Vấn đề đưa hệ thống tri thức Hán Nôm vào nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

20241022 2

Tóm tắt: Di sản vǎn hoá thành vǎn Hán Nôm chiếm giữ một vị trí quan trọng, có ý nghĩa như là cốt lõi tinh hoa của vǎn hoá Việt Nam. Bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của di sản này là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đòi hỏi sự tham gia, phối hợp đồng bộ một cách khoa học của nhiều giới, nhiều ngành. Trong đó, việc đưa tri thức Hán Nôm vào nhà trường các cấp là một phương cách tối ưu và lâu dài, nhằm thực tế hoá và làm sống động lại vốn tinh hoa này của dân tộc. Hình thành nǎng lực và nhân cách cho người học thông qua tri thức vǎn hoá Hán Nôm là cách đặt vấn đề không mới, và thực tế đã từng tồn tại những ý kiến xung đột, trái chiều. Do thế, một nhận thức mang tính học thuật và tính sư phạm về vấn đề này cần được tiếp tục đặt ra và dần tháo gỡ.

***

1. Ở một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt trong quá trình giao lưu tiếp xúc ngôn ngữ - vǎn tự - vǎn hóa Việt Hán, chữ Hán dần đã trở thành hệ thống vǎn tự quan phương của nhà nước phong kiến Việt Nam. Dùng chữ Hán như một thứ chuyển ngữ để chuyển tải tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, tâm lí của dân tộc mình là sự lựa chọn thông minh của cha ông ta. Song song với việc dạy học và sử dựng chữ Hán, thực tế đời sống ngôn ngữ của nhân dân cùng với nhu cầu tự thân của vǎn hóa dân tộc đã thúc đẩy quá trình chế tác ra chữ Nôm - loại hình vǎn tự hình thành trên cơ sở vay mượn chất liệu vǎn tự Hán - để ghi lại tiếng nói người Việt. Chữ Nôm nhanh chóng tham gia vào hoạt động sáng tạo vǎn hóa. Trong hơn 10 thế kỉ xây dựng, bảo vệ và sáng tạo, chúng ta có được một kho sách Hán Nôm đồ sộ. Tuy phần nhiều đã mất mát, nhưng với hàng chục vạn đơn vị vǎn bản ở nhiều lĩnh vực còn đang lưu giữ được cũng đủ cho thấy tầm cỡ và ý nghĩa lớn lao của nó. Giá trị đặc biệt của di sản Hán Nôm trong tiến trình vǎn hóa Việt Nam thể hiện ở chỗ, đây là kho tư liệu thành vǎn đồ sộ, có hệ thống, bao quát tất cả các phương diện của đời sống - lịch sử dân tộc trong quá khứ, là minh chứng hùng hồn về truyền thống tự chủ, tinh thần tự cường dân tộc. Nó thể hiện sâu sắc ý thức dân tộc, mà ý thức dân tộc là bộ phận cấu thành nên quốc gia và vǎn hóa của quốc gia. Các ngành khoa học, đặc biệt là khoa học nhân vǎn đều có lịch sử phát triển của nó, lúc này, di sản Hán Nôm chính là nguồn tư liệu của các ngành khoa học ấy. Bao quát hầu khắp các lĩnh vực: lịch sử - chính trị, tư tưởng - triết học, luân lí - đạo đức, ngôn ngữ - vǎn học, y dược, kinh tế, địa lí, quân sự…, nguồn tư liệu Hán Nôm và Hán Nôm học có ý nghĩa như là một chuyên ngành cổ vǎn hiến học, làm cơ sở cho nhiều ngành học khác, nên nó có một vị thế quan trọng trong khoa học xã hội và nhân vǎn Việt Nam hiện nay. Cố nhiên, để phát huy được vị thế ấy, cần đòi hỏi những điều kiện nhất định, mà trước hết là nỗ lực của các nhà khoa học chuyên ngành và khoa sư phạm ngữ vǎn.

Với tư cách là một trong những quốc gia đồng vǎn với vǎn hoá Hán, Việt Nam cùng với một số quốc gia Đông Á trong khối vǎn tự chung này đã có cách ứng xử riêng của mình trong việc lợi dụng vǎn tự đó để cải hoán và sáng tạo thành chữ viết riêng, và trên hết là chống lại mưu đồ Hán hóa. Đối với Việt Nam, sau khoảng 2000 nǎm kể từ khi chữ Hán du nhập, 1000 nǎm dùng chữ Hán với tư cách là quốc gia vǎn tự và cũng gần chừng ấy thời gian tuổi đời của chữ Nôm - được coi là chữ quốc ngữ, sự tác động của nó đến nay vẫn không hề mai một, mặc dù kể từ nǎm 1945, nhà nước Việt Nam mới đã tuyên bố chấm dứt sử dụng với tư cách là quốc gia vǎn tự. Thực tế, môn học (về) Cổ văn hay Hán văn, Hán Nôm, Ngữ văn Hán Nôm vẫn trở lại liên tục, với việc được giảng dạy chính thức trong các trường sư phạm, ở những phạm vi và mức độ nhất định. Tuy nhiên, ở nhà trường phổ thông, từ khi nền giáo dục Nho học kết thúc (1919), ngoại trừ một số ít trường phổ thông thời thuộc Pháp vẫn có dạy học môn Quốc vǎn - trong đó có dạy chữ Hán và tác phẩm Hán Nôm, còn thì tất thảy cho tới nay đều “học chay”, học “hớt ngọn” (qua bản phiên âm, bản dịch) đối với di sản vǎn học này. Mặc dù, tư tưởng dạy học mới theo hướng đọc hiểu văn bản đã triển khai, nhưng sự cách bức về ngôn ngữ vǎn tự và tư tưởng khiến cho việc tổ chức dạy học tác phẩm vǎn học Hán Nôm không thực sự đạt được hiệu quả. Trong bối cảnh giao lưu và hợp tác toàn cầu cũng như khu vực hiện nay, việc dạy và học chữ Hán chữ Nôm nói riêng và về di sản Hán Nôm nói chung đang đứng trước những thách thức và cơ hội mới. Cũng vì thế, thực tiễn lại đòi hỏi cần phải có những thay đổi trong phương pháp nghiên cứu, học tập, tư duy để thích ứng, tiếp cận và nhận thức về vấn đề. Di sản ngữ vǎn Hán Nôm Việt Nam là kết quả của cả một quá trình đấu tranh, xây dựng và bảo vệ nền vǎn hiến Việt Nam trong suốt diễn trình lịch sử lâu dài của dân tộc. Cùng với thời gian, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, di sản “một đi không trở lại” ấy ngày càng bị hư hao, mất mát. Cho nên, nhiệm vự bảo lưu, khai thác giá trị của nó đang được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết. Trong việc thực hiện nhiệm vụ này, truyền bá tinh hoa vǎn hiến cổ xưa qua con đường giáo dục ở nhà trường là hết sức quan trọng, nó đảm bảo cho di sản Hán Nôm phát huy được giá trị thực tế cao nhất. Trong một bài viết gần đây [1], chúng tôi đã bàn về việc giảng dạy môn Ngữ vǎn Hán Nôm tại các cơ sở đào tạo giáo viên; ở bài viết này, xin góp bàn tiếp mấy ý kiến về vấn đề đưa tri thức Hán Nôm vào nhà trường phổ thông, từ góc độ hướng tới nǎng lực người học.

2. Hệ thống tri thức Hán Nôm đối với/ trong tổng thể năng lực văn hoá cần có của học sinh

Dạy học theo định hướng phát triển nǎng lực người học là một xu thế tất yếu, hiện đại mà công cuộc đổi mới giáo dục của chúng ta đang tiến hành [2]. Đối với học sinh phổ thông Việt Nam, liệu các tri thức Hán Nôm (vẫn được cho là uyên áo, hàn lâm…) sẽ có thể tham gia đóng góp gì, đóng góp như thế nào trong việc hình thành nǎng lực tổng thể của thế hệ trẻ? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Nếu giới chuyên môn và các nhà giáo dục xác định không đúng, rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng/ tâm lí né tránh/ xa lánh, thậm chí coi thường vốn tri thức này, như bấy lâu nay vẫn từng như vậy. Vậy, trước hết phải nhìn từ nǎng lực tổng thể cần có của người học (học sinh phổ thông: cơ sở và trung học) để xem xét. Nǎng lực là tổng hợp hữu cơ của các thành tố “kiến thức”, “kĩ nǎng”, “thái độ” giúp chuyển hoá/ hiện thực hoá vào giải quyết một tình huống, một vấn đề trong cuộc sống thường nhật hoặc trong học thuật. Nǎng lực của người học thường được các nhà giáo dục tạm tách thành hai loại chính: năng lực chung (cơ bản, thiết yếu để mỗi người có thể chung sống và cùng làm việc bình thường trong một môi trường xã hội nhất định) và năng lực cụ thể/ chuyên biệt (được hình thành, phát triển bởi một lĩnh vực hay môn học nào đó). Hệ thống các nǎng lực của học sinh thường được các nhà giáo dục thống nhất cao độ bao gồm 8 nhóm (hay thành tố): (1) Nǎng lực tư duy phê phán, tư duy logic; (2) Nǎng lực giao tiếp, làm chủ ngôn ngữ; (3) Nǎng lực tính toán, ứng dụng số; (4) Nǎng lực đọc - viết; (5) Nǎng lực làm việc/ ứng xử (trong) nhóm; (6) Nǎng lực công nghệ thông tin- truyền thông; (7) Nǎng lực sáng tạo, tự chủ; (8) Nǎng lực giải quyết vấn đề.

Soi chiếu quan điểm lí luận giáo dục trên vào phạm vi tri thức – vǎn hoá Hán Nôm, có thể thấy: Vì Hán Nôm học/ tri thức Hán Nôm liên quan đến tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực khoa học xã hội và nhân vǎn; trong nhà trường, tri thức Hán Nôm cũng thể hiện ở nhiều bộ phận, bao quát các lĩnh vực (như: văn học, ngôn ngữ, lịch sử, tư tưởng, đạo đức luân lí…) nên có thể nói, tất cả các môn học trong nhà trường (toàn bộ chương trình học) đều giúp hình thành và phát triển tri thức Hán Nôm; và ngược lại, tri thức Hán Nôm thông qua chương trình học sẽ giúp hình thành các năng lực chung cho người học. Một mặt khác, vì Hán Nôm vốn là một lĩnh vực học thuật có đặc trưng riêng, chuyên sâu, nên nếu có tri thức nền tảng Hán Nôm sẽ góp phần giúp người học có được năng lực riêng để có thể giải quyết các công việc/ vấn đề chuyên môn hẹp. Cụ thể hơn, với 8 “thành tố” nǎng lực cần có nói trên, xét rộng ra, tri thức Hán Nôm liên quan đến tất cả; xét chi tiết thì ít nhất nó có thể góp phần trực tiếp hình thành các nǎng lực tư duy (logic, hình tượng), giao tiếp - làm chủ ngôn ngữ, đọc viết…

Tri thức Hán Nôm gắn chặt với di sản vǎn học cổ viết bằng chữ Hán, chữ Nôm. Di sản vǎn học Hán Nôm là một thực thể trong chỉnh thể vǎn hóa - vǎn học truyền thống Việt Nam. Việc chọn lựa và phương pháp đưa những tác phẩm vǎn học này vào nhà trường với mục đích giáo dục nhân cách cho học sinh cần được theo dõi bởi một trình độ ưu việt của khoa học giáo dục. Đứng ở vị trí biểu trưng cho giá trị vǎn hóa dân tộc, tác phẩm vǎn học Hán Nôm của ta với những tác giả đỉnh cao như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến,… có ý nghĩa như những dấu mốc lịch sử. Khai thác tốt giá trị của những sáng tác ấy sẽ góp phần quan trọng vào việc hình thành nhân cách, bồi dưỡng lương tâm - đạo đức - trí tuệ - tâm hồn cho học sinh. Nếu không chúng sẽ biến thành những kí hiệu chết và khi đó việc nắm bắt giá trị đích thực của tác phẩm không tuân theo quy luật cảm thụ vǎn chương nữa, mà được thay thế bằng sự sơ đồ hóa giản đơn những kiến thức cố định, ôm đồm. Nghĩa là không có tri thức về phương pháp luận thì việc dạy học vǎn học cổ Hán Nôm nói chung sẽ nhanh chóng tạo ra những phản giá trị. Việc đòi hỏi một hệ thống kiến thức chuẩn, thể hiện qua việc cải tiến, chỉnh lí, bổ sung các bộ sách giáo khoa ngữ vǎn, cũng như hướng khai thác giá trị các tác phẩm vǎn học Hán Nôm trong nhà trường đã được đặt ra từ lâu. Nhưng nghiêm ngặt mà nói, những hạn chế nhiều mặt còn tồn tại không phải là ít. Việc chọn lọc tác phẩm vǎn học Hán Nôm và phân phối chúng vào chương trình ở các lớp học, cấp học chưa cân đối, chưa có tiêu chí đồng bộ: Nhiều tác phẩm ưu tú chưa được điểm tới, trong khi có nhiều tác phẩm chưa thực sự tiêu biểu lại được chọn dùng… Hoặc giả, có nhiều loại vǎn bản quá khó, ít tính hữu dụng, ít tính thiết thực với thực tiễn hiện đại vẫn được lựa chọn một cách máy móc… Bên cạnh đó là các bất cập trong các vấn đề cụ thể như: vấn đề giảng dạy từ Hán Việt, từ Việt cổ; vấn đề chú giải, phân tích, bình giá các tác phẩm vǎn học Hán Nôm, nhất là ở tác phẩm có nhiều điển tích điển cố hay những cấu trúc từ ngữ đa nghĩa. Nếu theo dõi sẽ thấy nhiều hạn chế, vướng mắc, sai sót liên quan đã không ngừng được phát hiện trên các sách báo chuyên ngành. Đây rõ ràng không bao giờ chỉ là những chuyện bếp núc của việc dạy học ngữ vǎn, bởi vì sự chi phối rất lớn của nó đối với quá trình nâng cao nǎng lực tiếng Việt vǎn hóa nói chung và tiếp nhận tri thức vǎn chương nói riêng là điều không thể phủ nhận.

Một cái nhìn có ý nghĩa đối sánh trong quan điểm/ tư duy/ triết lí về vai trò/ vị trí của môn học về Hán vǎn (cổ) trong nhà trường phổ thông Nhật Bản và Hàn Quốc thời hiện đại có thể giúp gợi ý cho chúng ta những bài học quý giá. Môn học về Hán tự và Hán vǎn ở các nước này liên tục được đưa vào giảng dạy trong nhà trường các cấp một cách đồng bộ, hệ thống. Giáo dục Nhật Bản quy định lượng chữ Hán phải học trong nhà trường phổ thông là 1945 chữ, là lượng chữ được lựa chọn/ tính toán khoa học, phân bổ cho từng cấp học, đảm bảo giúp học sinh sau khi tốt nghiệp (ít nhất) có thể sử dụng/ lí giải phần lớn từ Hán Nhật trong tiếng Nhật hiện đại; bên cạnh đó, tổng số tác phẩm chữ Hán trong chương trình quốc vǎn hiện tại chiếm gần 30% số lượng các tác phẩm vǎn học; việc tổ chức đào tạo giáo viên và dạy học vǎn học chữ Hán hết sức quy củ, có sự ổn định từ hàng chục nǎm nay. Ở Hàn Quốc, bên cạnh môn Quốc vǎn (tương đương môn Ngữ vǎn của ta) có dạy học tác phẩm chữ Hán (của Hàn Quốc), còn tổ chức một môn học tự chọn (từ cấp 2) là Hán vǎn chuyên dạy về chữ Hán cổ và tác phẩm vǎn học chữ Hán, với hệ thống sách giáo khoa đồng bộ và yêu cầu chặt chẽ về phương pháp. Đặc biệt, kì thi quốc gia vào đại học của Hàn Quốc cũng tổ chức môn thi Hán vǎn từ hơn 40 nǎm nay (dẫn ý theo [8]). (Bản thân chúng tôi những nǎm gần đây cũng nhiều lần được Bộ Giáo dục Hàn Quốc mời tham gia ban ra đề/ thẩm định đề thi quốc gia thuộc tiểu ban Ngoại ngữ và Hán vǎn này). Xem thế, trong các nước đồng vǎn với vǎn hoá Hán, ở thời hiện đại, chỉ riêng giáo dục phổ thông Việt Nam còn “lúng túng” trong nhận thức và ứng xử với chữ Hán (cổ) nói riêng và di sản ngữ vǎn Hán Nôm nói chung. Thành tựu của người khác liệu có nhắc nhở chúng ta dũng cảm nhìn nhận lại mình?

3. Một vài đề xuất trong việc đưa tri thức Hán Nôm vào nhà trường phổ thông

Như đã nói trên, đến đầu thế kỉ 20, chữ Hán chữ Nôm tuy đã kết thúc vai trò lịch sử của mình, nhưng nền văn hóa Hán Nôm nói chung và tri thức Hán Nôm nói riêng thì vẫn hiện tồn và song hành cùng với lịch sử dân tộc. Theo đó, một cách lí tưởng thì học sinh cần được học môn học về chữ Hán chữ Nôm (như nhiều ý kiến trước đây đã đề xuất, cũng giống như việc Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn liên tục tổ chức dạy học bắt buộc môn học về chữ Hán, Hán vǎn). Nhưng trong điều kiện trước mắt, chúng ta chưa thể chuẩn bị thực thi điều này thì việc cung cấp tri thức – hình thành nǎng lực về Hán Nôm cho học sinh cần theo hướng linh hoạt: Kết hợp các mức độ giữa chương trình chính khoá và chương trình bổ trợ.

3.1. Đưa tri thức Hán Nôm vào chương trình chính khoá:

Chương trình chính khoá được hiểu là bắt buộc thực hiện theo phân phối chương trình môn học, được giáo viên giảng dạy và hướng dẫn, có kiểm tra đánh giá. Một số môn học được giới thiệu để học sinh tự chọn cũng thuộc chương trình chính khoá này. Sau đây là những khía cạnh có thể cần được lưu ý khi thực hiện:

- Tiếp tục thực hiện ở liên môn (ngữ vǎn, lịch sử…) và xuyên môn (tự nhiên, xã hội) nhưng lấy môn Ngữ vǎn làm trục chính. Đồng thời phải đảm bảo có hệ thống nhất quán giữa các lớp và bậc học.

- Bộ phận vǎn học cổ viết bằng chữ Hán, chữ Nôm cần có một tỉ trọng tương xứng với các mảng khác. Có thể tǎng cường cả ở phần đọc thêm hay tham khảo. Hệ thống các chú thích dẫn giải về vǎn bản kèm theo phải chi tiết, chuẩn xác.

- Sách giáo khoa Ngữ vǎn cần có bảng tra cứu từ và yếu tố Hán Việt, gắn với (hình thể) chữ Hán (hiện nay chỉ có phiên âm). Lượng hoá việc cung cấp một số lượng yếu tố (chữ) Hán/ từ Hán Việt theo từng lớp, từng cấp học.

- Bổ sung các hình ảnh (kèm giải thích) về vǎn bản Hán Nôm cổ có liên quan. Hiện nay chỉ có lác đác, đôi khi cũng không ghi chú.

- Cần hình thành các bài học chuyên biệt về từ Hán Việt, cách sử dựng và sáng tạo từ Hán Việt trong tạo lập vǎn bản.

- Cần biên soạn Từ điển giải thích từ Hán Việt và từ Việt cổ dùng trong nhà trường như một tài liệu tham khảo bắt buộc. Hiện nay cũng có một vài cuốn từ điển Hán Việt dùng trong nhà trường nhưng không phải loại từ điển giải nghĩa từ mà chỉ để tra nghĩa. Từ điển giải nghĩa từ ít nhất phải đáp ứng/ tổ hợp được: tra hình thể chữ (Hán, Nôm), tra âm đọc, giải nghĩa cấu tạo (tự và từ), giải nghĩa từ nguyên, giải thích các lớp nghĩa theo cấu tạo, dẫn vǎn liệu… Có thể nghiên cứu để tích hợp tra cứu về điển cố dùng trong nhà trường vào cuốn sách này.

Như trên đã dẫn giải, lí tưởng nhất, học theo cách làm của Hàn Quốc, chúng ta có thể tổ chức một số môn học tự chọn. Môn học về chữ Hán và Hán Nôm Việt Nam sẽ được tổ chức chính quy, khoa học, bài bản hơn, với đầy đủ hệ thống giáo khoa, học liệu, kiểm tra đánh giá một cách hệ thống.

3.2. Đưa tri thức Hán Nôm vào chương trình bổ trợ:

Chương trình bổ trợ được hiểu là không có/ không bắt buộc thực hiện theo phân phối chương trình môn học, nhưng có thể được giáo viên giảng dạy và hướng dẫn, có hình thức kiểm tra đánh giá riêng. Thời gian dành cho ngoại khoá, chương trình địa phương, tổ chức câu lạc bộ, sinh hoạt hè theo hình thức học - vui, vui - học… đều có thể tận dụng.

-                Lực lượng tham gia giáo dục chương trình bổ trợ có thể rất đa dạng, gồm tất cả những người biết và yêu thích Hán Nôm. Tuỳ vào điều kiện cụ thể của nhà trường và địa phương, có thể khuyến khích một bộ phận học sinh (thường là học sinh có nǎng khiếu các môn xã hội) tham gia.

-                Đề nghị Bộ Giáo dục cho phép tổ chức biên soạn một bộ giáo khoa tham khảo dạy về Hán Nôm, sử dụng song hành và phụ trợ cho sách giáo khoa, sách giáo viên chính thức. Trước mắt, có thể hình thành một nhóm nghiên cứu – biên soạn để thực hiện thí điểm. Chúng tôi cho rằng, việc làm này sẽ đặc biệt hữu ích trong điều kiện hiện thời.

-                Bộ giáo khoa tham khảo dùng để dạy và hướng dẫn tự học về Hán Nôm nói trên, trước mắt, trong giai đoạn thử nghiệm có thể chỉ cần 2 quyển, một quyển dùng cho Trung học cơ sở, một quyển dùng cho Trung học phổ thông. Cố nhiên, để được giới thiệu dùng (tham khảo, bổ trợ) trong nhà trường, bộ sách cần phải tuân thủ những nguyên tắc khoa học về chương trình giáo dục.

-                Một hệ thống học liệu mở với các tài liệu/ công cụ tra cứu tĩnh (sách) và động (mạng internet) liên quan đến Hán Nôm cần được biên soạn, thẩm định và được Bộ Giáo dục giới thiệu dùng cho nhà trường. Hệ thống học liệu này có thể giúp giáo viên và học sinh sử dụng thuận tiện, hữu hiệu trong mọi trường hợp và tình huống giáo dục.

-               Khuyến khích xã hội hoá giáo dục, tận dụng các nguồn lực xã hội trong dạy học về Hán Nôm với nhiều hình thức khác nhau: Câu lạc bộ Hán Nôm, câu lạc bộ thư pháp, các nhóm và trung tâm Hán Nôm tình nguyện, tổ chức các giải thưởng…

-               Một vài ý kiến mà chúng tôi đề xuất, bàn góp ở trên cần tiếp tục được thảo luận và (nếu cần thiết) chúng ta sẽ trình bày một bản kiến nghị với Bộ Giáo dục, trên danh nghĩa một tổ chức khoa học chuyên ngành về Hán Nôm. Chắc chắn, chúng ta không thể “chờ đợi trong hi vọng” một cơ chế đặc biệt nào đó dành cho môn học này, trong khi bản thân những “người trong cuộc” như chúng ta không có những đề xuất/ những phương án cụ thể.

3.3. Những nguyên tắc căn bản trong việc đưa tri thức Hán Nôm vào nhà trường:

Dẫu là đưa tri thức Hán Nôm vào nhà trường theo phương thức nào, cũng cần chú ý các nguyên tắc cơ bản. Dưới đây là một số đề nghị bước đầu:

(a) Học chữ Hán, chữ Nôm tức là tiếp nhận (và qua đó, lí giải về) vǎn hoá dân tộc. Việc tiếp nhận các tri thức này cần diễn ra như một nhu cầu tự thân, tự nhiên của người học. Học sinh cần được hướng dẫn tiếp nhận các kiến thức từ dễ đến khó, gắn lí thuyết với thực hành.

(b) Học chữ gắn với giảng nghĩa từ. Việc giải nghĩa từ cần xuất phát từ hình thể, cấu tạo… để hiểu được nghĩa từ nguyên và diễn biến các lớp nghĩa của chúng, gắn với các vǎn bản cụ thể. Tri thức về từ pháp, cú pháp Hán vǎn, vǎn Nôm cổ được trình bày theo hệ thống bài học về vǎn bản.

(c) Các vǎn bản được lựa chọn đưa vào chương trình, giáo khoa phải tiêu biểu cho các loại thể; nhưng mặt khác, qua các vǎn bản đó cần cung cấp được tối thiểu 3000 chữ thông dụng, gắn với hệ thống từ Hán Việt cơ bản trong tiếng Việt hiện đại.

(d) Lí giải các vǎn bản tác phẩm tiêu biểu: cần nhất quán theo hướng minh giải văn bản, với các thao tác cụ thể, chi tiết, đầy đủ. (Về điều này, xin tham khảo bài viết của chúng tôi về công tác minh giải vǎn bản Hán Nôm trong [7]).

(e) Tài liệu giáo khoa phải được biên soạn theo nguyên tắc hướng dẫn tự học, dạy việc tự học, với hệ thống các bài tập thực hành phong phú; tài liệu tham khảo và thường thức về cổ vǎn cần tinh xác.

Để Hán Nôm học thực sự gắn kết với nhà trường, nhằm thực hiện tốt yêu cầu giáo dục và phát huy giá trị của di sản Hán Nôm trong tương lai, việc quan tâm đồng bộ đến tất cả các vấn đề có liên quan, bắt đầu từ tổ chức thiết kế chương trình ngữ vǎn Hán Nôm, biên soạn sách và tư liệu tham khảo, đào tạo đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn, tổng kết kĩ nǎng - phương pháp truyền thụ tri thức vǎn hóa Hán Nôm… là những khâu đoạn then chốt.

4. Di sản văn hóa thành văn Hán Nôm là một bộ phận đặc sắc của vǎn hóa truyền thống Việt Nam. Giữ gìn, khai thác, giới thiệu… giá trị của nó là một nhiệm vụ trọng yếu của khoa học xã hội nhân vǎn trong xu thế hội nhập vǎn hóa hiện nay. Theo đó, việc tổ chức dạy học tác phẩm văn học Hán Nôm - phần tinh hoa của di sản Hán Nôm - và cung cấp các tri thức vǎn hóa Hán Nôm nói chung ở nhà trường các cấp cần không ngừng được đổi mới, cả về quan điểm, cả về nội dung và phương pháp. Chỉ khi chúng ta nhìn nhận và xem xét vấn đề một cách hệ thống thì những vướng mắc, bất cập trong việc bảo tồn - phát huy giá trị của bộ phận di sản này, cũng như việc truyền thụ tri thức liên quan trong nhà trường, mới dần được tháo gỡ. Tự chủ dân tộc trước hết là ý thức tự chủ vǎn hóa, vǎn hiến. Do thế, bảo tồn và phát huy tốt giá trị vǎn hóa - vǎn hiến của di sản Hán Nôm cũng tức là hướng đến mục đích bao trùm: làm sao để các thế hệ con người Việt Nam biết mình trong mối quan hệ với dân tộc, có ý thức chiếm lĩnh nền vǎn minh hiện đại trên cơ sở bản sắc vǎn hóa của dân tộc mình. Vấn đề này, chính sách giáo dục của ta đã đặt ra và giải quyết từng bước nhưng còn thiếu những giải pháp thích hợp để thực thi có hiệu quả. Có vận dụng được vào thực tế giáo dục, nhất là trong nhà trường các cấp thì việc nghiên cứu di sản vǎn hóa truyền thống, trong đó có di dản Hán Nôm mới có ý nghĩa thiết thực.

PGS. TS Hà Minh

(Đại học Sư phạm Hà Nội)

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia: Vai trò của Hán Nôm trong văn hoá đương đại (The Role of Sino-Nom in Contemporary Culture), Viện Nghiên cứu Hán Nôm tổ chức, 27/8/2016, tr.316-322.

Bài viết đã được tác giả đồng ý cho đăng tải trên website Khoa Văn học.

 

Tài liệu tham khảo:

[1]. Hà Minh (2016), Bộ môn Ngữ văn Hán Nôm trong nhà trường sư phạm hiện nay: thực trạng và yêu cầu đổi mới, In trong: Đổi mới nghiên cứu và giảng dạy Ngữ vǎn trong nhà trường Sư phạm (Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc gia), NXB GDVN, H. Tr 328 – 335.

[2]. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới cǎn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hà Nội.

[3]. Lê Trí Viễn (cb) (1984 - 1987), Đặng Đức Siêu, Nguyễn Ngọc San, Đặng Chí Huyền. Cơ sở ngữ văn Hán Nôm, 4 tập, NXB Giáo dục. H.

[4]. Đặng Đức Siêu, Nguyễn Ngọc San (1987, 1988, 1989). Ngữ văn Hán Nôm, 3 tập, NXB Giáo dục. H.

[5]. Đặng Đức Siêu, Nguyễn Ngọc San (chủ biên), Hà Minh, Dương Tuấn Anh, Nguyễn Thanh Chung, Hà Đǎng Việt (2007, 2008, 2009). Ngữ văn Hán Nôm, 3 tập, NXB ĐHSP. H.

[6]. Đặng Đức Siêu, Nguyễn Ngọc San (chủ biên), Hà Minh, Nguyễn Thanh Chung, Nguyễn Tú Mai, Hà Đǎng Việt (2014). Giáo trình Văn bản Hán văn Việt Nam, NXB GDVN. H.

[7]. Hán Nôm học trong nhà trường – Những vấn đề trao đổi (2013), Kỉ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc, NXB ĐHSP. H.

[8]. Cho Jae Hyun, Bùi Mạnh Hùng (2008), Sách giáo khoa Ngữ văn của Hàn Quốc và kinh nghiệm đối với Việt Nam - Tạp chí Ngôn Ngữ và đời sống, số 2 (158).

Thông tin truy cập

63679954
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
246
23426
63679954

Thành viên trực tuyến

Đang có 440 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website