Chữ Hán - Nôm trong giao lưu văn hóa Việt - Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

20190503 Lopol Cadire

Ảnh: Phonétique Annamite của Léopol Cadière

Trong giai đoạn bản lề giữa hai thế kỷ này, tiếng nói và chữ viết thực sự đã có sự giao lưu giữa hai dân tộc Việt Nam và Pháp, mặc dù có thể, mức độ giao lưu giữa hai bên là không ngang bằng nhau. Vậy thực tế, quá trình này đã diễn ra như thế nào?

Hoạt động của người Pháp

Người Pháp đã dụng công tìm nhiều cách để truyền bá và phổ cập tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ alphabetique, trong đó, đầu tư vào giáo dục là một hướng đi đáng kể, mở đầu là sự ra đời trường Thông ngôn ở Việt Nam. Tại Nam kỳ, một trường như vậy được khai giảng ngày 8 tháng 5 năm 1862, chính nơi đây, nhà Bác học Trương Vĩnh Ký đã có thời gian giảng dạy. Tại Hà Nội, một trường nữa cũng đi vào hoạt động năm 1866. Cùng thời kỳ này, tờ Gia Định báo do người Pháp lập ra được phát hành với mục đích cổ động sử dụng chữ Quốc ngữ. Năm 1897, trường Hậu bổ ra đời, chính thức khởi động một cuộc cải cách giảng dạy trong nhà trường Việt Nam đương thời, cụ thể là, lần đầu tiên, học sinh Việt Nam được nghe các bài giảng và dự các kỳ thi bằng chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp(1).

Bắt đầu "từ giữa những năm 1890, việc tiếp xúc giữa viên chức Pháp và Việt trở nên dễ dàng hơn, bởi vì các Tú tài và Cử nhân ngày càng nhiều người làm chủ được chữ Quốc ngữ cũng như tiếng Pháp.

Thành quả đôi khi còn xuất sắc hơn thế nữa, người Việt Nam khi ấy không những sử dụng được tiếng Pháp trong đời sống và trong công việc, có những người còn có thể chơi chữ với ngoại ngữ này. Marco Polo, người châu Âu nổi tiếng với phát hiện Ấn Độ, vào thế kỷ XIII, đã viết đôi dòng liên quan tới Việt Nam trong nhật ký du hành của mình:

"Và khi chúng tôi từ hòn đảo Java này ra đi, được 700 dặm giữa Midi và Garbin, chúng tôi thấy hai hòn đảo, một lớn và một nhỏ hơn, một có tên là Sondur và hòn kia là Condur"(2).

Sondur trong tiếng Pháp nếu đọc tách ra thành hai từ son dur có thể mang nghĩa là âm thanh chát chúa, nặng nề. Người Việt nào đó đã nói vui rằng, chắc vì ông Polo thấy tiếng sóng biển xô bờ ì oạp thế nào đó, nên liên tưởng đặt luôn tên ấy cho hòn đảo. Xin nói thêm, theo bản in Description du monde về chuyến đi của Marco Polo, chú thích cho biết:

Hai hòn đảo được Polo gọi tên ấy nằm trong một quần đảo đối diện với đồng bằng sông Mê kông, được biết đến với cái tên Poulo-Condor. Những hòn đảo này đã được các nhà địa lý học Ả rập miêu tả vào thế kỷ IX, họ đặt tên cho những hòn đảo này là Sundar Fulat, cách gọi Fulat này chắc chắn tương đồng với Poulo ; có lẽ những hòn đảo này đã được những người Trung Quốc biết tới với cái tên là K’ouen-louen. Những đảo này đã từng thuộc về đế chế Khmer, trải qua bước chân chinh phục của nhà nước An Nam - những người chiến thắng vương quốc Cham pa năm 1471 và vào thế kỷ XVII thuộc về lãnh thổ Nam kỳ hiện nay(3).

Việc sử dụng tiếng Pháp còn thâm nhập vào sinh hoạt thường ngày của người Việt, đương thời, người Việt Nam học tiếng Pháp đôi khi thấy buồn cười khi thấy ai đó được đặt tên là Chiến, bởi khi phát âm, từ này có thể giống với chien(chó, động vật rất được người Pháp yêu chuộng). Nhuần nhuyễn hơn, tiếng Pháp được kết hợp với tiếng Việt trong thơ song thất nhịp nhàng:

"J’écris tình thư une lettre

Gửi cho người six, sept années." 

đọc là:

Giê cờ ri tình thư uyn lét

Gửi cho người sít sét an nê.

nghĩa là:

Bức tình thư này đây tôi viết,

Gửi cho người sáu, bảy tuổi xuân.

Tiếng Pháp cũng có thể được tận dụng thanh điệu để đưa vào nhịp thơ song thất của Việt Nam:

"Couché donc mon cher petit

Maintenant fini papa." 

đọc là:

Cú sê đồng mông se pơ tí

Manh tơ năng phi ní pa pa.

nghĩa là:

Nào ngủ đi con yêu bé nhỏ

Cha con giờ xong việc rồi đây.

Những nỗ lực của người Pháp đưa tiếng nói và chữ viết mới vào xã hội Việt Nam đã đạt được những kết quả như trên và nhiều hơn thế nữa:

"Từ những trường Pháp - Việt được mở ra từ sớm tại thủ phủ của các tỉnh, rồi xuất hiện ở những trung tâm khác. Từ 42 trường sơ cấp với 4.874 học sinh vào năm 1910, đã tăng lên đến 66 trường với hơn 9.000 học sinh năm 1917(4)".

Trên nền móng của việc học bằng chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp, các môn học có tính thực dụng cho hoàn cảnh đất nước Việt Nam đương thời được đề cao, nhất là học về kinh tế, thương mại, công nghiệp, thủy nông, luật pháp...

Một điểm nhấn của người Pháp trong nỗ lực đẩy mạnh giao lưu Việt - Pháp là quyết định của Toàn quyền Đông Dương lúc đó là Paul Beau, cho phép: "... một số quan chức, viên chức hoặc một số trí thức gốc Bắc bộ và Trung bộ..., hàng năm được thực hiện chuyến du học sang Pháp(5).

Nếu đánh giá "mỗi du học sinh là một đại sứ" (6) thì quyết định nói trên đã tạo điều kiện tăng lên không ít các phái đoàn và nhân viên ngoại giao Việt Nam sang Pháp. Những chuyến du học này cùng với những tác động nhiều mặt khác có được do thời cuộc mang lại, đã thúc giục người Việt Nam thấy cần phải vận động để đổi mới mình nhanh mạnh và thấu triệt hơn nữa.

Cùng với giáo dục, người Pháp để tâm thực hiện nhiều nghiên cứu về Việt Nam, đặc biệt là đề tài ngôn ngữ. Silvestre từng nhận định trong nghiên cứu của mình về tiếng nói của người Việt:

“Rất dễ áp dụng chữ viết châu Âu của chúng ta để ghi lại ngôn ngữ này bằng cách sử dụng một số ký hiệu miêu tả âm dài, âm ngắn và thanh điệu. Duy có điều đáng buồn, bắt đầu từ người Bồ Đào Nha, là chúng ta đã biết tới những chữ cái không có cách phát âm chung, đó là ch, l và d không có gạch ngang(7)".

Một người Pháp khác là Edmond Nordemann (được phiên âm sang tiếng Việt là Ngô Đê Mân), Giám đốc Nha Học chính Trung kỳ, đã thể hiện rõ nét sự hào hứng của mình về mối giao lưu đa dạng giữa hai nền văn hóa. Trong Vài lời với độc giả Pháp khi giới thiệu và khảo cứu Cung oán ngâm khúc trong bản in bằng tiếng Pháp(7), Nordemann nhấn mạnh:

"Cuốn sách này là một phần trong chuỗi tác phẩm mà chúng tôi xuất bản với mục đích kép:

1. Phổ cập chữ Quốc ngữ cho người An Nam và từng bước, qua sự trung gian của chữ Quốc ngữ, (truyền bá) ngôn ngữ và kiến thức của dân tộc chúng ta.

2. Giúp cho đồng bào ta làm quen với những tác phẩm văn học bản địa nói chung. Những tác phẩm này nhằm để bổ sung cho những công trình về ngôn ngữ học An Nam và dân tộc học An Nam mà chúng tôi sẽ cho cùng xuất bản. Những tác phẩm này hoặc khác giúp cho bạn đọc của chúng ta tận dụng được kinh nghiệm cần thiết sau 27 năm cư trú trên xứ sở này, và về phần chúng tôi, cũng là để đóng góp cho mối hợp tác ngày càng thân thiết của hai dân tộc chúng ta, những ưu điểm để hiểu biết nhau thêm".

Bên cạnh những tác phẩm, những kiến thức về văn hóa Việt Nam được Nordemann dụng công truyền bá, không thể không nhắc tới những chuyên khảo về ngôn ngữ Việt Nam của Léopol Cadière. Đó là Phonétique Annamite(8) (Ngữ âm An Nam), Monographie de la semi-voyelle labiale en sino - annamite et en annamite(9) (Chuyên khảo về bán nguyên âm môi Hán - Nôm và An Nam), Le dialecte du bas-Annam(10) (Phương ngữ miệt hạ An Nam), Syntaxe de la langue vietnamienne(11) (Cú pháp của ngôn ngữ Việt Nam). Sự am hiểu sâu sắc về tiếng nói của người Việt giúp Cadière đưa ra những nhận định chính xác và có tính hệ thống về ngôn ngữ Việt Nam, tiêu biểu như:

“Tồn tại một phương ngữ của miệt hạ An Nam, cũng như tồn tại một phương ngữ của miệt thượng An Nam, và tồn tại cả một phương ngữ Bắc bộ cũng như chắc chắn tồn tại một phương ngữ vùng Nam bộ”.

Có thể nói, cho đến đầu thế kỷ XX, những công trình nghiên cứu này đã góp phần giúp cho đại bộ phận người Việt Nam có được cái nhìn tổng quan về cấu tạo ngôn ngữ của chính dân tộc mình.

   Người Pháp, không chỉ truyền bá ngôn ngữ văn tự mới và nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam, họ còn thực hiện phiên dịch nhiều tư liệu Hán - Nôm của Việt Nam ra tiếng Pháp, như G. Aubaret đã dịch Gia Định thành thông chí嘉定城通誌với nhan đề Description de Gia Dinh, Philastre dịch Hoàng Việt luật lệ 皇越律例 với tên gọi Code Annamite. Tại Thư viện Hiệp hội Á châu ở Paris (Pháp), hiện còn lưu trữ bản Hoàng Việt luật lệ 皇越律例 ký hiệu 401466, được ban hành vào niên hiệu Gia Long thứ 12 (1813), do chính quyền Pháp ấn hành và ban cấp cho các địa phương (大富浪沙印行頒給衙奉守).

Thêm nữa, để thâm nhập vào cuộc sống địa phương, nhiều người Pháp đã sử dụng tên gọi được Việt hóa hoàn toàn như Đức cha Vạn (Mgr Vandaele), Nguyễn Văn Chấn (G. Forçant), Nguyễn Văn Trí (Dayot), Nguyễn Văn Thắng (Vannier), Mặt Giời (Albert de Pouvourville), Ngô Đê Mân (Edmond Nordemann), Mặt Giăng (René Crayssac)... Đến nay, nhiều người còn nhớ câu chuyện về Mặt Giăng - dịch giả Truyện Kiều ra tiếng Pháp, người sở hữu kiến thức sâu sắc về tiếng Việt và có khả năng phiên dịch mẫn tiệp. Trong một buổi giao tiếp, những người lão luyện về tiếng Pháp còn chưa thể diễn đạt được câu đồng dao Việt Nam: Ông giẳng ông giăng... ra tiếng Pháp thì Mặt Giăng đã dịch ngay, đảm bảo nhịp điệu của nguyên bản: La luỷn la luyn...

Trong tiếng Pháp, la lune (phát âm là la luyn) có nghĩa mặt trăng (giăng), Crayssac đã tận dụng thành công sự gần như đơn âm của từ tiếng Pháp này, kết hợp sự đa dạng về thanh điệu của tiếng Việt, để dịch không chỉ câu đồng dao Việt Nam, mà còn chính là tên gọi bằng tiếng Việt của mình.

Việc tận dụng sự tương đồng về phát âm giữa các ngôn ngữ đã đưa vào ngôn ngữ tiếng Pháp một số từ mới, diễn đạt khái niệm mới mà trước đó chưa có ở Pháp, như longane (phiên âm từ long nhãn 龍眼, quả nhãn)typhon (phiên âm từ đại phong 大風, cơn bão), litchi (phiên âm từ lệ chi 荔枝, quả vải)... Đặc điểm của những từ mới này trong tiếng Pháp là sự mô phỏng âm đọc Hán - Việt của người Việt. Sự du nhập ngôn ngữ theo hướng từ Việt sang Pháp này chứng minh hiệu quả của sự giao lưu văn hóa có đi có lại giữa hai đất nước, dù có thể ảnh hưởng giữa hai bên là không cân bằng với nhau.

Nỗ lực của người Việt

Từ thế kỷ XIX, mặc dù triều đình Huế có những động thái chính trị bế quan tỏa cảng thì nỗ lực của nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam để xúc tiến giao lưu văn hóa với nước Pháp và nhiều quốc gia khác vẫn tự nhiên diễn ra. Họ, những người có cơ hội đặt chân đến Pháp, có thể là nhà nho học kỳ cựu như Phan Thanh Giản (1796-1887), Phạm Phú Thứ (1820-1881), Ngụy Khắc Đản (1817- 1878), Nguyễn Trọng Hợp ; có thể là người trẻ nhiều học thức như Đặng Văn Nhã, Nguyễn Văn Đào ; hoặc là người nơi cửa Phật như hòa thượng Thanh Cao; hay là bậc trí thức-người tiên phong của nền văn hóa mới như Trương Vĩnh Ký. Dầu rằng có thể có những nhìn nhận khác nhau sau mỗi chuyến sang Pháp, những vị sứ giả này đều để lại đến ngày nay, trong ghi chép của họ, bằng chứng về sự giao lưu văn hóa Việt-Pháp, Pháp-Việt. Ngụy Khắc Đản trong Như Tây ký 如西记(1863) đã nhận xét về ngôn ngữ của người Pháp:

"Người Tây không có sự phân biệt hai thanh bình và khứ, khi nói ra lại rất nhanh, thường có nhiều âm tiết gộp lại để phiên âm một từ, có khi có nối âm và đột ngột dừng lại, nghe như là thanh nhập"(13).

Năm 1912, trong Âu học hành trình ký 歐學行程記(VHv.1437), Nguyễn Văn Đào đã bày tỏ mục đích khi ghi chép tư liệu về chuyến du học sang Pháp của mình:

"Huống chi năm châu gần gũi, bốn biển láng giềng, không trở lại cái thời khóa cảng cài then nữa... Nếu không sưu tập biên chép để cung hiến cho đồng bào ta biết thì hiện tượng văn minh của nước lớn tuy đẹp đẽ mà chẳng được truyền, còn công phu du lịch nửa đời (ta) rốt cuộc cũng hóa ra uổng phí"(14).

Những tư liệu ghi chép với tâm nguyện như thế phải chăng có rất ít? Câu trả lời là không, bởi riêng tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hiện lưu trữ ít nhất trên hai chục văn bản về chín phái đoàn Việt Nam sang Pháp hồi thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Khảo sát bước đầu của chúng tôi về phông tư liệu này cho thấy, có 27 văn bản tác phẩm chứa đựng từ ngữ tiếng Pháp, 08 văn bản được dịch từ tiếng Pháp ra chữ Nôm và chữ Hán, 49 chuyên khảo Hán - Nôm về nước Pháp và 7 văn bản tác phẩm có sự góp công biên soạn của người Pháp. Có thể dẫn ra một vài ví dụ tiêu biểu: Legrand de la Liraye (tên phiên âm Hán-Việt là Lư Gia Lăng), với tư cách là viên chức dân sự ở Gia Định(14) đã viết tựa cho sách Đại Nam thực lục chính biên大南實錄正编, ông cũng là người dịch Đại Nam Gia Long thực lục大南嘉隆實錄 ra tiếng Pháp. Edmond Nordemann biên soạn văn bản và viết Vài lời với độc giả cho sách Hoa văn tự vựng toản yếu tập đồ華文字匯纂要習圖, Quảng tập hoa văn廣集華文, Tập Hán tự thức 習漢字識. Năm 1921, René Robin với tư cách là Công sứ Bắc kỳ đã ban hành Nghị định chỉnh đốn lại hương hội các xã An Nam ở Bắc Kỳ, phụ chép Bưu chính Từ hàn Dân luật議定整顿吏鄉會各社安南於北圻附劄郵政詞翰民律.

Bên cạnh đó, nằm rải rác trên nhiều địa phương là những tấm bia mà trong đó, chứa đựng một số lượng nào đó từ ngữ tiếng Pháp. Cụ thể, giữa nhiều chữ Hán là một số từ ngữ tiếng Pháp được khắc bằng chữ Quốc ngữ như MgrVandaele (Đức cha Vạn), Paris, nhà cimentsœur Gabrielcha MassardMr Hamilton, cha Cornille, cha Leury, cha Guidonvicaire trong bia Ồ thôn thánh đường 塢村聖堂(15) ở huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay là tỉnh Hà Tây) cũng như trong Thúc đê kỷ niệm bi束堤紀念碑(16) ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, Thanh Hóa bi ký 清化碑記(17) ở thành phố Thanh Hóa, Thanh châu Mật sơn kỷ niệm bi清州密山紀念碑(18) ở huyện Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa... Đó là chưa kể tới những tư liệu Hán Nôm hiện được lưu trữ ở nhiều nơi khác. Một ví dụ tiêu biểu, trong số hơn trăm văn bản ký hiệu B thuộc phông sách Việt Nam ở thư viện Quốc gia Pháp tại Paris, có 18 văn bản Nôm với rất nhiều từ ngữ tiếng Pháp và các ngôn ngữ alphabetique khác được thể hiện bằng chữ Nôm và chữ Hán để phiên âm các khái niệm Thiên chúa giáo.

Tuy vậy, nếu chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp chưa thể có được vị thế vững chãi của ít nhất hàng trăm năm lịch sử như chữ Hán và chữ Nôm, thì người Việt sẽ không thể sở hữu và vận dụng được triệt để những ngôn ngữ và văn tự mới. Chính vì thế, Trương Vĩnh Ký (1818 - 1898), vào năm 1865, ở cương vị phụ trách bài vở của tờ Gia Định báo, đã nêu lên rõ ràng ba mục đích để phát hành tờ báo này. Thứ nhất, phổ cập chữ Quốc ngữ tới toàn thể nhân dân Việt Nam; thứ hai, cổ động cho sự truyền bá nền tân văn trên lãnh thổ nước Nam; thứ ba, giục giã người Việt Nam học chữ Quốc ngữ. Trong báo cáo về sứ mệnh năm 1863 mà Trương Vĩnh Ký đóng vai trò phiên dịch chính cho các vị đứng đầu phái đoàn sang Pháp và Tây Ban Nha, ông bày tỏ:

"Trước được Đại nhân sức xuống cho bỉ chức, dùng chữ Quốc ngữ dịch thuật những sách khoa học kỹ thuật của phương Tây, bỉ chức đã nhận mệnh, chỉ có điều trong ý nghĩ của bỉ chức, có sở nguyện gì với Triều đình thì dám đâu không bẩm báo đầy đủ. Trộm thấy, dân phương Tây và Tân Thế giới sở dĩ được hưng thịnh phát triển như ngày nay, phần lớn là do ham học tập các sách khoa học đến thông hiểu mà thôi. Vậy nên, bỉ chức cho rằng, cần lệnh cho học sinh nhỏ tuổi ở các xã, tổng học chữ Quốc ngữ và chữ Tây để thông thạo được Quốc âm thì có khả năng đọc được những sách khoa học mà bỉ chức khái quát, dịch thuật. Vả lại, chữ Quốc ngữ rất dễ học, trong vòng không đầy năm, sáu tháng thì học sinh nhỏ tuổi sẽ biết được hết các chữ, cho nên không vướng ngại gián đoạn việc học chữ Hán. Về sau này, khiến các học sinh này tìm hiểu những sách mà bỉ chức dịch thuật thì có thể nắm bắt được khoa học kỹ thuật"(20).

Ý nguyện của Trương Vĩnh Ký không chỉ thể hiện khao khát đổi mới học thuật nước nhà, đó còn là dự báo về mô hình giáo dục mới ở Việt Nam. Cùng với các trường học do người Pháp mở ra, nhiều nhà cải cách Việt Nam cũng thành lập cở sở giáo dục. Đông kinh Nghĩa thục là một ngọn cờ nổi bật. Một nhóm các nhà trí thức, xuất thân nho học cổ điển, vào tháng 3 năm 1907, đã mở ngôi trường này trên phố Hàng Đào, Hà Nội. Ở đó, học sinh ở nhiều trình độ khác nhau, có người am hiểu chữ Hán, có em vừa kịp tuổi đến trường, đều sử dụng sách giáo khoa bằng chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp. Mặc dù tồn tại chỉ trong 9 tháng, Đông kinh Nghĩa thục cho đến nay vẫn được đánh giá là nét son về nỗ lực tự thân của người Việt Nam cho nền giáo dục nước nhà.

Chữ Hán Nôm trong buổi giao thời với chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp

Từ hai vị thế khác nhau của người Việt Nam và người Pháp, mỗi bên đương nhiên có mục đích và cách thức khác nhau trong việc làm mới tiếng nói và chữ viết của Việt Nam. Tuy vậy, chữ Hán và chữ Nôm vào giai đoạn thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX vẫn không bị quên bỏ. Đến tận năm 1917, học sinh của trường Pháp-Việt còn phải học thêm giờ về chữ Hán-Nôm do trình độ quá kém của họ về chữ viết tượng hình có truyền thống ở Việt Nam. Một trường hợp khác thể hiện điều này là Nguyễn Văn Đào - người trẻ tuổi trong số ít nhân tài trên toàn Đông Dương, được chọn để sang Pháp du học vào năm 1912. Ông đánh giá rất cao ích lợi của việc du học cũng như tầm vóc của văn hóa phương tây, tuy nhiên, ông vẫn dùng chữ Hán để miêu tả những điều đó:

"Riêng việc học thuật trước tiên ắt phải du học... Hết thảy các nước văn minh sở dĩ có thể đạt được giàu mạnh thịnh vượng, tuy được học thuật sẵn có làm cơ sở mà thực ra là nhờ du học từng trải... Đương lúc này đây, văn minh tiến hóa, giao thông các nước, thủy bộ đều rất tiện lợi, nên cử cả nước xuất dương du học... nhất thiết nên chọn nhiều người trẻ thông minh mẫn tiệp, phái sang nước lớn du học..."(21).

Có thể thấy, chữ Quốc ngữ - thành quả sáng tạo của nhiều thế hệ người Việt và người nước ngoài - vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, là phương tiện đúng lúc và hiệu quả giúp dân tộc Việt Nam có thể vượt cũ đổi mới. Sự thâm nhập tích cực của chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp trong nhiều lĩnh vực đời sống là một trong nhiều nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Phương pháp sử dụng cùng một hệ ngôn ngữ với các nước lớn ở phương tây đã tạo điều kiện để người Việt Nam lĩnh hội và tận dụng ưu điểm từ những quốc gia này. Nhưng dù sao, đương thời, cả hai ngôn ngữ mới này vẫn chưa thể bắt rễ sâu bền như Hán-Nôm, mô hình văn hóa và chữ viết đã tồn tại trong đời sống người Việt ít nhất từ hàng trăm năm. Để du nhập những khái niệm mới, những từ mới của bên ngoài, vốn chưa có trong tiếng Việt, sự phiên âm bằng chữ Nôm và chữ Hán đã được thực hiện, với phương pháp chủ yếu là mô phỏng âm đọc của từ ngữ gốc. Thao tác phiên âm này được diễn ra trên nền tảng của chữ Hán và sự phong phú của chữ Nôm. Trong giai đoạn chuyển giao từ thế kỷ XIX sang thế kỷ XX, phiên âm từ ngữ của phương Tây (nhất là tiếng Pháp, tiếng Anh) trở thành một hiện tượng đáng chú ý trong tư liệu Hán - Nôm.

Chú thích:

(1) Emmanuel Poisson: Mandarins et subalternes au Nord du Vietnam, une bureaucratie à épreuve 1820-1918 (Quan và lại miền Bắc Việt Nam, một bộ máy hành chính trước thử thách 1820-1918), Paris, Nxb. Maisonneuve et Larose, 2004, tr.209.

(2) La description du monde (Miêu tả thế giới), Toàn tập bằng tiếng Pháp, Mở đầu và Chú thích bởi Louis Hambis, Paris, Nxb. C. Klincksieck, 1995, tr.241.

(3) "il s’agit du groupe d’îles situées en face du delta du Mékong, qui sont connues sous le nom de Poulo-Condor. Ces îles furent déjà décrites par les géographes arabes au IXe siècle; ils les nomment Sundar Fulat, ce dernier terme correspondant sans doute à Poulo; il semble que ces îles furent connues des Chinois sous le nom de K’ouen-louen. Elles devaient dépendre de l’Empire Khmer, et passèrent sous la domination de l’Annam quand celui-ci eut vaincu le Champa en 1471 et occupa au XVIIe siècle le territoire de l’actuel Cochinchine." (tr.241)

(4) “Le Tonkin scolaire, un pays d’adaptation pédagogiques originales" (Đông Kinh học vụ, xứ sở của sự thích nghi giáo dục kỳ lạ), Triển lãm thuộc địa quốc tế, Paris, 1913. Hà Nội, Nhà in Viễn Đông, 1931, tr.12.

(5) Emmanuel Poisson, đã dẫn, tr.184.

(6) Theo Việt Phương, bài cùng tên, dantri.com.vn.

(7) Silvestre, L’empire d’Annam et Le peuple annamite (Aperçcu sur la géographie, les productions, l’industrie, les mœurs et les coutumes de l’Annam) [Đế chế An Nam và nhân dân An Nam, Khái lược về địa lý, sản vật, công nghiệp, phong tục và tập quán của An Nam]Paris, Nhà sách cổ Germer Baillière và Cfe, Félix Alcan, 108 đại lộ Saint Germain, 1889 (380 tr.), p.117.

(8) Nguyên văn là L’Odalisque mécontenteAvis au lecteur français, 1905.

(9) Paris, Nhà in Quốc gia, E. Leroux, (BEFEO, tập 3), 1902.

(10) BEFEO 8 (1908), tr.93-148, 381-485; 9 (1909) tr.51-89, 315-345, 533-547, 681-706; 10 (1910) tr.61-93, 287-337.

(11) BEFEO 11 (1911) tr.67-110.

(12) Paris, EFEO, 1958.

(13) Như Tây ký如西记, A.764, tr.1.

(14) Âu học hành trình ký欧学行程记, VHv.1437, tr.3.

(15) Nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

(16) N.18187

(17) N.19362-63.

(18) N.17530-33.

(19) N.16622-23.

(20) Kỷ Tỵ niên chính nguyệt nhật phúc tư công văn nhật ký 己巳年正月日覆咨公文日記, A.1083, tr.3-4.

(21) Âu học hành trình ký 歐學行程記, VHv.1437, tr.110-112.

ThS. VIỆT ANH (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (86) 2008; Tr.55-62, phiên bản trực tuyến, ngày 24.01.2010.

Thông tin truy cập

63696032
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
16324
23426
63696032

Thành viên trực tuyến

Đang có 343 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website