Cuộc gặp gỡ sứ thần của Việt Nam và Triều Tiên ở Trung Quốc trọng tâm là chuyện xảy ra trong thế kỷ XVIII

Thực tế cho thấy sứ thần hai nước Việt Nam, Triều Tiên gặp nhau không nhiều. Từ thế kỷ X, sau khi giành được độc lập từ Trung Quốc, các triều đại của nước Việt đều cử sứ thần sang Trung Quốc triều cống. Bên cạnh đó, ở Triều Tiên từ thời Tam Quốc cũng sang Trung Quốc tuế cống. Người ta cho rằng, có lẽ cơ hội sứ thần hai nước gặp nhau ở nơi đất khách quê người này nhiều hơn sử sách ghi chép. Có thể khẳng định, cuộc gặp sớm nhất của sứ thần 2 nước là năm 1597 (Vạn Lịch 25) giữa hai nhân vật: Phùng Khắc Khoan - sứ thần Việt Nam và Lý Túy Quang - sứ thần Triều Tiên. Tiểu sử của hai sứ thần này và chuyện giao lưu giữa họ thì Kim Vĩnh Kiến đã giới thiệu từ rất sớm qua vấn đáp và thơ xướng họa của hai tác giả nói trên với tiêu đề “Chuyện vấn đáp và xướng họa của sứ thần nước An Nam”(1). Trong truyện kí của Triệu Hoàn Bích cũng có một vài bình luận về thơ của Lý Túy Quang - là nhà thơ được đánh giá cao trong văn nhân Việt Nam(2).

Cuộc gặp gỡ của sứ thần Việt - Triều mà chúng tôi nói đây thực tế đã có một vài luận văn, bài viết đề cập tới. Hơn nữa, những năm gần đây ở Việt Nam có nhiều bài nghiên cứu đề cập tới lịch sử quan hệ Việt - Triều, phần nào phản ánh quan hệ mật thiết về kinh tế của hai nước. Trong số đó có bài của Nguyễn Minh Tuân Thêm 4 bài thơ xướng họa giữa Lê Quý Đôn với sứ thần Triều Tiên đăng trên Tạp chí Hán Nôm phát hành ở Việt Nam, số 4-1999(3). Từ xưa đến nay nói về giao lưu Việt - Triều người ta chỉ chú ý tới cuộc gặp giữa Phùng và Lý. Thực ra cũng đã có các cuộc tiếp xúc như họ Phùng, họ Lý. Đó là cuộc gặp gỡ giữa Từ Hạo Tu sứ thần Triều Tiên với Lê Quý Đôn và đoàn sứ bộ Việt Nam sau này trên sông Nhiệt Hà năm 1790. Có lẽ cuộc gặp gỡ trên là cuộc gặp tiêu biểu nhất trong quan hệ giao lưu giữa 2 nước cuối thế kỷ XVIII. Tất nhiên quan hệ ngoại giao của 2 nước không chỉ dừng lại ở đây. Lần này, tìm tòi trong mảng tư liệu của Triều Tiên và Việt Nam chúng tôi phát hiện ra còn khá nhiều tư liệu đánh dấu quan hệ giao lưu của 2 nước thế kỷ XVIII. Với vấn đề này, mục đích của bài viết là muốn góp thêm vài tư liệu bổ sung vào những công trình đã được công bố và bài nghiên cứu của Nguyễn Minh Tuân nhằm làm sáng tỏ một phần thể chế triều cống ở thế kỷ XVIII.

I. Cuộc gặp của sứ thần Việt Nam và Triều Tiên năm 1760

1/ Diện mạo của 2 sứ thần.

Trước tiên chúng ta cùng xem xét cuộc gặp gỡ giữa sứ thần Triều Tiên và đoàn Lê Quý Đôn - sứ thần Việt Nam mà Nguyễn Minh Tuân đã đưa ra. Đoàn sứ thần Việt Nam dự định đến Bắc Kinh vào mùa đông năm 1760, nhưng đoàn đã lên đường chậm 1 năm do Thái Thượng Hoàng của triều Lê - Hoàng đế ý Tông mất. Theo Đại Nam sử ký toàn thư, tục biên quyển 4, mục ghi năm Cảnh Hưng 20 (1759) thì thấy ngày tháng lên đường không rõ ràng nhưng có chi tiết: "Cử Chánh sứ Trần Huy Mật, Phó sứ Lê Quý Đôn, Trịnh Xuân Thụ, sang Thanh tuế cống và báo cáo việc Hoàng đế ý Tông mất"(4).

Dưới đây xin đề cập diện mạo của sứ thần 2 nước:

1. Lê Quý Đôn (1726 - 1784) tự là Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, người xã Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ. Năm Cảnh Hưng 13 (1735) đỗ Bảng nhãn. Ông không chỉ hoạt động tích cực trong chính quyền nhà Lê thời kỳ cuối mà còn để lại nhiều tác phẩm. Trong sách Nhân vật chí của một tác giả không rõ tên tuổi đã ghi lại rất tỉ mỉ tiểu sử của ông(5).

Lê Quý Đôn (Nguồn ảnh: Internet)

2. Cùng đi với Lê Quý Đôn có Phó sứ Trịnh Xuân Thụ (1704 - ?) là người xã Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc. Năm Cảnh Hưng 9 (1748) đỗ Đệ nhị giáp(6). Ngoài việc đi sứ sang Bắc Kinh cùng đoàn Lê Quý Đôn, ông còn làm quan đến chức Đông các học sĩ, khi mất được tặng Thị độc. Ngoài tập thơ Sứ hoa học bộ thi tập ông để lại, chúng ta không biết gì hơn về ông(7). Ngay tựa đề của tập thơ dường như có ghi lại việc đi sứ sang Trung Quốc nhưng tìm trong Thư mục Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm không thấy tập thơ này.

3. Chánh sứ Trần Huy Mật (1710 - ?) người xã An Hoạch, huyện Đông Sơn, trấn Thanh Hóa, đỗ Đệ tam giáp năm Vĩnh Hựu 2 (1736). Lúc đầu ông có tên là Bá Tân, sau đổi thành Huy Mật. Lý lịch của ông không tỉ mỉ bằng Lê Quý Đôn, nhưng theo những tài liệu như Toàn thư, Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi ký, thì ông là một trong những nhân vật chính trông coi khoa cử(8). Vài năm sau đó ông bị cách chức.

Quay trở lại các sứ thần Triều Tiên. Hàng năm, phía Triều Tiên đều cử sứ thần sang Thanh triều cống. Sách Triều Tiên vương triều thực lục - cuốn sử cái của Triều Tiên không ghi chép cụ thể việc phái sứ thần đi sứ năm Càn Long 25 (1760) như thế nào. Nhưng đáng mừng là trong Đồng văn vựng khảo - tập văn kiện ngoại giao được biên soạn cuối thời Lý, chúng tôi đã tìm được phần liên quan tới vấn đề này.

Trong sách Sử hành lục, tục bổ quyển 7, mục Càn Long 25 có chép: "Từ ngày 2 - 11 đi sứ. Ngày 6 - 4 năm Tân Tỵ phục mệnh. Đoàn gồm có Chánh sứ Hồng Khải Hi - Lại tào phán thư, Phó sứ lễ tào tham phán Triệu Vinh Tiến, Thư trạng quan kiêm trì bình Lý Huy Trung", từ đây chúng ta có thể biết được khoảng thời gian lên đường và trở về của đoàn sứ thần Việt Nam.

Trong phần chú thích bài Thêm bốn bài thơ xướng họa của Lê Quý Đôn với sứ thần Triều Tiên, Nguyễn Minh Tuân không ghi chép đầy đủ về 3 nhân vật Triều Tiên. Theo Quốc triều bảng mục - sách ghi tên người đỗ đạt trong vương triều Triều Tiên, có ghi về Lý Huy Trung: "Năm Canh Ngọ 26 (1750), vào bảng Điện thí. Bảy người đỗ ất khoa có Thông Đức, Lý Huy Trung, Nhữ Thận, Tham Phan, Trực Phó, là người Toàn Châu" (quyển 16). Cũng trong Triều Tiên vương triều thực lục thấy có ghi chép tản mạn về nhân vật này. Lý Huy Trung làm quan đến chức Đại tư hiến, tên của ông ta còn lưu lại cho đến khi Chánh Tổ lên ngôi(9).

4. Phó sứ Triệu Vinh Tiến (? - 1775)(10) trong Quốc triều bảng mục (quyển 17) có ghi: "Năm Bính Tý 32 (1756) vào bảng Đình thí. Ba mươi người đỗ Bính khoa có Triệu Vinh Tiến, Nhữ Tiếp, Phán Thư là người Dương Châu". Theo Nhân vật chítrong Thư mục Hán Nôm của Việt Nam, lại là Triệu Vinh Kiến. ở đây có sự nhầm lầm giữa Tiến thành Kiến. Nhân vật này cũng làm quan đến chức Đại tư hiến(11). Tên ông còn xuất hiện trong sách Triều Tiên vương triều thực lục.

(1703 - 1771) chúng tôi sẽ không nói tập5. Chánh sứ Hồng Khải Hi trung mà đề cập trong cả 3 phần do có rất nhiều tư liệu nói về nhân vật này.

Sách Quốc triều bảng mục, quyển 16 có chép: "Năm Đinh Tỵ 13 (1737) Hồng Khải Hi vào bảng Biệt thí, một người đỗ Giáp khoa, là Nội giáo quan Hồng Khải Hi, hiệu là Thuần Phủ, kiêm Lại phán đề học, năm ất Tị vào triều, năm Tân Mão mất". Trong Triều Tiên vương triều thực lục có nhiều chỗ ghi chép về nhân vật này, phần cuối có nói chức danh của ông khi mất là Phụng Triều Hạ. Ông Woodside cũng có ghi chép về sự nghiệp của Hồng Khải Hi khi biên soạn cuốn Đông triều văn hiến bị khảo, cuốn này được biên soạn dựa trên cơ sở cuốn Tằng bổ văn hiến bị khảo(12). Hồng Khải Hi là người liên quan mật thiết tới luật quân dịch thi hành năm 1750 mà mục tiêu là cải cách quân chế và tài chính. Ông tham gia biên tập cuốn Quân dịch sự thực phát hành năm 1752, và cuốn Tam vận thanh vựng phát hành năm 1751. Cuốn Tam vận thanh vựng chúng tôi chưa được xem qua nên không nắm được nội dung như thế nào, nhưng xem xét từ năm phát hành thì có thể thấy người ta đã không ghi chép gì về việc giao lưu với đoàn Lê Quý Đôn - sứ thần Việt Nam. Dù có tham gia những việc nói trên, nhưng Hồng Khải Hi chỉ thực sự nổi tiếng khi ông đến Nhật Bản với chức danh Chánh sứ Thông tín sứ. Thông tín sứ lần này được phái đi năm Enkyo (Diên hưởng) 5 (1748) nhân dịp chúc mừng Ieshige kế nghiệp cha. Ieshige là con trai trưởng của tướng quân đời thứ 8 Yoshimune Shogun thoái vị năm Enkyo 2 (tháng 9/1745). Đã có một vài nghiên cứu về Thông tín sử Triều Tiên năm Enkyo 5 này(13).

Hoạt động của viên Thông tín sứ Triều Tiên lần này được ghi lại qua cuốn Phụng sứ thời Nhật Bản văn kiến lục của Tào Mệnh Thái - người cùng đi sứ với Hồng Khải Hi, ngoài ra có thể biết rõ hơn qua nhiều tư liệu còn lại ở Nhật Bản như cuốnTùy sai nhật lục của Hồng Cảnh Hải để lại chúng ta được biết tường tận hơn. Hồng Cảnh Hải là con trai thứ của Hồng Khải Hi, ông làm tướng quân, và đảm nhận công việc phiên dịch khi đi sứ cùng với cha. Cũng giống như các Thông tín sứ và Hồi đáp loát hoàn sứ đã từng được cử đi sứ trong lịch sử, Thông tín sứ Triều Tiên - Chánh sứ Hồng Khải Hi cũng có nhiều cuộc gặp gỡ giao lưu văn hóa ở một số nơi của Nhật Bản(14). Tại Nhật Bản hiện vẫn còn một vài bài thơ là bút tích của Hồng Khải Hi.

Những người như Hồng Khải Hi sang Bắc Kinh năm 1760 đều là những người đã từng sang Nhật Bản nên có thể gọi họ là Người quốc tế của thế giới Đông á đương thời. Và đương nhiên đoàn đại biểu của Việt Nam, Triều Tiên lúc đó không chỉ là đoàn chính trị, mà còn là đoàn văn nhân. Tuy nhiên trong tập thơ Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn chúng tôi không tìm thấy đoạn nào nói tới việc Hồng Khải Hi kể lại các chuyến thăm Nhật của ông trong cuộc giao lưu với sứ thần Việt Nam.

2/ Giao lưu của đoàn sứ thần hai nước qua Kiến văn tiểu lục.

Theo Nguyễn Minh Tuân tổng cộng có 7 bài thơ xướng họa trong cuộc gặp gỡ giữa sứ thần hai nước, trong bài nghiên cứu đó giới thiệu 4 bài thơ chưa từng được công bố đó là: Tống Triều Tiên quốc sứ của Lê Quý Đôn (2 bài); Triều Tiên quốc sứ Hồng Khải Hi họa thi của Hồng Khải Hi và bài Lý Huy Trung họa thi của Lý Huy Trung.

Qua tìm hiểu tư liệu phía Việt Nam có 5 đầu sách ghi lại cuộc gặp gỡ của sứ thần hai nước năm 1760: Quế Đường thi tập,có 7 bài thơ ghi lại cuộc gặp gỡ giữa các sứ thần Triều Tiên và đoàn Lê Quý Đôn. Bắc sứ thông lục, hiện còn quyển 1 và 4, nhưng chỉ có quyển 4 ghi chép về quan hệ giao lưu với sứ thần Triều Tiên. Thánh Mô hiền phạm lục và Quần thư khảo biện, 2 cuốn sách này có đăng bài tựa của Hồng Khải Hi. Trong Quần thư khảo biện có 2 bài thơ, một bài của Hồng Khải Hi và một bài của Lý Huy Trung và Kiến văn tiểu lục.

Bây giờ chúng ta hãy thử xem xét cuộc gặp của đoàn sứ bộ hai nước qua sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn. Sách mà chúng tôi sử dụng là cuốn Kiến văn tiểu lục, kí hiệu VHv.1322. Mặc dù có chỗ phải đoán nhưng phần nào cũng có thể hiểu được nội dung của nó. Dưới đây xin đưa ra những phần có đề cập tới quan hệ giao lưu giữa sứ thần hai nước. Đầu cuốn sách viết: “Nước Cao Ly về thời Đường thuộc An Đông đô hộ phủ. Đến thời Thạch Tấn, Vương Kiến mới khôi phục lại nước, bao gồm Tân La và Bách Tế vào trong bản đồ. Trải qua đời Tống, đời Nguyên đến đầu đời Minh Thái Tổ mới bị diệt. Họ Lý lên thay ngôi lấy niên hiệu cũ là Triều Tiên. Từ Đại Minh đến nay trải qua gần 900 năm, mới chỉ có hai họ thay ngôi vua, đó cũng là điều khiến Trung Quốc phải hổ thẹn. Người dân hiền lành cẩn thận, ham đọc sách, thạo văn học, trọng nghi lễ. Sứ thần nước Việt ta trong thời gian đi sứ Bắc Kinh, cùng với sứ nước họ có qua lại, tặng thơ xướng họa cho nhau. Trong năm Vạn Lịch, sứ ta là Phùng Khắc Khoan và sứ Triều Tiên Lý Túy Quang cùng xướng họa. Túy Quang viết tự cho tập thơ của Phùng Công (tức Phùng Khắc Khoan). Mùa đông năm Canh Thìn niên hiệu Cảnh Hưng, ta và Trần Huy Mật, Trịnh Xuân Thụ, đến Yên Kinh. Hôm trừ tịch, gặp sứ nước ấy là Hồng Khải Hi, Triệu Vinh Tiến, Lý Huy Trung ở Hồng Lô quán. Bày tiệc bút đàm, càng tăng thêm tình hữu hảo, sau khi về quán, lại sai 2 vị thiếu khanh mang thổ sản đến tặng”.

Lê Quý Đôn không chỉ biểu lộ sự ngạc nhiên của mình về việc vương triều Triều Tiên chỉ thay đổi hai lần trong vòng 900 năm, mà còn đánh giá tốt phong cách của người Triều Tiên. Ông cũng ghi lại cuộc gặp gỡ giữa 2 nhân vật Phùng và Lý, đại diện tiêu biểu của hai nước Việt - Triều: “Năm mới, lại sai 3 người con là Hồng Tán Hối, Triệu Quang Quỳ, Lý Thương Phượng đến chúc mừng, lưu lại kinh 2 tháng thư từ qua lại đều hay cả. Đêm giao thừa gửi một bức thư rằng: Từng xem bản đồ biết đến quý bang, Đông Nam xa cách, chỉ e trân ngựa đuổi nhau cũng không kịp. Nay được gặp, ngồi cùng chiếu mà thực chẳng ngờ, vội vàng không chỉnh đốn, nhớ mong khôn xiết. Trước khi chia tay, được người nhà trao cho bức thư quí báu. Khi trở về mở ra xem thấy trong đó có ý rất khiêm tốn và trịnh trọng, quý hóa khôn xiết. Xây lầu cao, đón bạn hiền bọn chúng tôi lẽ nào lại không có cái ý như thế, ngặt vì công việc nên đều không gặp được nhau, vì thế lấy làm hận. Quạt giấy là sản phẩm đặc biệt của nước chúng tôi nên dùng nó để ghi lại di ý của Ngô Cảo và Trịnh Trữ. Rất mong ngài giữ lấy”.

Ở đây, chúng tôi muốn nói tới 3 nhân vật phía Triều Tiên được cử sang làm sứ giả ở Việt Nam nhân dịp năm mới. Thứ nhất là Triệu Quang Quỳ - con trai thứ của Phó sứ Triệu Vinh Tiến. Trong đoạn nói về Triệu Vinh Tiến sách Quốc triều nhân vật chí xuất bản năm Long Hi 3 (1909) cuối thời Lý có ghi như sau: "Ông có 3 em trai, xương Quỳ đỗ Văn khoa làm chức Đại Tư Gián, Quang Quỳ giữ chức Quận Thủ, Tường Quỳ giữ chức Đô Chính". Thứ 2 là Lý Thương Phượng theoQuốc triều bảng mục là con trai của Lý Huy Trung. Thứ 3 là Hồng Toản Hối là con trai thứ 4 của Chánh sứ Hồng Khải Hi.

Tiếp đó có tiểu dẫn của Hồng Khải Hi đáp thơ của Trần Huy Mật và 4 tiểu dẫn được coi là của Hồng Khải Hi viết cho Lê Quý Đôn, Trịnh Xuân Thụ, Trần Huy Mật, và một tiểu dẫn của Lý Huy Trung cho 3 sứ thần Việt Nam. Tất cả các đoạn này đều nói về niềm vui khi gặp nhau, nỗi buồn khi xa nhau của sứ thần hai nước. Nếu nhìn nhận như vậy thì người ta có cảm giác là sứ thần hai nước đã xã giao rất kiểu cách, ngoại giao khuôn sáo. Nhưng thực tế sứ thần 2 nước không chỉ làm thơ tặng nhau, mà họ còn viết thư cho nhau, giống với cách làm của các sứ thần nước khác.

Dưới đây là phần trích dẫn một số đoạn nhỏ: “Kẻ quê mùa này có tác phẩm kém cỏi là Quần thư khảo biện và Thánh mô hiền phạm lục, cùng Tiêu tương bách vịnh thi. Hồng Thượng thư có giúp đỡ. Lý học sĩ cũng viết tựa cho Bách vịnh tự thi.Về sau lại đưa cho quan Khâm sai Bạn Tống Lang Trung là Tần Triều Châm xem giúp, họ Tần khen là có văn phong hay, sắc thái sáng sủa”.

Như đã nói ở trên, trong Quần thư khảo biện và Thánh mô hiền phạm lục, có lời tựa của Hồng Khải Hi. Còn tập thơ Tiêu tương bách vịnh, theo Nguyễn Minh Tuân không còn nữa. Và sau cùng là: “Năm Quý Tỵ bạn đồng niên của ta là Nguyễn Diêu phụng đi sứ sang Bắc Kinh, có gặp Phó sứ Triều Tiên Lý Trí Trung, người này nhận mình là cháu của Lý Huy Trung học sĩ. Trí Trung lại nói chuyện là chú mình cùng Lê Quế Đường của Quý quốc kết bạn văn chương. Nay có bức thư gửi cho tôi có ý hỏi thăm tới kẻ quê mùa nay đang giữ chức gì, mong cho được bình an”.

Năm Quý Tỵ tức năm 1773. ở đây Lý Chí Trung biết rằng trước đây Lê Quý Đôn và chú mình đã từng giao lưu gặp gỡ với nhau tại Bắc Kinh, nên khi gặp có đề cập tới việc này. Theo Quốc triều bảng mục Lý Chí Trung thi đỗ năm Anh Tổ Tân Tỵ (1761). Mùa đông năm 1772 ông được nhận chức Lại tào phán thư, được phái đi sứ sang Bắc Kinh. Năm đó phía Việt Nam cũng sang Thanh tuế cống, trong đoàn có Chánh sứ Đoàn Nguyễn Thục và Phó sứ Vũ Huy Đình(15).

Thêm nhân vật nữa là Nguyễn Diêu (1728 - ?) theo Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi ký thấy tên của người này có trong Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (khoa Cảnh Hưng thứ 13 (1752) cùng Lê Quý Đôn). Người này nguyên là Nguyễn Xuân Huyên, người xã Hoàng Xá, huyện Thư Trì, trấn Sơn Nam hạ.

Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn dùng những lời hay ý đẹp để nói về sứ thần Triều Tiên. Còn phía Triều Tiên đánh giá, nhìn nhận sứ thần Việt Nam như thế nào ? Thật đáng tiếc là người ta không tìm thấy tài liệu gì ghi chép về chuyến sang Bắc Kinh lần này của đoàn Triều Tiên. Nhưng trong Đồng văn vựng khảo bổ biên quyển 5 mục sứ thần biệt đơn, có đăng sơ lược về ghi chép của Chánh sứ Hồng Khải Hi và Phó sứ Triệu Vinh Tiến: “Nước An Nam, Nam Chưởng (quan lại nước Nam) đã có chế độ về mũ áo. Người An Nam lấy lụa mỏng làm mũ áo, hơi giống với nước ta. Chỉ có điều họ búi tóc. Nam Chưởng vốn là đất cũ của họ Việt Thường, họ lấy tơ vàng làm mũ áo, chế độ rất khác thường. Mũ làm bằng gấm vàng như Thác Tử (đeo thêm một đoạn đuôi), trang điểm thêm vàng để rủ ra phía sau, tóc buông như người An Nam. Cách ăn mặc của người phương Nam đại thể khác xa như thế. Điều này cho chúng ta cảm giác là đã nhìn thấy bóng dáng đoàn Lê Quý Đôn - sứ thần Việt Nam, trong nguồn tư liệu ở Triều Tiên.

II. Cuộc gặp gỡ khác của sứ thần Việt Nam và Triều Tiên

Bài nghiên cứu của Nguyễn Minh Tuân chỉ nói tới cuộc gặp gỡ của sứ thần 2 nước trong năm 1760 và Woodside cũng chỉ đề cập đến cuộc gặp của đoàn sứ thần Việt Nam và Triều Tiên năm 1760 tiêu biểu là hai nhân vật Phùng Khắc Khoan và Lý Túy Quang. Thế nhưng, sứ thần 2 nước không chỉ gặp nhau 2 lần này. Trong bài viết này, chúng tôi cũng không thể đưa ra những khảo sát sâu sắc hơn về mối quan hệ đó do bài viết có giới hạn, nhưng chúng tôi cũng cứ mạnh dạn đưa ra một vài nhận định sau:

Trong Hoàng Việt thi tuyển quyển 5 tập hợp các bài thơ của Việt Nam từ thời Lý đến cuối thời Lê có đăng 2 bài thơ thất ngôn của Nguyễn Công Ngột (1680-1732) viết về Lý Thế Cẩn và Dụ Tập Nhất. Nguyễn Công Ngột là người xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc. Ông là một trong 15 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, năm 1700(16). Ông là nhân vật trung tâm của Luật cải cách hàng loạt tiến hành trong những năm 1720-1729. Năm 1732 mất chức, ông bị buộc phải tự sát(17). Theo Toàn thi năm Vĩnh Thịnh 14 (1718), cụ thể tháng 4-1718 ông rời Việt Nam, trở về nước tháng 9 năm sau(18).

Trong Túc tông thực lục, quyển 63 nói về Lý Thế Cẩn và Dụ Tập Nhất mà Nguyễn Công Ngột có làm thơ tặng, mục chép tháng 3-1719 có nói: Mùa đông năm ất Mùi, Chánh sứ Dụ Tập Nhất và Phó sứ Lý Thế Cẩn cùng bọn Trạng quan Trịnh Tích Tam từ Yên Kinh trở về. Theo Quốc triều bảng mục, Dụ Tập Nhất thi đỗ năm Canh Thân niên hiệu Túc Tông (1680), tháng 3-1718 nhận chức Hình tào phán thư làm Chánh sứ đi cống Thanh. Còn Lý Thế Cẩn thi đỗ năm Đinh Sửu niên hiệu Túc Tông (1697), 1718 nhận chức Lễ tào phán thư, và các nhân vật này đều được phái sang Bắc Kinh.

Sách Hoàng Việt thi tuyển quyển 6 có thơ Hồ Sĩ Đống (1739-1795) tặng các sứ thần Triều Tiên là Lý Quang, Trịnh Vũ Thuần, Y Phường khi về nước. Hồ Sĩ Đống là người xã Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, trấn Nghệ An. Năm Cảnh Hưng 3 (1772) đỗ Tiến sĩ đệ nhị giáp. Trong khoa thi này Lê Quý Đôn làm giám thị. Từ năm Cảnh Hưng 39 (1778) Hồ Sĩ Đống được cử đi cống. Sách Toàn thư không ghi chép việc sứ thần đi sứ, nhưng trong phần Chính biên quyển 45 Khâm định Việt sử thông giám cương mục, mục ghi năm Cảnh Hưng 38 (năm 1777) có chép: “Mùa đông tháng 12 sai bọn Tả thị lang Vũ Trần Thiệu đi sứ sang Thanh”. Trong Lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có ghi đoàn sứ thần Việt Nam đi cống là tháng 5 - 1778(19), có lẽ ghi lại theo cuốn Đại Thanh lịch triều thực lục.

Về Đông Chí sứ người Triều Tiên sang Bắc Kinh tháng 1-1778, trong Chính tổ thực lục quyển 4, mục ghi tháng 10 niên hiệu Chánh Tổ 1: Năm Mậu Tuất, cho mời Đông chí và Trần tấu cùng Chánh sứ Hà Ân Quân Quang, Phó sứ Lý Khôn, Thư Trạng quan Lý Tại Học đến để từ biệt vua. Vậy nhân vật Lý Quang trong Hoàng Việt thi tập phải chăng chính là Hà Ân Quân Lý Quang ? Rõ ràng là không có sự thống nhất giữa tên của người mà Hồ Sĩ Đống tặng thơ với các nhân vật khác ngoại trừ Lý Quang. Theo sách Triều Tiên vương triều thực lục thấy có quyết định phái cử 3 người là Lý Quang, Trịnh Vũ Thuần và Y Phường đi sứ năm Chánh Tổ 2 (tháng 9-1778)(20). Một năm sau, tháng 1-1779 thì vào triều. Cuối năm 1777 đoàn Hồ Sĩ Đống - sứ thần Việt Nam lên đường nếu gặp đoàn Lý Quang, Trịnh Vũ Thuần, Y Phường - sứ thần Triều Tiên, thì phía Việt Nam ắt phải ở lại Trung Quốc đến cuối năm 1778.

Thơ xướng họa của Hồ Sĩ Đống ngoài Hoàng Việt thi tuyển, còn có cả trong Lãnh trai thư tịnh thế tập quyển 2 của Phác Đắc Cung. Chính Phác Đắc Cung được sang Bắc Kinh với tư cách là Thứ tu của Phó sứ tiến hạ. Ông để lại một tác phẩm mang tên Lục Dương lạc. Về thơ cũng gần giống với thơ trong Hoàng Việt thi tuyển nhưng trong đó có chép: Một ngày sau tiết lập xuân năm Mậu Tuất sứ thần Triều Tiên Y Phán Thư phụng trình và người tặng thơ hoàn toàn khác với người tặng trong Hoàng Việt thi tuyển. Ở đây năm Mậu Tuất chính là năm 1778. Nếu tiêu đề này đúng thì sứ thần 2 nước đã phải gặp nhau ở Bắc Kinh vào tiết Lập xuân năm 1778. Hiện nay cũng chưa có cách nào để lấp đi sự chênh lệch về thời gian này. Có lẽ sứ thần 2 nước đã gặp nhau từ cuối năm 1778 đến đầu năm 1779, hay sự ghi nhận của Phác Đắc Cung ngày lập xuân năm Mậu Tuất là sai ? Chúng ta đành chờ đợi những công trình nghiên cứu sau này. Nhân đây xin nói thêm khi đoàn Hồ Sĩ Đống vào triều người ta đã phát hiện ra một nhân vật giả dạng người Thanh từ tóc tai đến hình dáng, giả làm gia nhân Hồ Sĩ Đống trà trộn vào đoàn sứ thần Việt Nam nên đã xảy ra nhiều vấn đề lớn. Về phía Triều Tiên, Trịnh Vũ Thuần thi đỗ năm Nhâm Thìn niên hiệu Anh Tổ (1772), ông được giữ chức Tạ ân sứ thư trạng quan (Chấp nghĩa). Thêm nữa, nhân vật Y Phường thi đỗ năm Tân Mùi thời Anh Tổ (1751), ông nhận chức Tạ ân sứ phó sứ (Lễ tào Phán thư).

Sau cùng trong quyển 6 Hoàng Việt thi tuyển có đăng thơ xướng họa của Đoàn Nguyễn Thục bài Tống Triều Tiên quốc sứ Y Đông Thăng, Lý Chí Trung. Đoàn Nguyễn Thục (1728-1783) là người xã Hải Yên, huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam hạ. Cũng như Lê Quý Đôn và Nguyễn Diêu, năm 1752 niên hiệu Cảnh Hưng 13 ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Năm Cảnh Hưng 34 (1773) Đoàn Nguyễn Thục được cử làm Chánh sứ đi Bắc Kinh. Lý Chí Trung xướng họa cùng Đoàn Nguyễn Thục, cũng trao đổi trò chuyện với Nguyễn Diêu. Lý Chí Trung lại chính là cháu của Lý Huy Trung - người mà Lê Quý Đôn đã từng trò chuyện. Lê Quý Đôn đã đề cập đến cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Diêu và Lý Chí Trung cùng thời gian đó trong Kiến văn tiểu lục, nhưng không nói đến cuộc gặp gỡ của Đoàn Nguyễn Thục với sứ thần Triều Tiên. Còn nhân vật Y Đông Thăng thi đỗ năm Mậu Dần thời Anh Tổ (1746), sứ thần lần này nhận chức Tiến hạ tạ ân kiêm Tam tiết niên cống hành phó sứ (Lễ tào Phán thư).

Ngay cả phía Triều Tiên cũng có một vài tư liệu đánh dấu quan hệ giao lưu của 2 nước. Trong Lãnh trai thư phổ thế tậpquyển 2 của Phác Đắc Cung, ngoài những bài thơ xướng họa của Hồ Sĩ Đống còn có cả thơ của Nguyễn Trọng Đương (1724 - 1786). Nguyễn Trọng Đương người xã Trung Cần, huyện Thanh Chương, trấn Nghệ An. Năm Cảnh Hưng 30 (1769) đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Năm đó Trần Huy Mật có tham gia coi thi. Theo Việt Nam khoa bảng lục hội yếu, năm 1761 Nguyễn Trọng Đương sang triều Thanh(21), nhưng năm 1761 Nguyễn Trọng Đương vẫn chưa thi đỗ, nên Nguyễn Trọng Đương không thể có mặt trong đoàn sứ bộ của Lê Quý Đôn. Nhưng bài Phụng trình sứ thần Triều Tiên Y Phán Thư của ông ta lại có trong Lãnh trai thư tịnh thế tập. Ở đây nhân vật Y Phán Thư mà Nguyễn Trọng Đương tặng thơ có phải là nhân vật Y Phán Thư mà Hồ Sĩ Đống tặng thơ bài Phụng trình sứ thần Triều Tiên Y Phán Thư ? Theo Đồng văn vựng khảo Y Phường nhập triều với chức Phó sứ (Lễ tào phán thư), nhưng nhân vật Y Đông Thăng mà Đoàn Nguyễn Thục tặng thơ khi gặp tại Bắc Kinh năm 1773, cũng có chức danh là Phó sứ (Lễ tào phán thư). Phải chăng Nguyễn Trọng Đương đã có mặt trong đoàn sứ thần của Đoàn Nguyễn Thục năm 1773, hay đoàn Hồ Sĩ Đống năm 1778 ? Sau đó, ông ta bị chết trận năm 1786 khi đánh nhau với quân Tây Sơn - Nguyễn Huệ trên đất Bắc(22).

Trong Lãnh trai thư tịnh thế tập của Phác Đắc Cung có bài thơ của 3 sứ thần Việt Nam. Thơ của 3 người này đều làm khi dự lễ mừng thọ Hoàng đế Càn Long 80 tuổi năm Càn Long 55 (1790) cùng với Nguyễn Huệ - Quốc vương nước An Nam.

1. Thơ của Phan Huy ích (1751-1822) có tựa đề Phụng trình Triều Tiên quốc tiến hạ sứ Từ Phán Thư. Phan Huy ích là người xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An, là nhà chính trị trong thời kỳ đầu của nhà Nguyễn, là cha đẻ của Phan Huy Chú - nhà văn, nhà chính trị thời kì đầu nhà Nguyễn. Ông thi đỗ cuối thời Lê, tức năm Cảnh Hưng 38 (1775), nhưng lại tham gia chính quyền Tây Sơn trên đất bắc. Năm 1790 ông được cử sang Bắc Kinh, giúp Nguyễn Huệ được sắc phong là vua nước An Nam. Nguyễn Huệ là người đã tiêu diệt nhà Lê xây dựng nhà Tây Sơn. Do không muốn giữ mãi quan hệ căng thẳng với triều Thanh khi Nguyễn Huệ đã đại phá được quân Thanh xâm lược do nhà Lê cầu cứu, một mặt ở trong nước phía nam lại mâu thuẫn với anh trai Nguyễn Văn Nhạc, mặt khác cũng phải khống chế Nguyễn Phúc ánh - một gia tộc họ Nguyễn ở Quảng Nam bị nhà Tây Sơn tiêu diệt lại đang có ý định khôi phục lực lượng, mưu đồ làm phản, nên Nguyễn Huệ đã diễn vở kịch cho cháu thay mình, giả làm vua An Nam sang yết kiến hoàng đế Càn Long(23).

2. Thơ của Vũ Huy Tấn. Về tiểu sử của ông ta trong sách Toàn thư tục biên quyển 5 năm Chiêu Thống 2, mục ghi tháng 8-1788: Mùa thu tháng 8, tặc tướng Ngô Văn Sở sai khiến bọn bề tôi cũ của nhà Lê là Nguyễn Nha, Trần Bá Lãm, Vũ Huy Tấn... mang thư của Sùng Công sang gõ cửa nhà Thanh, đến Bắc Kinh đường tắc không đi được. Vũ Huy Tấn đã từng là bề tôi của nhà Lê, nhưng ông cũng ở lại tham gia chính quyền Tây Sơn cùng với Phan Huy ích. Thơ của ông có tựa đềPhụng trình Triều Tiên quốc sứ Từ Phán Thư. Người ta cho rằng nhân vật Từ Phán Thư này là nhân vật mà Phan Huy ích tặng thơ nói trên. Và phải chăng năm Càn Long 55, Từ Hạo Tu đã sang Nhiệt Hà với chức danh Tiến hạ phó sứ(24). Nếu như vậy, bài thơ này của Vũ Huy Tấn chắc chắn được làm vào mùa hạ năm Càn Long 55. Thế nhưng, sách Đại Thanh lịch triều thực lục. Cao Tông Thuần hoàng đế thực lục quyển 1335 có ghi: Mậu Thân tháng 7, năm Càn Long 54 (1789) Chánh sứ nước Nam là Nguyễn Quang Hiển và Phó sứ Nguyễn Hữu Điều cùng bọn Vũ Huy Tấn vào chầu vua. Như vậy, Vũ Huy Tấn được Nguyễn Huệ phái sang Trung Quốc năm 1789(25). Một năm sau, tháng 7 năm Càn Long 55 tổ chức lễ chúc thọ Hoàng đế Càn Long 80 tuổi, nhân dịp này Nguyễn Huệ cũng vào hành cung Nhiệt Hà yết kiến để được sắc phong An Nam quốc vương. Hay Vũ Huy Tấn sau khi vào triều năm 1789, đã không trở về nước ở lại cho đến năm sau, tức là năm Nguyễn Huệ nhập triều để tham dự lễ chúc thọ hoàng đế Càn Long 80 tuổi, nên có thể Vũ Huy Tấn đã gặp gỡ bọn Từ Hạo Tu - sứ thần Triều Tiên ?

3. Thơ của Đào Kim Chung, theo Lãnh trai thư phổ thế tập, có sáng tác bài thơ Kính hòa Triều Tiên quốc phác Kiểm Thư.Tiểu sử của người này không rõ ràng, nhưng Phác Kiểm Thư có thể là Phác Đắc Cung ?

Ngoài ra, trong Yên hành ký của Từ Hạo Tu đã ghi lại rất tỉ mỉ quan hệ giao lưu giữa Nguyễn Huệ - Quốc vương An Nam với các sứ thần Triều Tiên ở Nhiệt Hà, chúng ta cần phải có cơ hội khác để xác định rõ hơn vấn đề này.

Chúng tôi còn có tư liệu đánh dấu quan hệ giao lưu giữa sứ thần 2 nước ở Nhiệt Hà năm Càn Long 55, tư liệu này làTrinh Tô thi tập của Phác Tề Gia. Trong quyển 3 này có đăng 2 bài thơ mang tựa đề Tặng Lại bộ Thượng thư Phan Huy ích, Hiệt Trạch Hầu, Công bộ Thượng thư Vũ Huy Tấn và bài Thứ vận Phan Huy ích đẳng, đại phó sứ tác. Như vậy, phía Việt Nam một mặt diễn vở đưa vua giả vào triều, đồng thời cho sứ thần nước mình giao lưu văn hóa với các sứ thần Triều Tiên.

Lời kết

Sau thế kỷ XVIII có rất nhiều tư liệu ghi chép lại việc sứ thần 2 nước giao lưu, dường như 2 bên đã để ý tới sự tồn tại của mỗi nước. Như trong bức thư Lê Quý Đôn gửi sứ thần Triều Tiên có nhan đề Tằng nhân đồ kinh tri hữu quý bang (qua bản đồ biết quý bang) thì sự tồn tại chỉ được biết trên sách vở, hiện nay và thực tế đã trở thành sự tồn tại trước mắt chúng ta. Xu hướng này cũng không thay đổi ngay cả nhà Nguyễn thay nhà Tây Sơn nắm chính quyền ở đầu thế kỷ XIX , thực hiện công việc triều cống Trung Quốc. Theo Thư mục sách Hán Nôm của Viện nghiên cứu Hán Nôm tìm thấy một vài tư liệu ghi lại việc giao lưu của sứ 2 nước. Ngoài ra trong Yên hành lục của Triều Tiên có thể cũng có ghi chép việc giao lưu của sứ thần 2 nước.

Mặc dù vậy, đoàn Triều Tiên sang Trung Quốc hàng năm không chỉ đơn thuần là triều cống, buôn bán mà mục tiêu chính là thu thập thông tin. Điều này đã đóng góp một vai trò lớn trong việc định hình môn Thực học ở Triều Tiên. Còn ở Việt Nam việc cử đi sứ mấy năm một lần thì như thế nào? Có lẽ không thấy vai trò như vậy ở Việt Nam thế kỷ XVIII - thế kỷ mà Lê Quý Đôn và những người khác đã hoạt động ngoại giao rất tích cực cho dù các chuyến đi sứ còn ít. Còn Từ Hạo Tu giao lưu với Nguyễn Huệ tại Nhiệt Hà năm 1790 và Chánh sứ Hoàng Nhân Điểm - cấp trên của Từ Hạo Tu đã được phái sang Trung Quốc vài lần. Có thể coi những nhân vật này là chuyên gia trong vấn đề ngoại giao với Trung Quốc. Nhưng ở Việt Nam hiếm thấy có nhân vật nào lại được phái sang Trung Quốc nhiều lần như vậy.

Song song với việc đàm phán ngoại giao căng thẳng, phức tạp, các sứ thần cũng nhộn nhịp triển khai giao lưu văn hóa. Mặc dù từ những bài văn, bài thơ sứ thần 2 nước trao đổi cho nhau chúng ta không hề nhận thấy cảm giác khẩn trương hay căng thẳng. Thậm chí xem nội dung thơ xướng họa chỉ thấy mang tính xã giao nhạt nhèo. Nhưng qua đây chúng ta có thể biết được điều kiện cần thiết đối với một nhà ngoại giao là có thể trao đổi những bài thơ kiểu như thế này. Thông qua giao lưu như vậy 2 bên Việt Nam - Triều Tiên trao đổi được những thông tin gì, thực thế chúng ta cũng không biết chính xác. Và thông tin cá nhân thu nhận được có lẽ khác với những báo cáo chính thức. Chẳng hạn như: Báo cáo của sứ thần Triều Tiên đến vua là nhà Lê bị diệt vong vì quân Tây Sơn nắm chính quyền, sự can thiệp của triều Thanh, quá trình hỗn loạn ở Việt Nam cho đến khi vua An Nam nhập triều... tất cả đều không có sự khác biệt lớn với công bố chính thức của triều Thanh(26). Và tất nhiên sứ thần Triều Tiên đã báo cáo thông tin triều Thanh một cách chính xác. Nhưng rất tiếc là chúng tôi không được biết phía Việt Nam báo cáo thông tin của Triều Tiên như thế nào đối với triều đình Việt Nam.

Bài viết này chúng tôi giới thiệu quan hệ ngoại giao của sứ thần 2 nước Việt - Triều không chỉ đơn thuần là nắm bắt lịch sử giao lưu của 2 nước, mà còn muốn xem xét trong ngoại giao, những vấn đề giao lưu của các văn nhân Trung Quốc với sứ Triều Tiên, giao lưu giữa văn nhân Nhật Bản với Thông tín sử Triều Tiên và giao lưu giữa sứ thần Việt Nam với các văn nhân Trung Quốc, rộng hơn là giao lưu văn hóa - ngoại giao khu vực Đông á trong đó có cả Lưu Cầu (Okinawa)...(**)

Lương Thị Thu dịch
Nguyễn Thị Oanh hiệu đính

CHÚ THÍCH

(*) TCHN cho dịch và công bố bài viết của Shimizu Taro - Viện Nghiên cứu Bắc Đông á Đại học Nữ tử Tottori vào mục Tư liệu tham khảo. Nhưng chúng tôi có lược bỏ đôi chỗ, xin thông báo để tác giả và độc giả biết.

(1) Kim Vĩnh Kiến, Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản, Nxb. Phú Sơn Phòng 1943, tr.235-242. Xem thêm Chi phong tiên sinh tập quyển 5: Ghi chép chuyện vấn đáp của sứ thần An Nam khi được phái đi sứ Bắc Kinh mùa đông năm Đinh Dậu.

(2) Tham khảo cuốn trên của Kim Vĩnh Kiến và bài Truyện Triệu Hoàn Bích người Triều Tiên vượt biển sang Đông Nam Ãcủa IwayoiSeiichi (Nham Sinh Thành Nhất), đăng trên Triều Tiên học báo, số 6/1954. Cùng với Đông Nam Á và việc người Triều Tiên bị bắt sang Nhật do cuộc xâm lược Triều Tiên của Toyotomi Hideyoshi, của Katakura Hinoru trongNghiên cứu của người Triều Tiên vượt biển sang Nhật thời kì cận đại tháng 3/1991, tr.175-185.

(3) Nguyễn Minh Tuân “Thêm bốn bài thơ xướng họa giữa Lê Quý Đôn với sứ thần Triều Tiên”, Tạp chí Hán Nôm, số 4 (41)-1999.

(4) Sách Toàn thư do Trần Kinh Hòa hiệu hợp bản, 3 quyển, Viện NC Văn hóa Đông Dương Đại học Tokyo, thuộc Trung tâm Văn hiến Đông Dương học, phát hành, 1984-1989. Về quan hệ triều cống của nhà Thanh với nhà Lê hậu kì xin xem thêm cuốn Lịch sử quan hệ Việt - Trung từ thời họ Khúc cho đến chiến tranh Pháp - Thanh, của Yamamoto Tatsuro, Nxb. Yamakawa, 1975. Chương 7: Quan hệ nhà Thanh với nhà Lê hậu kì, mục thứ nhất: Quan hệ triều cống.

(5) Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san thể loại tiểu thuyết, bút kí 6 sách gồm: Nam ông mộng lục, Nam thiên trung nghĩa thực lục, Nhân vật chí - Trần Khánh Hạo, Vương Tam Khánh chủ biên. Học viện Viễn đông Pháp -Thư cục Đài Loan Đài Bắc -Trung Hoa dân quốc 76 xuất bản.

(6) Toàn thư, tục biên quyển 4, mục Cảnh Hưng 9: Tháng 3, Hội thí, lấy đỗ bọn Vũ Miên 13 người. Ngự thí, Nguyễn Huy Oánh Tiến sĩ cập đệ đỗ Đệ tam danh, Trịnh Xuân Thụ Tiến sĩ xuất thân và bọn Vũ Miên 11 người cùng đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân.

(7) Ngô Đức Thọ Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1993.

(8) Cao Viên Trai - Võ Oanh dịch Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi kí, Bộ giáo dục, Trung tâm học liệu xuất bản, Sài gòn, 1969.

(9) Triều Tiên vương triều thực lục - Anh Tổ đại vương thực lục quyển 121. Mục ghi tháng 11 năm Quý Tỵ (1773): Cho Lý Huy Trung làm chức Đại tư hiến... Mục ghi tháng 9 năm Bính Thân Chánh Tổ lên ngôi: Năm Canh Dần cho mời gặp vào ngày sinh nhật, có thăm hỏi các bậc khanh tướng... Lí Huy Trung...

(10) Về năm mất của Triệu Vĩnh Tiến mục ghi tháng 11 năm ất Mùi năm thứ 51 cuốn Anh Tổ thực lục: Kỉ Hợi... (Hồng) Lân Hán Nhật, Triệu Vinh Tiến, Lí Đàm đều qua đời. Hoàng thượng kinh ngạc mới hỏi lại "Có phải Nhật chăng", rằng: "Thưa đúng như vậy" ? Vua than tiếc mãi không thôi. Nay mất 3 bề tôi, lòng ta nhớ thương không kể xiết. Bèn làm bài văn tế, sai quan lễ đến tế cả 3 nhà.

(11) Anh tổ thực lục, quyển 118, mục tháng 3 năm Nhâm Thìn, năm thứ 48.

(12) A.B. Woodside, Vietnam and Chinese Model" A Comparative Study of Vietnamese and Chinese Government in the First Half of the Nineteenth Century. Canbridge. Mass. Harvard Univ Press, Paperback Edition,1988. Preface to the Paperback Edition.

(13) Được tóm tắt trong Ghi chép về tình hữu hảo và mối quan hệ láng giềng thân thiện; Đại hệ Triều Tiên thông tín sứ; năm Enkyo, Mậu Thìn, quyển 6, do Tân Cơ Tú và Trọng Vĩ Hoằng biên tập. Nxb. .Minh Thạch,1994.

(14) Về tranh, thơ xướng họa, biển ngạch, câu đối... xin xem thêm bài Chùa Thanh Kiến và Thông tín sứ Triều Tiên, trong cuốn Nhận thức về Triều Tiên của dân chúng thời cận đại về thế giới của những kẻ giết người Đường (Trung Quốc) đã nêu trên.

(15) Toàn thư, tục biên, quyển 5, mục cuối năm Cảnh Hưng 32 (1772): "Sai Chánh sứ Đoàn Nguyễn Thục, Phó sứ Nguyễn Huy Diên, Nguyễn Dao sang Thanh tuế cống và trình tấu".

(16) Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi kí, quyển 3, Sđd.

(17) Toàn thư, tục biên, quyển 2, mục ghi năm Vĩnh Khánh 4: "Tháng 11, biếm Tham tòng bộ Lại Thượng thư Thái Bảo Sóc quận công Nguyễn Công Ngột làm Tuyên Quang thừa chính sứ, được ít lâu buộc phải chết. Công Ngột có công giúp vua, được Nhân vương tín nhiệm. Ngột từ khi gặp vua hết lòng vì nước, canh tân, sửa đổi tận cùng, nhưng tính khí chuyên quyền lấy tài năng khinh người nên nhiều người ghét, kết làm bè đảng, về sau chết vì nạn. Ông là người Phù Chẩn, Đông Ngàn. Đầu năm Cảnh Hưng mới được quy táng.

(18) Toàn thư, tục biên, quyển 4, mục ghi năm Vĩnh Thịnh 14: "Tháng 4 mùa hạ, Nguyễn Công Ngột, Nguyễn Bá Tông sang Thanh theo thông báo vua Hi Tông mất và xin được phong vương. Trên đường trở về Bá Tông mất". Mục ghi năm Vĩnh Thịnh 15: "Tháng 9, sứ thần Nguyễn Công Ngột từ Yên Kinh trở về... Lễ bộ có công văn rằng: "Hoàng đế nhà Thanh chuẩn y lời cầu xin của 2 sứ giả, sai 3 sứ thần, 20 người tùy tùng. Từ đó sứ giả đi cống 6 năm 1 lần. Chánh sứ 1 người, Phó sứ 2 người".

(19) Yamamoto Taro, Sđd, tr.690.

(20) Chánh tổ thực lục, quyển 6, mục Đinh Dậu, tháng 9 năm Mậu Tuất: "Cho mời Đại thần. Sai Tạ Ân sứ thần ra đi từ Thẩm Dương. Hoàng thượng ban tặng chữ vàng, thưởng cho những người đi theo, thể hiện sự trọng dụng đặc biệt. Cho Hà Ân quân Lí Quang làm Tạ Ân Chánh sứ, Kim Dực làm Phó sứ, Lí Đông úc làm Thư trạng quan. Cũng vào tháng ấy năm Tân Sửu: "phó sứ Lí Dực và Thư trạng quan Lí Đông úc đều cho rằng tình lí khó cưỡng, bèn lấy Y Phường, Trịnh Vũ Thuần thay vào đó".

(21) Ngô Đức Thọ chủ biên, Sđd, tr.731.

(22) Toàn thư, tục biên, quyển 5, mục ghi năm Cảnh Hưng 47 (1785): Tháng 5, mùa hạ, giặc Tây Sơn Nguyễn Nhạc sai em Nguyễn Huệ đánh Thuận Hóa. Thống suất Phạm Ngô Cầu đem thành ra hàng, Phó tướng Hoàng Đình Thể, Đốc thị Nguyễn Trọng Đương đều bị chết".

(23) Yamamoto Taro , Sđd, chương 7: Quan hệ giữa nhà Thanh với nhà Lê hậu kì, mục 6: Sự can thiệp của nhà Thanh đối với chính quyền Nguyễn Huệ và bè đảng Tây Sơn, mục 7: Trao sắc phong cho chính quyền Tây Sơn. Trong Đại Thanh chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 30: "Mùa xuân Canh Tuất, Phúc Khang An dục Huệ [sang yết kiến vua nhà Thanh], Huệ cho Trị giả thay mình. "... Huệ bèn lấy bọn Phạm Công Trị đóng giả mình, cùng bề tôi của mình là Ngô Văn Sở, Đặng Văn Châm, Phan Huy ích, Vũ Huy Tấn, Vũ Danh Tiêu, Nguyễn Tiến Lộc, Đỗ Văn Công Hài, [sang Thanh], ngoài đồ cống như thường lệ còn cống thêm 2 con voi đực, làm bọn đi đường một phen khổ sở".

(24) Chánh tổ thực lục, quyển 7, mục ghi tháng 4 năm Bính Tí: "Từ Hạo Du làm Tiến hạ kiêm Tạ Ân Phó sứ. Mục ghi tháng 5 năm Đinh Mùi: "Đinh Mùi mời gặp 3 Tạ Ân sứ thần. Mục ghi tháng 10 năm Kỉ Tị: "Kỉ Tị, triệu kiến sứ thần Hoàng Nhân Điểm và Từ Hạo Tu trở về nước".

(25) Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, quyển 30: "... Huệ cũng lấy vàng bạc ,gấm vóc để xin lấy công chúa Ngọc Thành, Huệ bèn đổi tên là Quang Bình, sai cháu là Nguyễn Quang Hiển cùng bọn bồi thần là Vũ Huy Tấn mang đồ cống đến cửa quan xin được vào chầu".

(26) Tình hình hỗn loạn của nước An Nam do Tây Sơn cướp chính quyền cũng được phía Triều Tiên biết đến qua báo cáo của Chánh sứ Lí Tại Hiệp, mục năm ất Sửu, tháng 3, năm thứ 13, quyển 27 Chánh tổ thực lục. Và có thể thấy trong các báo cáo của Thư trạng quan Thành Chủng Nhân, Thủ dịch Trương Liêm, điều năm Đinh Mùi, tháng 3 năm thứ 14, quyển 29, cũng sách trên.

(**) Trong quá trình dịch thuật, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của GS. Trần Nghĩa, Cô giáo Rika – người Nhật và Cử nhân Nguyễn Đức Toàn. Xin chân thành cảm ơn (ND).

 Nguồn: Tạp chí Hán Nôm 2001

Thông tin truy cập

63701860
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
22152
23426
63701860

Thành viên trực tuyến

Đang có 231 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website