Cuộc tiếp xúc giữa sứ thần Đại Việt Lê Quý Đôn và sứ thần Hàn Quốc Hồng Khải Hy, Triệu Vinh Tiến, Lý Huy Trung tại Bắc Kinh năm 1760

Lê Quý Đôn (Nguồn ảnh: Internet)

Lê Quý Đôn (黎貴惇) tự là Doãn Hậu (允厚), hiệu là Quế Đường (桂堂), sinh năm Bính Ngọ (1726) ở xã Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) là con của Lê Trọng Thứ, đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn, niên hiệu Bảo Thái thứ 5 (1724), làm quan đến Thượng thư Bộ Hình, được tặng hàm Thái bảo, tước Hà Quận công(1). Thân mẫu của Lê Quý Đôn họ Trương.

Từ thuở nhỏ, Lê Quý Đôn nổi tiếng là thần đồng (神童). Các sách xưa viết về tiểu sử Lê Quý Đôn, có chép nhiều truyền thuyết về khả năng "bác văn cường ký" (博聞彊記) củ tiên sinh: hai tuổi đã đọc được chữ 有hữu và chữ 無; năm tuổi đã đọc được nhiều bài trong Kinh Thi (詩經); năm mười tuổi, học sử mỗi ngày thuộc được 80, 90 chương, học Kinh Dịch (昜經), thì mỗi ngày đọc được phần Cương hình và Đồ thuyết; năm 14 tuổi, đã học hết Ngũ kinh (五經)(2), Tứ thư (四書)(3), Sử (史)(4), Truyện (傳)(5) và đọc đến cả Chư tử (諸子)(6). Trong một ngày, Lê Quý Đôn có thể làm 10 bài phú, không phải nghĩ, không phải viết nháp.

Năm 1739, Lê Quý Đôn theo cha lên học ở Kinh đô Thăng Long và đầu năm 1743, tức năm 18 tuổi, ông đỗ đầu khoa thi Hương (tức Giải nguyên - 解元). Khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752), Lê Quý Đôn đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, Đệ nhị danh (Bảng nhãn - 榜眼). Khoa ấy, không lấy đỗ Trạng nguyên, nên ông là người đỗ đầu. Như vậy, từ thi Hương, thi Hội, đến thi Đình, Lê Quý Đôn đều đỗ đầu (Tam nguyên - 三元).

Năm 1754, Lê Quý Đôn được cử giữ chức Hàn lâm viện Thị thư, sung Toản tu Quốc sử quán. Năm 1756, ông phụng mệnh đi liêm phóng ở Sơn Nam. Tháng 5 năm 1756, Lê Quý Đôn được biệt phái sang phủ chúa Trịnh, coi phiên Binh, đến tháng 8 lại được sai đi hiệp đồng với các đạo Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hóa, v.v... Năm 1757, ông được thăng lên chức Hàn lâm viện Thị giảng.

Năm Cảnh Hưng thứ 21 (1760), Thái Thượng hoàng (Lê Ý Tông) mất, triều đình sai một sứ bộ do Trần Huy Mật và Lê Quý Đôn dẫn đầu sang nhà Thanh báo tang và dâng lễ cống.

Năm 1762, khi đi sứ về, Lê Quý Đôn được thăng thưởng quan hàm Hàn lâm viện Thừa chỉ. Bấy giờ văn thư và sách vở của triều đình bị thất lạc rất nhiều, cho nên có nghị định lập ra Bí thư các (秘書閣) để thu thập và tàng trữ. Lê Quý Đôn được chọn giữ chức Học sĩ của Bí thư các, đồng thời với Lễ Trạch hầu là Tiến sĩ Nguyễn Bá Lân. Năm 1764, Lê Quý Đôn dâng sớ xin thiết định pháp chế.

Trong gần hai năm (1761-1762), du lãm và quan sát ở Trung Quốc, Lê Quý Đôn đã thấy nhiều, nghĩ nhiều và đã sắp xếp tư tưởng của mình thành hệ thống. Về mặt tư tưởng chính trị, ông muốn tổng hợp cái thuyết Đức trị (德治) của Nho gia(7) và cái thuyết Pháp trị (法治) của Pháp gia(8), mà nặng về Pháp gia để bổ cứu cho cái tệ lạm dụng quyền hành, chà đạp lên pháp luật của bọn thống trị phong kiến đương thời. Lê Quý Đôn muốn dựa vào chúa Trịnh mà thực hiện cái hoài bão của mình, để làm nên sự nghiệp một nhà chính trị như Tể tướng Vương An Thạch (1021-1086) dưới thời Tống Thần Tông (1067-1086) của Trung Quốc. Muốn thực hiện được hoài bão về chính trị nói trên, trước hết phải có quyền bính trong tay, cụ thể là phải được cử giữ chức Tham tụng (參從- tức Tể tướng). Chúa Trịnh Sâm (1767-1782) cũng như cha mình là Trịnh Doanh (1740-1767) đều hiểu rõ tài đức của Lê Quý Đôn, nhưng cả hai đều không bao giờ chịu trao cho ông một chức vị đủ quan trọng để ông có điều kiện thi thố tài năng, hoàn thành hoài bão. Chức cao nhất trong cuộc đời làm quan của Lê Quý Đôn là chức Bồi tụng (陪從 - tức Phó Tể tướng). Vì vậy suốt đời mình, không bao giờ Lê Quý Đôn thực hiện được các đề nghị cải cách chính trị của ông. Cho nên, có thể nói về mặt chính trị, Lê Quý Đôn là người bất đắc chí, cho dù ông đã từng nắm quyền cao chức trọng ở triều đình Lê - Trịnh.

Nhưng Lê Quý Đôn còn có một hoài bão khác, mà hoài bão này có thể nói đã đưa ông trở nên một tên tuổi lớn, một nhà bác học hàng đầu trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam, đó là hoài bão "trước thư lập ngôn" (著書立言). Trong đời mình, Lê Quý Đôn không những là người rất chăm học, học rất giỏi, mà còn có phương pháp học tập và nghiên cứu hết sức khoa học. Tiến sĩ Trần Danh Lâm khi viết lời Tựa cho bộ Vân đài loại ngữ (蕓臺類語), vào năm 1777, đã nhận xét rất xác đáng về Lê Quý Đôn: "Lê Quế Đường, người huyện Diên Hà, không sách gì không đọc, không vật gì không suy xét đến cùng, ngày thường ngẫm nghĩ được điều gì đều viết ngay thành sách, sách chất đầy bàn, đầy tủ, kể ra không xiết"(9). Chính Lê Quý Đôn cũng cho chúng ta biết cách làm việc của ông: "Tôi, vốn là người nông cạn, lúc còn bé thích chứa sách, lúc trưởng thành ra làm quan, xem lại sách đã chứa trong tủ, vâng theo lời dạy lúc qua sân(10), lại được giao du nhiều với bậc hiền sĩ đại phu... đi đến đâu cũng để ý tìm tòi, phàm việc gì mắt thấy tai nghe, đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình sơ qua, giao tiểu đồng đựng vào túi sách, lâu ngày tích tập, sau mới chép thành từng thiên..."(11).

Ngày 14 tháng 4 năm Giáp Thìn (1784), Lê Quý Đôn qua đời. Trong bài Quế Đường Tiên sinh thành phục lễ môn sinh tế văn (桂堂先生成服禮門生祭文- Bài văn của học trò tế Quế Đường tiên sinh trong lễ thành phục(12)), Tiến sĩ Bùi Huy Bích (1744-1802) cũng nhận định về người thầy của mình như sau:

嗚呼! 聰明冠世博極群書能著述為文章足以行世而傳後我國一二百年乃有一人如夫子.

(Ô hô! Thông minh quán thế bác cực quần thư năng trước thuật vi văn chương túc dĩ hành thế nhi truyền hậu. Ngã quốc nhất nhị bách niên nãi hữu nhất nhân như phu tử.

Nghĩa là: Than ôi! Thông minh nhất đời, đọc rộng hết các sách, soạn ra văn chương đủ lưu hành ở đời và truyền lại về sau. Nước ta một, hai trăm năm nay, mới lại có một người như Thầy)(13).

Từ lâu, các nhà sử học Việt Nam đều thống nhất nhận định: Lê Quý Đôn là nhà bác học có kiến thức uyên bác bậc nhất Việt Nam dưới thời phong kiến. Nhà bác học ấy là tấm gương sáng cho những người đi học xưa nay. Lê Quý Đôn học ở mọi lúc, mọi nơi và kể cả trong lần đi sứ sang nhà Thanh vào cuối năm Canh Thìn (1760) cũng không phải là ngoại lệ. Trước những kiến thức khá mới mẻ đối với giới kẻ sĩ Việt Nam như kiến thức về lịch sử và văn hóa Triều Tiên - Hàn Quốc thì càng khiến Lê Quý Đôn quan tâm đặc biệt để học hỏi. Điều kiện thuận lợi để Lê Quý Đôn bổ sung những mảng trống kiến thức ấy, chính là dịp ông được gặp các nhà trí thức lớn Hàn Quốc Hồng Khải Hy, Triệu Vinh Tiến và Lý Huy Trung tại Bắc Kinh trong chuyến đi sứ kể trên.

I. CUỘC TIẾP XÚC GIỮA SỨ THẦN VIỆT NAM VỚI SỨ THẦN HÀN QUỐC TẠI BẮC KINH NĂM 1760

Như trên đã nói, năm Cảnh Hưng thứ 21 (1760), nhân Thượng hoàng Lê Ý Tông mất, triều đình Lê - Trịnh sai một đoàn sứ bộ sang nhà Thanh báo tang và dâng lễ cống.

Sách Đại Việt sử ký tục biên chép: "Tháng 11 năm Kỷ Mão, Cảnh Hưng thứ 20 (1759) sai các ông Chánh sứ Trần Huy Mật, Phó sứ Lê Quý Đôn, Trịnh Xuân Chú sang tuế cống nhà Thanh, thêm vào việc báo tang vua [Lê] Ý Tông"(14). Hiện nay, tư liệu lịch sử của Việt Nam chưa cho biết rõ đoàn sứ bộ lên đường vào ngày, tháng, năm nào, nhưng theo như Lê Quý Đôn cho biết: Vào mùa Đông năm Canh Thìn (1760) sứ bộ đã có mặt tại Bắc Kinh(15).

Sứ bộ Đại Việt có 1 Chánh sứ và 2 Phó sứ. Dưới đây, chúng tôi xin lược qua tiểu sử của các vị lãnh đạo đoàn sứ bộ ấy.

1. Chánh sứ Trần Huy Mật (陳輝謐(16)) (1710- ? ):

Người xã An Hoạch, huyện Đông Sơn, trấn Thanh Hóa, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736). Trước kia ông vốn có tên là Bá Tân (伯賓), sau mới đổi thành Huy Mật(17). Ông làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lại, được phong tước hầu.

2. Phó sứ Lê Quý Đôn (1726-1784) (đã có tiểu sử ở phần trên).

3. Phó sứ Trịnh Xuân Thụ (鄭春澍(18)) (1704 - ?)

Người xã Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748). Ông làm quan đến chức Đông các Học sĩ, được phong tước Bá. Theo Văn tịch chí trong sách Lịch triều hiến chương loại chí của sử gia Phan Huy Chú ở thế kỷ XIX thì Trịnh Xuân Thụ có tập Sứ hoa học bộ thi tập (使華學部詩集): 1 quyển(19).

Trong ba vị lãnh đạo sứ bộ Đại Việt, về mặt tuổi tác, thì Phó sứ Trịnh Xuân Thụ nhiều tuổi nhất, vào năm 1760, ông đã 56 tuổi, Chánh sứ Trần Huy Mật: 50 tuổi, trẻ tuổi nhất là Phó sứ Lê Quý Đôn: 34 tuổi. Lê Quý Đôn được cử làm Phó sứ ở vào tuổi trên 30 là khá hiếm trong lịch sử bang giao giữa Đại Việt và Trung Quốc. Bởi lẽ, dưới thời phong kiến, trọng trách ấy thường được giao cho những người có tuổi đời trên 50, tuổi "tri thiên mệnh" như người ta từng nói, và bắt buộc phải có học vị Tiến sĩ. Sử gia Phan Huy Chú cho biết: "Chức sứ thần là người có trách nhiệm ngoại giao, tất phải kén người đỗ Tiến sĩ, quan Tiến triều(20) không được dự"(21).

Tuy chưa thuộc diện nhiều tuổi, nhưng tiếng tăm của Lê Quý Đôn đã được các học giả Trung Hoa biết tới. Vì vậy, khi nghe tiếng trong Đoàn sứ bộ Đại Việt có Lê Quý Đôn, các Nho thần nhà Thanh như: Thượng thư Bộ Binh Lương Thi Chính, Thượng thư Bộ Công Quy Hữu Quang và nhiều Nho thần khác đã đến sứ quán Đại Việt thăm và đàm đạo với Lê Quý Đôn.

Cũng trong thời gian này, Lê Quý Đôn đã gặp Đoàn sứ thần Hàn Quốc là Hồng Khải Hy, Triệu Vinh Tiến và Lý Huy Trung. Trong sách Quế Đường thi tập(22) (桂堂詩集), Lê Quý Đn cho biế:

庚辰年前臘月, 本使禮鴻臚寺, 遇朝鮮國正使, 文科狀元鴻啟禧, 副使文科狀元趙榮進, 春坊學士李徽中, 設席寺門. 各通姓名, 坐談片刻後伊送手箋紙扇凡藥方物因賦詩贈之

(Phiên âm: Canh Thìn niên, tiền Lạp nguyệt, bản sứ lễ Hồng Lô tự ngộ Triều Tiên quốc Chánh sứ, văn khoa Trạng nguyên Hồng Khải Hy, Phó sứ văn khoa Trạng nguyên Triệu Vinh Tiến, Xuân phường Học sỹ Lý Huy Trung, thiết tịch tự môn. Các thông tính danh, tọa đàm phiến khắc hậu y tống thủ tiên chỉ, phiến, phàm dược phương vật, nhân phú thi, tặng chi - Dịch nghĩa: Tháng Chạp năm Canh Thìn (1760), khi làm lễ ở Hồng Lô tự, chúng tôi được gặp sứ thần nước Triều Tiên là: Chánh sứ Trạng nguyên Hồng Khải Hy, Phó sứ Trạng nguyên Triệu Vinh Tiến, Xuân phường Học sỹ Lý Huy Trung, giải chiếu mời nhau cùng ngồi. Sau khi hỏi rõ tên tuổi từng người, cùng ngồi đàm đạo một thời gian ngắn, rồi bèn trao cho nhau giấy hoa tiên, quạt, cùng thuốc men phẩm vật địa phương. Nhân đấy làm thơ tặng cho nhau).

Như vậy đoàn sứ bộ Triều Tiên gồm có Chánh sứ Hồng Khải Hy, Phó sứ Triệu Vinh Tiến và Học sĩ Lý Huy Trung. Dưới đây là tiểu sử sơ lược của các vị sứ thần Triều Tiên:

1. Chánh sứ Hồng Khải Hy (鴻啟禧) [1703-1771]

Đỗ Trạng nguyên, giữ chức Sùng lộc đại phu, hành Lại tào phán thủ, kiêm Kinh diên sự, Hoằng văn quán Đề học, Thế tử hữu tân khách.

Theo tác giả Shimizu Taro trong bài Cuộc gặp gỡ của sứ thần Việt Nam và Triều Tiên ở Trung Quốc trọng tâm là chuyện xảy ra trong thế kỷ XVIII(23) cho biết Hồng Khải Hy đỗ Trạng nguyên năm 1737. Shimizu Taro còn cho biết thêm về hành trạng của ông như sau: "Trong Triều Tiên vương triều thực lục có nhiều chỗ ghi chép về nhân vật này; phần cuối có nói chức danh của ông khi mất là Phụng triều hạ... Hồng Khải Hy là người liên quan mật thiết với Luật quân dịch, thi hành năm 1750 mà mục tiêu là cải cách quân chế và tài chính. Ông tham gia biên tập cuốn Quân dịch sự thực phát hành năm 1752, và cuốn Tam vận thanh vựng, phát hành năm 1751"(24). Theo nhà nghiên cứu Đông phương học người Nga là N.Niculin, thì vào năm 1770, tức sau 10 năm đi sứ Trung Quốc về, Hồng Khải Hy đã góp phần hoàn thành bộ Từ điển Bách khoa Triều Tiên, dưới sự chỉ đạo của nhà bác học nổi tiếng Hông Hon Han; mà trong ấy có "toàn bộ kiến thức về cường quốc phương Đông", gồm 100 cuốn"(25).

2. Phó sứ Triệu Vinh Tiến (趙榮進) [ ? - 1775]

Trong bài nghiên cứu của mình nói trên, Shimizu Taro dựa vào sách Quốc triều bảng mục (quyển 17) cho biết Triệu Vinh Tiến: "Năm Bính Tý 32 (1756) vào bảng Đình thí. Ba mươi người đỗ Bính khoa, có Triệu Vinh Tiến, Như Tiếp, Phán Thư là người Dương Châu...". Trong Quế Đường thi tập (桂堂詩集), Lê Quý Đôn cũng cho biết: Phó sứ Triệu Vinh Tiến đỗ Trạng nguyên văn khoa(26). Shimizu Taro còn ghi: "Nhân vật này cũng làm quan đến chức Đại tư hiến(27). Tên ông còn xuất hiện trong sách Triều Tiên vương triều thực lục (朝鮮王朝實錄)(28).

3. L ý Huy Trung (李徽中) [ ? - ? ]

Dựa vào sách Quốc triều bảng mục (國朝榜目), Shimizu Taro cho biết Lý Huy Trung đỗ Tiến sĩ vào năm Canh Ngọ thứ26 (1750). Cùng đỗ Ất khoa với Lý Huy Trung, còn có Thông Đức, Nhữ Thận, Tham Phan, Triệu Phó, đều là người Toàn Châu. Trong sách Quế Đường thi tập, Lê Quý Đôn lại chỉ ghi Lý Huy Trung là "Học sĩ", có lẽ vì ông đang giữ chức Học sĩ, Hành đại chi chế giáo. Theo sách Triều Tiên vương triều thực lục thì Lý Huy Trung làm quan tới chức Đại tư hiến.

Trong kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm, để nghiên cứu về cuộc gặp gỡ giữa Lê Quý Đôn và đoàn sứ bộ Triều Tiên tại Bắc Kinh năm 1760, chúng ta có thể đọc ở một vài bộ sách chữ Hán. Ghi chép khá cụ thể là 5 bộ sách dưới đây đều của Lê Quý Đôn là: 1. Quế Đường thi tập (桂堂詩集) ký hiệu A.576; 2. Kiến văn tiểu lục (見聞小錄) ký hiệ VHv.1322/1(29); 3. Bắ sứthông lụ (北使通錄) ký hiệ A.197; 4. Thánh mô hiề phạ lụ (聖模賢範錄) ký hiệ A.846, VHv.257; 5. Quầ thư khảo biện (群書考辯)(30) ký hiệu A.252, A.1872, VHv.90.

Trong 5 bộ sách vừa kể trên thì Quế Đường thi tập (桂堂詩集) ghi chép cụ thể và đầy đủ hơn 4 bộ còn lại. Từ tờ 12b đến tờ 16a sách này, ghi lại cuộc tiếp xúc giữa Lê Quý Đôn với sứ thần Triều Tiên(31). Đáng quý là trong Quế Đường thi tập, còn ghi lại 7 bài thơ (trước mỗi bài thơ đều có lời Tiểu dẫn của tác giả): 3 bài xướng của Lê Quý Đôn, 2 bài họa của Hồng Khải Hy và 2 bài họa của Lý Huy Trung(32). Đọc kỹ 7 bài thơ xướng họa của Lê Quý Đôn với Hồng Khải Hy, Lý Huy Trung và các bài Tiểu dẫn kèm theo mỗi bài thơ, chúng ta thấy các vị sứ thần Việt Nam và Triều Tiên đã hiểu khá rõ lịch sử, văn hóa của nước bạn mà mình đối thoại. Như trên đã nói, là người luôn luôn học hỏi để tăng thêm vốn kiến thức cho mình, Lê Quý Đôn đã học được khá nhiều kiến thức về Triều Tiên thông qua lần đi sứ này.

II. LÊ QUÝ ĐÔN VỚI KIẾN THỨC LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA TRIỀU TIÊN - HÀN QUỐC

Vào nửa cuối thế kỷ XVIII, những nhà nho Đại Việt nếu muốn nghiên cứu lịch sử Triều Tiên - Hàn Quốc(33), có thể đọc bộ Nhị thập tứ sử (二十四史)(34) đã được ấn hành từ đầu đời Càn Long nhà Thanh. Có thể khẳng định rằng trước khi được cử làm Phó sứ trong Đoàn sứ bộ sang nhà Thanh vào năm 1760, Lê Quý Đôn đã từng đọc qua Nhị thập tứ sử. Trong tác phẩm Vân đài loại ngữ (蕓臺類語)(35) của mình, Lê Quý Đôn có nhắc tới việc ông tham khảo các thiên Địa lý chí (地理志), Tứ duệ liệt truyện (四裔列傳) trong Nhị thập nhất sử. Ngày nay, đọc Nhị thập tứ sử, chúng ta thấy các bộ sử dưới đây: Sử ký, Hán thư, Hậu Hán thư, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tống sử, Nguyên sử, Minh sử... đều ghi chép về nước Triều Tiên - Hàn Quốc (còn có các tên khác là: Cao Ly, Cao Cú Ly, Bách Tế, Tân La).

Qua bộ sách Kiến văn tiểu lục (見聞小錄), ta biết Lê Quý Đôn đã đọc khá kỹ phần lịch sử Triều Tiên trong pho chính sử Nhị thập tứ sử nói trên. Lê Quý Đôn viết: "Nước Cao Ly, về thời đại nhà Đường, gọi là An Đông đô hộ phủ, đến đời Thạch Tấn, Vương Kiến mới khôi phục được và dựng thành nước, kiêm tính cả Tân La và Bách Tế trải qua các triều đại Tống và Nguyên, đến đời Minh Thái Tổ, triều đại do Vương Kiến dựng lên mới mất. Họ Lý (tức Lý Thành Quế (李成桂) - NMT) lên thay, quốc hiệu vẫn theo như cũ, gọi là Triều Tiên, trải qua từ đời nhà Đại Minh đến triều đại hiện nay. Thế là trong khoảng 900 năm, trong nước mới có 2 lần thay đổi triều đại. Về điểm này, Trung Quốc cũng đáng lấy làm hổ thẹn"(36).

Chúng ta thấy đoạn sử trên đây viết về thời kỳ vương triều Cao Ly (936-1392) do Vương Kiến sáng lập, được Lê Quý Đôn tham khảo trong Minh sử (明史), Quyển 320 - Triều Tiên truyện. Tôi chỉ xin dẫn một vài dòng để chúng ta cùng hiểu sơ qua nguồn tư liệu mà Lê Quý Đôn trích lục:

"朝鮮箕子所封國也漢以前曰朝鮮始為燕人衛滿所据漢武帝平之... 漢末有扶余人高氏据其地改國號曰高麗居平壤即樂浪也已為唐所破東徙后唐時王建代高氏兼并新羅百濟地徙居松岳曰東京而以平壤為西京 - Triều Tiên, Cơ tử sở phong quốc dã, Hán dĩ tiền viết: Triều Tiên. Thủy vi Yên nhân, Vệ Mãn sở cứ, Hán Vũ đế bình chi... Hán mạt hữu Phù Dư nhân, Cao thị cứ kỳ địa, cải quốc hiệu, viết: Cao Ly, cư Bình Nhưỡng, tức Lạc Lãng dã. Dĩ vi Đường sở phá, đông tỷ. Hậu Đường thời, Vương Kiến đại Cao thị, kiêm tính Tân La, Bách Tế địa, tỷ cư Tùng Nhạc, viết Đông Kinh, nhi dĩ Bình Nhưỡng vi Tây Kinh..." (Triều Tiên, là nước Cơ tử được phong (thời Chu Võ vương - NMT). Từ thời Hán (206 TCN - 220 CN) trở về trước, tên nước gọi là Triều Tiên. Mới đầu bị Vệ Mãn, người nước Yên chiếm cứ, sau bị Hán Vũ đế chinh phục... Vào cuối đời Hán, họ Cao người nước Phù Dư lại chiếm giữ đất nước ấy, đổi tên nước là Cao Ly, đóng đô ở Bình Nhưỡng, thuộc đất Lạc Lãng. Nhưng cuối cùng bị nhà Đường tàn phá, phải dời chuyển về phía Đông. Vào thời cuối Đường (năm 918 - NMT), Vương Kiến thay họ Cao, thôn tính cả đất Tân La, Bách Tế, lại dời đô về Tùng Nhạc, gọi là Đông Kinh, mà coi Bình Nhưỡng là Tây Kinh...).

Đọc lại phần Triều Tiên truyện trong Minh sử, chúng ta thấy nước Triều Tiên từ trước thế kỷ X là thuộc địa của phong kiến Trung Quốc. Vào thời Cao Tông (650-684) nhà Đường đặt An Đông đô hộ phủ (安東都府), cũng như họ đã đặt An Nam đô hộ phủ (安南都府) ở Việt Nam năm 679. Từ năm 918, Vương Kiến giành được độc lập, dựng lên vương triều Cao Ly (936-1392), đặt niên hiệu là Thiên Thu (千秋), đóng Kinh đô ở Tùng Nhạc, tức Khai Thành ngày nay. Còn người "họ Lý" mà Lê Quý Đôn nhắc đến trong sách Kiến văn tiểu lục, tức Lý Thành Quế, vị vua sáng lập vương triều Lý (1392-1910) của Triều Tiên. Năm 1392, Lý Thành Quế truất Cung Nhượng vương (恭讓王), vua cuối cùng của dòng dõi Vương Kiến, tự lên làm vua, rồi dời đô đến Hán Thành (漢城), đổi quốc hiệu là Triều Tiên, theo như quốc hiệu cũ đã có từ đời cổ. Như vậy, từ đầu thế kỷ X, Vương Kiến thành lập vương triều Cao Ly, đến thời điểm Lê Quý Đôn viết xong bộ Kiến văn tiểu lục năm 1777, tính tròn là "khoảng 900 năm", nước Triều Tiên "mới có 2 lần thay đổi triều đại", từ triều đại họ Vương (Vương Kiến), sang triều đại họ Lý (Lý Thành Quế). Trong khi đó, từ đầu thế kỷ X đến cuối thế kỷ XVIII, Trung Quốc đã thay đổi tới 8 triều đại: Hậu Tấn (后晉), Hậu Hán (后漢), Hậu Chu (后周), Bắc Tống (北宋), Nam Tống (南宋), Nguyên (元), Minh (明), Thanh (清).

Qua cuộc xướng họa thơ giữa hai Đoàn sứ bộ Đại Việt - Việt Nam và Triều Tiên - Hàn Quốc, chúng ta thấy rõ mối tình hữu nghị, thắm thiết của hai dân tộc tuy cách biệt nhau về mặt địa lý, nhưng cùng có chung một nền văn hóa, mà Lê Quý Đôn từng bộc lộ:

異邦合志亦同方

學術本從先素王

"Dị bang hợp chí diệc đồng phương

Học thuật bản tòng Tiên Tố vương".

(Tuy nước khác nhau nhưng cùng một chí, cũng cùng một hướng

Về đường học thuật, hai nước cùng theo Tiên Tố vương).

"Tiên Tố vương" (先素王) là từ tôn xưng Khổng Tử. Theo sách Khổng Tử gia ngữ (孔子家語) thì viên Thái sử nước Tề là Tử Dư sau khi được tiếp kiến Khổng Tử (551-479 TCN), lúc ra ngoài, than rằng: "Thiên tương dục Tố vương chi hồ?" (天將欲素王之乎), nghĩa là: "Trời ý chừng muốn có bậc vua không ngôi chăng?" Từ đời Hán, Ngụy trở đi, mọi người đều gọi Khổng Tử là "Tố Vương", hàm nghĩa, tuy không có ngôi vị mà thế lực giống như vua. Sử gia Tư Mã Thiên có cùng một ý trên, khi ông bình luận về Khổng Tử trong bộ Sử ký như sau: "Trong thiên hạ các vua chúa và người tài giỏi rất nhiều, khi sống thì vinh hiển, nhưng lúc chết là hết. Khổng Tử là một người áo vải, thế mà truyền hơn 10 đời, các học trò đều tôn làm thầy, từ Thiên tử tới Vương hầu ở Trung Quốc hễ nói đến Lục Nghệ(37) đều lấy Khổng Tử làm tiêu chuẩn..."(38)

Trong lời Tiểu dẫn cho bài thơ xướng đầu tiên của mình, Lê Quý Đôn nhận xét rất trân trọng về đất nước Triều Tiên - Hàn Quốc "東方君子國也悅信義服詩書足令人生敬愛..." (Nghĩa là: [Triều Tiên] ở phương Đông, đó là đất nước của các bậc quân tử, cư xử tín nghĩa, thông thạo thi thư, đủ khiến cho người ta nảy sinh lòng kính ái...). Rõ ràng trên đây là những nhận định khách quan và trung thực của Lê Quý Đôn. Bài thơ xướng Doanh hải Đông nam theo thể "Đường luật thất ngôn bát cú", ở hai câu thực (câu 3 - 4), Lê Quý Đôn đưa ra một sự so sánh rất hay và tinh tế giữa hai nước Việt - Hàn.

傘圓概似松山秀

鴨錄應同珥水長

"Tản Viên khái tự Tùng sơn tú

Áp Lục ưng đồng Nhị thủy trường".

(Núi Tản Viên [của nước tôi] đẹp như núi Tùng Nhạc [của nước bạn]

Sông Áp Lục [của nước bạn] cũng dài như sông Nhị Hà [của nước tôi])

Từ xa xưa, tư duy văn hóa Nho giáo lấy "Sông" (giang - 江, thủy - 水) và "Núi" (sơn - 山) để tượng trưng cho đất nước, vì thế có thành ngữ "Giang sơn cẩm tú" (non sông tươi đẹp).

Tản Viên, Nhị Hà là "danh sơn, đại xuyên" của quốc gia Đại Việt, Lê Quý Đôn rất tự hào về vẻ đẹp của chúng, nờn đem ra so sánh với các sơn thanh, thủy tú của Hàn Quốc là Tùng Nhạc - Áp Lục. Tiếp đến là hai câu luận, Lê Quý Đôn viết:

六籍以來多學問

九疇而後更文章

"Lục tịch dĩ lai đa học vấn

Cửu Trù nhi hậu cánh văn chương".

(Từ khi có Lục kinh(39) đến nay, nước các bạn là nước có nhiều học vấn

Ngoài thông tỏ Cửu trù(40) ra, nước các bạn còn là nước có văn chương).

Lê Quý Đôn nhắc đến Cửu trù là nhắc đến các phạm trù lớn lao quan trọng trong công việc trị quốc yên dân, nhưng cũng để nhắc đến Cơ Tử, người được coi là ông tổ của dân tộc Triều Tiên - Hàn Quốc, tương tự như Hùng Vương của Việt Nam. Cơ Tử vốn là một hiền thần của nhà Thương, bề tôi của Trụ vương. Ông bị Trụ vương bỏ tù. Sau được Chu Vũ Vương mời ra giúp nhà Chu nhưng ông từ chối. Chu Vũ Vương rất kính trọng Cơ Tử, đối đãi với ông rất tốt, thường hay gặp gỡ trao đổi để lắng nghe lời góp ý của ông. Các bộ chính sử của Trung Quốc như Tống sử, Nguyên sử, Minh sử... đều khẳng định: Triều Tiên - Hàn Quốc - Cao Ly là đất nước mà Chu Vũ Vương phong cho Cơ Tử (Tống sử: "Cao Ly... Chu vi Cơ Tử chi quốc" (Cao Ly là nước nhà Chu phong cho Cơ Tử...). Nguyên sử: "Cao Ly... bản Cơ Tử sở phong chi địa..." (Cao Ly vốn là đất phong của Cơ Tử...). Minh sử: "Triều Tiên: Cơ tử sở phong quốc dã" (Triều Tiên là nước được phong của Cơ Tử...). Như vậy khi tiếp xúc với các bạn Triều Tiên - Hàn Quốc, Lê Quý Đôn nói về "Cửu trù" của Cơ Tử với hàm ý ca ngợi bậc minh triết tạo lập, khai mở đất nước Triều Tiên - Hàn Quốc từ thời cổ đại. Trong khoảng giao lưu tình cảm bạn bè, còn gì vui hơn, đáng quý hơn, khi người đối thoại hiểu rõ công lao, sự nghiệp tổ tiên xa đời của mình ?

Học sĩ Lý Huy Trung trong bài Tái ngoại nhân lai họa lại thơ Lê Quý Đôn, có câu:

星分箕斗三生隔

地阻蓬瀘萬國長

"Tinh phân Cơ, Đẩu tam sinh cách

Địa trở Bồng, Lô vạn quốc trường".

(Nước các bạn ở tinh phận sao Đẩu, nước tôi ở sao Cơ, lối sống khác nhau(41)

Nước tôi chốn Bồng đảo(42) bạn ở xứ Lô giang(43) cách trở giữa vạn nước).

Rõ ràng Lý Huy Trung viết những dòng trên để sánh với hai câu "Tản Viên - Tùng Sơn... Áp Lục - Nhị Thủy" trong bài xướng của Lê Quý Đôn. Có thể nói, chỉ bằng mấy hình ảnh sông, núi, tinh tú... có tính biểu tượng ấy, cho thấy các bạn sứ thần Hàn Quốc yêu quý và trân trọng đất nước của sứ thần Đại Việt biết chừng nào !

Ở hai câu kết, Lý Huy Trung nhận xét:

越裳消息今聞否

猶似當辰(44)海不揚

"Việt Thường tiêu tức kim văn phủ,

Do tự đương thì hải bất dương".

(Nay như thấy tin tức từ nước Việt Thường(45) đưa tới,

Còn thấy sóng vỗ nhẹ như thuở đương thời nhà Chu).

Trên đây, chúng ta thấy Lê Quý Đôn nói đến Cơ Tử (Cửu trù) (Vị tổ của nước Triều Tiên - Hàn Quốc), dường như để đáp lại tình cảm ấy, Lý Huy Trung đã nhắc tới họ "Việt Thường thị" đời Hùng Vương, quốc tổ của Đại Việt, thành ngữ Hán Việt gọi đó là: 投桃報李 "Đầu đào báo lý" (Ta biểu đào, bạn tặng mận)(46), nói sự tặng đáp nhau tương xứng.

Sau khi nhận được hai bài thơ họa của Hồng Khải Hy và Lý Huy Trung, sứ thần Đại Việt Lê Quý Đôn lại viết bài thơ xướng thứ hai, mời các sứ thần Hàn Quốc họa tiếp. Nếu bài thứ nhất Doanh hải Đông Nam..., Lê Quý Đôn phần lớn đề cập tới những hình ảnh tượng trưng to tát (Tản Viên - Tùng Sơn, Áp Lục - Nhị Thủy), thì ở bài thứ hai Dị bang hợp chí... này, ông nói tới những quà tặng cụ thể:

側釐白硾交投贈

端委洪疇覓表章

"Trắc Ly, Bạch Trụy giao đầu tặng

Đoan ủy, Hồng Trù mịch biểu chương".

(Đem giấy Trắc Ly(47) và giấy Bạch Trụy(48) trao tặng cho nhau

Có phép Đoan ủy(49) và phép Hồng trù(50) tìm thấy ở các biểu chương).

Lê Quý Đôn nói sứ thần Việt - Hàn đem các loại giấy quý ra trao tặng cho nhau, vì lẽ người xưa quan niệm: giấy là một trong bốn vật quý của kẻ sĩ. Bốn vật quý ấy gọi là "Văn phòng tứ bảo" (文房四寶): bút - mực - giấy - nghiên. Vả lại, ông cũng muốn nhắc đến một sản phẩm thủ công của nước Hàn Quốc với ý thức quý chuộng và trân trọng. Nhưng qua câu thơ này, ngày nay chúng ta nhận thấy Lê Quý Đôn đã chủ tâm ghi lại tên một thứ giấy quý của Triều Tiên, mà ở các tác phẩm khác, ông chưa từng nhắc tới. Tôi đã đọc khá kỹ sách Vân đài loại ngữ (nhất là ở phần 9: Phẩm vật) của Lê Quý Đôn, nhưng cũng không thấy ông khảo về loại giấy Bạch Trụy này. Chỉ thấy ở mục 42 phần Phẩm vật, ông có "Bàn về giấy của Thái Luân chế ra" từ đời vua Hán Hòa đế (89 - 105)(51).

Sau bài thơ xướng trên, Lê Quý Đôn lại làm bài xướng Vĩ tài đoan đích mời các bạn sứ thần Hàn Quốc họa. Trong đó Nhà bác học nước Đại Việt đã bộc lộ tình cảm thắm thiết của mình đối với các bạn mới Hàn Quốc

尚友四旬梅信重

相思二月柳條長

"Thượng hữu tứ tuần mai tín trọng,

Tương tư nhị nguyệt liễu điều trường".

(Yêu thương bạn, cả bốn tuần đều coi trọng tin mai,

Nhớ nhau, mới hai tháng thấy dài như tơ liễu).

"Mai tín" tức tin mai, nghĩa đen là gửi tin kèm theo một cành mai. Theo sách Kinh Châu ký, Lục Khải ở Giang Nam bẻ một cành mai gửi về Trường An tặng bạn là Phạm Việp kèm theo một bài thơ; có câu: "Liêu tặng nhất chi xuân" (xin tạm gửi một cành xuân). Từ đó, người xưa lấy chữ "mai tín" (tin mai) để chỉ tin tức, thư từ gửi cho bạn bè. Trong Hoa Tiên truyện, nhà thơ Nguyễn Huy Tự cũng có câu thơ:

"Cầu sương dặm tuyết chiều ai

Dịch mai đành để tin mai những mừng".

Tình cảm thắm thiết nói trên của sứ thần Đại Việt Lê Quý Đôn, được các sứ thần Hàn Quốc Hồng Khải Hy, Lý Huy Trung đáp lại thật chí tình.

Vị Chánh sứ Hồng Khải Hy viết: "奇遇只應通紵縞Kỳ ngộ chỉ ưng thông trữ cảo" (Cuộc kỳ ngộ của chúng ta nên kết lại thành sợi tơ, dây gai). Ý muốn nói để cho thật bền chặt và lâu dài.

Còn vị Học sĩ Lý Huy Trung thì viết: "歸橐盎然皆越字Quy thác áng nhiên giai Việt tự" (Chứa đầy túi đưa về nước, đều là chữ của sứ thần Đại Việt).

*

*     *

Nhà Nho thời xưa thường cho rằng nếu đã giữ vai trò sứ thần, phải làm sao được xứng với sự trao phó nhiệm vụ của quân vương. Điều này được kẻ sĩ ghi vào tâm khảm từ thuở thiếu thời. Bởi lẽ, trong bộ Luận ngữ, Khổng Tử không dưới một lần nói về nhiệm vụ của kẻ sĩ trong vai trò sứ thần, thí dụ như: "子曰誦詩三百授之以政不達使於四方不能專對雖多亦奚以為 ? - Tử viết: Tụng Thi tam bách, thụ chi dĩ chính, bất đạt; sứ ư tứ phương, bất năng chuyên đối, tuy đa diệc hề dĩ vi ? (Khổng Tử nói: Nếu đọc thuộc ba trăm bài Kinh Thi mà trao quyền bính cho, không làm được thông suốt, giao cho đi sứ bốn phương không biết ứng đối, thì dẫu học nhiều để mà làm gì ? Luận ngữ - Tử Lộ)

Hoặc câu: "子貢問曰何如斯可謂之士矣? 子曰行己有恥使於四方不辱君命可謂士矣 ? - Tử Cống vấn viết: 'Hà như tư khả vị chi sĩ hỹ' Tử viết: 'Hành kỷ hữu sỉ, sứ ư tứ phương, bất nhục quân mệnh, khả vị sĩ hỹ' ". (Tử Cống hỏi: "Như thế nào thì có thể gọi là kẻ sĩ?" Khổng Tử nói: "Với bản thân, có lòng hổ thẹn (trước việc trái với lễ), đi sứ bốn phương, không làm nhục mệnh vua, như vậy có thể gọi là kẻ sĩ" - Luận ngữ - Tử Lộ).

Trong lịch sử thời phong kiến phương Đông, Đại Việt và Hàn Quốc là những nước "®ồng văn" (cùng một nền văn hóa Nho giáo), cho nên kẻ sĩ của hai nước đều thấm nhuần lời dạy trên của Khổng Tử. Các triều đại nước Đại Việt, cũng như các triều đại nước Hàn Quốc, khi cử người đi sứ Trung Quốc, đều nhằm vào các bậc khoa bảng lớn, vì họ là những người học rộng, biết nhiều, có tài văn chương, rất mẫn tiệp và giỏi ứng đối. Họ là người không chỉ nắm vững tình hình nước nhà mà còn hiểu khá tường tận tình hình chính trị, xã hội, nhất là văn hóa của nước mà mình đặt quan hệ bang giao. Có thể nói trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc vào năm 1760 các vị Trần Huy Mật, Lê Quý Đôn, Trịnh Xuân Thụ của Đại Việt và các vị Hồng Khải Hy, Triệu Vinh Tiến, Lý Huy Trung của Hàn Quốc là thuộc loại những người tài năng xuất chúng kể trên. Đại diện cho sứ bộ Đại Việt là Lê Quý Đôn, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi học thuật và xướng họa với đoàn sứ bộ Hàn Quốc.

Hơn ai hết, Lê Quý Đôn hiểu rõ tầm quan trọng của việc kết giao tình bạn, tình hữu nghị với các đoàn sứ bộ của các nước khác trong khu vực, mỗi lần đi sứ đến Bắc Kinh. Chắc chắn ông từng nhớ lời dặn dưới đây của Tăng Tử (Đại môn đệ của Khổng Tử): "Quân tử dĩ văn hội hoặc, dĩ hữu phụ nhân 曾子曰君子以文會友以友輔仁" - Nghĩa là: Tăng Tử nói: "Người quân tử lấy văn chương, học vấn mà tập hợp bạn bè, và nhờ bạn bè giúp sức mà làm được điều nhân" Luận ngữ - Nhan Uyên). Trong lịch sử bang giao Việt Nam - Trung Quốc, chuyến đi sứ của đoàn sứ bộ Trần Huy Mật, Lê Quý Đôn, Trịnh Xuân Thụ được coi là chuyến đi sứ thành công tốt đẹp. Theo tôi, riêng với vị Phó sứ Bảng nhãn Lê Quý Đôn, với chuyến đi sứ ấy, ông đã đạt được 3 niềm vui lớn trong cuộc đời mình. Đó là: Hoàn thành xuất sắc vai trò của một Phó sứ, được kết bạn thân thiết với các bậc quân tử Hàn Quốc và quan trọng hơn, trong khối kiến thức vốn đồ sộ của mình còn được tăng cường thêm khá nhiều tri thức về lịch sử, văn hóa của xứ sở nổi tiếng sơn thanh, thủy tú mà ông hằng ngưỡng mộ.

Chú thích:

(1) Theo Các nhà khoa bảng Việt Nam. Ngô Đức Thọ (Chủ biên), Nxb. Văn học, H. 1993, tr.680-681.

(2) Ngũ kinh (五經): Thi - Thư - Lễ - Dịch - Xuân Thu.

(3) Tứ thư (四書): Luận ngữ - Đại học - Trung dung - Mạnh Tử.

(4) Sử (史): gồm có Bắc sử (北史) tức sử Trung Quốc và Nam sử (南史), tức sử Việt Nam.

(5) Truyện (傳): sách của các bậc đại Nho Trung Quốc biên soạn như Tả truyện (左傳) của Tả Khâu Minh (左丘明) chẳng hạn...

(6) Chư tử: tức Bách gia Chư tử (百家諸子): sách của các nhà triết học thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc như: Đạo đức kinh (道德經) của Lão tử (老子)...

(7) Nho gia: ở đây chủ yếu nói tới Nho giáo Khổng - Mạnh.

(8) Pháp gia: chủ yếu nói tới Hàn Phi tử, gồm 3 bộ phận: Pháp - Thuật - Thế, nhưng đề cao Pháp hơn 2 bộ phận kia.

(9) Lê Quý Đôn: Vân Đài loại ngữ, 2 tập, Trần Văn Giáp dịch. Nxb. Văn hóa, H. 1961, tập 1, tr.43.

(10) Dùng điển trong sách Luận ngữ, Khổng Tử thấy con là Bá Ngư (Khổng Lý) đi qua sân, bảo cần phải học Kinh Thi và Kinh Lễ. Lê Quý Đôn là con Tiến sĩ Lê Trọng Thứ, ở đây, ý nói được cha dạy bảo.

(11) Lời Tựa của Lê Quý Đôn viết vào năm 1777 cho sách Kiến văn tiểu lục, trong Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1. Nxb. KHXH, H. 1977, tr.14.

(12) Lễ Thành phục: trong ngày tang lễ, khi người chết đã liệm rồi, người thân thuộc phải mặc đồ tang, gọi là "Thành phục".

(13) Ngữ văn Hán Nôm, tập 4. Nxb. KHXH, H. 2004, tr.499-504.

(14) Đại Việt sử ký tục biên. Nxb. KHXH, H. 1991, tr.263.

(15) Lê Quý Đôn toàn tập, tập 2: Kiến văn tiểu lục, Nxb. KHXH, H. 1977, tr.224.

(16) Chữ Mật (謐), còn có âm nữa là Bật, cho nên cũng có sách ghi tên ông là Trần Huy Bật.

(17) Các nhà khoa bảng Việt Nam. Ngô Đức Thọ (Chủ biên), Nxb. Văn học, H. 1993, tr.698.

(18) Chữ Thụ (澍?) còn có âm nữa là Chú, cho nên cũng có sách ghi tên ông là Trịnh Xuân Chú.

(19) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Nxb. Sử học, H. 1961, tập 4, tr.96.

(20) Tiến triều: người không đỗ Tiến sĩ, nhưng được triều đình phong kiến sử dụng, bổ nhiệm như người đỗ Tiến sĩ, thì gọi là Tiến triều.

(21) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Nxb. Sử học, tập 2, H. 1961, tr.70.

(22) Quế Đường thi tập (桂堂詩集): tập thơ đi sứ, Lê Quý Đôn tập hợp những bài thơ xướng họa của ông với các bạn thơ Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc. Hiện được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Hà Nội, ký hiệu A.576. Sự kiện gặp gỡ và xướng họa thơ giữa Lê Quý Đôn và các sứ thần Hàn Quốc được chép từ tờ 12b đến tờ 16a của Quế Đường thi tập.

(23) Shimizu Taro: Cuộc gặp gỡ của sứ thần Việt Nam và Triều Tiên ở Trung Quốc trọng tâm là chuyện xảy ra trong thế kỷ XVIIITạp chí Hán Nôm, số 3-2001.

(24) Shimizu Taro: Cuộc gặp gỡ của sứ thần Việt Nam và Triều Tiên ở Trung Quốc... Tạp chí Hán Nôm, số 3-2001.

(25) N. Niculin: Quan hệ văn học Việt Nam - Triều Tiên cuối thế kỷ XVI - giữa thế kỷ XVIIITạp chí Văn học, số 2-1987.

(26) Lê Quý Đôn (黎貴惇) - Quế Đường thi tập (桂堂詩集), ký hiệ A.576, tờ12b, Thưviệ Việ Nghiên cứ Hán Nôm, Hà Nộ,

(27) Anh tổ thực lục (英祖實錄›), quyển 118, mục tháng 3 năm Nhâm Thìn, đời Lý Anh Tổ (李英祖) năm thứ 48 (1768).

(28) Shimizu Taro: Cuộc gặp gỡ của sứ thần Việt Nam và Triều Tiên ở Trung Quốc... Tạp chí Hán Nôm, số 3-2001.

(29) Kiến văn tiểu lục, Viện Sử học dịch, H. 1977.

(30) Quần thư khảo biện đã được Trần Văn Quyền phiên dịch ra tiếng Việt, xuất bản tại Hà Nội năm 1995.

(31) Từ tờ 16b trở đi, bắt đầu ghi lại các bài thơ xướng họa giữa Lê Quý Đôn và viên quan bạn tống của Trung Quốc là Lễ bộ Viên Ngoại lang Tần Triều Hãn - 秦朝釬

(32) Chúng tôi xin kể tên các bài thơ xướng họa ấy dưới đây (do các bài thơ không có tiêu đề, nên rút 4 chữ đầu của câu 1, tạm làm tên bài):

A. THƠ XƯỚNG

CỦA LÊ QUÝ ĐÔN

B. THƠ HỌA

CỦA HỒNG KHẢI HY

C. THƠ HỌA

CỦA LÝ HUY TRUNG

1. Doanh hải Đông Nam...

2a. Dị bang hợp chí...

2b. Vĩ tài đoan đích...

(Cả hai bài 2a, 2b, Lê Quý Đôn đều gieo vần "phương": (方)

2a. Dị bang hợp chí diệc đồng phương.

2b. Vĩ tài đoan đích nhượng Đông phương.

Có lẽ vì thế, các vị sứ thần Triều Tiên chỉ họa, mỗi người 1 bài).

1. Nam kim mỹ giá...

2. Cao kỳ truyền phổ...

1. Tái ngoại nhân lai...

2. Phù sà diểu diểu...

Có thể đọc thêm:

- Trần Văn Giáp: Một số tư liệu về việc giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Triều Tiên, ký hiệu Thư viện Quốc gia Hà Nội: VVL005/70.

- Nguyễn Minh Tuân: Thêm bốn bài thơ xướng họa giữa Lê Quý Đôn với sứ thần Triều TiênTạp chí Hán Nôm, số 4-1994.

(33) Hàn Quốc: cũng là một tên khác có từ lâu đời của nước Triều Tiên. Trong bộ Thanh sử cảo (清史稿) - Quyển 526, có chép: "朝鮮又称韓國清初王朝鮮者李琿事明甚謹太祖天命四年琿遺其將姜宏立率師助明來侵...". (Nghĩa là: Triều Tiên còn gọi là Hàn Quốc. Thời kỳ đầu nhà Thanh, vua Triều Tiên là Lý Hồn thờ vương triều Minh rất cẩn thận. Vào niên hiệu Thiên Mệnh thứ tư, đời Thái Tổ [tức Nỗ Nhĩ Cáp Xích (1559-1626) - NMT], Hồn sai tướng Khương Hoằng Lập chỉ huy quân đội giúp nhà Minh sang xâm lược...).

(34) * 24 bộ Đoạn đại sử Trung Quốc (中國段代史), pho chính sử ấn hành từ thời Thanh, Càn Long gồm có: 1. Sử ký (史記›); 2. Hán thư (漢書); 3. Hậu Hán thư (后漢書); 4. Tam quốc chí (三國志); 5. Tấn thư (晋書); 6. Tống thư (宋書); 7. Nam Tề thư (南齊書); 8. Lương thư (梁書); 9. Trần thư (陳書); 10. Hậu Ngô thư (后魏書); 11. Bắc Tề thư (北齊書); 12. Chu thư (周書); 13. Tùy thư (隋書); 14. Nam sử (南史); 15. Bắc sử (北史); 16. Tân Đường thư (新唐書); 17. Tân Ngũ đại sử (新五代史); 18. Tống sử (宋史); 19. Liêu sử (辽史); 20. Kim sử (金史); 21. Nguyên sử (元史); 22. Minh sử (明史); 23. Cự Đường thư (舊唐書); 24. Cự Ngũ đại sử (舊五代史).

* Năm 1921, Từ Thế Xương, Đại Tổng thống Chính phủ Bắc Dương (trên danh nghĩa), thêm 1 bộ nữa thành Nhị thập ngũ sử (二十五史): 25. Tân Nguyên sử (新元史).

* Năm 1995, Chính phủ Trung Quốc thêm 1 bộ nữa thành Nhị thập lục sử (二十六史): 26. Thanh sử cảo (清史稿).

(35) Lê Quý Đôn: Vân đài loại ngữ (蕓臺類語) - nghĩa là: "Những lời nói thu thập được tại chốn Vân đài. "Vân đài" là nơi chứa sách, vì "Vân" là một loại cỏ thơm, đem để vào sách vở thì trừ được sâu mọt. Nxb. Văn hóa, H. 1961, tập 1, tr.116.

(36) Lê Quý Đôn toàn tập, tập 2: Kiến văn tiểu lục. Nxb. KHXH, H. 1977, tr.223-224.

(37) Lục nghệ: có hai thuyết:

A - chỉ: Lễ - Nhạc - Ngự - Xạ - Thư - Số (Sáu nghề).

B - chỉ: Thi - Thư - Lễ - Nhạc - Dịch - Xuân Thu (Sáu kinh).

(38) Tư Mã Thiên: Sử ký, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2003, tr.264.

(39) Nguyên văn là Lục tịch (六籍), chỉ Lục kinhThi - Thư - Lễ - Nhạc - Dịch - Xuân ThuKinh Nhạc đã bị Tần Thủy Hoàng đốt, chỉ còn Ngũ kinh. Ở đây để chỉ văn hóa Nho giáo nói chung.

(40) Cửu trù (九疇) nói tắt của 鴻範九疇Hồng phạm cửu trù (chín trù Hồng phạm) trong thiên Hồng phạm sách Kinh Thư. Thiên Hồng phạm (phạm trù to lớn) do Cơ Tử soạn có ý nhắc nhở Vũ Vương nhà Chu quan tâm sâu sắc đến công việc trị quốc yên dân. Cửu trù (9 phạm trù) là: 1. Ngũ hành: Thủy - Hỏa - Mộc - Kim - Thổ; 2. Kính dụng ngũ sự (Kính cẩn năm việc): Mạo (dung mạo), Ngôn (lời nói), Thị (nhìn ngắm), Thính (nghe ngóng), Tư (suy nghĩ); 3. Nông dụng bát chính (tám việc chính yếu): Thực (ăn uống), Hóa (lo giầu của cải), Tự (lo tế tự), Tư không (lo đất đai canh tác), Tư đồ (lo việc dạy dỗ), Tư khấu (lo việc hình phạt), Tân (lo việc tiếp khách quý), Sư (lo việc binh bị); 4. Hiệp dụng ngũ kỷ (năm kỷ yếu): Tuế (năm), Nguyệt (tháng), Nhật (ngày), Tinh thần (tinh tú), Lịch số (Lịch pháp); 5. Kiến dụng Hoàng cực (giữa đạo của vua); 6. Nghệ dụng tam đức (chăm lo ba đức): Chính trực (ngay thẳng), Cương khắc (cứng rắn), Nhu khắc (mềm dẻo); 7. Minh dụng kê nghi (khảo sát điều ngờ vực); 8. Niệm dụng thứ trưng (nghiệm rõ thời tiết); 9. Hưởng dụng ngũ phúc (5 điều phúc): Thọ - Phú - Khang ninh - Du hiếu đức - Khảo chung mệnh.

(41) Nguyên chú: nước Cao Ly (tên cũ của Hàn Quốc - NMT) nằm phía ngoài đất U - Yên, ở về tinh phận sao Cơ, sao Vỹ. Còn nước An Nam (tên cũ của nước Việt Nam - NMT) nằm ở phía ngoài đất Tần - Thục ở về tinh phận sao Đẩu, sao Quỷ. Là nói phía trên tương ứng với dư khí của thiên tinh.

(42) Bồng (蓬): là nói tắt Bồng Đảo, hay Bồng Doanh là nơi tiên ở, đây dùng để chỉ nước Hàn Quốc.

(43)  (瀘): là nói tắt Lô giang, một nhánh của Nhị Hà (tức sông Hồng), đây chỉ nước Việt Nam.

(44) Chữ 辰 vốn là chữ Thần. Vì bản Quế Đường thi tập A.576, được ấn hành vào triều Nguyễn, vì phải kỵ húy vua Tự Đức (1848 - 1883) là Nguyễn Phúc Thì (阮時) nên dùng chữ Thần 辰 thay cho chữ Thời 時

(45) Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Thời Thành Vương nhà Chu (1063 - 1026 TCN), nước Việt ta lần đầu tiên đi sang nhà Chu (không rõ vào đời Hùng Vương thứ mấy), xưng là Việt Thường Thị, hiến chim trĩ trắng. Chu Công nói: "Chính lệnh không ban đến thờ người quân tử, không coi là bề tôi của nước mình", rồi sai làm xe "Chỉ nam" đưa sứ giả về nước" (Toàn thư, sđd, tập 1, tr.134).

(46) Thành ngữ Việt Nam cũng có câu: "Có đi có lại mới toại lòng nhau", nghĩa lý tương tự như câu: "Đầu đào báo lý".

(47) Nguyên chú: nước Nam Việt lấy rêu biển làm thành giấy, đầu sợi tơ xiên nghiêng, nên gọi là "giấy Trắc Lý", nói ngoa lên là "giấy Trắc Ly" có nghĩa là giấy thiên về điều phúc, tốt lành (chữ 釐 Ly cú âm là Hi: phúc, tốt, cùng nghĩa với chữ 禧 Hy).

(48) Nguyên chú: nước Cao Ly có giấy Bạch Trụy, được dùng rộng rãi.

(49) Nguyên chú: Thái Bá mặc áo đội mũ cai trị công việc nước Ngô. Tôi dịch chữ Đoan ủy (端委) là mặc áo, đội mũ là căn cứ vào sách Từ nguyên (Bộ Lập) (Đoan Ủy: "Huyền đoan chi y; Ủy mạo chi quan dã. Tả truyện, Án Bình Trọng đoan ủy lập vu Hổ môn chi ngoại" (nghĩa là: đoan ủy: chỉ áo Huyền đoan và mũ Ủy mạo. Tả truyện chép: Án Bình Trọng (tức Án Anh, Tướng quốc nước Tề, thời Xuân Thu - NMT) mặc áo, đội mũ đứng ở phía ngoài Hổ môn). Ở đây chữ "đoan ủy" chỉ muốn nói về Y quan (mũ áo), tức sự văn minh, văn hóa.

(50) Nguyên chú: nước ta cũng có Cửu Trù của Cơ Tử vậy. Ở đây cũng chỉ muốn nói về văn minh cai trị đất nước.

(51) Lê Quý Đôn: Vân ®ài loại ngữ - Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 1961.

(52) Tương truyền: đương thời người ta truyền tụng câu nói này để ca ngợi học vấn uyên bác của Bảng nhãn Lê Quý Đôn./.

Nguyễn Minh Tường, PGS.TS. Viện sử học

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 1(92) 2009, tr. 3-17, phiên bản trực tuyến.

Thông tin truy cập

63675467
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
19185
17595
63675467

Thành viên trực tuyến

Đang có 432 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website