Thân phận nàng Kiều và độc giả Hungary

Truyện Kiều của Nguyễn Du, không chỉ là kiệt tác vô tiền khoáng hậu của thi ca và văn học Việt Nam, mà còn là viên ngọc quý mãi mãi lấp lánh sáng của văn hóa Việt Nam.

20201106 3

Nó không chỉ là di sản tinh thần hết sức quý báu mà đại thi hào Nguyễn Du đã để lại cho đời sau, mà còn góp phần làm giàu đẹp tiếng Việt, tôn vinh những giá trị nhân bản của người phụ nữ Việt, con người Việt, bản sắc văn hóa Việt, suốt hai trăm năm qua. Từ khi Truyện Kiều được dịch ra các ngôn ngữ khác, ban đầu là tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, Nhật, Nga… rồi nhiều thứ tiếng khác, nó đã trở thành một thứ “căn cước văn hóa”, lan tỏa những giá trị văn hóa Việt ra khắp năm châu, để thế giới biết tới Việt Nam không chỉ qua những cuộc chiến tranh tàn khốc và đẫm máu, mà còn biết tới chúng ta như một nền văn hóa độc đáo, rực rỡ và có bản sắc riêng.

Thật may mắn, độc giả Hungary đã được biết tới câu chuyện 15 năm lưu lạc của nàng Kiều từ khá sớm qua bản dịch nghĩa và chú giải của nhà nghiên cứu, phê bình văn học hàng đầu nhà thơ Trương Đăng Dung và bản dịch thơ của nhà thơ Hungary nổi tiếng Tandori Dezso (1938 - 2019), do Nhà xuất bản châu Âu ấn hành năm 1984.

20201106 4

Văn bản Truyện Kiều bằng tiếng Hungary

Hungary là một nước nhỏ ở khu vực Trung Âu, chỉ có khoảng 10 triệu dân, nhưng là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời, đặc biệt thi ca Hungary được đánh giá là một trong những nền thi ca phong phú và đẹp nhất trên bầu trời thi ca châu Âu. Ngôn ngữ Hungary là ngôn ngữ đứng đơn lẻ bên cạnh các đại gia đình ngôn ngữ châu Âu, có vốn từ cực kỳ phong phú, có khả năng diễn đạt chính xác, có sức biểu cảm rất tinh tế. Nhưng với người nước ngoài tiếng Hung cực kỳ khó học, nó được đánh giá là một trong ba ngôn ngữ khó nhất trên thế giới, bên cạnh tiếng Hebrew của người Do Thái và tiếng Latin.

Sự khác biệt giữa hai nền văn hóa, sự khác biệt của hai ngôn ngữ Việt Nam và Hungary khiến việc dịch Truyện Kiều sang tiếng Hung thực sự là một thử thách rất lớn đối với dịch giả, tưởng chừng khó có thể vượt qua. Nhà thơ Trương Đăng Dung, người có nhiều năm du học và nghiên cứu tại Hungary, đã từng tâm sự: “Nhìn những tác phẩm văn học cổ điển lớn viết bằng thứ tiếng phổ cập của các nước được dịch sang tiếng Hung, từ thời sinh viên tôi đã nghĩ đến Truyện Kiều của Nguyễn Du và mơ ước sẽ có ngày dịch tác phẩm này. Tôi dịch Truyện Kiều với mong muốn bạn đọc Hungary biết đến nền văn học của chúng ta, hiểu hơn nỗi đau và những khắc khoải của thi nhân Việt Nam trước thân phận con người.” (Trương Đăng Dung: Những kỷ niệm tưởng tượng, tác phẩm và dư luận, tr. 473).

Vì mơ ước đó, mà năm 1983, khi trở lại Hungary làm luận án tiến sĩ, Trương Đăng Dung đã “khép kín thư phòng”, tranh thủ thời gian, miệt mài dịch nghĩa và chú giải Truyện Kiều. Về quá trình dịch Truyện Kiều, anh tâm sự: “Sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo giữa các dân tộc cũng là trở ngại lớn không kém sự khác biệt về ngôn ngữ, do đó khó khăn lớn nhất đối với người dịch Truyện Kiều là làm thế nào để mở ra và truyền tải được cái tinh thần văn hóa đặc trưng có trong ngôn ngữ nguyên bản.” (Sđd, tr. 474).

20201106 5

Trương Đăng Dung có may mắn, bản dịch proza Truyện Kiều đã được Tandori Dezso, một trong những nhà thơ lớn hàng đầu và cũng là một dịch giả nổi tiếng của Hungary thời đó, nhận chuyển thành thơ. Tandori Dezso là một người rất am hiểu văn hóa Á Đông và có duyên với thơ Việt Nam. Năm 1980, ông đã cùng một số nhà thơ khác dịch một tuyển tập thơ Nguyễn Trãi ra tiếng Hung dưới tựa đề Irás egy kardon (Viết trên gươm), và sau Truyện Kiều, ông còn là đồng dịch giả của một tuyển thơ Xuân Diệu mang tên Arékaalma virága (Hoa cau, in 1986).

Theo nhà thơ Trương Đăng Dung, dù rất bận rộn, nhưng trong thời gian dịch Truyện Kiều hai ông đã thường xuyên gặp gỡ nhau, trao đổi kỹ lưỡng từng câu, từng chữ, từng điển cố, để có một bản dịch vừa chân xác, vừa đáp ứng các tiêu chí nghệ thuật. Trong quá trình dịch tác phẩm kinh điển này, hai ông đã sáng tạo ra một thể thơ mới giống thơ lục bát có vần lưng. Đây cũng là xu hướng mà một số dịch giả Truyện Kiều ra các ngôn ngữ khác cố gắng theo đuổi.

Sự lao tâm khổ tứ của cặp dịch giả Trương Đăng Dung - Tandori Dezso đã được đền bù xứng đáng. Năm 1984, bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Hungary đã được nhà xuất bản Châu Âu (Európa kiadó) - một nhà xuất bản lớn và có uy tín - ấn hành trang trọng, bìa cứng, khổ in 16,5 x 23,5 cm, với các tranh minh họa là các bản tranh khắc gỗ Việt Nam. Bản dịch Truyện Kiều được giới chuyên môn khi đó đánh giá cao, dù dịch giả Trương Đăng Dung, ba chục năm sau, đã khiêm tốn nói: “Không phải đợi ba mươi năm sau mà ngay sau khi bản dịch Truyện Kiều được xuất bản, tôi cũng đã nhận ra một vài chỗ lẽ ra có thể dịch tốt hơn. Đây cũng là tình trạng chung của mọi bản dịch” (Sđd, tr.475).

Thay vì trích dẫn ý kiến của giới chuyên môn, ở đây tôi chỉ xin giới thiệu bài thơ “Từ những điều Nguyễn Du dạy” của Hollo Andras, nhà thơ Hungary, viết sau khi đọc Truyện Kiều, qua bản dịch cũng rất thành công của chính nhà thơ Trương Đăng Dung. Bài thơ không chỉ cho thấy cách cảm nhận mới lạ của một nhà thơ Hungary, mà nó còn gián tiếp minh định sự thành công của bản dịch Truyện Kiều ra ngôn ngữ Hungary. Bài thơ cũng là một trong những diễn giải độc đáo và sâu sắc nhất về tính tư tưởng, triết lý và thông điệp nghệ thuật của Truyện Kiều.

TỪ NHỮNG ĐIỀU NGUYỄN DU DẠY

Anh đừng nói: Trời cao

Xin hãy nói: Màn xanh trùm bể khổ

Anh đừng nói: Đất dày

Xin hãy nói: Rạn nứt và sụp đổ

Anh đừng nói: Ngôi sao

Xin hãy nói: Giọt máu đào ai chảy

Anh đừng nói: Những điều trông thấy

Xin hãy nói: Tội lỗi các anh, tội lỗi chúng ta

Anh đừng nói: Oan gia

Xin hãy nói: Tình thương cần họp mặt

Anh đừng nói: Mặt sắt Xin hãy nói:

Tội ác ít bạn đường Anh đừng nói:

Làm cho khốc hại Xin hãy nói:

Không thể ngắt hoa trắng từ xương

Anh đừng nói: Giọt sương

Xin hãy nói: Thông điệp của điều lành

Anh đừng nói: Cây xanh

Xin hãy nói: Cuộc đời không vô bổ

Anh đừng nói: Ngọn gió

Xin hãy nói: Người bạn mù dẫn đường

Anh đừng nói: Rầu rầu ngọn cỏ

Xin hãy nói: Người bạn hiền vô danh

Anh đừng nói: Rêu xanh

Xin hãy nói: Ký ức không lụi tàn

Anh đừng nói: Báo ân

Xin hãy nói: Tình người không thể cạn

Anh đừng nói: Bình minh

Xin hãy nói: Nhiệt tình bừng sáng

Anh đừng nói: Hoàng hôn

Xin hãy nói: Niềm nuối tiếc muộn màng

Anh đừng nói: Suối vàng

Xin hãy nói: Tơ đời không thể dứt.

Truyện Kiều đã nhanh chóng được đón nhận tích cực, câu chuyện về cuộc đời truân chuyên của nàng Kiều đã nhanh chóng chinh phục trái tim bạn đọc Hungary

Một bạn đọc nữ, tên là Timár Krisztina, đã nhận xét: “Một tiểu thuyết thơ cổ điển Việt Nam từ 1820: tình yêu, một chút máu, nhiều đau khổ, có Khổng giáo và Phật giáo… Xin ngả mũ trước bản dịch tuyệt vời của Tandori Dezso… Hấp dẫn và hiện đại một cách bất ngờ, ý tôi nói “hiện đại” ở chỗ: cách nhìn của tiểu thuyết ở nhiều chỗ gợi nhớ tới cách nhìn (châu Âu) của chúng ta. Không biết thi hào Nguyễn Du đã trải bao đau đớn khi viết cuốn sách này, vì nó thật tuyệt vời. Thi ca Phương Đông dồn nén đậm đặc trong 100 trang sách. Tóm lại bậc thầy Nguyễn Du biết một bí quyết gì đó!”.

Một bạn đọc khác, có nickname là kkata76, đã viết: “Không dễ đọc văn bản này bởi rất nhiều điển cố, chỉ có thể hiểu được nếu ta xem các chú giải. Một chuyện tình yêu viết với tinh thần của Thiền và Phật giáo… Bản thân câu chuyện đã hấp dẫn, nhưng ngôn ngữ tuyệt vời khiến nó rất khác lạ: cách so sánh, các hình ảnh ngôn ngữ, cách miêu tả sự vật (chẳng hạn sự vận hành của thời gian, sự thay đổi của thiên nhiên, của bốn mùa…).

Một độc giả khác có nickname là Keikorca viết sau khi đọc Truyện Kiều: “Một áng văn tuyệt vời. Cả câu chuyện rất sinh động, hấp dẫn, đầy màu sắc và hương thơm, đặc biệt là cây cỏ, đúng là một màn trình diễn “Phương Đông”. Tôi rất hứng thú khi đọc, đặc biệt vui là có thể dõi theo cuộc đời chìm nổi 15 năm của một nhân vật chính là phụ nữ, với một cái kết có hậu.”

Xin trích dẫn thêm một ý kiến nữa để thấy Truyện Kiều của Nguyễn Du qua bản dịch của hai dịch giả, nhà thơ danh tiếng Trương Đăng Dung và Tandori Dezso, đã được bạn đọc Hungary, đặc biệt là phụ nữ, đón nhận, đồng cảm và yêu quý thế nào. Một độc giả có nickname là anesz, đã nhận xét: “Chúng ta biết rất ít về văn học Việt Nam qua tiếng Hung. Vì vậy mà tôi rất vui khi tìm được tác phẩm kinh điển này trong thư viện. Bản dịch của Tandori Dezso rất kỳ diệu, tiểu thuyết thơ này sử dụng vô số hình ảnh và các so sánh đẹp, chỉ riêng vì nhạc tính của nó cũng đã đáng đọc. Tuy được xuất bản từ năm 1820, nhưng quan điểm của nó rất hiện đại, đặc biệt đối với các nhân vật đàn ông. Câu chuyện của nàng Kiều rất hấp dẫn, nàng đã trải qua bao trầm luân, thử thách để đến với hạnh phúc.

Việc dịch và xuất bản Truyện Kiều ở Hungary cách đây trên ba chục năm là một dấu mốc văn hóa quan trọng trên chặng đường giới thiệu các di sản văn học quý báu của chúng ta tới Hungary. Theo thiển ý của người viết bài này, sự đón nhận tích cực của văn giới và độc giả Hungary đối với Truyện Kiều là câu trả lời thuyết phục cho một số ý kiến cho rằng người nước ngoài khó đồng cảm, khó tiếp nhận tác phẩm kinh điển này. Chỉ cần có những dịch giả tâm huyết, có chiến lược quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài đúng hướng, được hỗ trợ cụ thể và khoa học là chúng ta sẽ có những bản dịch tốt có thể “mang chuông đi đánh nước người” một cách có hiệu quả. Tuy biết rằng, để hội tụ được đầy đủ các yếu tố đó chẳng dễ chút nào.

Xin kết thúc bài viết ngắn này bằng một tin vui, cho thấy dòng chảy giao lưu văn học giữa Hungary và Việt Nam có khi trầm lặng, có lúc sôi động, nhưng chưa bao giờ ngừng nghỉ. Hơn ba chục năm sau khi Truyện Kiều được Nxb. Châu Âu ấn hành, thì tập thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” (Képzelt emlékek, Európa kiadó, 2018) của nhà thơ Trương Đăng Dung (Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, 2011) đã được dịch ra tiếng Hung và được chính Nxb. Châu Âu ấn hành. Tập thơ song ngữ này đã được đưa tới dự Festival sách quốc tế tại Budapest mùa xuân năm 2018, và được Nxb. tổ chức buổi giới thiệu trang trọng với sự có mặt của tác giả Trương Đăng Dung cùng các dịch giả (Giáp Văn Chung và Hay János), trước đông đảo các nhà văn, nhà phê bình, độc giả và bè bạn hai nước Việt Nam - Hungary.

Budapest, 16/2/2020

Giáp Văn Chung

Nguồn: Tạp chí Sông Hương, số 379/09-2020, phiên bản trực tuyến ngày 30.10.2020.

Thông tin truy cập

63671247
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14965
17595
63671247

Thành viên trực tuyến

Đang có 719 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website