Ý nghĩa câu “Tiên học lễ hậu học văn” trong đời thường và trong y học

(Huỳnh Minh Đức, In trong "Những vấn đề ngữ văn" (Tuyển tập 40 năm nghiên cứu khoa học của Khoa VH&NN)

 

(Nguồn: Google) 

Việt Nam là nước văn hiến. Trong nền giáo dục xưa, ông cha chúng ta đã bằng tấc lòng vàng để lại câu “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Câu nói này do ai nói, có từ lúc nào chúng ta không thể biết, chỉ biết rằng hiện nay, thời của thập niên cuối thế kỷ 20, trên báo chí cũng như trên các vách của lớp học Việt Nam đều treo đầy khẩu hiệu trên. Nhưng, tình hình học trò mất đạo đức, học trò đánh thầy, con đánh cha mẹ, luân lý gia đình, xã hội xuống dốc và đang thách thức khẩu hiệu này với thời gian…

Vấn đề giáo dục là công việc của quốc gia, dân tộc, bài này chỉ nhằm phân tích và tìm hiểu nội dung câu nói trên ảnh hưởng thế nào trong cuộc sống xã hội, học đường và cả trong Y học đông phương mà thôi.

1. Thế nào là tiên hậu?

Trong ý nghĩa thông thường, tiên là trước, hậu là sau. Tuy nhiên, trong triết học đông phương, vấn đề không chỉ đơn giản là như vậy. Phần mở đầu sách Đại học viết:

物有本末事有終始知所先後則近道矣。

Vật hữu bản mạt, sự hữu chung thỉ, tri sở tiên hậu, tắc cận Đạo hĩ.

= Vật có gốc ngọn, việc có chung thỉ, biết được việc nào tiên hậu (trước sau) của nó, thế là chúng ta đã gần được với cái Đạo rồi vậy.

Nội dung của chữ tiên hậu trong câu sách Đại học không chỉ thuần tuý thời gian: nó không chỉ có nghĩa là học xong chương trình về Lễ trước, sau đó học tiếp chương trình Văn. Nó mang ý nghĩa mà Khổng tử đã nói:

天下同歸而殊途一致而百慮

Thiên hạ đồng quy nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự.

= Thiên hạ đi theo nhiều con đường khác nhau, nhưng cùng đồng quy (quay về một nơi); thiên hạ suy nghĩ nhiều cách nhưng đều đi từ một nguồn.

Đồng quy hay nhất trí ở đây là ý nghĩa của chữ tiên tức là điểm chủ yếu là cái gốc (bản), cái nền. Còn thù đồ, hay bách lự chính là hậu, tức là thứ yếu, là cái ngọn (mạt).

Trong thi ca Việt Nam nói về chữ Hiếu, có những câu:

Trước là đẹp mặt, sau là ấm thân.

hoặc:

Trước lo báo bổ, sau là hiển vang.

Sách Hiếu kinh nhấn mạnh:

Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu…

= Người con trai lớn lên lập thân hành đạo, để tiếng thơm lại đời sau, làm rạng rỡ cho cha mẹ.

Người con trai Việt Nam trước đây lo học hành, khi lớn lên lập thân, thi hành cái Đạo làm người, thi đỗ làm quan. Làm quan tốt sẽ mang lại hai kết quả tốt: một là tạo thành tiếng thơm, lưu lại đến đời sau, hai là có cuộc sống vinh hoa phú quý về vật chất.

Như vậy, hai câu “Trước lo báo bổ” và “Trước là đẹp mặt” ý nghĩa nói về việc báo hiếu cha mẹ, là mang cái danh dự mà mình tạo được trong xã hội dâng lên cho cha mẹ; làm đẹp mặt cha mẹ là bổn phận quan trọng nhất trong việc báo hiếu. Báo hiếu là công việc hàng đầu, là chủ yếu, là cái gốc, thuộc tư cách làm người. Còn câu “sau là ấm thân” hay “sau là hiển vang”, là dành cho bản thân mình: hưởng thụ cái vinh hoa phú quý, thuộc hàng thứ yếu.

Nguyễn Công Trứ trong bài Kẻ sĩ cũng viết:

Làm sao cho bách thế lưu phương,

Trước là sĩ, sau là khanh tướng. 

Hai câu này muốn đề cao vai trò kẻ sĩ quan trọng hơn là bậc khanh tướng, chứ không phải định xếp địa vị của kẻ sĩ lên đứng trước hàng khanh tướng.

Câu “Tiên học Lễ, hậu học Văn” cũng thế. Câu này ý nói rằng ông cha chúng ta xem việc “giáo dục Đạo đức: Lễ” là quan trọng hàng đầu, là cái gốc, cái nền tảng cho việc đào tạo tư cách làm người, còn “cái học khoa cử: Văn” là cái ngọn, chỉ là bông hoa trên một thân cứng cát, là cái học làm nghề mà thôi.

2. Học Văn là học gì?

Trong giáo dục thì “học Văn” thuộc về giáo, tức là học một chương trình:

*Ngày xưa, do Bộ Học quy định để sau này thi đỗ ra làm quan, giúp nước, như lễ nhạc, xạ, ngự, thư, số… Nhưng vì chương trình học này lấy thơ văn làm chính, cho nên gọi tắt là Văn.

*Ngày nay, do Bộ Giáo dục quy định, học các ngành vừa khoa học nhân văn, vừa khoa học tự nhiên…, sinh viên ra trường sẽ là những chuyên viên hành nghề theo nhiều ngành: bác sĩ, kỹ sư, giáo sư…

Dù ngày xưa hay ngày nay, chúng ta có thể hiểu học Văn ở đây là học chương trình để ra đời “làm nghề”.

3. Học Lễ là học gì?

Trong giáo dục thì “học Lễ” thuộc về dục, tức là học cái gốc để làm người, phân biệt hẳn với giáo, là cái học làm nghề. Ông cha chúng ta hiểu một cách rõ ràng rằng, một người thanh niên lớn lên, phải có dục để thành người, nhưng cũng phải có giáo để hành nghề. Phải dục cái Lễ trước vì nó là cái gốc. Riêng về việc giáo cái Văn, người xưa cũng hết sức chú trọng, chúng ta cứ xem lại quy trình học hành và thi cử nghiêm túc ngày xưa để chọn nhân tài thì đủ biết. Chỉ tiếc một điều là thời xưa chúng ta không có chương trình khoa học thực nghiệm như hiện nay, chỉ chú trong thi văn, vì thế cái học thực nghiệm chỉ còn là hư văn.

Học Lễ là học gì?

Nền triết học đông phương còn để lại cho chúng ta quyển Kinh Lễ. Đây là quyển sách duy nhất trên thế giới nói về Lễ.

Thông thường chúng ta hiểu học Lễ là học những nghi thức tôn trọng bề ngoài của người nhỏ đối với người lớn trong gia đình và xã hội, của học trò đối với thầy trong trường học, cũng như trong mọi sinh hoạt cộng đồng tôn giáo: quan, hôn, tang, tế mà ta quen gọi là lễ phép, lễ độ, nghi lễ, tang lễ, hôn lễ, tế lễ…

Hiểu như vậy cũng không sai nhưng chưa đủ, vì dù sao, đó cũng chỉ là những cử chỉ, những nghi thức bề ngoài thôi. Vấn đề này bên trong còn hàm chứa thứ triết học sâu sắc hơn.

Sách Thuyết văn giải thích:

禮者履也所以事神致福也。

Lễ giả, lý dã; sở dĩ sự thần trí phúc dã.

= Lễ có nghĩa là bước tới, là hành động; nhằm thờ phụng thần linh, mang đến phúc cho mọi người.

Như vậy, Lễ là những quy phạm cho mọi hành động và quan hệ của con người với thần linh, trong gia đình và ngoài xã hội… Trong phạm vi của bài viết này, không thể đi xa hơn (xin độc giả đón đọc bộ sách Kinh Lễ do GS. Huỳnh Minh Đức dịch, sắp xuất bản).

Nay chỉ xin nêu lên vài trường hợp điển hình trong văn học Việt Nam giữa trai gái trong gia đình và trong xã hội để định nghĩa chữ Lễ theo lối quy nạp:

Trong Truyện Kiều, khi Kim Trọng có ý lả lơi với Thuý Kiều, Nguyễn Du đã dùng Lễ giáo để nhắc nhở Kim Trọng qua lời Thuý Kiều:

Đã cho vào bậc bố kinh,

Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.

Ra tuồng trên Bộc trong dâu,

Thì con người ấy ai cầu làm chi!

Trong Truyện Hoa tiên, Dương Dao Tiên cũng khuyên Lương sinh tương tự:

Thề lòng đợi bến Hà châu,

Đợi đâu trên Bộc trong dâu ru mà.

Trong Truyện Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu cũng nêu cao gương Lễ giáo của nam nữ trong sự gặp gỡ giữa đường sau khi Lục Vân Tiên đánh tan bọn cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga:

Khoan khoan ngồi đó chớ ra,

Nàng phận gái, ta là phận trai.

Rõ ràng sự gặp gỡ giữa trai gái trong ba trường hợp trên trong văn học Việt Nam, chứng tỏ ông cha chúng ta đã dùng lễ giáo nêu cao nếp sống đẹp giữa con người và con người mà quan hệ nam nữ là hệ trọng nhất, đúng như sách Trung dung viết:

君子之道造端乎夫婦及其至者察乎天地。

Quân tử chi Đạo, tạo đoan hồ phu phụ, cập kỳ chí giả, sát hồ thiên địa.

= Cái Đạo (cuộc sống) của người quân tử bắt nguồn từ đạo vợ chồng. Nếu làm tròn được cái Đạo ấy, ta có thể biết được việc trong trời đất.

Sự quan hệ cực kỳ quan trong giữa nam và nữ, ý nói vợ chồng trong gia đình là nền tảng của trật tự xã hội. Khi mà việc vợ chồng không còn đứng đắn, thì ngoài xã hội họ cũng sẽ không ra gì. Vần đề này được Mạnh tử nói rõ trong khi đối thoại với Thuần Vu Khôn trong thiên Ly lâu:

Thuần Vu Khôn hỏi:

男女授受不親禮歟

Nam nữ thụ thụ bất thân, Lễ dư?

= “Vấn đề Trai gái không được tự mình trao và nhận (tiếp xúc nhau) một cách trực tiếp. Đó có phải là Lễ không?”

Mạnh tử đáp: “Vâng. Đó là Lễ”.

Hỏi: 嫂溺,則援之以手乎

Tẩu nịch, tắc viện chi dĩ thủ hồ?

= “Tôi có người chị dâu, sắp chết đuối, tôi phải dùng tay để cứu, được không?”

Đáp: “Khi thấy chị dâu mình sắp chết đuối mà không cứu thì đó là loài chó sói. Vấn đề 'Nam nữ thụ thụ bất thân' thuộc về Lễ. Còn vấn đề ‘Tẩu nịch, viện chi dĩ thủ’ thuộc về Quyền".

Hỏi: “Nay thiên hạ đang chết đuối (loạn lạc), thầy không cứu, tại sao thế?”

Đáp: “Thiên hạ sắp chết đuối, phải dùng cái Đạo để cứu. Chị dâu chết đuối thì dùng tay để cứu. Anh muốn khuyên ta dùng tay để cứu thiên hạ sao?”

Dựa vào lời đối thoại của Thuần Vu Khôn và Mạnh tử, chúng ta có thể tìm hiểu ý nghĩa của chữ Lễ trong quan hệ nam nữ giữa Thuý Kiều và Kim Trọng; giữa Lương Sinh và Dương Dao Tiên; giữa Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga.

Mạnh tử đã phân biệt cuộc sống thành hai làn ranh:

1/ Thủ Lễ hay chấp Kinh: con người là một động vật có Lễ, tức là phải tuân thủ một số nguyên tắc luân lý trong khi quan hệ giao tiếp với nhau để phân biệt với thú vật. Theo nhà Nho, con người sống giữa Trời Đất, Trời Đất có ngũ hành thì con người có ngũ luân:

Vua          tôi

Cha           con

Chồng      vợ

Anh          em

Bạn           bạn

Mỗi người nêu trên đều có một bổn phận riêng để sống và quan hệ với nhau. Mỗi bổn phận là một con đường phải đi, gọi là Đạo. Trong cuộc sống, mười con đường này gọi là mười nhân đạo. Mười nhân đạo này được chia làm năm cặp. Mỗi cặp đối xử riêng biệt gọi là một luân. Trật tự của mỗi luân gọi là luân lý. Ta có tất cả là ngũ luân:

Câu “nam nữ thụ thụ bất thân” mà Mạnh tử gọi là Lễ, chính là một cách diễn tả về luân lý. Theo bộ Kinh Lễ, chữ Lễ mang ý nghĩa như một “khoảng cách của người và người”. Nói khác đi, nếu trong vũ trụ, chúng ta có:

*khoảng cách vật lý: ví dụ:

Từ A                     sang     B = 3 km

AB = 3 km;          BA cũng =3 km

*khoảng cách tâm lý: ví dụ:

A              sang     B = 3 km

Đi từ A sang B ta đi thấy gần hơn: nhưng đi từ B về A cảm thấy xa hơn. Vấn đề cảm thấy ở đây thuộc khoảng cách tâm lý.

Khoảng cách vật lý hay tâm lý thì chúng ta đã hiểu. Tôi xin dùng một loại khoảng cách đặc biệt gọi là “khoảng cách luân lý” để giải thích chữ Lễ. Nói dễ hiểu hơn, khoảng cách luân lý là một khoảng cách giữa người và người. Chỉ có con người, chứ không phải con thú, mới và mới biết gìn giữ khoảng cách này. Trong cuộc sống đời thường, các nhà triết gia Nho giáo đông phương viết hàng chục quyển sách, viết hàng trăm ngàn lời cũng chỉ muốn dạy chúng ta biết cách gìn giữ một cách nghiêm ngặt vấn đề luân lý, tức là biết phải giữ khoảng cách luân lý để con người thành người, không xô bồ, suồng sã, hỗn láo như bầy thú.

Tất cả những điều trên có thể cho phép chúng ta tạm định nghĩa: “LỄ chính là GIỮ KHOẢNG CÁCH LUÂN LÝ”. Tất nhiên, đây không phải nói về xa hay gần theo vật lý, mà chỉ nhắc nhở và dạy chúng ta tiếp xúc như thế nào cho tròn bổn phận của mỗi một nhân đạo, của mỗi một cặp nhân luân, phân biệt với cuộc sống xô bồ, suồng sã của loài thú vật. Về phía công chức nhà nước, người thầy, người cha người chồng, người anh nếu quá nghiêm khắc, quá áp bức với người dân, người học trò, người con, người vợ, người em, đó là vô Lễ, vì đã đẩy họ ra xa với mình. Ngược lại, về phía người dân, người học trò, người vợ, người em, nếu quá suồng sã, quá hỗn láo với người công chức, với người thầy, người chồng, người anh, đó cũng là vô Lễ, vì đã kéo khoảng cách với nhau lại quá gần.

Chúng ta có thể xem trong lời đối thoại của Mạnh tử và Thuần Vu Khôn nêu trên, câu “nam nữ thụ thụ bất thân” nói lên được một trong những khoảng cách luân lý trong ngũ luân, cũng là ý nghĩa của chữ Lễ. Bởi vì sự tiếp xúc giữa nam và nữ là giai đoạn mở đầu cho việc vợ chồng sau này. Mà quan hệ vợ chồng là quan hệ nền tảng cho sự sinh hoá của vũ trụ vô cùng quan trọng, đúng như Trung dung đã nói “Quân tử chỉ đạo tạo đoan hồ phu phụ, cập kỳ chí giả, sát hồ thiên địa”.

Người xưa không cấm việc tiếp xúc giữa trai gái vì đây là một dịp tương hội giữa Âm Dương để “Nam nữ cấu tinh, vạn vật hoá sinh”.

Trong Y học, nếu Âm Dương thuộc chính khí, sự tiếp xúc giữa trai gái hợp với Lễ thì con cái mới bẩm thụ được tiên thiên khí tốt, còn như sự tiếp xúc bằng loại Âm Dương quái khí thì quái nhân và quái thai sẽ được sinh ra. Bất cứ nhìn về mặt nào, y học hay đạo đức, thực tế đã chứng minh nhật xét trên là không sai.

Như vậy, Lễ ở đây, dù về mặt nghi thức hay về mặt đạo đức, rất là thiêng liêng, nó sẽ mang lại cho vợ chồng về lâu về dài một ổn định về tâm lý: kính trọng lẫn nhau. Một tình yêu từ “bụi môn trước cửa hoặc bụi chuối sau hè" của phường “mèo đàng chó điếm” sẽ không thể làm cho đôi bên tôn trọng lẫn nhau, và như vậy vợ chồng sẽ không sống với nhau lâu bền được.

Nếu trong cuộc sống bình thường, cái Lễ tạo ra một khoảng cách luân lý để con người không bị đẩy ra xa cách nhau, thì nó cũng ngăn được sự xô bồ, suồng sã, hỗn láo như bầy thú.

2/ Tùng quyền: Mạnh tử cũng cho rằng, trong cuộc sống nếu “chấp kinh
(Lễ) thì cũng phải tùng quyền
”, vì thế, trong trường hợp người chị dâu sắp bị chết đuối, thì vấn đề không còn thuộc phạm vi chấp kinh (hay Lễ) nữa, mà phải tùng quyền: sự tiếp xúc giữa tôi và chị dâu tôi bây giờ không thuộc “nam nữ thụ thụ bất thân, thuộc Lễ” nữa mà chỉ còn là người sắp chết được người cứu sống mà thôi. Nếu người này thấy người kia lâm nạn mà không cứu thị thuộc loài lang sói.

Chúng ta trở lại trường hợp của Thuý Kiều và Kim Trọng, của Lương Sinh và Dương Dao Tiên, của Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga.

1/ Thuý Kiều, Dương Dao Tiên, đều là con gái và đang trong cuộc sống bình thường, sự tiếp xúc với người yêu của mình rất chính đáng, họ không phải là những phường mèo mả, gà đồng, vậy muốn tình yêu được bền chặt, hai bên phải kính trọng lẫn nhau bằng cái Lễ “nam nữ thụ thụ bất thân”.

Kim Trọng, qua lời khuyên của Thuý Kiều nên giữ Lễ, đã nêu cao địa vị cao quý của người con gái với nền đạo đức, lễ nghĩa đông phương:

Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,

Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi Trương.

hoặc:

Mây mưa đánh đổ đá vàng,

Quá chiều nên đã chán chường yến anh.

hoặc:

Mái tây để lạnh hương nguyền,

Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng.

Rõ ràng, Nguyễn Du đã cảnh cáo:

Ra tuồng trên Bộc trong dâu,

Thì con người ấy ai cầu làm chi.

Ông đã mượn một gương xấu trong Mái tây giữa Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thuỵ. Chính con Hồng, tỳ nữ, đã bế cô Oanh Oanh nửa đêm đặt lên giường ngủ của Quân Thuỵ, Quân Thuỵ đã cởi lần từng cái áo, cái quần của Oanh Oanh, hai người này đã tự động lén cha mẹ để ăn nằm với nhau cả tháng trời, để rồi cuối cùng đáng lẽ phải là “duyên đằm thắm” kết cục lại “ra duyên bẽ bàng”.

Như vậy, theo Thuý Kiều thì sự tiếp xúc của đôi tình nhân này thuộc “vô Lễ”, để làm “bẽ bàng” đến “lạnh hương nguyền” giữa hai người. Nguyễn Huy Tự, qua miệng của Dương Dao Tiên, lại dùng một gương tốt mẫu mực, khuyên Lương Sinh không nên sàm sỡ với mình, đễ giữ tròn cái Lễ, qua gương của mối tình đứng đắn của Chu Văn Vương và bà Thái Tự.

Thề lòng đợi bến Hà châu,

Đợi đâu trên Bộc trong dâu ru mà.

2/ Trường hợp của Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga thì khác hẳn với hai mối tình trên: vừa chấp kinh (Lễ), vừa tùng quyền.

*tùng quyền:

Kiều Nguyệt Nga giữa đường gặp nạn, Lục Vân Tiên vì nghĩa “Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”, đã nhổ cây làm vũ khí đánh tan“lũ kiến chòm ong”. Đó là hành động mà Mạnh tử gọi là “tẩu nịch viện chi dĩ thủ, quyền dã”.

*chấp kinh, hay thủ Lễ:

Tuy nhiên, sau đó, khi tình hình nguy hiểm không còn nữa, tức là khi biết mình đã cứu một cô gái, Vân Tiên đã lập tức thủ Lễ ngay với nàng lúc nàng đang ngồi trong xe:

Khoan khoan ngồi đó chớ ra,

Nàng là phận gái, ta là phận trai.

Đây là tình huống: “nam nữ thụ thụ bất thân”. Chàng biết mình đang với người con gái trước mặt không còn ở vào tình huống bất thường nữa, tức đây là lúc trai gái không thể trực diện tiếp xúc nhau, và chàng đã phải dùng Lễ để bảo vệ tư cách của cô gái: một việc làm tuyệt vời nhằm tôn trọng nhân cách của Kiều Nguyệt Nga. Theo Lục Vân Tiên, sự gặp gỡ ở nơi hoang vắng giữa trai và gái sẽ làm tổn thương danh giá của cô gái cành vàng lá ngọc, vậy là “vô Lễ”. Người học trò Nho giáo biết thủ Lễ không bao giờ làm như vậy. Nguyễn Đình Chiểu đã dùng “văn dĩ tải đạo” để nêu cao cái Lễ, giúp cho mối tình tuyệt đẹp chớm nở giữa đôi tình nhân này về sau được bền chặt hơn.

Đến đây, có thể tạm dùng những thí dụ trên làm dữ kiện cho phương pháp quy nạp để định nghĩa câu “tiên học Lễ”.

Lễ ít ra là nghi thức bên ngoài tạo dựng nên một khoảng cách luân lý cho cuộc sống chung giữa con người và con người; luôn luôn cần phải có thân tình, không thể xô đẩy họ xa cách nhau, thân tình nhưng không để họ sống một cách luông tuồng, suồng sã như thú vật. Nói cách khác, Lễ là những cử chỉ, những nghi thức mà chúng ta phải tuân thủ, điều chỉnh ngũ luân, sống hài hoà với người khác. Sống hài hoà chính là sống bằng ngũ luân, thật tế nhị, thật thiêng liêng nhằm duy trì khoảng cách luân lý:

Vua          tôi

Cha           con

Chồng      vợ

Anh          em

Bạn           bạn.

Câu “Tiên học Lễ” phải treo trong trường học chính là kêu gọi người thầy nên chú trọng việc dạy cho trẻ con biết rằng cái học làm người là quan trọng hơn, là cái gốc của cái học làm nghề.

Thiên Học ký sách Kinh Lễ nói rằng khi thi hành Lễ, các thành viên trong ngũ luân đều phải tuân theo nghi thức, phải mặc lễ phục thuộc ngũ luân. Người thầy tất nhiên không được mặc một trong năm bộ quần áo lễ này, nhưng, phải nhờ thầy và chỉ có thầy mới dạy được cho chúng ta, chúng ta mới biết mặc lễ phục và thực hiện lễ nghi. Và chỉ khi nào con người có Lễ thì mới thành người. Khi nào thành người thì cái nghề mà người học trò học được mới có ích đối với quốc gia, dân tộc, mới không quên cội, quên nguồn.

Riêng về mặt y học, nền Y học đông phương, sách Tố Vấn có nêu lên đề cương về nguyên nhân gây bệnh:

“Con người, trên phối với Trời để dưỡng đầu; dưới sống theo Đất để dưỡng chân; giữa sống rộng rãi với mọi người để dưỡng ngũ tạng”.

Phối với Trời là sống thích ứng với sự thay đổi thời khí; tượng với Địa là sống thích ứng với việc ăn uống, ngủ thức; bàng nhân sự là tìm cách sống chung với mọi người cho hài hoà.

Ở đây chỉ bàn về vấn đề “bàng nhân sự dĩ dưỡng ngũ tạng” mà thôi.

* “Bàng nhân sự” là đến với người khác, sống chung hài hoà với người khác, tức là phải “chấp kinh, thủ Lễ”. Chỉ cần một sự sung đột nào đó trong ngũ luân: cha con gây gổ, chồng vợ bất hoà, anh em trong gia đình tranh chấp nhau, thầy trò trong lớp học không còn trật tự, công chức bức hiếp dân, dân oán hận vua… tất cả không còn giữ một “khoảng cách luân lý” cho riêng mỗi cặp nhân luân, như vậy được gọi là “vô Lễ” hay “phi Lễ”, kết quả những tình cảm xung đột này sẽ dần gây thành những xáo trộn trong nội tạng. Trong y học, tình cảm bất hoà, gây xáo trộn trong tạng phủ được phân làm năm loại:

-Tình cảm quá vui làm thương Tâm: bệnh

- Tình cảm quá giận làm thương Can: bệnh

- Tình cảm quá buồn làm thương Phế: bệnh

- Tình cảm quá suy nghĩ làm thương Tỳ: bệnh

- Tình cảm quá sợ hãi làm thương Thận: bệnh

Diễn biến của bệnh do sự vô Lễ gây ra ít khi thuần nhất một loại, có khi là một chuỗi tình cảm liên tục sinh ra do sự tương sinh hoặc tương khắc của ngũ hành trong ngũ tạng. Hậu quả của bệnh lý thật không thể lường được. Người thầy phải biết rằng khi mọi người trong xã hội đồng ý cho treo khẩu hiệu này trong lớp học chính vì họ biết rằng thầy mới là người có nhiệm vụ cao cả, dạy học trò làm người là gốc, dạy làm nghề là ngọn. Tất nhiên muốn dạy cho học trò hiểu biết về Lễ để làm người thì người thầy giáo phải được học trở lại thật nhuần nhuyễn nền triết học luân lý đông phương; và muốn biết hậu quả nguy hiểm của bệnh do ngũ chí thất tình vui buồn giận ghét gây nên trong con người, người thầy giáo lại phải học thêm về nền y học đông phương. Người thầy giáo muốn dạy “làm nghề” thì phải biết nghề, và cũng vậy, muốn dạy “làm người” thì cũng phải “biết làm người”. Nhưng đây lại là vấn đề khác.

Chúng ta có thể tạm kết luận rằng, nếu một xã hội đầy rẫy về những trường hợp vô lễ, và nếu bệnh xảy ra, dù nặng hay nhẹ, sẽ là một gánh nặng cho cá nhân, cho gia đình, cho xã hội… thì, “tiên học Lễ” sẽ là một trong những phương cách hay nhất giúp cho người học trò học được cái gốc để chúng trở thành công chức và công dân tốt, cha và con tốt, vợ và chồng tốt, anh và em tốt, bạn và bè tốt. Kính Lễ có nhấn mạnh:

孔子曰君子禮以飾情

Khổng tử viết… Quân tử Lễ dĩ sức tình.

= Khổng tử nói: “…Người quân tử dùng Lễ để tô điểm cho tình cảm con người”.

Câu nói này được nhà học giả người Pháp là S. Couvreur S.J. dịch:

Confucius a dit: “Les cérémonies, les démonstrations extérieures sont chez le sage comme la parure que revêtent les sentiments de son cœur”.

Vậy nếu Lễ là cái gốc (tiên học Lễ), là phương pháp toàn diện giúp chúng ta điều chỉnh được tình cảm giữa người và người để gia đình êm ấm, thuận hoà; trường học có lễ nghi; xã hội có trật tự, thì từ đó, có đúng không, khi chúng ta xem khẩu hiệu này cũng là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để trị vị bệnh: ngừa bệnh “?”

 

 (Ban Biên tập: Bài này đã đăng trong tập san Tư liệu y học Đông phương, Trung tâm Nghiên cứu Y học Đông Phương, ĐH Dân lập Hùng Vương, số 1, tháng 4-1996, lưu hành nội bộ; nay có chỉnh sửa một vài chỗ).

Thông tin truy cập

60535910
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
17403
10018
60535910

Thành viên trực tuyến

Đang có 310 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website