Thần tích chùa Yên Phú, sự hỗn dung giữa Phật giáo với tín ngưỡng thủy thần

20201106 6

Ảnh: Chùa Yên Phú (huyện Thanh Trì, Hà Nội)

Sau khi nhà Triệu mất ngôi, nước Nam Việt đổi thành Giao Chỉ và được chia thành quận, huyện đặt dưới nền cai trị của các quan lại nhà Hán. Khi Thái thú Tô Định vâng mệnh vua Hán sang làm Thái thú quận Giao Chỉ đã thi hành chính sách hà khắc, bạo ngược nên lòng dân oán hận... Hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị đã dấy binh khởi nghĩa (40-43 SCN). Cuộc khởi nghĩa này lan rộng, nhân dân bốn quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố hưởng ứng và hết lòng ủng hộ..., nên rất nhanh chóng đập tan bộ máy thống trị của đế chế Hán ở phương Nam.

Theo thần tích ở đền Hát Môn (nay là xã Hát Môn huyện Phúc Thọ, Hà Nội) và thần phả các làng thờ các tướng lĩnh của Hai Bà thì Hai Bà Trưng đã gieo mình xuống Hát Giang, hoá thân vào cõi vĩnh hằng, hôm đó nhằm ngày mùng 6 tháng 3 năm Quý Mão (năm 43 SCN). Cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo không chỉ lan tỏa từ Mê Linh ra một vùng không gian văn hoá xã hội rộng lớn mà còn là: "... kết tinh của cả một quá trình đấu tranh, khi âm thầm, khi công khai của nhân dân Việt Nam. Đây là một phong trào nổi dậy của toàn dân vừa quy tụ vào cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng đề xướng, vừa tỏa rộng trên toàn miền Âu Lạc cũ. Khởi nghĩa đã thắng lợi vì đó là một phong trào có tính chất quần chúng rộng rãi chứ không phải là một hành động tự phát của một tù trưởng, một bộ lạc riêng lẻ"(1).

Sau khi Hai Bà mất, bên cạnh chính sử viết về cuộc khởi nghĩa còn có rất nhiều truyền thuyết dân gian về Hai Bà và các bộ tướng của Bà. Mà thể loại truyền thuyết vốn là "một câu chuyện nói đi nói lại mà không được ghi trong sử sách, nó thường mang nhiều yếu tố thần kỳ"(2). Ngay trong chính sử, Sử gia Ngô Sỹ Liên khi viết về Hai Bà cũng mang những yếu tố này: "Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng há chỉ lúc sống dựng nước xưng vương, mà sau khi chết còn có thể chống ngăn tai họa. Phàm gặp những việc tai ương hạn lụt, đến cầu đảo không việc gì là không linh ứng. Cả Bà Trưng em cũng thế. Vì là đàn bà mà có đức hạnh kẻ sĩ, cái khí hùng dũng trong khoảng trời đất không vì thân chết mà kém đi. Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi lấy cái khí phách cương trực chính đại ấy ư?"(3).

Thật khó phân biệt giữa truyền thuyết và lịch sử về các nhân vật tham gia khởi nghĩa, về từng trận đánh... khi cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng lãnh đạo đã lùi xa gần 2000 năm. Cả chính sử nước ta lẫn Trung Quốc đều ít ghi chép về các bộ tướng của Hai Bà mà trong đó phần nhiều là nữ tướng. Cuộc khởi nghĩa này không chỉ đơn thuần là một cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột, sự đối kháng của tầng lớp bị trị với tầng lớp thống trị, mà còn sâu sa hơn, đó là sự xung đột giữa hai hệ thống xã hội và văn hóa. Nó có sự khác biệt từ căn bản, đó là sự xung đột giữa tầng lớp thống trị - phụ quyền gia trưởng và tầng lớp bị trị - cộng đồng mẫu hệ và cũng chính đều này giải thích cho chúng ta biết tại sao cuộc khởi nghĩa do Hai Bà lãnh đạo lại được quần chúng nhân dân bốn quận hưởng ứng nồng nhiệt đến thế, đặc biệt là phụ nữ tham gia với số lượng đông đảo nhất. Theo nhiều nguồn tài liệu(4), thì Hai Bà có đến hơn bảy chục tướng lĩnh mà danh đã Hán hóa, trong đó có nhiều thủ lĩnh - nữ tướng các nghĩa quân địa phương, hiện còn nhiều đền thờ ở miền Bắc như Thánh Thiên công chúa; Lê Chân, Bát Nam Đại tướng Trinh Thục công chúa, Phương Dung công chúa....

Qua khảo sát một số bản thần tích của Hà Tây (cũ) thì các truyền thuyết về các nữ tướng có nét tương đồng đó là lai lịch các nữ tướng vốn thường thuộc dòng dõi trâm anh, có sắc đẹp "chim sa cá lặn" và Ni sư Phương Dung(5) cũng không ngoại lệ, bà "thuộc dòng dõi trâm anh nức tiếng đã lâu", "mặt hoa da phấn, mày cong tựa vầng trăng khuyết, dáng vẻ yểu điệu thướt tha không ai sánh bằng...".

Truyền thuyết vốn là "một câu chuyện nói đi nói lại" nên việc mở rộng các sự kiện đã được các nghệ sỹ dân gian tô điểm, và phần nhiều các truyền thuyết về các vị tướng của Hai Bà Trưng cũng theo ý này, có nghĩa là hợp với từng địa phương. Nhưng với bản Thần tích Yên Phú tự thì rõ ràng trong thần tích, ta thấy có một sự hỗn dung giữa Phật giáo với tín ngưỡng bản địa - tục thờ Thủy thần hay Sơn thần. Tục thời này xuất hiện từ rất lâu với người Việt cổ, nó khác với quan niệm Thổ địa mang tính chất Trung Quốc chỉ người bảo trợ thiêng liêng cho một vùng đất. Trong Thiền uyển tập anh cũng có sự thỏa hiệp, hỗn dung này. Đại sư Khuông Việt (933 - 1011): "... một lần đến chơi núi Vệ Linh ở quận Bình Lỗ, thích phong cảnh đẹp, bèn muốn lập am để ở. Đêm tới nằm mộng thấy một vị thần, mình mặc áo giáp vàng, tay trái cầm cây thương vàng, tay phải đỡ bảo tháp, hơn mười người theo hầu, hình tướng dễ sợ, đến nói rằng: "Ta là Tỳ sa môn thiên vương, những người theo ta là Dạ xoa. Thiên đế có sắc sai ta đến nước này để giữ gìn biên giới, khiến cho Phật pháp thịnh hành. Ta có duyên với ngươi, nên đến đây báo cho người biết". Sư kinh hãi thức dậy, nghe trong núi có tiếng kêu ầm ĩ, lòng rất lấy làm lạ. Đến sáng sư vào núi thấy một cây to, cao khoảng mười trượng, cành lá sum suê, bên trái lại có mây xanh bao phủ, nhân đó sai thợ đến chặt. Đem về, khắc tượng như đã thấy trong mộng, để thờ..."(6). Vậy ở đây có phải là Đại sư Khuông Việt muốn dựng chùa trên núi mà vẫn phải lập đền thờ thần núi! Thiền sư lập đền thờ bên hữu chùa Kiến Sơ, mà truyền nói rằng "để làm nơi tụng niệm? để cho yên tĩnh". Đó phải chăng là bằng chứng tôn trọng tín ngưỡng cũ, thần làm người bảo vệ đất chùa hay làm chủ đất Phật...

Thần tích vốn là việc nói đến cõi thiêng liêng do các nhà Nho chép lai lịch về thần thì ít nhiều còn dè dặt về những điều nghi hoặc, nhưng những nội dung Thần tích Yên Phú tự là bằng chứng của sự hỗn dung giữa Phật giáo sơ khai với tín ngưỡng đa thần giáo của người Việt cổ, mà ở đây là tín ngưỡng Thủy thần. Sau đây là toàn bộ bản Thần tích chùa Yên Phú, do Thạc sỹ Hoàng Thị Thu Hường, Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Tôn giáo phiên âm và dịch nghĩa:

Dịch nghĩa

Thần phả chép về:

Một vị âm thần Thái hậu, hai vị dương thần Đại vương triều Trưng Nữ vương.

Chính bản Bộ Lễ, quốc triều, thượng đẳng, thuộc Bắc Bộ.

Xưa trời Nam mở vận, núi sông thẳng hướng sao Dực, sao Chẩn; phương Bắc mới phong, phân dã thẳng hướng sao Đẩu, sao Ngưu. Triều Hùng vương, từ Kinh Dương vương nối nghiệp vua cha, phong nối dõi làm đế vương nước Việt. Hoan Châu thắng địa, đóng làm kinh đô; trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, sửa sang miếu điện. Truyền nước đời sau cho Lạc Long Quân, vợ là tiên nữ Động Đình. Sống trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, nơi này có mây lành ngũ sắc tỏa ánh sáng soi. Âu Cơ mang thai, sinh ra bọc trứng, nở ra trăm người con trai. Đó đều là những chàng trai khôi ngô tuấn tú, đức độ hơn người. Đến tuổi trưởng thành, vua phong cho tước hầu, cắt cử cai trị 15 bộ trong nước.

Đầu tiên Long Quân gọi Âu Cơ lại nói: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, tuy khí ngũ hành hòa hợp mà sinh được con cái nhưng Thủy, Hỏa vốn hai giống khắc nhau, không thể ở cùng một nơi nên phải chia ra”. Bèn chia 50 con theo cha xuống biển là Thủy Thần, cai quản nguồn sông, góc biển; 50 con theo mẹ về núi làm Sơn Thần, cai quản các ngọn núi và ruộng đồng. Trong thời gian đó nếu ai có chuyện xảy ra thì các anh em cùng nhau đến giúp đỡ, không để diệt vong. Nhà Hùng kể từ đó khắp núi sông đều có thần. Các thần có thể đầu thai làm con cái các gia đình phàm trần để giúp đỡ cho đất nước, nhà nào có phúc tất sẽ được hưởng.

Lại nói: cuối thời Hùng Vương thứ 18, ý trời đã định, lúc đó vào thời Đông Hán, ở làng Lưu Hàm, huyện Thượng Hiền, phủ Nghĩa Hưng, đạo Sơn Nam Hạ có Trương Công Điều (tên húy là Điều) là người được kế thừa tập ấm, lấy vợ là Phùng Thị, tên húy là Huệ, vốn là người cùng quận, dòng dõi trâm anh nức tiếng đã lâu, cũng là chỗ môn đăng hậu đối. (Ông bà) đã sinh mấy người con trai, sau này sinh thêm con gái đặt tên là Phương Dung. Nàng có sắc đẹp “chim sa cá lặn”, mặt hoa da phấn, mày cong tựa vầng trăng khuyết, dáng vẻ yểu điệu thướt tha không ai sánh bằng. Năm vừa tròn 16 tuổi, duyên lành chưa định, nguyện không lấy chồng, một lòng mộ theo đạo Phật. Một ngày nọ (nàng) đến huyện Thanh Trì (xưa gọi là Thanh Đàm), châu Thường Tín, thành Thăng Long (tên xưa là phủ Phụng Thiên), khi đến đầu làng Yên Phú thấy một ngôi chùa, ngoảnh trông bốn bề thấy phóng khoáng đẹp đẽ, cảnh vật như thắng cảnh nơi nào, bèn đặt tên là Thanh Vân cổ tự và nguyện ở lại nơi đây sớm khuya hương khói. Ở đó vừa tròn một năm, ngày nọ, bà đến bến sông Kim Ngưu tắm, lúc này mặt trời chưa đứng bóng, ngước mắt nhìn lên thì thấy một đám mây lành sà xuống cuốn lấy thân thể. Kinh hãi bà chạy về chùa, đêm hôm đó nằm mộng thấy một tướng quân mặc áo gấm, đeo ngọc châu, thân thể kỳ dị từ dưới nước đi lên, tự xưng là quan Thủy thần và nói với bà rằng: “Nhà ngươi đức dày, trời đã soi tỏ, lệnh cho hai vị Thủy thần đầu thai xuống làm con nên chớ có lo lắng về điều đó”. Nói rồi vị thần lên thuyền rồng, bay trên không mà biến mất, tỉnh lại chỉ cho là một giấc mộng kỳ lạ. Ngày hôm sau, trong khi đi qua miếu, thấy trước miếu có hai quả trứng rất lớn, bèn mang về chùa, bỗng từ hai trứng phát ra tiếng vang như sấm dậy (đó là ngày 22 tháng 4 năm Quý Tỵ), trứng tách vỏ và xuất hiện hai vị đầu người, mình rắn, tướng mạo kỳ lạ, thiên tư to lớn, biết đó là Thủy thần xuất thế. Các cụ phụ lão và dân làng Yên Phú nghe về sự việc kỳ lạ ấy thì cùng nhau kéo đến chùa. Hai vị thần liền nói với các phụ lão rằng: “Anh em chúng ta vốn là Thủy thần mà các ông thờ phụng lâu nay, một người tên là Trung Vũ, một người tên là Đài Liệu. Nay phụng mệnh Thiên đình giáng sinh để giúp đỡ cho đất nước”. Các vị phụ lão và nhân dân đều tỏ ra cung kính hành lễ và tấu lên rằng:

- “Làng chúng tôi quả là có thờ các vị Thủy thần có tên như vậy!”

Bèn hành lễ bái tạ và xin nhận làm bề tôi. Thế là hai ông được Thái bà(7) nuôi dưỡng, khi các ông lên bảy tuổi, thiên tư càng tỏ rõ, học lực tinh thông, đọc Binh thư mà trưởng thành về võ lược. Thời gian đó trời hành hạn hán, cây cối đều chết khô, lập tức hai ông truyền dân làng lập đàn để cầu âm dương trời đất. Vừa cầu được một lúc, bỗng thấy trời đất u ám, giữa ban ngày mà tựa như đêm, mưa to gió lớn nổi lên khắp cả một vùng rộng, ruộng đồng đầy nước, năm đó được mùa lớn. Từ đó nhân dân đều yên ổn làm ăn, dùng đức để phục vụ hai ông. Thời đó, Tô Định đem binh xâm chiếm trung nguyên, họ Triệu tan thương không người cứu giúp. Khi đó có người cháu gái họ Hùng trước đây tên là Trắc, vốn bậc nữ trung hào kiệt, với vẻ oai hùng của bậc đại thánh thần đã dấy binh khởi nghĩa. Đương thời, nam nhi tài thao lược không có nên người con gái đó đứng đầu làm tướng. Trưng Nữ nổi chuông linh mật báo tới thánh núi Tản Viên, họp hội đồng các thần tại cửa sông Hát Môn (tức vùng Sơn Tây), lập đàn tế, tấu lên thần linh. Lời khấn rằng:

“Trời sinh ra một người, đó chính là dòng dõi của vạn vật trời đất, làm chủ mối quan hệ của các sinh linh và cỏ cây muôn loài. Thiên tử, đế vương của các triều đại trước đều là những bậc thánh minh, triều đình có đạo, yêu nước, thương dân, đức hóa rộng khắp, thiên hạ thanh bình, nước nhà yên ổn. Nay có phường dê chó họ Tô, tên Định thường ngông nghênh làm loạn, thi hành chính trị hà khắc, muôn dân điêu đứng, thiên địa thần nhân(8) đều oán giận. Thiếp dùng thân phận người cháu gái của Hùng Vương xưa để tỏ bày cùng muôn vật. Ngày nay, trời cao rơi lệ, nhân dân đau lòng, có bậc trượng nghĩa trừ tàn, nguyện mong thần linh tề tựu về đàn để chứng giám lời thề và thêm sức che chở. Thiếp Trưng Nữ xin thề dấy binh dẹp giặc, giữ nước, cứu dân. Thiếp (thề) khôi phục lại vật xưa tổ tông, đưa muôn dân thoát khỏi vòng lửa nước bước lên nệm lên chiếu, ngõ hầu không trái lại sự mong chờ của trời cao, thỏa sự linh thiêng của tông miếu tiên hoàng, an ủi tổ tiên cha mẹ ở nơi chín suối”.

Khấn xong hô xuất âm binh nghìn hàng vạn đội, lại truyền hịch khắp thần dân tại các châu, huyện, đạo ở Nam bang, nơi nào có người anh minh tài trí hơn người thì lập tức trong ngày đến tòng quân để hỏi tội kẻ nghịch tặc. Thế là mẹ con bà Phương Dung đồng tâm đứng lên trợ giúp nước nhà. Vừa nghe nữ tướng chiêu binh khắp chốn, Vũ thần lập tức trong ngày đứng lên triệu tập được mấy ngàn người trong làng, tập trung dưới trướng được 25 trai tráng khỏe mạnh ở làng Yên Phú. Trong ngày, Thái bà cùng hai ông cử binh lên đường, cờ rong, trống mở âm vang đến ngàn dặm núi cao. Một ngày đã đến nơi đóng quân của Trưng Nữ vương. (Trưng vương) vừa trông thấy hai ông văn võ toàn tài, toát lên vẻ thần lực bèn nói:

- Người trời giáng sinh nơi trần thế ắt chẳng phải kẻ tầm thường!

Bèn cho hai ông làm tướng chỉ huy hai bên tả hữu, phong mẹ nuôi là Phương Dung công chúa. Từ đó mẹ con được hưởng ân mưa móc thánh hoàng, được phụng thờ hương hỏa, đó âu cũng là duyên số. Trong ngày lại lệnh cho binh sĩ cùng nhân dân trong làng tu sửa ngôi miếu là nơi mà hai ông từng sinh sống. Hai ông ứng khẩu thành thơ rằng:

“Từ xưa đế vương ướm lòng dân,

Theo thần thì phải định tinh thần.

Trước truyền chưa từng phân Chân, Ảo

Nhớ về tên núi Phật tức Chân”

Rồi một ngày nọ thiết yến mời các phụ lão và nhân dân đến dự, hai ông nói với các phụ lão và gia thần rằng: “Anh em chúng tôi theo lệnh hiển hiện thành hai vị thần mà dân làng thờ phụng từ trước, chúng tôi có mẹ nuôi là Thái bà, nay để lại 10 thoi vàng, nếu ngày sau có chuyện gì xảy ra thì mong các ngài hãy phối thờ cả ba mẹ con chúng tôi”. Các cụ phụ lão nghe vậy đều theo lệnh mà vái lạy. Thế là cùng phụng dưỡng Thái bà và để lại 10 thoi vàng dùng cho việc cúng tế vào ngày sau. Ngày hôm sau có sứ giả mang chiếu thư đến yêu cầu mẹ con ngay trong ngày dấy binh hỏi tội Định. Trong một ngày, quân đội của hai ông cùng Trưng Nữ thẳng tiến đến doanh trại của Tô Định, chia thành 5 đạo cùng lúc tiến đánh. Quân Định bỏ chạy toán loạn, ta bắt được đại tướng giặc, thu phục được 65 thành về Nam bang, Trưng Nữ lên ngôi vua. Đương trung tuần mùa hạ năm đó, ngày 18 tháng 5, có sứ giả đến tuyên chiếu rằng đã dẹp yên giặc Tô Định, mời hai ông về triều để nhà vua mở tiệc mừng phong chức cho các tướng sĩ, ban cho mẹ con họ được trở về hưởng ấp Thanh Trì(9). Thế là bái lạy tạ ơn và quay về nhiệm sở, hai ông cùng mẹ lên thuyền rồng trở về đến giữa sông Kim Ngưu thì thấy một đám mây vàng như dải lụa xà thẳng xuống thuyền rồng. Thấy vậy ba mẹ con vô cùng kinh hãi, chạy lên đứng ở bãi đất đầu sông bên làng Yên Phú, bỗng chốc thấy trời đất tối xầm, mưa to gió lớn nổi lên, rồi thấy Thái bà mình mặc áo gấm, ngồi trên kiệu hoa cưỡi mây mà đi, rồi hai ông tự bay lên lao xuống lòng sông mất hút, lúc đó vào ngày mùng 7 tháng 11. Trong khoảnh khắc, sóng nước vụt cao, giao long, xà giải(10) cùng sắp hàng dẫn lối. Quân sĩ và nhân dân đều vô cùng kinh hãi bèn làm biểu tấu lên triều đình, nữ vương sai quân đến nơi hành lễ tế và truyền rằng đây là nơi đất tốt, đặt tên là xứ Đồng Lăng, chuẩn cho phù hộ làng Yên Phú và được nhân dân ở đây thờ phụng.

Đến năm Thiên Phúc thời vua Lê Đại Hành, khi thống kê về các thần thấy (các vị trên) hiển linh bèn phong tặng một vị là Hoàng thái hậu Tuệ Tĩnh phu nhân, hai vị là Bản cảnh Thành hoàng Linh phù chi thần. Khi hành lễ cấm dùng các trang phục màu đỏ, vàng và trắng.

Một phong Thánh mẫu Phương Dung Trinh thục Chí đức Đoan trang Cẩn tiết Hoàng thái hậu.

Một phong Trung Vũ Tế thế Hộ quốc Khang dân Phù vận Dương võ Dực thánh Bảo cảnh Hiểu hữu Trợ thuận Linh ứng đại vương

Một phong Đài Liệu Tế thế Hộ quốc Khang dân Phù vận Dương võ Dực bảo cảnh Hiểu hữu Trợ thuận Linh ứng đại vương.

Lại nói: từ đó về sau các thần có nhiều lần hiển ứng rõ ràng trong khoảng 314 năm vào các thời thuộc Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương. Đến Nam bang ta, 4 dòng họ Đinh, Lê, Lý, Trần mở cơ đồ, qua các thời đại thường thần thông biến hóa, hiển hữu anh linh, che chở cho đất nước, sắc ban cho làng Yên Phú sửa sang miếu điện để thờ phụng, hãy kính cẩn tuân theo!

Kê ra ngày sinh, ngày hóa, các khoản lễ bàn; các chữ húy cấm dùng là Phương Dung, Trung Vũ, Đài Liệu.

Chuẩn cho làng Yên Phú thờ phụng

- Ngày sinh các thần: 22 tháng 4. Lễ chính, mâm trên dùng lễ chay, mâu dưới dùng lợn đen, xôi, rượu, bánh dày; ca hát.

- Ngày hóa các thần: 07 tháng 11. Lễ chính như trên; cấm ca hát

- Khánh hạ, cầu phúc: 18 tháng 5. Lễ chính như trên, ca hát.

Niên hiệu Hồng Phúc năm thứ nhất [1572], ngày tốt, tháng Giêng, Đông các Đại học sĩ Hàn lâm viện, thần Nguyễn Bính vâng mệnh soạn thảo.

Hoàng triều Vĩnh Hựu năm thứ 6 [1740], ngày tốt, tháng 8, Nội các Bộ Lại vâng mệnh sao y bản chính.

Hoàng triều Thành Thái, năm thứ 17 [1905], ngày tốt, tháng 4, đạo sĩ trong xã kính cẩn sao y bản chính./.

 

Phạm Thị Lan Anh, Nguyễn Văn Quý

Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.26-36.

 

Chú thích:

(1) Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam: Lịch sử Việt Nam, tập 1. Nxb. KHXH, H. 1971.

(2) Hán Việt từ điển, Thiều Chửu, Nxb. TP. HCM, 2000.

(3) Ngô Sỹ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. KHXH.

(4) Trong sách Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội, theo ông Nguyễn Vinh Phúc thì ở Hà Tây (cũ) và Hà Nội đã có trên 50 điểm làng, xã mang dấu vết của 67 vị tướng lĩnh của Hai Bà.

(5) Yên Phú tự, Đông các Đại học sỹ Hàn lâm viện, thần Nguyễn Bính vâng mệnh soạn, niên hiệu Hồng Đức thứ 1 (1572); Nội các Bộ Lại vâng mệnh sao y bản chính, Hoàng triều Vĩnh Hựu thứ 6 (1740); Đạo sỹ trong xã kính cẩn sao y bản chính, Hoàng triều Thành Thái 17 (1905). Hiện cuốn thần tích này còn lưu giữ tại chùa Yên Phú, thôn Yên Phú xã Liên Ninh huyện Thanh Trì, Hà Nội.

(6) Đại sư Khuông Việt: Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Lê Mạnh Thát, Nxb. Tp. HCM, tr.180.

(7) Thái bà: tức bà Phương Dung.

(8) Thiên địa thần nhân: chỉ Trời, Đất, Thần linh và con người.

(9) Câu này có nghĩa là mẹ con bà Phương Dung được hưởng những lợi tức ở ấp Thanh Trì.

(10) Giao long, xà giải: những thủy quái dưới nước thường được ví là binh lính của các vị thủy thần./.

Thông tin truy cập

60520572
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2065
10018
60520572

Thành viên trực tuyến

Đang có 230 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website