Trường Viễn đông Bác cổ Pháp với việc bảo vệ các Di tích lịch sử ở Hà Nội cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20

Theo tài liệu lưu trữ, vào trước năm 1900, việc quản lý và bảo tồn các di tích lịch sử ở Đông Dương không do một tổ chức nào đảm nhiệm. Chính vì vậy, nhiều công trình lịch sử, trong đó có một số công trình tín ngưỡng ở Hà Nội đã bị xâm hại trong quá trình người Pháp quy hoạch thành phố, nhằm biến Hà Nội thành “Thủ đô của Bắc Kỳ”, “Thủ đô của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp”.

Trong giai đoạn này, nhiều di tích của Hà Nội như chùa Phổ Giác, chùa Báo Ân, Thành cổ… đều được phép “phá tất cả, miễn sao xây được các công trình thể hiện sức mạnh của chính quyền thuộc địa”. Việc phá dỡ các chùa xung quanh hồ Hoàn Kiếm để xây dựng khu này thành một trung tâm với đầy đủ chức năng văn hoá, chính trị, tín ngưỡng, thương nghiệp, dịch vụ và giải trí, nhằm khuyến khích người Pháp sang định cư, làm ăn lâu dài thể hiện rõ ý đồ chiếm đoạt vĩnh viễn các nước Đông Dương và việc phá Thành Hà Nội để xây dựng công trình quân sự và khu phố Pháp ở xung quanh Phủ Toàn quyền đã gây bức xúc không phải chỉ đối với người dân Hà Nội mà ngay cả với một số quan chức trong bộ máy cai trị thực dân.

Sự kiện phá Thành cổ năm 1897 đã để lại một nỗi niềm ân hận, day dứt của nhiều người Pháp tôn trọng các di tích lích sử của Hà Nội. Ngay chính Toàn quyền Paul Doumer khi mới nhậm chức cũng phải thốt lên rằng: “Tôi đến quá chậm để có thể cứu lấy những phần đặc sắc, cụ thể là các cổng Thành. Những di tích ấy đáng lẽ phải được bảo tồn. Chúng có những đặc trưng quý giá, chỉ như vậy thôi cũng đáng được chúng ta trân trọng. Đó là những kỷ niệm lịch sử gắn bó với nơi đây, chúng có thể làm đẹp cho các khu xây dựng mới của thành phố…[1].

May mắn thay, tình trạng đó đã được giảm đi rất nhiều kể từ năm 1900, khi Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (Ecole française d’Extrême Orient – EFEO) ra đời. Được tổ chức theo Sắc lệnh ngày 26-2-1901 của Tổng thống Pháp và được trở thành một công sở có tư cách pháp nhân dân sự theo Sắc lệnh của Tổng thống Pháp ngày 3-4-1920, EFEO cùng một số tổ chức khoa học khác của Pháp ở Đông Dương, với sự cộng tác của những người bản xứ cùng chí hướng đã có nhiều đóng góp và đã đạt được nhiều thành công trong việc bảo tồn các di tích lịch sử ở Hà Nội.

Đầu tiên là việc bảo vệ Ô Quan Chưởng, cửa ô duy nhất còn lại trong số 16 cửa ô cũ của Hà Nội thoát khỏi bị phá bỏ, theo đề nghị của dân cư và một số chủ sở hữu người Âu tại phố Jean Dupuis (nay là phố Hàng Chiếu) trong lá đơn đệ trình Hội đồng thành phố (HĐTP)ngày 28-11-1904[2]. Lý do được trình bày trong đơn là do nhỏ hơn con phố nên cửa ô này đã tạo thành một nút thắt nhỏ tới mức hai chiếc xe tay thô sơ cũng không thể tránh được nhau. Điều này dẫn đến việc lưu thông rất bất tiện, xe cộ qua khu vực này thường phải đi đường vòng và tai nạn thường xuyên xảy ra, những chiếc xe kéo chở đầy gỗ qua đây đã trở thành nỗi sợ hãi thường trực của người đi bộ và xe cộ ở con phố lân cận.

22112018_001

Ô Quang Chưởng, nguồn: Indochine hebdomadaire illustré 1942

Do tồn tại nhiều bất đồng xung quanh vấn đề này, ngày 3-4-1905, HĐTP đã tổ chức họp để lấy ý kiến của các ủy viên và bỏ phiếu thông qua đề xuất phá hủy công trình kiến trúc ở đầu phố Jean Dupuis. Sau khi viện dẫn lý do chính là gây nguy hiểm cho giao thông ở ngã tư các phố Ancien Canal (nay là phố Đào Duy Từ) và ngõ Thanh Hà, chủ trì phiên họp là Đốc lý Hà Nội đã kết luận rằng “khối gạch vữa đồ sộ tạo thành cửa ô có lẽ không có nhiều giá trị khảo cổ để được xếp hạng di tích lịch sử”.

Không đồng tình với quan điểm này, ông Godard với tư cách là Hiệu trưởng của EFEO kiêm Chủ tịch Ủy ban Cổ vật Bắc Kỳ đã phản bác lại: “Cửa ô này là cửa ô duy nhất còn lại của Hà Nội xưa, do đó có giá trị khảo cổ không hề kém những di tích còn lại của Hoàng thành. Cửa ô này cũng gắn liền với lịch sử những năm đầu chiếm đóng của chúng ta, vì chính nhờ cửa ô này, chúng ta đã tiến vào Hà Nội qua một bến thuyền[3]. Và cũng chính cửa ô này là lối vào con phố đầu tiên ở Hà Nội có thương nhân người Pháp định cư. Cuối cùng, cho dù chưa được khẳng định về giá trị thẩm mỹ thì công trình này vẫn có tầm quan trọng đặc biệt, đồng thời nó còn là một loại hình kiến trúc hiếm có và độc đáo còn lại ngày nay. Tất cả những lý do có thể viện dẫn – về mặt khảo cổ, lịch sử và mỹ thuật – đều đang ủng hộ cho việc bảo tồn toàn vẹn công trình này”.

Tuy nhiên, phiên họp của HĐTP vẫn kết thúc với 8 phiếu thuận và 5 phiếu chống, trong đó có 4/5 thành viên người bản xứ có mặt bỏ phiếu chống.

Quyết không nhượng bộ, sau phiên họp chỉ một tuần lễ, vào ngày 11-4, ông Godard đã gửi công văn lên Thống sứ Bắc Kỳ, đề nghị không phê duyệt dự án phá bỏ Ô Quan Chưởng. Nhấn mạnh vào vị trí của cửa ô trong lòng những người yêu Hà Nội, ông viết: “Ngài hẳn đã rõ nỗi dằn vặt của tất cả những ai quan tâm đến mỹ thuật và lịch sử đất nước, nỗi dằn vặt gây nên bởi quyết định không được mong đợi này, mà hậu quả của nó sẽ làm biến mất một trong những di tích cuối cùng, cũng là một trong những di tích đáng chú ý nhấtcủa Hà Nội cổ. Cảm xúc này trong lòng người bản xứ cũng nhức nhối không kém gì trong lòng người Pháp, và cả 4 thành viên người bản xứ của HĐTP- vốn thường có xu hướng nhượng bộ – đã nhất trí phản đối dự án này”.  

Thế nhưng, phái quyết tâm phá bỏ Ô Quan Chưởng mà đứng đầu là Hiệp lý thành phố đã không chịu dừng lại. Họ đã tập hợp chữ ký của 45 trưởng phố tại các khu phố lân cận và đệ trình lên Đốc lý xin san bằng công trình này, vẫn với lý do để thuận tiện cho giao thông.    

Trước tình hình đó, HĐTP đã trưng cầu ý kiến của các cơ quan có liên quan. Được hỏi ý kiến về vấn đề này, Ủy ban Vệ sinh thành phố cho rằng, “khối gạch vữa này chỉ có giá trị quân sự ở thời kỳ chinh phục, ngày nay, nó đã trở thành một trở ngại đối với việc lưu thông không khí và là nguy cơ thường trực về tai nạn nghiêm trọng.

Mặt khác, các cổng vòm ở cửa ô này là nơi ghé lại thường xuyên của bọn lưu manh. Việc giám sát cho phép khẳng định rằng công trình này, cũng như rất nhiều chùa chiền bản xứ bị bỏ hoang, được dùng làm hang ổ cho những hành vi chẳng dính dáng gì đến phong tục”.

Phòng Thương mại Hà Nội trong biên bản họp ngày 8-5-1905 cũng thể hiện sự ủng hộ đối với lựa chọn phá dỡ Ô Quan Chưởng vì “giá trị thẩm mỹ và ký ức lịch sử của nó còn gây nhiều tranh cãi và không thể vượt qua những lợi ích chung của khu phố vốn là một trong những trung tâm thương mại và kỹ nghệ bậc nhất ở Hà Nội”.

Không muốn chính quyền Pháp tại Hà Nội phải tiếp tục “mang tiếng xấu là tùy tiện phá hoại văn vật”, gây nên những “ảnh hưởng đầy bi kịch đối với một bộ phận dân chúng An-nam sáng suốt”, EFEO mà đại diện là ông Godard đã không từ bỏ mục đích đấu tranh của mình là bảo vệ các di tích lịch sử của Hà Nội. Nhờ có sự nỗ lực của EFEO, Ô Quan Chưởng không những không bị phá mà còn được đưa vào danh mục di tích lịch sử được Toàn quyền Đông Dương phê duyệt tại Nghị định ngày 24-11-1906.

22112018_002

Ô Quang Chưởng, nguồn: sưu tầm

Tuy nhiên, những năm sau đó, các di tích lịch sử ở Hà Nội vẫn tiếp tục có nguy cơ bị xâm hại. Tình hình này tồn tại mãi cho đến khi Sắc lệnh ngày 3-4-1920 của Tổng thống nước Cộng hoà Pháp được ban hành tại Đông Dương.

Với Sắc lệnh ngày 3-4-1920[4], EFEO đã trở thành một công sở có tư cách pháp nhân dân sự, có mục tiêu “Đảm bảo việc bảo tồn và duy tu các công trình lịch sử của Đông Dương thuộc Pháp” (điều 2). Nhiệm vụ của Giám đốc cũng được quy định: “Đề xuất lên Toàn quyền việc xếp hạng và giáng hạng các công trình lịch sử cũng như biện pháp bảo tồn cần thiết; hướng dẫn và giám sát việc thực thi các công trình giải toả, sửa chữa, khai quật… và quyết định về việc chuyển giao các đồ vật cho bảo tàng” (điều 7).

Nhờ có sự tư vấn, can thiệp tích cực của EFEO, các công trình văn hóa và các di tích lịch sử ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng đã được xếp hạng, kiểm kê và bảo vệ tốt hơn, tránh được nhiều nguy cơ bị xâm hại. Dưới đây là hai thí dụ điển hình: 

– Trong những năm 1927-1930, cuộc đấu tranh chống lại dự án “Cải tạo và xây cao con đường ngăn cách giữa hai hồ (hồ Trúc Bạch và hồ Tây) thành một con đê” nhằm bảo vệ thành phố Hà Nội trong mùa nước sông Hồng lên cao của Sở Đô thị Hà Nội, được HĐTP thông qua vào tháng 9-1927 và được đưa vào danh mục các công trình lớn về đê điều của thành phố do Tổng Thanh tra Công chính Đông Dương soạn thảo cho mùa xây dựng 1927-1929 đã trở thành một sự kiện nổi bật, gây nhiều tiếng vang nhất ở Hà Nội thời điểm đó[5].

Trong cuộc chiến này, Giám đốc EFEO lúc đó là L. Finot đã cùng Nores, Chủ tịch Hội Địa lý Hà Nội và một số ủy viên của HĐTP đã sát cánh bên nhau vì một mục đích chung: không để dự án xây con đê ngăn cách hai hồ trở thành hiện thực.

Trong thư kháng nghị đề ngày 15-1-1930 dài 9 trang với 17 chữ ký (trong đó có chữ ký của một người Việt Nam tên là Lê Nguyễn) của một nhóm Ủy viên HĐTP do ông Feyssal thay mặt trình lên Toàn quyền Đông Dương có đoạn viết: “Con đường Yên Phụ tạo ra trong thành phố Hà Nội xinh đẹp một phong cảnh đô thị tuyệt vời nhất. Dải ru-băng này chạy dài, có cây cối bao bọc xung quanh, giữa hai tấm gương lớn của hai hồ nước, ánh sáng phản chiếu lung linh, nhất là vào lúc hoàng hôn, gió thổi mát rượi ngay cả lúc trời nóng nực; hai chùa Grand Bouddha (tức đền Quán Thánh)  và chùa Trấn Bắc (tức chùa Trấn Quốc)ở hai đầu đường đã làm xúc động không chỉ các nghệ sĩ và các nhà khảo cổ, mà ngay cả những người hâm mộ cái đẹp và các di tích lịch sử

Thế mà, dự án công trình lại gồm: chỉnh lại con đường thành mặt đường thẳng; nâng độ cao chiều đường lên độ 2m50, không những phá tỷ lệ của không gian hiện tại và làm thay đổi phong cảnh một cách tai hại mà còn làm biến mất chùa Grand Boudha sau một mô đất gọi là “mô đất phòng thủ” (masque de protection), đưa tới một nghịch cảnh là một đống đất kếch xù đắp thẳng và rất cao trên mặt nước. Chỉ cần thông báo một chương trình như thế là sẽ làm xúc động tất cả các Ủy viên HĐTP và toàn thể dân chúng ở Hà Nội”.

Cũng trong lá thư kháng nghị này, các tác giả đã cho rằng chính HĐTP phải chịu trách nhiệm về những quyết định sai lầm của mình, trong đó có việc phá Thành cổ: “Tất cả các Uỷ viên của HĐTP đều không thể quên được rằng phong cảnh nên thơ của một thành phố chính là một nguồn của cải quý báu, rằng ngay trong chương trình của HĐ cũng có ghi một điều là phải bảo vệ những cảnh đẹp của Hà Nội, chống lại những sự phá hoại luôn luôn xảy ra và không ngừng tái diễn… HĐTP Hà Nội không được phạm vào những sai lầm và những phá hoại vô ích vì những công trình đó là do sức đóng góp của nhiều nhân vật ở Pháp và ở cả Đông Dương. Chúng tôi vô cùng tiếc và không thể nào quên được sự phá Thành cổ với những cánh cửa đẹp tuyệt vời của nó…”.

Cuối cùng, dự án xây con đê ngăn cách hai hồ đã bị xóa bỏ nhưng bốn năm sau, vào tháng 5-1934, một dự án khác về con đê Lyautey đi ngang qua chùa Trấn Quốc lại ra đời. Một lần nữa, đường Hồ Tây với các di tích lịch sử ở đây lại có nguy cơ bị xâm hại. Và một lần nữa, EFEO mà lúc này giám đốc là giáo sư Paul Mus và các thành viên của HĐTP lại vào cuộc. Cuộc đấu tranh của họ đã mang lại kết quả là giữ lại được toàn vẹn đền Quán Thánh và chùa Trấn Quốc, hai di tích văn hóa tín ngưỡng danh tiếng ở thủ đô Hà Nội của chúng ta.

22112018_003

Đền Quán Thánh, nguồn: sưu tầm

– Năm 1937, khi đoạn cuối con đường nối đại lộ Francis Garnier với quảng trường Cocotier (sau đổi tên là quảng trường Négrier, nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) được xây dựng, chùa Bà Kiệu có nguy cơ bị chuyển đi nơi khác để lấy đất làm đường thì ngày 7-9-1937, Giám đốc EFEO đã gửi công văn số 3197 lên Thống sứ Bắc Kỳ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử đối với đền Bà Kiệu vì công trình này có giá trị về mặt kiến trúc mà mặt chính của nó được xây theo kiểu Tàu. Nhưng Đốc lý Hà Nội đã không ủng hộ đề nghị xếp hạng di tích đền Bà Kiệu của Giám đốc EFEO. Giải pháp được Thống sứ Bắc Kỳ đưa ra là, nếu EFEO góp một phần kinh phí vào việc chuyển đền để mở rộng đường thì Thành phố sẽ đồng ý xếp hạng di tích lịch sử cho đền Bà Kiệu[6]. Không có đủ tài liệu để chứng minh giải pháp đó có được thực hiện hay không song sự tồn tại của chùa Bà Kiệu ngày nay cho thấy sự can thiệp của EFEO trong việc giữ gìn một di sản của Hà Nội ở quanh Hồ Gươm đã thành công.

22112018_004

Đền Bà Kiệu, nguồn: sưu tầm

Các thí dụ trên đây chỉ là những nét chấm phá về cuộc đấu tranh bảo vệ các di tích lịch sử ở Hà Nội của những tổ chức khoa học của Pháp ở Đông Dương dưới thời Pháp thuộc. Nhằm mục đích “Ôn cố tri tân”, bài viết hy vọng các di tích lịch sử ở Hà Nội ngày nay sẽ được các cấp chính quyền quan tâm, bảo vệ hơn nữa, cho dù chúng ta còn nhiều khó khăn trên con đường hội nhập.

TS. Đào Thị Diến

————————————————————-

[1]Paul Doumer: “L’Indochine française (souvenir)”, 1905, p. 123 (dẫn theo André Masson: “ Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888)”, Paris, 1929, tr. 85.

[2]TTLTQG I, RST, hs: 79.298 và 38.438 (dẫn theo Bùi Thị Hệ: “Tranh cãi về vấn đề phá bỏ hay bảo tồn Ô Quan Chưởng thời Pháp thuộc”, đăng trên trang web của TTLTQG I ngày 29/03/2016.

[3]Ý nói vụ tấn công Hà Nội của Francis Garnier.

[4]JOIF, 1920, 2e semestre, N0 97, p. 2255 – 2257 (dẫn theo “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ” 1873-1954 (Đào Thị Diến cb), tập 2, Nxb HN, 2010, tr. 366.

[5]TTLTQG I, RST, hs: 78.693 (dẫn theo Đào Thị Diến: “Đường hay đê? Về một cuộc đấu tranh bảo vệ cảnh quan Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch cách đay hơn 7 thập kỷ” đăng trong Tạp chí Xưa và Nay số 113 (161), tháng 4-2002).

[6]TTLTQG I, RST, hs: 73514/02.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, ngày 22.11.2018.

Thông tin truy cập

63671319
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15037
17595
63671319

Thành viên trực tuyến

Đang có 711 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website