Nguyễn Văn Sâm(*)
TÓM TẮT
Cuốn Tỉnh mê một cõi không phải là một quyển kinh Phật, nó là một hóa thân của kinh điển để đến thật gần với chúng sanh: Giải thích Phật đạo bằng tín ngưỡng bình dân, diễn tả những huyền nhiệm của sự tu hành và vai trò của người tu bằng hình ảnh sống động. Nó cũng không phải là truyện thơ bình thường nói chuyện phong tình, mua vui, mua cười, chấp chảnh góp nhặt lời quê. Nó khác xa với văn chương của người đời, kể cả Truyện Kiều. Nó đứng trung gian giữ đạo và đời. Ở mặt nào cũng làm tròn vai trò mà những người góp phần tạo ra nó đã định trước.
1. Tôi mất mấy năm từ khi có được bản Nôm Hứa Sử, hăng say mày mò đọc, đến khi in xong sách nầy lần thứ nhứt. Lý do có nhiều. Ngoài sự khó khăn trong chuyện phiên âm do sách xưa chữ nghĩa thâm thúy, từ ngữ chuyên đạo ẩn tàng nhiều tư tưởng cũng như nghĩa cổ mà tôi càng đọc, càng chú giải càng thấy rằng cần phải suy nghĩ thêm, chú giải thêm để giúp cho người đọc dễ hiểu hơn, còn có sự băn khoăn của tôi về sách Toàn Tập Toàn Nhật Quang Đài của thầy Lê Mạnh Thát. Sách nầy đã in hai lần, lần trước vào năm 1979, lần sau gần đây, năm 2005. Lần nào thầy Lê Mạnh Thát cũng xác quyết Hứa Sử Truyện Vãn là tác phẩm của Hòa Thượng Toàn Nhật. In sách nầy mà không nói gì đến tên tác giả Toàn Nhật coi có dị lắm không?
Rồi đầu năm ngoái (2014) tôi hân hạnh gặp thầy Lê MạnhThát, có nói về suy nghĩ của mình, thầy cười thông cảm và khuyến khích tôi cứ tự nhiên. Mỗi người có lý giải riêng, cách đọc và hiểu vấn đề riêng, người đọc được biết thêm điều gì đó cũng còn tốt hơn là sách làm dang dở rồi bỏ xó phó mặc cho bụi bặm thời gian. Hơn nữa, thầy nói “cung cấp cho đời thêm một bản Nôm tốt cũng là có công và cần thiết” cho việc bảo tồn văn hóa. Người xưa tốn thiệt nhiều thời giờ và công sức mới sao chép được một bản Nôm, nay ta in một lần vài ba trăm bản lại có phiên âm và chú giải sao lại không in? Tuy vậy, tôi không thể đi vào các chi tiết Phật học hay triết lý Phật giáo vì khả năng hạn hẹp của mình về vấn đề nầy, chỉ có thể căn cứ trên bản văn Nôm và suy nghĩ về những cách đọc của người đi trước mà làm chuyện phiên âm lại và chú giải theo đường hướng soi sáng bản văn về mặt văn học và ngôn ngữ. Công việc nhằm hi vọng giúp cho người đọc hiểu rõ hơn, hiểu đúng hơn nội dung tác phẩm.
Các hữu kỳ phận! Biết đến đâu thưa đến đó!
Hứa Sử Truyện đích thực là truyện của một người tỉnh thức khi sống trong Cõi Tỉnh Mê của trần đời. Bấu víu vào đời, tranh danh đoạt lợi, sống theo bản năng con người là sống Kiếp Mê (Muội) của đời chúng sinh huyễn hoại. Thức tỉnh để giũ bỏ, dứt khoát với những hệ lụy, bước vào đường hạnh tu là sống Đời Tỉnh (Thức) của đạt giả thường tồn. Hứa Sử đã sống đời tỉnh thức. Toàn văn là hành trạng tu hành của ông và một người có thể nói là kiếp sau của ông, cho nên tôi lấy ý toàn văn mà gọi truyện Hứa Sử là Tỉnh mê một cõi. Cõi đời đồng thời là Cõi tu tùy theo lối sống của từng người. Cõi đời của chúng sinh với những ham muốn, tranh giành, phiền muộn… để rồi sẽ tiếp tục những kiếp sau, kiếp sau. Cõi tu của thiểu số chúng sanh giác ngộ lẽ đời lẽ đạo để dứt bỏ những ràng buộc và ngăn trở của đời để bước vào cuộc sống tu hành mong dứt được sự kiện kiếp sau, kiếp sau.
Tác phẩm hơi dài vì tác giả muốn đưa vào đấy hầu hết những vấn đề căn bản của sự việc tu hành:
- Tu ở thành thị hay lâm tuyền, chốn nào có lợi cho sự tu, người tu?
- Trong khi tu tập có thể gặp những ma chướng, phiền nào, đàm tiếu, thái độ của người tu hành phải như thế nào?
- Thầy dạy đạo của mình lỡ sa đà, vướng vào vòng tục lụy, thái độ mình là đệ tử hành sử sao cho phải đạo?
- Nước nhà có loạn, mình có tài an bang, nên cầm quân dẹp giặc chăng, nếu cầm quân thì phải làm sao giới hạn sự sát sanh đến tối thiểu?
- Muốn đi tu mà vợ con cản trở, đồng liêu thuộc hạ khuyên bảo nên ở lại giúp nước phò vua thì mình phải làm gì?
Còn nhiều vấn đề thực tế khác mà người đọc với căn cơ và kiên định sẽ thấy và vạch con đường theo để thực hành một đời sống Tỉnh Thức cho riêng mình.
Sách được một vị chân tu nào đó viết ra trên giấy để lại trong chùa nào đó, Hòa Thượng Toàn Nhật với hạnh ngộ được đọc, giác ngộ bèn chấp bút, kêu gọi khắc in. Không biết trước đó đã có ai sửa thêm gì không, không biết Ngài Toàn Nhật đã thêm vào bao nhiêu tư tưởng của mình, sửa biết bao câu văn trong nguyên bản, nhưng chắc chắn rằng những gì tác giả đi trước nói đã được Ngài giữ ít nhất là ở phần cốt lõi. Vì vậy tôi chủ trương tác phẩm nầy thuộc về công đức chung của các thiền sư hơn là riêng một vị. Điều nầy cũng không có gì sai trái vì thật ra tác phẩm văn chương và nhất là tác phẩm tôn giáo của Việt Nam hầu hết đều vô danh. Vô danh do nhiều lý do, trong đó có sự cố tình của tác giả gạt bỏ tên mình ra khỏi tác phẩm vì coi cái tên của mình vốn không quan trọng. Từ sự vô danh đó, tác phẩm được người nầy người nọ thêm thắc, sửa đổi, khiến cho đa phần tác phẩm của người Việt trước đây, khi văn minh Tây Phương chưa thống nhập, là công trình của đám đông không tên nhiều hơn là thuộc về một cá nhân cụ thể. Đối với một nhà sư, sự vô danh trong việc trước tác còn quan trọng hơn vì mang ý nghĩa triết lý về kiếp nhân sinh không trường tồn, chỉ là một mắt xích trong chuỗi thời gian thường tồn của cái chơn linh mỗi người.
Kiếp người là một sát na tạm bợ, là đời sống của sương sa, sấm chớp. Lạc vào cõi trần thế nầy một đời chỉ là vài giây phút so sánh với muôn ngàn kiếp của cái chơn linh, chơn giác nên sẽ ra đi không lưu ảnh, ở không nhất thiết lưu hình, trước tác vì vậy được phóng ra đời mà không cần lưu danh.
Quan niệm vô danh về tác phẩm của mình nằm trong quan niệm lớn hơn mà quyển Tỉnh mê một cõi nầy có nói, dầu chỉ phớt qua. Khi một vị cao tăng sắp tịch đọc câu kệ rằng mình chết chỉ là từ bỏ cái thân hư huyễn, cái áo lớp ngoài của một đời nầy, trong khi đó cái tánh chơn giác, cái linh hồn, cái làm nên chuỗi kiếp kiếp của con người thì bao giờ cũng vẫn còn:
Thầy nay tuy bỏ huyễn khu (thân xác ảo huyễn),
Một tánh chơn giác muôn thu như còn.
Đây là tư tưởng chánh của quyển sách. Có thể không mới – tìm một tư tưởng mới trong dòng đạo lưu truyền mấy ngàn năm thiệt quá khó – nhưng quan trọng khi nằm trong một tác phẩm văn học phổ biến tới mọi từng lớp đại chúng, một quyển kinh đời lưu thế, chớ không phải một quyển kinh đạo, vốn giới hạn trong sự giao truyền, chuyển tải tư tưởng.
2. Có nhiều chứng cớ để xác định rằng Tỉnh mê một cõi là sản phẩm của thế kỷ 18, dầu bản khắc chúng ta có được đề năm Canh Thìn (nhiều xác suất là 1880), chẳng hạn như:
(1) Thỉnh thoảng có xen kẽ những câu thơ thất ngôn:
Khen rằng phước đức có dư,
Cha mẹ biết đạo con tu thêm mầu.
Thầy chớ rầu mà lòng bối rối,
Cha mẹ đà về cõi Thiên tiên.
hay:
Tạo chùa chiền, làm cầu, thí giếng,
Cùng đắp đường tích thiện phóng sanh.
hoặc:
Táng thầy rồi ra vô thơ thẩn,
Lòng băn khoăn ghe thảm sầu tây.
hay:
Giác tánh không hình thành chánh quả,
Cõi Diêm vương khó quá người ôi!
những câu thất ngôn là biến thái của thể loại văn chương đời Lý Trần, của Tô Công Phụng Sứ, của thơ Nguyễn Biểu, thơ Vương Tường, thơ Bạch Viên Tôn Các…
(2) hiện diện nhiều từ xưa và cách dùng xưa.
Chẳng hạn như ròng thiền tỉnh tu (tu thiền), thiền song (ở chùa), năn nỉ (bàn bạc, thảo luận), bỏ rãy (bỏ lúng, bỏ phế), lời thế bia bài (miệng đời nói xấu), chang chang (quá nhiều), trối thây (kệ họ), đè (đoán chừng, phỏng đoán), tráo trở (thay đổi), khoản thầy (cách mặt thầy), bàn luận vừa thôi (suy nghĩ xong), dong xá (tha thứ), người vạy vò (người không ngay thẳng), bộn nhộn (lộn xộn), khẳm (đầy, nhiều, no), dón lại (tóm lại), toa (toan tính, suy nghĩ), chưa siêu (chưa hiểu rõ, chưa được thuyết phục), chầu (lúc), ngục rạc (ngục tù), mồi ngon (món ăn ngon), tuông pha (công kích vô tội vạ), chấp trước (để ý, lấy làm điều), chân bước dần dà (chân lần từng bước chậm), làm đôi bạn lành (làm bạn thân), tay nầy (chính ta), nghĩ nào (hơi nào), phá của (bỏ tiền ra), đặng thời (gặp may), lành nhơn (người lành, người hiền), trái lòng (bất bình), lên xuống đời đời (luân hồi), bát ngát (buồn bả quá lắm), đâm đót (nói châm chích, nói chọc giận)…
(3) ghi được cách nói xưa và nhứt là những từ đơn chỉ dùng ở tác phẩm trước thế kỷ 19, sau đó thì đã trở thành từ kép.
Đặng chi (kiếm được món gì), tưởng đi viếng thầy (chỉ nghĩ đến chuyện đi thăm thầy), vắng chầy (vắng mặt lâu), thế đi chẳng chầy (coi bộ chết không lâu), lòng nỡ yên đâu (không thể làm lơ), bỏ trong Phật pháp (bỏ Phật pháp), việc trong tội phước (việc tội phước), cậy (nhờ), nắm tay (chắp tay), thế thì (người đời), do sự (lý do), buông tình (thả lỏng tình cảm, để bị lôi cuốn vào chuyện xấu), ngửa rước (rước cách trịnh trọng)….
Sự kiện nầy thỉnh thoảng thấy được trong tác phẩm ở Nam thời gian sau đó không xa, chẳng hạn từ ải ô là tiếng kêu vì đau đớn, theo HTC, ta thấy trong Quan Âm Tế Độ, t147, 5700: Oan hồn bốn phía đạp xô/ Trang vương chắc lưỡi ải ô than dài.
(4) Những bài văn tế, những bài thơ Đường chen lẫn vào trong bản văn cũng là vết tích của thời đại, chứng minh rằng tác phẩm nầy xưa hơn Đoạn Trường Tân Thanh, Phan Trần, Lục Vân Tiên để kéo về cùng thời gian với sự xuất hiện của Hoài Nam Khúc, của Tư Dung Vãn, của Ai Tư Vãn…
(5) Những câu thơ lục bát có vần ở chữ thứ tư nhan nhản trong toàn tác phẩm cũng là bằng chứng của sự ra đời sớm trong dòng văn học khi tác phẩm dài bằng thể lục bát chưa thiệt sự định hình chứ không phải là sự non tay nghề của tác giả.
Chẳng hạn:
Thương thầy khổ hạnh núi non,
Bây giờ chẳng còn lên xuống viếng thăm.
hay:
Đến khi về đã hầu gần,
Vua sai hai tán ra thành tiếp nghinh.
hoặc:
Tội kia biết đáng mấy thây,
Nhưng mà ngày rày nó đã đầu ta.
hay:
Triệu Tân nước mắt rưng tròng,
Cúi trước sân rồng vạn tuế tung hô….
3. Một điều đáng nói nữa là tác phẩm nầy chắn chắn là công trình tim óc và chấp bút của những người Miền Nam với nhiều từ ngữ đặc biệt của vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh được sử dụng nhuần nhuyễn, chỉ có mặt trong tự vị của Huình Tịnh Của mà những tác giả Bắc, Trung trước đó hay sau đó nếu có dùng thì cũng là rất ít, chỉ thấy một, vài lần rồi không thấy nữa. [Chẳng hạn như từ bông (hoa) ai cũng nhận là từ Nam nhưng câu ca dao nói về công chúa Huyền Trân đã có xài chữ nầy rồi. Từ mần cũng vậy, thấy trong bài thơ Hỏi Mặt Trăng của Lê Thánh Tông:
Buổi tối mần chi soi gác tía
Ban ngày sao lại thẹn vầng son?
(Dĩ nhiên là những lý luận trên với sự dè dặt rằng câu ca dao thiệt sự xuất hiện không xa quá thời của Huyền Trân và bài thơ của Lê Thánh Tông là của chính ông cũng như người đọc và viết Nôm đã đọc, viết đúng.)
Nói rằng tác phẩm của Miền Nam là căn cứ trên tổng thể. Người đọc tinh ý sẽ thấy trong tác phẩm tính chất Nam vượt trội không chỉ về từ ngữ mà cả về cách diễn tả, về sự dùng một nhóm chữ đặc biệt không thấy ở miền ngoài..
Một vài từ chắc chắn là đặc trưng của Bắc, Trung (nghỉ, mô) có mặt ít oi trong tác phẩm chỉ là vết tích còn lại của sự di dân Nam tiến thời các chúa nhà Nguyễn, chưa biến mất khi định cư trong Nam vì cách thời gian di dân ban đầu không bao nhiêu lâu, cách nói mới hay từ ngữ chịu ảnh hưởng của vùng đất mới chưa có dịp tác động mạnh mẽ. Những chứng cứ nầy chúng tôi thỉnh thoảng nhận xét ở phần sơ chú.
4. Tư tưởng chánh trong tác phẩm là tư tưởng của đạo Phật bình dân. Nói là bình dân vì người ta hiểu đạo Phật theo những cách sau: (1) làm lành lánh dữ, nói cách khác là hành thiện (2) nguyên lý nhân quả chi phối cách hành xử của con người, nếu ai đó làm lành thì sau nầy sẽ được lên cõi Trời, cõi Phật, không còn bị vướng mắc trong lồng trần để luân hồi nữa, nếu ai làm ác sẽ bị trị tội ở Địa ngục sau khi chết. (3) tu hành có hai cách hoặc là tu phước như vợ chồng Đào thị, đến chùa làm Phật sự, kính thầy, tạo thiện duyên, không cần biết kinh kệ, chỉ chuyên cần niệm A Di Đà Phật là đủ, hoặc là tu huệ như Đổng Vân, như Hứa Sử, cát ái ly gia, bỏ hết quyền chức trong đời mà vào chùa, sống đời sư sãi, đọc kinh sách Phật để tìm hiều sâu hơn. Trong cả hai cách tu điều căn bản là tin tưởng rằng cuộc thế nầy là huyễn, thân hình ta cũng là huyễn. Dĩ nhiên các thầy tu huệ nếu đào sâu những gì kinh kệ dạy, thực hành và sống với những điều đó thì trở thành người theo Phật đạo chơn tông, chơn truyền, đã theo Phật đạo, không còn là người tín tu theo đạo Phật bình dân nữa.
Trong những điều dạy, Tỉnh Mê Một Cõi chỉ nhắc đến chuyện tu mà không khuyến khích chuyện mở chùa, không nói đến chuyện xây chùa lớn nhỏ vốn là nỗi lo lắng đời đời của sư sãi khắp mọi nơi. Điều nầy có lẽ những người viết đã thấy rõ rằng chấp vào chuyện xây dựng chùa là chấp vào những sinh hoạt ‘chùa sự’ không còn đủ thời giờ để thực hành ‘Phật sự’.
Người tu hành đồng thời là người dân của một quốc gia, cho nên thỉnh thoảng cũng có trường hợp khó xử: Phải hành động thế nào khi nước nhà có giặc ngoại xâm? Tác giả Tỉnh Mê Một Cõi đưa ra trường hợp của tướng tài Đổng Vân đi tu mà bị vua vời ra dẹp giặc. Nhận lời là sẽ dính vào chuyện giết chóc. Ông suy nghĩ và sau khi được sự giải thích cùng cho phép của sư phụ, đã xuống núi lãnh nhiệm vụ cầm binh. Điều đáng nói là ông đã ra hịch vỗ về hứa tha địch trước khi ra trận, không phải trang bị quân mình bằng tư tưởng thù hận mà bằng tư tưởng phải giúp nước. Khi thắng trận (địch đầu hàng) thì ông đối xử với cựu địch bằng tình thương, bảo đảm giúp họ trở về nước an toàn, giữ lời hứa... Tóm lại, mọi hành động của sãi-tướng Đổng Vân đều nhằm làm giảm thiểu sự tổn vong trước và sau cuộc chiến. Bài học nầy người tu hành nào chắc chắn cũng học nhưng mấy ai đã theo. Mới đây một nhóm sư sãi Thái Lan tuyên bố giết người chống lại nhân dân Thái là giết những con quỷ, là nghĩa vụ của mọi người Thái, không là sát sinh. Ở Miến Điện cũng vậy, nhà sư Wirathu cổ vũ lòng thù hận với sắc dân thiểu số Rohingga theo Hồi giáo đang sống ở Miến. Tôn giáo và dân tộc có thể đối nghịch, nhưng người tu hành phải giảm thiểu những đau thương có thể xảy ra là chánh. Câu nói quan trọng trong Hịch Đánh Trịnh của Nguyễn Hữu Chỉnh sao mà giống với hành động của Đổng Vân:
Gặp loạn đành dẹp loạn mới xong, ấy vương giả có phen binh cách;
Hội thuận thiên thế đừng được chửa, việc chinh tru lòng há muốn ru?
Hai câu quan trọng đánh giặc bằng văn đức trước khi gia binh nghĩ là phần quan trọng trong tác phẩm nói về vấn đề xung khắc giửa tôn giáo và bình loạn:
Trước ra văn đức vỗ lòng,
Bằng nó cứng cổ, sãi dùng gia binh.
5. Một điểm đặc biệt là tư tưởng trong nầy pha trộn giữa niềm tin Phật giáo, yếu tố cơ bản, kết hợp với vài giáo điều căn bản của đạo Nho, những di luân (彝倫). Chẳng hạn như Đề cao vai trò và vị thế của người thầy:
Vua bèn phán hỏi lời nầy,
Khỏi tội vì thầy bây có biết chăng?
Phải thầy mà chẳng chánh nhơn,
Thời đã khinh báng Phật, tăng tung hoành..
Con người tu hành cũng cần có căn duyên mới được gặp thầy xứng đáng. Nếu không gặp thầy ngu mê, không biết dạy kinh kệ, lẽ đạo mà dạy những điều tầm thường như thắp nhang đèn, lạy Phật, bói toán thì mình có tu cũng vô ích thôi:
Không duyên gặp thầy vô minh,
Những ông trá huyễn tu hành, ăn chơi,
Chẳng biết điều chi dạy người,
Cứ môn lạy Phật, hôm mai hương đèn,
Vào làm bổn đạo cầu duyên,
Những ông làm vậy mình nên ích gì.
Chẳng hạn như ý niệm ngũ thường được đưa ra như là căn bản của sự sống tốt đẹp của con người mà không có nó thì là sai quấy lớn:
Năm hằng chẳng giữ, theo về súc sanh,
Giải thích căn nguyên của tư tưởng nầy tôi cho rằng đó là sự pha trộn giữa quan niệm tôn trọng Phật, Pháp, Tăng với quan niệm đề cao Quân, Sư, Phụ nói riêng. Thầy dạy đạo của mình trên căn bản là một vị tăng cộng với vai trò của người thầy khai hóa cho mình, không thể vì bất kỳ lý do nào mà từ bỏ, phỉ báng tăng, khi tăng đó đã là thầy mình.
Ngoài ra ảnh hưởng của vài tư tưởng căn bản của Nho giáo như nhơn, nghĩa, lễ, trí, tín tác phẩm cũng bàng bạc những ý niệm Nho khác như tình bằng hữu chỉ ư tín, như thờ vua, như vị quốc, như đề cao tứ ân…
Nhìn cao hơn, thì tư tưởng pha trộn nầy là chọn thái độ sống chấp nhận thân thể là hư huyễn để không bám víu, không phục vụ cái thân con người nhưng cũng đồng thời tôn trọng những nguyên lý căn bản của luân thường mà ta gọi là di luân vì người tu hành cũng đồng thời là con người của gia đình, của xã hội.
Tư tưởng quan trọng khác trong của tác phẩm là lý giải sự ly gia cát ái. Con người muốn tu thì phải dứt khoát dứt bỏ tình gia đình, tình chồng vợ, nghĩa vua tôi. Dứt bỏ không phải buông rơi vô tình mà để qua một bên tình cảm nầy hầu tinh chuyên tu hành. Hứa Sử khi còn trẻ đã để tình con cha qua một bên mà dứt khoát theo thầy đi tu. Ông Đổng Vân khi làm quan đã ‘quyết một’ từ quan để qua một bên chuyện thờ vua (sau nầy có chuyện thì vẫn giúp vua) cũng như để tình vợ chồng, tình phụ tử qua bên cạnh mà dứt khoát đi tu. Về chuyện vợ chồng ông nói rõ: Cũng vì đôi chữ ái ân, Cho nên lúng túng lồng trần khó ra. Ông biện luận rằng mình đi tu trước là giải thoát cho mình nhưng cũng là giải thoát cho vợ con. Vậy là trên căn bản người đi tu cũng còn có nghĩa phu thê, nhưng nay đã chuyển hóa dưới một hình thức khác hơn, phù hợp hơn do ảnh hưởng của Phật giáo.
Một đoạn dài của tác phẩm nầy là sự thưởng phạt của Diêm vương và sự đối thoại, giảng dạy của ông ta đối với Hứa Sử mục đích là sẽ qua sự lưu truyền của Hứa Sử sau nầy những hành vi ăn ở cho phải đạo của con người như hành thiện, tránh ác sẽ được tuân thủ vì con người sẽ sợ hãi những sự trừng phạt sau khi chết.
Ý niệm thưởng phạt hồn con người sau khi chết là sự đẩy mạnh tư tưởng nhân quả. Triết lý Phật giáo giải thích và đề cao lý nhân quả, nhưng Phật giáo bình dân như Tỉnh mê một cõi, như Hồi dương nhơn quả, như Quan Âm tế độ diễn ca dùng quan niệm nhân quả để đưa tới sự thưởng phạt của Âm Ty hầu tạo cho con người ý niệm: Tham Thiên đường phải giữ lòng lành, sợ địa ngục nên chừa thói dữ. Lòng tham, ý sợ đó không có gì đáng chê trách khi con người hướng thiện và chừa sự tàn ác…
6. Chúng tôi chú trọng nhiều đến sự giải thích những từ khó có thể làm cho người đọc hiều lầm hay không hiểu gì cả. Những quyển tự điển xưa như Annam - Latinh của LM Taberd, Việt Bồ La của LM De Rhodes, Đại Nam Quốc âm tự vị của nhà văn Quốc ngữ tiên phong Huình Tịnh Của rất ích lợi trong việc nầy. Dùng chú giải tác phẩm Nôm thế kỷ 18, 19 thì tự điển Huình Tịnh Của (HTC) là thích hợp nhứt. Ta sẽ không hiểu tòa khang là gì, hàng thuyền là sao, lọc đọc nghĩa gì nếu không có tự điển HTC.
Câu sau đây trong Tuồng Joseph là tuồng hát bội viết bằng Quốc ngữ của Trương Minh Ký, in tại Sàigòn năm 1888, trg 16 xưa kia tôi hỏi nhiều sinh viên ban văn chương Việt Nam, thường không được câu trả lời thỏa đáng:
Cuộc đời còn mất dường như mộng,
Người thấy nở tàng dát thể bông.
Hay gần hơn: Một câu trong tác phẩm xuất hiện 36 năm sau đó, cuốn tiểu thuyết Ơn Nước Nợ Nhà của Cao Hải Để, Imp. De Centre, Sàigòn, 1924:
“Đào Thanh hỏi: ‘Té ra ông cũng gồm no võ nghệ nữa sao?’ ”
Thiệt ra không phải chữ xưa, văn xưa mới khó hiểu, ngay cả thơ Nguyễn Bính, cũng không phải dễ thấu đạt đối với người thời nay. Chữ nghĩa ra đời rồi thì chính nó càng ngày càng xa cách người đọc. Thử đọc đoạn sau để tự hỏi chúng ta hiểu đến đâu những chữ yếm lụa sồi, dây lưng đũi, áo tứ thân, khăn mỏ quạ, quần nái đen.
Nào đâu cái yếm lụa sồi,
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang Xuân.
Nào đâu cái áo tứ thân,
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen.
Việc chú giải cần thiết xiết bao! Ích lợi cho cả hai đàng: người làm việc chú giải và người đọc.
7. Điều đáng nói là sách Tỉnh mê một cõi gồm hai phần rõ rệt. Phần đầu là cuộc đời tu hành của Hứa Sử từ lúc nhỏ đến khi siêu hóa để có được thần thông đi cứu bạn, cứu song thân. Phần thứ hai là đoạn Hứa Sử, lúc nầy đã ở vai trò của bậc Thanh Văn, xuống trần đưa sách nói về sự luân hồi và giải thoát cho người đời để họ biết lẽ tu hành. Kết quả là độ được nhiều người trong đó có trường hợp của Đổng Vân.
Không phải ngẫu nhiên mà sách chia làm hai phần như vậy. Đó là cách diễn tả sự tự giác và giác tha. Mình tu cho viên thành là bước đầu tiên. Sau đó bước thứ hai là cứu đời. Cứu đời gồm truyền đạt giáo lý để độ kẻ mê lầm và diệt trừ kẻ dữ. Đổng Vân đã làm tròn hai nhiệm vụ đó: giải thích lẽ giải thoát cho vua cùng các đại thần và diệt giặc …
Trong tuồng hát bội Nôm Tây du ký, xuất hiện vào thế kỷ 19, Tôn Hành Giả đã nói về hai mặt của giác tha khi phát biểu:
Về truyền đạo, (TDK, 73, 1b):
No nao lãnh đặng chân kinh,
Kẻo còn lận đận lộ trình gian nan.
Về diệt trừ kẻ dữ ác, (TDK, 71, 1a):
Chí dốc vương vai cửa Phật,
Mỗ nay Hành Giả Ngộ Không.
Thoát hồng trần vốn chữa ưng lòng
Trừ yêu quái mới toan phỉ chí…
Cuốn Tỉnh Mê Một Cõi vì vậy không là một quyển kinh Phật, nó là một hóa thân của kinh điển để đến thật gần với chúng sanh: Giải thích Phật đạo bằng tín ngưỡng bình dân, diễn tả những huyền nhiệm của sự tu hành và vai trò của người tu bằng hình ảnh sống động. Nó cũng không phải là truyện thơ bình thường nói chuyện phong tình, mua vui, mua cười, chấp chảnh góp nhặt lời quê. Nó khác xa với văn chương của người đời, kể cả truyện Kiều, khi cuối truyện không có những câu công thức kiểu:
Lời quê chấp chảnh nên câu,
Chép làm một truyện để sau mua cười.
(Phù Dung Tân Truyện, bản Xuân Lan, Hải Phòng, 1911)
Nó đứng trung gian giữ đạo và đời. Ở mặt nào cũng làm tròn vai trò mà những người góp phần tạo ra nó đã định trước trong trí…
8. Đọc Tỉnh mê một cõi, tôi đọc chầm chậm, suy nghĩ để thấm thía ý lời, chắc chắn rằng độc giả cũng vậy. Một số câu (1) vì từ ngữ xa xưa, (2) vì người viết dịch thẳng các từ Hán Việt sang từ Nôm để đến được số đông Phật tử hơn, (3) vì vấn đề không nằm trong bình diện đời thường ta quen thuộc nên hơi khó hiểu, nhưng nếu chịu khó suy nghĩ thì cũng vỡ lẽ.
Sách được ra đời nhờ sự ủng hộ tích cực của một học giả kiệt xuất, Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, Giáo Sư đồng ý viết một bài giới thiệu dài giải quyết vấn đề văn học căn bản là thời đại xuất hiện của truyện thơ lục bát trong đó có Hứa Sử truyện vãn tức Tỉnh mê một cõi nầy, lại khuyến khích tôi nhiều lần: ‘Xin đừng chú ý đến sự tốn kém khi in một quyển sách khó lấy lại vốn mà hãy vui khi thấy một quyển sách tốt được ra đời. Hơn trăm năm trước ông Trương Vĩnh Ký đã làm việc ích lợi như thế.’
Sự ủng hộ tinh thần và vật chất của người đồng cảm cũng nhiều, không thể nêu tên ra hết.
Dĩ nhiên người phiên âm từ bản Nôm ra quốc ngữ trước đây cũng đáng được trân trọng, đó là cư sĩ Tịnh Quan Võ Văn Liêng (1930) và thầy Lê Mạnh Thát (1979); quí nhơn Nguyễn Văn Thoa nhượng lại tôi bản Nôm Giác Viên cũng là người được tôi ngưỡng mộ và thấy rằng mình cần ghi lại đây lời cám ơn chơn thành. Không thế, quyển Tỉnh mê một cõi nầy không có dịp chào đời và riêng mình, tôi đã chẳng có cơ duyên nhìn lại một vài vấn đề chữ Nôm và hạnh tu tập theo Phật đạo.
Âu cũng là cái duyên!
Riêng lần in thứ nhứt, tháng 2/2015 tôi chưa thật sự vừa ý, có thể nói là hơi hổ thẹn, vì phần tự vựng chưa làm được để có một bảng chữ Nôm của sách nầy, trong đó chắc chắn là có sự hiện diện của những chữ mà hai quyển Tự điển Nôm quan trọng của Viện Việt Học, CA (2009) và Nguyễn Quang Hồng, HN (2014) chưa kịp vét cũng chưa thực hiện được và nhất là những câu/chữ cần chú giải còn cần phải được thêm nhiều để người đọc hiểu chính xác hơn, sự chuyển tải tư tưởng của tác phẩm đến người đọc thông suốt hơn.
Lần in nầy, tháng 8/2015 một phần những bất cập đó đã được giải quyết. Bảng tự vựng đã có, người đọc sẽ dễ dàng kiểm chứng coi trong câu nào chữ Nôm đó được viết thế nào, cũng là dịp để thấy cách dùng từ khéo léo của người xưa. Chẳng hạn như từ chẳng 庒 đã được dùng ít nhứt là 27 lần với những thuộc từ khác nhau. Các chữ nào nếu hơi xưa xưa, nếu cách dùng khác ngày nay.. thường được giải thích. Phần dẫn nhập cũng được viết thêm để những ý tưởng căn bản của tác phẩm dễ thấy hơn.
Quyển sách nầy lưu thế được là nhờ sự ủng hộ của nhiều người, những vị sư đã cho tôi có dịp đem tư tưởng người xưa đến người đời nay, những người bình thường ngoài đời đã giúp tôi cách nầy hay cách khác, hoàn thành quyển sách…
Xin thành thật cảm ơn tất cả.
Nguồn: Tạp chí Văn hóa & Du lịch, số 26 (80), tháng 11.2015