Hán văn đương đại trong phần chữ Nho Nam phong tạp chí 南 風 雜 誌 (1917 - 1934)

20171229 bia nam phongNam Phong tạp chí 南 風 雜 誌(1917-1934) là tạp chí hàng tháng, gồm 210 số. Số 1 ra ngày 1 tháng 7 năm 1917. Số cuối cùng - số 210, ra ngày 16 tháng 12 năm 1917. Tạp chí gồm: Phần Quốc ngữ - Phần chữ Nho - Phụ trương Pháp ngữ (từ số 26/8-1919).

Nam Phong là Văn học Khoa học Tạp chí, mỗi tháng xuất bản một kỳ. Chủ bút được ghi rõ trên bìa số 1 là: Phạm Quỳnh (phần Quốc ngữ) và Nguyễn Bá Trác (phần chữ Nho).

Nam Phong do chính quyền thực dân tổ chức nhằm phục vụ cho các chính sách thực dân của Pháp, trong đó, trọng tâm phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa vào thời gian cuối của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918).

“Trong tình hình này, chính phủ có sáng kiến lập ra một tạp chí bằng tiếng bản xứ để cho người An Nam dễ thực thi chính sách giáo dục và tuyên truyền mà chúng ta cần phải theo đuổi”.

“Việc thành lập tạp chí này mà ban biên tập đã được giao phó cho những nhà trí thức danh tiếng trong nước đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước vì không những phải gom góp các vật liệu trước mà còn phải được nhà in tìm mua máy móc và những thứ chữ cần thiết cho việc in chữ quốc ngữ”.

Đó là trích đoạn báo cáo của Louis Marty gửi cho A. Sarraut đề ngày 22-8-1917. (Dẫn theo: Huỳnh Văn Tòng “Báo chí Việt Nam - từ khởi thủy đến 1945”, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.120).

Toàn quyền A.Sarraut giao cho Louis Marty - Giám đốc phòng an ninh và chính trị có trọng trách điều khiển Nam Phong.

Louis Marty ban đầu là một viên chức ở Tòa Thống sứ Bắc kỳ. Năm 1914 được đề bạt lên làm Phó giám đốc Phòng nghiên cứu chính trị của Toàn quyền A.Sarraut. Sau Đại chiến thế giới thứ I, giữ chức Giám đốc Phòng nghiên cứu chính trị, đồng thời đặc trách tổ chức hệ thống tình báo Đông Dương. Nam Phong là công cụ tuyên truyền của Chính phủ Pháp cả trong chính sách ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Mấy nhời nói đầu, Số 1. tháng 7, 1917 có viết:

1. Cái mục đích của bản báo là muốn gây lấy một nền học mới để thay vào cái nho học cũ, cùng đề xướng lên một cái tư trào mới hợp với thời thế cùng trình độ dân ta. Cái tính cách của sự học vấn mới cùng cái tư trào mới ấy là tổ thuật học vấn của Thái Tây, nhất là của nước Đại Pháp, mà không quên cái quốc túy trong nước.

2. Bản báo không chủ sự phổ thông mà muốn làm cái cơ quan riêng cho bọn cao đẳng học giới nước ta, gồm cả những bậc cựu học cùng tân học mà dung hòa làm một.

3. Cái phạm vi của bản báo là gồm những sự học thuật tư tưởng đời xưa đời nay cùng những vấn đề quan trọng trong thế giới bây giờ. Nhưng trong cách diễn thuật bình phẩm những học thuật tư tưởng cũng những vấn đề ấy, bản báo vụ theo lấy các phương diện giản dị hơn nhất, cho thích hợp với trình độ người nước ta.

4. Bản báo theo thể “tạp chí”, mỗi tháng xuất bản một tập, vừa bằng quốc ngữ vừa bằng chữ nho, mỗi phần ước 50, 60 trang, chia mấy mục như sau này:

1.Luận thuyết.

2.Văn học bình luận,

3.Triết học bình luận,

4.Khoa học bình luận,

5.Văn uyển,

6.Tạp trở,

7.Thời đàm,

8.Tiểu thuyết.

Song, khi thực hiện những mưu đồ của chủ nghĩa thực dân, Nam Phong ở những chừng mực nào đó, nó lại trở thành một “công cụ vô thức của lịch sử” trong việc ghi lại nhiều biến đổi cũng như tiến hóa ở một giai đoạn quan trọng của buổi giao thời Âu- Á trên một số khía cạnh có liên quan đến văn học và văn hóa Việt Nam. “Người ta có cảm tưởng Nam Phong đã là dấu nối giữa văn hóa cũ: Hán học và văn hóa mới: Pháp ngữ. Việt ngữ có thể chỉ là cái dấu nối đó. Lớp Hán học sẽ tàn dần không phải để rồi thay thế bằng lớp người có tâm huyết với quốc học, quốc ngữ, song bằng một lớp người chỉ tôn trọng Pháp ngữ và khinh thường Việt ngữ. Mỉa mai thay! Công cuộc giáo hóa của người Pháp hình như đã đạt tới mục đích: hạ bệ Hán học để suy tôn Pháp học. Nhưng may thay, dưới chân trời văn học nước nhà thời đó, trong khi Nam Phong sắp lặn ở phương trời Tây thì một mặt trời mới đang lên ở rạng đông đất nước, đó là nhóm “Phong hóa” và những “luồng tư tưởng mới”, như nhận xét của Nguyễn Khắc Xuyên trong Mục lục phân tích Tạp chí Nam Phong, Nxb. Thuận Hóa - Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, bản in lần thứ 2, Hà Nội, 2002, tr.24.

Xét từ góc nhìn thời gian, các bài viết bằng chữ Nho trên Nam Phong- Hán văn Nam Phong có thể được chia thành hai bộ phận lớn: thứ nhất là Hán văn đương đại. Thứ hai là Hán văn lịch đại.

“Hán văn đương đại” chỉ các bài được người đương thời viết (bài mới). “Hán văn lịch đại” nhằm chỉ các trích tuyển các văn phẩm, thi phẩm của các tác giả có trong lịch đại được đăng trong 210 số của Tạp chí Nam Phong (bài cũ). Bài viết này của chúng tôi nhằm đề cập đến những bài thuộc phạm trù (bài mới) trong phần chữ nho Nam Phong tạp chí theo các nội dung sau:

1. Hán văn đương đại từ góc nhìn số lượng.

2. Hán văn đương đại từ góc nhìn mục bài.

3. Hán văn đương đại từ góc nhìn tác giả.

4. Một vài ghi chú về ngôn ngữ viết Hán văn đương đại.

Dưới đây là sự cụ thể hoá các vấn đề đó.

1. Hán văn đương đại từ góc nhìn số lượng

1.1. Sự gấp bội về số lượng

Theo số liệu hiện giờ chúng tôi có được qua bảng kê, số đơn vị bài đương đại (bài mới) theo số tạp chí của phần chữ nho là: 801. Số đơn vị bài lịch đại (trích tuyển từ sách cổ) là 303 bài. Con số 801/303 đơn vị mua trong bài đối lập mới / cũ đã cho thấy: Hán văn đương đại (bài mới) áp đảo hơn số bài cũ khoảng ba lần. Do vậy, Hán văn Nam Phong về cơ bản thuộc phạm trù Hán văn đương đại.

1.2. Sự thay đổi cơ cấu đương đại và lịch đại theo tiến trình thời gian

Số lượng bài Hán văn đương đại trên Nam Phong cũng như tính chất đương đại của nó thay đổi theo thời gian. Số 1 (7-1917) là số chỉ thuần Hán văn đương đại. Trên đại thể, có thể thấy rằng, tỷ lệ bài đương đại/bài lịch đại có thể được hình dung qua 2 giai đoạn, theo đó, số 110 (9-1926) là ranh giới cho hai giai đoạn đó.

Giai đoạn 1: bài mới (Hán văn đương đại) áp đảo bài cũ (Hán văn lịch đại):

- Từ số 1 đến số 110: có tỷ lệ đơn vị mục bài đương đại/bài lịch đại là 734/105. Số lượng bài mới hơn bài cũ hơn 7 lần.

- Từ số 111 (10-1926) trở đi cho đến số 210, tỷ lệ đó là 67/198. Số lượng đơn vị bài cũ gấp 2 lần đơn vị bài mới. Các số 111, 112 vào tháng 9 và 10/1926, có thể được xem như là điểm giữa cho sự cân bằng giữa tỷ lệ đương đại/lịch đại, khi cả 2 số này đều có tổng số là 6 bài, tỷ lệ đương đại/lịch đại là 3/3. Sự thay đổi tỷ lệ như thế khi lấy số 110, 111 làm ranh giới cho ta thấy những vấn đề liên quan đến tình hình người đọc chữ Hán đương thời đã có những thay đổi. Đồng thời, tính chất của phần chữ Nho trên Nam Phong cũng thay đổi.

Nếu nhìn con số trên trong mối quan hệ với độ dày số trang của phần chữ Nho trong Nam Phong, chúng ta lại thấy ý nghĩa của sự tương ứng đó. [Những số đầu của phần chữ Nho Nam Phong có độ dày số trang gấp ba lần những số cuối. Từ số 1 đến số 19, trên 50 trang. Từ số 20 đến số 65, số trang nằm trong khoảng từ 40 trang đến 20 trang. Từ số 66 cho đến số 159, số trang dao động khoảng 20. Từ số 160 đến 210 số trang dao động dưới 10 trang]. Như vậy, Hán văn đương đại trên phần chữ Nho diễn ra theo chiều hướng giảm dần, tương ứng với sự giảm dần số trang của từng số.

2. Hán văn đương đại từ góc nhìn mục bài

Đề cập đến Hán văn đương đại từ góc nhìn mục bài tức là đề cập đến sự tương ứng giữa cơ cấu mục bài trong phần chữ Nho của Nam Phong với Hán văn đương đại theo tiến trình thời gian.

2.1. Mục bài và Hán văn đương đại trong mục bài

Trên Nam Phong phần chữ Nho có các mục bài chủ yếu sau: 1. Xã thuyết; 2. Đặc biệt ký tải; 3. Luật học; 4. Văn học; 5. Khoa học; 6. Triết học; 7. Văn uyển; 8. Tạp trở; 9. Tạp lục; 10. Tiểu thuyết; 11. Chuyên kiện; 12. Truyện ký; 13. Dã sử; 14. Lai cảo; 15. Phi lộ; 16. Thời đàm.

Cũng cần phải nói rằng, không phải bất kỳ số nào cũng có đủ các mục trên. Hơn nữa, tính chất mục bài chỉ được quán triệt ở một vài số đầu.

Hán văn đương đại trong khoảng 30 số đầu hầu như có mặt ở tất cả các trang báo, lượng bài hầu như áp đảo. Hán văn lịch đại chỉ như là một nét điểm xuyết và chỉ xuất hiện ở mục Văn uyển với tiểu mục: Cổ thị văn trích tuyển. Nhưng tình hình trên đã thay đổi theo tiến trình thời gian.

2.2. Hán văn đương đại theo tiến trình thời gian

Nhìn vào tương quan bài mới/bài cũ trong bảng thống kê ở mục 1.1 của bài viết này, chúng ta thấy sự thay đổi theo thời gian của Hán văn đương đại. Quả thật, Hán văn trên Nam Phong không chỉ thay đổi theo thời gian về độ dày số trang mà còn về cơ cấu mục bài, cũng như tỷ lệ Hán văn đương đại và lịch đại.

Có thể lấy số 111 (10-1926) như một cái mốc cho sự thay đổi cơ cấu bài đương đại và lịch đại trên phần chữ Nho Nam Phong. Số này đã đăng một loạt các bài của Hán văn thời Tây Sơn và điều đó được công nhiên ngay trên tít của báo.

Từ đó trở đi, tương quan Hán văn đương đại/Hán văn lịch đại trên phần chữ Nho Nam Phong đã thay đổi. Số lượng bài Hán văn đương đại đã giảm đi một cách rõ rệt. Có thể nói, từ đây, Hán văn đương đại trên Nam Phong chỉ còn sống trong những ngày thoi thóp.

Tất nhiên, sự thay đổi cơ cấu bài Hán văn đương đại theo thời gian không phải diễn ra tức thời mà có sự chuẩn bị, có bước quá độ. Nhìn vào bảng kê ở mục 1.1 cho ta thấy, sự quá độ ấy là các số nằm trong khoảng từ số 83 (5-1924) cho đến số 111 (10-1926). Như vậy, quá độ này diễn ra trong hơn hai năm với 28 số. Từ số 111 trở đi, tuy cơ cấu và tỷ lệ Hán văn đương đại / Hán văn lịch đại đã đảo ngược so với trước, Hán văn đương đại vẫn thoi thóp sống khi còn rải rác trong nhiều số, cho đến tận số 211 - số cuối cùng.

2.3. Nội dung của Hán văn đương đại theo mục bài

Sẽ không đầy đủ khi đề cập đến các bài Hán văn đương đại trên Nam Phong mà không đề cập đến nội dung chính yếu của chúng. Song đây lại là những vấn đề rất phức tạp.

Có thể khẳng định rằng, nội dung chủ yếu của khá nhiều bài trong Hán văn đương đại trên Nam Phong cũng chính là những nội dung của phần quốc ngữ. Nhiều bài Hán văn đương đại là những bài có quan hệ với phần quốc ngữ. Chúng là những bài dịch từ phần quốc ngữ. Song, trong nhiều trường hợp, những bài đó không phải là chuyển dịch cơ cấu. Chỉ có những bài thuộc về khoa học, triết học, kinh tế luận... nó mới có thể được xem là những bài dịch đích thực. Còn các mục khác, chẳng hạn như: các bài Phi lộ, các bài trong mục Thời đàm... nếu có tương ứng thì chỉ có sự tương ứng về chủ đề chính, còn sự chi tiết hoá thì giữa quốc ngữ và chữ nho lại khác nhiều. Hơn nữa, nhiều bài trong mục Thời đàm về tình hình quốc tế lại được trích đăng theo báo chí Trung Quốc đương thời.

Do chỗ Hán văn đương đại cũng giống như quốc ngữ trong nhiều vấn đề về nội dung, cho nên, nếu những vấn đề về nội dung của Nam Phong quốc ngữ bị phê phán, thì tự nhiên, nhiều bài trong Hán văn đương đại cũng bị phê phán theo. Đó là những bài ca ngợi chủ nghĩa thực dân, phong kiến... Có thể coi mục Xã thuyết là mục tiêu biểu cho chính sách phụ hoạ tuyên truyền cho chủ nghĩa thực dân. Do số lượng bài trong Hán văn đương đại là khá lớn, cho nên cần phải có những nghiên cứu riêng.

3. Vấn đề tác giả của phần Hán văn đương đại

Các tác giả Hán văn đương đại có thể được chia thành nhiều nhóm:

3.1. Nhóm các tác giả chuyên nghiệp làm báo như: Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, Tuyết Huy - Dương Bá Trạc, Nguyên Đôn Phục,...

3.2. Nhóm tác giả là những nhà khảo cứu: Lê Dư, Chương Dân, Nguyễn Văn Đào,...

3.3. Nhóm tác giả là những thi văn nhân sáng tác của đương thời: Nguyễn Bá Học, Ngô Vi Lâm...

3.4. Nhóm tác giả nghiệp dư: họ là những người đương thời biết chữ nho, làm thơ làm văn bằng chữ nho, độc giả của Nam Phong.

Do số lượng tác giả Hán văn đương đại là rất lớn, cho nên chúng tôi xin phép được tổng hợp danh mục tác giả và bài viết của họ trong một báo cáo chuyên biệt. Đó là danh mục gồm 136 tác gia / nhóm tác gia Hán văn đương đại trên phần chữ Nho Nam Phong tạp chí. Họ là một trong những chứng nhân, đồng thời cũng là những tác gia Hán văn cuối cùng của buổi chữ Hán lụi tàn. Theo chúng tôi, dù có nhiều vấn đề đi chăng nữa, đứng ở góc độ Hán văn, cần xếp họ vào danh mục tác giả Hán Nôm để ghi nhận một kỷ niệm của Hán học mạt thời.

4. Hán văn đương đại trên Nam Phong từ góc nhìn ngôn ngữ

Hán văn đương đại trên Nam Phong tạp chí là hình thái ngôn ngữ viết Hán văn theo phong cách Hán văn đương thời. Lối viết Hán văn ấy, một mặt, phản ánh lối viết của văn ngôn truyền thống nói chung. Mặt khác, nhiều bài về chủ đề khoa học, chính trị, thời đàm vốn chịu ảnh hưởng của lối viết tân văn thể của Hán văn Trung Quốc đương thời. Đó là những điểm dễ nhận ra khi đọc, song lại là những vấn đề lớn, cần phải có những nghiên cứu chuyên riêng.

Như vậy, Hán văn đương đại trên Nam Phong có lượng bài lớn nhất. Chính Hán văn đương đại đã quyết định tính chất Nam Phong phần chữ Nho là một Tạp chí Văn học Khoa học đương đại.

Hán văn đương đại trong các số đầu hầu như có sự tương ứng với các mục bài của phần quốc ngữ. Nhiều bài Hán văn đương đại lại là bản dịch từ phần quốc ngữ. Bằng cách này, Nam Phong đã đưa các tri thức khoa học chính trị, thời sự hiện đại, Thái Tây và thế giới đến lớp người nho học trong xã hội, thực hiện chủ đích của báo gây cái nền học vấn cho “giới thượng lưu trí thức” của buổi giao thời tân cựu.

Số lượng tác gia/nhóm tác gia Hán văn Nam Phong đương đại thật là đáng lưu ý (136). Đây là sự tập hợp lớn nhất những người viết nho văn trên một diễn đàn tạp chí đầu thế kỷ XX.

Do mục đích phục vụ cho các chính sách của chủ nghĩa thực dân, song lại như một “công cụ vô thức của lịch sử”, phần chữ Nho trên Nam Phong nói chung, Hán văn đương đại nói riêng, đã trở thành một kênh truyền tải những vấn đề khoa học, chính trị, xã hội hiện đại cho lớp người có khả năng đọc, viết chữ nho đang ít dần theo thời gian theo một lối viết riêng của mình. Nó như là một trong những dấu tích cuối cùng cho sự hồi sinh nhưng rồi tắt dần tắt hẳn của Hán văn, Hán học với tư cách là một hệ thống ngôn ngữ viết được nhiều người biết đọc. Có lẽ chúng ta nên xem Hán văn trên phần chữ Nho nói chung, Hán văn đương đại của phần chữ Nho nói riêng như là một bộ phận của Hán văn Việt Nam. Các tác gia của Hán văn đương đại cũng nên được xem như là các tác gia Hán Nôm cho dù đó là Hán văn giai đoạn mạt thời, các tác gia Hán Nôm mạt thời, có rất nhiều vấn đề cần phải được làm sáng tỏ.

Tài liệu tham khảo chính:

1.Trần Văn Giáp, 1971, Lược truyện các tác gia Việt Nam, 2 tập. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

2.Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Sự, 1961, Lịch sử cận đại Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

3.Dương Quảng Hàm, 1993, Việt Nam văn học sử yếu (1941), Nxb. Đồng Tháp (in lại).

4.Đỗ Quang Hưng (Chủ biên), 2000, Lịch sử Báo chí Việt Nam - 1945, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội,

5.Nam Phong tạp chí 南風雜誌(1917-1934), 210 số.

6.Nguyễn Khắc Xuyên, 2002, Mục lục phân tích Tạp chí Nam Phong, Nxb. Thuận Hóa - Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, bản in lần thứ 2, Hà Nội, tr. 24.

7.Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 1989, Thư mục các bài viết trên Tạp chí Nam Phong có liên quan đến tác gia, tác phẩm Hán Nôm, Hà Nội.

 

Phạm Văn Khoái, Đại học KHXH & NV Hà Nội

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2012, tr.414-424, phiên bản trực tuyến.

Thông tin truy cập

63687923
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8215
23426
63687923

Thành viên trực tuyến

Đang có 1041 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website