Bước đầu tìm hiểu việc nhuận sắc Đại Nam quốc sử diễn ca

20200309

Về lai lịch và các truyền bản của Đại Nam quốc sử diễn ca đã được Đại Nam thực lục chính biên, đệ tứ kỷ các quyển 16, quyển 18 và quyển 23 ghi rõ, qua đó ta có thể biết được:  Tác giảSử ký quốc ngữ ca không được truyền lại, có thể dựa vào nội dung sách chỉ chép đến Mạc Đăng Dung cướp ngôi và việc sách được nộp dưới thời Nguyễn để đoán định ông sống vào khoảng cuối đời Lê. ‚ Tháng 4 năm 1858, hai ông Lê Ngô Cát và Trương Phúc Hào được giao cho công việc sửa chữa Sử ký quốc ngữ ca và nối thêm phần sử Lê Trịnh đến đời Lê Chiêu Thống, lấy tên là Quốc sử diễn ca, sau đó lại được Phạm Xuân Quế nhuận sắc. Khoảng 1860 - 1870, Phạm Đình Toái đã lấy bản của Lê Ngô Cát (bản đã được Phạm Xuân Quế nhuận sắc) sửa chữa lại một phần quan trọng và đặt tên là Đại Nam quốc sử diễn ca (ĐNQSDC). Như vậy những tên tuổi gắn liền với sự ra đời của sách là Lê Ngô Cát, Trương Phúc Hào, Phạm Xuân Quế và Phạm Đình Toái.

Trong bài tựa sách ĐNQSDC viết vào mùa thu năm Canh Ngọ đời Tự Đức thứ 23 (1870), Phạm Đình Toái đã ghi: “Quốc sử diễn ca do quan Án sát tỉnh Cao Bằng là Lê công Ngô Cát vâng lệnh soạn, quan Hình bộ Thị lang là Phạm công Xuân Quế đã nhuận sắc”. Phạm Đình Toái trong bài tựa sách Quốc âm từ điệu của mình cũng ghi: “Sách diễn bằng thể lục bát đã xong thì có một quyển Quốc sử ca. Đó là lấy bản cũ mà bớt và chữa, lấy một phần mà thêm vào ba phần”. Căn cứ vào hai tài liệu này có thể thấy rõ Phạm Đình Toái đã có đóng góp lớn vào việc sửa chữa ĐNQSDC.

Trên thực tế thì tình hình lai lịch của tác phẩm còn phức tạp hơn nhiều. Hoàng Xuân Hãn trong công trình nghiên cứu về ĐNQSDC (Nxb. Sông Nhị, H. 1952) đã khẳng định: “Sách này không phải do một tác giả làm ra, mà cũng không phải do nhiều tác giả cùng nhau làm trong một lúc. Chính là do một bản cũ mà nhiều người sửa chữa nhiều lần. Cho đến tên sách mỗi lúc sách chữa thì tên cũng đổi”. Trong công trình của mình, Hoàng Xuân Hãn cũng đã đưa ra một loạt tên các cuốn sách mà ông cho rằng có khả năng là truyền bản của ĐNQSDC. Sau khi khảo sát kỹ về số câu của các tác phẩm, ông đã đưa ra kết luận về quá trình truyền bản của ĐNQSDC, dưới đây chúng tôi xin trích dẫn toàn bộ phần kết luận trong sách Hoàng Xuân Hãn để bạn đọc tham khảo:

- Chúa Trịnh (có lẽ Trịnh Căn 1682-1709) giao cho một sử quan soạn sách Thiên Nam ngữ lục chép sử nước ta từ Hồng Bàng đến cuối đời thuộc Minh.

- Năm Tự Đức thứ 8 (1855), vua sai sử thần soạn sách Việt sử và sai tìm sách cũ để tra cứu. Một học trò tỉnh Bắc Ninh dâng quyển Sử ký quốc ngữ ca, có lẽ tức là quyển Thiên Nam ngữ lục (1857).

- Năm Tự Đức thứ 11 (1858), vua sai sử thần chữa sách ấy và thêm đoạn Lê Trịnh. Các ông Lê Ngô Cát và Trương Phúc Hào được sung vào việc ấy và soạn ra sách Việt sử quốc ngữ (1860).

- Ông Phạm Xuân Quế có nhuận sắc, bỏ bớt 29 câu và chữa nhiều câu, nhiều chữ, thành một quyển mà ta đặt tên là Việt sử quốc ngữ nhuận chính.

- Có người lại sửa chữa quyển nhuận chính này, bớt ba câu và đổi nhiều chữ làm thành ra sách Lịch đại Nam sử quốc âm ca.

- Vào khoảng năm 1865, ông Phạm Đình Toái tự ý đem bản nhuận chính trên mà chữa rất kỹ càng, rút từ 1887 câu xuống 1027 câu, ông lại đưa cho một vài ông như Phan Đình Thực sửa chữa, thành ra sách Đại Nam quốc sử diễn ca (1870).

Theo Hoàng Xuân Hãn, cuốn sử Quốc ngữ do học trò người Bắc Ninh nộp vào Tập hiền viện là Thiên Nam ngữ lục, sách qua nhiều lần nhuận sắc với các tên như Sử ký quốc ngữ ca, Việt sử quốc ngữ, Việt sử quốc ngữ nhuận chính, Lịch đại Nam sử quốc âm ca và cuối cùng là Đại Nam quốc sử diễn ca. Tra tìm trong kho sách Hán Nôm tại các thư viện ở Hà Nội có thể dễ dàng tìm thấy các văn bản của Thiên Nam ngữ lục, còn như các tên như: Sử ký quốc ngữ caViệt sử quốc ngữ, Việt sử quốc ngữ nhuận chính, Lịch đại Nam sử quốc âm ca thì chỉ nghe tên mà không thấy sách; cũng chưa tìm ra một văn bản Thiên Nam ngữ lục có tên khác là Sử ký quốc ngữ ca như Hoàng Xuân Hãn đã nêu. Điều đó đã gây không ít khó khăn cho chúng tôi khi tìm hiểu lai lịch của tác phẩm ĐNQSDC.

1. Cứ liệu

Lần khảo cứu này, chúng tôi muốn tập trung tìm hiểu việc nhuận sắc tác phẩm ĐNQSDC. Để có thể làm được việc này, chúng tôi đã giành sự chú ý nhiều hơn đến các văn bản chép tay, những mong qua đó có thể tìm thấy lưu bút của các tác giả nhuận sắc. Bốn văn bản chép tay được đưa ra khảo sát lần này là:

- Bản 1: ĐNQSDC, ký hiệu R.267, Thư viện Quốc gia

- Bản 2: ĐNQSDC, ký hiệu R.540, Thư viện Quốc gia

- Bản 3: ĐNQSDC, ký hiệu Hv.328, Viện Sử học

- Bản 4: Nam sử diễn ca, ký hiệu Hv.329, Viện Sử học.

Chúng tôi sẽ lần lượt tiến hành khảo sát sự sai khác về văn tự cũng như cách dùng từ đặt câu của bốn văn bản nói trên với bản Phạm Đình Toái đưa đi xuất bản lần đầu tiên vào năm Tự Đức thứ 23, cụ thể là bản AB.1 (ký hiệu Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Sự khác nhau giữa bản 1 và bản 2 với bản AB.1 chủ yếu ở việc dùng chữ dị thể, một số ít thuộc về trường hợp có những sai biệt trong cách dùng từ đặt câu. Ngược lại, những sai biệt giữa AB.1 với bản 4 lại có chiều thiên về các trường hợp chỉnh sửa từ ngữ, về cách dùng từ đặt câu. Kết quả khảo sát cụ thể như sau:

1.1. So sánh bản 1 với bản AB.1

1.1a. Bản 1 có 85 mã chữ (311 lượt) dùng chữ có tự dạng khác với tự dạng ở văn bản AB.1 (dùng chữ dị thể), ví dụ:

- Ghi âm kịp ở bản 1: 﨤 và ở bản AB.1: 趿 như thấy trong câu: “Sính nghi ước kịp ngày mai” (4a, 7).

- Ghi âm biên ở bản 1: 边 và ở bản AB.1: 邊 như thấy trong câu “Lửa binh đâu đã động ngoài biên cương” (8b, 3).

- Ghi âm đem ở bản 1: (扌+冘) và ở bản AB.1: 冘 như thấy trong câu “Đem cờ sứ tiết để gần ải quan” (10a, 7).

1.1b. Chiếm phần thiểu số là những sai khác trong việc dùng từ đặt câu, tổng cộng có 28 trường hợp, ví dụ:

- Thay từ phẳng / vẳng ở bản 1 bằng từ biển ở AB.1, trong câu:

“Vừa đời ngang với Chu Thành

Bốn phương biển lặng trời thanh một mầu”

(AB.1, 3a,7).

- Thay từ gọi ở bản 1 bằng từ  ở bản AB.1, như thấy trong “Tuần tuyên mới  Tích Quang” (AB.1,11a,1).

- Thay từ đeo ở bản 1 bằng từ đao ở bản AB.1, như trong câu “Trồng cây trúc mộc tập bài cung đao” (AB.1, 20b,5). Chữ đao 刀 và đeo 刁 có tự dạng gần giống nhau nên cũng có thể nghĩ đến khả năng đây là sự sai khác do viết nhầm.

- Ở câu 2004, sự khác nhau của hai văn bản này không chỉ dừng lại ở những sai khác trong dùng từ mà đã tiến đến cấp độ ngữ (đó là sự đổi khác cả một ngữ), như có thể thấy trong chính văn:

“Phù kiều chém giết quan quân mấy người (bản 1) và

“Phù kiều chém giết quân mình thác oan” (AB.1, 63b,8)

Sự khác nhau giữa hai văn bản này có lúc lại thể hiện ở việc đảo trật tự của một ngữ, như trong câu: “Dặm trường nào có ngăn ai” (bản 1) và “Dặm trường nào có ai ngăn” (AB.1, 63b, 5)

1.2. So sánh bản 2 với bản AB. 1

1.2a. Bản 2 có 112 mã chữ (239 lượt) dùng chữ có tự dạng khác với tự dạng ở AB.1 (dùng chữ dị thể), ví dụ:

- Ghi âm đến ở bản 2: (至+旦) và ở AB.1: (至+典), trong câu “Quân lương đâu đã đến ngoài” (15b, 8).

- Ghi âm đổi ở bản 2: (扌+對) và ở AB.1: (扌+对), trong câu “Bể dâu biến đổi cơ trời” (5a, 8).

- Ghi âm gian ở bản 2: 奸 và ở AB.1: 姦, trong câu “Khắc Chung thêm dệt lời gian” (35a, 7).

- Ghi âm hay ở bản 2: (台+二) và ở bản AB.1: (口+台), trong câu “Mới hay giặc ở bên mình không xa” (7b, 2).

- Ghi âm  ở bản 2: 麻 và ở bản AB.1: ?, trong câu “ trong cương giới sơn xuyên chưa tường” (2b, 4).

1.2b. Sự sai khác trong việc dùng từ đặt câu ở bản AB.1 so với bản 2 cũng không ít, và có phần nào nổi trội hơn so với bản 1. Trong bản AB.1 có tổng số có 38 trường hợp thay từ đặt câu khác so với bản 2, ngoài ra còn có 2 trường hợp bản AB.1 bổ sung chữ chép thiếu của bản 2:

- Thay từ hoa (bản 2) bằng từ bông (AB.1):

“Khác thường tự thuở còn thơ

Rủ đoàn mục thụ mở cờ bông lau”

(AB.1, 24b, 2)

- Thay từ chiếm (bản 2) bằng từ cố (AB.1) “Quân Minh cố giữ thành bền” (AB.1, 39a, 4).

- Thay từ  (bản 2) bằng từ học (AB.1) “Mở khoa bác học cầu hiền” (AB.1, 28a, 6).

- Thay từ mặt (bản 2) bằng từ kẻ (AB.1) “Từ khi vắng kẻ chiết xung (AB.1, 15a, 3).

- Thay từ về (bản 2) bằng từ sang (AB.1) “Vạc Đinh đã trở sang Lê (AB.1, 25b, 8).

- Thay từ tham (bản 2) bằng từ hung (AB.1) “Rồi ra lại gặp người Minh hung tàn” (AB.1, 25b,8).

1.3. So sánh bản 3 với bản AB. 1

Giữa bản 3 và bản AB.1 thấy có mấy trường hợp sai khác như sau:

1.3a. Bản 3 có 28 mã chữ (80 lượt) dùng chữ có tự dạng khác với mã chữ ở bản AB.1 (dùng chữ dị thể), ngoài ra còn có 6 trường hợp (6 mã chữ) có sự sai khác giữa hai văn bản do chúng có tự dạng gần giống nhau, nâng tổng số chữ dị thể lên 34 chữ. Xin nêu một số ví dụ về việc dùng chữ dị thể:

- Ghi từ ấm ở AB.1: 蔭 và ở bản 3: , trong câu:

“Dõi truyền một mối xa thư

Nước non đầm ấm mây mưa thái bình”

(3a, 6)

- Ghi từ  ở AB.1: 機 và ở bản 3: , trong câu:

“Bể dâu biến đổi  trời

Mà so Hồng lạc lâu dài ai hơn”

(5a, 8)

- Ghi từ đêm ở AB.1: (日+店) và ở bản 3: , trong câu:

“Vảy nước chậu vắt khăn tay

Khi đêm đạp bóng khi ngày ngồi trông”

(32a, 1).

- Ghi từ đổi ở AB.1: (扌+對) và ở bản 3: (口+对), trong câu “Định Yên Hà Nội đổi thay” (2a, 7).

- Ghi từ gian ở AB.1: 姦 và ở bản 3: , trong câu “Quyền gian kế thống quen rày” (54b, 4).

- Ghi từ quên ở AB.1: (亡/悁) và ở bản 3: , trong câu “Quên ơn thuở trước không lòng mai sau” (10a, 3).

Ngoài ra còn có 6 trường hợp có sự nhầm lẫn khi viết chữ do chúng có tự dạng gần giống nhau:

- Chữ tường 詳 với nghĩa “tỏ rõ” và chữ còn 群 có nửa bên trái giống nhau, có lẽ vì thế mà dẫn đến sự nhầm lẫn khi viết chữ. Chữ này xuất hiện trong đoạn kể về việc vua Thục xây thành, thành xây rồi lại lở, vua cầu khấn và có rùa vàng hiện lên nói cho vua biết rõ nguyên cớ. Bản AB.1 dùng chữ tường với nghĩa “nói cho biết rõ”, thế nhưng bản 3 lại viết nhầm thành chữ còn:

“Hóa ra thưa nói cũng kỳ

Lại tường căn cớ bởi vì yêu tinh”

(AB.1, 5b, 6)

và bản 3:

“Hóa ra thưa nói cũng kỳ

Lại còn căn cớ bởi vì yêu tinh”

(bản 3)

- Chữ kinh 經 trong kinh lý với nghĩa “sửa sang sắp đặt”, đã bị viết nhầm thành chữ hồng ở bản 3:

“Bảo thành kinh lý đã an

Ngôi cao phó lại cháu hiền thừa gia”

(AB.1, 59b, 2)

và bản 3:

“Bảo thành hồng lý đã an

Ngôi cao phó lại cháu hiền thừa gia”

- Chữ thay 台 bị viết nhầm thành chữ hợp 合 ở bản 3:

“Binh quyền lại để Trịnh Tùng thay anh” (AB.1, 46a, 7) và bản 3:

“Binh quyền lại để Trịnh Tùng hợp anh”.

1.3b. Sự sai khác trong cách dùng từ đặt câu giữa hai văn bản AB.1 và bản 3 chỉ có 7 trường hợp.

- Thay từ  (bản 3) bằng từ nơi (AB.1)

“Ấy là Bạch Hạc hợp dòng Thao Giang” (bản 3);

“Ấy nơi Bạch Hạc hợp dòng Thao Giang” (AB.1, 2a, 4)

- Thay từ (đua) nối (bản 3) bằng từ (đua) dành (AB.1)trong câu:

“Anh em lại rắp đua nối ngôi cao” (bản 3);

“Anh em lại rắp đua dành ngôi cao” (AB.1, 27a, 7)

- Thay từ ngàn (pha) (bản 3) bằng từ xông (pha) (AB.1) trong câu

“Tuyết sương trăm trận ngàn pha” (bản 3);

“Tuyết sương trăm trận xông pha” (AB.1, 46a, 5).

1.3c. Bản 3 đã chép thiếu khá nhiều chữ: 14 chữ, những chữ này đều có ghi trong bản AB.1:

- Câu 1042 “Đào sông đục núi cũng là nhọc thay”, bản 3 chép thiếu chữ nhọc thay (33b, 2)

- Câu 1119 “Uy thanh xa động biên ngung”, bản 3 chép thiếu chữ xa (36a,1)

- Câu 1403 “Độc sao hàng tướng tiến dưa”, bản 3 chép thiếu chữ dưa (44b, 8)

- Câu 1615 “Lấy năm điều khảo trấn ty”, bản 3 đã chép thiếu chữ năm (51b, 5).

1.4. So sánh bản 4 với bản AB. 1

Sự sai khác giữa bản 4 và bản AB.1 khá lớn. Nếu như ở bản 1, bản 2 và bản 3 những sai biệt với bản AB.1 chủ yếu tập trung ở việc dùng chữ dị thể thì ở bản 4, sai khác lại tập trung vào những khác biệt trong việc dùng từ đặt chữ. So sánh hai văn bản này có thể thấy rõ được công việc của người nhuận chính: chỉnh sửa chữ, từ, ngữ đoạn, câu; thay từ để hiệp vần thơ; gọt dũa, thêm bớt câu. Công việc chỉnh sửa cụ thể như sau:

- Dùng chữ dị thể: Theo thống kê, bản AB.1 có 42 trường hợp dùng mã chữ có tự dạng khác với tự dạng ở bản 4; thêm 9 trường hợp viết nhầm do chúng có tự dạng gần giống nhau, nâng tổng số chữ dị thể lên 51 trường hợp.

- Chỉnh sửa, gồm:

+ Chỉnh sửa từ đơn: 275 trường hợp; dùng từ khác hoặc từ tương đương: 43 trường hợp; đổi từ khác do phải hiệp vần thơ: 7 trường hợp; đảo trật tự từ: 4 trường hợp, tổng cộng 329 trường hợp chỉnh sửa ở cấp độ từ

+ Chỉnh sửa ngữ đoạn: 21 trường hợp

+ Chỉnh sửa câu: 47 trường hợp

- Thêm bớt câu, chữ (gọt dũa): kết quả khảo sát cho biết bản AB.1 có 21 câu và 5 chữ không thấy có trong bản 4. Mặt khác, bản 4 cũng thêm 11 câu so với AB.1; có 4 câu của bản 4 đã được cấu trúc lại diễn thành 6 câu ở AB.1 (từ câu 804-809).Xin đưa ra một vài ví dụ cụ thể.

1.4a. Ở tiểu mục này, chúng tôi sẽ giới thiệu một vài trường hợp mã chữ ở bản 4 có tự dạng khác với ở bản AB.1:

- Ghi từ cùng ở AB.1: 共 và ở bản 4: “Ấy là Vũ Định tiếp cùng biên manh” (2b, 1).

- Ghi từ đến ở AB.1: (至+典) và ở bản 4: (至+旦) “Thị phi chép để đến giờ làm gương” (1a, 5).

- Ghi từ gặp ở AB.1: 﨤 và ở bản 4: 趿“Biết đâu gặp gỡ lại là túc duyên” (5a, 2)

- Ghi từ kẻ ở AB.1: 仉 và ở bản 4: 几“Người thục nữ kẻ tiên đồng” (5a, 4).

- Ghi từ kịp ở AB.1: 趿 và ở bản 4: “Sính nghi ước kịp ngày mai” (4a, 7).

- Ghi từ lở ở AB.1: (土+呂) và ở bản 4: (扌+呂) “Xây thôi lại lở công trình biết bao”(5b, 4).

- Ghi từ mau ở AB.1: (足+毛) và ở bản 4: “Ai mau chân trước định lời hứa anh” (4a, 7).

So sánh với AB.1 thì thấy ở bản 4 có một số chữ viết nhầm, có lẽ do tự dạng gần giống nhau đã dẫn đến tình trạng sai sót đó:

- Chữ đem 冘 (AB.1) bị viết nhầm thành cứu 究 (bản 4), trong câu:

“Hán sai Thái tử Hoằng Thao

Đem quân ứng viện toan vào tập công”

(AB.1, 22b, 2).

- Chữ hoan 歡 (AB.1) bị viết nhầm thành quyền 權 (bản 4), trong câu:

“Đương khi hoan yến nửa chừng

Lữ Gia biết ý ngập ngừng bước ra”(AB.1, 9b, 5).

1.4b. Chỉnh sửa: Như đã nêu ở trên, những sai khác trong cách dùng từ đặt câu giữa hai văn bản này khá phong phú, gồm có:

* Chỉnh sửa từ

- Từ chiếu ở bản 4 được sửa thành từ ấn ở AB.1 “Đền rồng ban ấn tử nê” (AB.1, 62b, 6).

- Từ ngôi ở bản 4 được sửa thành từ báu ở AB.1, trong câu:

“Quý Ly cho dự xu tào

Báu thiêng lại để gian hào ký du”

(AB.1, 36b, 7).

- Từ hay ở bản 4 được sửa thành từ biết ở AB.1, trong câu:

“Chử Đồng ẩn chốn bình sa

Biết đâu gặp gỡ lại là túc duyên”

(AB.1, 5a,2).

- Từ đem  bản 4 được sửa thành từ buông ở AB.1, trong câu:

“Quý Ly quyền lấn trong ngoài

Buông lời sàm gián quên bài tôn thân”

(AB.1, 37a, 3).

- Từ người  bản 4 được sửa thành từ chuyện ở AB.1, trong câu:

“Vắn dài là số tự nhiên

Tụng kinh cầu thọ khéo nên chuyện cười” (AB.1, 27b, 5).

* Đổi dùng từ khác hoặc đổi dùng từ tương đương

- Từ thủy chung (bản 4) đã được đổi thành đinh ninh ở AB.1, trong câu “Vấn an lại kể gót đầu đinh ninh” (AB.1, 59a,1)

- Từ phảng phất (bản 4) đã được đổi thành phấp phới ở AB.1, trong câu “Thúy hoa phấp phới qua đèo Hải Vân” (AB.1, 56a, 2). Dùng phảng phất như bản 4 không đúng, vì phảng phất dùng để nói về mùi hương tỏa ra.

- Dùng sơn xuyên (AB.1) thay cho giang sơn (bản 4), trong câu

“Tuần du đã tỏ dân tình

Sơn xuyên trải khắp địa hình gần xa”

(AB.1, 30a, 3).

Đổi dùng từ tương đương có khi lại xảy ra trong trường hợp muốn thay từ thuần Việt bằng một từ Hán Việt với nghĩa tương ứng:

- Dùng thái tử (AB.1) thay cho con cả (bản 4), trong câu

“Hán sai Thái tử Hoằng Thao

Đem quân ứng viện toan vào tập công”

(AB.1, 22b, 2).

- Dùng thành môn (AB.1) thay cho cửa thành (bản 4), trong câu

Thành môn nghiêm bị trong ngoài

Trồng cây trúc mộc tập bài cung đao”

(AB.1, 20b,5).

* Có một số trường hợp, ở bản AB.1 đã thấy sửa đổi đôi chút về từ ngữ để đảm bảo vần điệu của câu thơ

- Từ ngô  bản 4 đã sửa thành  ở bản AB.1 để hiệp vần với bề ở câu 8 tiếp sau:

“Cán vong Khải lại tiếm 

Phủ binh từ ấy nhiều bề tuyên kiêu”

(AB.1, 57b,1).

- Từ binh ở bản 4 đã sửa thành từ quân ở AB.1 để hiệp vần với gần ở câu 8 tiếp sau:

“Quảng Nam đồn trú lục quân

Trong Tây ngoài Trịnh xa gần với ai”

(AB.1, 56a, 3).

- Để hiệp vần thơ, từ tranh đấu ở bản 4 đã sửa thành tranh đua ở AB.1:

“Bá Tiên đã trở về Lương

Dương Sàn còn ở chiến trường tranh đua

Một cơn gió bẻ chồi ngô”

(AB.1, 16a, 8).

* Công việc sửa chữa đó không chỉ dừng ở cấp độ từ như vừa miêu tả, rất nhiều ngữ đoạn của bản 4 đã thấy sửa lại ở AB.1. Tổng cộng gồm 21 trường hợp như thế, ví dụ:

- Sửa cổ pháp sinh người ở bản 4 thành trời mở thánh minh ở bản AB.1, hãy xem chính văn:

“Bắc Giang cổ pháp sinh người” (bản 4)

“Bắc Giang trời mở thánh minh” (AB.1, 26a, 8).

- Sửa ngữ cốt nhục nên cừu ở bản 4 thành ngữ thích thứ tranh nhau ở bản AB.1, xem chính văn:

“ Đoàn con cốt nhục nên cừu” (bản 4)

“Đoàn con thích thứ tranh nhau” (AB.1, 26a, 3).

* Đối chiếu với AB.1 thì thấy ở 3 văn bản: bản 1, bản 2 và bản 3 không hề có sự sửa đổi ở cấp độ câu, thế nhưng ở bản 4 thì số câu được sửa lại khá nhiều, tổng số có 47 câu đã được sửa lại.

- Câu 607 và 608, bản 4 ghi:

“Đại La bốn cửa mở thông

Đài châu Hoan Ái nên công đắp thành”

thì ở bản AB.1 sửa lại là:

“Đại La mới đắp lũy vòng

Ái châu thành cũ đều cùng tái tu”

(AB.1, 20a, 1).

- Câu 891 đến câu 894, bản 4 ghi

“Thiệt hơn nào có biết đường

Tham voi Giao Chỉ mất vàng Quảng Nguyên

Binh uy dấy dức Nam thiên

Chiêm Thành nối đứt xưng phiên về mình”

thì ở bản AB.1 sửa lại là:

“Lại còn hối hận một chương

Tham voi Giao Chỉ mất vàng Quảng Nguyên

Năm mươi năm lẻ lâu bền

Vũ công văn đức rạng truyền sử xanh”

(AB.1, 28b, 7).

- Từ câu 679 đến câu 689, bản 4 ghi

“Con là Thừa Mỹ tài hèn

Gây thù cho Hán bắt liền bởi ai

Dương Công Đình Nghệ cũng tài

Đem quân phù nghĩa đuổi người Hán quan

Báo thù rồi mới vỗ yên

Giao Châu thống lĩnh phiên hàn vừa xong

Dưỡng Nhi sao vậy Kiều Công

Đem mưu thí nghịch an lòng cho nên”

thì ở bản AB.1 sửa lại là:

“Thừa gia vừa được tái truyền

Bởi cầu lương tiết hoá nên Hán tù

Dương Đình Nghệ lại báo thù

Đuổi người Hán lĩnh châu phù vừa xong

Nghĩa nhi gặp đứa gian hùng

Kiều Công Tiện lại nỡ lòng sao nên”

(AB.1, 22a, 5).

Đoạn nói về vua Ngọa Triều, bản 4 chỉ có 4 câu nhưng ở bản AB.1 đã cấu trúc lại, diễn thành 6 câu:

“Trung Tông vừa lập Ngọa Triều lại lên

Đêm ngày tửu sắc mê tình

Chính quyền đã lỗi pháp hình lại hơn

Những là kiếm thụ đao sơn”(Bản 4)

còn ở AB.1 sửa lại là:

“Để cho cốt nhục nên cừu bởi ai

Trung Tông vừa mới nối đời

Cấm đình thoắt đã có người sính hung

Ngọa Triều thí nghịch hôn dung

Trong mê tửu sắc ngoài nồng hình danh

Đao sơn kiếm thụ đầy thành”

(AB.1, 26a, 3).

1.4c. Thêm bớt câu

* Khi nhuận chính, tác giả đã cho thêm vào một số câu, những câu này chúng tôi không tìm thấy ở bản 4, ví dụ ở trang 34a:

“Giặc Nguyên còn muốn báo đền

Mượn đường hộ tống binh thuyền lại sang”

(AB.1, 34a, 7).

Đây là câu được tác giả cho thêm vào bản AB.1 khi nhuận chính tác phẩm.

Cũng vậy, đoạn vua Lý Nhân Tông thân chinh đi đánh Ma Sa động đã được cho thêm vào AB.1 khi nhuận chính:

“Thân chinh xe ngựa trì khu

Phá Sa động bắt Man tù Ngụy Bàng

Chiêm Thành nộp đất xin hàng

Ba châu quy phụ một đường thanh di”

(AB.1, 28b,1).

* Trong khi sửa chữa, tác giả nhuận chính đã bỏ bớt đi một số câu của bản 4, ví dụ sau câu 1478 (47a, 6) của bản AB.1 không thấy có mấy câu sau:

“Lưới trời sao lọt muông khôn

Làm gương cho kẻ tôi con sau này”

Sau câu 366 (12a, 8) của AB.1 không thấy có câu:

“Nam phiên dành một chức ngoài

Lại mong suy tiến hiền tài nước ta

Rằng sao Nam Bắc một nhà

Kẻ gần quý hiển người xa oán sầu”

Kết quả đối chiếu 4 văn bản chép tay nói trên với AB.1 được khái quát hóa ở bảng sau:

Bảng đối chiếu 4 văn bản chép tay với AB.1

 

Sai khác

Văn bản

Dị thể

Sửa chữa

Chép thiếu

Bổ sung

sửa từ sửa ngữ sửa câu
bản 1 85 (311)(1) 25 3
bản 2 112 (239) 36 2 2
bản 3 28 (80) + 6 = 34 7 14 chữ
bản 4 38 + 9 = 47 329 21 47 21 câu + 5 chữ 11

 

2. Nhận xét

Qua đối chiếu AB.1 với 4 văn bản chép tay nêu trên có thể đưa ra một vài nhận xét sau:

2.1. Trước hết xin nói về bản 3, ở trang 1b của bản 3 có ghi dòng niên đại Tự Đức tam thập tứ niên Tân Tị thu, chí trung đường tàng bản (mùa thu năm Tân Tị niên hiệu Tự Đức thứ 34, bản lưu tại nhà in Chí Trung đường). Như ta đã biết, ĐNQSDC đã được nhà in Chí Trung đường cho xuất bản 2 lần vào các năm Tự Đức thứ 23 và Tự Đức thứ 34. Như vậy, bản chép tay này là bản được ghi lại trước khi Chí Trung đường cho tái bản lần thứ 2 tại nhà in của mình.

Tính đến năm Tự Đức thứ 34, ĐNQSDC đã được in 4 lần vào các năm Tự Đức thứ 23, Tự Đức thứ 26, Tự Đức thứ 27 và Tự Đức thứ 34. Số lượng bản in của ba lần xuất bản đầu không phải là ít, ấy vậy mà trước khi xuất bản lần thứ tư vẫn còn lưu truyền một văn bản chép tay như bản 3 cho thấy tính phổ cập rộng rãi của tác phẩm.

Khi so sánh bản Tự Đức thứ 23 (AB.1) với bản in Tự Đức thứ 34 (VNv.165) và với bản chép tay Tự Đức thứ 34 (bản 3) cho thấy:  có sự sai khác giữa Tự Đức thứ 23 với bản chép tay Tự Đức thứ 34 (bản 3) như đã khảo cứu ở trên‚ Bản in Tự Đức thứ 34 về cơ bản vẫn giữ nguyên như bản in lần đầu năm Tự Đức thứ 23, tuy vậy ở đây cũng không phải là không có sai lệch. Đó là những sai khác trong việc dùng chữ dị thể như chữ kết 結 (Tự Đức thứ 23) và 糸台(Tự Đức thứ 34, 31a, 6); chữ con (子+昆) (Tự Đức thứ 23) và (子+昆)(Tự Đức thứ 34, 17b, 3); chữ đền (田+殿) (Tự Đức thứ 23) và chữ đền (月+殿) (Tự Đức thứ 34, 36a, 4) ƒ Khi đem so sánh cả ba văn bản này với nhau thì thấy bản in Tự Đức thứ 34 có lúc chép giống như ở bản AB.1, như đã thấy trong:

- Bản AB.1 và bản in Tự Đức thứ 34 đều ghi dọc ngang thì ở bản 3 lại thay bằng thiên nhan (50a, 1)

- Bản AB.1 và bản in Tự Đức thứ 34 đều ghi là nơithì ở bản 3 lại thay bằng (2a, 4)

Trái lại cũng có lúc bản in Tự Đức thứ 34 lại ghi giống với bản chép tay Tự Đức thứ 34 (bản 3), ví dụ:

- Bản AB.1 ghi dẹp còn ở bản in Tự Đức thứ 34 và bản 3 đều ghi là hoại (33a, 1)

- Bản AB.1 ghi dành còn ở bản in Tự Đức thứ 34 và bản 3 đều ghi là nối (27a, 7)

Rõ ràng là khi in lại lần thứ hai, nhà in Chí Trung đường đã dựa vào cả hai văn bản, đó là bản in lần thứ nhất Tự Đức thứ 23 (AB.1) và bản chép tay Tự Đức thứ 34 (bản 3). Như vậy, để có thể tìm hiểu việc nhuận sắc ĐNQSDC thì chúng ta chỉ có thể dựa vào các văn bản chép tay có trước khi tác phẩm được in lần đầu. Đó chính là bản 1, bản 2 và bản 4.

2.2. So sánh kết quả điều tra việc chỉnh sửa, gọt dũa nội dung văn bản cho thấy ở bản 1 và bản 2, công việc tập trung vào việc chỉnh sửa từ (dùng phép tu từ) và hơn nữa số lượng cũng không nhiều: 28 trường hợp ở bản 1 và 38 trường hợp ở bản 2. Thế nhưng, đối chiếu bản 4 với AB.1 ta thấy rõ những công việc của người nhuận sắc gồm: chỉnh sửa từ, đổi dùng từ khác (dùng từ Hán Việt thay cho từ thuần Việt hoặc ngược lại), đổi từ để hiệp vần thơ, đảo trật tự từ; chỉnh sửa ngữ đoạn, câu; thêm bớt câu, ngữ đoạn; cấu trúc lại ngữ đoạn. Trong số đó, phần chỉnh sửa (từ, ngữ đoạn, câu) là 397 trường hợp, thêm vào 21 câu và 5 chữ, bớt đi 11 câu. Như đã biết, trong bài tựa sách Quốc âm từ điệu, Phạm Đình Toái đã nói rõ công việc chỉnh sửa gồm “.... lấy 1 phần và thêm vào 3 phần”. Điều đó cho phép ta khẳng định bản 4 không phải là lưu bút đầu tiên khi Phạm Đình Toái bắt tay vào công việc nhuận chính. Rất tiếc, chúng tôi không có trong tay những văn bản lưu lại bút tích của ông nên chưa thể đưa ra một kết luận chắc chắn. Thế nhưng, với những gì đã làm được cho văn bản (chỉnh sửa bản 4 để cho ra bản AB.1) cho phép chúng tôi tạm kết luận đây là bản nháp cuối cùng trước khi Phạm Đình Toái cho in sách.

Bản nháp này (bản 4) có tên là Nam sử diễn ca. Đây thật sự là một tên gọi khác của ĐNQSDC mà các khảo cứu trước đây chưa thấy nhắc tới.

2.3. Công việc nhuận chính xong xuôi, Phạm Đình Toái còn đưa cho một số nhà phê bình như Hộ bộ Tham tri Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lập, Bình Phú Tổng đốc Tiến sĩ Hoàng Văn Tuyển và Hàn lâm Thị độc Tiến sĩ Lê Đình Duyên xem lại. Vậy các nhà phê bình này đã làm những công việc gì? Xem xét sự khác nhau của bản 1 và bản 2 với bản AB.1 thì thấy những sai khác chủ yếu tập trung ở việc thay đổi tự dạng (gồm 85 mã chữ ở bản 1 và 112 mã chữ ở bản 2 được viết dưới dạng dị thể so với AB.1), một số ít thuộc về công việc của tu từ học. Phải chăng đây là công việc của những nhà phê bình? bản 1 và bản 2 chính là bản lưu lại bút tích của những nhà phê bình?

*

**

Có thể nói, từ khi cuốn sử ký được nộp vào Tập hiền viện cho đến khi sách được in ra lần đầu tiên với tên gọi ĐNQSDC, cuốn sử này đã được rất nhiều người nhuận sắc và phê bình. Mỗi lần sửa chữa như thế thì lại gắn cho sách một tên gọi mới, bởi vậy số dị bản của tác phẩm khá nhiều.

Cùng chịu chung số phận với các tư liệu Hán Nôm khác, ĐNQSDC cũng không tránh khỏi sự thất tán vì binh hỏa chiến tranh và thiên tai, do đó các dị bản còn lại đến nay không đầy đủ. Điều này gây không ít khó khăn cho chúng tôi khi tìm hiểu quá trình truyền bản của tác phẩm ĐNQSDC.

Gắng tìm trong các thư viện ở Hà Nội, chúng tôi chỉ tìm thấy 29 bản ĐNQSDC, trong số đó có 4 bản chép tay được chúng tôi chọn ra để tìm hiểu quá trình truyền bản của tác phẩm. Với số văn bản chép tay hiện có, chúng tôi tiến hành khảo cứu và tạm đưa ra một vài nhận xét sơ bộ như trên. Hy vọng rằng sẽ có những nhận định chắc chắn hơn nếu như tiếp tục mở rộng địa bàn khảo sát ra các tỉnh khác ngoài Hà Nội.

Chú thích:

(1) Chữ số ở ngoài ngoặc là số mã chữ được viết dị thể, chữ số trong ngoặc là chỉ số lần xuất hiện của chữ dị thể, chữ số viết sau dấu + là số những chữ dị thể do tự dạng gần giống nhau dẫn đến nhầm lẫn.

Tài liệu tham khảo chính

A. Tài liệu tiếng Việt:

1. Lê Ngô Cát - Phạm Đình Toái: Đại Nam quốc sử diễn ca, Hoàng Xuân Hãn tựa và dẫn, Nxb. Sông Nhị, H. 1952.

2. Lê Ngô Cát - Phạm Đình Toái: Đại Nam quốc sử diễn ca, Đinh Xuân Lâm - Chu Thiên phiên âm, khảo dị, hiệu đính, chú thích, giới thiệu, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 1999.

3. Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái: Đại Nam quốc sử diễn ca - Lịch sử Việt Nam, Đinh Xuân Lâm - Chu Thiên phiên âm, khảo dị, hiệu đính, chú thích, giới thiệu, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2004.

4. Lã Minh Hằng: Văn bản Đại Nam quốc sử diễn ca hiện lưu giữ tại các Thư viện ở Hà NộiTạp chí Hán Nôm số 4 năm 2004.

B. Tài liệu Hán Nôm (bản Nôm):

1. Đại Nam quốc sử diễn ca, AB.1, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

2. Đại Nam quốc sử diễn ca, VNv.165, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

3. Đại Nam quốc sử diễn ca, R.267, Thư viện Quốc gia.

4. Đại Nam quốc sử diễn ca, R.540, Thư viện Quốc gia.

5. Đại Nam quốc sử diễn ca, Hv.328, Thư viện Viện Sử học.

6. Nam sử diễn ca, Hv.329, Thư viện Viện Sử học./.

*(Trong ngoặc đơn là một chữ Nôm được tạo bởi 2 bộ thủ)

TS. Lã Minh Hằng

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 6 (79). 2006, trang 33-43

Thông tin truy cập

60780706
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
207
24669
60780706

Thành viên trực tuyến

Đang có 565 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website