Sức hấp dẫn của An Nam nhiệt đới ở vùng Viễn Đông xa lạ không chỉ làm các kí giả, nhà văn vô cùng sốt sắng mô tả, phản ánh mà còn khiến các nhà nghiên cứu, học giả phải nhanh chóng tiếp cận, diễn giải, đặng đưa ra một tri nhận càng kĩ lưỡng càng tốt cho quá trình cộng sinh văn hóa Pháp - Việt.
Cùng với sự bùng nổ của diễn đàn báo chí, nhất là báo tiếng Pháp, sự xuất hiện của Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) đã trở thành nơi tập trung và công bố khá nhiều nghiên cứu về An Nam trên tất cả các phương diện, từ lịch sử chính trị xã hội cho đến phong tục, tôn giáo, tín ngưỡng, tính cách tâm lí… Ký giả và học giả, tuy khác nhau hành trạng xuất phát, nhưng đều nỗ lực rút ngắn khoảng cách với chính nơi mà mình muốn thuộc về.
Trên đường cái quan
Thoạt tiên, giới kí giả và nhà văn đặt chân đến An Nam cũng theo sự vụ công việc nhưng rồi, phần vì bản tính ưa phiêu lưu, phần vì xứ sở mà chính quyền thực dân Pháp vẫn đang coi là “man khai” ấy cuốn hút họ không ngừng, nên họ đã dần phải lòng rồi trổ hết tài năng văn chương của mình để diễn tả sao cho đắc địa những gì trải nghiệm, những điều trông thấy.
Số lượng các kí giả, chuyên hoặc không chuyên, sẽ rất dài nhưng tôi muốn nhắc đến trước tiên 3 vị khách nặng tình nghĩa với An Nam: Léon Werth, Louis Rouband và Roland Dorgelès. Léon Werth (1878-1955), là phóng viên, tiểu thuyết gia và thường được biết là bạn rất thân với Antoine de Saint-Exupéry, tác giả Hoàng tử bé (1943) trứ danh, đã đến Việt Nam vào năm 1925.
Léon Werth chủ yếu du ngoạn ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Bạc Liêu và tư liệu chuyến đi gây nhiều ngỡ ngàng ấy đã được ông tái hiện trong cuốn du kí Xứ Nam Kỳ (Cochinchine, 1926).
Không thứ gì tuột khỏi tầm quan sát tinh tế, tỉ mỉ của Léon Werth, nhất là các mùi vị trái cây, thảo mộc, đồ ăn thức uống, những đặc sản mà giờ đây chúng ta đang tích cực giới thiệu ra quốc tế, luôn phảng phất trong trang viết: “Phan Thiết với mùi nước mắm, Phan Thiết với biển Đông, với vùng quê An Nam và những ngọn núi đẹp như hình kim tự tháp […] nước mắm, loại nước xốt làm từ cá, nước mắm thơm mùi linh hồn của cá và biển khơi sâu thẳm.
Điều thú vị là Léon Werth thường so sánh cảnh vật An Nam với quê nhà châu Âu, không phải để khẳng định hơn hay kém, mà để nhận thấy những điểm khác biệt tạo nên đặc sắc nơi đây, ngay cả khi chúng gợi nên vẻ nghèo khó: “Cây cầu bắc qua con kênh ngoằn ngoèo. Quang cảnh như ở vùng Oise nhưng lại ụ lên, cằn cỗi như bị bào mòn bởi một thứ ánh sáng không chiếu thẳng”…
Đến sớm hơn Léon Werth ba năm, Roland Dorgelès (1886-1973) đã có một hành trình dài ngày đi dọc An Nam và viết thiên phóng sự nổi tiếng Trên đường cái quan (Sur la route mandarine, 1922). Có thể coi cuốn sách như thước phim được làm bằng ngôn ngữ tài hoa có khả năng chụp bắt cuộc sống thường ngày mà ngay cả người An Nam cũng khó nhận ra.
“Điều kích thích trí tò mò của tôi - Roland Dorgelès thú nhận, không phải là bí mật của những đền chùa ta thấy khắp nơi, dưới bóng hàng phượng vĩ đỏ rực hoa vào mùa hè, hoặc khuất dưới lũy tre xanh; không phải là cái quá khứ ngàn năm của dân tộc bị cướp quyền này, không hề, mà đó là bí mật hiện tại”.
Chính vì nhìn sâu vào hiện tại nên Roland Dorgelès mới để tâm nhiều hơn đến những cảnh lao động vất vả, nhọc nhằn, những anh “nhà quê” nhuốm mình trong màu nâu của đất đai và quần áo, những bến sông và chiếc đò ngang trôi dạt phía cuối nguồn, những thửa ruộng nhỏ bé chắt chiu sau bao mùa bồi tích phù sa…
Mang cảm thức của chủ nghĩa lãng mạn, Roland Dorgelès đón nhận sống An Nam theo lối cảm thương lẫn cảm phục nhưng phần nhiều là bay bổng trước những khung cảnh bình dị chưa bị hiện đại hóa trên những cánh ruộng xanh màu ngọc bích, những ngọn núi buồn bã của dãy Tam Điệp, những cánh đồng muối trắng đến lóa mắt, những con đường đỏ quạch dưới hàng cọ, những chợ búa ồn ào tràn ra cả lề đường, những lồng đèn cá chép khổ lớn, những túp lều vui nhộn dưới hàng dừa cao…
Với Roland Dorgelès, An Nam là miền đất tự do của các sắc màu và nhịp điệu, là nơi chốn được thiên nhiên ưu đãi và tự nỗ lực để vui thú với những gì bình dân, quê mùa nhất.
Khác Roland Dorgelès, Louis Rouband (1884-1941) nhập cuộc trực tiếp với các câu chuyện thời sự. Ông đến Việt Nam năm 1930, vào đúng thời điểm diễn ra khởi nghĩa Yên Bái chấn động, trở thành kí giả tường thuật các phiên xử chiến sĩ cách mạng của Hội đồng Đề hình.
Cuốn sách của ông, Việt Nam, tấn bi kịch Đông Dương (Vietnam, la tragédie indochinoise, 1931) tập trung mô tả không khí căng thẳng của xã hội thuộc địa, khi vấn đề thuế, thuốc phiện, rượu lậu hay ý thức phản kháng ngày một lan rộng. Thay vì bảo vệ lợi ích chính quốc, Louis Rouband không ngần ngại thể hiện giọng điệu phê phán mánh lới của chính quyền thực dân và đồng thời bày tỏ thiện cảm với các nhân vật cách mạng như Nguyễn Thái Học hay Phan Bội Châu.
Có thể nói Léon Werth, Louis Rouband và Roland Dorgelès khá điển hình cho kiểu quan sát An Nam từ vị thế “khách tình si” nên không tránh được những cảm xúc hào hứng hoặc thất vọng có phần cường điệu. Nhưng điều này không đồng nghĩa với nghệ thuật hư cấu thuần túy.
Ở thời điểm đầu thế kỉ XX, về cơ bản, mối quan hệ văn chương và dân tộc chí, văn chương và ghi chép phong tục văn hóa, phóng sự xã hội vẫn chưa hề quá tách bạch, vì thế, sẽ rất lí thú, hữu ích khi lật giở lại những trang viết phong nhiêu cả về tư liệu lẫn cảm xúc.
Những học giả tiên phong
Tuần san Indochine số 20 (ra ngày 23/1/1941) có đăng bài viết Đọc gì về Đông Dương? của Georges Bois. Tác giả đã liệt kê một danh mục dài các cuốn sách, công trình khảo cứu Đông Dương, mà trước hết và nhiều nhất, là về Việt Nam.
Đây là một chỉ dẫn đến hôm nay vẫn có thể hữu ích vì mức độ gói gọn, cụ thể, bao quát về đất nước, con người, lịch sử, tôn giáo, văn minh, các đoàn truyền giáo và cả các vấn đề thực tiễn của công cuộc di dân. Nhiều cuốn sách trong danh mục này là kết quả khảo cứu của thành viên Viện Viễn Đông Bác Cổ hoặc của các nhà nghiên cứu “tay ngang”.
Chưa thể đầy đủ nhưng cần thiết nhắc lại ở đây dăm ba trước tác mà hậu thế luôn coi là “phải đọc” khi muốn tìm hiểu Việt Nam, tìm đến giai đoạn định hình Việt Nam trong học thuật phương Tây: Pierre Gourou (1900-1999) với Bắc Kỳ (Le Tonkin, 1931), Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ (Les paysans du Delta Tonkinois, 1936); E.Tavernier (?-?) với Thờ cúng tổ tiên (Le culte des ancêtres, 1926); Gia đình Việt Nam (La famille annamite, 1927); Charles Maybon (1872-1926) với Ghi chép về lịch sử An Nam (Notions d'histoire d'Annam, 1909), Lịch sử hiện đại của xứ An Nam (1592-1820) (Histoire moderne du pays d'Annam, 1919); George Cœdès (1886 - 1969) với Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa tại Viễn Đông (Histoire ancienne des États hindouisés d'Extrême-Orient, 1944); Paul Mus(1902 - 1969) với Tôn giáo của người An Nam (La religion des Annamites, 1931); G. Cordier (1901-1941) với Nghiên cứu văn chương An Nam (Étude de littérature annamite, 1933); Louis Bezacier (1906-1966) với Các tiểu luận về nghệ thuật An Nam (Essais sur lart annamite, 1943); J. Przyluski (1885-1944) với Ghi chép về tục thờ cây ở Bắc Kỳ (Notes sur le culte des arbres au Tonkin, 1909); Henri Maitre (1883-1914) với Rừng người Thượng (Les Jungles Moi, 1912)...
Có thể thấy, cho đến nửa đầu thập niên 1940, nghiên cứu An Nam đã trở thành một nếp sinh hoạt học thuật phổ biến và được gối tiếp qua vài thế hệ học giả. Những chuyển biến về phương pháp, quan điểm tiếp cận cũng bắt đầu rõ ràng hơn dẫn đến những kết luận đáng suy tư, tham chiếu hơn.
Trong khi giới trí thức bản địa, thực tế là phải từ cuối thập niên 1920 trở đi, với Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Khoan, Trần Văn Giáp,… mới dần công bố những nghiên cứu bằng tiếng Pháp tương đối hiện đại về dân tộc mình thì sự phong phú tiếng nói của các học giả phương Tây chính thức đặt An Nam vào quỹ đạo khoa học xã hội nhân văn của thế giới bấy giờ.
Tính chất chuyên sâu hóa khi tìm hiểu An Nam đã góp phần làm sáng tỏ nhiều nan đề lớn. Chẳng hạn, về các ảnh xạ văn hóa Đông Á và Đông Nam Á trong cấu trúc văn hóa Việt Nam, về đặc trưng của nền văn minh thảo mộc (la civilisation du vétégal), về đạo thờ tổ tiên, về các phong cách trong lịch sử nghệ thuật…
Ở đây, cần nhấn mạnh rằng, các học giả không hướng tới độc giả đại chúng rộng rãi mà chủ yếu dành cho tầng lớp trí thức Pháp, thúc giục họ nắm vững những từ khóa diễn giải căn cơ về An Nam.
Sự chuyển dịch từ “châu Âu trung tâm luận” sang vùng Viễn Đông thuộc địa, như vậy, đã mở đường cho các dân tộc thuộc “thế giới thứ ba” chứng minh giá trị riêng có của mình. Nếu xung đột, chiến tranh làm gia tăng bất hòa và đối kháng thì khả năng đọc hiểu lẫn nhau đã mở ra không gian đối thoại đúng nghĩa, nơi mà các học giả Pháp đã tìm thấy nghĩa lí cuộc đời trên đất An Nam.
Đến lượt mình, học giả An Nam lúc đó, như Đào Duy Anh hay Nguyễn Văn Huyên, đều coi các nghiên cứu trên là tài liệu tham khảo quan trọng. Khi viết Văn minh Việt Nam (1939), Nguyễn Văn Huyên thừa nhận ông mang ơn những người tiên phong và được truyền cảm hứng mạnh mẽ bởi nhiều học giả lỗi lạc như J. Przyluski, Paul Mus, George Cœdès, Louis Finot...
Đáng tiếc, theo thời gian, di sản học thuật của họ đang dần co hẹp trong những phạm vi nhỏ, nơi đa số chúng ta chỉ biết phong thanh.
Mai Anh Tuấn
Nguồn: An ninh thế giới cuối tháng, ngày 22.03.2020.