Có thể nói, bất cứ một nhà văn nào của Việt Nam có tác phẩm được xuất bản ở nước ngoài, với ngôn ngữ nào khác tiếng Việt đều có cảm giác hãnh diện, tự hào. Không vui sao được khi tác phẩm của mình, đứa con tinh thần của mình có thêm không gian và đối tượng tiếp nhận mới. Tuy nhiên, kể từ sau mở cửa đến nay, số lượng văn học Việt được dịch, xuất bản và giới thiệu ở nước ngoài vẫn khá khiêm tốn, nếu không muốn nói là vẫn có thể đếm được trên đầu ngón tay...
Muôn nẻo đường sách xuất ngoại
Vài năm trở lại đây, có một tác giả liên tục có sách được xuất bản ở nước ngoài, đó chính là Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn có số lượng sách bán ra số 1 Việt Nam. Cho đến nay, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có khá nhiều đầu sách được xuất bản ở nước ngoài, trong đó phải kể đến cuốn "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" đã lần lượt được xuất bản tại Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản... Đặc biệt, tác phẩm này còn được một số trường học ở Thái Lan đưa vào giảng dạy trong nhà trường.
Ở Thái Lan, nhà nước có quy định về việc các nhà trường phải tuyển chọn và giới thiệu tác phẩm của các nước trong khối ASEAN và có quyền tự quyết định việc chọn tác phẩm nào. Tại Nga, bản dịch cuốn "Cô gái đến từ hôm qua" cũng được tuyển chọn, giới thiệu và giảng dạy trong trường học. Đây quả là một niềm vinh dự lớn đối với văn học Việt Nam nói chung và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói riêng.
Tại Nhật Bản, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có 3 tác phẩm đã được xuất bản đó là "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" và "Mắt biếc". Vào đầu năm 2019, khi Nhật chiếu bộ phim Việt được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của đạo diễn Việt kiều Victo Vũ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã cùng với đại diện Nhà xuất bản Trẻ là Giám đốc Nguyễn Minh Nhựt có chuyến đi sang Nhật để giới thiệu về tác phẩm này.
Với 3 tác phẩm đã được xuất bản tại Nhật, có thể nói nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã ít nhiều tạo được dấu ấn nhất định đối với độc giả trẻ Nhật Bản. Theo như chia sẻ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh về chuyến đi sang Nhật để giới thiệu về tác phẩm "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", thì một số bạn đọc khi tiếp cận với tác phẩm "Mắt biếc" ở Nhật trước đó, đã bày tỏ ý định mong được đến Việt Nam để tìm hiểu về thiên nhiên, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Đó chính là điều khiến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vô cùng xúc động...
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (thứ 2 từ phải sang) trong chuyến đi đến Nhật Bản để quảng bá tác phẩm "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh".
Một tác phẩm viết cho thiếu nhi khác cũng được giới thiệu rộng rãi ở nước ngoài từ sớm đó chính là tác phẩm "Dế Mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài. Theo thống kê của Nhà xuất bản Kim Đồng - đơn vị giữ bản quyền xuất bản các tác phẩm thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài, cho đến nay tác phẩm "Dế Mèn phiêu lưu ký" đã có mặt ở 40 quốc gia. Đến nay, "Dế Mèn phiêu lưu ký" được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ phổ biến như tiếng Nga, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Trong đó, bản dịch quan trọng nhất của "Dế Mèn phiêu lưu ký" là bản dịch tiếng Anh của dịch giả Đặng Thế Bính chuyển ngữ vào năm 1960. Sau này, các bản dịch qua các ngôn ngữ khác đều được dịch từ bản tiếng Anh này. Tác phẩm "Dế Mèn phiêu lưu ký" được trẻ em ở nhiều nước yêu thích cũng là điều minh chứng rất sinh động cho sự "không biên giới" của văn học: Một tác phẩm ra đời ở bất kỳ đâu, bằng ngôn ngữ nào cũng hoàn toàn có thể được yêu thích trên toàn thế giới!
Nói về các tác phẩm văn học Việt Nam được xuất bản ở nước ngoài, sau sự nổi tiếng của "Truyện Kiều" với trên 40 thứ tiếng và "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh được dịch ra trên 10 thứ tiếng, thì phải kể đến tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh" của nhà văn Bảo Ninh đến nay đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng và đem đến cho tác giả "Giải thưởng Văn học châu Á lần 2" vào năm 2018 được tổ chức tại Hàn Quốc.
Có thể nói, "Nỗi buồn chiến tranh" chính là tiểu thuyết Việt Nam đương đại nổi tiếng nhất của Việt Nam được thế giới biết đến nhiều nhất. Ngoài việc là một tác phẩm xuất sắc, cũng bởi còn có một lẽ khác là, Việt Nam được thế giới biết đến là một đất nước đau thương vì trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt.
"Nỗi buồn chiến tranh" chính là một "lát cắt" tương đối đầy đủ với thân phận con người trong cuộc chiến tranh ấy và trong cả thời hậu chiến, chính là điều nhân bản khiến trái tim người đọc bị lay động. Vì thế, "Nỗi buồn chiến tranh" gây chú ý với truyền thông quốc tế và được nhiều nước chọn dịch, giới thiệu, quảng bá. Người ta cho rằng, Bảo Ninh với một giọng điệu văn học đặc biệt trong "Nỗi buồn chiến tranh", tác phẩm chắc chắn sẽ còn được nhiều quốc gia chọn để chuyển ngữ và xuất bản theo kiểu "hữu xạ tự nhiên hương".
Còn lắm gian nan
Có thể thấy rằng, khoảng 20 năm nay có khá nhiều tác giả Việt có tác phẩm được chuyển ngữ, xuất bản ở nước ngoài như Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Lê Lựu, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư...
Bìa tác phẩm "Tướng về hưu" của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được NXB Éditions de Laube (Pháp) tái bản nhiều lần. |
Trong số ấy, cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chính là tác giả có nhiều tác phẩm được được dịch và xuất bản ở nước ngoài nhất với các ngôn ngữ như Pháp, Đức, Italia, Thụy Điển, Hà Lan... Đặc biệt phải kể đến cuốn "Tướng về hưu" đã được xuất bản tại Pháp ngay từ năm 1990 với tên "Un général à la retraite" và được tái bản nhiều lần sau đó.
Theo thống kê, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có khoảng 10 tác phẩm được dịch và xuất bản ở nước ngoài như "Tướng về hưu", "Muối của rừng", "Sang sông", "Vàng và lửa", "Mưa Nhã Nam", "Sói trả thù", "Trái tim hổ", "Tuổi hai mươi yêu dấu"... Điều này từng khiến nhiều người cho rằng đã tạo nên "hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp" bởi vì trước ông, chưa có tác giả Việt Nam nào đạt được điều này.
Có ý kiến cũng cho rằng, sở dĩ tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp được giới thiệu nhiều ở châu Âu là vì trong một thời gian khá dài, Nhà xuất bản Éditions de Laube của Pháp đã rất kiên trì giới thiệu và nhiều lần tái bản tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Còn lại, đa số các nhà văn Việt Nam được dịch, xuất bản tác phẩm ở nước ngoài là thông qua con đường "ngoại giao văn hóa", trao đổi về dịch thuật giữa nước ta và các nước trên thế giới.
Năm 2002, lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam với sự tham gia của 25 dịch giả đến từ 22 quốc gia. Đến năm 2019, ở lần tổ chức thứ IV được tổ chức nhân Ngày thơ lần thứ 17 đã có tới gần 200 nhà thơ, dịch giả của 46 quốc gia tham dự.
Tại hội nghị lần thứ IV, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khi đó đã phát biểu rằng: "Gần 20 năm trôi qua kể từ hội nghị Quảng bá văn học lần thứ nhất - 2002, đã có thêm nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và xuất bản tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều tạp chí văn học lớn của thế giới ra số đặc biệt về văn học Việt Nam; thêm nhiều giáo trình về văn học Việt Nam được giảng dạy ở các trường đại học lớn trên thế giới. Số sách văn học Việt Nam trong các trường đại học lớn của nhiều nước tăng nhanh với tốc độ đáng mừng...".
Tuy nhiên, có thể thấy nhận định của nhà thơ Hữu Thỉnh khi đó vẫn chủ yếu là có "tính chất chào mừng" là chính, hiệu quả của các đợt quảng bá văn học thông qua các hoạt động này cho đến nay vẫn thực sự là không được như mong đợi mà rất nhỏ lẻ, manh mún.
Trước đó, một số đầu sách của Việt Nam thông qua các Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam đã được xuất bản ở một số nước trên thế giới như: "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh (xuất bản ở các nước: Canada, Đức, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc…), "Tổng tập nghìn năm văn hiến" (gồm 15 tập được xuất bản tại Nga), tác phẩm của các tác giả Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi... cũng đã được giới thiệu với bạn bè quốc tế tại Pháp, Mỹ, Ba Lan, Thụy Điển... Tuy nhiên, có thể thấy, số lượng tác giả - tác phẩm của Việt Nam được dịch, giới thiệu và quảng bá ở nước ngoài thực sự rất ít, nếu không muốn nói là còn khá... hiếm hoi!
Nguyệt Hà
Nguồn: Văn nghệ công an, ngày 17.6.2021.