Năm 2016, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu Thế giới
1. Giới thiệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế
Vùng đất Huế vốn có lịch sử lâu đời và là nơi giao thoa, hội tụ của nhiều luồng văn hóa, văn minh, mà nổi bật là văn minh Nho giáo từ phương bắc xuống, văn minh Phật giáo từ phương nam lên, kết hợp với các yếu tố bản địa Đông Nam Á... Từ năm 1636, Huế đã được lựa chọn để xây dựng làm thủ phủ - kinh đô của Đàng Trong, và từ đó dần dần trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị mới ở phía nam Đại Việt. Cho đến giữa thế kỷ XVIII, Huế đã trở thành kinh đô nổi tiếng phồn hoa đô hội của vương quốc Đàng Trong với một hệ thống công trình kiến trúc gỗ phong phú. Tuy nhiên, phải đến đầu thế kỷ XIX, sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước, xây dựng Huế trở thành kinh đô của nước Việt Nam độc lập, việc quy hoạch và xây dựng kinh đô Huế mới trở nên hoàn chỉnh. Việc xây dựng các công trình kiến trúc tại kinh đô Huế diễn ra chủ yếu dưới thời hai vị hoàng đế đầu triều là Gia Long (1802-1820) và Minh Mạng (1820-1841), sau đó được hoàn chỉnh dưới thời Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883). Đây là thời kỳ của các công trình kiến trúc sử dụng các loại vật liệu truyền thống như gạch, ngói, gỗ, trong đó chủ yếu là kiến trúc gỗ. Nhưng từ thời Đồng Khánh (1886-1889) trở đi, Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn minh phương Tây, trong hệ thống kiến trúc cung đình cũng xuất hiện một loại hình kiến trúc mới, sử dụng vật liệu bê-tông, sắt thép và trang trí chủ yếu bằng đắp nổi sành sứ. Chính vì vậy, bên cạnh hệ thống kiến trúc gỗ chiếm số lượng chủ yếu, trong kiến trúc cung đình Huế còn có các công trình kiến trúc xây dựng bằng vật liệu cứng theo phong cách kiến trúc tân-cổ điển, đặc biệt là ở thời kỳ hai vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn là Khải Định (1916-1925) và Bảo Đại (1925-1945). Có thể nói, kinh đô Huế thời Nguyễn là sự tích hợp và phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc truyền thống Việt Nam với một quy hoạch hoàn chỉnh và một hệ thống công trình kiến trúc đồ sộ, bao gồm thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, chùa quán... được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, tuyệt đẹp với sông Hương, núi Ngự, đồi Vọng Cảnh, phá Tam Giang...
2. Quá trình xây dựng hồ sơ di sản và một số kinh nghiệm
2.1.Quá trình thực hiện hồ sơ di sản
Sau khi tìm hiểu, xem xét các tiêu chí của UNESCO về việc vinh danh các di sản mang tầm nhân loại, chính quyền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và những người làm công tác nghiên cứu bảo tồn di sản nhận thấy Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế có khả năng đáp ứng được các tiêu chí đặt ra, đồng thuận đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (1802-1945) theo mẫu đăng ký đệ trình Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP).
Để hoàn thiện được bộ Hồ sơ theo tiêu chí của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) thuộc UNESCO, việc tổ chức kiểm kê di sản là nhiệm vụ bắt buộc đối với các chủ thể văn hóa. Từ tháng 2/2013, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai công tác khảo sát, chụp hình, số hóa, dịch thuật tất cả các thơ văn ở các di tích trên kiến trúc cung đình Huế. Với sự vào cuộc của các cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên ngành cùng với sự phối hợp nhiệt tình của các ban ngành liên quan, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu nên nội dung và số lượng thơ văn trên di tích đã được thống kê và phân loại đầy đủ, các thủ tục hành chính, pháp lý về hồ sơ, tư liệu kiểm kê, lấy ý kiến đồng thuận của cộng đồng được hoàn thành trong tháng 11/2014.
Song song với việc thống kê thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, nhiều nội dung quan trọng khác của hồ sơ cũng được khẩn trương triển khai như: Tiến hành công tác điền dã, chụp ảnh, đối chiếu thơ văn trên kiến trúc cung đình với thơ văn Ngự chế để tìm ra tác giả của những bài thơ trên kiến trúc cung đình, xây dựng phim tư liệu về di sản (với thời lượng 50 phút và 10 phút); sưu tầm, nghiên cứu, tập hợp tư liệu, viết và hoàn thiện bản viết hồ sơ; xây dựng chương trình hành động... Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được các cán bộ nghiên cứu lịch sử văn hóa quan tâm nghiên cứu từ lâu, nhưng tập trung nhất phải được đánh dấu bằng mốc thời gian tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học đề cử. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo (bao gồm Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản Văn hóa, Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế…), với tinh thần trách nhiệm cao, khẩn trương của Ban Xây dựng hồ sơ, sự vào cuộc nhiệt tình, hiệu quả của các cấp, các ngành, các địa phương liên quan, chỉ trong thời gian ngắn, bộ hồ sơ đã được hoàn thành trước ngày 15/10/2015 theo yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trước khi trình Hội đồng Di sản Quốc gia và Thủ tướng Chính phủ để chuyển tới Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) thuộc UNESCO, Hồ sơ được nhiều lần tổ chức tọa đàm, trao đổi để lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà chuyên môn, các nhà lãnh đạo, quản lý, các cơ quan liên quan ở trung ương và địa phương.
Tuy quỹ thời gian làm hồ sơ rất eo hẹp nhưng bù lại chúng tôi đã nhiều năm quan tâm và trực tiếp tham gia điều tra, kiểm kê, mã hóa, số hóa, phiên âm - dịch nghĩa (một số tác phẩm thơ văn) cũng như công bố một số bài nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành, báo chí… cho nên vẫn có nhiều thuận lợi. Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc đó là vận dụng kiến thức để viết hồ sơ theo mẫu quy định của tổ chức Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) thuộc UNESCO. Đây là công việc đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và kiến thức thực tế.
Bản thảo bộ hồ sơ tiếng Việt được hoàn thành lần 1 vào ngày 30/3/2015. Sau đó, chúng tôi đã nhờ các chuyên gia, các giáo sư đầu ngành ở Trung ương (Viện Văn hóa Nghệ thuật, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trường Đại học KHXH & NV thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội…) xem lại, biên tập và bổ sung. Đến ngày 24/4/2015, bản thảo tiếng Việt được chỉnh sửa lần thứ 6 hoàn thành. Sau Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”, đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học tiếp tục bổ sung chỉnh sửa hồ sơ với sự đóng góp của các chuyên gia quốc tế và chuyên gia đầu ngành của Việt Nam, và một lần nữa hồ sơ được chỉnh sửa một cách hoàn hảo nhất và chuyển dịch sang tiếng Anh để hoàn thiện vào ngày 25/9/2015. Việc dịch thuật hồ sơ Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế ra tiếng Anh cũng là một vấn đề khá phức tạp, vì hồ sơ sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành, nhiều từ khó giải thích, cho nên ngay cả nhiều chuyên gia tiếng Anh cũng khó chuyển ngữ chuẩn xác; bên cạnh đó, thời gian dành cho công việc này cũng khá hạn chế, dẫu vậy, công việc vẫn hoàn thành đúng hạn. Bản dịch tiếng Anh cuối cùng của hồ sơ nhận được sự biên tập trực tiếp của TS.Trương Bạch Lê và ThS. Đặng Ngọc Hiếu (Trường Đại học Ngoại ngữ Huế).
2.2. Một vài kinh nghiệm xây dựng hồ sơ di sản tư liệu
Kinh nghiệm đầu tiên từ việc xây dựng hồ sơ của Huế là cần nắm chắc để làm rõ các tiêu chí mà di sản đề cử phải đáp ứng được, đặc biệt là tính độc đáo và tính quốc tế của di sản ấy.
Qua đợt khảo sát thực tế tại cố đô Huế, ngài Rujaya Abhakorn (người Thái Lan), Đại sứ thiện chí, thành viên Hội đồng, Giám đốc Tổ chức văn hóa, giáo dục, khảo cổ học, nghệ thuật của ASEAN có đặt ra những vấn đề ông băn khoăn và đề nghị đơn vị đề cử cần bổ sung giải trình trước khi đệ trình hồ sơ. Trong đó, ngài đặc biệt quan tâm đến hai vấn đề lớn: Thứ nhất là ảnh hưởng của Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế ra nước ngoài, hay nói cách khác là tính quốc tế của di sản này được lan tỏa như thế nào; và thứ hai là vấn đề liên quan đến tính độc đáo, tính xác thực và tính duy nhất của di sản thơ văn này. Hai vấn đề ngài Rujaya Abhakorn nêu lên, thực chất trong hồ sơ đã có đề cập nhưng chưa rõ, chưa có số liệu xác thực để chứng minh thuyết phục hơn, vì vậy chúng tôi buộc phải tập trung nghiên cứu, và nhờ chuyên gia hỗ trợ để hồ sơ đầy đủ hơn, làm rõ được các tiêu chí mà di sản được đề cử cần đáp ứng.
Một vấn đề khác về việc lập hồ sơ, theo đánh giá của lãnh đạo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, thì những hạn chế lớn của Việt Nam trong việc xây dựng và đệ trình hồ sơ ở chỗ các hồ sơ chưa nhấn mạnh, khai thác, nêu bật được các tiêu chí có tính chất đặc thù riêng của tài liệu lưu trữ. Bên cạnh đó, cách làm của chúng ta còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa có hội đồng tư vấn để tập trung các nhà khoa học, các chuyên gia, do đó mỗi lần xây dựng hay sửa chữa hồ sơ thì phải đưa hồ sơ đến để tham khảo từng nhà khoa học, chuyên gia. Khi có Hội đồng tư vấn, việc phân tích, đánh giá các bộ hồ sơ sẽ tốt hơn. Trong khi các di sản đang ngày một xuống cấp và chưa được xã hội đánh giá đúng giá trị của nó, với những kinh nghiệm xây dựng, đệ trình hồ sơ đề cử được các đại biểu trong nước và quốc tế chia sẻ, các tổ chức, cá nhân sẽ hiểu rõ hơn về giá trị của tư liệu để cùng chương trình MOW của Việt Nam xây dựng bộ hồ sơ theo các cấp khác nhau từ khu vực đến thế giới một cách hệ thống, đáp ứng đúng tiêu chí của UNESCO.
Nhìn nhận lại những thuận lợi, khó khăn trong quá trình lập hồ sơ về “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” trình Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) để rút ra các bài học kinh nghiệm cũng không hề đơn giản do tính đặc thù của di sản này. Những dạng di sản tư liệu tương tự như vậy chưa hề có ở Việt nam, và có lẽ trên phạm vi toàn thế giới. Hơn nữa, thơ văn được khắc, chạm, vẽ, đắp trên liên ba, đố bản, bờ nóc, bờ quyết công trình, đa số là ở những vị trí không mấy thuận tiện cho người tiếp xúc trực tiếp; thêm nữa, số người có khả năng nghiên cứu chuyên sâu về tài liệu “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” thì lại rất ít. Bản thân Trung tâm BTDTCĐ Huế cũng có không nhiều người biết chữ Hán Nôm, và chỉ có rất ít người có khả năng nghiên cứu chuyên sâu về loại hình tư liệu đặc thù này trong khi khối lượng tài liệu thơ văn lại rất lớn với gần 3.000 đơn vị, phân bố trên nhiều vị trí khác nhau của công trình di tích. Việc thuyết minh làm toát lên giá trị khối tài liệu này bằng tiếng Việt đã khó, nay phải phiên âm, dịch nghĩa, chuyển tải những thông tin này sang tiếng Anh chuyên ngành lại càng khó hơn.
Theo ông Raymond Edmondson, Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tài liệu lưu trữ cần có rất nhiều tiêu chí về thời gian, địa điểm, con người, tầm ảnh hưởng, giá trị của bộ tài liệu… Tài liệu này phải được xác nhận có đáp ứng đầy đủ tất cả các tiêu chí đó thì hồ sơ tham gia mới đạt được yêu cầu của chương trình.
Qua tài liệu của 2 đợt Hội thảo - Tập huấn quốc tế “Chia sẻ kinh nghiệm tham gia chương trình MOW của UNESCO” được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức tại Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh, các đại biểu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và các báo cáo viên của Việt Nam đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm liên quan đến việc triển khai chương trình MOW ở Việt Nam, việc xây dựng hồ sơ và đệ trình hồ sơ đề cử danh mục Di sản tư liệu thế giới… Đây là dịp tạo cơ hội cho cán bộ công tác tại các cơ quan lưu trữ, thư viện, bảo tàng, các cơ sở văn hóa khác có cơ hội lắng nghe và chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia trong nước và quốc tế về chương trình MOW, đồng thời được hướng dẫn kỹ năng xây dựng hồ sơ đề cử danh mục Di sản tư liệu cấp khu vực và quốc tế cho những tư liệu có giá trị của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
3. Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế
Ngay sau khi Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm đã nỗ lực quảng bá, giới thiệu giá trị di sản tư liệu quý hiếm và độc đáo đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước trên các phương tiện truyền thông và thông tin đại chúng, in ấn brochure và xuất bản sách để làm quà tặng… Trung tâm cũng tìm cách phát huy giá trị thơ văn thông qua việc đổi mới và mở rộng các hình thức quảng bá, tuyên truyền nhằm giới thiệu đến với công chúng trong nước và ngoài nước tiếp cận, hiểu được giá trị nội dung, ý nghĩa của nguồn tài liệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa, phong tục… đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam về vai trò của công tác lưu trữ, giá trị của tư liệu lưu trữ thông qua các khối lượng tư liệu lưu trữ của triều Nguyễn đã được công nhận như Mộc bản, Châu bản…
Đối với công tác trùng tu công trình di tích, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch và định hướng bảo quản an toàn thơ văn trên các liên ba, đố bản bờ nóc, hạn chế sự hư hỏng của tài liệu nhằm gìn giữ nguồn tư liệu được bền lâu và nguyên vẹn. Bên cạnh đó, tập trung khảo sát đánh giá hiện trạng thơ văn chạm khắc, khảm, cẩn, tráng men… trên cấu kiện gỗ, bê-tông, pháp lam; tiếp tục nghiên cứu phục hồi kỹ thuật pháp lam truyền thống, kỹ thuật chạm, khảm để phục hồi các bài thơ, các chữ đã mất trên các liên ba, các ô cổ diềm của các di tích; tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học nhằm tập hợp các ý kiến của các nhà quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu văn hóa Hán Nôm liên quan đến việc bảo tồn và phát huy những giá trị thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; đẩy mạnh công tác triển khai áp dụng công nghệ số để bảo tồn di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế…
Dưới đây là một số nội dung cụ thể:
3.1. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, làm nổi bật giá trị to lớn, đa dạng của di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và đưa những giá trị đó đến cộng đồng
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một hệ thống văn tự chữ Hán sáng tác dưới dạng các bài văn thơ được chạm cẩn chủ yếu trên các liên ba đố bản hoặc vách ván, những bản gốc duy nhất hiện còn ở công trình kiến trúc thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế giai đoạn 1802-1945, cũng như ở Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu, khối lượng thơ văn này là một di sản tư liệu chân xác, hàm chứa nhiều nội dung có giá trị, được lưu giữ thông qua những tác phẩm nghệ thuật mà chưa thấy di tích nào trên thế giới có và thơ văn này được trình bày theo lối "nhất thi nhất họa" và “nhất tự nhất họa” gần như trở thành một lề lối phép tắc quy chuẩn của triều đình Nguyễn. Các tác phẩm này là sự kết tinh của nhiều yếu tố khác nhau, từ mỹ thuật, kỹ xảo trang trí, thư pháp, nghệ nhân nghề mộc cổ truyền cung đình tạo nên một phong cách mang đậm truyền thống của riêng Huế - Việt Nam.
Với những giá trị độc đáo và quý hiếm đó, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế sau khi được công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã công bố giá trị nội dung di sản của thơ văn trên nhiều phương tiện thông tin như: báo chí, truyền hình, trang thông tin điện tử... gây được sự chú ý của công chúng và các nhà nghiên cứu. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức tọa đàm và nhiều cuộc hội thảo về khối tư liệu này để rộng đường nghiên cứu và thưởng lãm cho mọi tầng lớp nhân dân. Thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về bảo quản thơ văn trên các kiến trúc cung đình, tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá về giá trị của thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế trên nhiều kênh thông tin. Bên cạnh những đề xuất phương án bảo tồn khối lượng lớn di sản thơ văn trên phương diện kỹ thuật, vật lý thì những giải pháp bảo tồn phát huy giá trị thơ văn trên phương diện văn hóa giáo dục và trí thức cũng được quan tâm. Giá trị thơ văn di sản thế giới sẽ được giới thiệu rộng rãi đến đại bộ phận công chúng, đặc biệt tầng lớp thanh thiếu nhi đang ngồi trên ghế nhà trường, nhằm tôn vinh và lưu truyền những giá trị lịch sử vô giá này.
3.2. Dựng phim, phóng sự giới thiệu, quảng bá về thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế trên truyền hình
Trung tâm sẽ tiến hành xây dựng kịch bản và phối hợp với đài truyền hình để dựng lại bộ phim về bảo tồn di sản tư liệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Đồng thời sau khi được công nhận Di sản ký ức thế giới, Trung tâm đã triển khai dựng phim: “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế - Hành trình đi đến di sản” nhằm lưu giữ lại một cách toàn diện nhất về giá trị di sản mà tổ tiên đã để lại cho ngày nay và mai sau.
Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu di sản tư liệu Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế với công chúng trong và ngoài nước trên đài phát thanh, truyền hình qua các kênh truyền hình quốc gia VTV1, VTV4, VTV8, thực hiện nhiều phóng sự phát trên chuyên mục Câu chuyện văn hóa, Cuộc sống thường ngày trên kênh VTV1… Kế hoạch đẩy mạnh giới thiệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế vào các chương trình: “Kiến thức xã hội” trên VTV2 và VTV4; Phóng sự trong chương trình “Điểm hẹn văn hóa”; Phóng sự về thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế trong chương trình “Gõ cửa ngày mới” trên VTV1; phóng sự trên chương trình “Khám phá Việt Nam” trên kênh truyền hình VTV1 và VTV4…
Có thể nói rằng các phương tiện thông tin đại chúng chính là cầu nối đưa Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đến gần với đời sống xã hội và con người Việt Nam. Hình thức quảng bá này đã góp phần tích cực giới thiệu đến công chúng những giá trị di sản độc đáo và tài năng của các vị vua nhà Nguyễn và sự tài hoa khéo léo của con người Việt Nam vào thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX.
3.3. Tổ chức trưng bày, triển lãm thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là khối tài liệu duy nhất lưu trữ các tác phẩm thơ văn hàm chứa nhiều thông tin có giá trị, phần nào giúp nghiên cứu hình ảnh của hệ thống chính trị, văn hóa, xã hội, con người của một quốc gia trong một giai đoạn lịch sử. Các tài liệu này ngoài giá trị nội dung thông tin, bản thân tài liệu trải qua thời gian 2 thế kỷ đã trở thành bộ sưu tập cổ vật vô cùng phong phú và vô cùng quý giá. Bên cạnh đó, đây còn là một bộ sưu tập tranh, một bộ sưu tập thư pháp, một bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật công nghệ vô cùng đa dạng, vô cùng phong phú và có giá trị cao.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế một cách thường xuyên và rộng rãi thông qua các hoạt động tổ chức trưng bày, triển lãm các di sản Hán Nôm tại các kỳ lễ hội, mở các cuộc thi viết thư pháp Hán Nôm, lập trang web, thư mục giới thiệu, quảng bá di sản chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế.
Tuyển chọn đưa vào trường học những tác phẩm tiêu biểu trong hệ thống thơ văn chữ Hán trên di tích kiến trúc cung đình Huế, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức trong thế hệ trẻ về giá trị và ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Hình thức triển lãm trưng bày Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một hình thức tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi cho quần chúng được tiếp cận trực tiếp với khối lượng tài liệu này thông qua các phiên bản từ bản gốc mà họ chưa có điều kiện tiếp cận, vì phần lớn hệ thống thơ văn này ở vị trí cao trên kiến trúc cung điện nên du khách không thể nhìn thấy rõ và không chiêm ngưỡng kỹ những giá trị nghệ thuật ở đó. Vì vậy, hình thức tổ chức sử dụng bản sao này có tính tuyên truyền và thuyết phục cao. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có kế hoạch trưng bày triển lãm về thơ văn tại các di tích có thơ văn để du khách đến tham quan được tiếp cận thực tế và hiểu thêm về giá trị độc đáo và duy nhất của di sản tư liệu này.
Kế hoạch trong ngày Di sản Việt Nam, chúng tôi tiếp tục phối hợp tổ chức tọa đàm nhằm tôn vinh giá trị di sản Thơ văn cùng với các di sản tư liệu Mộc bản, Châu bản của triều Nguyễn tại Huế mà các tỉnh thành đang lưu trữ và bảo quản.
3.4. Tổ chức biên soạn, xuất bản ấn phẩm
Trung tâm đã nghiên cứu, tổ chức nhiều hoạt động nhằm đặt ra kế hoạch quản lý tốt nguồn tư liệu quý giá này, cụ thể như phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán Nôm hay Trường Đại học KHXH và NV (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo về vấn đề bảo tồn và phát huy thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.
Tổ chức dịch thuật, xuất bản sách để nội dung của thơ văn đến với công chúng. Trung tâm sẽ phối hợp trực tiếp hoặc tạo điều kiện hỗ trợ cho một số nhà nghiên cứu công bố các tác phẩm, luận văn có đề cập đến thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Phối hợp với các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, nhà nghiên cứu Hán Nôm, nhà thư pháp trong lĩnh vực bảo tồn thơ văn trên di tích thông qua việc trùng tu, bảo quản và nghiên cứu. Tập trung công tác nghiên cứu khoa học, chọn lọc và xuất bản các ấn phẩm liên quan đến di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và qua đó nhằm giáo dục các thế hệ trẻ về văn hóa truyền thống của đất nước và bảo tồn gìn giữ tài sản quý giá của ông cha để lại.
Kế hoạch trong thời gian tới toàn bộ Thơ văn sẽ được Trung tâm phối hợp với các chuyên gia Hán Nôm biên mục nội dung thông tin và biên dịch ra tiếng Việt. Tất cả được tập hợp thanh thư mục và đóng thành cuốn và có kế hoạch dich thuật để phục vụ cho bạn đọc và các nhà nghiên cứu về văn hóa Huế có thêm nguồn tài liệu để tham khảo.
3.5. Tổ chức sử dụng và giới thiệu tài liệu ở các lễ hội, các cuộc hội nghị, hội thảo liên quan đến văn hóa Nguyễn với cộng đồng
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế một cách thường xuyên và rộng rãi thông qua các hoạt động trưng bày, triển lãm các di sản Hán Nôm tại các kỳ lễ hội, đặc biệt là các kỳ festival Huế; mở các cuộc thi viết thư pháp Hán Nôm, trưng bày triển lãm, thi thơ, bình thơ tại Huế nhân các ngày lễ truyền thống và tại các hội nghị, hội thảo khoa học…; lập trang web, thư mục giới thiệu, quảng bá di sản chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế và kết nối với các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học để đẩy mạnh việc quản bá về di sản này.
3.6. Tổ chức hội thảo, triển lãm liên kết các di sản tư liệu (Mộc bản, Châu bản, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế) liên quan đến triều Nguyễn để có cái nhìn tổng thể về nguồn tư liệu quý giá này
Kết nối chuỗi di tích – di sản tư liệu liên quan đến triều Nguyễn là hình thức quan trọng trong công tác nghiên cứu và công tác giữ gìn phát huy giá trị di tích, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, du lịch và quảng bá hình ảnh địa phương.
4. Một số giải pháp để thúc đẩy nâng cao giá trị di sản tư liệu trong thời gian tới
Nhận thức được tầm quan trọng của di sản, các nhà quản lý di sản tư liệu luôn nỗ lực trong công tác bảo tồn và nâng cao giá trị di sản của mình, đồng thời xác định di sản là báu vật quốc gia cần được bảo tồn và gìn giữ, bởi một khi di sản bị mất đi thì không thể khôi phục, nếu điều này xảy ra sẽ là một tổn thất vô cùng to lớn cho cả nhân loại.
Kế hoạch bảo tồn di sản tư liệu phù hợp không chỉ giúp chúng ta giữ gìn được giá trị di sản mà còn đưa được di sản đó đến với cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia đối với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình bảo tồn vẫn có nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi phải giải quyết nhằm gìn giữ và phát huy giá trị di sản ký ức của nhân loại. Vì vậy cần có những giải pháp kịp thời để giải quyết vấn đề này. Định hướng của Trung tâm là:
- Về công tác bảo quản
Đây là nguồn tài liệu chữ Hán, vì vậy cần phải đào tạo một đội ngũ những người giỏi chữ Hán và biết yêu quý, trân trọng giá trị di sản; bên cạnh đó cần đầu tư cho công tác bảo quản, đảm bảo an toàn cho di sản tư liệu trên những vật mang tin có tính đặc thù.
Cần nâng cấp trang thiết bị, có kế hoạch bảo vệ di sản tư liệu, đồng thời mở lớp đào tạo kỹ thuật về công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, gia cố tư liệu, vệ sinh tư liệu…
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, tìm kiếm kỹ thuật tiên tiến của thế giới, kết hợp với kỹ thuật truyền thống để áp dụng bảo tồn tuyệt đối an toàn di sản Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.
Hiện nay Trung tâm cũng đã và đang phối hợp với Viện Bảo tồn di tích (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) lựa chọn một công trình thí điểm để xây dựng phương án bảo tồn bền vững di sản thơ văn trên công trình kiến trúc.
- Về công tác phát huy giá trị di sản:
Hỗ trợ cử chuyên gia tập huấn kỹ năng trưng bày, giới thiệu tài liệu, đào tạo cán bộ làm công tác công bố tài liệu như quay phim, dựng phim chuyên đề theo từng di tích, dịch thuật, biên soạn sách, thực hiện một số nghiệp vụ khác nhằm quảng bá, công bố giới thiệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và các di sản khác.
Xây dựng trang thông tin điện tử, từng bước giới thiệu Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế bằng song ngữ Việt – Anh, nhằm thu hút các giới nghiên cứu trong và ngoài nước, đồng thời đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu về thơ văn của công chúng một cách chủ động.
Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện tu bổ phục chế các thơ văn bị hư hỏng hoặc bị mất đi do thời gian và chiến tranh. Trung tâm có kế hoạch cử các đoàn đi học tập, nghiên cứu hoặc mời các chuyên gia về công tác bảo tồn tài liệu ở các nước tiên tiến để có thể áp dụng công nghệ hợp lý nhất cho việc tu bổ, phục chế một số thơ văn đã mất hoặc hư hỏng nặng. Tạo điều kiện cho các di sản khác phối hợp với nhau tổ chức trưng bày triển lãm, để trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo quản và phát huy giá trị tư liệu./.
Phan Thanh Hải
Nguồn: Nguồn Việt (Trung tâm UNESCO Phát Triển Văn Hóa và Thể Thao).