Phác thảo quá trình hình thành tiểu thuyết văn xuôi quốc ngữ ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

 

    Sau khi người Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, năm 1865 chính quyền thực dân cho ra đời Gia định báo, tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, để làm công cụ chính trị củng cố sự thống trị của họ. Năm 1869, chính quyền thực dân ra nghị định bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ, mà nghị định này gọi là “chữ viết của tiếng An – nam bằng mẫu tự Âu – châu”, trong các văn thư chính thức. Mười năm sau, 1878, chính quyền thuộc địa lại ban hành nghị định cưỡng bách dùng chữ Quốc ngữ, mà họ gọi là “chữ An – nam bằng mẫu tự La – tinh”. Sang đầu thế kỷ XX, Nông cổ mín đàm ra đời (1901), rồi Lục tỉnh tân văn xuất hiện (1907).
    Báo chí chữ Quốc ngữ ra đời ở Nam Kỳ trước và chữ Quốc ngữ được dùng thay thế chữ Hán và chữ Nôm ở Nam Kỳ trước Trung Kỳ và Bắc Kỳ đã tạo điều kiện cho Nam Kỳ đi bước trước trong sự hình thành và phát triển tiểu thuyết văn xuôi Quốc ngữ.
    Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là giai đoạn quá độ từ truyện thơ Nôm, truyện văn xuôi Hán và Nôm sang truyện và tiểu thuyết Quốc ngữ trong tiến trình hiện đại hoá văn học Việt Nam khởi đi từ Nam Kỳ. Ở giai đoạn này, trên vùng đất đã trở thành thuộc địa của thực dân Pháp, đã có những bước chuyển tiếp về văn học sau đây.

1. Phiên âm Quốc ngữ truyện thơ Nôm và phiên dịch truyện văn xuôi chữ Hán
    Từ cuối thế kỷ XIX về trước, văn học Việt Nam đã có những truyện thơ Nôm (như Song Tinh bất dạ, Tống Trân Cúc Hoa, Phương Hoa, Lý Công, Sơ kính tân trang, Phan Trần, Nhị độ mai, Hoa Tiên, Truyện Kiều, Lục Vân Tiên...), những truyện văn xuôi chữ Hán (như Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh tập, Truyền kỳ mạn lục, Công dư tiệp ký, Hoàng Lê nhất thống chí...), truyện dịch văn xuôi Nôm (Tân biên Truyền kỳ mạn lục) và truyện các thánh văn xuôi Nôm (như truyện các thánh của J. Maiorica, truyện các thánh của Marti Gia Op).
    Ở giai đoạn quá độ này, các truyện thơ Nôm lần lượt được phiên âm ra chữ Quốc ngữ. Điều đáng ngạc nhiên, đi tiên phong trong việc phiên âm này lại là một người Pháp: Janneaux phiên âm Lục Vân Tiên năm 1873 (theo Abel des Michels trong Lời nói đầu của Lục Vân Tiên ca diễn thì Janneaux phiên âm Lục Vân Tiên năm 1867). Tiếp theo, Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) phiên âm Kim Vân Kiều (1878), Phan Trần (1889), Lục Vân Tiên (1889). Ngoài truyện thơ Nôm, Trương Vĩnh Ký còn phiên âm ra chữ Quốc ngữ một số tác phẩm Nôm thuộc các thể loại khác như Đại Nam quốc sử diễn ca (1875), Huấn nữ ca (1882), Lục súc tranh công (1887), Gia huấn ca (1888)...
    Sau Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của (1834 – 1907) cũng góp phần vào việc phiên âm với các truyện Chiêu Quân cống Hồ (1906), Thoại Khanh Châu Tuấn (1906), Bạch Viên Tôn Các (1906)...
    Về truyện văn xuôi chữ Hán, một số truyện trong Truyền kỳ mạn lục được Trần Đại Học dịch ra chữ Quốc ngữ và đăng trên Gia Định báo (1891), sau đó lại được Phan Kế Bính dịch và đăng trên Lục tỉnh tân văn (1912 – 1913).
    Việc phiên âm truyện thơ Nôm và phiên dịch truyện văn xuôi chữ Hán là một bước chuyển tiếp tất yếu từ văn học cũ sang văn học mới, bởi lẽ chữ Quốc ngữ trước kia chỉ được dùng trong phạm vi các nhà thờ Thiên Chúa giáo, nay được xã hội hóa, trở thành thứ chữ viết chính thức, thì cần phải có tác phẩm chữ Quốc ngữ cho công chúng đọc. Nhưng, buổi đầu truyện sáng tác chưa có, các dịch phẩm văn học Pháp còn rất hiếm và xa lạ với quần chúng độc giả. Trong tình hình ấy, công việc cần phải làm và có thể làm ngay được là đem các truyện thơ Nôm và truyện văn xuôi chữ Hán sẵn có chuyển tả, phiên dịch ra chữ Quốc ngữ. Việc phiên âm và dịch thuật này vừa bảo tồn nền văn học Hán Nôm, vừa đặt nền móng cho văn học Quốc ngữ.

2. Phiên dịch các tác phẩm văn học của Trung Quốc
    Trong khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhiều tác phẩm của Trung Quốc được dịch ra chữ Quốc ngữ. Từ những năm 70 của thế kỷ XIX, Trương Vĩnh Ký đã đem những sách Hán học của nho gia dịch ra chữ Quốc ngữ: Trung dung (1875), Mạnh thượng tập chú (1875), Sơ học vấn tân (1877), Đại học (1877). Việc phiên dịch các tác phẩm văn học Trung Quốc phải đến thập niên 80. Trong Chuyện giải buồn (1885) của Huỳnh Tịnh Của có 112 truyện, phần nhiều là những truyện được dịch từ các tác phẩm Trung Quốc như Cao sĩ truyện, Trang Tử, Chiến quốc sách, Liêu trai chí dị.
    Sau đó, trên Nông cổ mín đàm, ngay từ số 1 ra ngày 1 – 8 – 1901 đã đăng truyện dịch Tam quốc chí, rồi lần lượt xuất hiện các truyện dịch Liêu trai chí dị, Kim cổ kỳ quan, Bao Công kỳ án... Những truyện được chọn dịch đều phù hợp với quan niệm đạo đức “khuyến thiện trừng ác” của dân gian, văn dịch viết theo ngôn ngữ của đời sống, nên rất gần gũi và hấp dẫn đối với độc giả bình dân.
    Tiếp theo, trong khoảng từ 1905, và nhất là từ 1906 đến 1910, do nguồn sách cung cấp từ người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn, nhiều dịch giả như Nguyễn Chánh Sắt (NCS), Trần Phong Sắt (TPS), Nguyễn An Khương (NAK), Đinh Văn Đẩu (ĐVĐ), Trần Hữu Quang (THQ), Huỳnh Trí Phú (HTP), v.v... đua nhau dịch tiểu thuyết thần kỳ, anh hùng nghĩa hiệp của Trung Quốc, tạo thành phong trào dịch “truyện Tàu”: Truyện Nhạc Phi (NCS, 1905), Ngũ hổ bình Tây (NCS, 1906), Tam hạ Nam Đường (TPS, 1906), Phong thần diễn nghĩa (TPS, 1906), Tàn Đường diễn nghĩa (NAK, 1906), Phản Đường diễn nghĩa (NAK, 1906), Hậu Tam Quốc diễn nghĩa (NAK, 1906), Tống Từ Vân diễn nghĩa (NAK, 1906), Phấn trang lầu diễn nghĩa (NAK, 1906), Bạch xà diễn nghĩa (ĐVĐ, 1906), Tây Hớn diễn nghĩa (NCS, 1907), Tiết Đinh San chinh Tây (TPS, 1907), Đại Minh Hồng Võ (TPS, 1907), Mộng trung duyên (ĐVĐ, 1907), Tiết Nhơn Quý chinh Đông (THQ, 1907), Thuyết Đường diễn nghĩa (NCS, 1908), Thuận Trị quá giang (TPS, 1908), Càn Long hạ Giang Nam (HTP, 1908), Chung Vô Diệm (NCS, 1909), Tây du diễn nghĩa (TPS, 1909), Tuỳ Đường truyện (TPS, 1910), Kim cổ kỳ quan (NCS, 1910)...
    Với công cụ mới là chữ Quốc ngữ ngày càng được truyền bá rộng rãi ở Nam Kỳ, để đáp ứng nhu cầu đọc truyện của công chúng, trong buổi đầu những nhà trí thức có vốn Hán văn đã dịch truyện Tàu, vốn được coi là “đồng văn”, nhằm tiếp nối truyền thống giao lưu văn học giữa Việt Nam và Trung Quốc. Những truyện dịch kể trên, với lối văn xuôi theo tiếng nói thường, thích hợp với thị hiếu và trình độ thưởng thức của quần chúng độc giả. Có thể nói trong quá trình hình thành và phát triển tiểu thuyết văn xuôi Quốc ngữ ở Nam Kỳ, dịch thuật đi trước sáng tác. Phong trào dịch và xuất bản truyện Tàu tràn lan, rõ ràng là có tính thương mại, chạy theo thị hiếu của người đọc, vì vậy đã có tác dụng hai mặt: vừa là bước chuyển tiếp xây dựng nền tảng cho tiểu thuyết Quốc ngữ, vừa gây sự phản ứng ngược trở lại đối với việc dịch truyện Tàu, chính phản ứng này là động cơ thúc đẩy việc sáng tác những truyện văn xuôi Quốc ngữ, những “kim thời tiểu thuyết”.

3. Truyện thơ lục bát Quốc ngữ – hậu thân của truyện thơ Nôm
    Ở giai đoạn giao thời của nền văn học cũ và nền văn học mới, tại Nam Kỳ cũng xuất hiện một số truyện thơ Quốc ngữ viết theo thể lục bát, như U tình lục và Vậy mới phải của Hồ Biểu Chánh (1885 – 1958).
    U tình lục (viết năm 1909, in năm 1913) được chính tác giả gọi là “Roman annamite” (tiểu thuyết Việt Nam), gồm có 1790 câu và 4 bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú. Về hình thức, truyện thơ Quốc ngữ này chính là dư phong của loại truyện thơ Nôm lục bát có điểm xuyết thơ Đường luật mà gần với nó nhất là Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888). U tình lục có bố cục gồm đoạn lung mở đầu ( luận về thiên mệnh, bày tỏ chí hướng giữ lòng chính trực và chủ ý viết truyện nước nhà), đoạn kết ở cuối (lời nói khiêm của tác giả trước khi chấm dứt ) và ở giữa là câu chuyện diễn tiến theo cách dàn dựng cổ điển là gặp gỡ – lưu lạc – đoàn viên. Điểm mới mẻ của tác phẩm này là ở nội dung: tác giả đã để cho nhân vật của mình, trong bối cảnh xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX, được tự do luyến ái và có những hành động táo bạo vượt ra ngoài khuôn khổ của lễ giáo.
    Ra đời sau U tình lục, Vậy mới phải (viết năm 1913, xuất bản năm 1918) là truyện thơ dài 308 câu. Khác với U tình lục là “truyện nước nhà”, tác phẩm này phỏng theo Le Cid của P. Corneille, vở bi kịch nổi tiếng trong văn học Pháp thế kỷ XVII. Về hình thức, truyện thơ này vẫn giữ bố cục của một truyện thơ Nôm: lung – câu chuyện – kết. Các nhân vật chính trong truyện đều tương ứng với các nhân vật của Le Cid, tuy nhiên truyện lấy lịch sử đời Lê làm bối cảnh, tình tiết câu chuyện, tư duy, hành động và ngôn ngữ của các nhân vật đều có tính sáng tạo và được Việt hoá. Trước kia, nhiều truyện thơ Nôm phỏng theo các tác phẩm của Trung Quốc và vẫn giữ niên đại, địa danh trong nguyên tác. Vậy mới phải đánh dấu bước chuyển mô phỏng tác phẩm văn học Pháp và hoàn toàn có màu sắc Việt Nam. Hồ Biểu Chánh là nhà văn đầu tiên mô phỏng tác phẩm của Pháp, và về sau, ông còn phỏng theo nhiều tiểu thuyết Pháp khác nữa để viết tiểu thuyết văn xuôi.
    Với những đặc điểm vừa nêu, U tình lục và Vậy mới phải của Hồ Biểu Chánh có thể được coi là những bước chuyển tiếp trong tiến trình hiện đại hoá của văn học Việt Nam, là cầu nối giữa truyện thơ Nôm và tiểu thuyết văn xuôi Quốc ngữ.

4. Những truyện và tiểu thuyết văn xuôi Quốc ngữ đầu tiên
    Năm 1882, Trương Vĩnh Ký góp nhặt một ít truyện vui và xuất bản thành tập Chuyện khôi hài. Đây chỉ là một tập truyện mỏng với 16 trang, không quan trọng lắm.
    Năm 1885, Chuyện giải buồn của Huỳnh Tịnh Của ra đời. Ngoài những truyện dịch từ các tác phẩm Trung Hoa như đã nói ở trên, trong đó cũng có một số ít truyện là truyện kể dân gian. Tiếp theo, Chuyện đời xưa (1886) của Trương Vĩnh Ký có 74 truyện sưu tập từ truyện kể dân gian. Có thể coi những tập truyện này là bước đầu của lối truyện ngắn Quốc ngữ.
    Tiếp sau Chuyện đời xưa, cuốn tiểu thuyết Quốc ngữ đầu tiên xuất hiện, đó là Truyện Thầy Lazaro Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản (1865 – 1911). Trong bài tựa, tác giả cho biết ông có dụng ý “bày đặt một chuyện đời này là sự thường có trước mắt ta luôn” và viết bằng “tiếng thường mọi người hằng nói”. Với dụng ý ấy, ông đã hư cấu một câu chuyện xảy ra ở Nam Kỳ lúc bấy giờ và dàn dựng thành một tiểu thuyết “kim thời” theo cách thức tiểu thuyết Pháp. Truyện Thầy Lazaro Phiền là cột mốc đánh dấu sự hình thành tiểu thuyết mới Việt Nam.
    Từ cột mốc ấy đến hai tiểu thuyết Quốc ngữ kế tiếp phải mất hơn 20 năm: Phan Yên ngoại sử (hay Tiết phụ gian truân, 1910) của Trương Duy Toản (1885 – 1957) và Hoàng Tố Anh hàm oan (1910) của Trần Thiên Trung, tức Trần Chánh Chiếu (1867 – 1919). Thời điểm ra đời hai cuốn tiểu thuyết này rất đáng cho chúng ta chú ý. Sau hàng loạt truyện Tàu được dịch và xuất bản ồ ạt, đến năm 1910 một số nhà văn phản ứng lại hiện tượng này bằng cách chủ trương lấy đề tài trong lịch sử, xã hội Việt Nam để sáng tác tiểu thuyết. Trong bài tựa Phan Yên ngoại sử, Trương Duy Toản nêu rõ chủ trương của ông: “Theo trí mọn của tôi, nay phải bỏ những Lê Huê pháp thuật, Kim Đính thần thông, Khương Thượng phong thần [...] mà sắp bày những chuyện chi mới miễn là cho lánh khỏi cái não dị đoan mà báo ứng phân minh là đủ rồi”.
    Ba tác phẩm vừa kể trên chỉ mới báo hiệu sự hình thành của tiểu thuyết Quốc ngữ. Phải từ 1920, thể loại này mới thật sự phát triển.
    Trở lên, chúng tôi vừa phác thảo tình hình chuyển tiếp ở giai đoạn quá độ từ truyện thơ Nôm, truyện văn xuôi Hán và Nôm sang truyện, tiểu thuyết Quốc ngữ tại Nam Kỳ trong tiến trình phát triển và hiện đại hoá văn học Việt Nam. Giai đoạn quá độ này, theo ý kiến chúng tôi, khởi đi từ 1865 là năm Gia Định báo, tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ra đời,đến cuối thập niên thứ hai của thế kỷ XX. Thật vậy, từ 1920 tiểu thuyết Quốc ngữ liên tục ra đời, đánh dấu bước phát triển của thể loại này: Nghĩa hiệp kỳ duyên (còn gọi là Chăng Cà Mum, 1920) của Nguyễn Chánh Sắt (1869 – 1947), Tô Huệ Nhi ngoại sử (1920) và Oan hồng quần (tức Phùng Kim Huê ngoại sử, 1920) của Lê Hoằng Mưu (1879 – 1941), Kim thời dị sử (1921) của Biến Ngũ Nhy, và hàng loạt tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh: Ai làm được (1922), Cay đắng mùi đời (1923), Tỉnh mộng (1923), Một chữ tình (1923), Nam cực tinh huy (1924), Nhân tình ấm lạnh (1925), Tiền bạc bạc tiền (1925)... Năm 1925, ở miền Bắc tiểu thuyết Quốc ngữ mới bắt đầu xuất hiện: Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật. Đến thời điểm này, tiểu thuyết mới Quốc ngữ phát triển ở cả hai miền Nam, Bắc.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

HỒ BIỂU CHÁNH:     Đời của tôi – Tập III: Về văn nghệ, 1945 (bản đánh máy của ông Hồ Văn Kỳ Trân).    
HUỲNH VĂN TÒNG: Lịch sử báo chí Việt Nam, Nxb Trí Đăng, Sài Gòn,1973.
NGUYỄN KHUÊ:     Chân dung Hồ Biểu Chánh, Nxb Lửa Thiêng, Sài Gòn,1974.
NGUYỄN KHUÊ:     Tìm hiểu thân thế và quan niệm sáng tác tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh qua thơ ông (Tham luận đọc tại Hội nghị khoa học về Hồ Biểu Chánh ở Tiền Giang).
NGUYỄN KHUÊ:       Đóng góp của Hồ Biểu Chánh vào tiến trình hiện đại hoá của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, đăng trong Bình luận văn học, niên giám 1998 của Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP. Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,1999.
NGUYỄN NAM:     Các bản dịch Quốc ngữ Truyền kỳ mạn lục (Xét từ góc độ Phiên dịch học xã hội – văn hoá), bản in vi tính, 2002 (sắp xuất bản).
NGUYỄN Q. THẮNG: Tiến trình văn nghệ miền Nam, Nxb An Giang, 1990.
PHẠM THẾ NGŨ:     Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3, Quốc học tùng thư , Sài Gòn, 1965.
PHAN CỰ ĐỆ:     Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, tập 1, Nxb Đại học và THCN, Hà Nội, 1974.
VŨ NGỌC PHAN:          Nhà văn hiện đại, Nxb Vĩnh Thịnh, Hà Nội, 1951.

Thông tin truy cập

60521176
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2669
10018
60521176

Thành viên trực tuyến

Đang có 148 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website