Xác định địa danh Tiểu Tây Dương qua thư tịch Hán Nôm

20180813 Calcutta Mid 19th

Calcutta giữa thế kỷ XIX - Ảnh: Francis Frith - nguồn Old Indian Photos https://www.oldindianphotos.in

 

Do tình hình quốc tế và trong nước thay đổi, từ thế kỷ XIX, nhà Nguyễn mở rộng quan hệ thông thương và có chính sách ngoại giao với các nước trong khu vực, do đó các phái đoàn Việt Nam cũng thường xuyên đến các quốc gia Đông Nam Á. Một con số thống kê về những chuyến đi của quan chức triều Nguyễn tới khu vực Đông Nam Á những năm từ 1778 đến 1847 là: 11 chuyến đi Batavia, 2 chuyến đi Semarang, 6 chuyến đi Singapore, 2 chuyến đi Penang, 1 chuyến đi Malacca, 1 chuyến đi Johore, 2 chuyến đi Luzon và 2 chuyến đi Tiểu Tây Dương(1). Các địa danh như Tân Gia Ba (Singapore), Ma Lạp Giáp (Malacca), Tân Lang (Penang), Giang Lưu Ba (Batavia / Jakarta), Tam Ba Lăng (Semarang), Lã Tống (Luzon)... là những địa danh Đông Nam Á khá quen thuộc với chúng ta ngày nay. Nhưng Tiểu Tây Dương là đâu? Bài viết này nhằm hai mục tiêu chủ yếu: Một là xác định cụ thể về điểm đến các chuyến đi Tiểu Tây Dương của quan chức triều Nguyễn và hai là, giới thiệu về phong tục tập quán của người dân bản địa qua một số tư liệu Hán Nôm hiện còn như《西行見聞紀略》Tây hành kiến văn kỷ lược (THKVKL),《西行詩紀》Tây hành thi kỷ (THTK), 《西行詩略》Tây hành thi lược (THTL), Đông hành thi thuyết《東行詩說》(ĐHTT), Tây Dương chí lược (TDCL)(2)...

1. Tiểu Tây Dương là đâu ?

Tiểu Tây Dương tức là Ấn Độ Dương, như chú thích về các đảo ở Nam Dương trong sách 《瀛環志略》(Doanh hoàn chí lược) rằng 「印度海中國謂之小西洋」 “Ấn Độ hải, Trung Quốc vị chi Tiểu Tây Dương”(3) (Biển Ấn Độ, Trung Quốc gọi là Tiểu Tây Dương). Nhưng cụ thể Tiểu Tây Dương là địa danh nào? Nguyên chú bài thơ Tàn lạp văn ân mệnh hỷ tác 殘腊聞恩命喜作 trong tập THTLLý Văn Phức viết rằng「小西洋即紅毛國之明歌鎮地方」(4) “Tiểu Tây Dương tức Hồng Mao quốc chi Minh Ca trấn địa phương” (Tiểu Tây Dương tức là trấn Minh Ca của nước Hồng Mao). Trong mục Danh hiệu 名號 sách THKVKL, Lý Văn Phức giới thiệu về tên gọi trấn Minh Ca cũng là Mạnh Nha Lạp hay Vọng Cát Hà như sau: “Minh Ca là tên trấn (tiếng Phiên gọi là Mang Ca La, âm Đường gọi là Mạnh Nha Lạp, cũng gọi là Vọng Cát Hà)”. Lại như tác giả viết về quá trình trấn Minh Ca trở thành thuộc địa của nước Anh Cát Lợi: “Minh Ca là tên trấn. Đất này bằng phẳng rộng rãi, bốn phía xung quanh không có núi. Xưa vốn là đất cũ của nước Mạnh Nha Lý nhưng bị nước Mẫu Lỗ (tục gọi là Mô Đồ) chiếm cứ, sau người Hồng Mao dùng mưu chiếm lấy, trải đến nay đã 84 năm. Xứ này cửa hàng cửa hiệu mọc lên như rừng, tàu thuyền tụ hội đông như kiến... Xứng đáng là nơi đô hội lớn”.

Trong phần phụ lục sách THKVKL, tác giả giải thích rõ hơn về tên địa danh Mạnh Nha Lạp: “Mạnh Nha Lạp xưa là đất của nước Mạnh Nha Lý, nước ấy ở cạnh địa giới của nước Hồng Mao, cách đây 3 tháng đường đi. Đất này là một trấn cũ của nước ấy, từ khi bị nước Mô Đồ chiếm cứ đến nay đã hơn 400 năm, sau lại bị Hồng Mao chiếm nhưng vẫn còn lại cái tên Mạnh Nha Lạp và những phong tục của họ đến nay còn để lại”.

Tác giả sách TDCL cũng giải thích tương tự về quá trình trấn Minh Ca trở thành thuộc địa của nước Hồng Mao, nhưng có phân biệt giữa người Mô Đồ trắng với Mô Đồ đen rằng: “Trấn Minh Ca... xưa vốn là đất của người Mạnh Nha Lý và Mô Đồ đen nhưng bị người Mô Đồ trắng chiếm. Sau người Hồng Mao đến buôn bán thấy đất ấy rộng rãi bèn dùng mưu chiếm lấy, đến nay đã hơn 80 năm”(5). Lại như lời dẫn bài thơ Thực nhân quốc 食人國 trong tập THTK của Lý Văn Phức nói đến một đảo quốc trên đường thuyền đi đến bến Minh Ca: “đi khỏi Tân Lang hơn 10 ngày, phía bên phải đường thuyền có một nước tên là A Lê Mân ở trong hải đảo, không thuộc quản hạt của nước Hồng Mao”(6). Như vậy có thể xác định rằng, địa danh Tiểu Tây Dương hay trấn Minh Ca chính là thành phố Calcutta là thủ phủ bang Tây Bengal(7) của Ấn Độ ngày nay.

2. Người Mạnh Nha Lạp ở trấn Minh Ca

Những di phong chính hóa của người Mạnh Nha Lạp còn được lưu lại khá rõ nét qua những ghi chép của Lý Văn Phức. Như tác giả miêu tả về hình dáng con người: “Người nước ấy thân thể đen đúa, cắt tóc và không để râu, có người vẽ mặt, lại có người săm mình. Phụ nữ đều búi tóc giống như người Hoa vậy”(8). Hoặc như tác giả quan sát cảnh tượng người dân bản địa dốc lòng mộ đạo: “Hàng ngày khi chiều tà, họ cùng nhau ngồi hướng về phía mặt trời lặn mà vái lạy, miệng lầm rầm tụng niệm, dù là lúc đang đi thuyền hay đi trên đường cũng không quên buổi nào” “Khi tắm (ở dưới sông) thì nhất thiết phải uống nước ở nơi ấy, mỗi khi uống thì hơi cúi đầu vái lạy, miệng niệm lên một tiếng, cứ thế 3 lần”. Hoặc như tác giả tìm hiểu về tục lệ ăn kiêng của những tín đồ mộ đạo ấy: “Đồ ăn của họ tối kỵ thịt bò, thịt lợn. Trên đường ngộ nhỡ có người mang xách các loại thịt ấy thì tránh xa như gặp kẻ thù. Ngay trong bếp nhà mình mà có người ăn thịt trâu thịt bò vào nhà, thì dù là cơm canh, thức ăn, thức uống cùng nồi niêu bát đĩa đang nấu nướng dở cũng ném vất đi hết không chút thương tiếc, thậm chí đến bát đĩa gia dụng hàng ngày cũng không cho người khác động môi vào, đại để là sợ cái mùi thịt trâu thịt lợn nhiễm vào. Còn như các loại thịt dê, thịt vịt hay cá thì cũng phải tự tay mình nấu nướng mới dám ăn, nếu thức ăn được chế biến bởi tay người khác thì dù một mẩu nhỏ cũng không cho vào miệng”.(9)

Những tập tục của người Mạnh Nha Lạp như cách ăn uống không dùng đũa, cũng không dùng thìa, mà lại “ăn uống thì dùng tay để bốc”; hay tục nam nữ cùng tắm dưới sông của cư dân xứ nóng “hàng ngày lúc sáng sớm xuống sông tắm thành từng đám, cũng thường có phụ nữ tắm chung ở đó nhưng ai cũng có váy để che đậy mà không lõa lồ”; hay kiểu cách trang phục “quần áo chỉ quấn quanh người chứ không may, đầu thường đội khăn vải trắng mà không dùng mũ nón”... đều rất khác lạ. Nhưng tục lệ ăn trầu, lễ cưới xin, lễ tang ma, hay nghi lễ tiếp đón tân khách của họ có gì đó giống với người Việt ta. Như ghi chép của Lý Văn Phức về cách ăn trầu của người Mạnh Nha Lạp: “ăn trầu thì dùng hạt cau khô, quyệt vôi hòa vào, bên ngoài dùng 2, 3 lá trầu bọc lại(10). Giống như ghi chép của một người Anh về tục ăn trầu của người Việt xưa: “họ bổ cau thành những miếng nhỏ sau khi đã gọt lớp vỏ xanh và cứng bao quanh nó... Sau đó họ quyệt ‘chi nam’ (vôi) đựng trong một cái hộp lên lá trầu (...). Họ cuộn rất gọn gàng vào trong lá trầu đã quyệt sẵn chi nam một miếng cau rồi vê lại...”(11). Lễ cưới của người Mạnh Nha Lạp được Lý Văn Phức cảm nhận như những âm hưởng của niềm vui hạnh phúc ngập tràn: “tuy không được đầy đủ lắm nhưng vào ngày đón dâu thì trống nhạc vang vang tạo nên không khí trang nghiêm long trọng. Người đón rước thường vẫy cành hoa để tỏ sự chúc mừng vui vẻ, trông rất đẹp mắt”. Hoặc như tác giả quan sát cách biểu lộ tình cảm trong giao tiếp của người Mạnh Nha Lạp thể hiện sự lễ độ, chân tình: “mỗi khi gặp khách khứa hay trên đường gặp người quý trọng đều để tay ngang trán mà vái chào, rất là cung kính”. Lễ tang ma của người Mạnh Nha Lạp còn đậm tính bản địa Đông Nam Á “có người hỏa táng, có người thổ táng. Sau khi chôn cất thì hàng năm một lần đến mộ thăm viếng, không hề sơ khoáng trống trải”(12). Lý Văn Phức dường như tận mắt chứng kiến tục lệ hỏa táng của người dân bản địa, ông ghi lại bằng câu thơ buồn của kiếp nhân sinh

煙霧迷茫火骨城Yên vụ mê mang hỏa cốt thành,

蒼蒼未肯喪吾生Thương thương vị khẳng táng ngô sinh.(13)

(Khói mù mê man thành hỏa cốt,

Xanh kia chưa phải đã chôn vùi cuộc đời ta)

Và nguyên chú câu thơ có ghi rằng: “Họ đắp riêng một cái thành, khi người chết thì đưa vào để thiêu, hài cốt chồng chất không nỡ nhìn”.

Cũng như sách TDCL ghi chép một số phong tục trấn Minh Ca, tác giả chú ý quan sát về diện mạo và trang phục của người Mạnh Nha Lạp, như tục cạo tóc của nam giới: “lúc đầu để trọc, đợi khi tóc dài ra khoảng 1, 2 phân mới chỉnh sửa, hoặc cạo một đường ở giữa rộng khoảng 1 tấc từ đằng trước ra đằng sau và để lại tóc hai bên, hoặc cạo bên trái để lại tóc bên phải, hoặc cạo bên phải để lại tóc bên trái, hoặc cạo không đều nhau”; hay như mũ nón của dân xứ dừa: “mũ bằng lụa hoặc vải, màu sắc đủ loại hồng, trắng hay hoa văn, dụng ý làm hình dạng như nửa vỏ trái dừa vậy”(14). Lại như tục bôi đất và vẽ mặt của người dân bản địa: “sáng sớm lấy đất vàng bôi lên mặt, hoặc vẽ một nét từ giữa trán đến giữa sống mũi, hoặc 3, 4 nét hay 5, 6 nét ở hai bên gò má hoặc ở ngực, gọi là Phật pháp”; hay tục cầu nguyện lúc chiều tà của các tín đồ mộ đạo: “hoặc ở hai bên đường, hoặc ở bên sông, hoặc ở trên thuyền, tùy nơi hướng về phía mặt trời mà vái lạy, vẻ mặt họ rất là cung kính”. Cách trang điểm của phụ nữ Mạnh Nha Lạp cũng rất cầu kỳ với những chiếc khuyên tai có đính ngọc châu: “ở vành tai đều xuyên 3 lỗ, hai lỗ trên đeo chiếc khuyên đơn, còn lỗ dưới đeo chiếc khuyên bằng đồng thau đính kép có đeo những viên ngọc châu trang sức”(15)...

3. Người Mô Đồ ở trấn Minh Ca

Vị trí của nước Mô Đồ như Lý Văn Phức giới thiệu trong phần phụ lục sách THKVKL rằng “nước Mô Đồ (âm Đường gọi là Mẫu Lỗ) ở về thượng lưu của địa giới nước Hồng Mao, còn cách xứ Mạnh Nha Lạp 70 ngày đường thủy”. Sách TDCL xác định vị trí của trấn Minh Ca như sau: “Trấn Minh Ca phía đông tiếp với trấn Nhật Khê của nước Miến Điện, phía tây tiếp với trấn Ma Thất(16)(thuộc Hồng Mao), phía bắc tiếp với nước Mô Đồ trắng (từ lị sở Minh Ca đến đô thành nước ấy hành trình 70 ngày), phía nam đến biển”(17). Như vậy có thể xác định là, nước Mô Đồ ở về phía Bắc vùng tiểu lục địa Ấn Độ Bengal. Những ghi chép của Lý Văn Phức tuy không nhiều nhưng cũng phần nào giúp chúng ta hiểu biết về phong tục tập quán của người Mô Đồ xưa, có những tương đồng và khác biệt với người Mạnh Nha Lạp. Như tác giả miêu tả về diện mạo, trang phục, mũ nón của người Mô Đồ: “họ cũng là người da đen, cắt tóc nhưng không cạo râu, không xăm mình. Phụ nữ thì búi tó giống như người Mạnh Nha Lạp” “quần áo thì nửa quấn nửa may, đầu đội mũ làm bằng vải trắng giống như hình cái vung nồi”. Hoặc như về lễ tục, kiêng kỵ, tang ma hay cưới xin của họ “ăn uống chỉ kiêng thịt lợn, không kiêng thịt bò. Ngoài ra giống với người Mạnh Nha Lạp” “chỉ dùng thổ táng, hàng năm một lần đến thăm viếng như thường, hiếm khi dùng hỏa táng” “cưới xin hay tiếp đón tân khách đều giống như người Mạnh Nha Lạp”(18)...

Sách TDCL ghi chép về phong tục trấn Minh Ca trong đó tác giả giới thiệu về diện mạo, trang phục của người Mô Đồ như: “người Mô Đồ đen thì để tóc dài khoảng 1 tấc, rồi dùng một đoạn vải trắng khoảng 5, 6 thước quấn lại” “mặc áo ngắn vải trắng, ống tay hẹp, không mặc quần nhưng dùng một đoạn vải trắng khoảng 3, 4 thước quấn lại mà thôi”. Nhà ở, cách ăn uống hay tục ăn kiêng của người Mô Đồ cũng khác biệt: “nhà mái tranh thấp hẹp, không dùng giường phản mà dùng chiếu cỏ trải xuống đất để nằm ngồi” “không dùng đồ đựng hay đũa bát mà chỉ dùng lá chuối tiêu hoặc vải trắng đặt lên trên đất để nấu nướng, ăn cơm thì dùng tay để bốc” “kiêng không ăn các loại thịt trâu, lợn, dê. Nếu như lúc đang nấu nướng có người khác đạo vào nhà thì ném vất đi không tiếc, vì sợ cái mùi thịt nhiễm vào”. Lại như tác giả miêu tả về con vật linh thiêng của người Mô Đồ: “loài ác điểu như nhạn đen, diều hâu trắng, quạ và kền kền thổ dân gọi là vật thần không dám sát thương. Người Hồng Mao cũng cấm (nếu ai sát thương từ 1 con thì phạt tiền là 50 nguyên. Nay ở các nơi cửa hàng cửa hiệu loại chim này đậu rất nhiều, bên cạnh có người mà không thấy sợ hãi)(19)...

Theo tác giả Lý Văn Phức, người Mạnh Nha Lạp và người Mô Đồ đều là những tín đồ Phật giáo, rằng “lễ tục của họ rất sùng đạo Phật”. Trong bài thơ 抵明歌津次安舶Để Minh Ca tân thứ an bách (Đến bến Minh Ca đậu thuyền lại) tác giả viết:

欲問嬴輸前日事,

梵王天主已成鄰.

(Muốn hỏi việc được thua ngày trước,

Phạn vương và Thiên chúa nay đã thành hàng xóm)

Rồi ở dưới câu thơ ấy tác giả chú thích rằng: “người Mạnh Nha Lý và người Mô Đồ đều theo đạo Thích, không theo Gia Tô. Người Hồng Mao vẫn giữ nguyên phong tục của địa phương mà không cấm đoán, vì thế ở xứ ấy nhà thờ và chùa Phật thường xen kẽ lẫn nhau...”(20)

Tìm hiểu về những nền văn hóa trên thế giới ta thấy có một tôn giáo lớn của nền văn minh Ả Rập, đó là đạo Hồi. Những gì Lý Văn Phức viết về phong tục, tín ngưỡng của người bản địa Mạnh Nha Lạp hay Mô Đồ phải chăng mang những thành tố của đạo Hồi? Bởi theo truyền thuyết của Hồi giáo, thần Habun trong nhiều bộ lạc người Ả Rập được đồng nhất với thần mặt trời. Habun được thờ ở La Mêchca dưới tên gọi là thánh Ala; cầu nguyện của người Hồi giáo theo quy tắc là 5 lần một ngày (sau khi mặt trời mọc, buổi trưa, trước khi mặt trời lặn, sau khi mặt trời lặn và trước buổi đêm, trong đó có thể gộp hai lần đầu và hai lần cuối làm một); điều kiện bắt buộc để cầu nguyện là hướng mặt về La Mêchca; nghi lễ tẩy rửa, cầu nguyện bình thường có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào sạch sẽ, cùng nhau hay một mình... Hoặc như tín đồ Hồi giáo phải né tránh việc vi phạm những cấm đoán, trong đó cấm ăn thịt lợn; người hành hương phải mặc quần áo trắng đặc biệt và không được chải tóc, cạo râu để cầu nguyện cho thánh Ala...(21). Trong bài 呂宋風俗記Lã Tống phong tục ký (Bài ký về phong tục Lã Tống), Lý Văn Phức ghi chép về một số phong tục còn sót lại của người Lã Tống (Luzon là một đảo lớn ở Philippine) có gì đó tương tự như người Mô Đồ hay người Mạnh Nha Lạp vậy: “tục của họ đàn ông cắt tóc, đàn bà vấn tóc cài lược, quần áo chuộng màu trắng có vệt thêu, ăn uống dùng tay, không dùng thìa đũa”(22). Hoặc như nguyên chú bài thơ 端陽Đoan dương, tác giả viết về tục tế lễ ở bến sông của người bản địa Minh Ca: “Người da đen thờ Phật, ngày tết Đoan dương thì đến bến sông làm lễ tế gọi là tiết tắm Phật”. Như vậy phải chăng người Mạnh Nha Lạp và người Mô Đồ ở trấn Minh Ca là những tín đồ Hồi giáo và cả tín đồ Phật giáo?

Trên đây thông qua một số thư tịch Hán Nôm hiện còn, chúng tôi bước đầu xác định cụ thể điểm đến của các chuyến đi Tiểu Tây Dương của quan chức triều Nguyễn chính là thành phố Calcutta là thủ phủ bang Tây Bengal Ấn Độ ngày nay, khi ấy là thuộc địa của nước Anh Cát Lợi cũng gọi là nước Hồng Mao; cũng đồng thời giới thiệu về phong tục của người Mạnh Nha Lạp và người Mô Đồ ở trấn Minh Ca, trong đó phản ánh nhiều mặt quá khứ và hiện tại của đời sống con người bản địa: từ lịch sử, địa lý, diện mạo đến tôn giáo, tín ngưỡng, tập tục, lễ nghi, y phục, ẩm thực, kiêng kỵ, tang ma, cưới xin... Đây là cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo về xu thế giao lưu, hội nhập Việt Nam với Đông Nam Á và thế giới trong suốt thế kỷ XIX - XX.

 

Chú thích:

(1) Phan Huy Lê: Claudine Salmon & Tạ Trọng Hiệp dịch và giới thiệu, Phan Huy Chú, Hải trình chí lược, Cahier d’Archipel 25. 1994, tr.127.

(2) THKVKLTHTKTHTL của tác giả Lý Văn Phức (1785-1849) viết trong chuyến đi Tiểu Tây Dương năm 1830 và ĐHTT viết trong chuyến đi Luzon (Philippine) năm 1832. TDCL (khuyết danh) có niên đại muộn hơn.

(3) 徐繼畬﹕《瀛環志略南洋各島》,臺灣商務印書館。(Từ Kế Dư, Doanh hoàn chí lược. Nam Dương các đảo, Đài Loan Thương vụ Ấn thư quán.

(4)《西行詩略殘腊聞恩命喜作》(Tây hành thi lược. Tàn lạp văn ân mệnh hỷ tác), Viện Nghiên cứu Hán Nôm, VHv.1397.

(5)《西洋誌略明歌鎮》, (Tây dương chí lượcMinh Ca trấn), Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, AB.10.

(6) Andaman là những hòn đảo thuộc Ấn Độ ở vịnh Bengal.

(7) Bengal là một vùng tiểu lục địa Ấn Độ nằm giữa Ấn Độ và Bangladesh.

(8)《西行見聞紀略附錄孟牙啦、謨 、闍 風俗》(Tây hành kiến văn kỷ lược. Phụ lục Mạnh Nha Lạp, Mô Đồ, Xà Bà phong tục), Thư viện Viện Sử học, HV.505.

(9) Như chú thích trên.

(10) Như chú thích trên.

(11) William Dampier: Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, Hoàng Anh Tuấn dịch... Nxb. Thế giới, H. 2006, tr. 73.

(12) Như chú thích 8, tr.3.

(13)《西行詩紀回舵》, (Tây hành thi kỷHồi đà), Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, A.2550.

(14) Như chú thích 5, tr.3.

(15) Như chú thích trên.

(16) Madras là thành phố thủ phủ bang Tamil Nadu của Ấn Độ ở vịnh Bengal.

(17) Như chú thích 5, tr.3.

(18) Như chú thích 8, tr.3.

(19) Như chú thích 5, tr.3.

(20)《西行詩紀抵明歌津次安舶》, (Tây hành thi kỷĐể Minh Ca tân thứ an bách), Thư viện Nghiên cứu Viện Hán Nôm, A.2550.

(21) Nhiều tác giả, Các nền văn hóa thế giới, Tập I, Phương ĐôngArập, Nxb. Từ điển Bách khoa, H.2005.

(22)《東行詩說呂宋風俗記》, (Đông hành thi thuyết. Lã Tống phong tục ký), Thư viện Nghiên cứu Viện Hán Nôm, VHv.184.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tài liệu tiếng Việt

- Phan Huy Lê: Claudine Salmon & Tạ Trọng Hiệp dịch và giới thiệu, (1994), Phan Huy Chú - Hải trình chí lược, Cahier d’Archipel 25.

- Tên các nước, các địa danh trên thế giới, Quang Hùng chủ biên, (1996), Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.

- Nhiều tác giả, (2005), Các nền văn hóa thế giới, Tập I, Phương ĐôngArập, Nxb. Từ điển Bách khoa.

- William Dampier: Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, Hoàng Anh Tuấn dịch, Nxb. Thế giới, H. 2006.

- Thơ văn Lý Văn Phức, Nhiều tác giả, Thư viện Viện Văn học, DH.671.

2. Tài liệu chữ Hán, Nôm

李文馥﹕《西行見聞紀略》, Viện Sử học, HV.505.

李文馥﹕《西行詩紀, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, A.2550.

李文馥 :《西行詩略》, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, VHv.1397.

李文馥﹕《東行詩說》, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, VHv.184.

《西洋誌略》, Viện Nghiên cứu Viện Hán Nôm, AB.10

3. Tài liệu tiếng Trung Quốc

徐繼畬﹕《瀛環志略》,臺灣商務印書館。

Nguyễn Thị Ngân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.720-729, phiên bản trực tuyến ngày 03.11.2011.

Thông tin truy cập

63687695
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7987
23426
63687695

Thành viên trực tuyến

Đang có 1008 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website