Do vị trí địa lý và hoàn cảnh lịch sử, Việt Nam từ xa xưa đã có sự tiếp xúc giao lưu với văn hoá Hán. Có thể thấy rõ dấu ấn của sự tiếp xúc giao lưu này trên nhiều mặt, đặc biệt trong lĩnh vực ngôn ngữ và chữ viết, dấu ấn này lại càng đậm nét, thể hiện ra ở lớp từ Hán Việt rất phong phú trong tiếng Việt. Sự vận dụng chữ Hán và dựa trên chữ Hán để tạo ra chữ Nôm đã đem lại cho Việt Nam một nền “văn minh chữ viết” khá độc đáo mà chứng tích cụ thể là kho tàng di sản văn hoá thành văn rất đồ sộ bao gồm gần 17.000 cuốn sách và khoảng 30.000 đơn vị văn bản tư liệu, biên soạn và ghi chép bằng chữ Hán, chữ Nôm thuộc đủ mọi loaị thể, lưu trữ và bảo tồn những thành quả sáng tạo văn hoá của ông cha chúng ta trên các lĩnh vực: văn học, sử học, triết học, dân tộc học, xã hội học, chính trị học, kinh tế học, quân sự học, nghệ thuật học, ngôn ngữ học,...
Học và nghiên cứu Hán Nôm có ảnh hưởng và tác động tích cực đến văn học nói chung, bởi vì, văn học là nghệ thuật ngôn từ, văn học Việt Nam cổ trung đại viết bằng chữ Hán, chữ Nôm. Nếu người học văn học Việt Nam cổ trung đại, văn học Trung Quốc mà không có một vốn tri thức Hán Nôm tối thiểu, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, học Hán Nôm liên quan đến cả Văn học hiện đại bởi Văn học hiện đại viết bằng chữ Quốc ngữ, nếu biết chữ Hán, chữ Nôm ở những mức độ nào đó họ sẽ có cơ sở hơn, tự tin hơn trong việc nhận thức Văn học hiện đại…
Để hiểu và dùng chuẩn xác tiếng Việt hiện đại, để tìm về cội nguồn, tiếp cận và thâm nhập lý giải nền văn hoá cổ truyền của dân tộc, sinh viên, những giáo viên tương lai tất phải có được một vốn tri thức nhất định về Hán Nôm.
Nhưng thực tế là bộ môn Hán Nôm trong các nhà trường đại học hiện chưa được quan tâm đúng mức. Hơn nữa, thế hệ trẻ ngày nay cũng chẳng tha thiết lắm với môn học này. Nhưng thực tế đối với một số bộ môn khoa học xã hội thì chẳng nói ai cũng biết Hán Nôm vô cùng cần thiết. Như đối với các thầy, các cô dạy môn Ngữ văn thì Hán Nôm ít nhất cũng giúp họ hiểu sâu thêm được các tác phẩm văn chương cổ cận đại trong chương trình mà nhiều chỗ dịch bản không thể hiểu hết được. Hay như đối với các ngành khác như báo chí, lịch sử, du lịch, xuất bản… Hán Nôm cũng hết sức cần. Làm sao viết báo (dùng chữ) cho đúng, làm thế nào để giới thiệu các di tích đình chùa, miếu mạo, lăng tẩm (nơi đầy rẫy những Hán Nôm) mà không có hiểu biết ít nhiều về nó?
Nói tóm lại là chúng ta nên tìm cho ra cách thức học và đọc các văn bản Hán Nôm. Biến một bộ môn này trở nên gần gũi, quen thuộc có tác dụng thiết thực và dần xoá bỏ sự ngại ngần - cách biệt, xoá bỏ cách nghĩ cho Hán Nôm là một cái gí đó rất, rất khó học, rất khó tiếp cận.
Chữ Hán là văn tự của nền văn hoá truyền thống, chữ Hán không hoàn toàn xa lạ với người Việt Nam. Chữ Hán vẫn tồn tại ở đền chùa, miếu mạo, nhà thờ họ và trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình có phong cách truyền thống. Có thể trước những văn bản bằng chữ Hán đó, chúng ta không biết đọc hoặc hiểu hết những ý nghĩa sâu xa thâm thuý nhưng sự tồn tại đã ít nhiều tạo nên một cảm thức, một tâm thức về ý nghĩa của một loại hình văn tự chuyên chở nền văn hoá của ông cha từ bao thế kỉ qua. Nó có thể đặt nền móng đầu tiên cho quá trình tìm hiểu chữ nghĩa và nền văn hoá tiềm tàng đằng sau chữ nghĩa.
Lịch sử ngôn ngữ Việt Nam có một sự chuyển mình tất yếu và quyết liệt từ chữ Hán Nôm sang chữ Quốc Ngữ. Nhưng mỗi sự phát triển đều có tính kế thừa, vì thế trong kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay vẫn tồn tại một khối lượng từ Hán Việt rất lớn, theo nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, khối lượng đó chiếm gần 70%, mà những từ Hán Việt hiện đại lại bảo lưu khá vẹn nguyên cả mặt âm đọc (âm đọc tiền Hán Việt, âm đọc Hán Việt, âm đọc Hán Việt Việt hoá) và ý nghĩa của từ Hán Việt cổ. Chẳng hạn người Việt hiện nay có thể không biết hình thể của những chữ “nhân” trong văn bản cổ nhưng họ vẫn hiểu ý nghĩa của chúng. “Nhân” là “con người” như: nhân loại, nhân chủng, nhân cách, nhân bản, nhân phẩm, nhân sinh, giai nhân, cử nhân, danh nhân, phu nhân…“nhân” là “lòng yêu thương con người, phẩm chất đứng đầu các tín điều đạo đức của Nho gia” như: nhân ái, nhân từ, nhân đức, nhân hậu, nhân nghĩa… “nhân” là “lý do, nguyên nhân” như: nguyên nhân, nhân quả, tác nhân, nhân tố… Đây là một lợi thế đối với việc học chữ Hán Việt của người Việt Nam. Rất nhiều chữ dường như là sự tiếp cận một loại hình thể thứ hai của một từ Hán Việt. Lợi thế này được nhìn rõ hơn khi so sánh một người Việt nam học chữ Hán và một người Phương Tây học chữ Hán. Cố nhiên, đây là mối quan hệ có tính chất hai chiều.
Tiếng Hán và tiếng Việt đều là loại hình ngôn ngữ đơn lập, âm tiết tính, mặt khác, văn hoá Việt Nam và Văn hoá Trung Hoa có mối quan hệ rất mật thiết, có nhiều điểm tương đồng, rất nhiều chữ Hán Việt gắn với những nội hàm văn hoá truyển thống lâu đời của dân tộc, cho nên người đọc chữ Hán Việt có thể tư duy khá hoàn chỉnh ở từng chữ, từng từ. Người Phương Tây khó cảm thấy khó hiểu với những khái niệm Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín,… Nhưng người Việt Nam có thể suy ngẫm rất sâu sắc về những từ đó. Những sự tương đồng kiểu như thế sẽ tạo những điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam đọc chữ Hán Việt.
Nhưng việc học chữ Hán đối với người Việt Nam hiện nay còn rất nhiều khó khăn và nếu không khắc phục được những khó khăn này thì những thuận lợi đã nêu ở trên cũng không được phát huy.
Xét về loại hình, chữ Hán là văn tự hình khối biểu ý còn chữ Quốc Ngữ là văn tự ghi âm thuần tuý. Hai loại văn tự này có hai con đường tiếp cận khá khác nhau. Sự khác biệt này cũng đã tạo ra những khúc mắc, cản trở cho người Việt Nam học văn tự Hán, vì thế phải mất khá nhiều thời gian để người Việt học chữ Hán quen với cách tiếp cận một loại hình văn tự mới. Loại văn tự ghi âm thuần tuý thì tiếp cận ngôn ngữ mang tính trừu tượng, còn loại văn tự hình khối biểu ý thường tiếp nhận ngôn ngữ từ ý nghĩa cụ thể đến ý nghĩa trừu tượng. Chẳng hạn, người Việt quên tiếp nhận từ “mô phạm” (模范) ở ý nghĩa trừu tượng là mẫu mực để mọi người noi theo, nhưng chữ hình khối biểu ý có con đường tiếp nhận từ nghĩa cụ thể, “mô” có nghĩa là “khuôn mẫu”, “phạm” có nghĩa là “khuôn đúc”. Từ “ cổ vũ” (鼓舞) được tiếp cận ở nghĩa trừu tượng là “động viên, khích lệ” những nghĩa cụ thể của chữ Hán thì “ cổ” là “đánh trống”, “ vũ” là “ nhảy múa” sau đó mới tiếp cận nghĩa khái quát trừu tượng…. Sự khác nhau giữa hai loại hình ngôn ngữ đòi hỏi ngưòi học phải luôn cố gắng để làm quen và tìm ra con đường tiếp cận nhanh nhất, tốt nhất.
Mặt khác, như đã nói từ đầu chữ Hán là văn tự của thời đại trước, đã trở thành tử ngữ, không thể tạo ra sức hấp dẫn như hàng loạt những ngôn ngữ thời thượng khác và nó gặp nhiều khó khăn trong thái độ tiếp nhận, có thể là phủ nhận, có thể là thờ ơ, có thể là “kính nhi viễn chi”… Hạn chế về mặt ý thức tiếp nhận này cũng là một rào cản lớn cho việc học chữ Hán Việt của người Việt Nam.
Từ những thuận lợi cũng như khó khăn trong việc học chữ Hán đối với người Việt Nam hiện nay, chúng tôi xin bàn về một số phương hướng để học tốt văn tự Hán như sau:
1. Tiếp cận văn tự hình khối biểu ý
Một trong những khó khăn trong việc học chữ Hán của người Việt Nam đó chính là khoảng cách tiếp cận của hai loại hình ngôn ngữ biểu ý và biểu âm, vì thế, theo chúng tôi để đọc tốt chữ Hán trước tiên phải rút ngắn khoảng cách đó, nhanh chóng làm quen với con đường tiếp cận một loại hình văn tự mới với những phương pháp sau:
1.1. Nắm chắc bộ thủ chữ Hán
Có thể thấy bài học về bộ thủ chữ Hán là một trong những bài học đầu tiên và việc nắm chắc bộ thủ chữ Hán là vấn đề hết sức quan trọng để người học có thể từng bước chiếm lĩnh kho tàng chữ Hán hết sức đồ sộ, phong phú. Nếu như không nắm vững được bộ thủ chữ Hán thì người học sẽ không tiếp cận được ý nghĩa của chữ Hán từ những nét nghĩa cụ thể, không viết được chữ Hán một cách chính xác.
Và việc nắm vững bộ thủ chữ Hán đòi hỏi ở cấp độ tuyệt đối bởi trong chữ Hán có nhiều bộ thủ có hình thể tương đối giống nhau nhưng ý nghĩa rất khác nhau như bộ thuỷ 氵(nước, hình vòng nước chảy ) và bộ băng冫( nước gặp lạnh thì đông lại), bộ nhân 人 (người, xác định bởi hai chân là sinh vật đứng thẳng) và bộ nhập 入 (vào, tượng hình rễ cây đâm vào lòng đất), bộ bối 贝(vỏ sò; tiền của, của quý), bộ kiến 见 (thấy), bộ thỉ 豕(lợn), bổ trãi 豸(loài thú), bộ đao 刀(con dao) và bộ lực 力 (sức lực), bộ thổ 土 (đất) và bộ sĩ 士 (học trò những người nghiên cứu học vấn), bộ thi 尸 (thây người chết hính xác người nằm duỗi ra) và bộ hộ户(cái cửa, hình cái cửa có một cánh), bộ mục 目(mắt, hình con mắt) và bộ tự 自(cái mũi, cổ văn vẽ hình cái mũi trên cái miệng, nghĩa rộng là từ mình) bộ mãnh 皿(bát đĩa để ăn cơm, vẽ hình cái bát) và bộ huyết 血 (máu, nét phẩy ở trên biểu thị máu đựng trong bát để tế thần), và bộ đấu 斗 (đánh nhau, tượng hình hai người cầm vũ khí), bộ môn 门 (hình hai cánh cửa), viết đúng, hiểu đúng chữ Hán và đó cũng chính là con đường rất quan trọng để rút ngắn khoảng cách sự khác biệt giữa hai con đường tiếp cận là chữ biểu ý và chữ biẻu âm.
1.2. Tư duy trên mặt chữ
Trong cách cấu tạo chữ Hán mà Hứa Thận đã phân tích thì bốn loại cấu tạo Tượng hình, Chỉ sự , Hội ý, Hình thanh đều có yếu tố biểu ý trên văn tự và chiếm phần lớn trong kho tàng văn tự Hán còn hai loại cấu tạo Giả tá, Chuyển chú chỉ là cách dùng chữ và chiếm một số lượng rất ít. Vì thế, khi học chữ Hán người đọc nên chú ý đến hình thể văn tự, để từ hình thể vă tự lĩnh hội ý nghĩa của chữ. Đây là một đặc trưng mà văn tự ghi âm không thể có, nhìn vào chữ “minh” (明, 瞑, 鸣, 冥, 盟) của tiếng Hán cạnh nhau không cần văn cảnh vẫn có thể nhận ra ý nghĩa của chúng. Đó là dựa vào yếu tố biểu ý trong từng chữ. Như vậy, trong việc học văn tự hình khối biểu ý, đòi hỏi người học phải có sự chú tâm hơn rất nhiều trong tư duy về hình thể văn tự so với việc học văn tự biểu âm.
2. Tận dụng từ Hán Việt để học chữ Hán
Trong kho tàng từ vựng tiếng Việt hiện nay, từ Hán Việt chiếm gần 70%, chính vì thế người học phải huy động toàn bộ vốn ngôn ngữ của mình trong việc học chữ Hán, đặc biệt là những từ Hán Việt đồng âm trong số lượng từ Hán Việt hết sức đồ sộ. Trên cơ sở biết nghĩa và âm của những từ Hán Việt đồng âm, chúng ta học hình thể của những từ đồng âm đó. Sau đó, chúng ta mở rộng và khắc sâu chúng. Chẳng hạn với các chữ “minh” đồng âm, trước tiên chúng ta huy động những từ ghép Hán Việt cùng trường nghĩa. Nghĩa thứ nhất là các từ như: minh quân (明君), anh minh (英明), thông minh (聪明)… nghĩa thứ hai là các từ như: liên minh (联盟), đồng minh (同盟), … nghĩa thứ ba là các từ: u minh (幽冥), minh khí (冥器)… Sau đó, chúng ta tiếp tục mở rộng ở cấp độ thứ hai bằng cách học những từ ghép của các từ này như: quân, anh, thông..., liên, đồng..., u, khí… Tất nhiên, ở đây đòi hỏi thêm một kỹ năng nữa là nhận biết từ Hán Việt và từ thuần Việt, điều này không phải quá khó bởi mỗi người đều có một dự cảm ngôn ngữ rất tinh tế với ngôn ngữ mẹ đẻ, ngoài ra hiện nay có rất nhiều tài liệu, từ điển giúp đỡ người học trong việc rèn luyện kỹ năng này. Có thể thấy việc huy động vốn từ Hán Vịêt trong việc học chữ Hán là đã phát huy được lợi thế mối quan hệ ngôn ngữ Việt và Hán trong suốt tiến trình lịch sử rất lâu dài. Vả lại, cách học như vậy sẽ giúp cho việc sử dụng tiếng Việt hiện đại ngày càng chính xác và hay hơn.
Để việc phát huy vốn từ Hán Việt trong kho tàng tiếng Việt trong việc học chữ Hán, người học cần nắm chắt một số đặc điểm đặc trưng về ngữ âm, từ pháp và ngữ nghĩa của từ Hán Việt, điều này sẽ giúp người học nhớ chữ Hán một cách chắc chắn. Chẳng hạn về ngữ nghĩa, phần lớn từ Hán Việt đều giữ nguyên nghĩa cổ, nghĩa gốc của tiếng Hán nhưng có nhiều từ trong quá trình sử dụng rất lâu dài ở Việt Nam thì những nét nghĩa gốc bị mờ đi mà nghĩa phái sinh lại nỗi bật hơn, chính vì thế người Việt khi học chữ Hán cần tìm về nét nghĩa gốc, nét nghĩa đầu tiên của chữ Hán, nếu không sẽ dẫn đến những hiểu lầm. Chẳng hạn, “khúc chiết” (曲折) nghĩa gốc của chữ Hán là “cong queo, gẫy khúc; sự việc ẩn dấu tình tiết, không lộ rõ”, nhưng trong tiếng Việt thì nghĩa nỗi bật của nó lại là “rõ ràng, gẫy gọn, rành mạch”; “thủ đoạn” (手段) trong tiếng Hán có nghĩa là “cách thức, biện pháp, phương cách” nhưng trong tiếng Việt có nghĩa là “mánh khoé, khôn ngoan và xảo trá, ác độc”,…
Ngoài ra, trong việc chiếm lĩnh vốn từ thì cần phải xác định đúng từ loại, nếu xác định không đúng về mặt từ loại thì sẽ dẫn đến việc phiên âm nhầm lẫn. Chẳng hạn, chữ 处 nếu là danh từ thì có âm là “xứ” như: xứ xứ, xứ sở,… nếu là động từ thì có âm là “xử” như: xử phạt, xử lí… Chữ 中là danh từ thì đọc là “trung” như: trung đạo, trung gian, trung tuần, trung đội…nếu là động từ thì đọc là “trúng” như: trúng độc, trúng gió, trúng kế, trúng thưởng… Chữ 传nếu là động từ thì có âm là “truyền” như: tương truyền, truyền thuyết, lưu truyền… nếu là danh từ thì có âm là “truyện” như: truyện kí, tự truyện, liệt truyện … Chữ 长nếu là tính từ thì có âm là “trường” như: trường độ, trường niên, trường giang… nếu là động từ thì có âm là “trưởng” như: sinh trưởng, trưởng thành …
3. Chiếm lĩnh chiều sâu văn hoá
Văn tự là phương tiện biểu đạt và truyền tải văn hoá, lịch sử của dân tộc. Ông cha ta đã sử dụng chữ Hán trên 2000 năm và 700 năm sử dụng chữ Nôm để ghi chép mọi lĩnh vực văn hoá từ khoa học xã hội đến khoa học tự nhiên. Nắm văn tự Hán và văn hoá Hán là cơ sở quan trọng để hiểu rõ văn hoá Việt Nam. Bởi vậy, học chữ gắn liền với nghĩa, đặc biệt gắn liền với những nội hàm văn hóa là một cách nhớ chữ Hán vô cùng sâu sắc. Điều này vô cùng thuận lợi bởi văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Hoa có sự cộng hưởng hết sức sâu sắc. Chẳng hạn khái niệm “quân tử” và “tiểu nhân” theo quan điểm của Nho gia. Lúc đầu, “quân tử” là chỉ những người có địa vị tôn quý còn chữ “tiểu nhân” chỉ những người bình thường không có địa vị gì trong xã hội. Về sau thì dùng theo nghĩa mở rộng, “quân tử” chỉ những người có đức hạnh còn “tiểu nhân” chỉ những người hèn hạ, vậy nên dẫu trong bần cùng, cực khổ vẫn có thể là quân tử và dù ở chốn quyền cao chức trọng vẫn có thể là tiểu nhân. Chẳng hạn chữ “hòa” gồm bộ khẩu chỉ sự ăn uống và chữ “hòa” chỉ cây lúa, nó có nghĩa cụ thể chỉ nghệ thuật cách thức nấu nướng phải biết thêm ngọt bớt mặn cho thật sao cho ngon, hợp khẩu vị. “Hòa” là điều chỉnh có mối mâu thuẫn cho thật hợp lí.
Việc chiếm lĩnh được một vốn từ nhất định vẫn là cái đích đến cuối cùng. Nhưng kể cả lúc đã có một vốn Hán Nôm nhất định rồi, mà người sở hữu không biết cách dùng thì cũng mai một dần đi. Cho nên, tiếp theo việc học văn tự, chúng tôi sẽ nói về cách đọc hiểu văn bản Hán Nôm. Hán Nôm lại tồn tại dưới rất nhiều hình thức văn bản khác nhau. Tiếp xúc với văn bản, công việc đầu tiên là cần xác định thời gian và tác giả của văn bản, càng cụ thể càng tốt.
Bên cạnh việc xác định rõ tác giả và niên đại của văn bản, còn rất nên lưu ý đến việc “cú, đậu” văn bản, tức là phải chấm, ngắt câu cho được. Việc này xưa các cụ gọi là “thông mạch sách”. Chỗ này, chữ Hán có đặt tính “chả giống ai”. Người làm văn bản nhiều điều phải thừa nhận ai cũng mắc phải. Chữ và nghĩa hiện cả ra sờ sờ trước mắt, mà đọc vẫn không thông.
Yêu cầu thứ hai khi giải mã văn bản là yêu cầu về khả năng văn hóa. Ở trên, đã nói chữ Hán là loại chữ mang “chiều sâu văn hóa”, và điều ấy cũng đúng với văn bản Hán. Một văn bản Hán thường là sự tổng hợp của những “chiều sâu văn hóa” khác nhau. Thơ văn đấy, mà là triết học, là sử học, là địa lí, là y học… Trong mớ hỗn mang đó, cái đóng vai trò nồng cốt là điển cố. Người ta thường cho rằng: điển cố là rút gọn “chuyện cũ người xưa” và “lời nói người xưa” thành đôi ba chữ để đưa vào văn thơ, làm cho câu văn hàm súc ngắn gọn, lời ít ý nhiều. Do quan niệm thẩm mĩ của người xưa là chuộng tập cổ (học tập cái cổ xưa), câu văn càng cổ, càng dẫn nhiều chuyện cổ, câu nói cổ của thánh hiền thì càng hay, càng mang tính chất mẫu mực nên văn chương Hán văn sử dụng rất nhiều điển cố đủ các loại thể: thơ, biền văn, các loại văn xuối như chế, chiếu, biểu sách… Nhưng nói chung nó được sử dụng nhiều hơn cả ở các câu văn đối ngẫu, vì văn đối ngẫu bị gò ép về số lượng âm tiết nên có thể khắc phục bằng cách dùng điển cố. Điển cố bao giờ cũng bao hàm hai cấp độ nghĩa (tính lịch sử cụ thể và tính biểu trưng). Điển cố càng ngày càng được viện dụng rộng rãi đến mức không thuộc điển cố nhiều khi không hiểu được ý nghĩa của câu văn thơ cổ. Vì vậy, chúng ta cần phải tìm hiểu điển cố, nếu không nhập tâm được lượng điển cố nhất định thì khó lòng đọc hiểu hết được văn bản Hán Nôm.
Một điều nữa, nếu nói có người sẽ cho là thừa, đó là khả năng về tiếng Việt. Tiếng Việt mới là thứ ta thường xuyên thiếu trong việc đọc, dịch các văn bản Hán, phiên âm các văn bản Nôm. Luôn luôn phải so đi tính lại, xem chữ này nên dịch thế này hay thế kia, chính là công việc lựa chữ, tìm từ ngay trong ngôn ngữ mẹ đẻ. Nên mới có bản dịch đúng, bản dịch hay cạnh những bản dịch chưa sát, chưa hay. Do vậy, không ngừng trau dồi và sử dụng cho thật thành thạo tiếng Việt cũng là một đòi hỏi không thể thiếu.
Trở lên, chúng tôi vừa mạo muội góp bàn về việc học chữ Hán và đọc hiểu các văn bản Hán Nôm. Chung quy, vẫn là việc phải học thuộc lòng càng nhiều chữ càng tốt và vận dụng vốn chữ nghĩa đó một cách đắc dụng nhất trong khi đọc, dịch các loại văn bản. Bên cạnh đó, nâng cao vốn văn hóa và vốn Việt ngữ cũng là một quá trình thường xuyên để từng bước thâm nhập kho tàng di sản văn hoá thành văn Hán Nôm - một bộ phận quan trọng trong nên văn hoá cổ truyền của dân tộc.
Hoàng Quốc
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Đình Chú (2005), “Khẩn trương khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông”, T/c Hán Nôm, số 2.
2. Cao Xuân Hạo (2001), Tiếng Việt, Văn Việt, Người Việt, Nxb Trẻ, Tp. HCM.
3. Nguyễn Quang Hồng (2008), “Chữ Hán chữ Nôm với thế hệ trẻ”, T/c Ngôn ngữ và đời sống, số 12.
4. Đặng Đức Siêu (5/2005), “Truyền đạt và tiếp nhận di sản Hán Nôm trong nhà trường” Báo cáo đề dẫn Hội thảo Nghiên cứu, giảng dạy ngữ văn Hán Nôm trong nhà trường đại học và Cao đẳng Sư phạm, Đại học Sư phạm Hà Nội.
5. Nguyễn Cảnh Toàn (2003), “Chữ Nho với văn hoá Việt Nam”, T/c Hán Nôm, số 4.
6. Nguyễn Minh Tường (2005), “Suy nghĩ về lợi ích của việc dạy chữ Hán cho lớp trẻ hiện nay”, T/c Hán Nôm, số 3.