên này để cho rằng Khổng Tử  có san định Kinh Thi, tuy nhiên có một số học giả như Khổng Dĩnh Đạt, Trịnh Tiều, Chu Hy, Chu Di Tôn, Thôi Thuật,..v.v.., vẫn còn hoài nghi việc đó, là vì Khổng Tử không bao giờ nói đến việc mình san định Kinh Thi. Vả lại, xưa kia, Thi có hơn ba ngàn thiên, nhưng Khổng Tử  chỉ chọn lấy ba trăm lẻ năm thiên, tức là bỏ đi chín phần mười, thì chẳng khác gì đã phá hoại một kho tàng văn học phong phú cổ thời vậy. Hơn nữa, Sử ký của Tư Mã Thiên tuy có nói đến việc Khổng Tử  san Thi nhưng đồng thời cũng cho ta biết rằng: Trong thời Khổng Tử, thi ca xưa bị tàn khuyết rất nhiều. Vì thế cho nên trong Độc phong ngẫu chí, Thôi Thuật đã biện minh việc Khổng Tử  san Thi như sau: "Khổng Tử  san Thi, thục ngôn chi? Khổng Tử  vị thường tự ngôn chi dã, Sử ký ngôn chi nhĩ. Khổng Tử  viết: "Trịnh thanh dâm", thị Trịnh đa dâm thi dã. Khổng Tử  viết: "Tụng thi tam bách", thị Thi chi hữu tam bách, Khổng Tử  vị thường san dã. Học giả bất tín Khổng Tử  sở tự ngôn, nhi tín tha nhân chi ngôn, thậm hỹ kỳ khá quái dã!" (nghĩa là: Ai bảo Khổng Tử  có san định Kinh Thi? Việc đó thấy chép trong Sử ký chứ Khổng Tử  chưa khi nào nói đến. Khổng Tử  nói: "Tiếng nước Trịnh dâm", ấy là nước Trịnh có nhiều thi ca dâm dật. Khổng Tử  nói: "Đọc thi ba trăm thiên", ấy là Thi chỉ có ba trăm thiên chứ Khổng Tử  chưa từng san định. Học giả không tin lời Khổng Tử  mà tin lời người khác, thật là điều rất quái gở!)

Căn cứ vào những lời biện luận trên, chúng ta có thể tin rằng: Những bài thi ca xưa đến đời Khổng Tử  bị tàn khuyết rất nhiều, chỉ còn lại chừng hơn ba trăm thiên. Nếu Khổng Tử  có chính lý Kinh Thi, cũng chỉ bỏ bởt những câu, những chữ tối nghĩa hoặc rườm rà, chứ không phải chọn lấy một phần mười như Tư Mã Thiên đã nói.

II. Nội dung Kinh Thi

Kinh Thi gồm có 310 thiên. Trong số đó, chỉ có 305 thiên là đầy đủ, còn 6 thiên kia có đề mục nhưng không có lời. Sáu thiên ấy là: Nam cai, Bạch hoa, Hoa thử, Do canh, Sùng khâu và Do nghi. Có thuyết cho rằng lời thơ của sáu thiên đó bị vong thất bởi ngọn lửa nhà Tần. Nhưng theo Trịnh Tiều, trong Thi biện vọng, sáu thiên ấy vốn không có lời, chỉ có nhạc.

Về đời Hán, có bốn bản Kinh Thi xuất hiện[1] nhưng còn truyền đến nay là bản của Mao công (tức Mao Hanh và Mao Trương). Mao Thi[2] gồm có ba phần như sau:

A- Quốc Phong: Quốc phong là những bài ca dao của dân các nước chư hầu, đã được nhạc quan sưu tập. Quốc phong có 160 thiên, chia làm 15 quyển, mỗi quyển một nước, gồm có:

1. Chính phong: Chu nam và Thiệu nam

2. Biến phong: Bội phong, Dung phong, Vệ phong, Vương phong, Trịnh phong, Tề phong, Ngụy phong, Đường phong, Tần phong, Cối phong, Tào phong, Bân phong.

B- Nhã: Nhã nghĩa là chính đính, gồm những bài hát ở nơi triều đình. Nhã chia ra làm hai phần:

1. Tiểu nhã: những bài dùng trong những trường hợp không quan trọng lắm như các buổi yến tiệc (74 thiên)

2. Đại nhã: những bài dùng trong những trường hợp quan trọng như khi Thiên tử họp các vua chư hầu hoắc tế ở miếu đường (31 thiên)

C- Tụng: Tụng nghĩa là ngợi khen, gồm những bài ca tụng các vua đời trước và dùng để hát ở chốn miếu đường. Tụng có tất cả 40 thiên, chia làm:

1. Chu tụng, 31 thiên

2. Lỗ tụng, 4 thiên.

3. Thương tụng, 5 thiên.

Trong Kinh Thi có lục nghĩa là: Phong, Nhã, Tụng, phú, tỷ, hứng. Thiên “Xuân quan” trong Chu lễ chép: “Thái sư giáo lục thi: viết Phong, viết Phú, viết Tỷ, viết Hứng, viết Nhã, viết Tụng” (nghĩa là: Quan Thái sư dạy sáu thi là: Phong, Phú, Tỷ, Hứng, Nhã, Tụng). Phong, Nhã, Tung là trỏ bộ phận của âm nhạc, còn Phú, Tỷ, Hứng tức là thể của Phong, Nhã, Tụng.

Chu Hy cho rằng đại để Phong là thi ca trong dân gian, Nhã là thi ca của triều đình, Tụng là thi ca dùng nơi tông miếu[3]. Theo sự nhận xét của Trịnh Khang Thành thì: Phong là nói về di hóa của thánh hiền; Nhã nghĩa là chính, tức là những lời chính đính khả dĩ làm khuôn phép cho đời sau; Tụng nghĩa là tụng đọc hoặc bao dung để khen ngợi cái đức rộng lớn của tiên vương[4]. Lương Khải Siêu đã bàn về vấn đề ấy với một quan niệm mới mẻ: Phong chỉ có thể đem ra ngâm đọc chứ không hát được, Nhã là những bài hát rất phổ thông về đời Chu, Tụng vốn nghĩa là dung (dung mạo) cho nên có thể đem ra hát và múa theo âm điệu ấy; nếu xét theo văn thể đời nay thì Phong là dân ca, Nhã là ca từ trong Nhạc phủ, Tụng là kịch bản[5]. Nhưng Trình Đại Xương và Cố Viêm Vũ đã ngờ rằng ngày xưa không có danh từ Quốc phong, hai chữ này do người sau hiểu sự đặt ra[6].

Ba thể Phú, Tỷ, Hứng là nói về kỹ thuật làm thơ. Chỉ rõ tên nói rõ việc, ấy là thể Phú. Thấy việc hư hỏng đương thời mà không dám nói rõ, phải dùng phép so sánh kín đáo để phúng thích, ấy là thể Tỷ. Mượn vật để nói nên lời là thể Hứng. Sự bất đồng giữa tỷ và hứng do ở điểm này: thể tỷ chỉ lấy vật để làm tỷ dụ, chứ không nói rõ ý chính, thể hứng thì trước hết dùng phép tỷ dụ rồi tiếp theo đó lại nói rõ ý chính ra.

Thế là nội dung Kinh Thi gồm có ba phần lớn (Phong, Nhã, Tụng) và ba thể (phú, tỷ, hứng) mà cổ nhân đã gọi là sáu nghĩa của Kinh Thi. Riêng về Phong, Nhã, Tụng tuy có những định nghĩa khác nhau, tùy theo quan điểm của mỗi học giả, nhưng ta phải thừa nhận cách phân loại trong Mao Thi là tương đối hợp lý.

III. Địa vực thời đại và tác giả Kinh Thi .

Kinh Thi là kết tinh của nền văn học miền bắc Trung Quốc cổ thời. Những nước Tần, Vương, Bân thuộc vùng Thiểm Tây, Hà Nam, Cam Túc ngày nay; Đường thuộc tỉnh Sơn Tây ngày nay; Ngụy ở giửa khoảng Sơn Tây và Hà Nam ngày nay; Bội, Dung, Vệ, Trịnh, Trần, Cối đều ở về vùng tây nam tỉnh Hà Bắc và một phần tỉnh Hà Nam bây giờ. Văn hóa Trung Quốc phát đạt trước tiên tại miền Hoa bắc mà Kinh Thi là một bằng chứng cụ thể.

Vấn đề thời đại Kinh Thi, đến nay, người ta vẫn còn bàn cãi. Theo Thi tự[7] , Thương tụng là tác phẩm đời Thương, và trong Kinh Thi có lẽ Thương tụng là xưa nhất. Nhưng thiên Tống thế gia trong Sử ký lại nhận rằng Thương tụng là nhạc chương của nước Tống. Vương Quốc Duy, lúc khảo chứng về Thương tụng cũng nhận thấy: “Trong Thương tụng có kể việc đẵn cây ở Cảnh Sơn để dựng tông miếu; Cảnh Sơn gần kinh đô nước Tống và xa kinh đô nhà Thương; xem thế đủ biết lời thơ trong Thương tụng vịnh tông miếu nước Tống chứ không phải vịnh tông miếu nhà Thương”[8]. Lương Khải Siêu căn cứ vào lời thơ ở thiên Thất nguyệt trong Bân phong để ngờ rằng thiên ấy là tác phẩm đời Hạ, viện lẽ trong thơ đã theo lịch nhà Hạ[9]. Nhưng thuyết này không thể tin được, vì biết đâu nông dân nhà Chu đã dùng Hạ lịch để cho tiện việc đồng áng. Lục Khản Như và Phùng Nguyên Quân quả quyết rằng: Các bài thi ca trước đời Chu đều đáng nghi hoặc, và Kinh Thi là tác phẩm đời Chu[10].

Kinh Thi nguyên là một tập ca dao cho nên không thể biết rõ tên tuổi của tác giả. Trong Thi tự có kể tên tác giả các thiên, nhưng phần nhiều là ức đoán; không đáng tin. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể căn cứ vào hai điểm này mà suy trắc:

1. Tác giả tự xưng trong thơ. Thí dụ: Gia phủ tác tụng = Gia phủ làm ra bài tụng (Tiểu nhã, Tiết nam sơn); Cát phủ tác tụng = Cát phủ làm ra bài tụng. (Đại nhã, Chưng dân); Hề Tư sở tác = Hề tư làm ra. (Lỗ tụng, Bí cung)

2. Trong các sách xưa thỉnh thoảng có nhắc đến vài tên tác giả trong Kinh Thi. Thí dụ như trong Quốc ngữ có chép:

Chu Văn công chi tụng viết: Tái trấp can qua” = Bài tụng của Chu Văn công có câu: Thu cất can qua.

Chính Khảo phủ hiệu Thương chi danh tụng thập nhi thiên ư Chu Thái sư” = Chính Khảo phủ hiệu khám mười hai thiên danh tụng của nhà Thương nơi Chu Thái sư[11].

Trên hai phương pháp suy trắc trên, xét ra phương pháp thứ nhất chắc chắn hơn. Nhưng theo phương pháp đó, chúng ta vẫn không thể tìm biết tất cả những tên tác giả các thiên trong Kinh Thi, vì không phải ở thiên nào cũng có nhắc đến tên tác giả.

IV. Văn chương Kinh Thi

Khổng Tử  đã hạ những lời phê bình Kinh Thi như sau:

Bất học Thi, vô dĩ ngôn” (nghĩa là: chẳng học Thi thì nói không thông - Luận ngữ, Quý thị).

Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi, viết: tư vô tà” (nghĩa là: Thi có ba trăm thiên, nhưng chỉ một lời có thể trùm được là: không nghĩ bậy - Luận ngữ, Vi chính).

Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khã dĩ quần, khả dĩ oán, nhĩ chi sự phụ, viễn chi sự quân, đa thức ư điểu thú thảo mộc chi danh” (nghĩa là: Xem Thi có thể phấn khởi được ý chí, xem xét được việc hay dở, hòa hợp được với mọi người, bày tỏ được nỗi sầu oán, gần thì học việc thờ cha, xa thì học việc thờ vua, lại biết được nhiều tên chim, muông, cỏ, cây - Luận ngữ, Dương Hóa).

Khổng Tử  đã khen Kinh Thi về cả hai phương diện: luân lý và văn chương. Xem những lời trên đây, ta biết Kinh Thi có một giá trị không nhỏ.

Muốn thưởng thức văn chương Kinh Thi, ta phải xét về từ và ý của các thiên trong tác phẩm đó. Mà đã nói đến Thi, tức là phải nghĩ tới nhạc, vậy trước hết ta phải xét qua cú cách và âm điệu các thiên trong Kinh Thi, rồi tiếp theo đó, ta sẽ tìm hiểu nội dung của những thiên ấy.

Như chúng ta đã biết, Kinh Thi gồm có 305 thiên, nhưng số chương trong các thiên không theo một luật nhất định: thơ Sô ngu (Trâu) có 2 chương, thơ Tang nhu có đến 16 chương. Số câu trong mỗi chương cũng thế: thơ Cam đường mỗi chương có 3 câu, thơ Hán dịch mỗi chương có 12 câu. Số chữ trong mỗi câu cũng không đều: có câu 3 chữ như: Giang hữu chữ, Chi tử quy (Thiệu nam, Giang hữu tự); có câu 5 chữ như: Thùy vị tước vô giác, hà dĩ xuyên ngã ốc? (Thiệu nam, Hành lộ); câu có 6 chữ như: Ngã cô chước bỉ kim lôi (Chu nam, Quyển nhĩ); có câu có 7 chữ như: Giao giao hoàng điểu chỉ vu tang (Tần phong, Hoàng điểu); có câu có 8 chữ như: Thập nguyệt tất suất nhập ngã sàng hạ (Bân phong, Thất nguyệt); có câu có 9 chữ như: Huýnh chước bỉ hành lạo ấp bỉ chú tư (Đại nhã, Huỳnh chước). Tuy vậy các thiên trong Kinh Thi phần nhiều làm theo thể 4 chữ.

Những bài trong Kinh Thi có cả cước vận và yêu vận, cách gieo vần rất rộng rãi tự do, không bị gò bó trong một khuôn khổ hẹp hòi, theo một định luật nghiêm khắc. Cũng như ca dao Việt Nam, Kinh Thi có nhiều phức từ và điệp ngữ rất hay[12]. Nhờ thế nên văn chương Kinh Thi đã giữ được cái âm điệu uyển chuyển tự nhiên, diễn tả dễ dàng ấn tượng của tác giả và có sức truyền cảm rất mạnh[13] . Tuy nhiên, muốn hiểu thấu triệt Kinh Thi, người ta phải nghiên cứu văn pháp và từ ngữ đời Chu. Bởi vậy, từ trước đến nay, giữa các nhà chú giải Kinh Thi thường có sự bất đồng ý kiến[14].

Nếu đem Kinh Thi ra phân tích, ta có thể tìm thấy trong tác phẩm ấy có những lối văn sau đây:

1. Tế tự

2. Chúc tụng

3. Yến ẩm

4. Phúng thích

5. Tự sự

6. Trữ tình

Các thiên Nhã, Tụng phần nhiều làm theo ba lối văn tế tự, chúc tụng và yến ẩm. Các thiên Quốc phong phần nhiều làm theo lối phúng thích, tự sự và trữ tình. Xét về phương diện kỹ thuật, phần Quốc phong tiến bộ hơn hai phần Nhã, Tụng. Bởi vậy người ta thường thích đọc Quốc phong.

Kinh Thi là một tác phẩm phản ảnh được thời đại của nó vì qua tác phẩm ấy, ta có thể biết được phong tục tập quán, tình trạng xã hội và chế độ chính trị của các nước chư hầu ở Trung Quốc ngày xưa. Ngoài những bài tả tình luyến ái giữa trai gái[15], tình chung thủy giữa vợ chồng [16], cảnh sinh hoạt của nông dân[17]. Kinh Thi còn có những bài tả nỗi thống hận của dân chúng đối với vua quan thời đó nữa[18]. Vì thế nên Tưởng Tổ Di đã xem Kinh Thi là một khảo chứng phẩm về nông nghệ thời cổ[19], Hồ Thích cũng đã dùng Kinh Thi để nghiên cứu trạng huống xã hội Trung Quốc trong giai đoạn mà Hồ gọi là “thời kỳ thai nghén triết học”[20].

 

(Nguồn: Bài Tìm hiểu Kinh thi của GS Bửu Cầm in trong: Khổng Tử, Kinh thi (Kinh Thi tập truyện), quyển Thượng, dịch giả Tạ Quang Phát, Nxb. Văn học, 2004, tr.17-27 )




[1] Đời Hán sơ, ngoài Mao Công, còn có ba nhà chú giải Kinh Thi là Thần Bồi, người nước Lỗ; Viên Cố Sinh, người nước Tề; Hàn Anh, người nước Yên. Bản của Thân Bồi gọi là Lỗ Thi, bản của Viên Cố Sinh gọi là Tề Thi, bản của Hàn Anh gọi là Hàn Thi. Ba bản này là kim văn, còn bản của Mao Công là cổ văn. Sau, Tề Thi mất về đời Ngụy, Lỗ Thi mất về đời Tấn, Hàn Thi mất về đời Ngũ đại, chỉ có Mao Thi còn truyền đến ngày nay.

[2] Truyện Nho lâm trong Sử ký chỉ nói đến ba nhà truyền Kinh Thi đời Hán sơ là Thân Bồi, Viên Cố Sinh và Hàn Anh, chứ không đề cập Mao công. Thiên Nghệ văn chí trong Hán thư mới kể đến Mao Thi và Mao Thi cổ huấn truyện (Mao Thi do Lưu Hâm phát kiến, Hán chí phần nhiều căn cứ vào thiên Thất lược của Lưu Hâm), nhưng không chép rõ tên thật của Mao Công và cũng không phân biệt Tiểu Mao Công và Đại Mao Công. Những tên Đại Mao công (Mao Hanh) và Tiểu Mao công (Mao Trường) thấy chép trong Thi phổ của Trịnh Huyền. Bản Mao Thi còn truyền đến nay, do Trịnh Huyền tien và Khổng Dĩnh Đạt sơ, nguyên là sách Mao Thi cổ huấn truyện đã kể trong Hán thư. Trong Thi kinh thông luận, Bì Tích Thụy lại ngờ rằng họ Mao chưa từng chú giải Kinh Thi, vì nếu việc ấy có thật thì cớ sao tác giả bộ Sử ký không nói tới. Đời Thanh, Trần Hoán có soạn bộ Thi Mao thị truyện sớ 30 quyển, đã xiển phát được vi ngôn đại nghĩa của cổ nhân và chú thích khá đầy đủ.

[3] Xem Tưởng Tổ Di, Thi ca văn học toàn yếu, Đài Bắc, Chính trung thư cục ấn hành, 1953, trang 30.

[4] Xem Tưởng Tổ Di, Thi ca văn học toàn yếu, Đài Bắc, Chính trung thư cục ấn hành, 1953, trang 30.

[5] Xem Tưởng Tổ Di, Thi ca văn học toàn yếu, Đài Bắc, Chính trung thư cục ấn hành, 1953, trang 30.

[6] Xem Tưởng Tổ Di, Thi ca văn học toàn yếu, Đài Bắc, Chính trung thư cục ấn hành, 1953, trang 30.

[7] Trên các thiên trong Kinh Thi đều có một đoạn tiểu dẫn gọi “Thi tự”. Thi tự chia làm hai phần: đại tự và tiểu tự. Tác giả Thi tự đến nay vẫn chưa được xác nhận. Theo Thẩm Trọng, đại tự do Tử Hạ soạn, tiểu tự do Tử Hạ và Mao công cùng soạn. Truyện Nho lâm trong Hậu Hán thư có chép: “Vệ Hoành làm ra Thi tự”. Trịnh Tiều trong Thi tự biện, cho Vệ Hoành là tác giả tiểu tự nên chủ trương tước bỏ phần ấy đi. Chu Hy, trong Thi tự biện thuyết cũng đồng ý với Trịnh Tiều, khi bàn về tiểu tự. Gần đây, những học gia chuyên trị kim văn (những kinh sách viết bằng lệ thư là lối chữ thông dụng đời Tần- Hán) đều công kích Mao Thi và tuyệt đối không tin Mao tự. Bì Tích Thụy trong Thi kinh thông luận mới dung hòa các thuyết và chủ trương rằng: Thi tự có điểm không đáng tin nhưng có điểm không đáng bỏ. (Xem từ ngữ Thi tự trong Từ hải, dậu tập, ngôn bộ, lục hoạch).

[8] Xem Lục Khản Như và Phùng Nguyên Quân, Trung Quốc văn học sử giản biên, in lần thứ 8, Thượng Hải, Khai minh thư điếm, 1949, trang 4.

[9] Xem Tưởng Tổ Di, Thi ca văn học toàn yếu, trang 35.

[10] Xem Lục Khản Như và Phùng Nguyên Quân, Trung Quốc văn học sử giản biên, in lần thứ 8, Thượng Hải, Khai minh thư điếm, 1949, trang 4.

[11] Ngụy Nguyên cho chữ hiệu nghĩa là thẩm hiệu và tin rằng Thương tụng là tác phẩm của Chính Khảo phủ. Vương Quốc Duy bác thuyết ấy đi, vì cho hiệu có nghĩa là hiến cho, thành thử câu trên phải giải thích như sau: Chính Khảo phủ hiến 12 bài danh tụng của nhà Thương cho Chu Thái sư. Theo Lương Khải Siêu, Thương tụng là những bài nhạc dùng trong lễ tế giao đời nhà Thương.

[12] Ở thiên Vật sắc trong sách Văn tâm điêu long, Lưu Hiệp có nêu những điệp ngữ trong Kinh Thi như: chước chước, tả vẻ tươi thắm của hoa đào; y y tả vẻ mềm mại thướt tha của cây liễu; cào cào tả ánh sáng hồng trong sáng lúc bình minh; tiêu tiêu, tả cảnh mưa rơi, tuyết xuống; gié gié tượng thanh âm của chim; yêu yêu thương thanh âm của giun dế, v.v...

[13] Hậu thế thi thể, giai uyên nguyên ư Thi Kinh (nghĩa là: Các thể cách thi ca đời sau đều bắt nguồn ở Kinh Thi. – Kê Triết, Trung Quốc thi từ diễn tiến sử, Hương cảng, Khai nguyên thư điếm tái bản, 1956, trang 7)

[14] Ta hãy lấy thiên Quan thư làm thí dụ. Các nhà chú thích Kinh Thi mỗi người có một nhận xét riêng về thiên này. Theo Thi tự, Quan thư nói về cái đức của hậu phi. Chu Hy, trong Thi tập truyện, cũng cho rằng thiên Quan thư do cung nhân nhà Chu làm ra để ca tụng bà Thái Tự, vợ của Chu Văn Vương. Nhưng Trương Siêu, La Bí và Vương Ứng Lân lại chủ trương khác hẳn. Theo Trương Siêu, trong Tiểu thanh ý phú, thì tác giả thiên Quan thư là Tất công, La Bí, trong Lộ sử, bảo rằng Bạo công làm ra thiên ấy, và cho Bạo công cũng như Tất công đều là người đời Chu Khang Vương (1078 – 1053 trước T.L). Vương Ứng Lân, trong Khốn học kỷ văn, thừa nhận thiên Quan thư là tác phẩm của một vị thi sĩ đời Chu Tuyên Vương (827 – 782 trước TL). Trương, La, Vương đều xem thiên Quan thư là thơ phúng thích. Trong Độc phong ngẫu chí, Thôi Thuật đã bàn về thiên Quan thư như thế này: “Nãi quân tử tự cầu lương phối, nhi tha nhân đại tả kỳ ai lạc chi tình nhĩ” (nghĩa là: Đó là kẻ khác thay lời người quân tử để tả cái tình vui buồn trong lúc mơ tưởng một người vợ hiền). Gần đây, có thuyết cho thiên Quan thư là thơ mừng tân hôn, đó cũng không phải là một kiến giải bất hợp lý. (Xem Tưởng Bá Tiềm, Tiêu Tần văn học tuyển, Đài Bắc, Chính trung thư cục ấn hành, 1953, trang 7).

Trên đây là nói về đại ý của một thiên, còn như đi sâu vào chi tiết của từng thiên thì các nhà chú thích Kinh Thi lại càng có nhiều điểm bất đồng và mâu thuẫn nhau nữa.

[15] Thiên Quan thư tả tình luyến ai tư niệm rất thân thiết giữa người quân tử và một người thục nữ; thiên Giáo đồng tả lời thiếu nữ tự kể chuyện mình vì thương nhớ người yêu mà bỏ ngủ quên ăn; thiên Tương Trọng nữ tả nỗi lòng u ẩn của một cô gái đa tình: phần thì luyến ai người yêu, phần lại lo sợ cha mẹ, anh em, họ hàng can thiệp vào mối tình thầm vụng của mình, v.v...

[16] Thiên Bá hề và thiên Quân tử vu dịch tả người chinh phụ nhớ chồng mà biếng điểm trang.

[17] Các thiên Thất nguyệt, Phủ điều, Phong niên, Lương tỷ, v.v... đều tả cảnh sinh hoạt của nông dân rất tường tận.

[18] Trong thiên Phạt đàn, tác giả mạt sát những kẻ ngồi không mà hưởng, chẳng làm mà ăn (tố xan); trong thiên Thạc thử, tác giả gọi ngay kẻ bạo tàn ra mà nguyền rủa và quyết bỏ đi nơi khác, không ở với kẻ ấy nữa.

[19] Xem Tưởng Tổ Di, Thi ca văn học toàn yếu đã dẫn, trang 38).

[20] Xem Hồ Thích, Trung Quốc triết học sử đại cương, quyển thượng, in lần thứ 10, Thượng hải, Thương vụ ấn thư quán, 1924, trang 35-42

Thông tin truy cập

63694683
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14975
23426
63694683

Thành viên trực tuyến

Đang có 675 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website