Phương pháp nghiên cứu văn bản Hán Nôm qua tác phẩm Việt điện u linh tập

20201213 18

I. Đặt vấn đề

Tác phẩm thời trung đại của các quốc gia đều có tính đa dị bản. Ở Việt Nam, hiện tượng đó càng phổ biến hơn. Điều này được quyết định bởi hai nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Người trung đại chưa có ý thức bản quyền, họ coi việc sửa chữa văn bản là công việc bình thường trong khi sao chép, thưởng thức, nên đã “hồn nhiên” chọn từ, chọn nghĩa hay thay đổi chi tiết cho văn bản theo ý mình mà không cần trình bày lý do. Có thể nói, đây là thời kỳ mà tác phẩm không phải của một cá nhân và thời kỳ mà “quá trình sáng tác” đôi khi kéo dài đến mấy thế kỷ. Tham gia “quá trình sáng tác” đó gồm có những người biên tập, sao chép lại và đôi khi là chính những độc giả... Tác phẩm vẫn được tiếp tục sáng tác sau khi nó đã chào đời. Việc sáng tác phần lớn mang tính chất tập thể và sự sáng tác đó kéo dài hàng chục, hàng trăm năm.(1)

Thứ hai: Ở vào vùng khí hậu khắc nghiệt, lại luôn trong cảnh chiến tranh liên miên, nội chiến kéo dài, thư tịch nước ta có tỷ lệ được bảo tồn lâu dài rất thấp. Sau mỗi trận hỏa hoạn, lụt lội, binh đao…, việc phục chế lại chỉ được tiến hành bằng cách dựa vào phần sách còn sót lại, hoặc vào trí nhớ. Nếu may mắn gặp được những bản còn nguyên vẹn thì ý thích sửa chữa khá tùy tiện cũng khiến cho các cuốn sách hầu như không được sao lại một cách trung thành. Điều này đã làm cho tính thống nhất giữa các bản trở nên rất mong manh.

Những nguyên nhân trên đã dẫn tới sự đa dị bản của kho thư tịch trung đại nước ta. Trước tình hình đó, khi nghiên cứu văn bản thời kỳ này, công tác văn bản học có một vị trí vô cùng quan trọng. Để xác định được một bản đáng tin cậy, gần với gốc nhất, có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau. Dưới đây, chúng tôi xin trình bày một số cách khảo sát văn bản để tìm về một bản khả dĩ gần với nguyên tác hơn cả thông qua một tác phẩm cụ thể: Việt điện u linh tập 粵甸幽靈集 (VĐULT) của Lý Tế Xuyên 李濟川(thế kỷ XIV).

II. Điểm qua về văn bản VĐULT

Việt điện u linh tập(2) là tác phẩm văn học chức năng lễ nghi do Lý Tế Xuyên biên soạn, hoàn thành vào năm Khai Hựu開祐 nguyên niên 1329, thời Trần Hiến Tông 陳憲宗. Đây là cuốn thần tích ra đời sớm nhất mà ta còn lưu giữ được văn bản và có thể cũng chính là nền tảng cho người đời sau viết thần tích, thần phả.

VĐULT hiện được lưu trữ tại hai nguồn chủ yếu: Thư viện các viện nghiên cứu tại Việt Nam và thư viện nước ngoài. Cụ thể là, tại Việt Nam: 10 văn bản; tại Nhật Bản: 1 và tại Pháp: 2. Tổng cộng 13 văn bản, đều bằng chữ Hán:

1. Việt điện u linh A.1919

2. Việt điện u linh tập VHv.1503

3. Việt điện u linh tập A.751

4. Việt điện u linh tập HN.678. (Viện Văn học - trang đầu có dòng chữ Hán ghi rõ là được sao lại từ A.751 của Thư viện Khoa học xã hội(3) vào năm 1978)

5. Việt điện u linh tập lụcA.2879

6. Việt điện u linh tập lục VHv.1285/2

7. Việt điện u linh tập lục A.47

8. Việt điện u linh tập lục D-X-3-9 (tại Nhật Bản)

9. Việt điện u linh tập lục H.M.2119 (Bản ở Pháp, được chế bản lại trong Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san(4))

10. Việt điện u linh tập lục toàn biên VHv.1285/1

11. Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập A.335

12. Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập A.335 (tại Pháp, được chế bản lại trong Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san)

13. Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập HV.180 (Viện Sử học)

Trong 13 văn bản kể trên, thì 4 không được đưa vào diện khảo sát để tìm về bản có diện mạo gần gốc nhất. Đó là: HN.678 (vì chỉ là bản sao của A.751); 2 bản A.335 và HV.180 (vì đã biến đổi hoàn toàn so với gốc(5)). Như vậy, trong khi tìm về bản gần gốc nhất, sẽ còn 9 bản được nhắc đến là: . Việt điện u linh A.1919 (bản A); ‚. Việt điện u linh tập VHv.1503 (bản B); ƒ. Việt điện u linh tập A.751 (bản C); „. Việt điện u linh tập lụcA.2879 (bản D);…. Việt điện u linh tập lục VHv.1285/2 (bản E); †. Việt điện u linh tập lục A.47 (bản G); ‡. Việt điện u linh tập lục D-X-3-9 (bản H); ˆ. Việt điện u linh tập lục H.M.2119 (bản I); ‰. Việt điện u linh tập lục toàn biên VHv.1285/1 (bản K).

III. Phương pháp khảo sát văn bản áp dụng cho Việt điện u linh tập

Sau khi tìm hiểu tình hình văn bản, người viết thấy có thể dựa vào 8 tiêu chí sau đây để lựa chọn văn bản có diện mạo gần gốc nhất:

. Các ghi chép của người xưa về VĐULT;

‚. Nhan đề các thiên;

ƒ. Lời tựa của Lý Tế Xuyên;

„. Đặc trưng thể loại;

…. Tăng bổ của các tác giả đời sau;

†. Câu văn;

‡. So sánh các ghi chép trong văn bản;

ˆ. Cách dùng từ ngữ trong văn bản.

III.1. Các ghi chép của người xưa về VĐULT

Những ghi chép của người xưa về VĐULT giúp ta biết phần nào diện mạo ban đầu của tác phẩm, mà cụ thể ở đây là 2 vấn đề sau: . Mục đích biên soạn và tính chất tác phẩm; ‚. Số lượng các thiên.

III.1.1. Về mục đích biên soạn và tính chất của tác phẩm

Lý Tế Xuyên xác định việc soạn VĐULT là để ghi chép về những vị thần “thông minh chính trực... khí thế rừng rực lúc đương thời, anh linh tỏa rộng đến đời sau”(6). Trừ bản B viết quá vắn tắt, nên người đọc không thể nhận thấy điều này, các bản ACDEGHIK đều thể hiện được mục đích trên.

Mục đích biên soạn sẽ quy định tính chất của tác phẩm. VĐULT là một cuốn thần phả ghi chép lại hình tích các vị thần “công tích to lớn rõ rệt, cứu giúp sinh linh”(7). Trong 9 văn bản cần xét, trừ B, tính chất này nói chung được thể hiện đầy đủ và trung thành với mục đích biên soạn của tác giả. Bởi vậy, A, C, D, E, G, H, I, K là những bản có diện mạo gần gốc xét về mục đích biên soạn và tính chất tác phẩm.

III.1.2. Về số lượng các thiên

Điều này đã được ba công trình đề cập: ĐVTS và KVTL của Lê Quý Đôn (1726-1784), Lịch triều hiến chương loại chí (LTHCLC) của Phan Huy Chú (1782-1840). Tuy nhiên, ĐVTS không nhắc đến số thiên trong tác phẩm, chỉ nói chung chung rằng VĐULT có 1 quyển:越甸幽靈集一卷Việt điện u linh tập nhất quyển(8). KVTL thì chỉ đề cập 3 mục Đế vương lịch đạiNhân thần và Hạo khí linh tích, trong đó, mục thứ nhất có 8, mục thứ hai có 12(9), nhưng không cho biết số lượng ở mục thứ ba:陳開祐初奉御李濟川撰越甸幽靈集一卷,記諸神異祠廟,歷代帝王八,人臣十二,灝氣靈跡(10)- Trần Khai Hựu sơ, phụng ngự Lý Tế Xuyên soạn Việt điện u linh tập nhất quyển, ký chư thần dị từ miếu, Lịch đại đế vương bát, Nhân thần thập nhị, Hạo khí linh tích (Đầu niên hiệu Khai Hựu thời Trần, Phụng ngự Lý Tế Xuyên soạn Việt điện u linh tập một quyển ghi về các đền miếu thần dị, (gồm) Lịch đại đế vương tám; Nhân thần mười hai; Hạo khí linh tích). LTHCLC thì khẳng định: 陳時李濟川撰,記本國神祠靈異…歷代人君, 歷代人臣, 灝氣英靈, 凡二十八傳(11) - Trần thời Lý Tế Xuyên soạn, ký bản quốc thần từ linh dị... Lịch đại nhân quân, Lịch đại nhân thần, Hạo khí anh linh, phàm nhị thập bát truyện (Lý Tế Xuyên thời Trần soạn, ghi về sự linh dị của các đền thờ thần nước ta... Lịch đại nhân quânLịch đại nhân thầnHạo khí anh linh, tổng cộng 28 truyện).

Như vậy, theo tư liệu hiện còn, số lượng thiên của VĐULT chỉ được ghi đầy đủ trong LTHCLC. Do đó, chúng tôi tạm dựa vào con số do Phan Huy Chú đưa ra.

Để tìm hiểu xem bản nào gần với số thiên được nêu trong LTHCLC, chúng tôi đã lập một bảng tổng hợp về các thiên được cả 9 bản cùng chép như sau:

TT

Bản

Số thiên trong mục Lịch đại nhân quân Số thiên trong mục Lịch đại nhân thần Số thiên trong mục Hạo khí anh linh Tổng số
thiên
Ghi chú
1 A (A.1919) 6 11 10 27  

2

B (VHv.1503)

6 12 10 28 Riêng B tách thiên Trương Hống, Trương Hát thành 2, các bản khác gộp làm 1
3 (A.751) 6 11 10 27  
4 (A.2879) 6 11 10 27  
5 (VHv. 1285/2) 6 11 10 27  
6 G (A.47) 7 11 10 28 Riêng G, H, I tách hai thiên Triệu Việt Vương, Lý Nam đế thành 2, các bản khác gộp làm 1
7 (D-X-3-9) 7 11 10 28
8 I (H.M.2119) 7 11 10 28
9 K (VHv.1285/1) 6 11 10 27  

 

Trong số các thiên được cả 9 bản đều chép - những thiên nhiều khả năng là do chính Lý Tế Xuyên biên soạn từ đầu - có 4 bản BGHI khớp với con số do Phan Huy Chú đưa ra. Để xác định bản có diện mạo gần với nguyên tác nhất về số thiên, ngoài con số 28 thiên này, chúng tôi thấy còn cần phải tìm hiểu tổng số thiên của tất cả các bản, để xem bản nào có số thiên càng gần với con số 28, thì càng chứng tỏ chưa được bổ sung nhiều về sau này và sẽ là bản có diện mạo gần gốc nhất. Kết quả như sau:

 

T T Bản Phần chính văn Phần bổ sung Tổng số thiên
1 A (A.1919) 27 5 32
2 B (VHv.1503) 28 65 93
3 C (A.751) 27 8 35
4 D (A.2879) 27 6 33
5 E (VHv.1285/2) 27 7 34
6 G (A.47) 28 4 32
7 H (D-X-3-9) 28 4 32
8 I (H.M.2119) 28 4 32
9 K (VHv.1285/1) 27 9 36

 

Như vậy, ở tiêu chí thứ nhất: Các ghi chép của người xưa về VĐULT, 3 bản G, H và I có khả năng có diện mạo gần với nguyên tác hơn cả, vì nó đáp ứng được ba yếu tố:

. Giữ nguyên mục đích và tính chất ban đầu của tác phẩm

‚. Có số thiên ít nhất (32), mới chỉ kết thúc ở phần Tục bổ của Nguyễn Văn Chất (thế kỉ XV), không có những phần gia công sau đó;

ƒ. Số thiên ở phần Chính biên khớp với ghi chép của Phan Huy Chú: 28 thiên.

III.2. Nhan đề các thiên

Trong các văn bản được xét ở đây, không phải tên thiên nào tại Mục lục (ML) cũng đồng nhất với tên thiên trong chính văn (CV) và mỹ tự (MT). Sự khác biệt đó được chia làm 4 dạng: . nhiều âm tiết hơn; ‚. ít âm tiết hơn; ƒ. thay bằng tên húy hoặc đế hiệu; „. chép khác về tự dạng.

Khảo sát các bản VĐULT hiện còn, chúng tôi nhận thấy rằng, hầu hết các thiên trong đó đều được lấy tên theo MT - toàn bộ hoặc một phần - được phong. Những dạng tên khác (tên húy, đế hiệu, địa danh được thờ v.v...) khá hiếm gặp. Phần CV của Lý Tế Xuyên được chép trong 9 bản, trong đó, ABCDEK có 27 thiên; GHI có 28 thiên. Tên thiên tổng cộng xuất hiện 246 lần(12), trong đó, chỉ có 7 lần thay MT bằng đế hiệu (Triệu Việt Vương - Lý Nam Đế) và 3 lần thay bằng họ (Trưng thánh vương), tổng cộng 10/246 lần = 4%. Trong khi đó, ở các phần phát sinh về sau này là Tục biên và Trùng bổ, thì dạng tên thiên chính là MT không những không phổ biến như đối với phần CV, mà ngược lại còn trở thành hiện tượng cá biệt: Xét 37(13) lần xuất hiện tên thiên ở hai phần Tục biên và Trùng bổ trong 6 bản A, B, C, D, E, K, chỉ thấy 2 lần có dạng tên bằng MT. Đó là Quản Gia Đô Bác đại vương - bản A và Thanh Cẩm Tiết Nghĩa Trung Liệt tôn thần(14) - bản B, còn lại đều chép ở dạng khác như họ tên, địa danh đền thờ v.v., đưa tổng số tên không theo mô hình MT lên tới gần 94,6%. Điều này cho phép chúng ta đoán định rằng kiểu lấy MT làm nhan đề mỗi thiên là dạng ban đầu của VĐULT và rất có thể, thoạt tiên, các tên thiên đều mang đầy đủ toàn bộ MT của thần, nhưng về sau, để cho tiện, các MT chỉ được duy trì đầy đủ trong ba đợt sắc phong, còn ở phần CV và ML - nhất là ML - đã bị tỉnh lược một cách có ý thức, nhưng chẳng tuân theo một quy luật nghiêm nhặt nào. Điều này dẫn tới việc các văn bản đều có sự không thống nhất giữa tên thiên ở ML, tên thiên ở CV và tổng số MT được phong của thần. Sự sai khác ấy tuy có mức độ đậm nhạt khác nhau ở từng văn bản, nhưng có thể kết luận rằng, chẳng một bản nào sao chép nguyên văn tên thiên đúng như MT của các thần một cách tuyệt đối. Sau đây là tổng số lần giống nhau giữa tên thiên ở ML, tên thiên ở CV và MT trong các văn bản VĐULT. Trong đó,

a là tên thiên ở ML và tên thiên ở CV trùng với tổng số MT được phong.

b là tên thiên ở ML trùng với CV.

c là tên thiên ở ML trùng với tổng số MT được phong.

d là tên thiên ở CV trùng với tổng số MT được phong.

 

A (A.1919) C (A.751) D (A.2879) E (VHv.1285/2) G (A.47) H (D-X-3-9) I (H.M.2119) K (VHv.1285/1)
a b c d a b c d a b c d a b c d a b c d a b c d a b c d a b c d  
1 1 1 17 1 1 1 8 1 1 1 14 1 1 0 15 2 14 0 3 2 14 0 3 2 14 0 3 12 12 1 1  

 

Tổng cộng số lần giống nhau của a, b, c, d trong các bản, ta có kết quả sau:

Bản A C D E G H I K
Tổng số lần giống nhau 20 11 17 17 19 19 19 26

 

Bảng thống kê trên đã cho thấy K là bản có khả năng gần với gốc nhất.

III.3. Lời tựa

Lời tựa được Lý Tế Xuyên viết ra để nêu rõ mục đích biên soạn VĐULT. Vì vậy, dựa vào phần này, có thể biết được đâu là văn bản có diện mạo gần với gốc nhất qua việc xét xem chúng được sao chép cẩn thận hay không. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng cácLời tựa có xuất nhập nhất định, trừ GH và I ra, thì chẳng bản nào giống hoàn toàn với bản nào, nhưng nói chung, mọi khác biệt đó đều không làm sai lệch ý của tác giả hoặc khiến cho câu văn ở các bản trở nên khác nghĩa với nhau. Độ chênh lớn nhất về số chữ trong các bản nằm ở phần Lạc khoản. Tựu trung lại, có thể chia Lời tựa thành những loại sau:

. Loại ghi đủ cả năm, tháng, ngày, chức vụ và tên người biên soạn (A, G, H, I, K).

‚. Loại không ghi tháng (B).

ƒ. Loại không ghi tháng và ngày (C, E).

„. Loại không ghi tháng, chức vụ và tên người biên soạn (D).

Vậy đâu là Lời tựa gần với nguyên gốc hơn? Muốn xác định được điều này, cần trở lại tìm hiểu một chút về tác giả. Soạn giả của cuốn sách này là vị quan với chức vụ có lẽ khá quan trọng - "Thủ đại tạng thư Hỏa chính chưởng Trung phẩm phụng ngự An Tiêm lộ Chuyển vận sứ". Theo Lê Hữu Mục, thì Thư hỏa chính chưởng “là một chức phụng vụ vừa giữ sách vừa giữ lửa ở nơi đã để kinh Đại tạng”(15); còn theo Đinh Gia Khánh thì là “coi giữ việc tế lễ, tham gia vào việc quản giám bách thần”(16). Dù mang nghĩa nào đi nữa, thì người có được vị trí này hẳn phải tinh thông học vấn, được triều đình tín nhiệm, vì trong thời trung đại, tế lễ luôn là một trong những công việc được coi trọng hàng đầu của đất nước. Bởi vậy, khi Lý Tế Xuyên ghi lạc khoản, thì những yếu tố thuộc về công thức lần lượt là: năm - tháng - ngày - chức vụ - họ tên người viết phải được ghi rõ ràng, đầy đủ. Vì thế, theo chúng tôi, những bản có Lời tựa ghi đủ các yếu tố trên (AGHIK) sẽ thuộc loại có diện mạo gần với nguyên tác hơn cả.

III.4. Đặc trưng thể loại

Trong phần này, chúng tôi dựa vào đặc trưng loại hình văn học để khảo sát.

VĐULT là tác phẩm chức năng lễ nghi, chủ yếu thuộc về nghi lễ thờ thần ở đền miếu, tức là thứ mà Lê Quý Đôn gọi là "tự điển" - 祀典 (sách ghi chép về cúng tế)(17). Với đặc điểm đó, cấu trúc của tác phẩm sẽ thiên về ngợi ca, chỉ cốt làm nổi bật những linh hồn thiêng liêng (u linh). Tính chất này đã sinh ra các công thức sau đây:

- Là tự điển nên VĐULT phải quan tâm đến sự phong tặng mỹ tự. Việc đưa các đợt gia phong vào đây có hai ý nghĩa: thứ nhất là khẳng định uy quyền của vương triều, thứ hai là đảm bảo giá trị và tính xác thực, chính đáng của các vị thần được thờ. Bởi vậy, đó là một dấu hiệu cực kỳ quan trọng. Đây chính là nguyên nhân khiến cho tác giả đã lấy toàn bộ mỹ tự của các đợt phong làm tên thần và tên thiên thần tích. Từ đó, công thức a: Tên gọi mỗi thiên là mỹ tự của các thần được sắc phong (mà ở đây là mỹ tự được sắc phong trong 3 đợt: Trùng Hưng nguyên niên (1285), Trùng Hưng thứ 4 (1288), Hưng Long thứ 21 (1313) đã ra đời.

- Là tự điển, nên tác giả luôn muốn chứng minh tính xác thực của thần cũng như sự công nhận rộng rãi trong dân chúng về sự tồn tại của các vị. Bởi vậy, mở đầu mỗi thiên bao giờ cũng chỉ ra xuất xứ nguồn tài liệu tham khảo... Những thiên không có nguồn trích dẫn cụ thể thì ghi là thế truyền世傳: đời truyền rằng. Công thức b: Câu văn mở đầu thiên (按…王(公, 神) 本…): theo tài liệu nào đó, vương (công, thần) vốn là... do đó hình thành.

- Với tư cách một tác phẩm văn học chức năng lễ nghi, lý do để những vị thần đáng được triều đình phong tặng là vì có công âm phù. Bởi vậy, các thiên thường được kết thúc bằng việc sắc phong. Công thức c: Kết thúc mỗi thiên là 3 đợt gia phong của vua Trùng Hưng và Hưng Long đi cùng câu kết: 以有陰相(助, 扶) 之功也 - vì có công ngầm giúp vậy đã ra đời.

- Vì các nhân vật trong VĐULT là những thần linh thiêng nên khi ghi chép lại hình tích của các vị, tác giả thường nhấn mạnh đến sự hiển linh. Nhưng vì phần lớn trong số họ là nhân vật lịch sử có công với dân tộc, nên ngoài hiển linh, còn có một yếu tố khác cần đề cập tới. Đó là quãng đời bình sinh. Bởi vậy, công thức d: Kết cấu mỗi thiên về nhân thần thường theo hai phần: Khí thế rừng rực lúc đương thời, anh linh tỏa rộng đến đời sau (tức dương phù - âm trợ) đã xuất hiện(18).

Bốn công thức trên, theo chúng tôi, có thể tin là được hình thành từ khi Lý Tế Xuyên biên soạn VĐULT, bởi vì: văn học chức năng bao giờ cũng có những công thức nghiêm nhặt nhất định. Tuy nhiên, mức độ tuân thủ trong các văn bản là khác nhau; sự thực hiện mỗi công thức cũng không đồng nhất. Ví dụ như, dương phù âm trợ được miêu tả tương đối đầy đủ, nhưng xuất xứ tài liệu lại có thể bị bỏ qua... Đây hẳn là những “rơi rụng” xảy ra trong quá trình truyền bản bởi cả nguyên nhân chủ quan từ người sao chép, biên tập lẫn nguyên nhân khách quan của điều kiện văn bản. Có thể xác định được bản có diện mạo gần với nguyên tác nhất dựa trên sự tuân thủ công thức này.

Sau đây là bảng thống kê những bản đứng đầu về độ tuân thủ trong từng mục của tác phẩm:

 

Mục Công thức a Công thức b Công thức c Công thức d
Lịch đại nhân quân A A GHI ACDEGHIK
Lịch đại nhân thần DEK A DGHI ACDEGHIK
Hạo khí anh linh CDEK A E Không xét(19)

 

Bảng thống kê trên đã giúp chúng ta tìm được số lần đứng đầu trong việc thực hiện công thức của các bản của theo thứ tự từ nhiều đến ít như sau:

-A6 lần

-D, E5 lần

-GHI,K4 lần

-C3 lần

-B0 lần

Từ kết quả trên, A sẽ là bản gần gốc nhất nếu xét theo tiêu chuẩn thực hiện các công thức.

III.5. Tăng bổ của các tác giả đời sau

VĐULT được ra đời với tư cách là một cuốn sách chép thần tích, một tác phẩm mang chức năng lễ nghi. Trải qua thời gian gần 6 thế kỷ, tác phẩm đã không ngừng được các văn nhân thêm bớt, sửa chữa. Theo những ghi chép trong các văn bản còn lại, có thể thấy rằng, sau Lý Tế Xuyên, ít nhất, 8 văn nhân đã tham gia vào việc làm thay đổi văn bản. Trong đó, có 6 người mà công việc của họ còn để lại dấu vết rõ ràng trong văn bản. Đó là:

-Nguyễn Văn Chất thêm phần Tục bổ.

-Lê Tự Chi viết Càn Hải tứ vị thánh nương tịnh tự.

-Lê Thuần Phủ soạn Bạt.

-Gia Cát thị biên soạn lại tác phẩm.

-Cao Huy Diệu viết Tiếm bình, bổ chú.

-Ngô Giáp Đậu thêm Trùng bổ.

Với lý do đã nêu ở đầu bài viết, tác phẩm có sự gia công của Gia Cát thị sẽ không thuộc phạm vi nghiên cứu của bài viết này. Sau đây là bảng tổng kết các mục còn lại được bổ sung trong các văn bản:

 

Tục bổ Càn Hải tứ vị thánh nương Bạt Tiếm bình Trùng bổ
Không có Không có Không có Không có Không có
Không bản nào A B C D E G H I K B C D E G H I K A A G H I B C D E K A B G H I C D E K A G H I B C D E K

 

Tính số lần các văn bản có những yếu tố phát sinh sau thời đại Lý Tế Xuyên để xem đâu là văn bản có diện mạo gần với nguyên tác nhất. Chúng ta có được kết quả sau:

- 1 lần: GH và I (Tục bổ).

- 2 lần: A (Tục bổCàn Hải tứ vị thánh nương tịnh tự).

- 3 lần: B (Tục bổBạtTrùng bổ).

- 4 lần: CDEK (Tục bổBạtTiếm bìnhTrùng bổ).

Như vậy là, ở phần này, với sự xuất hiện các phần bổ sung thấp nhất, 3 bản G, H, I có khả năng là những bản có diện mạo gần với nguyên tác hơn cả.

III.6. Câu văn

Đặc điểm của câu văn cũng là một tiêu chí để xác định văn bản có diện mạo gần với nguyên tác.

Với tính chất văn học chức năng lễ nghi, ở giai đoạn đầu, thần tích thường là những câu mang tính chất thông báo sự kiện. Phần đối thoại, tả cảnh, tả tâm lý nhân vật cùng những lời văn bóng bảy chưa trở thành mục đích trong những tác phẩm loại này. Phải đến thời kỳ sau, khi những quy chế của văn học chức năng ngày càng trở nên lỏng lẻo, thì sự gia công nghệ thuật mới được thêm vào. Vì vậy, phân tích tính chất câu văn cũng là một phương pháp đi tìm văn bản có diện mạo gần với nguyên tác. Trong các đối tượng được xét ở đây, thì B có câu văn ngắn gọn hơn cả. Tuy nhiên, vì được viết quá tóm lược, chỉ quan tâm đến ba điểm chính: tên gọi, niên đại sống của thần và mỹ hiệu các triều phong tặng, nên rõ ràng văn bản này không phù hợp với mục đích biên soạn mà Lý Tế Xuyên đã thể hiện trong Lời tựa “nếu không ghi chép lại sự thực, thì màu đỏ và màu tía khó rõ ràng”(20) hoặc trong nhận xét của Lê Quý Đôn: “lời văn trang nghiêm, sự việc xác thực, tỏ ra tài của nhà sử học lành nghề”(21). Vì thế, có thể nhận ra rằng, diện mạo của bản gốc đã bị xóa bỏ hoàn toàn ở B. Bởi vậy, chúng tôi sẽ chỉ khảo sát 8 văn bản còn lại, bằng cách chọn ngẫu nhiên mỗi mục thuộc phần Chính văn của Lý Tế Xuyên khoảng 30% số thiên liền nhau. Cụ thể là: Lịch đại nhân quân 6 thiên, chọn 2; Lịch đại nhân thần 11 thiên, chọn 4; Hạo khí anh linh 10 thiên, chọn 3. Các câu văn được đưa vào để so sánh tuân thủ theo quy ước: chỉ đưa vào những đoạn mà giữa các bản có độ chênh từ 10 chữ trở lên. Do giới hạn của 1 bài viết, chúng tôi không thể trình bày bảng so sánh câu văn được(22), mà chỉ đưa ra toàn bộ số chữ trong những đoạn được thống kê ở từng văn bản:

 

Bản (A.1919) (A.751) D (A.2879)

E

(VHv.1285/ 2)

(A.47)

H

(D-X-3-9)

I

(SA.HM.2119)

(VHv.1285/1)
Tổng số chữ 327 1222 346 355 265 265 265 1222

 

Xếp thứ tự xa dần nguyên tác theo số lượng chữ, chúng ta được kết quả sau:

G, H, I265

A327

D346

E355

C, K1222

Ở tiêu chí này, xét theo tính chất câu văn, GH và I được chọn vào vị trí có khả năng diện mạo gần với nguyên tác nhất(23).

III.7. Ghi chép trong các văn bản

Trong 8 văn bản được xét, chúng tôi thấy:

. Tại các bản CEK, 4 lần xuất hiện 2 chữ “cựu tác 舊作” (bản cũ viết là...).

‚. Tại bản D, 1 lần xuất hiện chữ “cổ bản 古本” (bản cổ).

ƒ. Tại bản E, 1 lần xuất hiện chữ “chính bản 正本” (bản chính).

Đây là những chữ được người sao chép dùng để thông báo về một loại văn bản VĐULT ra đời trước bản mà mình đang chép. Điều đó cho ta biết họ đã từng làm công việc “khảo dị”. Thông báo “cựu tác”, “cổ bản”, “chính bản”, người sao chép đã công khai thừa nhận với độc giả văn bản của mình không phải là “cựu”, “cổ bản” hay “chính bản”. Đó là những tín hiệu giúp chúng ta loại trừ 4 văn bản CDEK. Vậy còn lại AGHI là những bản gần với diện mạo cổ hơn cả. Bây giờ, hãy xét từng trường hợp:

 



 

Chữ chứng tỏ không phải là bản cổ

舊作

古本 正本

 

Bản

C E K D E

 

Nội dung

舊作人君, 后妃附Cựu tác nhân quân, Hậu phi phụ - Bản cũ chép là Nhân quân, Hậu phi phụ (tờ 3a) 舊作人君Cựu tác nhân quân - (Bản) cũ chép là Nhân quân (tờ 2a) 舊作人臣Cựu tác Nhân thần - Bản cũ chép là Nhân thần (tờ 2a) 舊作人君, 附后妃Cựu tác Nhân quân, phụ Hậu phi - Bản cũ chép là Nhân quân, phụ Hậu phi (tờ 3a) 舊作人臣Cựu tác Nhân thần - Bản cũ chép là Nhân thần (tờ 3b) 趙越王舊作明道開基聖烈神武皇帝; 李南帝舊作英烈仁孝欽明聖武皇帝Triệu Việt vương cựu tác Minh Đạo Khai Cơ Thánh Liệt Thần Vũ hoàng đế; Lý Nam đế cựu tác Anh Liệt Nhân Hiếu Khâm Minh Thánh Vũ hoàng đế - Triệu Việt vương bản cũ chép là Minh Đạo Khai Cơ Thánh Liệt Thần Vũ hoàng đế; Lý Nam đế bản cũ chép là Anh Liệt Nhân Hiếu Khâm Minh Thánh Vũ hoàng đế (tờ 19b) 制勝二徵夫人舊作徵聖王Chế Thắng nhị Trưng phu nhân cựu tác Trưng Thánh vương - Chế Thắng nhị Trưng phu nhân bản cũ chép là Trưng Thánh vương (tờ 26a) 古本三十錄增附三錄今三十三錄Cổ bản tam thập lục tăng phụ tam lục kim tam thập tam lục - bản cổ 30 lục, tăng phụ thêm 3 lục. Nay là 33 lục (tờ 3b). 正本三十錄增補三錄Chính bản tam thập lục tăng bổ tam lục - bản chính 30 lục, tăng bổ 3 lục (tờ 3b)
Bản có dấu hiệu phù hợp với bản cổ A x x x   x        
G   x x x x x x    
H   x x x x x x    
I   x x x x x x    

Qua đây, chúng ta biết được 4 thông tin sau:

. Tên mục chép về vua, bản cổ là Lịch đại nhân quân, Hậu phi phụ (hoặc Phụ hậu phi);

‚. Tên mục chép về bề tôi, bản cổ là Lịch đại nhân thần;

ƒ. Nhan đề của thiên về Triệu Việt Vương và Lý Nam Đế, bản cổ là: Minh đạo Khai cơ Thánh liệt Thần vũ Hoàng đế, Anh liệt Nhân hiếu Khâm minh Thánh vũ Hoàng đế;

„. Nhan đề của thiên về Hai Bà Trưng, bản cổ là Trưng Thánh vương.

Trường hợp này, cả 4 bản AGH và I đều có thể coi là thuộc nhóm “cổ bản”, ”chính bản”, vì đều có những chữ phù hợp với phần khảo dị bản "cựu", "cổ", "chính". Tuy G, H, I có số lần phù hợp với chữ được khảo dị nhiều hơn A (6/4), nhưng đây không phải là điều quan trọng, vì sự nhiều hơn này chỉ chứng tỏ G, H, I được nhiều bản tham khảo hơn, chứ không có nghĩa là gần gốc hơn.

III.8. Việc dùng chữ trong văn bản

VĐULT được ra đời để phục vụ cho chức năng lễ nghi tôn giáo. Bởi vậy, thái độ tôn trọng các thần luôn là một trong những yêu cầu hàng đầu đối với người biên soạn thần tích. Sự tôn trọng được thể hiện qua nhiều cách, như viết đài, tránh tên húy, hay dùng các từ đặc biệt v.v... Trừ B, ở những văn bản còn lại, có một trường hợp cho thấy sự khác biệt về cách dùng chữ. Đó là đoạn nói về sự linh dị của Phùng Hưng tại thiên Bố Cái Phu Hựu Chương Tín Sùng Nghĩa đại vương:

 

Bản A C, DEK GHI
Nội dung 又初興卒能顯靈(Hựu sơ Hưng tốt năng hiển linh - Lại nói, xưa, Hưng chết có thể hiển linh) 興卒能顯靈(Sơ Hưng tốt năng hiển linh - Xưa, Hưng chết có thể hiển linh) 英靈顯赫(Sơ vương ký hoăng anh linh hiển hách - Xưa, vương đã mất, anh linh hiển hách)
       

Các chữ Hán được in to và đậm trong bảng này là những chữ thể hiện sự tôn trọng hay không đối với Bố Cái đại vương. Bảng thống kê cho thấy ACDE và K đều gọi thần bằng tên húy Hưng 興, riêng 3 bản GHI thì dùng chữ vương 王 để gọi. Ngoài ra, còn có hai chữ khác nhau về mức độ tôn trọng nữa là chữ tốt 卒 trong ACDEK và chữ hoăng 薨trong GHI. Hai chữ này được một số từ điển thông dụng và có uy tín giải thích như sau:

 

Khang Hi Từ nguyên Từ hải Hán ngữ đại tự điển

大夫死曰卒

Đại phu tử viết tốt - Bậc đại phu chết gọi là tốt(24)

公侯卒矣

Công hầutốt hĩ -Bậc công hầu chết(25)

Tử -chết (26)

周代天子死曰

崩諸侯曰薨

Chu đại thiên tử tử viết băng, chư hầu viết hoăng - Thời Chu, thiên tử chết gọi là băng, đại phu chết gọi là hoăng(27)

古指大夫死亡及年老壽終

Cổ chỉ đại phu tử vong cập niên lão thọ chung - Thời cổ chỉ bậc đại phu chết và người già chết thọ(28)

周代諸侯

死之稱

Chu đại chư hầu tử chi xưng - gọi bậc chư hầu đời Chu chết(29)

死亡

tử vong- tử vong(30)

周代諸侯死亡稱薨

Chu đại chư hầu tử vong xưng hoăng - Thời Chu, bậc chư hầu tử vong gọi là hoăng (31)

 

Có thể thấy rằng, cách giải thích về hai chữ tốt và hoăng trong 4 cuốn từ điển trên tuy không hoàn toàn giống nhau, nhưng có sự thống nhất về sự phân biệt sắc thái ngữ nghĩa: hoăng bao giờ cũng được dùng trong trường hợp trang trọng hơn tốt. Vậy là, với việc chứng tỏ thái độ tôn trọng qua kiêng tên húy và dùng từ đặc biệt để chỉ về thần, GHI đã trở thành những bản gần gốc hơn trong tiêu chí này.

Trở lên, quá trình tìm về một bản có khả năng có diện mạo gần với nguyên tác nhất đã được thực hiện qua 8 tiêu chí. Trong đó, mỗi tiêu chí đã chọn ra được bản đứng đầu như sau:

- Các ghi chép của người xưa về VĐULTG, H, I

- Nhan đề các thiên: K

- Lời tựa của Lý Tế Xuyên: AGH, I, K

- Đặc trưng thể loại: A

- Tăng bổ của các tác giả đời sau: G, H, I

- Câu văn: G, H, I

- Ghi chép trong các văn bản: A, G, H, I

- Việc dùng chữ trong văn bản: G, H, I

Xếp các bản có số lần đứng đầu tiêu chí từ theo thứ tự từ nhiều đến ít, ta sẽ có kết quả sau:

GHI6/8 lần (tiêu chí 1, 3, 5, 6, 7, 8)

A3/8 lần (tiêu chí 3, 4, 7)

K2/8 lần (tiêu chí 2, 3)

B, C, D, E0/8 lần

Như vậy, với số lần đứng đầu tiêu chí nhiều nhất, GH và I là những bản có khả năng mang diện mạo gần với nguyên tác hơn cả.

Tuy vậy, cũng phải nói thêm rằng, sự lựa chọn này cũng chỉ mang tính tương đối, vì tất cả các bản VĐULT hiện còn đều được sao lại vào thời Nguyễn(32), nên ngay đến văn bản được xếp vào loại có khả năng diện mạo gần với nguyên tác nhất cũng không thể tránh khỏi những yếu tố được thêm vào ở thời sau này và bản được cho là gần gốc nhất cũng không phải là tuyệt đối về mọi mặt so với các bản khác. Ví dụ như: ở nhiều chỗ, so với các bản GHI, thì A có những phần không được nguyên sơ bằng, nhưng về việc tuân thủ các công thức, thì A lại bảo lưu yếu tổ cổ hơn G.

Như vậy là, sau khi áp dụng một số phương pháp nghiên cứu văn bản, từ 8 bản VĐULT, chúng tôi đã chọn ra được 3 bản có khả năng gần với gốc nhất là A.47, D-X-3-9 và H.M.2119. Trên cơ sở đó, người viết sẽ tiếp tục nghiên cứu quá trình dịch chuyển của văn bản từ buổi đầu (thế kỷ XIV) đến đầu thế kỷ XX trong bài viết khác.

TS. Đào Phương Chi

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 6 (109) 2011, trang 10-23.

-----------

Chú thích:

(1) Lêkhaxep: Những nhiệm vụ của văn bản học. Nguyễn Đức Hân dịch. Bản đánh máy. Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VHN). DT.44.

(2) Tác phẩm này hiện có khá nhiều tên gọi, như: Việt điện u linhViệt điện u linh tậpViệt điện u linh tập lụcViệt điện u linh tập lục toàn biên v.v... Theo Đại Việt thông sử (ĐVTS) [A.1389, tờ 76a (VHN)] và Kiến văn tiểu lục (KVTL) [A.32, tờ 4a, VHN] của Lê Quý Đôn, những văn bản có ghi chép sớm nhất về tên gọi của tác phẩm này, thì sách có tên là Việt điện u linh tập. Bởi vậy, chúng tôi gọi theo Lê Quý Đôn. Những tên gọi khác sẽ chỉ được dùng trong trường hợp trích dẫn nguyên văn.

(3) Nay sách được giao cho VHN.

(4) 陳慶浩 , 鄭阿財 , 陳義主編 . 第二集 . 神話傳說類 . 臺灣學生書局印行 . 臺北 . 1992.

(5) Xin xem thêm Đào Phương Chi. Nghiên cứu văn bản VĐULT và quá trình dịch chuyển của văn bản. Luận án Tiến sỹ Ngữ văn, H. 2007. tr.57, 235-237.

(6) Lý Tế Xuyên: Việt điện u linh tập. Trịnh Đình Dư dịch, Đinh Gia Khánh hiệu đính và bổ sung, Nxb. Văn học, H. 1972, tr.31.

(7) VĐULT. Sđd (tr.31).

(8) 大越通史. A.1389, tờ 76a, VHN.

(9) Lê Quý Đôn không cho biết cụ thể đơn vị được tính ở đây là “thần” hay “thiên”, nhưng con số 8 và 12 được học giả họ Lê nêu lên ở mục Lịch đại nhân quân và Lịch đại nhân thần phù hợp với thống kê về số thần của chúng tôi (xin xem Đào Phương Chi, Luận án, đã dẫn, tr.58, 59).

(10) 見聞小錄.A.32, tờ 4a, VHN.

(11) 歷朝憲章類誌. A.1151, tờ 3b, VHN.

Trong kho sách của VHN hiện còn 14 văn bản LTHCLC: A.1551, A.50, A.1358, VHv.1502, A.2124, A.2061, VHv.181,VHv.1262, VHv.1541, VHv.982, VHv.983, A.1883, A.2445 và VHv.2666-2671 (1 bộ 6 ký hiệu). VĐULT được chép ở phần Văn tịch chíTruyện ký loại. Trong 14 văn bản trên, thì 6 bản không còn phần Văn tịch chí là: A.1358, A.2061,VHv.181, A.1883, A.2445 và VHv.2666-2671. 8 bản còn lại đều cho biết VĐULT có 28 thiên, riêng VHv.982 chép thiếu bốn chữ Lịch đại nhân quân, nhưng số thiên thì vẫn không thay đổi [tờ 68a].

(12) Số lần ở đây không kể ML, bởi bản có ML bản không.

(13) Nếu tính toàn bộ số thiên được xếp vào hai phần này thì sẽ có con số lớn hơn, nhưng chúng tôi chỉ xét những thiên có nhiều khả năng vốn nằm trong hai mục này, đó là 4 thiên trong Tục bổ và 4 trong Trùng bổ. Những thiên còn lại ở hai phần này sẽ bị loại vì được người sao chép ghép thêm vào (xin xem thêm: Đào Phương Chi. Luận án đã dẫn, tr.178-179).

(14) Thiên này tất cả các bản đều không chép các đợt phong, nên không biết được MT của thần là gì. Bốn chữ "Tiết Nghĩa Trung Liệt" phải chăng là MT của thần mà người sao chép đã tham khảo ở tài liệu nào đó rồi viết vào?

(15) Lý Tế Xuyên: Việt điện u linh tập. Lê Hữu Mục dịch. Nxb. Khai trí. Sài Gòn 1961, tr.17.

(16) Lý Tế Xuyên: Việt điện u linh tập. Trịnh Đình Dư dịch, Đinh Gia Khánh hiệu đính và bổ sung. Nxb. Văn học, H. 1972, tr.5.

(17) 黎貴敦. 見聞小綠. A.32, tờ 118a, VHN.

(18) 4 công thức này được kế thừa từ bài viết Tìm hiểu quan điểm biên soạn và phương pháp biên soạn VĐULT của Lý Tế Xuyên. Tạp chí Văn học, số 1/1986 của Nguyễn Đăng Na.

(19) Không xét đến công thức d vì các thần được chép đều là thiên thần, nên không thể có “khí thế rừng rực lúc đương thời” được.

(20) 李濟川. 粵甸幽靈集 A.47, VHN, tờ 3a.

(21) Lê Quý Đôn. KVTL. Bộ Quốc gia giáo dục. 1964.

(22) Xin tham khảo bảng so sánh cụ thể trong Luận án của tôi (tr.100, tr.106).

(23) Trong luận án của chúng tôi, cả A cũng được chọn vào nhóm gần nguyên tác, nhưng nay xin đưa A ra khỏi nhóm này, vì ở các tiêu chí trên, chỉ những bản có ưu thế tuyệt đối mới được chọn và trong tiêu chí này thì GHI mới là những bản có số chữ ít nhất. Hơn nữa, độ chênh về số chữ ở GHI và A còn lớn hơn nhiều so với độ chênh ở A với các bản DE, bởi vậy, xếp A và nhóm chung với GHI là không hợp lý.

(24) 康熙. 中華書局出版. 年 (tr.156).

(25) 康熙. 中華書局出版. 年 (tr.1062).

(26) 辭源. 商務印書館. 北京 (tr.225).

(27)辭源.商務印書館. 北京(tr.1479).

(28) 辭海.上海辭書出版社1989 年 (tr.401).

(29) 辭海.上海辭書出版社1989年 (tr.696).

(30) 漢語大辭典.四川辭書出版社.湖北辭書出版社. 成都 (tr.63).

(31) 漢語大辭典 . 四川辭書出版社. 湖北辭書出版社. 成都. (tr.3302).

(32) Sở dĩ chúng tôi nhận xét như vậy là bởi: trong số các bản VĐULT thì trừ BCDEK rõ ràng được chép vào thời Nguyễn, vì có phần Trùng bổ vào đầu thế kỷ XX của Ngô Giáp Đậu thì, sau khi tìm hiểu các bản còn lại là A và GHI, chúng tôi cũng cho rằng chúng là sản phẩm của giai đoạn này, vì bản A có kiêng húy chữ 時, húy của triều Tự Đức (1848-1884), còn bản GH và I thì có một chứng cứ là ở thiên thứ 21: Khai nguyên Uy hiển Long trứ Trung vũ đại vương có câu: “唐玄宗開元中廣州刺史盧奐奉命巡越南國時...” [粵甸幽靈集. A.47 (tờ 15a), D-X-3-9 (tờ 17a), SA.HM.2119, (tờ 35)] (Trong niên hiệu Khai Nguyên đời Đường Huyền Tông, khi Thứ sử Quảng Châu là Lư Hoán phụng mệnh thị sát nước Việt Nam...). Ở các bản khác, tên nước ta - Việt Nam “越南” - không hề xuất hiện, mà được ghi là Nam Giao - “南交”. Nước ta chỉ được đổi quốc hiệu thành Việt Nam năm Gia Long thứ 3 (1804). Vì vậy, có nhiều khả năng đây là bản được sao chép sau khi lệnh đổi quốc hiệu được ban ra. Và như thế thì, nó chỉ có thể ra đời sớm nhất vào thời Nguyễn./.

Thông tin truy cập

63679936
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
228
23426
63679936

Thành viên trực tuyến

Đang có 428 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website