Ảnh: Văn bản Ngoại phiên thông thư 外 蕃 通 書 của Kondō Juzo, lưu trữ tại Thư viện Đại học Waseda (Nhật Bản).
Sự giao lưu kinh tế văn hoá giữa Việt Nam và Nhật Bản đã diễn ra khá sớm trong lịch sử. Những sự kiện đó thường được người Nhật ghi vào các văn bản chữ Hán và chữ bản địa (Katakana) như Dị quốc nhật ký, Ngoại phiên thông thư, Thư hàn bình phong, Dị quốc vãng lai v.v..
Ở thế kỷ XVI-XVII, nước ta đã trở thành một thị trường quan trọng của Nhật Bản. Hai bên đã quan hệ mua bán với nhau một cách hữu hảo và đôi bên đều có lợi. Người Nhật đã mở phố ở Hội An (Quảng Nam), ở Phục Lễ huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) và họ lưu ngụ với tư cách ngoại kiều để kinh doanh thương nghiệp.
Với phố Nhật ở Hội An, ta đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia vào năm 1985 và Hội thảo khoa học quốc tế vào năm 1990, giới thiệu với người trong nước và nước ngoài hiểu biết về quá khứ của khu phố cổ này.
Với Phố Hiến ta cũng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế tại thị xã Hưng Yên vào năm 1992. Đây cũng là một dịp sưu tầm hệ thống lại tư liệu và giới thiệu với người trong nước và nước ngoài hiểu biết sâu thêm về hoạt động thương nghiệp của nước ta ở thời “nhất Kinh Kỳ nhì Phố Hiến”.
Đối với phố Nhật ở Phục Lễ huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An, ta cũng cần tìm hiểu để nhớ lại một thời thương nhân Nhật Bản đã đến đó buôn bán và tổ tiên ta ở thế kỷ XVI-XVII đã quan hệ với họ (ngoại kiều) không chỉ chia sẻ mối lợi hàng hoá, mà đã cưu mang, giúp đỡ họ bằng cả “tấm lòng bác ái”, “tình cảm quốc tế vô tư” khi người Nhật gặp những khó khăn, hoạn nạn trên sông biênr nước ta.
Với ý thức ấy, bài viết này tôi công bố một tài liệu chữ Hán nhằm giới thiệu tình hình ngoại thương Nhật - Việt thế kỷ XVI-XVII do các thương nhân và các nhà chức trách Nhật Bản ghi chép lại.
Theo các tài liệu trên của Nhật Bản và tài liệu của một số nhà truyền giáo phương Tây thì Nhật Bản và Đại Việt đã có quan hệ giao thương từ lâu. Chứng cớ là năm 1593 Dicgo-Aovenné Linh mục người Ý đến Hội An đã thấy số đông người Nhật dựng nhà bày hàng buôn bán ở đây rồi. Loui Finut cũng xác nhận như vậy. Nguồn tài liệu từ Ngoại phiên thông thư của Nhật Bản lại cho ta biết thêm rằng: từ cuối thế kỷ XVI người Nhật cũng đã dựng phố buôn tại xã Phục Lễ huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An. Họ buôn bán thịnh vượng nhất là thời kỳ Nhật hoàng bắt đầu xóa cấm vận 1593-1616. Bởi vì trước đó đã xảy ra cuộc “cấm vận” giữa Nhật và Trung Hoa kéo dài ngót 200 năm (1368-1567) từ thời Minh Thái Tổ. Cuộc cấm vận kéo dài đó đã gây gián đoạn mối giao thương trực tiếp giữa Nhật và Hoa, cho nên thương nhân cả Nhật và Hoa phải lén lút vượt biển tìm thương trường trung gian thứ ba để kinh doanh lợi nhuận. Đó là lý do khiến người Nhật mở phố buôn bán tại Hội An (Quảng Nam) và tại xã Phục Lễ huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Vượt biển lén lút phải dùng nhiều thuyền nhỏ và nhanh, nên những năm đó ở Nhật, nhiều nhóm phú thương hùn vốn lại mở các xưởng đóng các kiểu thuyền buôn ở Xa-Kai, Ha-Ca-Ta, O-Xa-Ka trên đảo Hi-Ra-Đo, đồng thời cũng xuất hiện thêm những xưởng chế tác vũ khí gươm dao súng. Tất nhiên trong đó cũng có một số xưởng của lãnh chúa, hoặc của Mạc Phủ (Sogun), hoặc thuộc Nhật hoàng. Do có sự kết hợp tế nhị giữa tư lẫn công như vậy, cho nên trong một số chuyến hàng người Nhật chở sang Phục Lễ có chở gươm súng cho chúa Trịnh, hoặc chở đến Hội An có chở vũ khí cho chúa Nguyễn Hoàng và chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
Hàng hóa Nhật Bản bán sang thị trường Đại Việt lúc bấy giờ quan trọng nhất là vũ khí và đồng. Đồng của Nhật Bản lúc ấy chiếm một vị trí đáng kể trong nguồn xuất khẩu ra thế giới. Riêng ở O-Xa-Ka có tới 10.000 người làm trong các xưởng đúc đồng để xuất cảng, phần lớn số xưởng thuộc về Nhà nước.
Theo Ngoại phiên thông thư thì việc mở phố buôn tại xã Phục Lễ huyện Hưng Nguyên đã được chúa Trịnh và chính quyền sở tại dành cho sự giúp đỡ ưu ái, có chính sách khuyến khích rõ rệt; về phía thương nhân Nhật cũng đã chấp hành nghiêm túc, nhất là việc đóng thuế. Tại phố Hội An lúc bấy giờ, người Nhật cũng được chính quyền Đại Việt ở phố cảng coi trọng họ, sử dụng họ vào việc trợ lý trù hoạch giao thương. Do hai phía thân thiện tin cậy nhay mà thương gia Sotara đã được chúa Nguyễn Hoàng gả con gái cho.
Trong thời “Nhật Hoa cấm vận”, việc người Nhật thông thương với Hưng Nguyên (Nghệ An) đã hoạt động bình thường. Từ năm 1593, chính quyền Phong Thần Tú Cát Hi-dê-i-ô-xi và Đức Xuyên Gia Khang Tô-cư-ga-oa (1542-1616) chủ trương từng đợt “xoá cấm vận” thì thương thuyền Nhật Bản qua lại Đại Việt tấp nập hơn. Đối với Hoa thương phải đến khi người Mãn Thanh lật đổ được triều Minh thì họ mới lũ lượt kéo sang Đại Việt.
Ở Phục Lễ Hưng Nguyên, số người Hoa sang cùng thời với người Nhật cũng chưa nhiều, địa điểm Phù Trạch mới lẻ tẻ mấy nhà, chưa thành phố xá. Hàng hoá trao đổi với nhau thì người Nhật thường là đồng và vũ khí, mỹ phẩm; người Hoa thì thuốc Bắc, bút lông, giấy màu, gấm đoạn, cúc mạn nạo, gương lược, son phấn v.v.. thương nhan bản địa Hưng Nguyên thường cung cấp cho họ trước hết là tơ tằm, rồi đến kỳ nam hương, trầm hương, ngà voi, sừng trâu, mật gấu, da trăn, quế quỳ, vải thổ cẩm, vừng, lạc, cau, củ nâu, xạ hương, mật ong, lông công, lông chả, chim vẹt, mộc nhĩ, măng khô, đường mía, đường phèn v.v..
Ngày nay ta không hình dung nổi bộ mặt phố Nhật ở Phục Lễ thế kỹ XVII như thế nào, vì tài liệu còn lại ít ỏi; chỉ biết nó tồn tại một thời gian thì người Nhật phải rút, do họ bị hai đợt “sự cố không may”, sau đó lại bị nạn lở sông Lam. Qua những lúc rủi ro, người dân Hưng Nguyên thời đó tỏ rõ lòng tốt cưu mang giúp đỡ người Nhật.
Theo Dị quốc nhật ký và Thư hàn bình phong thì đợt rủi ro trầm trọng nhất xảy vào ngày mồng 6 tháng 6 năm Nhật Bản hiệu Khánh Trường thứ 14, đối chiếu lịch triều Lê Đại Việt là năm Hoằng Định thứ 10 (1609). Hôm đó con thuyền Nhật chứa đông người lại trở nhiều hàng hóa rời phố Phục Lễ, ra đến cửa Đan Nhai tức cửa Hội, Nghệ An thì gặp sóng dữ dội. Chủ thuyền là Giác Tàng cùng 13 người hăng hái cứu thuyền, bị sóng thần nhấn chìm chết. Khi thuyền chìm, quan quân địa phương hết lòng cứu hộ, kết quả sống sót 105 người, tâu lên chúa Trịnh Tùng xin lệnh. Bấy giờ Phò mã Quảng Phú hầu nhận đưa về nhà nuôi 19 người. Sau đó Hoa công nhận nuôi 39 người, Văn Lý hầu nhận nuôi 26 người. Sau đó Hoa quận công, Liêm quận công cũng nhận nuôi, mọi nạn nhân đều được cấp cơm áo chu đáo. Các vị quan trên đều là người xứ Nghệ An, nay chưa tra cứu được địa chỉ, chỉ biết một con gái Nhật Bản làm con nuôi Liêm quận công, sau lấy Hình bộ lang trung Nguyễn Như Thạch (1579-1662), nay bà này còn mộ ở xứ Rú Đền, huyện Thiên Lộc tỉnh Hà Tĩnh.
Về nạn lở sông Lam là nguyên nhân thủ tiêu phố Nhật ở Phục Lễ. Phục Lễ ở thời Lê đã là một xã lớn, có địa thế thích hợp với người Nhật dựng phố buôn bán. Nhưng vì nơi đó có nhiều dòng sông nhánh dồn nước chảy xoáy, gây nên nạn lở hàng năm, khiến cho xã Phục Lễ lở dần xuống sông, buộc thương nhân Nhật phải rút lui khỏi đó. Nhưng có lẽ họ rút lui hẳn khỏi Phục Lễ vào khoảng thời Khoan Vĩnh (1624-1643) thuộc thời đại Giang Hộ. Sở dĩ đoán định như vậy vì thỉnh thoảng sau những mùa mưa lụt, người dân vùng Chợ Tràng huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An lại nhặt được những đồng tiền cổ niên hiệu Khoan Vĩnh của Nhật Bản. Đất xã Phục Lễ đến thời Gia Long chỉ còn vừa một thôn; đến thời Đồng Khánh thì không còn tên trên bản đồ vì đã bị nước sông Lam cuốn sạch!
Nhắc lại phố Nhật Bản ở Phục Lễ là nhắc lại những hoạt động quá khứ sôi động của tổ tiên ta cách nay gần ba thế kỷ. Chúng ta không chỉ tự hào về thành tựu quá khứ, mà còn đúc rút kinh nghiệm thời xưa phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” ngày nay.
Hà Nội, ngày 20-1-1999
Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 1998, tr.50-54, phiên bản trực tuyến ngày 27.9.2007.