Ảnh: Trích văn bản Thư mục sách chữ Hán của Việt Nam ở Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp của GS. Matsumoto Nobuhiro
Như chúng ta đã biết, kho sách Hán Nôm hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VHN) được tổng hợp từ nhiều nguồn, trong đó chủ yếu là nguồn từ Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp (gọi tắt là Học viện), và nguồn sách từ các thư viện khác. Sách của Học viện thuộc phân kho A, với các ký hiệu A, AB, AC, AD, AE, AF, AG, AH, AJ; Sách từ các thư viện khác thuộc phân kho V, với các ký hiệu VHv, VHb, VHt, VNb, VNv. Trong Di sản Hán Nôm - Thư mục Đề yếu (gọi tắt là Thư mục Đề yếu)(1), ở bài Dẫn luận phần Lịch sử thư mục học Hán Nôm, PGS. Trần Nghĩa cũng đã điểm qua các công trình thư mục sách Hán Nôm được biết tới cho đến ngày nay, trong đó có công trình Thư mục sách chữ Hán của Việt Nam ở Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp của GS. Matsumoto Nobuhiro松本信廣(Hanoi Bukkoku kyokuto gakuin shozo Ananbon shomoku 河內佛國極東學院所 藏安南本書目)(2). Gần đây, nhân tiếp xúc với Thư mục này, chúng tôi có dịp tìm hiểu về kho sách chữ Hán của Việt Nam ở Học viện vào thời điểm năm 1933 khi GS. Matsumoto Nobuhiro sang Việt Nam nhờ người sao chép thư mục tại Học viện đưa về in tại Nhật Bản. Bài viết dưới đây xin trình bày vài nét về Thư mục nói trên của GS. Matsumoto Nobuhiro; điểm qua tình hình kho sách chữ Hán ở Học viện (phân kho A) lúc bấy giờ cùng sự thay đổi của kho sách này tính đến thời điểm năm 1980 khi kho sách Hán Nôm được Viện Thông tin KHXH Việt Nam giao cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu giữ.
1. VỀ THƯ MỤC CỦA GS.MATSUMOTO NOBUHIRO
1.1. Tiểu sử GS. Matsumoto Nobuhiro
GS. Matsumoto Nobuhi ro sinh ngày 11 tháng 11 năm Meiji (Minh Trị) thứ 30 (1897) tại Tokyo. Sau ba năm kể từ khi tốt nghiệp khoa Văn, chuyên ngành Sử học tại Đại học Keio tháng 3 năm 1920, vào năm 1924 ông sang Pháp du học tại trường Đại học Sorbonne của Pháp, lấy bằng Tiến sĩ Docteures lettres với Luận văn chính là Le Japonais et les langues austroaiatiques, và luận văn phụ là Recherches sur quelques themes de la mythologie japonaise. Sau khi trở về nước, GS. Matsumoto Nobuhiro tiếp tục giảng dạy tại trường Đại học Keio Gijuku Daigaku (Khánh Ứng Nghĩa Thục Đại học). Năm 1933, nhân chuyến đi điều tra nghiên cứu về Đông Dương, thuộc địa của Pháp, ông đã tới các tỉnh Hải Phòng, Hà Nội, Cao Bằng, Huế, Hội An. Trong thời gian này, ông đã đến Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp và các thư viện ở Kinh thành Huế để điều tra sử liệu, tìm hiểu các ván khắc in sách theo sắc lệnh của nhà vua và làm việc với Thượng thư Phạm Quỳnh về việc cho phép Nhật Bản in bộ Đại Nam thực lục. Mặc dù đã được Thượng thư Phạm Quỳnh đồng ý, "Sau này nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ cho phép các ngài cùng in bộ sách đó", song, kế hoạch đó bấy giờ không thực hiện được. Năm 1934, GS. Matsumoto cho in bộ Thư mục sách Hán Nôm của trường Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội. Cùng năm, nhờ sự giúp đỡ của hai người làm việc tại Học viện là ngài Coedes và ngài Gaspardonne, ông tiếp tục điều đình với triều đình Huế và được phép mang 6 bộ sách Đại Nam thực lục về in tại Nhật Bản.
Ngoài Việt Nam, ông còn tham gia điều tra dân tộc học ở quần đảo Nam Á như Mariana, Palau, New Guinea; Điều tra di lích lịch sử ở Trung Quốc. Với những đóng góp khoa học thực sự có giá trị, vào năm 1955, ông được chính phủ Pháp tặng thưởng huân chương Les palmes academiques. Từ năm 1957 đến 1958, ông dẫn đầu đoàn Hiệp hội dân tộc học Nhật Bản tới các nước Thái Lan, Lào và Campuchia để điều tra tổng hợp về văn hóa dân tộc các nước nông nghiệp ở Đông Nam Á. Sau khi trở về nước ông giữ chức vụ Trưởng khoa khoa Văn học thuộc Đại học Keio. Năm 1961 đến 1981, ông phụ trách theo dõi việc in ấn bộ Đại Nam thực lục tại Nhật Bản. Năm 1969, ông được bầu giữ chức Viện trưởng Viện nghiên cứu Ngôn ngữ Văn hóa Đại học Keio. Năm 1969, ông thôi chức, sau đó được bầu làm Giáo sư danh dự Đại học Keio. Ông mất năm 1981, thọ 83 tuổi.
Những trước tác chủ yếu: Nghiên cứu về thần thoại Nhật Bản. In năm 1931; Các dân tộc Đông Dương và văn hóa, in năm 1942; Nghiên cứu về Đông Dương, in năm 1965; Khảo luận về văn hóa các dân tộc Đông Á, in năm 1967; Khởi nguồn của văn hóa dân tộc Nhật Bản, in năm 1978 (3).
1.2. Vài nét về thư mục sách chữ Hán ở Học viện của GS.Matsumoto Nobuhiro
Theo Lời Tựa(4) in sau bản Thư mục, GS. Matsumoto Nobuhiro cho biết: "Thư mục này vốn là Thư mục sách An Nam do Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp (Ecole Fran sai se d'Extrême - Orient) lưu trữ. Học viện này do người Pháp thành lập vào năm 1901 tại Sài Gòn và năm sau (1902) chuyển ra Hà Nội với mục đích nghiên cứu mang tính Khảo cổ học, Ngôn ngữ học các nước Ấn Độ, Trung Quốc và các nước lân bang. Sách Hán Nôm (An Nam bản) do nhiều nguồn cung cấp. Trước hết là sách do ngài P.Pelliot và rất nhiều thành viên Trung Quốc học khác của Học viện tích cực sưu tầm khi họ đảm trách công việc ở Học viện; thứ hai là sách được sao chép từ Thư viện Nội các ở triều đình Huế; tiếp đó là các sách được in lại từ các ván khắc của Sử quán; Sách được thu mua từ nơi khác; Sách sao chép, chân hóa từ các bản chép thảo. Theo thống kê vào năm 1930, sách Hán Nôm ở Học viện được chia làm ba loại.
- Ký hiệu A là các sách viết bằng chữ Hán của Việt Nam, gồm 2528 bộ, 2821 sách.
- Ký hiệu AB là gồm các sách viết bằng chữ Nôm, gồm 561 bộ, 570 sách.
- Ký hiệu AC là các sách sao chép hoặc in lại của Trung Quốc, gồm 351 bộ, 530 sách.
Tổng cộng là 3440 bộ, 3921 sách.
Ngoài ra còn khoảng 2273 bộ sách tục lệ và sắc văn được sưu tầm. Do lo sợ khí hậu nhiệt đới ẩm thấp và mối mọt làm hỏng sách, Học viện đã cho đóng toàn bộ số sách Hán Nôm nói trên theo lối sách phương Tây vài cuốn làm một rồi xếp đứng trên giá sách. Học viện còn có sổ ghi chép ký hiệu khi nhập kho tựa như một thư mục và mục lục tủ phiếu để tra cứu".
GS. Matsumoto cho biết, "Vào tháng 8 năm 1933, khi sang Hà Nội, tôi đã nhờ ông Trịnh Văn Cự, nhân viên làm thuê của Học viện chép lại thư mục sách của những người làm trước đây mang về Nhật Bản, phân loại rồi cho in, đó chính là bộ thư mục sách Hán Nôm này. Nhìn vào thư mục, chúng ta cũng có thể biết đây là một trong ba loại sách Hán Nôm được các học giả trước đây phân loại". GS. Matsumoto cũng cho biết thêm: "về thư mục sách Hán Nôm có lẽ phải kể đến công trình: Nghiên cứu đầu tiên về lịch sử An Nam qua tư liệu Hán Nôm của hai học giả người Pháp là Pelliot và L.Cadiére (L.Cadiére et P.Pelliot Première Etudesur les sources annamites de I'histoire d'Annan B.E.F.E.O, IV, 1904)(5), song theo tôi, công trình này mới chỉ nêu được 175 bộ sách mà thôi. Ở thời điểm 1910, Tạp chí của Học viện đăng tải khá nhiều sách bổ sung thêm sau này, và một số sách mới chỉ được biết đến qua tên sách. Từ sau khi sách Đại Việt sử ký được in vào năm Meiji (Minh Trị) thứ 17 (1884) cho đến thời điểm lúc bấy giờ, học giới Nhật Bản hầu như còn chưa biết đến sự tồn tại sách Hán Nôm, vì hầu như Nhật Bản không có sự giao thiệp với thư chí học An Nam". Cũng theo GS. Matsumoto, "sự ra đời của bộ thư mục này là sự may mắn, bởi nó đã có thể giới thiệu kho sách Hán Nôm của Việt Nam với các học giả Nhật Bản. Bộ thư mục này in lại toàn bộ theo mục lục sách Hán Nôm của Học viện Bác cổ Pháp và nhờ đó việc nghiên cứu sách Hán Nôm, việc sưu tầm sách Hán Nôm đã ít nhiều được thuận lợi hơn. Việc Nhật Bản cho ra đời bộ thư mục sách chữ Hán ở EFEO trong lúc Học viện Bác cổ Pháp chưa xuất bản được quả thực là việc làm rất đáng khích lệ, song cũng phải nói rằng, bộ thư mục này được xuất bản một phần phải nhờ vào sự cho phép của ngài Gaspardonne, nhân viên học viện, bởi thực ra trong thâm tâm ngài cũng muốn bộ thư mục này được in vì sự cần thiết của nó cho việc nghiên cứu sách Hán Nôm của mình, dù sao tôi cũng thành thật xin ngài Gaspadonne tha thứ". GS. Matsumoto cũng cho hay, "dự định ban đầu là biên soạn An Nam văn hiến mục lục, tiếp theo đó là đăng tải các thư mục sách ở thư viện triều đình Thuận Hóa (Huế). Trong khi thư mục này đang in thì thông tin từ Hà Nội đã cho biết Thư mục Eibliog raphie annamite của ngài Gaspadonne đã hoàn thành. Sự ra đời của bộ thư mục này thực sự đã giải tỏa khát vọng nhiều năm qua của tôi đối với thư chí học An Nam".
Qua Lời Tựa của GS. Mat sumoto khi bộ thư mục được in tại Nhật Bản vào năm 1934, chúng ta đã biết, bộ thư mục này đăng tải toàn bộ kho sách chữ Hán, mang ký hiệu A, được Học viện Bác cổ Pháp lưu trữ lúc bấy giờ (1933) tại Hà Nội. Để tiện cho việc tra cứu, GS. Matsumoto đã xếp tên sách theo thứ tự từ một nét đến hai mươi tám nét của chữ Hán đầu tiên ở tên sách. Ngoài 7 trang là Bảng tra tên sách theo nét chữ, số còn lại 80 trang chính văn, đăng tải 2815 tên sách. Mỗi đơn vị sách được chia làm 3 phần: thứ nhất, ký hiệu thư viện được xếp trước, tiếp đó là tên sách, cuối cùng là số lượng, một bản hay nhiều bản, một trật hay nhiều trật. Do đăng tải toàn bộ kho sách có ký hiệu A, nên trong thư mục GS.Mat sumoto đã lược bỏ, chỉ ghi ký hiệu thư viện bằng chữ Hán. Trong mục một nét hay hai nét trở lên còn phân theo bộ.
Ví dụ:
Nhất họa 一 畫 (Một nét)
Nhất bộ 一 部 (Bộ Nhất)
Nhị tứ tứ lục, nhất thời lễ tụng nhật dụng hành trì tập yếu chư nghi, nhất bản
二 四 四 六, 一 時 禮 誦 日 用 行 持 集 要 諸 儀 , 一 本
(2446, nhất thời lễ dụng hành trì tập yếu chư nghi, một bản).
Tam họa 三 畫 (Ba nét)
Đại bộ 大 部 (Bộ Đại)
Ngũ tam bát, Đại vương sự tích, nhất bản .
五 三 八 , 大 王事 跡, 一 本
(538, Đại vương sự tích, một bản)
....
Tam bộ 三 部 (Bộ tam)
Nhất nhị bát lục, tam chi việt tạp thảo, nhất bản.
一 二 八 六 , 三之 越 雜 草, 一 本
(1276, Tam chi việt tạp thảo, một bản)
....
Sau khi sắp xếp lại toàn bộ số ký hiệu thư viện của Thư mục Matsumoto theo thứ tự tăng dần, chúng tôi đã thống kê được cả thảy 2815 đầu sách, mỗi đầu sách là một số ký hiệu, trong đó bao gồm cả dị bản. Ví dụ sách Bạch Vân am thi tập có 5 ký hiệu: A.2591, A.1350, A.2256, A.296 và A.2031. Như vậy, tính đến thời điểm năm 1933, số sách của kho A đã có số ký hiệu từ A.1 đến A.2815, bắt đầu bằng cuốn Khâm định Việt sử thông giám cương mục (ký hiệu A.1) đến Nam Việt dư địa chí (ký hiệu A.2815). Từ số A.2816 trở đi đến ký hiệu cuối cùng A.3231 là sách được bổ sung sau đó, tính đến thời điểm năm 1980 - năm Viện thông tin KHXH bàn giao kho sách Hán Nôm cho Viện Hán Nôm.
Để tìm hiểu thêm về thông tin về số sách được bàn giao cho Viện Hán Nôm vào thời điểm trên, chúng tôi may mắn được biết Viện Hán Nôm hiện còn lưu giữ ba cuốn sổ (tạm gọi là Sổ đăng ký) tên sách hai phân kho: phân kho A có hai cuốn, ký hiệu VHc.2976 và VHc.2978 và phân kho AB có một cuốn, ký hiệu VHc.2977(6). Ba cuốn sổ này có lẽ được các cụ túc nho bấy giờ sao chép lại từ cuốn sổ cái(7) của Học viện mà GS. Matsumoto đã đề cập đến trong Lời Tựa. Sau khi đối chiếu toàn bộ 2815 đầu sách ở Thư mục Matsumoto với số sách ở Sổ đăng ký (kho A), chúng tôi thấy ngoại trừ một số nhầm lẫn (có thể sai sót do in ấn, ví dụ sách Bảo triện Trần tiến sĩ thi thảo, ký hiệu 207, song Thư mục Matsumoto lại in thành 307; hay một số tên sách có sự xê xích về câu chữ, ví dụ sách Nam phú soạn tuyển , ký hiệu A.240, song Thư mục của Matsumoto chỉ ghi Nam phú soạn; Quế Đường di tập, ký hiệu A.270, thư mục của Matsumoto lại ghi là Quế Đường thi tập...), thì Thư mục của Matsumoto hầu như in lại nguyên vẹn theo đúng số ký hiệu, tên sách, số bản, số trật theo như hai cuốn sổ đăng ký nói trên. Thậm chí, rất nhiều tên sách ở Thư mục Đề yếu đã thay đổi, song không có sự thay đổi ở Sổ đăng ký và Thư mục Matsumoto. Ví dụ:
Ký hiệu | Thư mục Đề yếu | Thư mục Matsumoto và Sổ đăng ký | Ghi chú |
A.72 | Phương Đình địa chí loại 方亭地志類 (Đại Việt địa dư toàn biên 大越地輿全編 ) | Phương đình địa dư toàn biên 方亭地輿全編 | |
A.75 | Nam quốc địa dư 南國地輿 | Tân đính Nam quốc địa dư 新訂南國地輿 | |
A.77 | Đại Việt cổ kim diên cách địa chí khảo 大越古今沿革地志考 | Đại Việt diên cách địa chí khảo 大越沿革地志考 | Sổ đăng ký viết "diên" thành "duyên" |
A.95 | Nam Bắc kì hội đồ 南北圻繪圖 | Nam kì đồ hội 南圻圖繪 | |
A.103 | Hải đông chí lược 海東志略 | Hải đông nhân vật chí 海東人物志 | |
A.110 | Tụ Khuê thư viện tổng mục 聚奎書院總目 | Tụ Khuê thư viện tổng mục bản triều thư 聚奎書院總目本朝書 | |
A.125 | Trang Liệt văn sách 莊烈文策 | Trang Liệt văn tập 莊烈文集 | |
A.126 | Khâm định đối sách chuẩn thằng 欽定對策準繩 | Đối sách chuẩn thằng 對策準繩 |
...
Như vậy, bước đầu có thể cho rằng, thư mục của GS. Matsumoto đã in lại thư mục trước đây của Học viện đúng như ông đề cập tới trong Lời Tựa. Sổ đăng ký hiện lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã sao chép lại hầu như nguyên vẹn thư mục của Học viện ở thời điểm năm 1933.
2. KHO SÁCH CHỮ HÁN CỦA HỌC VIỆN Ở THỜI ĐIỂM 1933 SO VỚI PHÂN KHO A CỦA VHN
2.1. Vài nét về kho sách Hán Nôm tại Học viện
Thành lập vào năm 1901 tại Sài Gòn, năm sau 1902 chuyển ra Hà Nội, Học viện Viễn đông bác cổ Pháp mà tiền thân là các hội, các nhóm nghiên cứu sử học, khảo cổ học, xã hội học, bi ký học đã bắt tay vào việc xây dựng thư viện. Do yêu cầu chuyên môn lúc bấy giờ nên đối tượng sưu tầm của họ chủ yếu là các sách lịch sử. Về sau phát triển thêm nhiều bộ môn, trong đó có ngữ văn học nên đối tượng sưu tầm phong phú hơn. Để tránh tình trạng độc bản, Học viện cũng chủ trương bổ sung thêm dị bản bằng cách sưu tầm hoặc sao chép thêm(8). Đúng như GS. Matsumoto Nobuhiro trong Lời Tựa cho biết, sách của Học viện được hình thành từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn sách được sao chép từ Thư viện Nội các ở triều đình Huế; tiếp đó là các sách được in lại từ các ván khắc của Sử quán; sách được thu mua từ nơi khác; sách sao chép, chân hóa từ các bản chép thảo. Theo Yao Takao, sau khi Học viện được thành lập, các ông P.Perio, E. Gaspardone và L.Kdier đã điều tra kho thư tịch của triều đình nhà Nguyễn ở Huế, đưa một số bộ sách về lưu trữ tại Thư viện của Học viện, cho sao chép một số sách vở tư liệu quan trọng, cho người giỏi chữ Hán đi sưu tầm thư tịch ở các địa phương, trong đó có cả "cổ chỉ", là những sách ghi chép khi đi điền dã lúc bấy giờ(9). Phan Thuận An cũng cho hay, cho đến năm 1942 , tại Thư viện Sử quán, "Paul Boudet còn đọc được tại đây nhiều tư liệu gốc từ thời các chúa Nguyễn và các vua đầu triều Nguyễn để lại". Khi giới thiệu về Thư viện Bảo Đại, ông còn cho biết thêm: "Một số chuyên viên Hán học của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (E.F.E.O) tại Hà Nội đã từng vào thư viện này (tức thư viện Bảo Đại) để sao chép nhiều tư liệu quý hiếm(10). Học giả Đào Duy Anh cũng đã từng ghi nhận rằng: "Về phương diện tài liệu Việt Nam thì ở Huế có thư viện Bảo Đại chứa những sách cũ của Nội các trong Hoàng thành được tập hợp từ đời Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức. Kể tài liệu chính thức về lịch sử nhà Nguyễn thì thư viện ấy có tương đối đầy đủ"(11).
Ngoài ra, nhà trường cũng chủ trương sao chép các sách quan trọng từ kho của triều đình nhà Nguyễn nên số sách sao chép được có lẽ chủ yếu từ nguồn sách ở thư viện Nội các triều đình Huế. Theo học giả Đào Duy Anh nhận định, trong số 6 thư viện ở Huế, Thư viện Bảo Đại mà tiền thân là thư viện Nội các sau đổi thành Tân thư viện và thư viện Bảo Đại lưu giữ nhiều sách cũ của Nội các trong Hoàng thành được tập hợp từ đời Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức, vì vậy sách được sao chép, in ấn từ nguồn này có nhiều giá trị. Do chính sách thu mua với giá cao đối với các sách có liên quan đến lịch sử và dân tộc học nên Thư viện của Học viện cũng đã tập trung được một số lượng lớn các sách quý hiếm. Thực tế những bộ sách lớn, có giá trị nhất như Đại Việt sử ký toàn thư (A.3/1-4); Đại Việt sử ký tiền biên (A.2/1-7); Đại Việt thông sử (A.1389); Lịch triều hiến chương loại chí (A.1551/1-8); Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (A.54/1-3); Đại Nam nhất thống chí (A69/1-9); Đại Nam thực lục (A.2772/1-66); Đồng Khánh địa dư chí (A.537/1-24)... đều có mặt ở kho A; các sách được các học giả đi trước giám định và giới thiệu như: Đăng khoa lục (A.1785) và Lịch đại đăng khoa lục (A.2119)(12); Việt âm thi tập (A.1925); Toàn Việt thi lục (A.1262)(13)...; Một số sách tục lệ, hương ước có giá trị như Đại Phùng tổng khoán ước (A.2875), sao chép 6 điều khoản của hương ước năm Hồng Đức thứ 6 (1487)(14); Dương Liễu, Quế Dương Mậu Hòa đẳng xã giao tục lệ (A.2855)(15), sao chép khoán ước vào các năm 1667, 1691, 1739... cũng đều thuộc kho A. Theo thống kê của chúng tôi, trong 264 sách gia phả hiện lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, phần lớn đều thuộc kho A (16)... (17).
Theo công bố của ông Giám đốc Học viện Louis Mallert nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Học viện vào năm 1951, số sách vở, tư liệu Hán Nôm hiện có tại Thư viện của Học viện gồm 3.500 sách Hán Nôm, 25.00 bản rập văn bia, 1800 bản tra truyện cổ tích, địa bạ, phong tục, 457 tập thần phả, 132 tập thần sắc(18). Với số lượng đồ sộ tư liệu Hán Nôm được thu thập vào những năm đầu thế kỷ XX, Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp thực sự đã có công lao rất lớn trong việc sưu tầm, sao chép sách vở, tư liệu Hán Nôm của Việt Nam. Học viện đã trở thành trung tâm lưu trữ sách vở Hán Nôm lớn nhất với nhiều sách vở tư liệu có giá trị mà không có thư viện nào bấy giờ có đủ điều kiện và kinh phí để thực hiện.
2.2. Kho sách chữ Hán của Học viện qua đối chiếu với phân kho A của Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Qua biến cố lịch sử và nhiều lần chuyển giao, kho sách chữ Hán của Học viện khi chuyển tới lưu trữ tại Viện Hán Nôm đã không còn nguyên vẹn như trước. Đối chiếu với phân kho A của Viện Hán Nôm, chúng tôi thấy sự thay đổi đáng tiếc đầu tiên là khoảng 10 % số sách của Học viện không còn thấy trong phân kho A của Viện Hán Nôm. Trong số sách hiện chưa tìm thấy, khá nhiều tác phẩm có giá trị như: Lam Sơn thực lục, ký hiệu A.1538; Ức Trai di tập, A.2666; Thiền uyển tập anh ngữ lục A.2670; Lĩnh Nam chích quái A.749, A.1920; Hoàng Việt văn tuyển A.903; Tây Sơn liệt truyện A.380; Quốc triều thực lục toát yếu A.28; Bình Tây, Bình Hưng, Bình Ninh thực lục A.29; Bản thảo ấu khoa, ký hiệu 1537; Tư thiên gia truyền thư, ký hiệu A.1539.... Có những sách mất từ trước thời điểm 1963, được các cụ ghi chú khi sao chép vào sổ đăng ký. Ví dụ: sách Bình Tây, Bình Hưng, Bình Ninh thực lục A.29; Bắc Ninh cổ tích A.86; Tiêm La sự tích A.105; Đồ Bàn thành ký A.108; Việt sử tứ tự A.170... Trong số sách hiện chưa tìm thấy, rất may có sách còn dị bản, song cũng có sách hiện giờ chỉ để lại tên, khó có khả năng tìm thấy. Ví dụ sách Lê triều tạp chí, ký hiệu A.20; Lê quý kỉ sự A.21; Tiêm La sự tích A.105; Đồ Thành bàn ký A.108; Việt sử tứ tự; Phan Châu Trinh đầu Pháp chính phủ thư A.183; Tâm thanh tồn duy A.197; Binh gia yếu lược A.564; Phạm Thận Duật tấu tập A.1096... (chúng tôi sẽ có bảng thống kê chi tiết sau).
Thứ hai: số sách không trùng hợp tên sách, chiếm một tỉ lệ khá lớn. Qua đối chiếu với sách gốc hiện lưu giữ tại kho, chúng tôi thấy, số lượng tên sách viết tắt ở Thư mục của Matsumoto và Sổ đăng ký khá nhiều, điều này dẫn đến nhầm lẫn, khó tra cứu. Có thể nêu một số thí dụ:
Bảng đối chiếu tên sách gốc với Thư mục Đề yếu và Thư mục Matsumoto
Ký hiệu | Tên sách gốc | Thư mục Đề yếu | Thư mục Matsumoto và Sổ đăng ký |
A.924 | Thượng Phúc Nhân Hiền Nguyễn tướng công thế phả上福仁賢阮相公世譜 | (*) | Thượng Phúc Nguyễn tướng công thế phả上福阮相公世譜 |
A.721 | Thượng Cát xã hương lệ上葛社鄉例 | Thượng Cát hương lệ上葛鄉例 | |
A.2340 | Lục Nhâm đại độn tất pháp chính văn六壬大遁畢法正文 | Lục Nhâm đại độn六壬大遁 | |
A.1362 | Thiên hạ bản đồ tổng lục đại toàn天下版圖總錄大全 | Thiên hạ bản đồ tổng mục lục đại toàn (**) 天下版圖總目錄大全 | |
A.1958 | Thiên Nam tứ tự kinh天南四字經 | Thiên Nam tứ tự天南四字 | |
A.461 | Thiên Nam địa giám bảo thư địa lí chính tông Tả Ao đính tập天南地鑑寶寶書地理正宗左幼訂集 | Thiên Nam địa giám bảo thư 天南地鑑寶寶書 | |
A.952 | Thiên Nam hình thắng minh lương di mặc lục天南形勝明良遺墨錄 | Thiên Nam hình thắng minh lương dimặc 天南形勝明良遺墨 | |
A.282 | Ngũ tuần đại khánh tiết hàn lâm văn thảo五旬大慶節翰林文草 | Ngũ tuần khánh tiết văn thảo五旬大慶節文草 | |
A.2348 | Nhâm Ngọ Ân khoa hội thí壬午恩科會試 | Nhâm Ngọ Ân khoa hội thí văn sao壬午恩科會試文抄 | |
A.1102 | Mộc lang kì vũ chú tịnh bản triều sự lược木郎祈雨咒並本朝事略 | Mộc lang kì vũ tịnh bản triều sự lược 木郎祈雨並本朝事略 | |
A.130 | Bắc sử phú北史賦 | Bắc sử phú phụ Nam sử北史賦附南史 | |
A.81 | Bắc thành địa dư chí lục北城地輿誌錄 | Bắc thành địa dư北城地輿 | |
A.245 | Bắc minh sồ vũ ngẫu lục 北溟雛羽偶錄 | Bắc minh sồ vũ 北溟雛羽 | |
A.260 | Cổ kim giao thiệp sự nghi thông khảo 古今交涉事宜通考 | Cổ kim giao thiệp sự nghi khảo古今交涉事宜考 |
Ghi chú:(*) Phần ô trống: đúng theo sách gốc. (**) Chữ "mục" trong sách gốc có dấu hiệu bỏ.
Thứ ba, một số ký hiệu theo Thư mục của Matsumoto, hiện còn lưu giữ ở trong kho, song không thấy xuất hiện ở Thư mục Đề yếu. Ví dụ: Đại Việt sử ký toàn thư, ký hiệu A.7; Việt Nam thần từ khảo chính bi kýA.46; Quan chế điển lệ A.56; Đại Nam nhất thống dư đồ A.68; Vũ trung tùy bút A.145; La Khê y phương A.164; Sĩ hoạn tu tri tiệp lục A.246; Sĩ hoạn tu tri A.246; Quảng Nam tỉnh chí lược A.268; Cẩm Khê phong tục chíA.269; Việt sử biên niên toát yếu A.328; Triều thần biểu tạ A.346; Thăng Long tam thập lục vịnh A.378; Quế Sơn thi tập A.469; Thông quốc điền số thổ số A.484; Đại Vương sự tích A.538; Thông ước hòa ước A.542; Đông Khê thi tập A.578; Thính văn dị lục A.593; Sĩ hoạn châm quy A.594; Nghệ An ký A.607(19); Thánh Tông Thuần hoàng đế thi tập A.698; Hạ trướng văn tập A.836; Tử Dương xã tục lệ A.877... (chúng tôi sẽ có bảng thống kê chi tiết sau).
Thứ tư: Một số ký hiệu thư viện ở Thư mục của Matsumoto và Thư mục Đề yếu khác nhau. Sau khi kiểm tra lại sách gốc, chúng tôi cho rằng Thư mục Đề yếu đã nhầm lẫn (có lẽ sai sót do đánh máy). Xem thêm bảng thống kê danh mục sách có ký hiệu nhầm lẫn dưới đây.
Bảng thống kê danh mục sách có ký hiệu nhầm lẫn trong Thư mục Đề yếu
TT | Tên sách | Ký hiệu | Ký hiệu đúng | Ghi chú |
1 | Canh Tý Ân khoa văn tuyển更子恩科文選 | A.479 | A.474 | A.479: Liệt miếu huy hiệu M.(*) đề là Liệt thánh miếu huy hiệu |
2 | Địa lý tiện lãm地里便覽 | A.650 | A.605 | A.650: Nguyệt Áng Lưu tộc thế phả |
3 | Hoa trình ngẫu bút lục 華程偶筆錄 | A.679 | A.697 | A.679: Văn Xá Lê tộc thế phả. |
4 | Tân thức luận thể hợp tuyển新式合論體合選 | A.361 | A.861 | M. Không có chữ "hợp tuyển". A.361 là sách Trần triều văn lục |
5 |
Thiệu Trị thuế lệ 紹治稅例 |
A.505 | A.508 | A.505 là sách Toàn Lê tiết nghĩa lục (không thấy sách) |
6 | Thôn học chỉ kính村學指徑 | A.193 | A.493 | A.193 là sách Đông Dương văn tập. |
7 | Luận ngữ tanh hoa ấu học論語菁華幼學 | A.906 | A.905 | M. Không có chữ "ấu học". A.906: Chiêm kê túc toàn quyển (M.); Thư mục Đề yếu không thấy sách này. |
8 | Lý thị gia phả李氏家譜 | A.1075 | A.1057 | A.1075: Kim Giang thi tập |
9 | Thương Sơn thi tập倉山詩集 | A.1469 | A.1496 | A.1469: Thanh Khê chuyết tập. |
10 | Bà Tâm huyền kính lục婆心懸鏡錄 | A.2017 | A.2027 | A.2017: Danh hiền đăng khoa chí sĩ trướng văn. |
11 | Danh hiền đăng khoa chí sĩ trướng văn 名 賢 登 科 志 仕 帳 文 | A.2071 | A.2017 | A.2071: nguyên là Văn Giang huyện Ngải Dương xã thần sắc(hiện chưa thấy) |
12 | Kiến tính thành Phật 見性成佛 | A.2036 | A.2136 | A.2306: Hội đình văn tuyển. |
13 | Chế sắc biểu khải văn tập制敕表啟文集 | A.2108 | A.2106 | A.2108: Đại Nam thực lục chính biên. |
14 | Tản Viên sơn ngọc phả傘園山玉譜 | A.2305 | A.2365 | A.2305: Đại hóa thần kinh |
15 |
Đại đạo kinh 大道經 |
A.1469 | A.2469 | A.1469: Thanh Khê chuyết tập |
16 | Lục nhâm tiện lãm六壬便覽 | A.2484 | A.2487 | A.2484: Kính tín niệm Phật vãng sinh |
17 | Văn giáp xã điều lệ文甲社條例 | A.2951 | A.2551 | |
18 | Thánh đăng kinh聖燈經 | A.2596 | A.2569 | M. ghi là Thánh đăng ngữ lục. A.2596: Luận ngữ tiết yếu |
19 | Tang lễ sự nghi喪禮事宜 | A.2108 | A.2618 | M. ghi là Tang nghi sự nghi. A.2108: Đại Nam thực lục chính biến |
20 | Lê triều giáo hóa điều luật黎朝教化條律 | A.1507 | A.2507 | M. ghi là Lê triều giáo hóa điều lệ. A.1507: Việt sử tân ước toàn biên |
21 | Bạch Trữ tổng Đạm Xuyên xã đinh bạ白宁 總 淡 川 社 丁 田 簿 | A.2591 | A.1858 | A.2591: Bạch Vân am thi tập |
22 | Chương Dương Đỗ phả章陽杜譜 | A.1557 | A.1157 | A.1557: Lương Đường Tiến sĩ Vũ tiên sinh trường biểu văn. |
23 | Y hải cầu nguyên醫海求源 | A.2875 | A.2785 | |
24 | Di Đà cảnh giới hạnh彌陀境界行 | A.371 | AB.371 |
M. ghi là Di Đà cảnh giới. A.371: Thượng dụ tập |
25 | Trầm hương quân thứ lục沈香軍次錄 | A.456 | A.465 | A.456: Tuyết tâm phú. |
26 | Cầu Đơ tỉnh nhân đinh phong tục tổng sách梂多省人丁風俗總策 | A.718 | A.713 | M. ghi là Cầu Đơ tỉnh nhân dân phong tục tổng sách. A.718 Long Đằng phường lệ. |
27 | Hà Nội trường quy河內場規 | A.2572 | A.1257 | A.2572: Cử nghiệp tân lương. |
28 |
Bắc thư tải nam sự北書載南事 | A.117 | A.177 | A.117: Ngô gia văn phái |
29 | Yên Thiều bút lục安軺筆錄 | A.825 | A.852 | A.825: Thiên chúa chân đạo đạo dẫn giải toàn thư |
30 | Hương thí văn tuyển鄉試文選 | A.2264 | A.2264: Việt Cương tập thành. Hương thí văn tuyển không có ký hiệu A.2264. |
(*) M. Tức thư mục của GS. Matsumoto Nobuhiro.
Thay cho lời kết
Thư mục của GS. Matsumoto Nobuhiro tuy chỉ là thư mục liệt kê tên sách đơn thuần, không tiến hành những thao tác có tính chất thư mục học như phân loại, mô tả, tóm lược nội dung, đánh giá tư liệu... nhằm giúp người đọc nắm bắt những thông tin quan trọng của sách, song nhờ vào thời điểm ra đời của Thư mục này mà chúng ta có thể biết chính xác số sách Hán Nôm (phân kho A) ở thời điểm năm 1933, cùng với sự thay đổi của nó qua thời gian. Bộ Thư mục này cùng với Sổ đăng ký hiện lưu trữ ở Viện Hán Nôm sẽ giúp bổ sung, đính chính những sai sót không thể tránh khỏi của bộ Thư mục Đề yếu (nếu có dịp tái bản), nhằm đáp ứng những đòi hỏi ngày một bức thiết của giới nghiên cứu trong và ngoài nước đối với việc tìm hiểu, nghiên cứu di sản Hán Nôm Việt Nam (*).
(*) Trong khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã được cán bộ phòng Bảo quản và Phòng đọc thuộc Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhiệt tình giúp đỡ. Nhân đây chúng tôi xin chân thành cảm ơn cán bộ của hai phòng trên.
Chú thích:
1. Di sản Hán Nôm - Thư mục đề yếu: Catalogue des livres en Han Nom. Đồng chủ biên: GS. Trần Nghĩa - Prof François Gros. Nxb. KHXH, H. 1933.
2. Thư mục sách chữ Hán ở Học viện Viễn đông bác cổ Pháp ở Hà Nội (Ha noi kyokuto gakuin shozo AnNambon shomoku 河內佛國極東學院所藏安南本書目). Matsumoto Nobuhiro. Nghiên cứu Sử học, quyển 13, số 4. Hội sử học Tayama xuất bản năm Showa (Chiêu Hòa) thứ 9 (1934), tr.117 đến 204.
3. Tiểu sử của GS. Matsumoto Nobuhiro do PGS. Shimao Minoru, Đại Học Keio (Khánh Ứng) tại Tokyo cung cấp. Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn PGS. Shimao Minoru.
4. Nguyên văn là "Truy ký" (Lời viết thêm).
5. Theo GS. Matsumoto Nobuhiro, Bài luận này vốn đã được Phùng Thừa Quân dịch ra Hán văn, đăng trong sách An Nam thư lục, số 1, quyển 6 do Thư viện Quốc lập Bắc Bình lưu giữ.
6. PGS. Trần Nghĩa đã cho chúng tôi biết thông tin này. Nhân đây chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới ông.
7. Theo PGS. Trần Nghĩa. Cuốn sổ cái (hiện vẫn do Viện Thông tin KHXH lưu giữ) có kích thước lớn hơn ba cuốn sổ đăng ký ở Thư viện Viện Hán Nôm. Ở quyển thứ nhất, ký hiệu VHc.2976, mục sách Ngọa du sào tập, ký hiệu A.1553, có dòng chú thích: "Mất trong đợt kiểm kê 2/12/1963". Từ dòng chú thích này, chúng tôi cho rằng ba cuốn sổ đăng ký đó có thể được các cụ túc nho sao chép lại sau năm 1963, thời điểm kho sách do Thư viện KHKT Trung ương quản lý.
8. Dương Thái Minh: Vài nét về quá trình hình thành kho sách Hán Nôm hiện nay. Đăng trong Tạp chí Hán Nôm - 100 bài tuyển chọn. Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản. H. 2000, tr.22-25.
9. Yao Takao: Khảo sát về việc biên soạn bộ Đại Nam nhất thống chí. Học báo lịch sử châu Á (Đại học Quốc gia Hiroshima). Số 9. 2004.
10. Phan Thuận An: Tư liệu trong các thư viện triều Nguyễn. Đăng trong Tạp chí Hán Nôm - 100 bài tuyển chọn. Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản. H. 2000, tr.86-90.
11. Đào Duy Anh: Nhớ nghĩ chiều hôm (Hồi ký). Nxb.Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1989, tr.66. (Dẫn Theo Phan Thuận An: Tư liệu trong các thư viện triều Nguyễn. Bài đã dẫn, xem chú thích số 10.
12. Nguyễn Thúy Nga: Về hai bộ Đăng khoa lục cổ nhất hiện còn. Tạp chí Hán Nôm, số 1/1997, tr.12-17.
13. Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, nguồn tư liệu văn học sử học Việt Nam. T.I, Nxb. Văn hóa. H. 1971.
14. Shimao Mino ru: Sử liệu có liên quan đến việc tái biên hương ước ở Bắc bộ Việt Nam thời Lê. Tạp chí Hán Nôm, số 2/2002.
15. Hương ước cổ Hà Tây. Nguyễn Tá Nhí dịch. Bảo tàng tổng hợp Sở văn hóa thông tin thể thao Hà Tây xuất bản năm 1993.
16. Nguyễn Thị Oanh: Thư mục gia phả hiện lưu trữ tại Viện Hán Nôm. Bài viết cho Hội nghị quốc tế về gia phả tổ chức tại Thư viện Thượng Hải, năm 2001.
17. Nói như vậy không có nghĩa tất cả số sách thuộc phân kho A đều có giá trị, bởi theo các nhà nghiên cứu, kho sách này còn có nhiều vấn đề văn bản học. Bài viết này xin tạm gác lại vấn đề trên, hy vọng sẽ có dịp đề cập tới trong tương lai.
18. Tạp chí Asie, số 67, năm 1951. Dẫn theo Dương Thái Minh: Vài nét về quá trình hình thành kho sách Hán Nôm hiện nay. Sđd, tr.22.
19. Ở mục Nghệ An ký, Thư mục Đề yếu không có ký hiệu A. 607. Ký hiệu A.607 xuất hiện ở ký hiệu Microphim: Paris EFEO. MF. II/4/1519 (A.2989), (A.607)./.
LƯƠNG THỊ THU - NGUYỄN THỊ OANH
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2006 (tr.704-723), phiên bản trực tuyến.