Suy nghĩ thêm về văn bản Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa và thể thơ lục bát đầu thế kỷ XV

20200426 3

Cuốn từ điển song ngữ Hán Việt cổ nhất hiện còn là Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa 指南玉音解義 (CNNAGN)lâu nay vẫn được coi là một nguồn tài liệu quý hiếm để khai thác tư liệu cho các lĩnh vực nghiên cứu về khoa học xã hội. Mặc dù đã được nhiều người quan tâm khai thác, nghiên cứu nhưng đến nay thấy vẫn còn những vấn đề về văn bản và giá trị của cuốn từ điển cần phải làm sáng tỏ thêm. Những vấn đề chúng tôi muốn trình bày trong bài viết này là về niên đại và thể thơ lục bát trong cuốn từ điển CNNAGN.

1. Về văn bản của CNNAGN

Chúng tôi muốn trình bày thêm về văn bản của CNNAGN vì nó liên quan đến sự xuất hiện của thể thơ lục bát cuối thế kỷ XIV - đầu thế kỷ XV.

Cho đến nay, số lượng dị bản CNNAGN hiện còn vẫn là 7 văn bản trong đó có 5 bản khắc in và 2 bản chép tay. Các bản in gồm:

- Bản lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AB.372.

- Bản tại tư gia PGS.TS Ngô Đức Thọ

- Bản tại tư gia GS. Nguyễn Tài Cẩn

- Bản tại tư gia ông Phùng Uông

- Bản tại Thư viện Société Asiatique (Hội Á châu, Paris), ký hiệu HM.2225.

Hai bản chép tay là: bản ký hiệu AB.163 do Viện Viễn đông Bác cổ thuê chép; bản ký hiệu VNv.201 tiếp thu từ thư viện Long Cương của Cao Xuân Dục. Đã có nhiều nhà nghiên cứu xưa, nay đề cập đến văn bản CNNAGN như: Nguyễn Văn San (1880), Sở Cuồng Lê Dư (1932), Trần Văn Giáp (năm 1968), Đào Duy Anh (1985), Trần Xuân Ngọc Lan (1985), Lê Văn Quán, Ngô Đức Thọ (2006),... Mỗi người đề cập đến CNNAGN ở một góc độ khác nhau và ai cũng có đề cập đến vấn đề niên đại văn bản. Điều mà mọi người cùng quan tâm là vấn đề năm "năm Tân Tỵ" ở dòng cuối cùng của bài tựa chữ Hán. Ý kiến gần đây nhất, năm 2006, cho rằng CNNAGNcó niên đại năm Tân Tỵ 1401. Chúng tôi cũng có một số bài tạp chí và tham luận Hội nghị Thông báo Hán Nôm học có nội dung xung quanh vấn đề văn bản của CNNAGN(1). Gần đây, trong bản tham luận Một chứng tích về sự xuất hiện của thể thơ lục bát thời kỳ đầu, kỷ yếu Hội nghị Thông báo Hán Nôm học năm 2011 (tr.796-804), chúng tôi mới chỉ trình bày thông báo một cách tóm lược ý kiến của mình về văn bản CNNAGNliên quan đến thể thơ lục bát.

2. Tên sách Chỉ nam phẩm vựng 指南品彙 (CNPV) và CNNAGNlà tên của một bộ sách qua các lần truyền bản khác nhau. Ở bộ sách từ điển này cần có sự phân biệt rạch ròi về mặt niên đại và tính chất văn bản khi nó mang tên gì. Có như vậy mới thấy hết được những giá trị tiềm ẩn trong văn bản tác phẩm.

Trong các bài tham luận đăng tải trên Kỷ yếu Thông báo Hán Nôm học chúng tôi đã trình bày khá rõ ý kiến của mình về mối quan hệ giữa tên sách ngoài bìa CNNAGNvà tên sách ghi trong 2 bài tựa đầu sách Chỉ nam 指南, CNPV. Bài tựa Nôm gọi quyển Chỉ nam 指南(Bèn dọn quyển Chỉ nam này) là nói tắt tên sách CNPV, tên này được ghi rõ trong bài tựa chữ Hán. Tên sách CNNAGNlà tên gọi sau khi nhà sư nào đó đã từ sách CNPV "lựa lọc từng chữ, chua âm đọc, giải nghĩa đen từng chữ, tay viết thành quyển sách". Bởi vậy niên đại của sách CNPV và CNNAGNlà ở hai thời điểm khác nhau. Hơn nữa nếu đọc qua 2 bài tựa sẽ thấy tiếp theo là phần mục lục đề CNNAGNvà hết phần mục lục đến phần nội dung từ điển thì thấy ngay dòng chữ Trùng thuyên Chỉ nam phẩm vựng dã đàm tịnh bổ di đại toàn 重鐫指南品彙野談并補遺大全. Thiết tưởng dòng chữ này đã nói rõ sự trùng thuyên và bổ di của CNNAGN.

3. CNPV có phải có từ thời Sĩ Vương ?

Trong bài tựa chữ Hán có đoạn nói về quyển CNPV: "... Chí ư Sĩ Vương chi thời, di xa tựu quốc, tứ thập dư niên, đại hành giáo hóa, giải nghĩa Nam tục, dĩ thông chương cú, tập thành quốc ngữ thi ca, dĩ chí hiệu danh, vận tác Chỉ nam phẩm vựng, thượng hạ hai quyển, học giả nan tường... 至於士王之時移車就國四十餘年大行教化解義南俗以通章句 tập 成國語詩歌以成號名韻作指南品彙上下二卷學者難詳 ..." (Đến mãi thời Sĩ Vương sang đóng ở nước ta, trong khoảng hơn 40 năm, đem giáo hóa phổ biến khắp nơi, giải nghĩa bằng tiếng Nôm để thông hiểu từng đoạn, từng câu, họp lại thành thơ ca quốc ngữ, để ghi tên gọi, ghép vần làm thành sách CNPV, chia ra thượng hạ hai quyển, nhưng người học khó hiểu rõ được... - Trần Văn Giáp dịch)(2). Ở đoạn này, bài tựa chữ Hán cho thông tin: sách Chỉ nam phẩm vựng được làm từ thời Sĩ Vương. Mà ta biết Sĩ Vương là tên gọi tôn xưng của Sĩ Nhiếp, người thời Đông Hán sang làm Thái thú quận Giao Chỉ từ năm 187. Vì có công khai hóa, mở mang, mở trường dạy chữ Hán cho dân nên được dân yêu quý tôn gọi là Sĩ Vương, là "Nam Giao học tổ". Cũng chính từ thông tin này, một số người cho rằng chữ Nôm có từ thời Sĩ Nhiếp. Đó là Nguyễn Văn San (1880), Sở cuồng Lê Dư (1932) rồi sau này là Nguyễn Đổng Chi, Trần Văn Giáp, Hoàng Trọng Miên, Nghiêm Toản... Hiện nay với nhiều thành tựu nghiên cứu về chữ Nôm và tiếng Việt cổ đã cho phép phủ nhận điều đó. Chữ Nôm có thể được hình thành sớm hơn nhưng chỉ có thể thành một hệ thống văn tự ở thế kỷ XII. Bởi vậy theo chúng tôi, nếu CNPV có từ thời Sĩ Nhiếp thì đó cũng chỉ là một công trình giống như sách An Nam dịch ngữ 安南譯語và phải đến thế kỷ XIII-XIV, CNPV mới có khả năng có phần giải nghĩa bằng chữ Nôm. Chữ Nôm lúc này sẽ có tự dạng của chữ Nôm thời sơ kỳ, ghi tiếng Việt cổ khi còn rất đậm yếu tố tiền âm tiết và thành tố thứ nhất của tổ hợp phụ âm đầu, đó là dạng chữ Nôm dùng 2 mã chữ Hán riêng biệt để ghi một tiếng Việt, loại chữ này xuất hiện ở giai đoạn đầu của lịch sử phát triển chữ Nôm(3). Bản CNNAGNđã được một nhà sư "dọn", "lựa lọc" từng chữ và hoàn thành vào khoảng cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII. Chúng tôi cho đó là một cuộc "cách mạng" về văn tự, tức là có sự loại bỏ những yếu tố rườm rà không còn chức năng văn tự trong chữ Nôm (ở đây là quá trình loại bỏ mã chữ thứ nhất trong loại chữ Nôm cổ dùng 2 mã chữ tách rời để ghi một tiếng Việt). Cứ theo như trong bài tựa chữ Hán thì CNPV có từ thời Sĩ Vương, điều có cũng có thể bởi vì dấu vết của chữ Hán cổ còn lại rất đậm trong văn bản. Có lẽ chưa thấy một văn bản nào có hiện tượng này. Chúng tôi cho rằng vì mãi đến giữa thế kỷ XVIII người ta mới "dọn" quyển CNPVthời đó nhìn vào thứ chữ lạ cách hàng 4, 5 thế kỷ sẽ không khỏi cảm nhận là sách có từ thời rất xa xưa, từ thời Sĩ Nhiếp. Nhưng những dấu vết còn lại của chữ Nôm và tiếng Việt cổ trong bản CNNAGNlà những chứng tích của truyền bản CNPV ở thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV như chúng tôi đã trình bày trước đây. Cho đến nay, đã có thêm cứ liệu do Ngô Đức Thọ cung cấp để có thể đi đến nhận định rằng CNNAGNlà kết quả của việc "dọn", "lựa lọc"... từng chữ từ một truyền bản CNPV ở thời nhà Hồ, đời Hồ Hán Thương. Chúng tôi sẽ trình bày rõ điều này ở phần sau.

4. Về dòng niên đại ghi ở cuối bài tựa chữ Hán và vấn đề "năm Tân Tỵ"

Ở đầu sách CNNAGNcó 2 bài tựa: bài đầu tiên viết bằng chữ Nôm theo thể thơ song thất lục bát và lục bát. Bài thứ 2 tiếp sau bài thứ nhất là bài tựa viết bằng chữ Hán. Cuối bài tựa chữ Hán là dòng ghi niên đại. Dòng ghi niên đại này không có sự nhất quán trong các bản in. Các bản chỉ ghi Niên thứ Tân Tỵ mạnh xuân cốc nhật 年次辛巳孟春穀日(Ngày tốt, tháng Giêng, năm Tân Tỵ) là: bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm, bản của Ngô Đức Thọ, bản của Nguyễn Tài Cẩn. Các bản có ghi rõ Hoàng triều Cảnh Hưng nhị thập nhị niên tuế thứ Tân Tỵ mạnh xuân cốc nhật 皇朝景興二十二年歲次辛巳孟春穀日(Hoàng triều niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22, năm Tân Tỵ, tháng Giêng, ngày tốt) là bản của Hội Á châu và bản của ông Phùng Uông. Năm Tân Tỵ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22 là năm 1761. Từ 2 dòng ghi niên đại trên đã có những ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề năm Tân Tỵ. Nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp cho năm 1761 là năm hoàn thành việc sửa chữa CNPV thành CNNAGN. Trần Xuân Ngọc Lan thống kê một loạt các năm Tân Tỵ và cho một cái mốc giới hạn về năm Tân Tỵ sớm nhất là năm Tân Tỵ 1461 và muộn nhất là năm Tân Tỵ 1761(4). Lê Văn Quán cho CNNAGN xuất hiện "phải sau thế kỷ XVI"... Gần đây nhất, năm 2006, Ngô Đức Thọ cho rằng năm Tân Tỵ là năm 1401, "năm khắc in Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa"(5). Về vấn đề năm Tân Tỵ chúng tôi thấy như sau:

Trong CNNAGN, Trần Xuân Ngọc Lan đã khảo sát, mô tả rất rõ tình hình đặc điểm của tất cả các truyền bản CNNAGNhiện còn. Sau khi thống kê sự khác nhau giữa các tờ trong các bản, tác giả đã căn cứ vào sự giống nhau và tính kế thừa thể hiện rõ trong các trang không có sự khác nhau (tr.15 Sđd) để cho rằng: bản Thư viện AB.372 được khắc in trước, sau đó bộ ván bị hỏng 3 tấm, người ta khắc 3 tấm mới thay vào rồi in bản Nguyễn Tài Cẩn. Sau lượt này lại có 43 tấm ván nữa bị hỏng, người ta lại khắc 43 tấm mới thay vào rồi in bản Hội Á Châu. Chúng tôi đã rà soát lại và thấy nhận định đó là thuyết phục. Theo thiển ý của chúng tôi thì năm Tân Tỵ ở tất cả các truyền bản đều vẫn chỉ là năm Tân Tỵ niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22 mà thôi. Bởi vì các lý do sau:

+ Chỉ có một bộ ván khắc in, bộ ván đó được in lại nhiều lần, mỗi lần lại có sự loại bỏ những tấm hỏng, bổ sung những tấm mới.

+ Ngay sau khi hoàn thành việc sửa chữa dạng chữ, soạn giả đã cho khắc in bản CNNAGNđầu tiên, bản này có bài tựa được viết theo thể song thất lục bát và lục bát theo phong khí thơ lục bát của cuốn từ điển. Trong bài tựa bằng thơ này, soạn giả nói rõ lý do làm sách vì:

Trời sinh thánh chúa vạn niên

Cắp tay xem trị bốn bên thuận hòa

Vương phi Thái tử hoàng gia

Nam Sơn chúc tuổi chúa Bà nghìn xuân...

Sau đó, soạn giả tự giới thiệu về mình và công việc làm sách:

Trẻ từng vả đấng khoa danh

Già lên cõi thọ tìm doành bụt tiên

Tụng kinh đọc sách thánh hiền

Tải thông ba giáo dự trên sánh bày

Bèn dọn quyển Chỉ nam này...

Hồng Phúc danh Hương Chân pháp tính

Bút hoa bèn mới đính nên thiên

Soạn làm chữ cái chữ con

San bản lưu truyền ai được thì thông

Sau đó, soạn giả nói rõ lý do làm sách và kết quả công việc là:

Vốn xưa làm Nôm xa chữ kép

Người thiểu học khôn biết khôn xem

Bây giờ Nôm dạy chữ đơn

Cho người mới học nghỉ xem nghỉ nhuần...

Cuối cùng, soạn giả nói rõ ích lợi của việc đọc quyển sách "xem bằng ngọc vàng" này. Bài tựa bằng thơ giống như lời tự sự, tâm sự của soạn giả sau khi hoàn thành một công việc đầy khó khăn nhưng có ý nghĩa lớn lao. Sau bài tựa Nôm bằng thơ, soạn giả lại viết tiếp một bài tựa nữa bằng chữ Hán. Bài này được viết với nội dung như thông lệ của một bài tựa khi khắc in một quyển sách. Nội dung bài tựa chủ yếu nói về việc làm sách, nói rõ những điều mà bài tựa chữ Nôm chưa nói hết ý. Cuối cùng là dòng ghi niên đại của cả hai bài tựa Niên thứ Tân Tỵ mạnh xuân cốc nhật 年次辛巳孟春穀日(Ngày tốt tháng Giêng năm Tân Tỵ). Vì sách được làm để cho người đương thời học nên không cần ghi cụ thể, chỉ cần ghi như thế ai cũng biết là năm Tân Tỵ nào, thuộc thời nào rồi. Hiện tượng gọi là "thánh, chúa", "chúa Bà" trong bài tựa Nôm là cách gọi suy tôn những người đang còn sống ở thời vua Lê chúa Trịnh. Ví dụ như trong Thiên Nam minh giám天南明鑑, Yên Tử sơn Trúc Lâm Trần triều Thiền tông bản hạnh安子山竹林陳朝禪宗本行, Đông Tác Nguyễn Đại vương bản truyện diễn âm 東作阮大王本傳演音...

Ta biết trong vòng 60 năm mới có một năm Tân Tỵ. Do nhu cầu sách cho người học nên cần phải in lại sách nhiều lần. Ván in lại được chứa ở một nơi, mỗi lần đem in thấy tấm ván nào hỏng thì chỉ việc khắc lại tấm mới thay vào bởi vậy mới có hiện tượng các bản in có số tờ khác nhau. Phần không hỏng, trong đó có tờ in dòng niên đại cứ thế tồn tại. Cho đến khi bộ ván hỏng quá nhiều, tới 43 rồi 45 tấm trong đó có cả tấm ghi niên đại, lúc này thì năm Tân Tỵ cũng đã xa dần và có thể sắp hết vòng 60 năm nên cần phải ghi rõ để truyền bản cho đời sau khỏi nhầm. Có lẽ vậy nên đến khi khắc in bản Hội Á Châu và bản của ông Phùng Uông, người ta đã cho khắc thêm cho rõ thành Hoàng triều Cảnh Hưng nhị thập nhị niên tuế thứ Tân Tỵ mạnh xuân cốc nhật 皇朝景興二十二年歲次辛巳孟春穀日.

Trong bài Thông tin mới nhất về CNNAGN(Sđd), Ngô Đức Thọ đã đưa ra chữ húy Hỏa là húy tên cũ của Hồ Hán Thương để chứng minh CNNAGNcó niên đại vào năm Tân Tỵ (1401). Điều đó rất có giá trị ở chỗ đã chỉ ra dấu vết của một văn bản tồn tại ở đầu thế kỷ XV, đời Hồ Hán Thương. Chữ huý Hỏa lại nằm trong phần chữ Hán của mục từ nên chỉ có mục từ chữ Hán là còn bảo lưu dấu vết của văn bản Chỉ nam phẩm vựng ở thế kỷ XV. Vì Hồ Hán Thương ở ngôi 6 năm nên truyền bản CNPV mà soạn giả dùng để sửa chữa dạng chữ thành CNNAGNcó niên đại vào khoảng những năm từ 1401 đến 1406, đời Hồ Hán Thương. Như vậy năm Tân Tỵ được ghi một cách "tắt" là Niên thứ Tân Tỵ mạnh xuân cốc nhật cũng chính là năm 1761, niên đại của "Minh giám bản" CNNAGN.

5. Cấu trúc của cuốn từ điển

Về cơ cấu và nội dung cuốn từ điển, Trần Xuân Ngọc Lan đã trình bày khá rõ trong công trình CNNAGN (tr.17-33 Sđd), chúng tôi xin phép không nhắc lại. Ở đây chỉ xin lưu ý trong nội dung của từ điển gồm có 2 phần: phần chính văn và phần Bổ di. Theo thống kê của Trần Xuân Ngọc Lan, tất cả có 3394 mục từ.

Phần chính văn: phần chính văn của từ điển là phần vốn có từ CNPV, gồm 41 chương, bộ. Trong đó có 38 chương bộ giải nghĩa từ theo lối văn vần lục bát.

Ngoài phần chính văn có phần Bổ di. Tổng số có 35 Bổ di. Hầu như các chương, bộ đều có phần Bổ di để bổ sung cho các mục từ còn thiếu sót trong CNPV. Các Bổ di là do người sau bổ sung thêm vào nên được trình bày bằng văn xuôi Nôm.

Như vậy phần chính văn bằng lục bát trong CNNAGNgiữ lại nguyên diện mạo thơ lục bát của CNPV đầu thế kỷ XV. Người biên soạn chỉ sửa dạng chữ Nôm để người đương thời đọc hiểu còn lời thơ, vần thơ, nhịp điệu và nội dung của các câu thơ vẫn được bảo lưu một cách trung thực. Điều này, dòng chữ dọc, phía bên phải của trang bìa Thuật thánh hiền chi thược vận 述聖賢之龠韻đã nói rõ, chính là thuật lại sách CNPV bằng thơ ca gồm 2 quyển thượng hạ.

Như vậy, có thể thấy thể thơ lục bát đã xuất hiện trong CNPV từ đầu thế kỷ XV, đời Hồ Hán Thương (1401-1406), sớm hơn bài Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn của Lê Đức Mao (1462-1529) khoảng 1 thế kỷ. Đó cũng là một giá trị đáng kể của văn bản từ điển CNNAGN.

6. Sơ bộ về diện mạo thể thơ lục bát đầu thế kỷ XV qua văn bản CNNAGN

Các mục từ trong phần chính của từ điển CNNAGNbao gồm cả mục từ Hán và phần giải nghĩa Nôm đều được trình bày dưới hình thức thơ lục bát. Ví dụ:

Thiên văn trước nói cho hay

Hồng quân trời cả cao thay trùng trùng

Kim ô mặt trời sáng hồng

Thiềm luân nguyệt sáng trên không làu làu (Thiên văn chương đệ nhất)

Đại địa đất cả rộng dầy

Đại Lỗ rét rày phèn nổi đất chua

Thổ khối hòn đất rắn khô

Đại phụ là đống tô mô giữa đồng

(Địa lý bộ đệ nhị)

Để rõ hơn về diện mạo của thơ lục bát cổ cuối thế kỷ XIV - đầu thế kỷ XV qua dấu tích còn lại trong CNNAGN, chúng tôi đã sơ bộ khảo sát và thấy như sau:

Trong phần giải nghĩa có rất nhiều câu thơ lủng củng, cách gieo vần và phối điệu lỏng lẻo, gượng ép, chưa nhuần nhuyễn. Hiện tượng phổ biến là câu thơ được gieo vần lưng, tiếng thứ 6 của câu lục được gieo vần với tiếng thứ 4 câu bát. Câu lục có khi 7 tiếng; câu bát có khi 9, 10 tiếng. Có thể thấy những điều đó qua một số đoạn thơ sau :

- Hoàng già là hột cà vàng,

Lang đãng danh rằng cà độc dược độc song.

- Thác lô câu kỷ hột ngâu

Hột cải lú bú hiệu là hồ lô ba thuở này...

Thạch liên nhục hiệu là hột sen

Gương khô lại có rằng cựu liên

(Nam dược loại đệ tứ thập)

- Ô cẩm gấm đen bằng mây

Trầm hương gấm này là mùi khói hương

Đâu la gấm tốt dịu dàng

Kẻ xưa truyền rằng là gấm trần đâu

- Thiên nga nhung khéo dệt nên

Là thúc trắng sánh liên da trời

(Cẩm tú bộ đệ thập)

Trong CNNAGN có thể tìm thấy rất nhiều đoạn dài chỉ thấy hơi hướng âm điệu của thơ lục bát còn vần và nhịp điệu thì có sự sai lạc rất nhiều. Ví dụ:

Bảo giám gương sáng làu làu

Cổ kính gương cũ để lâu chăng nhìn

Thố quang gương có hiệu là bạch chiêu

Lại là huyền tích hoà phen thuỷ ngân

Thao quang chùi sáng thập phân

Cổ kính mai trần kính đài sa gương

Luân sơ lược chải đầu tiên

Phòng khi xởn tóc gỡ liền lại xong

Cơ sơ lược sừng nhỏ răng

Trúc sơ lược bí có bằng cái go

Tiểu hạp tử lục sáp thơm tho

Tiếp tử díp sắt để hoà nhổ râu...

(Khí dụng loại nhị thập nhất)

Ngôn ngữ trong thơ lục bát CNNAGN thuộc loại nhiều từ cổ nhất, đặc biệt có nhiều từ rất hiếm thấy ở thế kỷ XVII về sau(5). Theo thống kê của chúng tôi, ít nhất trong văn bản có 218 từ cổ. Ví dụ từ cổ xuất hiện trong các câu sau:

- Đến đâu lớp lớp no đôi

Ăn mày lộc vợ hổ ngươi thay là

- Cái dạm hiệu óc kỳ bành

Chấp hỏa, ủng kiếm cũng danh cái còng

(Lân trùng loại đệ tam thập tam)

-Côn đang là xống đàn bà

Quấn ngang bẩy bức giao gia phủ tràn

Gian quần sặc sỡ quần gian

Du cù là bức lót giường nằm.

(Y quan bộ đệ cửu)

Tỵ lương dọc mũi giữa nơi trung đình

Có hiệu niên thọ cực lành

Dài hơn chốn ấy thì mình yêu đang

Khoáy trán hiệu óc thái dương

Dưới cằm ấn đường hai mày giáp nhau

Mâu tử là đôi con sâu

Coi sáng làu làu trong nữa ngọc thu

(Thân thể bộ đệ tứ)

Lời thơ trong từ điển cũng rất mộc mạc, giản dị, đặc biệt còn giữ lại cách đọc cổ (đọc thành 2 âm tiết một từ), ví dụ:

Hải tảo rong bể rập rềnh

La đá dưới nước mọc quanh xanh rì. (Nam dược loại đệ tứ thập)

Bàn thạch la đá cả thay

Chỉ trụ la núi mọc bầy giữa sông

Thạch khối hòn la đá chồng

(Địa lý bộ đệ nhị)

Có khi việc sửa lại dạng chữ chưa nhất quán thể hiện ở chỗ một số từ song âm tiết khi thì loại bỏ, khi thì giữ lại yếu tố tiền âm tiết như trong câu:

Thư thiều la núi đất cực thung

Thôi ngôi núi đá sánh cùng cao xây

(Địa lý bộ đệ nhị)

Nhìn chung, thơ lục bát trong CNNAGN khá cổ kính. Nếu so về sự mượt mà, chau chuốt trong lời thơ và sự nhịp nhàng uyển chuyển trong vần điệu của thơ lục bát trong Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa với các tác phẩm lục bát Nôm gần thời điểm như Yên Tử sơn Trúc Lâm Trần triều Thiền tông bản hạnh (cuối thế kỷ XVII - Đầu thế kỷ XVIII), Thiên Nam ngữ lục (cuối thế kỷ XVII), Cổ Châu Phật bản hạnh (1752), Quốc âm sự dẫn của Nguyễn Hy Quang (cuối XVII).... ngay cả so với Đào Nguyên hành của Phùng Khắc Khoan và Việt sử diễn âm, (thế kỷ XVI) thì quả là có một khoảng cách khá xa.

Thể thơ lục bát là một trong hai thể thơ dân tộc được sử dụng có lẽ nhiều nhất trong thơ Nôm Việt Nam. Nó đắc dụng trong các diễn ca lịch sử, truyện Nôm và diễn ca các loại kinh sách, thơ giáng bút... Cùng với sự phát triển ngày càng phong phú của ngôn ngữ tiếng Việt, thể thơ lục bát ngày càng hoàn thiện và có những thành tựu là đỉnh cao của văn học trung đại Việt Nam như Truyện Kiều của Nguyễn Du, có những tác phẩm đồ sộ trên 8000 câu thơ như diễn ca lịch sử Thiên Nam ngữ lục. Nhưng ở ngọn nguồn của thể loại thơ lục bát, mới biết đến CNPV ở đầu thế kỷ XV thì diện mạo của thể thơ là như chúng tôi sơ bộ giới thiệu. Nếu đến đầu thế kỷ XV, đã có một tác giả có cảm hứng sử dụng thể thơ lục bát như trong CNPV để lại dấu vết trong CNNAGN thì ta có quyền nghĩ thể thơ này có lẽ còn xuất hiện sớm hơn nữa, hy vọng có tư liệu để chứng minh cho điều đó.

PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 6 (115) 2012; tr.12-19.

 

-----------

Chú thích:

(1) Xin xem: Hoàng Thị Ngọ: Một cách hiểu về khái niệm "chữ đơn", "chữ kép" trong bài tựa cuốn Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa - Kỷ yếu Thông báo Hán Nôm học năm 1997, Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản năm 1998. Hoàng Thị Ngọ: Suy nghĩ thêm về tác giả và thời điểm xuất hiện của tác phẩm Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa - Kỷ yếu Thông báo Hán Nôm học năm 2000, tr.325-340, Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản năm 2001.

(2) Xin xem Trần Văn Giáp: Lược sử vấn đề chữ Nôm, Bản thảo, Phòng tư liệu Viện Sử học.

(3) Xin tham khảo thêm Hoàng Thị Ngọ: Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, Nxb. KHXH, H. 1999.

(4) Xin xem Trần Xuân Ngọc Lan: Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Nxb. KHXH, H. 1985, tr.16.

(5) Xin xem Ngô Đức Thọ: Thông tin mới nhất về Chỉ nam ngọc âm, Kỷ yếu Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm, Nxb. KHXH, H. 2006, tr.299.

Tài liệu tham khảo chính

1. Trần Văn Giáp: Lược khảo vấn đề chữ Nôm từ khởi thủy đến thế kỷ XIX - Bản thảo, 1968, Phòng tư liệu Viện Sử học.

2. Đào Duy Anh: Chữ Nôm - Nguồn gốc Cấu tạo Diễn biến, Nxb. KHXH, H. 1975.

3. Trần Xuân Ngọc Lan: Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Nxb. KHXH, H. 1985.

4. Nguyễn Xuân Diện: Những phát hiện về Lê Đức Mao và bài "Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn". Trong sách Ca trù nhìn từ nhiều phía, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2003, tr.504-527.

5. Ngô Đức Thọ: Thông tin mới nhất về Chỉ nam ngọc âm. Trong sách Nghiên cứu Chữ Nôm, Kỷ yếu Hội nghị Quốc tế về Chữ Nôm, Nxb. KHXH, H. 2006, tr.299-313.

6. Các bản Nôm Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa./.

 

Thông tin truy cập

60537278
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
18771
10018
60537278

Thành viên trực tuyến

Đang có 493 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website