Tư liệu nguyên gốc trong ngoại giao văn hóa: Trường hợp tấm bia do Phan Bội Châu dựng năm 1918 ở Nhật để tưởng niệm bác sĩ Asaba

20170911 Asaka

Ảnh: Bia tưởng niệm bác sĩ Asaba dựng năm 1918 tại tỉnh Shizuoka. (Ảnh do Amma gửi tặng tác giả bài viết vào năm 2010).

 

Về lai lịch và nội dung cụ thể của hai tấm bia nguyên vật hiện còn ở Nhật Bản liên quan đến phong trào Đông Du hồi đầu thế kỷ XX (mang niên đại 1908 và 1918), trước hết là có những ghi chép mang tính hồi ký của chính các lãnh tụ phong trào Đông Du [Phan Bội Châu 1939, 1957, 1987; Cường Để 1957],(1) rồi từ khoảng cuối thập niên 1970 đến nay đã có không ít khảo cứu của các nhà nghiên cứu người Nhật và người Việt [Shibata 1977, 1988, 2009; Vĩnh Sính 2001b (1990); Chương Thâu 2008,…]. Bản thân tác giả bài viết này cũng đã công bố một số khảo cứu chuyên sâu hay bài ngắn giới thiệu cho bạn đọc phổ thông [Chu Xuân Giao 2004, 2013a, 2013b]. Xuất phát từ kinh nghiệm thực tế trong nghiên cứu văn bản tấm bia và tham gia trực tiếp vào một số công việc mang tính ngoại giao có liên quan,(2) ở đây, chúng tôi lần đầu tiên mở rộng sự quan sát, theo hai hướng: vừa điểm lại quá trình tấm bia được học giả hai nước phát hiện trở lại sau một thời gian rất dài bị quên lãng, vừa xem xét việc tham gia của nó với tư cách như một vị “đại sứ đặc biệt” vào quá trình ngoại giao văn hóa giữa hai nước Việt-Nhật từ sau thời kỳ đổi mới, và trở nên sôi động từ đầu thế kỷ XXI.

1. Sự xuất hiện trở lại của tấm bia nguyên vật mang niên đại 1918

Theo ghi chép của người ở địa phương, thì vào ngày 3 tháng 11 năm 1973, Đài Truyền hình Quốc gia Nhật Bản NHK, trong Chương trình Quốc tế (dành cho người Việt Nam), đã phát một phóng sự mang tựa đề “Hai tấm bia mộ (lá thư từ Tokyo)” [Shibata 1988: 231; Amma 2008: 38]. “Hai tấm bia mộ”, không có gì khác, chính là hai tấm bia gắn với phong trào Đông Du: tấm thứ nhất dựng năm 1908 ở thủ đô Tokyo trước mộ phần của chí sĩ Trần Đông Phong (1884-1908), và tấm thứ hai dựng năm 1918 ở thị trấn Asaba tỉnh Shizuoka trước mộ bác sĩ Asaba (1867-1910). Có thể thấy rằng, ở thời điểm năm 1973, người ta đã bắt đầu đặt hai tấm bia mộ ở hai nơi cách xa nhau vào một cụm vấn đề.

Tấm bia thứ hai sẽ được đề cập rõ hơn ở dưới, nên ở đây nói thêm một chút về tấm bia thứ nhất. Hiện nay, tấm bia này vẫn ở trước mộ phần của chí sĩ Trần Đông Phong trong nghĩa trang Zojigaya (thuộc quận Toshima, thủ đô Tokyo). Trần Đông Phong là một thanh niên con nhà giàu ở huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An, từng hào hiệp giúp tiền bạc cho hoạt động của nhóm Cường Để - Phan Bội Châu. Bản thân Trần Đông Phong cũng sang Nhật Bản vào tháng 9 năm 1905. Đến khoảng giữa năm 1908, khi phong trào Đông Du bị tan vỡ, cuộc sống ở Nhật Bản quá quẫn bách, gia đình ở Việt Nam giàu có nhưng không gửi tiếp tế sang, nên lưu học sinh Trần Đông Phong cảm thấy hổ thẹn với chúng bạn mà tự vẫn. Nhóm người Việt Nam ở Nhật lúc đó, cùng với người Nhật và một số học sinh người Trung Quốc cảm kích trước hành động chí khí, đã tổ chức an táng Trần Đông Phong. Trước mộ, người ta dựng một tấm bia đá, trên đó có khắc dòng chữ Hán cỡ lớn là “Đồng bào chí sĩ Trần Đông Phong chi mộ”. Hai bên còn có hai dòng chữ nhỏ: dòng ở bên phải ghi năm sinh là “Sinh dĩ Giáp Thân niên”,(3) và dòng ở bên trái ghi ngày tháng mất là “Mậu Thân niên ngũ nguyệt sơ nhị nhật tử”.(4) Sau này, trong bài văn tế người vợ góa của Trần Đông Phong năm 1939,(5) Phan Bội Châu có viết: “Năm Mậu Thân (1908) Thành Thái, hồn Duy Tân về cõi nước người//Ngàn thu hương hỏa mãi quê người//Chữ chí sĩ Việt Nam, đá Nhật Bản còn bia trước mộ [Phan Bội Châu 2012: 64].

Ngày nay người ta dễ ngộ nhận rằng, cả hai tấm bia trên đều được người Nhật, nhất là người Nhật có quan hệ với Việt Nam, biết rộng rãi từ lâu. Trên thực tế, do nhiều nguyên nhân, tấm bia thứ nhất ở Tokyo gắn với Trần Đông Phong thì được biết đến nhiều hơn trong các quan hệ của chính giới Nhật Bản và Việt Nam từ sau năm 1908 đến khoảng cuối thập niên 1970, còn tấm thứ hai ở vùng xa xôi gắn với tình bạn Asaba Sakitaro-Phan Bội Châu thì gần như bị lãng quên trong một thời gian rất dài.

Việc tấm bia thứ hai ở thị trấn Asaba tỉnh Shizuoka bị quên lãng thực sự trong một thời gian dài này đã được một trong những người có công phát hiện và khảo cứu quan trọng nhất với tấm bia, là nhà nghiên cứu người địa phương Shibata (1919-2009),(6) nêu cụ thể từ trước, rồi gần đây được một số người khác nhắc lại [Amma 2008: 38; Oguri 2010: 7]. Theo Shibata [Shibata 1988: 230-233; 2009], vào tháng 1 năm 1968, hồi Shibata gần 50 tuổi, có một người tên là Utsumi 内海 đã 77 tuổi (sinh năm 1891) từ tỉnh Nagano đột nhiên tới thăm thị trấn Asaba. Ông Utsumi, theo lời tự giới thiệu, đã buôn bán ở Việt Nam hơn ba mươi năm, đến năm thì 1963 về nước. Utsumi đã viết và cho xuất bản cuốn Việt Nam phong thổ ,(7) và muốn viết tiếp một cuốn nữa về nhà cách mạng Phan Bội Châu.(8) Khi đến tòa thị chính của thị trấn, Utsumi ngỏ ý muốn được xem bia tưởng niệm Asaba Sakitaro. Thế nhưng, người ở tòa thị chính thị trấn Asaba không một ai biết về người có tên Sakitaro và tấm bia tưởng niệm ông! Rất may, đúng lúc đó, khi biết được ý nguyện của Utsumi, trong đầu của Shibata bỗng nhiên nhớ lại chuyện cũ đã xảy ra vào khoảng những năm Chiêu Hòa 30 (tức khoảng giữa thập niên 1950). Khi đó, Shibata mới ở tuổi hơn ba mươi, còn là thầy giáo dạy môn sử Nhật Bản ở trường trung học. Một hôm, có một bà cụ sống ở gần Trường Trung học Asaba hỏi ông rằng, có biết trong chùa Thường Lâm ở khu Umeyama có di tích gì đó liên quan tới người Ấn Độ hay người An Nam không? Shibata thì đinh ninh rằng làm gì có di tích như vậy ở chùa Thường Lâm cơ chứ, và do vậy, việc đó đã tự nhiên chìm vào quên lãng. Bây giờ, sau khoảng hai mươi năm, gặp câu hỏi của Utsumi, thì Shibata bỗng nhớ lại câu chuyện của bà cụ ngày trước. Thế là, hai người lập tức cùng nhau đến chùa Thường Lâm. Trong khuôn viên của chùa Thường Lâm, Shibata và Utsumi đã tìm được tấm bia tưởng niệm bác sĩ Asaba Sakitaro do người của Việt Nam Quang Phục Hội dựng năm 1918.

Chính thức là vào tháng 1 năm 1968 đó, sau một thời gian rất dài tựa như bị quên lãng hoàn toàn, câu chuyện về bác sĩ Asaba và tấm bia tưởng niệm ông mới được biết trở lại ở địa phương. Người dân, chính quyền và các trường học ở địa phương bắt đầu chú ý đến tấm bia. Cũng từ năm đó trở đi, qua nhiều con đường, sự tồn tại của tấm bia dần được biết đến rộng rãi trong giới sử học, rồi giới truyền thông và người bình thường ở Nhật Bản. Có thể kể một số mốc chính như sau.

  1. Sau sự kiện “được phát hiện lại năm 1968” khoảng 5 năm, vào ngày 3 tháng 11 năm 1973 đài NHK phát phóng sự “Hai tấm bia mộ” như đã nhắc qua ở trên. Phóng sự nói về hai nhân vật và hai tấm bia mộ của họ, là bác sĩ Asaba nghĩa hiệp không may mất sớm vì bệnh vào năm Minh Trị 43 (1910) khi mới 43 tuổi, và chí sĩ Trần Đông Phong tự sát tại Tokyo vào năm Minh Trị 41 (1908) khi mới 24 tuổi. Người làm phóng sự ấy là Tomita Haruo 富田春生 – một người thông thạo tiếng Việt, thực hiện nhiều bản dịch Việt-Nhật.
  2. Năm 1977, thầy giáo Shibata với chức danh kiêm nhiệm là “điều tra viên về di sản văn hóa của tỉnh Shizuoka” đã viết bài “Asaba Sakitaro – người cứu giúp những nhà cách mạng lưu vong Việt Nam đấu tranh vì nền độc lập của đất nước” trên tạp chí Văn hóa vùng Bannan số đầu tiên [Shibata 1977].
  3. Vào tháng 3 năm 1980, một buổi tối nào đó, Shibata nhận được điện thoại của Giáo sư Goto 後藤 ở Đại học Rikkyo. Sở dĩ có cuộc điện thoại đó, là vì Goto mới đọc được bài viết năm 1977 của Shibata, mà lúc đó nhóm Goto đang thực hiện một đề tài nghiên cứu liên quan đến phong trào Đông Du (đề tài nhận tài trợ của Bộ Giáo dục, thực hiện trong 3 năm). Sau đó, đoàn điều tra của nhóm Goto đã đến thị trấn Asaba nhiều lần, đôi khi có cả một số lưu học sinh người Việt Nam cũng cùng tới. Báo cáo của nhóm điều tra Goto đã hoàn thành vào tháng 3 năm 1982, với dung lượng 28 trang, có kèm nhiều ảnh [Shibata 1988: 231; Vĩnh Sính 2001: 218; Amma 2008: 38; Oguri 2011: 84].
  4. Tháng 9 năm 1980, tác giả Saito cho đăng một bài hơn hai ngàn chữ có kèm ảnh chụp tấm bia trên tờ báo nổi tiếng Asahi Shinbun [Saito 1980].
  5. Vào ngày 19 tháng 7 năm 1983, một ngày trời nóng như thiêu, Giáo sư Văn Tạo (Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam) đã đến thăm thị trấn Asaba và xem tấm bia trong chùa Thường Lâm, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Kawamoto (Đại học Keio) và sự tiếp đón ở địa phương của ông Shibata.
  6. Tháng 2 năm 1988, cuốn sách Asaba: Quê hương chúng ta từ xưa đến nay của Shibata ra đời [Shibata 1988], trong đó có nhiều trang viết về bác sĩ Asaba và Phan Bội Châu. Trong sách, Shibata cũng điểm lại quá trình phát hiện lại tấm bia trong chùa Thường Lâm.
  7. Mùa hè năm 1989, Phó Giáo sư Vĩnh Sính (Đại học Alberta, Canada) đến khảo sát tại thị trấn Asaba, nhận được sự tiếp đón ân cần của Shibata [Vĩnh Sính 2001: 219; Oguri 2010: 7]. Tờ báo địa phương là Shizuoka Shimbun có đưa tin về sự kiện này (trang 19, số ra ngày 25/7/1989) [Oguri 2011: 84]. Bản thảo bài viết “Phan Bội Châu và Asaba Sakitarô” của Vĩnh Sính đã hoàn thành vào tháng 8 năm 1990 [Vĩnh Sính 2001: 230].
  8. Năm 1992, luận văn tiến sĩ của Shiraishi về Phan Bội Châu và phong trào Đông Du đã hoàn thành và bảo vệ thành công ở Đại học Tokyo. Năm 1993, cuốn sách hình thành từ luận văn tiến sĩ ấy được xuất bản [Shiraishi 1992, 1993]. Cuốn sách này sau được dịch trọn sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam vào năm 2000 [Shiraishi 2000].
  9. Ngày 31 tháng 7 năm 1998, tấm bia được chính quyền thị trấn Asaba chỉ định là di sản văn hóa cấp thị trấn (nay là cấp thành phố Fukuroi) với danh mục chính thức là “Bia tưởng niệm ngài Asaba Sakitaro 浅羽佐喜太郎公記念碑” (đúng như tên bia được Phan Bội Châu soạn năm 1918).
  10. Tháng 3 năm 1999, cuốn sách về Phan Bội Châu của tác giả Utsumi ra đời. Utsumi là người đã đến thị trấn Asaba năm 1968 và “đánh thức” tấm bia ngủ quên trong chùa Thường Lâm, sau đó đã mất vào năm 1986.

Như vậy, có thể thấy, tấm bia ở thị trấn Asaba và câu chuyện sự nghĩa hiệp của bác sĩ Asaba dành cho phong trào Đông Du, hầu như đã bị quên lãng trong một thời gian rất dài, tới khoảng nửa thế kỷ (1918-1968). Công việc quyên góp thêm tiền từ dân làng Asaba để có đủ kinh phí dựng bia, rồi dựng bia và làm lễ khánh thành vào mùa xuân năm 1918, như trong miêu tả của Phan Bội Châu thì là một chuỗi hoạt động tương đối có tiếng vang ở địa phương. Tuy nhiên, như ghi chép của Shibata (một người sinh năm 1919 và dạy học ở địa phương trong một thời gian dài), thì từ lâu người địa phương đã không còn nhắc đến sự kiện ấy nữa, cái tên Sakitaro cũng đã bị lãng quên. Đâu đó chỉ còn một số người lớn tuổi nhớ láng máng mà thôi. Việc phát hiện trở lại tấm bia là bắt đầu từ năm 1968, gắn với tên của Utsumi và Shibata. Đến năm 1998, tức sau 30 năm được phát hiện trở lại, tấm bia đã nhận được chỉ định là di sản văn hóa cấp địa phương (thị trấn, thành phố).

Sang thế kỷ XXI, qua nhiều con đường, câu chuyện về bác sĩ Asaba và chí sĩ Phan Bội Châu được biết đến rộng rãi ở cả Nhật Bản và Việt Nam, không chỉ trong học giới mà cả người bình thường. Tấm bia đá trong chùa Thường Lâm đã được “đánh thức” trở lại vào cuối thế kỷ XX, và trở thành một vị “đại sứ” trong ngoại giao văn hóa giữa hai nước từ đầu thế kỷ XXI. Từ đây trở xuống, tạm viết tắt “tấm bia mang niên đại 1918” cho gọn lại thành “tấm bia năm 1918”, hoặc gọn hơn nữa thành “tấm bia”.

2.  Ngoại giao văn hóa Việt - Nhật đầu thế kỷ XXI gắn với tấm bia năm 1918

Từ sau năm 2000, có rất nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa Việt-Nhật gắn với tấm bia. Do khuôn khổ bị giới hạn, chúng tôi chỉ đề cập tới bốn điểm/sự kiện nổi bật sau.

Đầu tiên, là một chuỗi hoạt động “kỷ niệm tròn 85 năm” vào năm 2003 mang tính mở màn rất ấn tượng ở thị trấn Asaba. Trong đó, đáng chú ý nhất là Lễ kỷ niệm tròn 85 năm lập bia tưởng niệm được tổ chức tại chùa Thường Lâm vào buổi sáng ngày 27 tháng 7. Trong buổi sáng trời tuyệt đẹp đó, có một cuộc gặp mặt lịch sử, ngay bên cạnh tấm bia, giữa người cháu nội của Phan Bội Châu (ông Phan Thiệu Cơ) và người cháu nội của Asaba (bà Asaba Wako).

Chương trình kỷ niệm tròn 85 năm (gồm hai nội dung, là kỷ niệm việc lập bia, và kỷ niệm quan hệ hữu nghị Asaba - Việt Nam) đã được thiết kế từ tháng 4 năm 2003. Một ban tổ chức được thành lập với nhân sự đến từ các đoàn thể ở địa phương (như Hiệp hội Văn hóa thị trấn Asaba, Hội Nghiên cứu Di sản Văn hóa thị trấn Asaba, Hiệp hội Xây dựng quê hương thị trấn Asaba), tức là từ phía dân gian mà không phải từ chính quyền. Nội dung chính của chương trình là 2 lễ kỷ niệm được tiến hành lần lượt trong cùng một ngày 27 tháng 7: buổi sáng là Lễ kỷ niệm tròn 85 năm lập bia tưởng niệm tại chùa Thường Lâm (địa điểm tổ chức là ở ngay bên cạnh tấm bia), và buổi chiều là Lễ kỷ niệm tròn 85 năm quan hệ hữu nghị Asaba - Việt Nam ở tòa thị chính thị trấn Asaba.

Ban tổ chức đã mời vợ chồng ông Phan Thiệu Cơ từ TP Hồ Chí Minh sang dự lễ. Tại lễ kỷ niệm buổi sáng, ngay bên cạnh tấm bia, người cháu nội của Phan Bội Châu và người cháu nội của Asaba đã xúc động chia sẻ cảm tưởng về mối nhân duyên được thừa hưởng từ đời ông nội của hai bên.(9) Ở lễ kỷ niệm vào buổi chiều, ban tổ chức có gửi tặng nhân dân Việt Nam, thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, một thác bản của tấm bia. Đó là thác bản đầu tiên được gửi tặng. Ngay sau thời điểm kết thúc sự kiện, vào cuối năm 2003, một trang web mang tên “Báo cáo lễ kỷ niệm tròn 85 năm lập bia tưởng niệm” đã được xây dựng và khai trương, hướng tới mục đích công bố diễn biến và kết quả của chương trình. Thú vị là trang web này mở công khai từ đó đến nay nhưng với chủ trương chỉ lưu tư liệu năm 2003 mà không cập nhật. Bởi vậy, có thể xem trang web đó cũng như một tấm bia kỷ niệm trên không gian mạng cho tình bạn Asaba Sakitaro - Phan Bội Châu.(10)

Ngay sau các lễ kỷ niệm ở Asaba nói trên, vào tháng 10 cùng năm, đoàn công tác gồm 8 người của ban tổ chức chương trình kỷ niệm đã từ Asaba sang thăm Việt Nam. Đoàn có tặng một thác bản của tấm bia cho Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế. Những năm tiếp theo, các đoàn công tác đến từ Asaba còn tới thăm tỉnh Nghệ An và quê nhà của Phan Bội Châu, tiếp tục tặng thác bản cho các nơi.

Hai là, các hoạt động gắn với tấm bia của đoàn thể dân gian là Hội Asaba -Việt Nam 浅羽ベトナム会.(11) Hội này được chính thức thành lập vào tháng 4 năm 2005, nhân sự là tham gia tự nguyện, mà chủ yếu là đến từ thành phần ban tổ chức của chương trình kỷ niệm năm 2003. Ông Amma lãnh trách nhiệm là người đại diện cho hội từ năm 2005.

Hội Asaba - Việt Nam có rất nhiều hoạt động sáng tạo và bền bỉ từ khi thành lập đến nay. Tiêu biểu nhất là việc hội đã hai lần tặng bia kỷ niệm cho thành phố Huế nhân những dịp tròn năm trong ngoại giao của hai nước, hay tròn năm trong lịch sử cá nhân của hai nhân vật chính là Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro.

Lần tặng bia thứ nhất là vào tháng 11 năm 2010 cho Nhà lưu niệm Phan Bội Châu (nằm ở đường Phan Bội Châu thành phố Huế), nhân 70 năm ngày mất của Phan Bội Châu và 100 năm ngày mất của Asaba. Bia cao 2,2m, dài 2,4m, bằng chất liệu đá granit, đặt trên bệ cao 0,5m, được chế tác và hoàn thành tại Huế theo mẫu thiết kế mang đến từ Nhật Bản. Bia có hai mặt. Mặt trước bia có khắc dòng chữ lớn Bia kỷ niệm quan hệ giao lưu Việt-Nhật từ phong trào Đông Du (ở dưới là bản tiếng Nhật của tiêu đề này), và ở góc trái có in hình thu nhỏ của tấm bia mà Phan Bội Châu đã dựng ở chùa Thường Lâm vào năm 1918. Mặt sau bia thì chỉ khắc bản dịch tiếng Việt của bài văn bia bằng Hán văn do Phan Bội Châu soạn năm đó (ở cuối bản dịch tiếng Việt, có ghi tên dịch giả).

Lần tặng bia thứ hai là vào tháng 6 năm 2013 cho Công viên Phan Bội Châu (thành phố Huế), nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt-Nhật (1973-2013). Theo quan sát của người viết bài này, một phần kinh phí liên quan đến việc chế tác các tấm bia đã tặng Việt Nam và các hoạt động liên quan là được Hội Asaba - Việt Nam tích cực huy động thông qua quyên góp (cá nhân và đoàn thể), một phần được tài trợ bởi các quỹ quốc tế của Nhật Bản.

Một hoạt động đáng chú ý nữa của Hội Asaba - Việt Nam là, từ năm 2009, cứ vào dịp trung tuần tháng 9 hàng năm, hội tổ chức chương trình “Sống trải nghiệm cùng gia đình người Nhật cho lưu học sinh Việt Nam ベトナム留学生ホームステイ(Homestay)”. Mỗi năm chương trình này đón khoảng 25 lưu học sinh Việt Nam đang học tập trên khắp nước Nhật về Asaba, gửi vào sống cùng những gia đình người Nhật ở địa phương trong thời gian ngắn (2 đêm 3 ngày). Một nội dung hoạt động quan trọng trong thời gian lưu trú ở địa phương là, các lưu học sinh sẽ được hội hướng dẫn thăm viếng tấm bia tưởng niệm dựng năm 1918 và tìm hiểu về tình bạn Asaba-Phan Bội Châu qua các nguồn tư liệu.(12) Thú vị là từ năm 2015, hội đã mở một tài khoản Facebook để cập nhật thông tin về tình hình hoạt động (trong đó có chương trình sống trải nghiệm hàng năm).(13)

Ba là, quan hệ đặc biệt giữa tấm bia và bộ phim truyền hình mang tựa đề Người cộng sự /The Partner do đài TBS (Nhật Bản) và đài VTV (Việt Nam) hợp tác sản xuất. Phim đã được công chiếu đồng thời ở hai nước vào buổi tối ngày 29 tháng 9 năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Về nội dung, phim Người cộng sự đã khéo léo đưa hai câu chuyện có khoảng cách tới trăm năm về thời gian đan lồng vào nhau. Đó là, câu chuyện của 100 năm trước, về tình bạn Asaba - Phan Bội Châu (hội tụ quanh họ là những chính khách Nhật Bản và các chí sĩ Đông Du); và câu chuyện của hiện tại những năm đầu thế kỷ XXI, về tình yêu của một cặp đôi Việt - Nhật (hội tụ quanh họ là gia đình, bạn bè, cộng sự), và về tình bạn của một cặp doanh nhân Việt-Nhật. Tấm bia năm 1918 đã trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Nó trở thành một tác nhân tạo sự gắn kết và hòa hợp giữa cặp nam nữ Việt-Nhật, đồng thời, cũng trở thành chìa khóa mở ra bí mật của đối tác để cùng đi đến tin tưởng hợp tác giữa hai doanh nhân Việt - Nhật.

Bộ phim được chính giới hai nước (tiêu biểu là Thủ tướng Shinzo Abe, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải) đánh giá là thành công rực rỡ, là một điểm nhấn, “là món quà có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản…, sẽ tạo đà cho sự chắp cánh hợp tác tương lai giữa VTV và TBS cũng như giữa các tập đoàn truyền thông hai nước” (lời phát biểu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong lễ ra mắt phim Người cộng sự vào ngày 16 tháng 9 năm 2013 tại Hà Nội).(14) Phim Người cộng sự sau đó đã nhận được giải Bông sen vàng (phim truyện video) trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 (công bố ngày 16 tháng 10 cùng năm). Đồng thời, diễn viên Huỳnh Đông (đồng thời thủ vai Phan Bội Châu thời đầu thế kỷ XX, và vai doanh nhân người Việt đầu thế kỷ XXI) cũng được trao giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Bốn là, từ những tác động qua lại của ba điểm đã trình bày ở trên, hiện nay, tấm bia năm 1918 trở thành một điểm viếng thăm quan trọng của người Việt Nam khi tới Nhật Bản (du lịch, học tập,…). Hội Asaba-Việt Nam ở thị trấn Asaba (nay là thành phố Fukuroi) trở thành chủ nhà đón khách hàng năm tới từ Việt Nam, bao gồm các cơ quan ngoại giao, các cơ quan đảng và chính phủ (trung ương, địa phương), các cơ quan giáo dục và nghiên cứu khoa học, học sinh sinh viên, khách du lịch phổ thông.(15)

Về mặt nhà nước, trong lễ kỷ niệm tròn 85 năm tại thị trấn Asaba vào năm 2003 đã trình bày ở trên, lần đầu tiên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cử đại diện tới thị trấn. Sau đó, từ năm 2008, các đời đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản đều tới thăm thị trấn Asaba và chiêm bái bia tưởng niệm (lần gần đây nhất là chuyến viếng thăm của đại sứ vào ngày 24 tháng 10 năm 2016).(16)

3. Lời kết

Qua các trình bày ở trên, đến đây, chúng tôi muốn dùng chữ “đại sứ đặc biệt” để nói về vai trò của tấm bia mang niên đại 1918 trong quá trình xây dựng kênh ngoại giao văn hóa (cultural diplomacy) hay ngoại giao dân chúng (public diplomacy) giữa hai nước từ thời kỳ đổi mới đến nay. Rõ ràng, trong ngoại giao văn hóa, đại sứ có thể là một con người cụ thể, mà cũng có thể là một vật thể mang nghĩa đặc biệt, ở đây là vật thể nguyên gốc/nguyên bản. Giá trị nguyên bản/ nguyên gốc của tấm bia cần được nhấn mạnh.

Một điểm cần nhấn mạnh là, quá trình tiến triển để trở thành “đại sứ đặc biệt” của tấm bia, nếu mới nhìn, thì có cảm tưởng như là một vận động mang tính tự nó, ở các điểm sau: 1) Bản thân tấm bia thì được phát hiện trở lại tựa như ngẫu nhiên trong trạng thái nguyên bản từ năm 1968; 2) Về phía Nhật Bản, thì thấy hoạt động của người dân ở thị trấn Asaba từ năm 2003, và nhất là của Hội Asaba-Việt Nam từ năm 2005, mang tính tự nguyện cao; 3) Về phía Việt Nam, cho thấy rõ sự “tăng trưởng” trong hiểu biết, và trong lòng ngưỡng mộ của dân chúng dành cho các lãnh tụ phong trào Đông Du, cũng là cho tình bạn Phan Bội Châu - Asaba Sakitaro. Nhưng nếu nhìn rộng hơn, thì chúng ta sẽ thấy, đó cũng là những hướng vận động ứng hợp với chiến lược ngoại giao của cả hai quốc gia. Rõ ràng, bước vào thế kỷ XXI, nguồn lực mềm/sức mạnh mềm [Joseph Nye 2004a, 2004b, 2004c; Kitayama 2003] của ngoại giao văn hóa rất được xem trọng, ở cả Việt Nam(17) và Nhật Bản,(18) cũng như nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới.(19) Quá trình một tấm bia từ tư liệu nguyên gốc trở thành một vị đại sứ đặc biệt chính là một trường hợp điển hình cho ngoại giao văn hóa.

CXG

CHÚ THÍCH

(1) Về Trần Đông Phong với tấm bia mộ dựng năm 1908 ở Tokyo, cũng như về người vợ còn ở Việt Nam của Trần Đông Phong, thì Phan Bội Châu có viết ở nhiều chỗ trong tác phẩm của mình. Về phần Cường Để thì, ông có nói về chuyện tháng 8 năm 1905, Phan Bội Châu và Đặng Tử Kính từ Nhật Bản về nước, viết thư báo tin cho Cường Để và sắp xếp việc Cường Để xuất dương sang Nhật. Trong dịp đó, ông Trần Đông Phong góp tiền cho việc chung (gồm 15 nén bạc và hai trăm đồng Đông Dương). Đồng thời, vào tháng 9 năm đó, Trần Đông Phong cũng sang Nhật [Cường Để 1957: 19]. Về chi tiết Trần Đông Phong hào hiệp đóng góp ngân quỹ vào tháng 8 năm 1905, Phan Bội Châu cũng có nói đến trong Ngục trung thư (cuốn này Phan soạn xong năm 1913 trong nhà ngục ở Quảng Châu, nên ký ức vẫn còn tươi mới). Có thể suy luận rằng, với phong trào lúc đó, thì kinh phí mà Trần Đông Phong giúp cho là một khoản đáng kể, nên các lãnh tụ đều ghi nhớ.

Về Cường Để, có thể xem thêm một số tư liệu mới công bố của Trần Đức Thanh Phong (Trần Đức Thanh Phong 2005; Kawaji 2012). Đây là một người từng giúp việc cho Cường Để trong các năm 1943-1951, được xem là một chứng nhân còn sống cuối cùng của phong trào Đông Du.

(2) Vào mùa đông năm 2004, trong dịp chuẩn bị cho kỷ niệm tròn 100 năm phong trào Đông Du (1905-2005) tại Nhật Bản, được sự ủy thác của Ban Tổ chức, tác giả bài viết đã thực hiện việc chuyển dịch nguyên bản bài văn bia do Phan Bội Châu viết năm 1918 từ Hán văn sang Việt văn. Sau đó mấy năm, qua thẩm định và giới thiệu của giới chuyên môn, bản Việt văn này được lựa chọn để khắc vào mặt sau tấm bia song ngữ mang tiêu đề Bia kỷ niệm quan hệ giao lưu Việt- Nhật từ phong trào Đông Du được dựng vào năm 2010, từ sự quyên góp của cộng đồng người Nhật, ở trong khuôn viên Nhà lưu niệm Phan Bội Châu tại thành phố Huế (mặt chính của bia thì có khắc ảnh màu chụp thu nhỏ bia nguyên vật dựng năm 1918 ở Nhật Bản).

(3) Có nghĩa là “sinh năm Giáp Thân”. Năm Giáp Thân là năm 1884. Có một số tài liệu ghi Trần Đông Phong sinh năm 1887.

(4) Có nghĩa là “mất vào ngày 2 tháng 5 năm Mậu Thân”. Mậu Thân ở đây là năm 1908. Ngày và tháng ở đây chắc là theo âm lịch, tính sang dương lịch thì là ngày 31/5/1908 (Chủ Nhật).

(5) Bà Trần Đông Phong ở vậy suốt đời phụng dưỡng cha mẹ chồng tại Thanh Chương, rồi mất năm 1939.

(6) Shibata sinh năm 1919 (Đại Chính 8). Cụ dạy học ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông ở vùng Asaba trong nhiều năm, đến năm 1982 thì về hưu. Từ trước khi nghỉ hưu, cụ đã tham gia vào việc biên soạn lịch sử ở địa phương [Shibata 1988: trang cuối]. Cụ mất năm 2009, thọ 90 tuổi [Oguri 2010: 7].

(7) Tên đúng của sách là Phong thổ ký vùng miền Nam Việt Nam 南ベトナム風土記, đã xuất bản năm 1964.

(8) Cuốn sách của Utsumi viết về Phan Bội Châu mãi đến năm 1999 mới được xuất bản (sách có tựa đề Truyện về Phan Bội Châu nhà cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam - cuộc đời của nhà cách mạng đã hoạt động tại Nhật Bản và Trung Quốc ヴェトナム独立運動家潘佩珠伝: 日本・中国を駆け抜けた革命家の生涯). Bản thân tác giả thì đã mất năm 1986.

(9) Về phát biểu của ông Phan Thiệu Cơ, với bản tiếng Việt, có thể thấy trong các tư liệu sau: Nhiều tác giả 2005 (trang 417-428); Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế 2009 (trang 325-334).

(10) Trang web đó có thể truy cập bằng đường link sau: http://www.asaba.or.jp/machiokosi/ vietnam/index.htm

(11) Tên của hội này, trong tiếng Việt, còn thấy được dịch là “Hội Hữu nghị Asaba-Việt Nam”, hay “Hiệp hội Asaba-Việt Nam”.

(12) Một số thông tin chi tiết hơn có thể xem trong tư liệu sau: Amma 2008, 2009; Hội Asaba-Việt Nam 2010, 2012.

(13) Trang Facebook của hội có thể truy cập với đường link sau: https://www.facebook.com/ asaba.vietnam/

(14) Theo tin của VTV, từ đường link sau: http://vtv.vn/truyen-hinh/nguoi-cong-su-bo-phim-dac-biet-trong-nam-huu-nghi-viet-nam-nhat-ban-99222.htm

(15) Ý tưởng khai thác tấm bia ở Asaba như một điểm du lịch để thiết kế tua cho du khách Việt Nam tựa như xuất hiện đầu tiên vào khoảng năm 2005 với công ty Travelviet (xem Đỗ Thông Minh 2005: 17; Đỗ Thông Minh (đại diện) 2005, trang bìa). Năm 2005 cũng là năm có Hội chợ Quốc tế Aichi.

(16) Ông Nguyễn Quốc Cường là Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản từ tháng 7 năm 2015. Trước đó là các đại sứ Nguyễn Phú Bình (2008-2011), Đoàn Xuân Hưng (2012-2015). Thông tin lấy từ trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản: http://www. vnembassy-jp.org/

(17) Xem các nghiên cứu sau: Đinh Xuân Lý 2007; Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO 2008; Trần Thị Thu Hà 2012; Chu Xuân Giao 2012; Phạm Thủy Tiên 2013; Song Thành 2014; Phạm Ngọc Anh 2015; Phạm Sanh Châu 2016.

(18) Xem các nghiên cứu sau: Kitayama 2003; Hoshiyama 2008; Hạ Thị Phi Lan 2013; Kaneko 2014; Lee 2015.

(19) Xem các nghiên cứu sau: Milton 2003; Từ Huệ Phần - Đường Trọng 2010; Yoshimoto 2013.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Amma Yukiho安間幸甫編集. 2008.『ベトナム独立への道 浅羽佐喜太郎記念碑に秘められた東遊運動の歴史』.浅羽ベトナム会発行.
  2. Amma Yukiho. 2009 (2005). “Giao lưu giữa Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro”. In trong Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế 2009: 116-121.
  3. Bảo tàng tư liệu hương thổ thị trấn Asaba 浅羽町郷土資料館.2003.『浅羽町郷土資料館報告第三集 碑文等調査報告書』浅羽教育委員会.
  4. Chu Xuân Giao. 2004. “Góp thêm một bản dịch tiếng Việt cho bài văn bia tưởng niệm bác sĩ Asaba Sakitaro của Phan Bội Châu”, trang talawas ngày 20/10/2005 (http://www.talawas. org/talaDB/showFile.php?res=5629&rb=0305).
  5. Chu Xuân Giao. 2012. “Chiều sâu văn hóa trong phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh”. Tạp chí Văn hóa Quân sự (cơ quan của Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam), số tháng 81, pp.4-5 (In lại trong tạp chí Cẩm Thành, số 68 : 3-5).
  6. Chu Xuân Giao. 2013a. “Chứng tích giao lưu văn hóa Việt - Nhật thời cận hiện đại: lịch sử đang được viết tiếp”. Tạp chí Văn hóa Quân đội, số 95: 6-7&50.
  7. Chu Xuân Giao. 2013b. “Chứng tích giao lưu văn hóa Việt – Nhật thời cận hiện đại : lịch sử đang được viết tiếp”. Tạp chí Nhịp cầu Tri thức (tạp chí ra hàng tháng của Nxb Chính trị Quốc gia), số 7(67): 42-44.
  8. Chương Thâu. 2008. “Về tấm bia kỷ niệm Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang (SAKITORO ASABA) của Phan Bội Châu ở Nhật Bản năm 1918”. Tạp chí Hán Nôm, số 2 (87): 69-72.
  9. Chương Thâu (sưu tầm và biên soạn). 2012. Phan Bội Châu toàn tập - Tập bổ di 1. Hà Nội: Nxb Lao động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.
  10. Cường Để. 1957. Cuộc đời cách mạng Cường Để (nhà báo Tùng Lâm ghi; Ban Tuyên truyền của Việt Nam Quang Phục Đồng Minh Hội tại Tokyo dịch sang tiếng Việt; Tráng Liệt xuất bản). Sài Gòn: Nhà in Tôn Thất Lễ.
  11. Đinh Xuân Lý. 2007. “Về sự chuyển hướng chiến lược đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới”. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 6: 16-22.
  12. Đỗ Thông Minh. 2005. “Những phát giác mới về chí sĩ Phan Bội Châu”. Tạp chí Nguyệt san Mekong月刊メコン, số 117: 15-17.
  13. Đỗ Thông Minh (đại diện). 2005. Kỷ niệm 100 năm (1905-2005) cụ Phan Bội Châu đến Nhật và phong trào Đông Du東遊運動百周年.東京:越日文化交流倶楽部・ファンボイチャウセンター主催.
  14. Hạ Thị Phi Lan. 2013. “Chính sách ngoại giao văn hóa của Nhật Bản từ sau chiến tranh lạnh đến nay và tác động của nó với Việt Nam”. Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2 (144): 61-69.
  15. Hội Asaba-Việt Nam (Amma Yukiho đại diện). 2010. Tình bạn giữa Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro trong phong trào Đông Du. Ban điều hành hội nghị giao lưu Việt Nam-Fukuroi 2010 xuất bản. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam hiệu chỉnh.
  16. Hội Asaba-Việt Nam浅羽ベトナム会.2012.「浅羽ベトナム会の沿革」Đăng trên website của Hội: http://asaba.hamazo.tv/c632557.html.
  17. Hoshiyama Takashi星山隆. 2008.『日本外交とパブリック・ディプロマシー ―ソフトパワーの活用と対外発信の強化に向けて―』財団法人世界平和研究所レポート(IIPS Policy Paper 334J June 2008)
  18. Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế. 2009. Việt Nam 100 năm phong trào Đông Du và hợp tác Việt-Nhật để bảo tồn, phát triển di sản văn hóa Huế. Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia.
  19. Joseph Nye. 2004a. Soft Power: The Means to Success in World Politics. Perseus Books Group.
  20. Joseph Nye. 2004b. “Soft Power and American Foreign Policy”, Political Science Quarterly (The Academy of Political Science)119 (2): 255-270.
  21. Joseph Nye (山岡洋一訳). 2004c. 『ソフト・パワー―21世紀国際政治を制する見えざる力』日本経済新聞社.
  22. Kaneko Masafumi金子将史. 2014.「転換期を迎える日本のパブリック・ディプロマシー」日本国際問題研究所『国際問題』635:38-48.
  23. Kaneko Masafumi - Kitano Mitsuru (chủ biên) 金子将史, 北野充編著. 2007. 『パブリック・ディプロマシー : 「世論の時代」の外交戦略』.PHP研究所.
  24. Kawaji Yuka 河路由佳. 2012.「1943年・仏印から日本への最後のベトナム人私費留学生とべとナム独立運動―――― チェン・ドク・タン・フォン(陳徳清風)さん ――An Interview with the Last Vietnamese Student to Japan from French Indochina: Mr. Tran Duc Thanh Phong on the Vietnamese Independence Movement」『日本オーラル・ヒストリー研究』 8巻 : 163 - 175.
  25. Kitayama Kaoru北山馨. 2003.「パブリック・ディプロマシー--アメリカの外交戦略」国立国会図書館調査及び立法考査局『レファレンス 』53(4):134-152.
  26. Lee Kyountaek李炅澤. 2015.「日本における「新しい」パブリック・ディプロマシーの挑戦とその限界 : 民主党政権におけるパブリック・ディプロマシーの方向性とその転換を中心に The "New" Public Diplomacy in Japan with a Focus on its Rise and Collapse」
  27. Mikami Takanori三上貴教. 2007.「パブリック・ディプロマシー研究の射程 A range of studies on public diplomacy」広島修道大学『修道法学』29(2):246-225.
  28. Milton C. Cummings. 2003. Cultural Diplomacy and the United States Government: A Survey, Washington: Center for Arts and Culture.
  29. Nhiều tác giả. 2005. Phong trào Đông Du và Phan Bội Châu (Kỷ yếu chọn lọc của Hội thảo khoa học Kỷ niệm 100 năm phong trào Đông Du và Phan Bội Châu do Tỉnh ủy Nghệ An và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây phối hợp tổ chức tại thành phố Vinh ngày 10/9/2005). TP Vinh: Nxb Nghệ An - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.
  30. Oguri Katsuya 小栗勝也. 2010.「書評と紹介 柴田静夫『報恩の碑 : 義侠の医師浅羽佐喜太郎と潘佩珠』」『新袋井フォーラム会報』第18号:6-8.
  31. Oguri Katsuya 小栗勝也. 2011.「袋井関連人物参考資料目録(2)~浅羽佐喜太郎、川村驥山関連資料目録~」『静岡理工科大学紀要』第19巻: 83-92.
  32. Phạm Ngọc Anh. 2015. “Ngoại giao văn hóa Việt Nam: Hội nhập quốc tế và lợi ích quốc gia”. Tạp chí Cộng sản, số 875 (9/2015).
  33. Phạm Sanh Châu. 2016. “Thành tựu ngoại giao văn hóa từ năm 2011-2015”. Đăng trên http:// baochinhphu.vn/Van-hoa/Thanh-tuu-ngoai-giao-van-hoa-tu-nam-20112015/246055.vgp.
  34. Phạm Thủy Tiên. 2013 (2016). “Ngoại giao văn hóa (Cultural diplomacy)” (in trong Sổ tay thuật ngữ quan hệ quốc tế, Đào Minh Hồng - Lê Hồng Hiệp chủ biên,TP Hồ Chí Minh: Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh, 2013). Bản trên mạng nghiencuuquocte ngày 23/1/2016. (http://nghiencuuquocte.org/2016/01/23/ ngoai-giao-van-hoa-cultural-diplomacy/).
  35. Phạm Xuân Nguyên. 2005. “Những tấm bia lưu vết tích phong trào Đông Du trên đất Nhật”. In trong Nhiều tác giả 2005: 387-393.
  36. Phan Bội Châu.1939. “Văn tế bà Trần Đông Phong”, In trong Chương Thâu 2012 (Phan Bội Châu toàn tập - Tập bổ di 1): 63-65.
  37. Phan Bội Châu.1957. Phan Bội Châu niên biểu: Tức Tự phê phán. Phạm Trọng Điềm – Tôn Quang Phiệt dịch. Hà Nội: Nxb Sử địa.
  38. Phan Bội Châu.1987. Tự phán – Hồi ký vận động cách mạng dân tộc của cụ Phan Bội Châu. In lần thứ hai. California: Nhân Chủ học xã.
  39. Saito Gen 斎藤玄. 1980.「ベトナム亡命人と浅羽佐喜太郎:困窮を救った熱い “アジア精神”」『朝日新聞』1980年9月26日夕刊第5面.
  40. Shibata Shizuo柴田静夫.1977.「ベトナム独立運動の亡命者を助けた浅羽佐喜太郎(郷土史夜話)」磐南文化協会設立準備会発行『磐南文化』創刊号(昭和52年10月)25-27.
  41. Shibata Shizuo柴田静夫.1988.『浅羽  我が郷土の今昔』.   浅羽町農業協同組合
  42. Shibata Shizuo柴田静夫.2009.『報恩の碑 : 義侠の医師浅羽佐喜太郎と潘佩珠』東京 : 菁柿堂.
  43. Shiraishi Masaya白石昌也.1992.『ベトナム民族運動と近代日本・アジア : ファン・ボイ・チャウの革命論を中心に』東京大学博士論文
  44. Shiraishi Masaya白石昌也.1993.『ベトナム民族運動と日本・アジア : ファン・ボイ・チャウの革命思想と対外認識』厳南堂書店
  45. Shiraishi Masaya (Nguyễn Như Diệm và Trần Sơn dịch, Chương Thâu hiệu đính). 2000. Phong trào dân tộc Việt Nam và quan hệ của nó với Nhật Bản và châu Á – tư tưởng của Phan Bội Châu về cách mạng và thế giới (Tập 1, 2). Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia.
  46. Shiraishi Masaya白石昌也. 2005.「東遊運動期ベトナム人留学生の日本での活動」東遊運動100周年記念講演(2005年4月16日、於東京外国語大学、原稿4頁)
  47. Song Thành. 2014. “Ngoại giao văn hóa với vấn đề gia tăng sức mạnh mềm của Việt Nam trong hội nhập và phát triển”. Website Tạp chí Văn hóa Nghệ An ngày 27/4/2014.
  48. Thành Nguyễn. 2013. “Phim "Người cộng sự" có nên bị vứt vào sọt rác?”. Fb Thành Nguyễn ngày 30/9/2013(https://www.facebook.com/photo.php?fbid=629362207086487&set=a.540 258165996892.1073741828.100000381394367&type=3&theater).
  49. Thế Nguyên. 1956 (1950). Phan Bội Châu thân thế và thi văn (1867-1940). In lần thứ 2. Sài Gòn: Tân Việt.
  50. Trần Đức Thanh Phong. 2005. “Những kinh nghiệm bản thân rút ra từ phong trào Đông Du”. Nguyệt san Mekong月刊メコン通信số 117 (tháng 3/3005): 13-14.
  51. Trần Thị Thu Hà. 2012. “Ngoại giao văn hóa và vai trò của nó đối với chính trị Việt Nam từ 1986 đến nay”. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà NộiNgoại ngữ số 28: 185-193.
  52. Từ Huệ Phần - Đường Trọng (YU Huifen-TONG Chong/余惠芬・唐翀). 2010.「论中国对东南亚的文化外交 China's Cultural Diplomacy to Southeast Asia」『暨南学报 (哲学社会科学版) Journal of Jinan University (Philosophy and Social Sciences)』总第146 期 : 252-257.
  53. Vĩnh Sính. 2001a. Việt Nam và Nhật Bản - Giao lưu văn hóa. TP Hồ Chí Minh: Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - Nxb Văn nghệ TP Hồ Chí Minh.
  54. Vĩnh Sính. 2001b (1990). “Phan Bội Châu và Asaba Sakitarô”. In trong Vĩnh Sính 2001a : 217-230.
  55. Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao Việt Nam). 2008. Kỷ yếu Hội thảo quốc gia "Ngoại giao văn hóa vì một bản sắc Việt Nam trên trường quốc tế, phục vụ hòa bình, hội nhập và phát triển bền vững (Hà Nội, ngày 15-16/10/2008)”. Tập kỷ yếu gồm 190 trang khổ A4.
  56. Yoshimoto Hideko 吉本秀子. 2013. 「パブリック・ディプロマシーの理論的枠組み構築に向けて (Building a Theoretical Framework of Public Diplomacy)」『山口県立大学学術情報』第6号: 29-38. 筑波大学人文社会科学研究科『国際日本研究』7: 153-165.

 

Chu Xuân Giao, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (132) . 2016

    Thông tin truy cập

    60792714
    Hôm nay
    Hôm qua
    Tổng truy cập
    12215
    24669
    60792714

    Thành viên trực tuyến

    Đang có 447 khách và không thành viên đang online

    Sách bán tại khoa

    • Giá: 98.000đ

      Giá: 98.000đ

    • Giá: 85.000đ

      Giá: 85.000đ

    • Giá: 190.000đ

      Giá: 190.000đ

    • Giá: 80.000đ

      Giá: 80.000đ

    • 1
    • 2
    • 3
    • 4

    Liên hệ mua sách:
    Cô Nguyễn Thị Tâm
    Điện thoại: 0906805929

    Danh mục website