(Nguyễn Khuê, tham luận Hội thảo Nghiên cứu Hán Nôm và nghiên cứu văn hoá Việt Nam,
hội thảo nhân dịp GS. Bửu Cầm 90 tuổi, tháng 3.2009)
Nghiên cứu Hán Nôm có một vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc, điều đó ai cũng thừa nhận. Nhưng đối tượng của nghiên cứu Hán Nôm là gì? Vai trò của việc nghiên cứu Hán Nôm quan trọng như thế nào trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá Việt Nam? Nghiên cứu Hán Nôm đối với việc nghiên cứu văn hoá Việt Nam có gì khác biệt với nghiên cứu văn hoá dân gian, nghiên cứu báo chí và văn học quốc ngữ? Đó là những vấn đề tôi muốn đặt ra và, trong một chừng mực nhất định, cố gắng làm sáng tỏ vấn đề theo cách nhìn và sự hiểu biết của tôi. Những ý kiến của tôi là những gợi ý để mời gọi các nhà nghiên cứu tham dự cuộc hội thảo khoa học này phát biểu thêm nhằm đi tới cái nhìn chung, tiếng nói chung bao quát và đầy đủ hơn về vai trò và ý nghĩa của nghiên cứu Hán Nôm đối với việc nghiên cứu văn hoá Việt Nam.
1. Đối tượng của nghiên cứu Hán Nôm
1.1. Việc sử dụng chữ Hán và chữ Nôm trong quá khứ
Chữ viết là hệ thống ký hiệu để ghi chép ngôn ngữ. Trước thời Bắc thuộc, người Việt có chữ viết hay không, hiện nay không thấy dấu vết gì còn truyền lại. Theo Vương Duy Trinh, tác giả sách Thanh Hoá quan phong, thì nước ta thời cổ đã có chữ viết và đó là thứ chữ mà người Mường ở Thanh Hoá hiện nay còn dùng[1]. Tuy nhiên, đó chỉ là sự suy đoán, cho đến nay chúng ta không tìm thấy một tự tích nào khả dĩ chứng thực cho giả thuyết ấy.
Đến khi nước ta bị Trung Quốc thống trị, từ năm 111 trước Tây lịch, tức từ Hán Vũ Đế sai Lộ Bác Đức đem quân sang xâm lược, cho mãi đến năm 938, khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng, trong hơn một ngàn năm Bắc thuộc, người Trung Quốc đã đem văn hoá của họ, trong đó có chữ Hán, phổ biến ở nước ta. Từ 939, Ngô Quyền xưng vương, mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ cho nước ta, cho đến khi nước ta bị người Pháp thống trị (ở Nam Kỳ từ 1867, ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ từ 1883), chữ Hán vẫn được tiếp tục dùng như văn tự chính thức của quốc gia.
Đến đời Trần (thế kỷ 13), chữ Nôm (thứ chữ do nhân dân ta vận dụng chữ Hán mà chế tác ra để ghi tiếng nói của dân tộc) bắt đầu được dùng để sáng tác thơ văn quốc âm, rồi dần dần thịnh hành, tồn tại và phát triển song song với chữ Hán.
Từ khi người Pháp đặt nền thống trị trên đất nước ta, chữ quốc ngữ Latinh và chữ Pháp dần dần thay thế chữ Hán và chữ Nôm. Năm 1915, bỏ thi chữ Hán ở Bắc Kỳ, đến năm 1918 bỏ thi chữ Hán ở Trung Kỳ. Tuy nhiên, chữ Hán và chữ Nôm vẫn được dân chúng tiếp tục dùng để ghi chép, sáng tác cho đến khoảng giữa thế kỷ 20 với một phạm vi và mức độ thu hẹp dần, mà tác phẩm Ngục trung nhật ký của Hồ Chí Minh xuất hiện khoảng 1942-1943 được coi như cái mốc cuối đánh dấu sự cáo chung của chữ Hán và chữ Nôm.
Tóm lại, chữ Hán đã được nhân dân ta dùng làm phương tiện ghi chép trong hơn 2000 năm, còn chữ Nôm thì được sử dụng khoảng 700 năm. Chữ Hán và chữ Nôm đã có một quá trình sử dụng lâu dài như thế, nên kết quả là tiền nhân ta đã để lại một thư tịch Hán Nôm rất quan trọng.
1.2. Số lượng và chủng loại của thư tịch Hán Nôm
Viện Nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội hiện quản lý 5.038 đầu sách và khoảng 30.000 đơn vị tư liệu bao gồm các loại như phim, ảnh, bản rập các bài văn khắc trên bia đá, chuông đồng, khánh đá, biển gỗ[2]. Đó là chưa kể những sách Hán Nôm, Châu bản triều Nguyễn[3], địa bộ[4], sắc thần, bia đá, thơ, câu đối, hoành phi v.v… hiện còn rải rác trong dân chúng, ở các cung điện, lăng tẩm, đình chùa, các thư viện và cơ quan lưu trữ khác ở trong nước, các thư viện ở nước ngoài.
Về chủng loại, trước kia Lê Quí Đôn, rồi Phan Huy Chú, do chịu ảnh hưởng cách phân loại theo tứ bộ là kinh, sử, tử, tập của thư tịch Trung Quốc, đều chia thư tịch Hán Nôm ra làm 4 loại, sau đó học giả người Pháp là Emile Gaspardone cũng phân chia như vậy, nên không thấy được sự phong phú và đa dạng của di sản Hán Nôm[5]. Trần Văn Giáp, trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, với vỏn vẹn 428 đầu sách được giới thiệu, đã chia sách Hán Nôm ra làm 8 loại: 1. Lịch sử (số 1 - 165) 2. Địa lý (số 166 – 202) 3. Kỹ thuật (số 203 - 212) 4. Ngôn ngữ (số 213 - 226) 5. Văn học (số 227 - 377) 6. Tôn giáo (378 - 391) 7. Triết học (số 392 - 411) 8. Sách tổng hợp (số 412 - 428)[6]. Theo Trần Nghĩa và F. Gros, trong số 5.038 đầu sách do Viện Nghiên cứu Hán Nôm quản lý, có khoảng:
2.500 tác phẩm liên quan tới văn học;
1.000 tác phẩm liên quan tới sử học;
600 tác phẩm liên quan tới tôn giáo;
450 tác phẩm liên quan tới văn hoá, giáo dục;
350 tác phẩm thuộc các lĩnh vực chính trị, xã hội;
300 tác phẩm thuộc các lĩnh vực y dược, vệ sinh;
300 tác phẩm thuộc lĩnh vực địa lý;
250 tác phẩm thuộc lĩnh vực pháp chế;
80 tác phẩm thuộc lĩnh vực nghệ thuật;
70 tác phẩm thuộc lĩnh vực kinh tế;
60 tác phẩm thuộc các lĩnh vực ngôn ngữ, văn tự;
50 tác phẩm thuộc lĩnh vực toán lý;
40 tác phẩm thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng, và một số lượng ít hơn bàn về kiến trúc, nông nghiệp, tiểu thủ công, hoặc mang tính tổng hợp.
1.3. Đối tượng của nghiên cứu Hán Nôm
Nghiên cứu Hán Nôm chính là nghiên cứu toàn bộ thư tịch Hán Nôm ở trong nước và nước ngoài, và tất cả các sắc thần, hương ước, bia đá, chuông đồng, khánh đá, thơ, câu đối, hoành phi, biển gỗ v.v… bằng chữ Hán và chữ Nôm hiện còn ở các cung điện, đền đài, lăng tẩm, đình chùa, miếu vũ.
2. Vai trò và ý nghĩa của nghiên cứu Hán Nôm đối với nghiên cứu văn hoá Việt Nam
2.1. Toàn bộ tư liệu Hán Nôm là di sản văn hoá vô cùng quí báu của nhân dân ta
Toàn bộ tư liệu Hán Nôm, bao gồm thư tịch và các loại khác như châu bản, địa bộ, sắc thần, hương ước, bia đá, chuông đồng, khánh đá, câu đối, hoành phi, biển gỗ v.v… là di sản văn hoá thành văn vô cùng quí báu mà tổ tiên ta từ nhiều thế hệ trước để lại. Đó là nguồn thông tin phong phú và đa dạng về nền văn hoá trong quá khứ của dân tộc ta, phản ánh tư duy khoa học và văn học nghệ thuật, tổ chức làng xã, sinh hoạt xã hội… của tiền nhân ta.
2.2. Nghiên cứu văn hoá dân gian, nghiên cứu báo chí và văn học quốc ngữ đối với nghiên cứu văn hoá Việt Nam
2.2.1. Văn hoá dân gian
Văn hoá Hán Nôm là văn hoá bác học. Bên cạnh dòng văn hoá thành văn này, còn có một dòng văn hoá khác hình thành từ thời tiền sử, khi người Việt chưa có chữ viết, đó là văn hoá dân gian. Văn hoá dân gian kế thừa những truyền thống văn hoá cộng đồng từ lâu đời, tồn tại và phát triển trong dân gian, trong các cộng đồng làng xã, bao gồm văn học dân gian truyền khẩu (các truyền thuyết, thần thoại, truyện cổ tích, ca dao, tục ngữ…), các tục thờ cúng (tín ngưỡng dân gian), các lễ hội, dân ca (dân ca Quan họ, hò Huế, dân ca Nam Bộ…), sân khấu dân gian (hát chèo, múa rối nước…), phong tục tập quán, các làng nghề truyền thống, ẩm thực, trang phục, nhà ở… Văn hoá dân gian không ngừng phát triển qua sự giao lưu với các nền văn hoá khác trong khu vực và trên thế giới, và tiếp thu những giá trị mới, đồng thời điều chỉnh và cách tân những giá trị đã có cho phù hợp với những biến đổi của xã hội.
2.2.2. Báo chí và văn học quốc ngữ
Tờ báo quốc ngữ đầu tiên là Gia Định báo, số 1 ra ngày 15-4-1865. Sau đó hơn 20 năm, cuốn tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên là Truyện Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, xuất bản năm 1887. Như vậy, báo chí và văn học quốc ngữ hình thành từ nửa sau của thế kỷ 19, tính đến nay chưa tới 150 năm. Tuy bề dày lịch sử kém xa thư tịch Hán Nôm, nhưng báo chí và văn học quốc ngữ phát triển mạnh mẽ, phong phú và đa dạng, phản ánh rõ nét văn hoá Việt Nam từ buổi đầu thời kỳ thuộc Pháp trở đi.
2.3. Vai trò và ý nghĩa của nghiên cứu Hán Nôm đối với nghiên cứu văn hoá Việt Nam
Nhà nghiên cứu tuỳ theo sở học, có thể tiếp cận văn hoá Việt Nam qua nghiên cứu tư liệu Hán Nôm, nghiên cứu văn hoá dân gian hoặc nghiên cứu báo chí và văn học quốc ngữ. Cả ba cách tiếp cận ấy bổ sung cho nhau và cho ta cái nhìn toàn diện và xuyên suốt về văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay trong khi dòng văn hoá dân gian và dòng văn hoá quốc ngữ đang tồn tại và phát triển như một thực thể sinh động, thì văn hoá Hán Nôm chỉ tồn tại như một di sản, mang tính lịch sử và “định hình”, đóng khung trong các tư liệu.
Qua phân loại 5.038 đầu sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm vừa nêu trên, chúng ta thấy nội dung thư tịch Hán Nôm bao quát mọi lĩnh vực của văn hoá Việt Nam. Ngày nay, chỉ có một số rất ít người đọc được chữ Hán và chữ Nôm. Vì thế, vai trò của nghiên cứu Hán Nôm là phải kịp thời khai thác di sản văn hoá này bằng cách phiên dịch các tư liệu chữ Hán, phiên âm các tư liệu chữ Nôm, chú thích, tìm hiểu và công bố cho quần chúng độc giả. Nghiên cứu di sản văn hoá Hán Nôm chính là bảo tồn và phát huy di sản văn hoá Việt Nam, vốn quí của dân tộc. Nghiên cứu Hán Nôm sẽ bổ sung cho nghiên cứu văn hoá dân gian, đồng thời tiếp thêm bề dày lịch sử cho văn hoá quốc ngữ. Nếu không có di sản văn hoá Hán Nôm, làm sao chúng ta có thể tự hào dân tộc ta có trên một ngàn năm văn hiến[7]? Hơn nữa, việc nghiên cứu Hán Nôm còn biểu lộ sự trân trọng đối với di sản tinh thần của tiền nhân ta, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, một điều rất quan trọng trong tiến trình nước ta hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Mặt khác, những thành tựu của nghiên cứu Hán Nôm sẽ là cơ sở khoa học và là tư liệu cần thiết cho các ngành nghiên cứu văn học, ngôn ngữ, lịch sử, văn hoá Việt Nam.
Để kết luận, trước hết tôi muốn nhân đây đính chính một sự ngộ nhận về ngành đào tạo Hán Nôm. Một số người vì thấy ngành đào tạo Hán Nôm có những môn học giống với Trung Quốc học và ngữ văn Trung Quốc, nên lầm tưởng ngành Hán Nôm đại khái cũng giống hai ngành này. Thật ra, qua phần trình bày ở trên, ta thấy Hán Nôm học có đối tượng, vai trò và ý nghĩa khác hẳn với Trung Quốc học nói chung và ngữ văn Trung Quốc nói riêng, mặc dù giữa hai ngành học này có quan hệ về tri thức liên ngành.
Trong xu thế công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, số người quan tâm đến di sản văn hoá Hán Nôm ngày càng ít. Vì thế, tôi thiết tha đề nghị Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và trực tiếp là trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tạo điều kiện thuận lợi cho ngành đào tạo Hán Nôm phát triển và có những biện pháp thiết thực để khuyến khích sinh viên đi vào con đường nghiên cứu Hán Nôm. Đồng thời ngành đào tạo Hán Nôm cũng cần có những cải tiến để thích ứng với xu thế của thời đại.
[1] Xem Vương Duy Trinh, Thanh Hoá quan phong, Hải Dương, Liễu Văn Đường, khắc in năm Giáp Thìn (1904), tờ 69b-70a.
[2] Xem Trần Nghĩa và F. Gros (đồng chủ biên), Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, 3 tập; tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 23-24.
[3] Châu bản triều Nguyễn, tức Hoàng triều châu bản 皇朝硃本, 602 tập, gồm những tài liệu của nội các (văn thư phòng, ngự tiền văn phòng) và của các bộ, các tỉnh từ triều Gia Long đến triều Bảo Đại (1802-1945) với đủ các loại dụ, chiếu, chỉ, sắc, tấu, khải, biểu v.v…, hiện tàng trữ tại Kho Lưu trữ Trung ương.
[4] Triều Nguyễn đã tiến hành đo đạc ruộng đất các xã thôn ba miền (1805-1873) và lập thành những tập địa bộ, hiện Kho Lưu trữ Trung ương còn giữ được 10.044 tập, gồm địa bộ miền Bắc với 4.296 tập, địa bộ miền Trung với 5.264 tập và địa bộ miền Nam với 484 tập.
[5] Bốn loại theo Lê Quí Đôn: 1. Hiến chương 2. Thi văn 3. Truyện ký 4. Phương kỹ (Nghệ văn chí - Lê triều thông sử, qu. 3, 1759); theo Phan Huy Chú: 1. Hiến chương 2. Kinh sử 3. Thi văn 4. Truyện ký (Văn tịch chí - Lịch triều hiến chương loại chí, qu. 42-45, 1821); theo E. Gaspardone: 1. Gouvernement 2. Histoire 3. Littérature 4. Légendes, Confucéisme, Bouddhisme, Traités divers (Bibliographie annamite, BEFEO, 1934).
[6] Xem Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập 1, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1984; tập 2, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1990.
[7] Văn hiến: Chu Hi giải thích: 文典籍也獻賢也 Văn, điển tịch dã; hiến, hiền dã (Văn là sách vở; hiến là người hiền tài). Một trong hai điều kiện của văn hiến là điển tịch. Điển tịch Hán Nôm hình thành từ đời Lý (1009-1225).