Có thể nói, văn chương trong tác phẩm 'Huế đẹp như tranh' như những họa đồ hay tranh chạm khắc được hình thành một cách chi tiết, qua những cảm xúc sâu xa, mong manh và đầy tinh tế...
Bulletin des amis du vieux Hue (hay Những người bạn cố đô Huế) được đánh giá là một trong những tập san khoa học xã hội có giá trị bậc nhất Đông Dương trong 3 thập kỷ, từ 1914 – 1944. Mới đây, tập 2 Huế đẹp như tranh đã được giới thiệu với đông đảo bạn đọc, góp phần lần giở những giá trị xưa, từ đó mang đến cái nhìn vượt thời gian về chốn thần kinh của hơn một thế kỷ trước.
Được viết bởi những cá nhân đã từng sinh sống và làm việc tại đây, Huế đẹp như tranh đã tách mình khỏi góc nhìn lịch sử, để không đơn thuần là tái hiện thời gian chính xác, tình tiết rõ nét, mà thay vào đó sử dụng thủ pháp miêu tả tỉ mỉ, khai thác đề tài ở nhiều góc nhìn… để mang đến cái nhìn thú vị về con người, cảnh sắc, lịch sử, văn hóa, phong tục… Huế xưa. Có thể nói, văn chương trong tác phẩm này như những họa đồ hay tranh chạm khắc được hình thành một cách chi tiết, qua những cảm xúc sâu xa, mong manh và đầy tinh tế.
Tức cảnh sinh tình
Cũng như Nam Kỳ ngao du của Léon Werth hay An Nam thời xưa của Toàn quyền Pierre Pasquier, các tác giả trong tập san này có cách nhìn Huế khác biệt và đầy trìu mến. Các áng văn này thường bộc lộ cảm xúc nội tâm, không hướng theo một chủ đề đặc biệt nào cả, mà là ghi lại trải nghiệm mắt thấy tai nghe và đầy lạ lẫm của họ.
Chẳng hạn trong bài Chuyến dạo chơi đêm tả về quang cảnh của Huế năm 1910 của E.Gras – quan Chánh sở Kho bạc An Nam, ta thấy ở đó rất nhiều yếu tố tạo nên cảnh Huế, từ những ánh lửa hắt lên bóng người leo lét, mùi gừng bốc lên từ các căn nhà…. cho đến sự sống “đông nhung nhúc, dữ dội và kỳ diệu” từ tiếng loạt soạt thoáng qua của chiếc lá rụng hay cú nhảy ì ạch của một con cóc…
Từ những mô tả ấy, E.Gras như một flâneur(*) ở nơi thuộc địa cũng rất tinh tế bộc lộ cõi lòng của mình. Theo đó khi được bổ nhiệm ở Huế, vợ ông vì không muốn sang nên đã ly hôn, có thể từ đó mà ông đã nghiêng mình xuống dành sự thương cảm cho những thân phận không được may mắn. Đó là những cô gái làng chơi da vàng nhỏ bé, những những người đẹp về đêm, người “chống tay đợi khách với điếu thuốc lập lòe trên đôi môi thẫm đỏ” gần cầu Gia Hội… Ông cũng tinh tế nhấn vào nơi đó thêm sự buồn thương, với khúc ca vẳng lại từ xa, cao vút như cất lên từ hơi sương mờ ảo bao phủ dòng Hương giang…
Tranh màu nước của E.Gras vẽ lại cảnh trong rạp hát. Người nhắc vở (phía phải) đọc quá to khiến khán giả được nghe lời thoại đến 2 lần, trong khi các vai ma quỷ tận dụng pháo sáng để trốn xuống gầm bàn.
Ngoài viết văn, E.Gras cũng là họa sĩ tương đối nổi tiếng đã tạo nên nhiều bức vẽ hoạt cảnh đời sống của người Đông Dương. Chẳng hạn trong bài Một đêm nơi rạp hát An Nam, ông đã tả lại cách thức mà sân khấu thời đó trình diễn nghệ thuật. Ông đánh giá ý tưởng của các tác phẩm có thể phức tạp, nhưng biểu hiệu của người đóng tuồng thì lại chân phương, không có gì sâu xa.
Ông cũng có những trải nghiệm “dở khóc dở cười” tại đây, như việc người nhắc vở rõ to khiến cho khán giả như được nghe kịch tới 2 lần, hay việc các vai ma quỷ không biến mất theo kiểu thông thường, mà người diễn viên sẽ tung bột nổ mà người Tàu sáng chế, rồi nhân lúc đó trốn dưới gầm bàn… cũng cho thấy một thời hoạt động sân khấu phần nhiều giản dị.
Trong đa số bài viết, ta đều thấy cách mà Huế đã trở thành nơi của nhiều chủng tộc và nhiều lớp người cùng nhau chung sống. Ở đó người An Nam cùng người Tàu, người Ấn, người da trắng… sống lẫn vào nhau. Từ anh lính với trang phục kaki, anh bồi với mái tóc búi cao, cho đến những đứa trẻ đầu trần, những cu li-chè không có khách, những anh lính đương kỳ nghỉ phép, những cô hàng buôn nhón chân chao người gánh những giỏ hàng hay những ông khách người Hoa bụng phệ, người Âu châu đội mũ trắng đi ngang qua trên một cỗ xe có bác xà ích kênh kiệu…. đều được tác giả thu hết vào tầm mắt mình.
Huế cũng được nhấn nhá bằng những công trình lăng tẩm của những vị đế vương, của kiến trúc vườn, ngọn núi Ngự Bình, sông Hương, và từ nơi đó vang lên bài ca của những phụ nữ chèo thuyền tam bản, điểm nhịp bởi tiếng khua mái chèo… Các tác giả đã quan sát cũng như nghiên cứu một cách kỹ càng, để không chỉ tả lại cảm xúc, mà các bài này cũng có những thông tin chính xác như đây là các bài ca với giai điệu truyền lại từ các bậc tiền nhân đã được lưu giữ trọn vẹn, và người ta sẽ không bao giờ được nghe lần thứ hai theo cùng một lối, bởi người xướng ca sẽ ứng tác trên một chủ đề quen thuộc và để cảm hứng được tự do biến tấu…
Bìa sách Huế đẹp như tranh. Ảnh: Minh Anh
Các nghiên cứu sâu
Ngoài những bài viết chủ yếu sáng tạo dựa trên cảm xúc, thì Huế đẹp như tranh cũng có những bài riêng lẻ tập trung nghiên cứu một khía cạnh nào đó. Chẳng hạn trong bài Một ngày của một “nữ nhân thanh lịch” ở Huế, thì J.de.Soudack đã bám rất sát cuộc sống của mệnh phụ phu nhân Mỹ Châu xuất thân danh giá, để tả lại trọn một ngày của cô, từ lúc thức dậy với việc ra khỏi màn, súc miệng, châm điếu thuốc lá nhỏ xíu, ăn sáng… cho đến làm đẹp, đón tiếp bạn bè… Tại đây những chuyện “hậu cung bếp núc” của người phụ nữ đứng sau gia đình đã được tái hiện một cách khác lạ và đầy độc đáo.
Chẳng hạn nhà bếp nơi đây được Soudack mô tả rất lý thú. Ông viết “Nhà bếp rất rộng, bếp lò xây dọc tường tứ bề đỏ lửa. Trong những nồi đất là cá cắt khúc đang kho, vịt áp chảo với hành tỏa ra mùi hương thoang thoảng của… miền Provence. Treo trên xà nhà là khay đan bằng mây đựng một chú heo được quay nguyên con”. Cung cách dùng bữa của những giới thượng lưu cũng được ghi lại, với ấm trà thơm nức hoa ngâu đựng trong chén nhỏ dát bạc. Tại đó những đĩa thức ăn nối tiếp nhau được bưng lên với các loại thịt cắt miếng, chấm vào nước mắm. Khi có khách quý, thì dàn nhạc và các nàng vũ công cũng được thêm vào, mang đến không khí vui tươi.
Tranh màu nước của E.Gras tả lại một ngày của nữ nhân thanh lịch Mỹ Châu.
Vượt ra khỏi chốn hậu viện của một gia đình, các tác giả cũng mang đến những ấn tượng lớn và bao quát hơn về các địa danh và nét văn hóa đặc biệt. Chẳng hạn trong bài Bao Vinh, thương cảng ở Huế, R.Marineau đã nói về nơi giao thương vô cùng bận rộn, nơi người An Nam cùng với người Tàu cùng nhau làm ăn, từ đó làm nên cuộc sống sung túc. Nơi đây bấy giờ hiện lên nhộn nhịp với sản vật phong phú đổ về từ khắp nơi, có cả những thứ không thường hay thấy ở Nhật Bản, Malabar – ven biển Ấn Độ và Âu Châu. Đến phiên mình, nhiều tàu từ đây sau khi chất đầy hàng hóa nhất là gạo, bắp, khoai mì, khoai lang, lâm sản, gỗ quý, hoa quả… cũng sẽ hướng đến Trung Quốc hoặc Hong Kong, sau khi chạy qua Hải Phòng hoặc Đà Nẵng.
Nghiêng về văn hóa, Bonhomme cũng có một bài tương đối ấn tượng là Thành phố của quan chức, để hệ thống lại những nét chung nhất của hệ thống giáo dục của xứ An Nam. Là kinh đô của vương quốc, là một đô thị hành chính, nên như ông khẳng định, quan chức hiện diện khắp nơi ở Huế. Ông cũng nói thêm “Ta không thể lãnh hội đầy đủ về Huế, vẻ nghiêm trang, danh tiếng, vẻ cao quý của một bộ phận cư dân, và thậm chí là lãnh hội đến một mức nào đó vẻ bề ngoài của thành phố, những di tích bị bỏ phế, những lối đi bị cỏ dại xâm chiếm… nếu ta không thâm nhập ít nhiều vào hồn cốt của cõi quan trường.”
Bài này có thể được xem như phần nhỏ hơn mà cuốn An Nam thời xưa của Toàn quyền Pierre Pasquier đã từng viết về. Nó cũng đề cập đến các bước đường học tập, cơ hội thành danh cho tất cả mọi người, những được – mất của việc làm quan cũng như sự quan trọng việc tuân theo lề thói mà các bậc hiền triết thời xưa chỉ dạy… Bài Lễ Tết ở Huế cũng là những nét sơ khởi về các sự kiện lớn hàng năm, từ đó mà người nước ngoài có thể hiểu một cách rõ hơn về văn hóa và con người An Nam trong những năm đầu của thế kỷ 20…
Với mục tiêu bảo tồn và truyền lại những dấu ấn xưa về xứ Huế và các vùng lân cận, Huế đẹp như tranh là tài liệu có giá trị khảo cứu lớn, để từ đó độc giả thời nay có thêm góc nhìn về những sự kiện đã từng diễn ra một thế kỷ trước. Mỗi bài viết trong tập sách này như một “chuyến đò”, giúp đưa đọc giả xuôi hai bên bờ sông, từ đó thấy lại lịch sử, văn hoá, tôn giáo và phong tục… đã từng tồn tại những ngày xưa cũ.
Minh Anh
Nguồn: Người đô thị, ngày 02.12.2023.
__________________
(*) Danh từ tiếng Pháp có nghĩa “đi dạo” hay “lang thang” được nhà thơ người Pháp Charles Baudelaire dùng lần đầu tiên, chỉ những người dành thời gian cho việc quan sát.