Vua Lê Thái Tổ cho xây dựng Lam Kinh
Sau 10 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1428) đánh đuổi giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, đóng đô ở Đông Kinh (Thăng Long). Vua Thái Tổ niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất, cho xây dựng kinh thành Lam Kinh (Tây Kinh) ở đất tổ Lam Sơn. Rộng khoảng 30 ha, gồm những lăng phần, đền miếu và một hành cung của các vua nhà Hậu Lê mỗi lần về bái yết tổ tiên.
Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây Bắc, địa bàn thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Tác giả trước bia Vĩnh Lăng - Rùa thần cõng Bia thánh.
Cứ đến ngày 21, 22 tháng 8 âm lịch, nhân dân khắp nơi về Lam Kinh dự lễ tưởng niệm công đức anh hùng Lê Lợi. Dân gian có câu: “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”.
Vĩnh Lăng, lăng vua Lê Thái Tổ
Thành điện Lam Kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu, mặt Nam nhìn ra sông - núi Chúa làm tiền cảnh, bên tả rừng Phú Lâm, bên hữu núi Hương và núi Hàm Rồng phía Tây. Khu Hoàng thành, cung điện và Thái miếu xây dựng theo trục Nam - Bắc trên khoảng đồi gò hình chữ Vương. Bốn mặt thành dài 314m, ngang 254m.
Vĩnh Lăng đơn giản nhưng tôn nghiêm, tự nhiên và trang nhã. Được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng ở phía Nam chân núi Dầu gần sát điện Lam Kinh, thế đất rất đẹp. Lăng đắp đất hình lập phương, xung quanh xây chèn bằng đá đục ở bên ngoài. Trước lăng có hai hàng tượng quan hầu và các con giống tạc bằng đá.
Bia Vĩnh Lăng (Vĩnh Lăng Bi)
Rùa thần cõng Bia thánh. Bia dựng vào đầu thế kỷ XV (Thuận Thiên năm thứ 6). Bia và rùa được làm bằng đá trầm tích, màu xám xanh có lẫn đốm trắng, bóng, trên bề mặt rùa và bia còn nhìn thấy nhiều vỏ của các loài nhuyễn thể. Thật đặc biệt, sao mà đẹp quá. Tôi biết các văn bia khác đều bằng đá Thanh.
Lăng vua Lê Thái Tổ, đơn giản nhưng tôn nghiêm, tự nhiên và trang nhã. Ảnh: 2020
Rùa dài gần 4m, rộng độ 2m, trong tư thế đang bơi, đầu vươn cao, lưng nhô, lộ rõ 4 chân và 6 móng. Đuôi to vắt ngược lên lưng. Rùa đang cõng Bia. Bia hình chữ nhật, rộng chừng 2m, cao khoảng 3m. Mặt trước bia khắc khoảng 750 chữ Hán, nội dung văn bia viết chữ Chân, do Nguyễn Trãi soạn. Cô hướng dẫn thao thao giải thích từng chi tiết tôi không lưu tâm lắm, vì lòng lâng lâng với di vật thiêng liêng từ anh hùng áo vải đất Lam Sơn và công thần số một Nguyễn Trãi.
Trăm năm bia đá. Người hướng dẫn chỉ những dòng chữ Hán khắc ở mặt trước bia và nói trịnh trọng là Nguyễn Trãi soạn bia này. Người tôi run lên. Ôi cảm động vô vàn. Trước mắt tôi văn bia 750 chữ Hán do Đại phu nhập nội hành khiển Tam trị quân sư Nguyễn Trãi soạn. Các ngón tay tôi kính cẩn sờ lên các hàng chữ, lòng tôi dâng trào cảm xúc. Bậc danh thần công lao đệ nhất của người anh hùng áo vải Lê Lợi còn để dấu tích này sau họa sát thân nghiệt ngã oan uổng vì tội giết vua Lê Thái Tông. Các hàng chữ sao mà thiêng liêng.
Kỳ tuyệt văn bia. Nội dung văn bia do Nguyễn Trãi soạn ngắn gọn, cô đọng phản ánh đầy đủ thân thế, sự nghiệp công lao của vua Lê Thái Tổ. Hãy xem đoạn cuối văn bia:
“Những giặc bị bắt và những quân đầu hàng có đến 10 vạn người đều tha cho về cả, đường thủy thì cấp cho 500 thuyền, đường bộ thì cấp cho lương ăn và ngựa. Răn cấm quân sĩ (của ta) không được xâm phạm mảy may (đến quân giặc). Hai nước từ đây giao hảo, Bắc Nam vô sự. Mường Lễ và Ai Lao dẫn vào bản đồ, Chiêm Thành và Chân Lạp vượt biển đến cống.
Vua thức khuya dậy sớm 6 năm mà nước thịnh trị, đến nay băng.
Thuận Thiên năm thứ 6, Quí Sửu, tháng 10, ngày tốt.
Vinh Lộc Đại phu Nhập nội hành khiển tri tam quán sự, thần Nguyễn Trãi vâng soạn”.
(Trích Văn bia Vĩnh Lăng, Nguyễn Trãi toàn tập, NXB. Khoa Học Xã Hội)
Mặt trước Bia Vĩnh Lăng khắc khoảng 750 chữ Hán, nội dung văn bia viết chữ Chân, do Nguyễn Trãi soạn.
Tuổi học trò đầy ắp Nguyễn Trãi trong tôi. Còn nhớ thầy cho học một đoạn Gia huấn ca. Có thầy say sưa cho các trò nhỏ nghe Bình Ngô Đại Cáo (bản dịch Bùi Kỷ), thầy khác bắt tôi đọc lớn Văn bia này (bản dịch của Trần Trọng Kim) để cả lớp thấy cách gói gọn tài tình trong 750 chữ sự nghiệp lừng lẫy của Lê Thái Tổ. Lớn lên có lúc lại thưởng thức được bài Côn Sơn ca: “Côn Sơn có suối nước trong. Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm...”.
Tri ân đấng minh quân Lê Thánh Tông đã giải oan và xóa tội công thần Nguyễn Trãi.
Tri ân đấng Minh quân
Lê Thánh Tông (1442-1497), hoàng đế thứ năm của nhà Lê Sơ, trị vì 38 năm từ 1460. Ngày 30 tháng giêng Đinh Tỵ (1497) vua băng hà, được rước về Lam Kinh, an táng tại Chiêu Lăng.
Bia Chiêu Lăng được tạc dựng năm Mậu Ngọ (1498), đời vua Lê Hiến Tông rất gần lăng mộ, đi bộ là tới.
Rùa lớn đầu ngẩng cao, lưng cõng bia hình chữ nhật. Bia rùa nặng khoảng 13 tấn, bằng đá xanh nguyên khối. Bia khắc chữ Hán cả hai mặt. Mặt trước có 58 dòng với hơn 3.000 chữ do Đông Các đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn, tri ân vị hoàng đế lỗi lạc. Đặc biệt mặt sau bia có bài thơ của vua Lê Hiến Tông và 35 bài thơ của các văn thần, ca ngợi công đức của vua.
Lê Thái Tổ có công lập vương triều dài nhất lịch sử. Lê Thánh Tông cháu nội của người đưa đất nước cực thịnh, giai đoạn hoàng kim rực rỡ.
Rùa cõng bia. Thăm Văn miếu Quốc Tử Giám tôi dừng lâu nhất ở vườn bia tiến sĩ đủ 82 tấm bia. Các bia được dựng trong thời gian gần ba trăm năm đều bằng một loại đá Thanh (núi An Thạch, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Đá Thanh là đá vôi mịn, sắc óng ánh như ngọc lam, chất biếc xanh như khói nhạt. Vua Lê Thánh Tông cho ghi tên các tiến sĩ lên bia đá. Rùa là một trong tứ linh được chọn cõng bia.
Rùa thần cõng Bia thánh, thật là nhẹ nhàng phiêu phất. Thật thú vị, có dịp viếng Bảo tàng Rừng bia đá ở thành Tây An (Trường An xưa của Trung Quốc), tôi thấy các sách Tứ thư Ngũ kinh được khắc trên các tấm bia thật lớn được các con rùa lớn cõng. Bia và rùa đều bằng đá hoa cương. Bia khắc Hiếu Kinh do vua Đường Minh Hoàng viết theo kiểu chữ Vương Hi Chi đời Tùy, rồi cho nghệ nhân khắc chữ vào đá.
Rùa chở bia đá kinh sách đạo Nho tại Bảo tàng Rừng bia đá Tây An, Trung Quốc. Ảnh: 2009
Tôi thích xem cặn kẽ tên của các tiến sĩ, vui nhất là tìm ra các vị đã trở thành danh nhân trong suốt chiều dài lịch sử. Bia niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) ghi Ngô Sĩ Liên đỗ phụ bảng. Còn đi học tôi đã biết Ngô Sĩ Liên là đại sử gia. Bia ký niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478) thì thấy Triều liệt đại phu kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp kiêm Sử quan Tu soạn Tu thiện doãn Ngô Sĩ Liên. Lê Quý Đôn đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cấp đệ niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 thì soạn bài ký cho ba bia tiến sĩ niên hiệu Cảnh Hưng thứ 15, 24 và 30. Bao nhiêu điều tâm đắc không nói hết được.
Tôi đã đến thành phố Florence, ngất ngây trước tượng David khổng lồ trắng muốt được Michelangelo đẽo gọt từ tảng đá hoa cương khổng lồ mang từ mỏ đá Carraca miền Bắc nước Ý. Michelangelo thành nghệ sĩ điêu khắc số một của nhân loại. Nay đứng ngắm gác Khuê Văn lung linh soi bóng nước giếng Thiên Quang, tôi bồi hồi, nghẹn ngào và đầy tự hào.
Quần thể bia tiến sĩ này là công trình nghệ thuật văn học đạo học thật tuyệt vời. Tám mươi hai bia là tổng hợp nghệ thuật điêu khắc qua nhiều thời kỳ. Đá Thanh là đá vôi mịn, sắc óng ánh như ngọc lam, chất biếc xanh như khói nhạt. Thợ khắc bia nổi tiếng là thợ đá xã Kính Chủ, thợ khắc chữ ở hai làng Hồng Lạc, Liễu Chàng, gốc tỉnh Hải Dương. Phải chọn người viết chữ đẹp nhất.
Tôi đã sờ vào đá hoa cương và chữ khắc ở rừng bia đá Tây An, tôi càng thích lần theo các nét khắc rồng khắc chữ, sờ đi sờ lại các bia tiến sĩ và rùa trong Quốc Tử Giám. Một tấm bia cũng là công trình của bao nghệ sĩ, chứa nội dung văn học, đạo lý vô cùng quý báu. Văn miếu Quốc Tử Giám lại có cả một vườn bia.
Rùa thần cõng bia Thánh tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: 2009
Sông Chu núi Mục
Trên đường về chúng tôi dừng nhanh trên cầu Mục Sơn bắc qua sông Chu, một nhánh của sông Mã. Cảnh trí thật hữu tình. Đã ghi lại có nhiều truyền thuyết.
Long thần ban gươm Thuận Thiên. Nhìn sang phía hữu ngạn sông Chu là núi Mục, hình dáng giống như một con cóc khổng lồ. Mục Sơn là quê của Lê Thận, em kết nghĩa của Lê Lợi, có lần thả lưới trên sông bắt được thanh gươm có đề hai chữ “Thuận Thiên”, ứng với điềm trời trao phó sứ mệnh phất cờ khởi nghĩa cho Lê Lợi.
Chuyện về Lê Lai. Dưới chân núi Mục còn có bia Lê Lai dựng năm 1850, ghi lại việc Lê Lai liều mình cứu Lê Lợi trong trận Chí Linh, lãnh tụ thứ hai của nghĩa quân, một trong số mười tám người ở Hội thề Lũng Nhai, đổi áo bào, liều mình cứu chúa.
Truyền thuyết
Trả lại gươm vàng. Lê Thái Tổ cùng quần thần bơi thuyền ra Hồ Tả Vọng, thấy rùa nổi lên mặt nước. Vua thấy lưỡi gươm bên người tự nhiên động đậy. Vua nâng gươm hướng về phía Rùa vàng. Rùa há miệng đớp lấy thanh gươm và lặn xuống nước.
Vua phán: “Đức Long Quân cho ta mượn thanh gươm diệt trừ giặc Minh, nay Rùa vàng lên lấy lại”.
Từ đó, Hồ Tả Vọng mang tên Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm.
(Theo Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam – Nhà xuất bản Văn Học).
Nhớ tích Cồn Kiếm. Nhân dân địa phương đã lập đền Kiếp Bạc thờ Đức Thánh Trần. Phía trước là Lục Đầu Giang. Có một bãi đất nhỏ trên sông chắc là Cồn Kiếm. Nghe kể sau khi toàn thắng quân Nguyên, Hưng Đạo Vương ném thanh kiếm của mình xuống dòng Lục Đầu để rửa sạch máu quân thù. Từ đó Cồn Kiếm mọc lên.
***
Gần tuổi tám mươi thật là dịp may rong ruổi được thăm viếng Lam Kinh chiêm ngưỡng Bia thánh Rùa thần. Mong có dịp thăm lại, để được bái vọng bia mộ Vĩnh Linh, Chiêu Linh, viếng đền thờ Lê Lai, dự giỗ “hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”.
Bài và ảnh: Nguyễn Chấn Hùng - Trần Kim Liên
Nguồn: Người đô thị, ngày 28.02.2021.