Truyện ngắn của Yên Hy Ba – cây bút tiêu biểu của dòng văn học yêu nước ở Bình Thuận trước 1975

Tóm tắt

Yên Hy Ba, nhà văn tỉnh Bình Thuận, sáng tác trong giai đoạn cuộc chiến tranh chống Mỹ diễn ra khốc liệt. Dù ông sáng tác khi còn rất trẻ, nhưng khi đọc lại những trang truyện ngắn của Yên Hy Ba, chúng ta không khỏi ngạc nhiên và xúc động chia sẻ với ông về cái nhìn cuộc sống, về tình yêu quê hương, đất nước, về khát khao hòa bình, tự do của nhân loại.

Từ khoávăn học Bình Thuậntruyện ngắn Bình ThuậnYên Hy Ba.

 

Yên Hy Ba tên thật Lê Duy Hiến, sinh năm 1934, tại làng Hà Thủy, xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Nơi đây là vùng đất có truyền thống đấu tranh cách mạng. Ông tham gia kháng chiến từ lúc mới 15 tuổi. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ông đã đối diện với những thử thách gian khổ, bị giặc bắt bốn lần, trong đó có ba lần ngồi tù tại các nhà lao ở Phan Thiết và Sài Gòn. Vào tháng 3/1969, trên đường ra Bắc để chữa bệnh, Yên Hy Ba bị phục kích, hy sinh tại ngã ba biên giới Việt – Lào. Lịch sử truyền thống của xã Chí Công anh hùng ghi nhận: “Tiêu biểu cho tinh thần kiên trung bất khuất, giữ trọn khí tiết cách mạng, bảo vệ cơ sở, phong trào là đồng chí Lê Duy Hiến – người con hiếu nghĩa của xã Chí Công.” (Yên Hy Ba, 2004, tr.3).Yên Hy Ba vừa hoạt động cách mạng, vừa sáng tác, những tác phẩm của ông đã được đăng tải trên các tạp chí ở đô thị miền Nam trước 1975.

Một đời văn ngắn ngủi nhưng sôi động

Quãng đời sáng tác của Yên Hy Ba chủ yếu từ cuối những năm 1950 đến 1969. Ông dùng nhiều bút danh như Yên Hy Ba, Hà Thủy Hồng, Nguyễn Lê, Lê Văn Hiến. Tác phẩm của ông được biết nhiều ở thể loại truyện ngắn và thơ, đăng trên các báo, tập san ở Sài Gòn như: Nhân Loại, Tạp chí Bách Khoa, Bông lúa, Ngày mới, Nhân quyền, Giữ thơm quê mẹ, Tiểu thuyết tuần san, Văn nghệ tuần báo… Ngoài những tác phẩm được đăng ở các tạp chí, báo, tập san văn nghệ Sài Gòn, chúng ta còn tìm thấy một số tác phẩm của Yên Hy Ba được viết trong thời gian bị cầm tù in ở các tập nội san trại giam Bình Thuận. Những truyện ngắn tiêu biểu có thể kể đến gồm: Những dòng lệ Ba Lê, Người trai miền nương xanh, Tiếng hát trên đường vũ bão, Nắng lên, Những vồng khoai xanh, Tiếng trúc trên đồi, Tòng quân chinh, Nước bấc về gành, Trăng trên sông, Vỡ tổ, Lá bay về cội, Thương để trong tim, Đi vào bão biển, Dấu nước mắt trên gối, Người chết chưa chôn, Màu xanh của tim anh dù mất, Cháy đỏ đêm dài, Tình chim câu trắng, Sông sâu, Những con én vàng, Bên bờ biển cả.

Nhận xét về vị trí của Yên Hy Ba trong văn học Bình Thuận giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Địa chí Bình Thuận có viết: “Đặc biệt trong giai đoạn này, xuất hiện một cây bút tài năng Lê Duy Hiến… anh đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm văn thơ với nội dung phong phú và đa dạng” (Nhiều tác giả, 2006, tr.668).

Yên Hy Ba sáng tác trong giai đoạn cuộc chiến tranh diễn ra khốc liệt. Bình Thuận lại là một trong những chiến trường chống Mỹ ác liệt, dữ dội. Nhiều chiến sĩ cách mạng đã bị bắt, bị tù đày, bị tra tấn dã man. Nhưng trong gian khổ, đau thương ấy lại cháy bùng lên những tình cảm lớn lao về tình yêu quê hương, đất nước, yêu tự do, yêu dân tộc. Chính điều này đã thổi vào Yên Hy Ba nguồn cảm hứng mạnh mẽ khi ông viết về đề tài chiến tranh, một nguồn cảm hứng nhân sinh có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Dù ông sáng tác khi còn rất trẻ, nhưng khi đọc lại những trang truyện ngắn của Yên Hy Ba, chúng ta không khỏi ngạc nhiên và xúc động chia sẻ với ông về cái nhìn cuộc sống, về tình yêu quê hương, đất nước, về khát khao hòa bình, tự do của nhân loại ...

Truyện ngắn của Yên Hy Ba tuy số lượng không nhiều, nhưng đề tài phản ánh tương đối rộng, mở ra một thế giới hiện thực khá phong phú, mỗi trang viết đều để lại những giá trị tư tưởng nhân đạo của người cầm bút. Người  đọc có thể tìm thấy ở đó một tấm lòng, một tiếng nói ngợi ca khát vọng sống, tình yêu thương, có thể tìm thấy cái hạnh phúc lớn lao được sống hiện sinh, dấn thân, cống hiến,chọn đúng con đường để sống cho có ý nghĩa ở cuộc đời này. Đó là những điều mà tưởng như phải trải qua một quá trình trải nghiệm, hay phải qua nhiều biến cố lớn lao của cuộc đời.Chính điều đó đã cho ta thấy được những gửi gắm sâu xa ở những trang viết của tác giả.

Viết về chiến tranh

Về đề tài chiến tranh, xung đột giữa các dân tộc được tác giả đặt trong mối quan hệ đối lập: Giữa những kẻ đi xâm lược (thực dân, đế quốc) và các dân tộc bị áp bức, bóc lột. Dưới danh nghĩa lừa bịp đem văn minh đi khai hóa cho các dân tộc còn lạc hậu trên thế giới, những kẻ xâm lược tự cho mình được quyền thống trị các dân tộc mông muội đói nghèo, lạc hậu; nhưng ngược lại, chúng triệt để thi hành chính sách thực dân tàn bạo để vơ vét tài nguyên và đàn áp các dân tộc thuộc địa. Chính chúng đã “Gây nên nhiều tội ác. Tàn sát, hãm hiếp, đốt phá…” (Yên Hy Ba, 2004, tr.8). Đáp trả lại những thủ đoạn hành động đó của thực dân là sự vùng dậy mạnh mẽ của các dân tộc nô lệ bị áp bức; họ chiến đấu để đòi quyền được tự do, quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhân vật Bernard trong Những dòng lệ Ba lê hoàn toàn đối lập với hình ảnh người lính kháng chiến của nhân dân Angeri, những người “đang kế tục sự nghiệp vinh quang của nhân dân Việt Nam” (Yên Hy Ba, 2004, tr.9).  Những kẻ đi xâm lược luôn mang tư tưởng bá quyền cao ngạo, luôn chà đạp một cách dã man lên nhân phẩm, quyền sống và quyền làm người của các dân tộc mà chúng xâm lược, cai trị. Bernard đã từng nói: “Đền tội, đừng điên! Một người lính Pháp chết là hàng trăm, hàng ngàn bọn thuộc địa các anh phải thế mạng. Hãy nhớ thế… Bọn mày chỉ là côn trùng” (Yên Hy Ba, 2004, tr.8).

Trong Lá rụng về cội, nhân vật Cát Điền Đông Vũ là sự trung thành mù quáng với đội quân viễn chinh Nhật: “Đông Nam Á, Nam Trung Hoa, rồi Bắc Việt Nam, nơi nào có bóng Vũ nơi ấy máu lửa tơi bời. Phản kháng là địch thù, oán hờn là hiểm họa, tất cả cần tận diệt… mây trời ngùn ngụt căn hờn. Người chết trối trăng cho kẻ sống, cuối cùng là căm hờn” (Yên Hy Ba, 2004, tr.170).

Yên Hy Ba khéo léo chọn những điểm tựa để giải quyết các tình huống mâu thuẫn nội tâm, những xung đột tinh thần trong đấu tranh tư tưởng của nhân vật. Tư tưởng nhân vật trong truyện Yên Hy Ba ở góc độ nào đó đã đạt đến những khát vọng chân chính của con người mang tính nhân loại với những giá trị cơ bản: tự do, tình yêu thương, hạnh phúc, lương tri. Đó cũng chính là yếu tố làm nên sức mạnh vô song để nhân vật nhận ra bản ngã,bộc lộtinh thần đấu tranh cho khát vọng chính nghĩa của mình.

Nhân vật Jacques được xây dựng như người phát ngôn cho tư tưởng chính nghĩa mà tác giả muốn gởi gắm trong Những dòng lệ Ba lê. Anh ta là nhà văn, với niềm tự hào Pháp quốc – mẫu quốc, đem văn minh đi khai hóa cho các xứ sở thuộc địa, nhưng anh đã nhận ra gía trị lớn lao của tự do, của độc lập. Bằng tài năng và qua ngòi bút sắc bén của mình, anh đã đấu tranh cùng nhân dân các nước thuộc địa, hiểu ra chính nghĩa cuộc đời khi thể hiện lời hứa với mẹ, với người yêu. Jacques luôn đau đáu với ý nghĩ phản bội, ý nghĩ tội lỗi khi đã giết Bernard: “Mẹ nói hộ với chị ấy rằng: Con không phản bội nước Pháp, nhưng con đã phản bội tình bằng hữu. Ngày về con sẽ đến chịu tội với chị” (Yên Hy Ba, 2004, tr.23).Theo chúng tôi, Jacques không phản bội nước Pháp, cũng không phản bội tình bạn, mà chính Jacques đã đấu tranh cho lý tưởng mà mình đã chọn. Sự lựa chọn này phản ánh tư tưởng tiến bộ của nhân vật khá rõ: “tất cả những con người đấu tranh cho độc lập, tự do, hòa bình, cho hạnh phúc nhân loại thì dù bất cứ nơi đâu, bất cứ màu da nào, bất cứ trình độ văn minh như thế nào đi nữa thì đó đều là con người tiến bộ, là bạn bè với nhau.” (Yên Hy Ba, 2004, tr.22).

Không lý giải nhiều về sự kiên định trong tư tưởng các nhân vật, Yên Hy Ba chọn cách tiếp cận, giải đáp các xung đột từ việc xử lý khéo léo mối quan hệ tình cảm gia đình, đến lòng tự tôn dân tộc. Cát Điền Đông Vũ trong Lá bay về cội đã nhận ra tội ác của mình vì trung thành và muốn đem lại danh dự cho tổ quốc, quyết định sự hy sinh cuộc đời mà mình đang theo đuổi chỉ là cái ảo tưởng, cực đoan, xa rời hiện thực. Điều đó hiện ra trong tâm tưởng nhân vật khi đọc lá thư của người yêu: “Cái gì anh và bạn anh bao năm trời gieo rắc trên đất nước người, thì hôm nay chính chúng đã bay trở về trên quê hương anh, những bà mẹ, những người chị, những đứa con của Trung Hoa, Việt Nam đã từng quằn quại dưới súng gươm anh thì bay giờ chính người mẹ yêu quý của anh, chính những ruột rà thân thích của anh phải gục xuống, gục xuống hàng loạt, ngay trên tử địa Hiroshima-Nagasaky” (Yên Hy Ba, 2004, tr.175). Ở đây tác giả đặt ra vấn đề triết lý nhân quả (không có yếu tố mê tín) về thiện và ác, gieo gió gặt bão. Dĩ nhiên Yên Hy Ba không lên án nhân dân Nhật Bản, chỉ nói về hậu quả của nhà cầm quyền phát xít Nhật, đó là khi đề cập đến thảm họa làm cho hai triệu đồng bào Việt Nam chết đói trong năm 1945, mà nguyên nhân chính là do chính sách bạo tàn của phát xít Nhật gây ra, để so sánh với thảm nạn mà nhân dân Nhật Bản phải gánh chịu do hai trái bom nguyên tử của Mỹ ném xuống hai hòn đảo Hiroshima và Nagasaky: “Họ không còn da nữa… mắt mũi tai họ hình như đã bị tan ra thành nước” đến mức “Hiroshima chỉ còn là một bãi sa mạc ngổn ngang gạch ngói. Bảo là “hủy diệt” có lẽ chưa đủ. Phải bảo là “san phẳng” (Yên Hy Ba, 2004, tr.176).

Nếu con đường ra đi của nhân vậtđược xây trên chính lòng tự hào dân tộc, dấng thân để mang lại vinh quang cho đế quốc Nhật thì kết quả là nhận lấy sự thất bại thảm hại trong thế chiến thứ Hai; đau đớn nhất có lẽ là thảm họa bom nguyên tử. Từ đó, con đường trở về lại được mở ra bằng chính tình yêu đôi lứa, tình yêu gia đình, gắn chặt với ý thức công dân, trách nhiệm của công dân đối với dân tộc làm thức tỉnh và đưa Cát Điền Đông Vũ trở về đất nước Phù Tang: “Anh hãy về dựng lại tổ quốc và chặn cho kỳ được những bàn tay muốn làm cho thêm đau thương những cuộc đời ngắc ngoải” (Yên Hy Ba, 2004, tr.179). Cuộc trở về của Cát Điền Đông Vũ không kịp cứu vãn sự mất mát, sự hủy diệt, nhưng kịp để xây dựng hàn gắn lại vết thương chiến tranh cho đất nước, chấm dứt những đau thương.    

“Để không còn nữa, không còn nữa

Chết dưới bom rơi dưới lụa hồng;

            Nhân loại nghìn năm ngưng nước mắt                                                    

Tình đi bốn bể một yêu thương”

  (Yên Hy Ba, 2004, tr.181)

 Tình yêu đất Việt là một nội dung tư tưởng được thể hiện chân thành trong các trang viết của Yên Hy Ba. Truyện Người trai miền nương xanh, truyện Nắng lên đề cập đến nội dung này. Cùng chủ đề như truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, trong Người trai miền nương xanh,Yên Hy Batìm hiểu căn nguyên mối thù thằngTây của Kim Núp, bắt nguồn từ tình yêu bếp (bản làng), cội nguồn của nó từ tội ác tày trời của thằng Tây. Trong một lần càn quét vào làng, thằng Tây đã bắt và định làm nhục vợ anh; để cứu người vợ thân yêu đang mang thai, Kim Núp đã bắn thằng Tây một mũi tên tẩm độc. Nhưng đau đớn thay! Mũi tên lại trúng Bran Mai – vợ anh – nhìn cảnh vợ chết anh vô cùng đau đớn và căm hờn, và anh đã giết thằng Tây. Anh đưa xác vợ về xóm “để rồi phải rụng rời chết sững bênh cạnh xác mẹ anh, trước đống tro tàn lụi của mái “bếp”. Thằng Tây nó đốt “bếp”! Nó bắn mẹ anh! Nó quăng luôn xác mẹ anh vào lửa! Ơ trời!... Người mẹ già của anh giờ chỉ còn là một khúc than cháy khét” (Yên Hy Ba, 2004, tr.44). Tất cả chỉ còn lại là đau thương và căm hờn ngút trời: “Người chết đi không nói được với anh lấy một lời. Hẳn cũng không biết rằng, Bran Mai cũng đã chết. Chỉ còn có mỗi mình anh đang đau đớn như cắt từng khúc ruột” (Yên Hy Ba, 2004, tr.44). Số phận Kim Núp giống như Tnú trong Rừng xà nu khi phải chứng kiến cảnh vợ anh con anh phải chết do tội ác dã man của kẻ thù. Nhưng sự đau đớn khôn cùng chính là cái “hòn tên, mũi đạn” kia lại do chính từ tay anh bắn ra. Đó là một trong những chi tiết tạo ra xung đột kịch của truyện, từ nỗi đau thương vô bờ ấy đã đẩy lòng căm thù lên đỉnh cao chất ngất. Ba năm sống ở ngục Pagode, anh vẫn giữ vững tấm lòng người dân tộc với làng, với nước: “bước vào tù ngục thực dân, khí tiết con người sẽ ngướu như tương, hoặc càng vững như đồng”. Cũng từ đó, nhận thức của anh được sáng ra một chân lý về cộng đồng dân tộc trên toàn lãnh thổ của một quốc gia: “Tụi Tây không phải thù nội người Kinh. Mà là kẻ thù của cả người Chiêm, người Thượng… Phải đánh đuổi nó đi thì mới yên ổn được” (Yên Hy Ba, 2004, tr.39).

Tinh thần yêu nước, yêu thương con người mang ý nghĩa nhân đạo cao đẹp còn thể hiện rất rõ trong Nắng lên. Tinh thần ấy đượcgợi lên từ những ý nghĩ tưởng như non nớt, chân quê mộc mạc, trong tâm hồn trẻ thơ của lũ học trò tiểu học. Câu chuyện chăn trâu sướng - khổ không còn là câu chuyện của sách vở trẻ con nữa mà là câu chuyện cuộc đời; là câu chuyện của con người thấp cổ bé họng bị bóc lột trong xã hội mất độc lập, tự do. Chính cái lối nói ngọng nghịu của trò Cư về thân phận của kẻ chăn trâu khiến ta không thể không xót xa: “Thưa khổ nắm (lắm)! Mưa  nạnh (lạnh) càng khổ hơn núc (lúc) nắng... Ông ấy bảo nà (là), thế cho biết cứ bỏ trâu ông đói, ốm cả trâu đi! Còn chăn không khéo để trâu ăn núa (lúa) của người, cũng phải bị đòn, mà còn phải đền nữa ạ! Với nại (lại) nhiều trâu quá những mấy mươi con!... nên anh con cứ phải bị đòn, bị đói mãi, người nó ốm tong đi! Mỗi lần nén (lén) về thăm nhà, bố u con cứ ôm anh ấy mà khóc. Chỉ khóc chứ chẳng biết làm thế nào được, vì bố u con có nợ của ông ấy” (Yên Hy Ba, 2004, tr.56).

Yên Hy Ba đã mạnh mẽ chỉ ra thực chất về hiện tượng giáo dục trong nhà trường thực dân. Ông xây dựng nhân vật người thầy yêu nước đã giúp các trò nhỏ nhận ra cái chiêu bài lừa bịp của chúng: “Chỉ vì các trò ạ! “sách” muốn đời các trò lớn lên phải “đội nón mê”, mặc áo rách, phải ốm tong đi, mà làm một kẻ chăn trâu như thế đấy” (Yên Hy Ba, 2004, tr.58). Rồi người thầy yêu nước ấy bị bắt vì quy tội làm chính trị; sau đó chúng cử người thầy tay sai thay thế lên lớp chỉ để bắt bọn trẻ con dùng nhiều tiếng Tây hơn tiếng Việt, giũ bỏ cái tư tưởng chống chính phủ bảo hộ trong đầu trẻ thơ. Thầy không dạy bằng tấm lòng, tình thương con trẻ mà bằng trừng phạt, bằng roi vọt. Còn bọn trẻ con thì luôn tưởng nhớ, mong đợi người thầy mà chúng yêu quý vì đã nhận ra: “Thầy ơi!... người ta còng thầy bằng cái còng sắt, người ta cũng còng các con bằng những lằn roi mây… Các con cũng sẽ không đứa nào khỏi thầy ơi.” (Yên Hy Ba, 2004, tr.69).

Tình yêu quê hương, đất nước trong các truyện ngắn của Yên Hy Ba còn thể hiện ở nhiều góc độ, trong đó có tình yêu tiếng mẹ đẻ của mình. Trong Nắng lên, khi thấy các em học sinh tiểu học có thói quen sử dụng các từ tiếng Pháp nhiều mà ít dùng các từ tiếng Việt, người thầy yêu nước ấy đã từng khuyên nhắc: “Thầy đã trăm nghìn lần nói với các trò, hãy yêu thương, hãy tôn trọng tiếng mẹ đẻ! Ngoại ngữ chỉ nên dùng vào khi cần. Sao lại không nói là “sửa lưng”, là “học trò nhà nước” mà đi nói làm gì những tiếng “lait dos”, những tiếng “L’élève maison l’eau” ?! Vừa vô nghĩa mà cũng vừa tỏ ra vong bản!”... (Yên Hy Ba, 2004, tr.55).

 Trong truyện Những vồng khoai xanh, cậu học trò Huy vì ỷ thế con nhà khá giả, rất hay trêu chọc chúng bạn, nhưng cuối cùng đã trưởng thành về mặt nhận thức vì đã nhận ra cái không phải, cái trẻ con của mình. Trong lần về thăm quê của Sĩ – người bạn học nghèo khó – Huy nhận ra cái tình quê hương, sự chịu thương, chịu khó để vượt qua cơn đại hạn của dân làng quê Sĩ nói riêng và của người Việt nói chung. Trong anh dấy lên tình đồng bào, anh đã từ bỏ cái học hàn lâm viễn vông xa rời thực tế cuộc sống để trở thành người hướng dẫn nhân dân học các lớp bình dân ấm áp, nghĩa tình. “Tiếng súng từ cái bót đầu làng, bên kia sông thỉnh thoảng vọng lại hãi hùng, vẫn không làm tôi ngưng lời bài giảng… cứ mỗi lúc một học viên viết được lên mặt bảng đen, hay trên lòng giấy trắng, những nét, những dòng gói ghém tất cả tình yêu quốc ngữ, là tôi lại thấy như trước mặt tôi những lưỡi thép, những củ khoai, nụ cà, trái bắp…” (Yên Hy Ba, 2004, tr.89).

Tình yêu quê hương, tấm lòng nhân đạo còn được thể hiện nhẹ nhàng, sâu lắng và tinh tế qua tình tiết để cho nhân vật cảm nhận về môi trường thiên nhiên, cây lá, chim muông. Trong Vỡ tổ: “đôi chim sâu bé như hạt mít. Màu xanh nhạt trên lưng cánh và phơn phớt vàng bên dưới ngực. Chiếc đuôi dài, thẳng mỏng như miếng thép. Đôi chân nhỏ quá, như hai chiếc tăm vót, mỗi lúc chuyển tưởng như cong đi dưới hai chiếc thân nhún nhẩy” (Yên Hy Ba, 2004, tr.161) đã làm cho nhân vật “tôi” đi đến quyết định: “Tôi với chim, chúng tôi đã âm thầm kết nghĩa.” (Yên Hy Ba, 2004, tr.164). Thật xúc động khi đón nhận những trang viết mềm mại, đầy cảm xúc của một tâm hồn trong trẻo, một sự đón nhận tinh tế vẻ đẹp thiên nhiên, cây lá, chim muông. Nhưng cái bình yên bé bỏng đó của đôi chim sâu xinh xắn kia không còn nữa một khi bọn Tây buộc mọi gia đình “phải đốn đi những cây cối um tùm, mát mẻ” vì “chúng quả là giặc. Chúng sợ bóng tối. Chúng sợ những cái hũ chúng đang chui rúc kia sẽ bị nghiền bẹp nát. Chúng sợ từ những gốc cây này, bụi này sét sẽ nổ xuống đầu.” (Yên Hy Ba, 2004, tr.164). Và nỗi đau đớn vì thiên nhiên bị hủy hoại, cuộc sống yên bình của dân làng bị tàn phá, sự sống yên lành của đôi chim non cũng bị tiêu diệt: “trên mái tranh đôi chim sâu kêu mãi những tiếng kêu buồn thảm thiết. Tôi hết nhìn chim lại nhìn những đôi mắt đục ngầu ghê gớm, mong chúng sẽ hiểu được cái thảm thiết đó của chim” (Yên Hy Ba, 2004, tr.66). Câu chuyện là một thông điệp nhẹ nhàng về tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước, yêu cuộc sống thanh bình ở làng quê nước Việt.

Tình yêu và thân phận con người

Chủ đề tình yêu và thân phận con người được phản ánh khá sinh động trong nhiều truyện ngắn của Yên Hy Ba. Những truyện Tiếng trúc trên đồi, Nước bấc về gành, Trăng trên sông, Thương để trong tim, Dấu nước mắt trên gối hướng người đọc đến những cảm nhận về tình yêu thi vị và lãng mạn, tình yêu xuất phát từ tình cảm chân thật thủy chung của trai gái lứa đôi với bao nỗi niềm, thách thức. Có khi vì chiến tranh, lễ giáo, có khi vì lòng tự ái trắc ẩn mà họ phải chia lìa không đến được với nhau. Mỗi câu chuyện có thể xem là một nốt nhạc buồn; mỗi câu chuyện lại là một quãng lặng về lòng cảm thông sâu sắc của nhà văn cho những trái tim đáng được hạnh phúc, đáng được yêu thương. Nhân vật Huy trong Tiếng trúc trên đồi là một chàng tra đa tài, nhất là tài thổi sáo, tiếng sáo của anh rất dễ làm xao động lòng người, nó biểu đạt được các cung bậc vui, buồn, hờn, giận… nó là những âm thanh thay lời muốn nói cho mọi nỗi niềm của con người trong cuộc sống. Vì rất yêu Thơ và không muốn người yêu mình lấy một người chồng nghèo, nên chàng đưa ra một quyết định rất ngờ nghệch là đi lính cho Tây mãi tận trời Âu: “Chỉ biết là phải đi. May thì có nhiều tiền để về cưới người thương, không may thì gởi xác ở xứ người cũng chẳng sao.” (Yên Hy Ba, 2004, tr.111). Huy ra đi để lại bao thương nhớ, lo lắng cho người yêu. Anh đi lính và cái không may – vốn là hậu quả của chiến tranh – đã đến với anh, tiền không có, thân anh tàn phế, anh bị hắt hủi, khinh miệt, đói khát, bơ vơ bên xứ người, hàng ngày anh phải đối mặt với sự ghẻ lạnh của người đời: “Huy chẳng có được nhiều tiền như ước vọng, cũng chẳng chết được như ý muốn. Huy hiện vẫn là một kẻ nghèo lang bạt, vất vưởng trên đất lạ với mỗi một cái chân còn lại. Cái chân kia đã mất, đôi nạng gỗ giúp anh đi tìm cái sống thãi thừa.” (Yên Hy Ba, 2004, tr.112). Những người bản xứ họ khinh khi, miệt thị đến đau đớn, “anh tự đày đọa tiếng sáo anh, xui cho người khinh rẻ cả giống nòi.” (Yên Hy Ba, 2004, tr.115). Để rồi, tiếng sáo yêu thương vút lên thành tiếng sáo buồn thương, đau đớn: “sáo đang xuống trầm, dìu dặt, đắm chìm. Tất cả như tiếng thở dài không bao giờ dứt của đợi chờ, tấm tức như tiếng nấc nghẹn ngào ly biệt.” (Yên Hy Ba, 2004, tr.107). Khi trở về quê hương, Huy phải chấp nhận một cái giá quá đắt cho quyết định của mình. Ở đây, tác giả không chỉ đặt ra vấn đề về tình yêu đôi lứa nữa, mà còn là vấn đề nạn nhân của thời cuộc, là vấn đề thân phận con người, đó là con người nô lệ của một đất nước thuộc địa. Hết sức xót xa, cay đắng !

Ở truyện Nước bấc về gành xây dựng một câu chuyện cảm động về tình yêu giữa Sim và Gành. Sim là người Bắc, do tản cư ly loạn, cô lạc mất bố, u; với đứa em còn bế, cô tản cư vào Nam ở với dì, gặp Mành, tuy nhà nghèo nhưng là chàng trai giỏi giang và đáng yêu xứ biển: “Tình yêu đã đến với hai mái đầu Nam – Bắc xa diệu vợi chân trời gốc bể mà lại thắm thiết như xưa đã có hẹn hò…” (Yên Hy Ba, 2004, tr.137). Một lần Mành đi biển gặp bão, chiếc mành bị xiêu, anh bị trôi dạt theo chiếc ghe, mọi người đều nghĩ anh đã chết. Ai cũng thương xót cho Mành, nhất là Sim. Nhưng Mành vẫn sống gặp lại Sim trong niềm mong ước đoàn tụvà hạnh phúc: “Sim nghĩ đến một buổi sáng nào đó, trời cũng an lành thế này, ấm áp thế này, cùng với triệu người trở lại trên đất Bắc.” (Yên Hy Ba, 2004, tr.148).

Truyện Dấu nước mắt trên gối, qua nhân vật người mẹ, Yên Hy Ba gửi đến người đọc thông điệp về số phận của người phụ nữ gánh lấy vai trò làm dâu, làm vợ, làm mẹ hiện lên một tấm lòng cao đẹp phải chịu đựng qua thử thách gian nan, khổ đau, khe khắc. Cuộc đời của má là biểu tượng cho sự nhẫn nhục, đức hy sinh, tình yêu thương con cái của một thời son trẻ. Lúc làm dâu, người phụ nữ phải chịu bao nỗi niềm, vì mẹ chồng và mẹ ruột giận nhau, mẹ chồng trút cái giận hờn đó lên đầu con dâu. Qua cảm nhận của người con, thấy má phải ngày đêm với bao lo toan, vất vả, khi “trông chừng nước mắm trổ” và phải đảo lên với cái nghề làm nước mắm không chút nhẹ nhàng, khi thì phải đi gánh nước đường xa về dùng. Ngoại thấy má khổ quá mà “xót thương, thường thức đón má, bảo người nhà gánh thay cho má ngủ, bao giờ có nước má lại dậy gánh về.” (Yên Hy Ba, 2004, tr.204). Đến khi những đứa con bị bệnh mất, ba cũng mất – bảy đứa còn ba, tiếp tục hằn lên nỗi đau bỏng rát khắc vào tâm khảm má; rồi chiến tranh bùng lên, cơ ngơi xây dựng bấy lâu trở thành tro bụi. Cái gánh nợ đời áo cơm đè nặng lên đôi vai của má, lại phải một mình với chiếc ghe xuôi ngược ra Trung, vào Nam, phải dọc ngang đường biển buôn bán nuôi con. Những năm tháng với bao vất vả, lo toan, người con thấy má thường hay khóc, nước mắt đẫm chiếc gối trên thuyền buôn, nhưng đâu có hiểu được những dòng nước mắt kia. Câu hỏi: “Có phải buồn đau ngày xưa đó chiều nay đã làm cho má khóc ?...” (Yên Hy Ba, 2004, tr.205) cứ được nhắc đi nhắc lại trong truyện. Mãi đến một ngày kia, sau bảy, tám năm má mất, người con mới đọc được bức thư của má gửi cho một người đàn ông trong những tháng ngày má một mình đơn độc ngược xuôi trên đường buôn bán, bức thư nhưng “như một điện tín ngắn, vỏn vẹn chỉ có sáu con số chỉ thời gian và mười ba chữ đã nhạt màu: “7-3-1951. Anh, Không thể nào được. Con tôi, các con tôi!. Thôi đành… Ng.” (Yên Hy Ba, 2004, tr.213). Bấy giờ người con mới ngộ ra những giọt nước mắt kia, đâu chỉ “buồn đau ngày xưa đó”,mà còn là sự chịu đựng, hy sinh mối tình thầm kín, đầy trắc ẩn để giữ được tháng ngày bình yên đối với con cái. Kỷ vật duy nhất má để lại trên đời chỉ mảnh giấy với một dòng chữ ngắn ngủi nhưng chứa đựng tất cả nỗi đau và tâm hồn đẹp đẽ thanh cao của tấm lòng người mẹ.                      

Chủ đề thân phận con người là một nội dung được tác giả đề cập nhiều đến trong một số truyện ngắn: Tiếng trúc trên đồi, Nước bấc về gành, Trăng trên sông, Vỡ tổ, Lá bay về cội, Thương để trong tim, Dấu nước mắt trên gối, Những người chết chưa chôn, Cháy đỏ đêm hè… Ngoài sự bất hạnh do chiến tranh, nghèo khó, thân phận con người còn khốn khổ vì bệnh tật. Khía cạnh khổ đau vì bệnh tật này được tác giả khai thác thật sâu sắc. Theo ông Đỗ Kim Ngư – nguyên Chủ tịch hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận, người có công đầu trong việc sưu tập, biên soạn và giới thiệu các tác phẩm của Yên Hy Ba – thông tin rằng, Yên Hy Ba được chuyển ra Bắc là để điều trị bệnh phong. Chắc có lẽ bắt nguồn chính từ trải nghiệm nỗi đau bệnh tật của bản thân mà ông đã viết đến hai truyện ngắn về đề tài người mang tâm trạng nỗi đau của căn bệnh này. Đó là truyện Những người chết chưa chôn được đăng lần đầu trên tạp chí Bách Khoa số 174 ngày 1/4/1964, truyện Cháy đỏ đêm dài đăng trên Giữ thơm quê mẹ, số 11, tháng 11/1966. Ở thời điểm lịch sử bấy giờ, do hiểu biết còn hạn chế mà người ta căn bệnh này như căn bệnh nan y, khó chữa trị. Những người bị bệnh phong thường có tình trạng mất cảm giác  xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể do dây thần kinh  bị nhiễm trùng. Sau đó các bắp thịt  tiêu đi, gân  cốt co làm hai bàn tay  co quắp. Ở mức độ nặng, ngón tay  ngón chân  rụng dần, nạn nhân thường chịu nhiều đau đớn cả thể xác và tinh thần. Cái đau đớn, nhức nhối của thể xác đã có thể được xem là bất hạnh rồi. Nhưng cái ruồng rẫy, ghẻ lạnh, miệt thị của người đời lại là cái đáng sợ hơn, bởi nó làm cho người bệnh càng cô đơn, càng thấy đau tủi, càng thấy bị sự ruồng bỏ trên cõi đời này. Đối với các bệnh nhân phong niềm an ủi ở họ có thể là cùng sống trong các trại phong để tự an ủi, tự chăm sóc, tự yêu thương nhau, được chia sẻ từ tình thương của các y bác sĩ, hay các mẹ (đối với các trại do công giáo lập). Nhưng ở đây tác giả đề cập đến cái đau đớn nhất là cái ghẻ lạnh, ganh ghét, thâm thù nhau của chính những người bệnh với nhau trong trại. Họ không yêu thương nhau, lại còn tìm cách tranh nhau chút tình thương của các mẹ ở trại, ở cái mái ấm nương tạm này. Nhân vật Ri trong truyện Những người chết chưa chôn là một người bệnh phong, nhưng chính sự ganh ghét của anh với các bệnh nhân khác mà anh tìm mọi cách để các mẹ ghét và xa lánh nhiều bệnh nhân khác; để đến nỗi Sơn – một người bệnh phong, phải chịu cái đau đớn đến chết. Lời nhân vật trong bức thư tuyệt mệnh cuối tác phẩm là một thông điệp đau thương đầy khao khát thương yêu đối với cuộc đời: “Những thằng cùi như mình bị đồng loại khinh bỉ, rẻ rúng sống dở, chết dở, ê chề tủi nhục, nghe đâu có sự đùm bọc của tình thương là tìm tới, bấu níu vịn dựa” (Yên Hy Ba, 1964, tr.66). Cảm thức sâu lắng trong tác phẩm Cháy đỏ đêm dài là nỗi đau của Nguyễn, bị bắt vào tù, nhưng đặc biệt hơn là nhà tù của những người bệnh phong, anh nhận ra cái thời gian ngưng trệ và cái hình ảnh hiện tạitương lai của từng người bệnh. Nghĩ đến lúc phải sớm ra đi, phải đau đớn, phải lìa xa mọi người thân yêu. Những suy nghĩ của nhân vật Nguyễn trong truyện làm người đọc xúc động sâu xa: “hai mươi ngày không một lần tắm, không một lần xúc miệng rửa mặt, không một chút canh, một chút xanh, ăn ngày hai bữa với khô mặn, uống ngày hai lượt với cái chén tanh cá. Nên đêm đêm, xen vào giữa từng khoảng lo nghĩ là những ước ao bé nhỏ” (Yên Hy Ba, 1966, tr.48). Tình cảnh phân biệt giữa bệnh nhân Tây và bệnh nhân Việt, cái cảnh chống chọi của người bệnh trông đợi một ngày ra được khỏi chốn bệnh tật bằng sự khỏe mạnh chứ không phải là cái chết thảm như Già Ký, một lần nữa giúp chúng ta càng đồng cảm hơn với tấm lòng của tác giả.

Vọng cố hương

Một chủ đề khác cũng thường được đề cập đến trong tác phẩm của Yên Hy Ba là chủ đề cố hương. Trong hoàn cảnh chiến tranh, biệt ly thì cố hương là đề tài được đề cập nhiều trong văn học, truyện Yên Hy Ba cũng không ngoại lệ. Khảo sát những truyện đã được đăng tải của ông, tác phẩm đề cập đến mảng đề tài này có tần số xuất hiện khá cao, 5/16 truyện đã đề cập đến: Những giòng lệ Ba Lê, Tiếng hát trên đường vũ bão, Tiếng trúc trên đồi, Nước bấc về gành, Lá bay về cội. Nguyên nhân của sự ly hương thường là do chiến tranh, vì miếng cơm manh áo, vì mưu cầu hạnh phúc… mỗi nhân vật mang trong lòng một tình yêu quê hương tha thiết, nó trở thành động lực lớn lao giúp con người vượt qua cái nghiệt ngã hiện tại của số phận. Cát Điền Đông Vũ luôn đau đáu nỗi nhớ quê nhà, nhớ mẹ, nhớ người yêu. Khi đất nước xảy ra thảm họa đau thương, tiếp nhận thư của người yêu (Yến Lan Phương Mỹ), anh đã vì nước Nhật mà trở về, vì quê hương yêu dấu mà mong mỏi sự hồi hương để xây dựng lại niềm tự hào về tinh thần dân tộc của đất nước mặt trời mọc. Jacques đã tự nguyện chiến đấu cho tự do, bình đẳng, bác ái. Nhưng anh cũng không một ngày nào không canh cánh nỗi lòng nhớ quê, mong mỏi quay về, mong mỏi được đón chào như một con người có ích, nhất là mong muốn được người dân Pháp hiểu cho sự lựa chọn đấu tranh chính nghĩa của mình trên đất Angiêri, anh mong mọi người hiểu rằng giữa tình bạn và lòng yêu nước, tình yêu tổ quốc và hành động vì chính nghĩa, vì tiến bộ xã hội là không mâu thuẫn nhau. Huy lại là nỗi đau ly hương của người vì mặc cảm thân phận. Vì nghèo khó mà Huy quyết định làm lính đánh thuê xứ người. Vì lòng tự trọng của bản thân mà anh phải đựng chịu nỗi đau của con người thất bại, tàn phế và bị khinh bỉ khi ở xứ người. Cũng chính vì tình quê hương xứ sở, khát vọng trở về, nên trong mỗi nhân vật: Cát Điền Đông Vũ, Huy, Jacques… ta thấy sức mạnh dâng trào của tình yêu cội nguồn, tình yêu quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn; nó luôn vượt thoát và dẫn dắt nhân vật vượt qua nỗi bất hạnh lớn nhất để hồi tâm và trở về. Còn trong Nước bấc về gành lại là niềm mong ước hồi hương của cô Sim khi cha con Bắc Nam cách trở, loạn ly. Được trở về đất Bắc trong niềm hạnh phúc vì được gặp lại người yêu, cha mẹ, các em.

Nghệ thuật truyện ngắn Yên Hy Ba

Về nghệ thuật, truyện ngắn Yên Hy Ba có cốt truyện khá rõ, sắp xếp các tình tiết khá chọn lọc, hợp lí, dễ dẫn dắt người đọc vào câu chuyện. Tác giả khá thành công trong cách tạo dựng xung đột truyện. Chúng tôi cho rằng đây được xem là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thành công trong sáng tác của Yên Hy Ba. Điều này đã giúp tác giả giải quyết thấu đáo vấn đề tư tưởng của truyện. Có thể nhìn thấy cách xây dựng kết cấu xung đột trong truyện về tầm vi mô và vĩ mô như xung đột giữa ý nghĩa chiến tranh vì độc lập, tự do, tiến bộ các người dân thuộc địa với sự xâm lược của kẻ thù thực dân như truyện Những giòng lệ Ba lê, Tiếng hát trên đường vũ bão, Lá bay về cội, Người trai miền nương xanh. Có khi đề cập đến xung đột giữa tình yêu gia đình, quê hương, đất nước với tội ác của kẻ thù xâm lược, như Người trai miền nương xanh, Vỡ tổ. Có truyện đề cập đến mối quan hệ giữa tình yêu nam nữ và hoàn cảnh nghiệt ngã, cuộc sống nghèo khó mà không đến được với nhau như truyện Thương để trong tim, Dấu nước mắt trên gối, Nước bấc về gành, Tiếng trúc trên đồi…

Nhân vật trong tác phẩm của Yên Hy Ba là những nhân vật có cá tính, được xây dựng khá thành công. Mỗi nhân vật có một thế giới nội tâm phong phú. Thế giới ấy có nhiều biến chuyển tâm lý, thông thường người đọc bắt gặp hai dòng tâm trạng trong suốt quá trình xây dựng nhân vật. Đó là dòng tâm trạng phức tạp, nhiều mâu thuẫn của nhân vật như nhà văn – chiến sĩ Jacquestrong Những giòng lệ Ba Lê, nhân vật Cát Điền Đông Vũ trong Lá bay về cội, của Huy – người lính đánh thuê – trong Tiếng trúc trên đồi… Một dòng tâm trạng nữa là tâm trạng phát triển xuôi chiều, nhưng hết sức mạnh mẽ quán chiếu từ đầu đến cuối tác phẩm như nhân vật Kim Núp trong Những vồng khoai xanh; haycác nhân vật mang tình thần bất khuất chống phát xít trong Tiếng hát trên đường vũ bão,nhân vật người thầy trong Nắng lên.

Kết thúc truyện, Yên Hy Ba thường chọn cách kết thúc có hậu, tác giả thường để cho nhân vật tìm đến một lối giải quyết hợp lý. Tinh thần nhân bản, chuộng đạo lý và khát vọng cuộc sống được đền đáp phần nào dù nhiều nhân vật phải trải qua những đau đớn, những bất hạnh, cho thấy giá trị nhân văn cao cả mà Yên Hy Ba đã dụng ý gửi đến người đọc. Nhân vật Jacques, nhân vật Cát Điền Đông Vũ, nhân vật Huy đều trở về với quê hương của mình, có đau thương mất mát nhưng cuối cùng họ cũng nhận ra chân lý cuộc đời, có thể họ phải trả giá cho những hành động, lựa chọn trong quá khứ, nhưng theo chúng tôi, dường như đó chỉ để soi tỏ hơn con đường trở về, cho hành động sau cùng mà họ lựa chọn. Cái giá trị nhân văn mà tác giả đặt ra ở đây là sửa sai cho cả một quá khứ đau buồn của họ.

Đọc truyện Yên Hy Ba, người đọc dễ nhận ra bút pháp hài hòa giữa chân thực và lãng mạn. Hiện thực là thực tại sinh động, đau thương của những năm tháng chiến tranh in hằn rõ nét trên từng trang viết của ông. Những chi tiết chân thực đến đau thương trong truyện Người trai miền nương xanh, Tiếng hát trên đường vũ bão, Lá bay về cội,hay trong các truyện viết về số phận con người do bệnh tật, do nghèo đói như Thương để trong tim, Nước bấc về gành, Dấu nước mắt trên gối. Người đọc còn tìm thấy những trang viết, những cảm xúc lãng mạn trong truyện Vỡ tổ khi cảm hứng hồi sinh về niềm tin chiến thắng để xây dựng lại quê hương, xây dựng tổ ấm cho đôi chim đã bị bom đạn chiến tranh cướp mất cuộc sống yên bình: “Chắc rồi sẽ có một đôi chim sâu về đây làm tổ ấm. Đêm đêm chim sẽ an lòng bên nhau, êm ái giấc ngủ trong chiếc võng gió đung đưa. Và mỗi bình minh tôi lại nghe rộn rã tiếng những tiếng hót gọi nắng về, sẽ không còn ai chặt đứt niềm vui nhỏ bé của chúng tôi… lớp trẻ biết uất ức ngày xưa đã trưởng thành” (Yên Hy Ba, 2004, tr.169). Trong Những vồng khoai xanh là tiếng quê hương, trong Nước bấc về gành đó là “Sim nghĩ đến một buổi sáng… an lành thế này, ấm áp thế này, cùng với triệu người trở lại trên đất Bắc.” (Yên Hy Ba, 2004, tr.137).

Lời kết

Yên Hy Ba – tuy cuộc đời chỉ có ba mươi lăm năm ngắn ngủi (1934 – 1969), vừa hoạt động cách mạng liên tục bị bắt vào tù, lại thêm mang trong mình căn bệnh ác nghiệt, nhưng ông đã để lại một tấm gương cuộc đời, chiến đấu, lao động nghệ thuật, để lại những trang viết sâu đậm chất nhân văn, giá trị nhân đạo. Đọc lại những tác phẩm Yên Hy Ba, chúng ta hiểu thêm nét đẹp của văn học Bình Thuận trong những năm kháng chiến cứu quốc. Những vấn đề đặt ra trong tác phẩm của một nhà văn – chiến sĩ còn rất trẻ lại là chính những vấn đề lớn: chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, tình yêu, hạnh phúc. Những vấn đề ấy lại được giải quyết bằng phong cách rất riêng vừa trong sáng, nhẹ nhàng, nhưng cũng vừa đủ chiều sâu tư tưởng ở mỗi vấn đề đặt ra của một nhà văn có tài và giàu tâm huyết. Với văn học Bình Thuận trước 1975, đặc biệt là văn học cách mạng, thật sự đây là đóng góp lớn của tác gỉa với văn học tỉnh nhà. Khi nghiên cứu đầy đủ, vị trí của Yên Hy Ba không đóng khung trong một địa phương, mà nó có sức lan tỏa theo dòng chảy của văn học yêu nước, góp phần tô đậm thêm trong mạch văn chương cách mạng của dân tộc.

Tài liệu tham khảo

1. Yên Hy Ba (1964), “Những người chết chưa chôn”, Bách Khoa, số 174, tr. 61-78.

2. Yên Hy Ba (1966), “Cháy đỏ đêm dài”, Giữ thơm quê mẹ, số 11, tr 46-59.

3. Yên Hy Ba (2004), Truyện ngắn Yên Hy Ba, Hội văn học nghệ thuật Bình Thuận xuất bản.

4. Nhiều tác giả (2006), “Địa chí Bình Thuận”, Sở Văn hóa và Thông tin Bình Thuận xuất bản.

Nguồn: Tạp chí Văn hóa và Du lịch, Vol.7, số 4.2016

Thông tin truy cập

60521362
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2855
10018
60521362

Thành viên trực tuyến

Đang có 168 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website