Đôi nét về thư tịch Hán Nôm Công giáo tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Cho đến nay, công giáo đã có lịch sử gần 400 năm truyền giáo vào Việt Nam. Để thúc đẩy công việc truyền giáo đạt kết quả, các Giáo sĩ phương Tây không thể không tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam; không thể không thông thạo Tiếng Việt. Nhờ nắm vững Tiếng Việt, biết chữ Nôm, các Giáo sĩ đã có nhiều thuận lợi hơn trong công cuộc truyền giáo của mình. Trong quá trình truyền giáo và giảng đạo, các Giáo sĩ đã để lại rất nhiều tư liệu có giá trị bằng chữ Hán và chữ Nôm. Theo thống kê của Nguyễn Hưng, con số này lên tới 308 ấn phẩm Hán Nôm thuộc đủ các thể loại.

Đã có nhiều bài viết giới thiệu kho tư liệu Hán Nôm công giáo ở các trung tâm lưu giữ trong và ngoài nước. Bài viết lần này tập trung giới thiệu thư tịch Hán Nôm công giáo (HNCG) hiện đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN). Các vấn đề được khảo cứu gồm: tình trạng văn bản, phân loại, nơi tàng trữ... của các văn bản đó.

1. Các cơ sở tàng trữ thư tịch Hán Nôm công giáo

Hiện nay, thư tịch HNCG được lưu giữ ở các thư viện, trung tâm lưu giữ ở trong và ngoài nước, hoặc nằm trong tay các cá nhân, tập thể ở các địa phương. Các tư liệu đó được lưu trữ, bảo quản dưới các hình thức như: sao lưu thêm phụ bản; dịch ra tiếng Việt; scan thành file ảnh, được bảo quản dưới dạng in microfilm, hoặc đã ấn hành các đĩa CD...

1.1. Tại các trung tâm lưu giữ ở nước ngoài

Ở Hoa Kì: các nhà nghiên cứu chữ Nôm ở Houston, Texas (Hoa Kỳ) đã ấn hành các đĩa CD tài liệu tham khảo về công giáo viết bằng chữ Nôm, như Tuồng Gie-Su và Truyện Ông Thánh Y-na-xu.

Ở Pháp: từ năm 1953, sau khi tìm thấy trong thư khố ở Paris những tài liệu chữ Nôm viết về công giáo Việt Nam, Hoàng Xuân Hãn và những cộng sự của ông đã có những khảo cứu công phu về kho tư liệu này. Dưới sự hướng dẫn của GS Hoàng Xuân Hãn, M.R. Seguy đã làm luận án Tiến sĩ về Catalogue du fonds Vietnamien, tập thư mục này chia thành 3 phần: sách Hán, tự điển và sách Nôm. Trong đó, có 12/19 sách Nôm được giới thiệu trong tập thư mục này, theo ý kiến của GS Hoàng Xuân Hãn(1), là của tác giả Maiorica. Nguyễn Hưng cũng có nhiều quan tâm đến nhóm sách Nôm công giáo, ông công bố 31 văn bản Nôm của Maiorica.

Tại Thư viện Vatican có lưu giữ các tư liệu chữ Nôm do Thừa sai Maiorica đem về châu Âu. Tư liệu này đã được Thanh Lãng nghiên cứu, khai thác trên phương diện ngôn ngữ học.

Một số bản thư của Thừa sai gửi về Roma: khối tư liệu này đã được Vũ Văn Kính khảo cứu các vi phiếu và cho xuất bản Bảng tra chữ Nôm thế kỉ 17 và hai cuốn sách: Học chữ NômĐại tự điển chữ Nôm.

1.2. Tại Việt Nam

Theo khảo sát sơ bộ, tại Việt Nam, thư tịch HNCG được lưu giữ tập trung tại: VNCHN, Đại học Sư phạm Huế(1), nhóm Hán Nôm công giáo tại thành phố Hồ Chí Minh(2).

Ngoài ra tại các cơ sở lưu giữ cá nhân, tại các địa phương cũng có lưu giữ một số ít các thư tịch HNCG: thư viện Tổng hợp Hải Dương: có 4 văn bản; Bảo tàng Tổng hợp Hà Tây: 6 văn bản(3).

2. Thư tịch Hán Nôm công giáo hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Căn cứ vào nội dung ghi chép, các thư tịch HNCG được chúng tôi nhận định là những thư tịch có nội dung liên quan đến công giáo, như: kinh thánh, truyện các thánh, sách giảng về đạo đức cho giáo dân, sách có nội dung phục vụ nghiên cứu, học tập về đạo công giáo.

2.1. Tổng quan thư tịch Hán Nôm công giáo tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Di sản Hán Nôm Việt Nam - thư mục đề yếu là bộ thư mục ghi lại toàn bộ sách Hán Nôm hiện lưu giữ tại VNCHN và tại Thư viện Quốc gia Pháp. Chúng tôi tiến hành khảo sát toàn bộ Di sản Hán Nôm, và cho kết quả: có 35 tác phẩm mang nội dung công giáo. Chi tiết như sau:

Bảng 1: Sách Hán Nôm công giáo trong Di sản Hán Nôm Việt Nam - thư mục đề yếu

Tt Tên sách, kí hiệu Năm Nội dung
(1) (2) (3) (4)
1 Thiên chúa giáo tứ tự kinh văn VHv.1883

1650

gồm 748 câu thơ, mỗi câu 4 chữ, diễn tả nội dung Kinh thánh của đạo Thiên chúa, nói về nguồn gốc, giáo lí và tính chất mầu nhiệm của đạo.
2 Thiên chúa chân đạo dẫn giải toàn thư A.825/1 - 2.
MF.1935.
Paris. EFEO. MF. II/6/980.

Lê Cảnh Hưng thứ 38 (1777)

Nói về vai trò, tác dụng của đạo Thiên chúa đối với đời sống con người: con người khi sống và linh hồn con người sau khi chết đều do Chúa trời định đoạt. Chúa trời là đấng tối cao của muôn loài.
3 Bi Nhu Quận công phương tích lục, A.1178 Canh Thân (1800). Đạo dụ tặng Bi Nhu tước Quận công.
4 Chân đạo yếu lí. AB.534. 1864 Sách gồm 9 phần, nói về những giáo lí trọng yếu của đạo Gia Tô.

5

 

Sách dạy về sự đánh giặc thiêng liêng, AB.̀535

1864

66 điều dạy các con chiên phải tuân theo vua quan vì vua quan là người thay mặt Đức Chúa để cai trị dân, không được nổi loạn, phải tin theo đức Chúa trời cho đến khi chết, đừng để ma quỷ cám dỗ.
6

Sách tóm lại những chuyện sấm chuyện cũ, AB.̀536/1-2

1864

Những truyện sấm và truyện cũ về đạo Thiên chúa, chúa Lời sáng tạo ra trời đất, cho Adam và Eve làm tổ tiên loài người.
7 Các nha môn câu sai A.331. 
Paris, EFED. MF. I/1/31.

Hậu Lê

Một số sắc lệnh của chúa Trịnh: sắc lệnh về việc khuyên dân biên giới tuân theo quốc tục, cấm người ngoại quốc dụ dỗ dân theo đạo.

8

 

Hội đồng tứ giáo

AB.305 và

VNb. 36

Lê Cảnh Hưng?

Đại diện của 4 tôn giáo là Nho, Phật, Lão, Thiên chúa trình bày về: nguồn gốc con người; cuộc sống của con người trong hiện tại; con người sau khi chết. Nhằm mục đích tuyên truyền đạo Thiên chúa, bài xích các đạo khác: Nho, Phật, Lão.

9

 

Tháng cầu cho các linh hồn nơi lửa giải tội, AB.434

1896

30 bài kinh bằng chữ Nôm của đạo Thiên chúa nói về nơi phát tích của ngọn lửa giải tội; các hình phạt nơi lửa giải tội: không được nhìn mắt Chúa, bị giam cầm, bị thiêu đốt… Phải cầu Chúa để cứu vong linh tổ tiên thoát khỏi nơi lửa thiêu, sớm được lên Thiên đường…
10 Truyện hai mươi ông thánh tử vì đạo VNv197.

1900

Chuyện 22 ông Giáo sĩ phương Tây tử đạo năm 1798 đến 1853.

 

11

Tháng ông thánh Khu Tra, AB.433

In năm 1905 Kinh bằng chữ Nôm của đạo Thiên chúa dạy các con chiên làm việc trong tháng Thánh Giuse (Khu Tra).

12

 

Ấu học thuyết

VNv. 617.

Duy Tân thứ 3 (1909)

Bản tường trình việc lập trường dạy quốc ngữ ở các làng xã thuộc trung kì.

 

13

Tân nghị cách thức,

VHv 566

Duy Tân thứ 3 (1909) Quy định mới về thi Hương, chính thức đưa quốc ngữ vào thi cùng với chữ Hán.
14 Sách truyện các thánh, VNb.34 1909 Tiểu sử và ngày lễ của các vị Thánh đạo Thiên chúa.
15

Lộ Đức thánh mẫu, VNb.33

In lần hai: 1911 Sự tích và những phép lạ cứu giúp dân của đức Bà ở Lộ Đức, một tỉnh nhỏ thuộc miền Tây Nam nước Pháp, tiếp giáp với nước Y Pha Nho.
16 Số thứ loại biên VHv.2964 và VHv.2965

1947

Sách tra cứu thuật ngữ có mang chữ số về Nho, Phật, Gia tô.
17 Tây dương gia tô bí lụcVHv. 2137.
MF. 1565.

1962

Những điều bí ẩn của đạo Gia Tô (Jésus) về nguồn gốc và sự truyền bá.
18 Bi nhu quận công hành trạng bị lục A.969.

(-)

Tập tư liệu về Giám mục Bá Đa Lộc (Bi Nhu, tên tiếng Pháp Pigneau de Behaine).
19 Những ngày lễ trọng, quyển 1 (P) (-)  
20 Thái Tây tạp kí trích lục, VHv.967. (-) Sách trích ghi về tôn giáo… của các nước châu Âu.
21

Thuật tích việc nước Nam,

AB.196.
MF.1848.

(-)

Tập thơ 6 – 8, nói về tình hình đạo Thiên chúa ở Việt Nam dưới các thời Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức.
22 Thượng dụ tập, A.371. (-) 37 bài dụ, chiếu, tấu, biểu… của vua quan nhà Nguyễn đời Thiệu Trị và Tự Đức: chăm lo làm việc, mở khoa thi, chọn hiền tài, sưu tầm sách cổ, kiểm tra nhân khẩu, thờ cúng tổ tiên, nghiêm cấm đạo Gia Tô, định ngạch quan chức…
23

Bản kinh tụng độc toàn niên, AB.473

(-)

Kinh của đạo Thiên chúa dùng cho giáo dân đọc vào buổi sáng tối hàng ngày trong mùa chay.

24

 

 

Chân đạo tự chứng

A.2846

(-)

Những vấn đề cốt lõi của đạo Thiên chúa:
① Tính và Lí, Tạo vật, Một vị (Thiên Chúa) và Ba ngôi (cha, con, thánh thần…).
② Đời và Đạo, Nhân loại, Đạo cứu thế, sự tích của A Dam và chúa Giê Su do Đức Mẹ Đồng Trinh sinh ra…③ giải đáp những nghi vấn về Chúa và về Đạo, như Chúa là vô thủy vô chung, bất sinh, bất diệt, sao lại có mẹ? Chúa có ở khắp mọi nơi, sao lại hạn chế ở một con người?… Những chứng cớ khi Chúa còn sống, khi Chúa đã lên trời, khi chúa bàn về Đạo…
④Những lời răn dạy, 7 đức để sửa tội, hạnh phúc chân chính (chân phúc), tai họa thực sự (chân họa), cải tà quy chính…
25 Sách dẫn đường giữ đạo, VNb 35 (-) 42 điều chỉ dẫn cho người theo đạo Thiên chúa.
26

Sách dẫn đường nhân đức, AB.537

(-)

Kinh thánh gồm 14 đoạn, dạy con chiên thờ đức Chúa trời, làm điều nhân đức, thương người, không phản lại Chúa.
27 Các thánh truyện (P) (-) Chuyện sự tích về các thánh.
28 Đức chúa Chi thu, BN.B1 q 2, 3, 4, 9, 10 và BN.B2 q 2   Chuyện sự tích về đức chúa Gie su.
29 Kinh những lễ mùa phục sinh BN.B7 và BN.B8

(-)

Kinh tụng niệm hàng ngày của đạo Thiên chúa.

 

30 Tháng năm ba mươi lục (P) (-) Truyện các thánh
31 Thánh giáo yếu lí (P) (-)  
32 Thiên chúa thánh giáo hối tội kinh(P) (-)  
33 Thiên chúa thánh giáo khải mông (P) (-)  
34 Thiên chúa thánh giáo nhất khoa (P) (-)  
35 Thiên chúa thánh mẫu (P) (-)  

Trong bảng thống kê nêu trên:

- Các văn bản có ghi (P) ở cột 2: các văn bản lưu giữ tại Paris (Di sản Hán Nôm không cho biết kí hiệu văn bản). Các văn bản có ghi (-) ở cột 3: các văn bản không ghi niên đại.

- Từ số 1- 17: các văn bản có ghi rõ niên đại, từ số 18-35 là các văn bản không ghi niên đại. Văn bản số 21 và 22, tuy không ghi niên đại, nhưng căn cứ nội dung ghi trong sách có thể khẳng định là văn bản thời Nguyễn.

Trong số các văn bản lưu tại kho của VCNHN, có 14/25 tác phẩm được viết bằng chữ Nôm (trong đó có 01 tác phẩm có 2 dị bản: 01 ở VNCHN và 01 ở TVQG Pháp); trong đó văn bản có niên đại sớm nhất là 1864.

2.2. Phân loại

35 tác phẩm nêu trên, căn cứ vào nội dung ghi chép trong sách, được chia thành 06 nhóm: Kinh thánh, Truyện Thánh, sách phục vụ Nghiên cứu, sách về Giáo dục, về chính sách của triều đình với công giáo, và Tu đức.

35 tác phẩm nêu trên được phân bố như sau: kho sách VNCHN hiện lưu giữ 21 tác phẩm; TVQG Pháp lưu giữ 10 tác phẩm; còn lại 04 tác phẩm có 2 dị bản (01 bản lưu ở VNCHN và 01 bản lưu giữ tại Paris, Cộng hoà Pháp). Chi tiết xem bảng 2.

Bảng 2 : Bảng phân loại sách Hán Nôm công giáo

Tt Loại Lưu giữ tại Tổng
VNCHN Paris Pháp và Việt
1. Giáo dục 02 02
2. Nghiên cứu 06 01 07
3. Chính sách của triều đình với công giáo 01 01
4. Kinh thánh 06 07 02 15
5. Truyện thánh 04 03 07
6. Tu đức 03 03
Tổng 21 10 04 35

Bảng phân loại nêu trên cho thấy, số văn bản ở VNCHN khá phong phú về chủng loại: gồm đủ 5/6 loại nêu trên; số văn bản ở TVQG Pháp chỉ gồm Kinh thánh và Truyện thánh; số văn bản lưu giữ ở cả 2 nơi có 04 tác phẩm (gồm loại 2, loại 3 và loại 4).

Chiếm số lượng áp đảo là các tác phẩm về kinh thánh, tiếp đến là các tác phẩm về truyện các thánh và sách phục vụ nghiên cứu về đạo công giáo. Trong số các sách kinh thánh, kho TVQG Pháp vẫn chiếm ưu thế hơn về số lượng văn bản. Điều đáng quan tâm là: các văn bản kinh thánh, truyện thánh của các nhà truyền giáo buổi đầu, đều đang lưu giữ tại TVQG Pháp. Văn bản kinh thánh tại VNCHN đều là những văn bản có niên đại rất muộn về sau (sớm nhất là 1864).

2.3. Tình hình nghiên cứu các văn bản HNCG

Kho tư liệu HNCG còn lại khá lớn (308 tác phẩm). Đây là một kho tư liệu quý giá mà các nhà truyền giáo đã tặng lại cho chúng ta. Vẫn biết giá trị của các tư liệu này, nhưng lâu nay, các nhà nghiên cứu chưa có điều kiện tiếp xúc. Theo sự nhận thức của chúng tôi, mới có 3 học giả Việt Nam chọn các văn bản này làm đối tượng cho đề tài nghiên cứu chuyên sâu của mình (tỉ lệ 3/308)(5).

Với tư liệu HNCG được lưu giữ tại VNCHN, hiện nay mới có 03 tác phẩm được khai thác, xuất bản (1 văn bản Hán, và 02 văn bản Nôm)(6). Số còn lại, có lẽ mới chỉ nằm dưới dạng bản phiên lưu giữ cá nhân.

*****

Thay lời kết

Qua khảo cứu nêu trên cho thấy, VCNHN hiện còn lưu giữ 25 văn bản HNCG; trong đó có 14 văn bản được ghi bằng chữ Nôm. Số văn bản Nôm này đều là những văn bản xuất hiện rất muộn về sau, không có văn bản nào thuộc thế kỉ 17.

Theo bước chân của các Giáo sĩ phương Tây, các văn bản kinh quan trọng (được ghi bằng chữ Nôm) của đạo công giáo đã xuất hiện ở Việt Nam. Rồi cũng theo gót chân của các Giáo sĩ, các văn bản này lại được đem về các cơ sở truyền giáo ở nước ngoài. VNCHN không lưu giữ được các văn bản giáo lí căn bản, các văn bản truyện các thánh do các thừa sai hồi thế kỉ 17 viết. Các văn bản này đều thuộc quyền sở hữu của TVQG Pháp. Đây là một thiệt thòi lớn cho đất nước, cho khoa học.

Lâu nay, thư tịch Nôm công giáo luôn là vấn đề ‘thời sự’ với các nhà nghiên cứu Tiếng Việt lịch sử. Muốn nghiên cứu chữ Nôm và Tiếng Việt thế kỉ 17 qua tài liệu công giáo, điều quan trọng là phải sở hữu được văn bản Nôm công giáo của thế kỉ 17. Khảo cứu thực trạng kho tư liệu HNCG tại VNCHN mới giải đáp được lí do tại sao công việc cần thiết này, lâu nay, vẫn chưa được triển khai một cách có kế hoạch.

 

Chú thích:

(1). Girolamo Majorica, ses oeuvres en langue Vietnamienne conserves à la Bibliothèque Nationale de Paris.In ở đặc san Achivium Historium societatis Jesu (Rome) - Tome XXII, 1953, tr. 203-204.

(2). Võ Long Tê trong Lịch sử văn học công giáo Việt Nam cho biết hiện ởPhòng Nghiên cứu văn chương và Văn học sử Việt Nam của trường Đại học Sư phạm Huế có chụp hình một số tác phẩm chữ Nôm của Giáo sĩ Maiorica, đánh số từ B1 đến B16.

(3). Theo khảo cứu của Nguyễn Thế Nam, thư tịch HNCG còn được lưu giữ lẻ tẻ tại Viện Sử học, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Thư viện Quốc gia Việt Nam.

(4). Số liệu của Nguyễn Tá Nhí, dẫn theo Nguyễn Thế Nam (sđd).

(5). Ba tác phẩm được các nhà nghiên cứu Việt Nam lựa chọn cho các chuyên khảo của mình là: Truyện các ThánhThiên chúa Thánh giáo khải mông, và Kinh những lễ mùa phục sinh. Các tư liệu này đều không có trong kho tư liệu của VNCHN.

(6). Ba văn bản lưu giữ tại kho VNCHN được khai thác, công bố gồm: Tây Dương Gia tô bí lục, Hội đồng tứ giáo và Thuật tích việc nước Nam.

Tài liệu tham khảo:

[1] Lã Minh Hằng, 2012, Jeronimo Maiorica và những tư liệu nghiên cứu Tiếng Việt lịch sử, tham luận Hội thảo Việt Nam học lần thứ tư.

[2] Nguyễn Hưng, 2000, Sơ thảo thư mục Hán Nôm công giáo Việt Nam, lưu hành nội bộ.

[3] Nguyễn Thế Nam, 2011, Vài nét về tình hình nghiên cứu Hán Nôm công giáo, Thông báo Hán Nôm học (bản thảo).

[4] Trần Nghĩa-François Gros, 1993, Di sản Hán Nôm Việt Nam- Thư mục đề yếu, Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp, Nxb. KHXH, Hà Nội.

[5] Trần Nghĩa, Một số sách liên quan tới chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ hiện tìm thấy tại văn khố hội truyền giáo nước ngoài, Paris, Tạp chí Hán Nôm, số 1 (34) năm 1998

[6] Võ Long Tê, 1965, Lịch sử văn học công giáo Việt Nam, Nxb. Tư duy.

[7] Chương Thâu, Một số sách chữ Nôm ở Thư viện Quốc gia Paris, Tạp chí Hán Nôm, số 2, 2001, tr. 75-78

[8] Trần Khắc Toàn, 2006, Một vài nhận xét về chữ Nôm công giáo in trong Nghiên cứu chữ Nôm, Kỷ yếu Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm, Hà Nội, 2006.

Lã Minh Hằng (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.250-260; phiên bản trực tuyến, ngày 23.02.2015.

Thông tin truy cập

63688930
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9222
23426
63688930

Thành viên trực tuyến

Đang có 902 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website