Việc nghiên cứu văn học đời Lý - Trần - Hồ trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có thể dễ dàng nhận ra điều này bởi hàng loạt các công trình được công bố đặc biệt là bộ Thơ văn Lý - Trần của nhóm Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, chứng tỏ các nhà nghiên cứu đã có một sự quan tâm sâu sắc đối với thơ văn dân tộc. Tuy nhiên các công trình chủ yếu là tuyển dịch thơ văn, hợp tuyển thơ văn Lý - Trần mà thấy thiếu vắng các công trình nghiên cứu về văn bản các bộ thi tuyển dân tộc. Điều này là một lỗ hổng lớn cần phải suy nghĩ.
越音詩集Việt âm thi tập là một bộ sách chép những bài thơ đời Trần - Hồ do Phan Phu Tiên và Chu Xa kế tục biên soạn, Lí Tử Tấn phê điểm vinh dự được đứng ở vị trí đầu tiên trong hệ thống thi tuyển của nước nhà bởi đây chính là tác phẩm đã “khai sinh ra ngành biên soạn thơ văn dân tộc”(1), là tác phẩm mở đầu cho thời kì biên soạn thi tuyển sôi động về sau với hàng loạt các bộ thi tuyển như 摘艷詩集Trích diễm thi tập, 精選諸家律詩 Tinh tuyển chư gia luật thi, 全越詩錄 Toàn Việt thi lục, 皇越詩選Hoàng Việt thi tuyển, 明都詩彙 Minh đô thi vựng, 越詩續編Việt thi tục biên.
Về mặt văn bản 越音詩集Việt âm thi tập đã được một số các nhà nghiên cứu đi trước quan tâm tìm hiểu như học giả Trần Văn Giáp trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm Việt Nam, hay Giáo sư Nguyễn Huệ Chi trong phần Khảo luận văn bản cho bộ sách Thơ văn Lý - Trần đều đã dành những phần nhất định của cuốn sách để giới thiệu về bộ sách này. Gần đây nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Tùng cũng đã phát hiện được một văn bản mang tên Việt âm thi tập tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, và có một bài nghiên cứu về văn bản này được in trong Thông báo Hán Nôm học 2004. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu đi trước mới chỉ dừng lại ở việc phác họa lại một cách cơ bản nhất về một văn bản Việt âm thi tập nhất định nào đó, mà chưa có sự nghiên cứu một cách tổng hợp các bản Việt âm thi tập hiện còn được biết đến. Đứng trước tình hình thực tế như vậy chúng tôi nhận thấy cần thiết phải nghiên cứu một cách tổng thể về văn bản này. Bài viết này sẽ giới thiệu một cách khái quát về các văn bản Việt âm thi tập hiện tồn tại các thư viện ở Hà Nội mà chúng tôi có cơ hội được tiếp xúc.
Hiện nay còn 4 văn bản mang tên Việt âm thi tập mà chúng tôi được tiếp xúc, trong đó có hai văn bản A.1925 và A.3038 (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) và hai văn bản R.603 và R.1629 (Thư viện Quốc gia Việt Nam).
Thứ nhất: Văn bản A.1925: Sách được in ván gỗ, giấy dó (24x16cm), tổng cộng có 68 tờ, tờ 2 trang, trang 10 dòng, dòng trên dưới 22 chữ.
Về cấu trúc văn bản:
Trang đầu tiên (theo số thứ tự của các nhà nghiên cứu đời sau mới đánh): in riêng một dòng vào chính giữa trang: “皇朝保泰十年歲在己酉仲春榖旦重刊 - Hoàng triều Bảo Thái thập niên tuế tại Kỉ Dậu trọng xuân cốc đán trùng san” (Khắc lại vào ngày lành, tháng hai, năm Kỉ Dậu niên hiệu Bảo Thái thứ 10 (1729) đời Lê).
Trang thứ hai: in to bốn chữ 越音詩集Việt âm thi tập ở chính giữa trang.
Trang thứ 3: Ở chính giữa của trang, 6 chữ được in to: 新刊越音詩集Tân san Việt âm thi tập. Phía trên sáu chữ ấy là bốn chữ được in ngang 敕賜刊行Sắc tứ san hành (Đã được nhà vua cho phép khắc in). Phía dưới của bốn chữ được in ngang ấy ghi tên người phê điểm 拙庵批點Chuyết Am phê điểm (Chuyết Am là tên hiệu của Lí Tử Tấn)
Trang thứ tư: có dòng chữ 皇朝保泰十年歲在己酉仲春榖旦重刻Hoàng triều Bảo Thái thập niên tuế tại Kỉ Dậu trọng xuân cốc đán trùng khắc ở phía bên trái của trang giấy.
Từ trang 5-7: Là bài tựa 新刊越音詩集序Tân san Việt âm thi tập tự do Phan Phu Tiên biên soạn vào năm Quý Sửu 1433 niên hiệu Thuận Thiên (Lê Thái Tổ). Có thể dễ dàng nhận thấy trong bài tựa này có bốn dòng bị bỏ trống, “có lẽ đó là những chữ bị rách nát trong di cảo, hoặc bị mòn mờ trong bản in lần thứ nhất mà về sau không khôi phục được”(2), cũng “có lẽ vì giấy bị rách mà thiếu mấy đoạn, người in cũng tôn trọng để cách ra từng dòng”(3).
Từ trang 9-12: Là bài tựa 新選越音詩集序Tân tuyển Việt âm thi tập tự do Lí Tử Tấn biên soạn được viết vào năm Diên Ninh thứ sáu (1459). Phía cuối bài tựa có ghi ngày tháng và tên người viết, ngoài ra chúng tôi còn thấy xuất hiện hai con dấu, một con dấu hình chữ nhật ghi là: 敉陵阮子Mi Lăng Nguyễn Tử được viết bằng chữ Lệ. Còn một con dấu hình tròn, tuy nhiên chúng tôi chưa minh giải được.
Từ trang 13-18: là mục lục của sách.
Từ trang 19-24: là bài biểu dâng sách Việt âm thi tập, “bài này không ghi ngày tháng năm, nhưng có lẽ viết cùng năm với bài tựa của Lí Tử Tấn, tức là năm Diên Ninh thứ 6 (1459)”(4). Phía cuối bài biểu dâng sách này có một lệnh chỉ của vua ra lệnh cho khắc in sách Việt âm thi tập.
Từ trang 25-136: là phần chính văn chép từ quyển I đến quyển III. Trong đó Quyển I từ trang 25-51. Quyển II từ trang 53-88. Quyển III từ trang 89-132, và phần Bổ di của quyển III từ trang 133-138.
“Nếu xét cách in của bản trùng san, sẽ thấy người in lại đã cố trung thành với bản in của thế kỷ XV. Sách không có một bài tựa nào mới mà chỉ có một đoạn tiểu dẫn đề năm Kỷ Dậu, Bảo Thái thứ 10 (1729), hơn nữa, không có tên người nào để ở dưới. Chứng tỏ người viết tiểu dẫn tự xét mình chỉ đơn thuần đóng vai trò "in lại" chứ không bổ sung thêm thắt được gì hơn. Trật tự sắp xếp trong sách cũng cho ta ấn tượng bản trùng san không phá hoại kết cấu vốn có. Thậm chí ở bài Tựa đầu sách của Phan Phu Tiên, có lẽ vì giấy bị rách mà thiếu mấy đoạn, người in cũng tôn trọng để cách ra từng dòng. Từ đó, có thể nói, mục lục 617 bài của bản trùng san không khác với mục lục bản in lần đầu”(5).
Thứ hai: Văn bản A.3038: là bản sách chép tay, trên chất liệu giấy dó, khổ 26x15cm, sách dày 148 trang, trang 9 dòng, dòng từ 18-21 chữ. Chữ viết khá thảo.
Về nội dung và quy cách trình bày khá giống với văn bản A.1925. Sách cũng có hai bài tựa một của Phan Phu Tiên, một của Lí Tử Tấn và một bài biểu dâng sách của Chu Xa. Sách cũng có mục lục gồm 6 quyển, tuy nhiên trong phần nội dung cũng chỉ có 3 quyển và một phần bổ di của quyển 3.
Về cấu trúc văn bản: Văn bản A.3038 không có bốn trang đầu tiên giống như trong A.1925 đó là trang có khắc niên đại trùng san, cũng như trang khắc to bốn chữ Việt âm thi tập.
Trang thứ nhất chỉ thấy ghi kí hiệu A.3038 vào giữa trang sách.
Trang thứ 2 của văn bản này có chép dòng chữ: 嗣德三十四年季冬月書Tự Đức tam thập tứ niên quý đông nguyệt thư (Bản sách này [chép vào] tháng 11 năm Tự Đức thứ 34 (1881).
Từ trang thứ 3 đến trang 148 cấu trúc cơ bản giống với bản A.1925.
Thứ ba: Văn bản R.603: đây là bản chụp lại từ bản A.1925 bằng máy pilorit trên chất liệu giấy thường, khổ rộng 30x16cm. Vì là bản chụp từ bản A.1925 vì vậy về cấu trúc, chữ viết, nội dung không có sự sai biệt so với bản A.1925. Duy chỉ có điều có một vài trang chữ khá mờ, có lẽ là do bản chụp lại và do quá trình bảo quản lâu ngày nên có khá nhiều trang, nhiều chữ bị mờ.
Thứ tư: Văn bản R.1629: đây là bản sách chép tay, trên giấy dó cũ đã ngả màu, hai trang gộp làm một, chữ viết khải thảo. Sách gồm 49 tờ, tờ hai trang, trang 9 dòng (có trang 8 dòng), dòng trung bình từ 19-21 chữ. Vẫn có hiện tượng chép sai, chép xót tuy nhiên không nhiều.
Tình trạng sách: Trang bìa màu nâu, sau đó đến trang bìa lót màu đen đã bị mối mọt ăn mất phần mép. Trang thứ hai ở phía trên trong phần nội dung có bị rách, nhưng chỗ bị rách không có chữ. Nói chung tình trạng sách còn tốt.
Về kết cấu văn bản: Bản này không chép hai bài tựa của Phan Phu Tiên và Lí Tử Tấn mà chỉ có bài biểu dâng sách của Chu Xa. Cũng không có mục lục. Văn bản này không chia quyển. Các bài thơ được chép liền mạch. Về cơ bản tên bài thơ được chép đài lên một chữ, hoặc cách ra một hai chữ ở trong mỗi dòng của trang sách. Thử đối chiếu với mục lục trong bản A.1925 có thể thấy, về cấu trúc các bài thơ, về nội dung các bài thơ khá thống nhất. Tuy nhiên trong văn bản này không có phần Bổ di của quyển III. Và điều đặc biệt là văn bản này có chép thêm một số thơ của Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Nguyễn Mộng Tuân, Nguyễn Tử Tấn, tức là chép thêm một phần của quyển IV đã bị mất.
Với bốn văn bản Việt âm thi tập hiện còn, trong đó có một bản in (A.1925), hai bản chép tay (R.1629 và A.3038), và một bản chụp lại từ bản in (R.603). Như vậy có thể gộp bản R.603 và A.1925 vào một nhóm vì bản chụp lại R.603 so với bản A.1925 không có gì khác biệt, do đó thực chất chỉ có ba văn bản mà thôi. Với ba văn bản Việt âm thi tập này cần thiết có một sự nghiên cứu tỉ mỉ, kĩ lưỡng về mặt văn bản học, trên cơ sở đó có những kết luận khách quan nhất. Về vấn đề văn bản học của văn bản Việt âm thi tập, chúng tôi sẽ để sang chuyên luận sau.
Nguyễn Mạnh Sơn
Thông báo Hán Nôm hoc, 2010, tr.312-317.
Chú thích:
(1) Thơ văn Lý - Trần, tập 1, Nguyễn Huệ Chi chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1977, tr.67.
(2) (4) Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm - Nguồn tư liệu văn học sử học Việt Nam, Tập 2, Nxb. KHXH, H. 1989, tr.27.
(3) (5) Thơ văn Lý - Trần, tập 1, Nguyễn Huệ Chi chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1977, tr.65./.