Lời người dịch
Lời giới thiệu này nằm trong tác phẩm Kim Vân Kiều tân truyện, tập một, bản tiếng Pháp, do Abel des Michels dịch, Ernest Leroux xuất bản tại Paris năm 1884. Với bản dịch này, lần đầu tiên Truyện Kiều của Nguyễn Du được bước ra khỏi không gian văn hóa Việt Nam. Từ đó đến nay đã 131 năm trôi qua, trong bề dày của lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều, sự kiện này vẫn chưa được quan tâm như lẽ ra phải có.
Bên cạnh bản dịch cực kỳ công phu, Lời giới thiệu của Abel des Michels đã cung cấp cho người đọc những thông tin vô cùng quý giá. Trước hết là vấn đề văn bản: vào cái thuở ban đầu ấy, việc tiếp xúc được với văn bản Truyện Kiều của Nguyễn Du và tìm ra cội nguồn của nó là vô cùng khó khăn. Thứ đến là những gian nan trong việc hiểu hết ý nghĩa của tác phẩm và chuyển ngữ lại cũng bằng những câu thơ mang được vẻ đẹp như vốn có: về vấn đề này, Abel des Michels đã nói rõ những bước đi phương pháp của mình. Sau khi tóm tắt cốt truyện của Kim Vân Kiều tân truyện, Abel des Michels đã đưa ra những ghi nhận rất thoáng mà tinh tế về tư tưởng Phật giáo, về tính kỳ lạ, phức hợp, mơ hồ trong ngôn ngữ và bút pháp; trong đó ông lưu ý đến “sự di chuyển của người phát ngôn”, sự hòa trộn giữa “tư tưởng đạo đức” và “tư tưởng triết lý”; và có một kết luận thú vị, rằng: “nhà thơ (Nguyễn Du - NTTX ct.) đã có ý định rõ ràng là để cho độc giả của mình trong một mối ngờ”.
Nhớ đến Nguyễn Du trong sinh nhật lần thứ hai trăm năm mươi năm của nhà thơ, chúng tôi lần lại trang sách cũ và chuyển ngữ Lời giới thiệu của Abel des Michels để giới thiệu cùng những ai yêu mến nhà thơ.Trân trọng cám ơn PGS. Đoàn Lê Giang đã cho chúng tôi mượn tư liệu quý này.
Nguyễn Thị Thanh Xuân
Nhan đề của tập thơ An Nam mà tôi công bố bản dịch hôm nay có tên là Kim Vân Kiều tân truyện, là tác phẩm của Nguyễn Du, quan Hữu Tham Tri Bộ Lễ dưới thời Gia Long. Tác giả đã tập hợp tên của các nhân vật quan trọng nhất trong tác phẩm của mình, ở Nam Kỳ, nó còn được biết đến với cái tên đơn giản hơn là Truyện Túy Kiều. Truyện thơ này được gợi ý, với những thay đổi đáng kể, từ một tiểu thuyết Trung Hoa, tác phẩm mà nhiều nhà nho An Nam tin là được sáng tác bởi một trong các nhà nho Tài tử. Tôi không thể nói rằng quan điểm này bắt nguồn từ đâu, bởi vì tôi chỉ mới biết có một bản in về tiểu thuyết này mà nó lại không có tên tác giả. Bên cạnh đó, tác phẩm thể hiện một đặc trưng đáng chú ý là nó được viết từ đầu đến cuối bằng một loại văn ngôn (wên tchàng) không lẫn lộn chút nào với văn bạch thoại (kouàn hoá): thật là một điều hiếm thấy trong thể loại sáng tác này [1].
Một cô gái sinh ra từ một gia đình danh giá hơn là giàu có, vào dịp “Lễ Thanh Minh”, đã về quê tảo mộ cùng với em gái và em trai của mình. Nàng gặp ngôi mộ đìu hiu của một ca nhi ngày xưa nổi tiếng bởi cuộc sống phóng đãng và lấy làm thương xót vì người ấy không được ai đoái hoài sau khi chết. Những điều mà em trai nàng kể lại về cuộc đời và cái chết của Đạm Tiên làm nàng xúc động đến nỗi nàng đã khóc ngay tại đó. Nàng khắc một bài thơ trên mộ của ca nhi và khấn xin hương hồn cô xuất hiện. Tức khắc người chết hiện lên bằng các dấu hiệu rõ ràng, và điều này gây một cảm giác sâu sắc trong lòng Túy Kiều. Khi trở về nhà, nàng nằm mơ thấy Đạm Tiên hiện ra báo mộng, rằng những nỗi khổ mà sắp tới nàng phải gánh chịu là do kết quả của các lỗi lầm mà nàng gây ra trong kiếp trước.
Tuy nhiên, một văn nhân, bạn đồng môn của em trai Túy Kiều đã đến vào lúc nàng định rời khỏi mộ sau khi khấn vái. Sửng sốt vì vẻ đẹp của nàng, anh ta bỗng đem lòng say đắm nàng. Nỗi đam mê mới này đã xui Kim Trọng (chính là tên anh ta) trở lại nơi mà mình đã gặp người thiếu nữ trong hy vọng được gặp lại một lần nữa. Hy vọng không thành, anh ta tìm đến nhà của Túy Kiều và tìm cách thuê một căn nhà bên cạnh.
Sau hai tháng chờ đợi mỏi mòn, cuối cùng chàng trai si tình của chúng ta cũng nhìn thấy đối tượng niềm đam mê của mình trong khu vườn của căn nhà nàng ở. Anh ta vội vàng bày tỏ trong hy vọng được làm quen với nàng. Túy Kiều, hoảng sợ, vội vàng vào nhà, nhưng nàng bỏ quên chiếc trâm cài đầu và Kim Trọng liền nhặt lấy. Ngày hôm sau, người thiếu nữ nhận ra là mất chiếc trâm khi chải tóc và quay trở lại khu vườn để tìm. Nàng nghe Kim Trọng gọi, chàng tỏ tình và trả lại cái trâm cùng với món quà.
Vài ngày sau, nhân lúc cả nhà về quê ăn giỗ, Túy Kiều rón rén sang nhà chàng nho sĩ. Đôi tình nhân trao nhau những lời âu yếm, làm thơ, đánh đàn, và thề là sẽ trung thành trọn đời với nhau. Tuy nhiên, niềm say mê làm Kim Trọng có chiều muốn điều tội lỗi. Cô gái trẻ giúp chàng trở lại tình cảm cao thượng hơn, và, khi trời sáng, nàng lui gót về nhà. Gia đình nàng trở về, và tai họa dường như đến cùng lúc với nàng. Bọn sai nha bất ngờ ập đến và bắt trói cha nàng vì một món nợ không rõ, gắn với lời khai của một kẻ bán tơ. Bọn chúng tịch thu tất cả, niêm phong ngôi nhà, và Kiều, chỉ còn biết nghe theo chữ hiếu, tự bán mình cho một kẻ khốn nạn để chuộc cha. Kẻ mua nàng là tay sai của một bà già tên là Tú Bà, dưới vỏ bọc của một cuộc hôn nhân giả, đã đưa nàng vào một nơi tồi tệ. Vì nàng kiên quyết chống lại những yêu cầu của mụ đàn bà ác độc, thậm chí muốn kết liễu đời mình để thoát khỏi nơi này, Tú Bà, đã dùng một thủ đoạn đê tiện để đạt được mục đích. Bà ta phái một kẻ vô lại tên là Sở Khanh, hắn xuất hiện trước nàng dưới dáng vẻ của một văn nhân phong nhã. Cô gái trẻ đáng thương nghĩ hắn là người có thể giải thoát mình; nàng bày tỏ nỗi khổ của mình và đi trốn cùng hắn. Mụ Tú Bà đuổi theo, bắt lại và giam nàng trong nhà chứa của mụ, nơi, với sự giúp đỡ của Sở Khanh, bà đánh đập Túy Kiều tàn tệ và buộc nàng phải làm cái nghề bẩn thỉu để bà ta thu lợi.
Giữa rất nhiều chàng trai trẻ bị hút vào nhan sắc lừng danh Túy Kiều, có một nho sinh tên là Thúc Sanh. Anh ta mua lại nạn nhân của Tú Bà, đưa nàng ra khỏi lầu xanh và sống với nàng. Nhưng cha Thúc Sanh không đồng ý mối quan hệ nhơ nhuốc này, kiện thiếu nữ ra tòa. Thoạt đầu, viên quan kết án nặng nề, nhưng thấy Thúc Sanh tuyệt vọng, ông cảm động vì những giọt nước mắt của chàng, đã hỏi và biết rằng cô gái mà ông xử tội lại là một người rất có tài. Ông bảo Kiều chứng minh tài nghệ và hoàn toàn bị chinh phục, viên quan đích thân mời cha Thúc Sanh lên, khuyên là nên tác hợp cho đôi lứa.
Tuy nhiên, Thúc Sanh, theo lời khuyên của Túy Kiều, tạm thời trở về với người vợ chính thức của mình; mà không nói gì với vợ về cuộc hôn nhân mới. Hoạn Thơ biết rõ cuộc dan díu này. Nổi ghen, bà sai hai tên đầy tớ đến đốt nhà kẻ tình địch và bắt cóc Kiều, buộc nàng phải chịu thân phận kẻ tôi đòi. Bị xử tệ dồn dập, bị làm nhục tới tấp, Kiều đã làm cho người đàn bà truy hại mình tha thứ bằng sự cam chịu và phẩm cách đàng hoàng của mình,và Hoạn Thơ cho phép nàng vào trú trong một ngôi chùa để sám hối. Nhưng Thúc Sanh lại tìm đến đó gặp Kiều, và khi chàng đang chuyện trò thân mật với cô gái trẻ thì bị Hoạn Thư bắt quả tang. Nghe một người đầy tớ báo cho biết là nàng luôn bị theo dõi, Kiều lấy làm hoảng sợ và đã bỏ trốn sang một ngôi chùa khác ở xa, nơi đó nàng được sư trụ trì Giác Duyên đối xử rất tử tế.
Khốn thay, sư Giác Duyên sau khi nghe lời bộc bạch của Kiều, lại sợ Hoạn Thơ. Sư gửi Túy Kiều cho một bà già tên Bạc Hà, người đàn bà này dưới vỏ bọc của một người sùng đạo, lại che giấu những hành vi cực kỳ bỉ ổi. Bà ta giao Kiều cho người cháu trai của mình, và kẻ này đưa nàng đến Châu Thai, bán nàng cho chủ một nhà chứa. Ở đó, cô gái khốn khổ bị vùi xuống vũng bùn lần thứ hai ấy đã tiếp một tướng giặc tên là Từ Hải. Ông ta giải thoát cho nàng và cưới nàng làm vợ như trước đây nho sĩ Thúc Sanh đã làm. Sau sáu tháng xa nhau, người chiến binh trở về, chiến thắng đạo quân của Hoàng đế, làm rung chuyển ngai vàng. Túy Kiều được tướng lĩnh và quân lính đón tiếp trọng thể. Lợi dụng quyền lực lúc bấy giờ, nàng báo ân hào phóng tất cả những ai đã giúp đỡ nàng trong cơn hoạn nạn và giết chết những kẻ thù xưa trong những hình phạt kinh hoàng. Nàng muốn ở cạnh Giác Duyên, kẻ được mời đến để chứng kiến màn xử tội; nhưng nhà sư từ biệt và báo là sẽ gặp nhau vào năm năm sau ở sông Tiền Đường.
Với sự giúp đỡ vô tình của Kiều, bằng sự lật lọng, quả nhiên viên tướng của nhà vua đã thắng nhóm quân phản loạn, một chiến thắng trọn vẹn, Từ Hải đã chết giữa trận tiền. Kẻ chiến thắng gả Túy Kiều cho một viên thổ quan; viên quan này rước người vợ mới lên thuyền, nhưng khi đến giòng nước sông Tiền Đường, nhớ đến lời tiên tri của Giác Duyên, Kiều liền nhảy xuống lớp sóng dồi. Kiều được cứu bởi vị sư đã chờ nàng từ lâu bên bờ sông ấy.
Từ đó trở đi, nhân vật của chúng ta đã trả hết món nợ bất hạnh. Hạn định đau khổ dành cho nàng để chuộc lại những lỗi lầm trong kiếp trước đã hết. Nàng tìm thấy lại gia đình và ý trung nhân Kim Trọng, chàng cưới nàng và sống hạnh phúc với nàng.
Thật là không dễ dàng khi lần đầu tiên cho ra một bản dịch về truyện thơ Túy Kiều. Ngoài việc đây là một bài thơ dài kỳ lạ, có lẽ chính cái khó nhất là tất cả những gì được biểu hiện dưới ngòi bút của các nhà thơ Annam. Vì thế xin người đọc đừng ngạc nhiên về số lượng lớn các chú thích mà tôi phải làm kèm theo bản dịch. Dù tôi cẩn thận theo rất sát bản gốc, nếu không có các chú thích này, bản dịch sẽ hoàn toàn không đủ để mang lại trọn vẹn tinh thần tác phẩm của nhà Nho Nguyễn Du, biết bao thành ngữ được tìm thấy ở đấy, văn bản khó đọc và các nhân vật vừa phức tạp vừa lạ thường.
Một trong những đặc điểm dễ thấy nhất của bài thơ dài này là chủ yếu ở tư tưởng Phật giáo mà nó chuyên chở, và dưới ảnh hưởng của tư tưởng ấy mà tác phẩm được viết ra. Trong suốt tác phẩm chúng ta luôn gặp những biểu hiện của tư tưởng ấy, rằng những bất hạnh của kiếp này của chúng ta là nghiệp báo từ lỗi lầm trong kiếp trước, và để chuẩn bị một kiếp sau, nếu linh hồn con người đã tinh tấn trong cái tốt sẽ được đền bù bằng một hóa thân mới, và quay về trong lòng của Phật, để từ đó về sau được trú mình và hưởng phước hoàn toàn nơi mà người ta thường gọi là Niết bàn.
Bút pháp của tác phẩm này là bút pháp của người Bắc. Một trong các ấn bản mà tôi căn cứ để dịch văn bản này cũng đến từ Bắc kỳ; và nếu có một văn bản khác không đến từ miền Bắc, thì ít nhất nó cũng là một bản chép lại, tệ hơn và khô khan hơn so với những văn bản đã xuất hiện trước đó ở Việt Nam. Như vậy, văn bản nguyên thủy của truyện thơ Túy Kiều hiển nhiên là ở Bắc Kỳ. Để khẳng định điều này, thật dễ dàng thừa nhận một số lượng lớn các thành ngữ đặc biệt của miền Bắc thuộc vương triều Annam tràn ngập tác phẩm cũng như các dạng đặc thù của các từ ngữ bình dân hay chữ nôm mà văn bản sử dụng; những từ ngữ đa phần khác với từ ngữ nói chung được hình thành trong tầng lớp bình dân Nam Kỳ và đặc biệt là khác với các từ ngữ mà chúng ta thấy trong từ điển Taberd. Về phần hình thức thể loại, nó thuộc vào dạng mà tiếng Annam người ta gọi là Vãn. Những câu thơ 8 và 6 chân luân phiên nhau, làm nên mỗi cặp vần mà câu đầu hiệp vần với câu sau ở chữ thứ 6 của mỗi câu, và chữ thứ 8 câu 8 hiệp vần với chữ thứ 6 câu 6 tiếp theo. Sự hiệp vần chéo này làm nên một hiệu ứng rất đáng chú ý. Gắn với sự kết hợp có chủ ý những dạng khác nhau về âm bằng và trắc, tập thơ mang lại một nhịp điệu tạo nên cảm giác êm tai cho bất kỳ một độc giả nào chưa mấy quen nghe, nhất là người ấy không có định kiến với không gian âm nhạc Nam Kỳ.
Giữa các khó khăn đáng kể mà tôi gặp phải qua công việc và nhất là qua việc dịch tác phẩm với đề tài rất nổi tiếng này ra tiếng Pháp, cũng cần kể đến sự mơ hồ ẩn sau các giòng chữ, xuất hiện trong các đối thoại hay các độc thoại mà chúng tôi thường gặp ở từng trang. Có lẽ chúng tôi không gặp ở đâu một sự khó khăn lớn đến thế khi phải xác định chính xác các điểm nhìn, phải xác định vị trí và sự di chuyển của người phát ngôn, cũng như phân biệt chính xác tư tưởng nào là đạo đức hay tư tưởng nào là triết lý, các tư tưởng này là thuộc về một trong các nhân vật của bài thơ hay là của chính tác giả [2]. Khó khăn cuối cùng này đôi khi không thể làm sáng tỏ, khi mà chúng ta sẽ phải xác nhận là nhà thơ đã có ý định rõ ràng là để cho độc giả của mình trong một mối ngờ. Các dấu chấm câu hoàn toàn không giúp gì. Vì, ngay cả trong tất cả các tác phẩm tương tự, dấu chấm câu hoàn toàn vắng bóng. Vậy nên, những ai quan tâm đến nghĩa chính xác thì phải cậy vào một số thành ngữ. Tất cả điều ấy bắt nguồn từ vấn đề là ngôn ngữ thơ Annam không biểu thị tính cố định như ngôn ngữ thơ trong tiếng châu Âu của chúng ta; tôi nghĩ rằng, điều ấy bắt nguồn từ ngôn ngữ đơn âm tiết, nó dễ dàng cho phép hai tác giả khác nhau đôi khi mang lại cho từ ngữ thơ ca này hay từ ngữ thơ ca khác nhiều nghĩa bóng khác hẳn nhau. Cũng như tất cả các nhà thơ Annam và còn hơn thế nữa, tác giả Truyện Túy Kiều thích sử dụng một số lượng lớn các thuật ngữ của Trung Hoa; và với tư cách là một vị quan lớn của Bộ Lễ, nhà thơ đã buộc phải trải qua các kỳ thi cao nhất, vì vậy ông nhất thiết phải đã chứng tỏ học vấn của mình qua kiểu này, bằng cách ra sức dẫn lại các nhà kinh điển Trung Hoa và đặc biệt là Kinh Thi hay Kinh Thư. Nhiều thành ngữ được Nguyễn Du sử dụng quả thật có cội nguồn trong cổ thi này hay thi tập kia của thi ca Trung Hoa, và thường dấu vết mà chúng lưu giữ đã được tìm thấy rõ. Vả chăng, thật dễ dàng để nhận ra rằng tác giả Truyện Túy Kiều đã mất rất nhiều công sức để trau dồi kiến thức vì thường thường nghĩa của các thành ngữ mà nhà thơ sử dụng thật sự sâu sắc và rất gợi trong tinh thần giản lược cực kỳ tinh tế. Tuy nhiên, phẩm chất ấy cũng có những nhược điểm: bên cạnh các ẩn dụ đáng chú ý bởi sự sâu sắc của và sự chính xác của chúng, cần phải nhận thức rõ rằng, nhược điểm là một số lớn những ẩn dụ khác là chúng thường quấn lại với nhau mà nếu không có một giải thích chi tiết nào thì một đầu óc ít được làm quen với ngôn ngữ thi ca đặc thù của Viễn Đông và đặc biệt là với Nam Kỳ sẽ không thể nào hiểu được chúng. Mặt khác, tuân theo một kiểu dạng của truyền thống dường như phổ biến cho tất cả các nhà thơ, Nguyễn Du thường bằng lòng với việc xây dựng những câu thơ thế này hoặc thế kia theo kiểu mà người ta có thể đường hoàng cho chúng hai, hay đôi khi, ba cách giải thích khác nhau. Các nhà nho Annam tìm thấy một khoái cảm rất đặc biệt trong việc đào sâu các câu thơ được xây dựng theo kiểu này và trong việc khám phá các ý nghĩa khác nhau mà nhà thơ đã muốn giấu vào trong đó. Người ta còn xem đó là một mẫu mực trong cách viết của loại thơ này.
Văn bản mà tôi đã chọn để bắt đầu dịch gần như không thể đọc được, nhiều chữ nguyên thủy đã bị làm biến dạng do các thợ in Trung Hoa, khi lo việc khắc và in ấn, đã không hiểu ngôn ngữ Anam. May thay, như tôi đã nói ở trên đây, tôi đã nhận được từ Bắc Kỳ một bản in thứ hai; bản này, như thường lệ, chứa đựng một lượng lớn các dị bản, nhưng mẫu chữ in mà người ta dùng để làm ra cuốn sách thì tuyệt diệu. Như thế, nó cho phép tôi xác lập văn bản theo một phương thức tương tự với điều mà tôi đã làm với tác phẩm Lục Vân Tiên. Tôi chấp nhận bản in mà tôi đã có từ đầu thuộc quyền sử dụng của tôi, như là cơ sở đầu tiên, và tôi bắt tay sửa các lỗi cho tốt hơn, nhờ các bài học vốn luôn chuẩn xác trên từ ngữ, đôi khi tôi cũng cậy vào các từ ngữ mà tôi tìm thấy trong bản thứ hai. Ngoài ra, tôi đã thay thế một phức hơp các ký hiệu trừu tượng chứa đựng trong bản in đầu tiên bằng các chữ hoàn chỉnh. Điều này làm cho việc đọc dễ dàng hơn và đồng thời cho phép người đọc nhận ra chính xác các giá trị của các chữ viết tắt qua sự đối chiếu văn bản đầu với văn bản đã sửa mà tôi công bố. Phần còn lại, tôi đã đặc biệt tôn trọng hình thức Bắc Kỳ của chữ Nôm.
Trong nghiên cứu khoa học, ngôn ngữ Anam vẫn còn gần như là một tử ngữ; và nhiều người hình dung rằng trong ngôn ngữ này không có cấu trúc cũng như cú pháp. Thành kiến khó thông cảm này chỉ sẽ biến mất khi nhìn thấy văn bản giải thích những tập thơ như Truyện Túy Kiều; văn bản vừa sáng rõ và đôi khi lại vừa rất phức tạp đến nỗi đôi khi chỉ có một câu thơ mà các nhà nho, những người có nhiều kinh nghiệm nhất, phải mò mẫm lâu trước khi hiểu chúng, và chúng tôi chỉ có thể làm được điều ấy sau khi đã áp dụng nghiêm ngặt các nguyên tắc định vị. Vì vậy, tôi tin là phải in kèm theo bản dịch, không chỉ các chú giải về ẩn dụ và các chú thích, mà còn có một số lớn các giải thích từng chữ của các câu thơ mà cấu trúc của nó gần như tối nghĩa. Tôi đã áp dụng phương pháp này cho bản dịch Lục Vân Tiên. Tôi nhận ra, khi ấy tôi quá hà tiện các giải thích; vì thế tôi đã tăng lên rất nhiều giải thích ở đây vì Túy Kiều chắc chắn khó hiểu hơn tập thơ bình dân mà tôi vừa nói đến.Tôi nghĩ rằng, những người đã tiến hành nghiên cứu một ít về nội dung của loại văn học này rất muốn biết tôi chọn cái gì. Họ sẽ tìm thấy ở đây các giải thích bổ ích qua quá nhiều tìm tòi, để hiểu một lượng lớn các từ ngữ , ít nhất là trên quan điểm Châu Âu của tôi, và họ có thể vượt qua dễ dàng hơn các khó khăn mà một đống các thuật ngữ và các nhân vật hoàn toàn xa lạ đưa ra. Tôi tin là phải tiến đến việc mang lại một số khái niệm về ngữ pháp, nói đúng ra là về bản thân các nét đặc thù còn chưa quan sát hết, về các ngôn ngữ đặc biệt mà việc giải thích vẫn còn thiếu khuyết trong tất cả các công trình đã công bố cho đến hôm nay, và cả các từ ngữ đơn giản mà từ điển chưa chú ý đến. Tôi cậy nhiều ở việc áp dụng nguyên tắc định vị, ít nhất là trong các đoạn văn phức tạp nhất. Thật vậy, mặc dù cuốn sách này còn xa mới được xem là một trong những cuốn khởi đầu, thì vấn đề ở đây là một nền văn học còn ít được biết đến và một phong cách thơ ca thuộc về một trí năng mà nguyên tắc này là một chìa khóa cần thiết. Cuối cùng tôi cố gắng thận trọng chỉ ra các chỗ dịch khó nhất cần phải xem qua, vì các trở ngại mà chúng mang đến cũng là trí tuệ của văn bản, cũng như những trò chơi từ ngữ thông thường vẫn rất phức tạp. Tôi đã cẩm trên tay mình bản dịch các ẩn dụ mà ngôn ngữ chúng ta không khước từ, và tôi đã thay thế những ẩn dụ giống nhau bằng những ẩn dụ tương cận, những ẩn dụ vốn hoàn toàn không thể giữ lại mà không trở thành khó hiểu, hay chúng hoàn toàn đối nghịch với tinh thần các ngôn ngữ Châu Âu. Tôi cũng đã làm tương tự như vậy cho các dấu chấm câu, khi tôi cho các kiểu ngắt câu khác nhau hòa với nhau, trong bản chữ quốc ngữ la tinh được chuyển từ chữ nôm và trong bản dịch tiếng Pháp, vào những lúc mà tinh thần của hai ngôn ngữ không yêu cầu cấp thiết.
Tôi hy vọng là các nhà Đông phương học mà tôi kính trọng sẽ đọc cuốn sách này và thấy bản dịch của tôi là rất sát với nguyên tác. Tuy nhiên, nếu tôi còn để sót một vài chỗ không chính xác, trên ý nghĩa mà bản thân những nhà nho bản địa cũng thường mâu thuẫn, thì đó là điều gần như không tránh khỏi trong lần đầu tiên dịch một công trình như thế này, tôi hy vọng rằng chúng sẽ được ghi nhận như là các khó khăn mà tôi đã phải vượt qua, và được tán thưởng bởi một lòng khoan dung nào đó, công sức đáng kể mà tôi đã phải bỏ ra cho việc công bố cuốn sách này.
Versailles, ngày 10 tháng 5 năm 1884
(Abel des Michels, Kim Vân Kiều Tân Truyện- Publié et traduit pour la première fois par Abel des Michels, Professeur à L’École des Langues Orientales vivantes, Tome premier, Transcription, Traduit et Note, Éditions Ernest Leroux, Paris, 1884, pages 1-16)
----------------------------------------------------------
[1] Vào lúc mà tôi sắp gửi cho nhà in bản nháp của Lời tựa này, trong một báo cáo mà tôi đã vinh dự được đọc trước Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn (Académie des Inscription et Belles - Lettres- tức Viện Hàn lâm Văn học Pháp sau này, NTTX ct.), tôi đã nói là không thể tìm thấy tiểu thuyết nào của Trung Hoa mà người ta có thể gắn với tập thơ của Nguyễn Du, thì chính vào ngày hôm sau, tôi đã nhận được từ Giáo sư Trương Minh Ký, người đã tìm thấy ở Sài Gòn và đã gửi ngay cho tôi, cuốn tiểu thuyết lâu nay mà tôi đã hoài công tìm kiếm. Nó có tên là Kim Vân Kiều Truyện; có nghĩa là, nói một cách nhẹ nhàng, cũng là tên của chính tập thơ. Nhưng khổ thay, như tôi vừa nói, bản in này mới vừa được in ra từ một nhà in ở Hà Nội, lại không có tên tác giả. Tất cả thông tin trên cái bìa của bản in này chỉ là người đọc và chép lại là nho sĩ tên Phước Bình Lê, cuốn sách đã được in dưới thời vua Tự Đức, trong tháng đầu mùa thu năm Bính Tý, tức là năm 1876.
Theo chỗ tôi biết, cuốn tiểu thuyết Trung Hoa này đã đến vào lúc mà tập một bản dịch tập thơ Túy Kiều của tôi gần như được biên soạn xong và chuẩn bị để công bố. Hoàn cảnh này giải thích sự có mặt trong bản dịch này một số lượng các ghi chú dành cho việc suy ra nguồn cội Trung Hoa của tập thơ, cái cội nguồn hiện diện ngay từ cái tên Kim Vân Kiều Truyện đã lấy đi toàn bộ nghi ngờ, nếu quả thật nghi ngờ này đã từng được nói ra.
[2] Ví dụ, xem những câu thơ từ 380-385.
Abel des Michels/
Nguyễn Thị Thanh Xuân dịch
Nguồn: Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Du (Kỷ yếu HTKH Kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du), NXB.ĐHQG TP.HCM, 2015