Đông Dương tạp chí và công cuộc tiếp thu nền văn minh phương Tây

Mục tiêu chính của Đông Dương tạp chí như được nói đến trong chương trình [1] của tờ báo đó là quảng bá và phổ cập khoa học và kĩ thuật phương Tây đến người Việt. Đây cũng chính là mục tiêu của tầng lớp trí thức của các nước vùng Viễn Đông theo tấm gương duy tân thành công của của Nhật Bản. Họ đều thấy được sự cần thiết phải nắm lấy chiếc chìa khóa khoa học phương Tây để mau chóng đưa dân tộc mình bước vào cánh cửa văn minh, tiến bộ.

Về bản chất, cuộc xung đột Pháp – Việt là một cuộc chiến tranh xâm lược để giành thuộc địa, nhưng bên cạnh đó, ở vị trí thứ yếu cũng là cuộc đụng đầu giữa hai nền văn minh. Nền văn minh công nghiệp đem lại sự giàu có và phát triển cho phương Tây, giúp nó đủ sức mạnh để lấn lướt, chi phối và thống trị các dân tộc nhược tiểu. Nền văn minh nông nghiệp lạc hậu, sức sản xuất yếu kém, bằng lòng với những giá trị cổ truyền mà không tự thay đổi để phát triển. Cuộc xung đột đó đã đánh thức tinh thần tự phê phán nơi những người trí thức có ít nhiều suy nghĩ về tiền đồ của dân tộc trong một thế giới đang chuyển biến với nhiều xáo trộn và đang bị các thế lực tư sản ở phương Tây mưu đồ sắp xếp lại.

Đối với Nguyễn Văn Vĩnh, chủ bút Đông Dương tạp chí “đứng trước nền văn minh Âu châu đang lan tràn, Á châu phải lựa chọn giữa hai thái độ: tiến bước theo Âu châu hay quay lưng lại nó. Còn đấu tranh chỉ với những phương tiện đã có sẵn của chúng ta thì đã quá chậm rồi và không thể nào những phương tiện đó sẽ tăng lên gấp mười lần và dù cho rằng nhân dân An Nam nhìn chung đã có đức tính kiên nhẫn đó”[2]. Để giải quyết xung đột giữa hai nền văn minh, giải pháp duy nhất theo Nguyễn Văn Vĩnh là tiếp nhận nó, thích nghi với nó để tìm một con đường đi cho dân tộc mình. Ông tin rằng chúng ta sẽ không mất nước bởi “chúng ta là một nòi giống mềm dẻo để có một cá tính”. Chúng ta đã không đánh mất mình khi chịu ách đô hộ hàng ngàn năm của giặc Tàu thì cũng không thể nào mất được bởi sự có mặt của người phương Tây. Điều quan trọng là tận dụng sự giao lưu giữa hai nền văn minh để tiếp nhận lấy những gì tinh túy nhất: “Chúng ta đã biết rút ra những điều có lợi trong khi tiếp xúc với người Tầu, nó đã tạo ra nhân cách quá khứ của chúng ta. Chúng ta phải biết lợi dụng sự tiếp xúc với Pháp, nó sẽ tạo ra nhân cách của chúng ta trong tương lai”.

Trong bối cảnh như thế, mục tiêu mà tạp chí nhắm tới là đưa độc giả Việt Nam đến gần với những phương pháp mới trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu của phương Tây. Điều này được thực hiện thông qua báo chí- một phương tiện truyền thông mới mà ngay cả hình thức của nó cũng đã tiếp cận một phương thức đặc thù về sự truyền bá thông tin và hiểu biết của phương Tây. Bằng cách này, kiến thức không chỉ còn dành riêng cho một thiểu số ưu tú (qua những tác phẩm đặc thù) mà có thể được tiếp cận một cách đơn giản hơn bằng một công cụ hiệu quả hơn: chữ quốc ngữ.

Trước khi đề cập chi tiết hơn những lĩnh vực nghiên cứu phương Tây mà các cây bút của Đông Dương tạp chí đã khai thác, chúng ta sẽ xem qua về các vấn đề giao thoa văn hóa, sự tiến bộ và sự đối đầu giữa mới và cũ đang hình thành trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ.

1.Vài suy nghĩ xung quanh lợi ích của các nghiên cứu phương Tây

Những suy nghĩ này được trình bày trong đợt xuất bản đầu tiên của Đông Dương tạp chí (1913 -1914) thông qua các bài viết chủ yếu của các cây bút: Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh. Chúng cho ta hiểu phần nào về những băn khoăn hiện hữu trong tâm trí của người Việt Nam đương thời trước sự gặp gỡ với văn hóa phương Tây.

Ý tưởng chủ đạo nằm trong tất cả các bài viết trên Đông Dương tạp chí mà chúng tôi đã nghiên cứu đều thể hiện một điều: nếu Việt Nam muốn giữ vững vị trí là một đất nước có nền văn hóa lớn thì Việt Nam không nên khăng khăng giữ lấy mô hình lỗi thời của Trung Quốc mà ngay chính họ cũng đã bắt đầu thay đổi. Ngược lại, người Việt Nam cần phải ý thức được lợi ích của việc theo đuổi mô hình phương Tây.

  1. 1.1 Vài suy nghĩ về khái niệm văn minh.

Nhiều bài viết trong suốt chiều dài của tạp chí đều đề cập đến đề tài giao thoa giữa hai nền văn hóa Trung Quốc và Châu Âu và đó cũng chính là hai mô hìnhcủa hai nền văn minh khác nhau. Ví dụ hai bài viết của Thái Kiến Quang , Đông Dương tạp chí số 37( trang 8 - 9) và số 38 ( trang 5 – 6) với tựa đề “Ngẫm nghĩ vài câu về Âu Á văn minh”. Trong bài viết này, Thái Kiến Quang so sánh vài khía cạnh khác biệt giữa hai nền văn hóa dựa trên hai năm ông sống ở Pháp. Bên cạnh đó, Nguyễn Văn Vĩnh còn viết một bài tương tự mang tựa đề“Âu Á văn minh” trong Đông Dương tạp chí số 39 (trang 4- 5).

Hai bài viết kể trên được viết trong một chủ đề rộng lớn, đó là vấn đề văn minh. Phải hiểu như thế nào về văn minh? Đây là câu hỏi mà Phan Kế Bính đã nêu lên trong bài viết mang tên “Thế nào là văn minh” mà ông dịch từ tiếng Pháp “Tiến bộ ở đâu?” (“Où est le progrès?” - Đông Dương tạp chí số 35- trang 15). Cũng nên lưu ý là chữ “tiến bộ” (progrès) không phải là từ dịch chính xác của chữ “văn minh”[3]. Điều này được thấy rõ trong những bài viết mà chúng tôi đã nêu như bài “Ngẫm nghĩ vài câu về Âu Á văn minh”. Chữ “văn minh” được sử dụng trong các bài tựa được dịch chính xác từ chữ “civilization” trong tiếng Pháp.

Trong bài viết này Phan Kế Bính giải thích một cách tường tận về khái niệm “văn” và “minh” để độc giả có thể có được một kiến thức thực thụ về thành ngữ “văn minh” và không còn mù mờ hay hiểu đại khái về khái niệm văn minh và định nghĩ sâu sắc của nó: “Văn minh là gì? Văn là văn vẻ, minh là sáng láng. Hai chữ hiệp lại làm một thì là một sự văn hoa rực rỡ mà thôi”

Và để đi đến lập luận và định nghĩa của mình, ông đã dung hình ảnh cái cây để cho độc giả hiểu được như thế nào là văn minh. Có nghĩa là “một thành tựu khai hoa và tuyệt đẹp”, nhất là qua khái niệm “văn hoa”. Theo Phan Kế Bính, cũng như cái cây, văn minh có nhiều bộ phận khác nhau: “Nhưng có công văn minh, có hiệu văn minh. Có ngọn văn minh, có gốc văn minh, có quả văn minh”.

Ông giải thích khái niệm này thông qua hình ảnh ngọn, thân, rễ, hoa, quả và lá. Trước hết phải làm việc cật lực để có được văn minh: “công là phải khó nhọc làm sao cho đặng dừng gây lấy giống văn minh (..). Hiểu là đã có công khó nhọc, rồi mới có ngày được hưởng phúc văn minh”.

Để tóm lược, ông cho rằng trước hết thì phải có gốc rễ rồi mới có ngọn. Từ đó lá, hoa và trái mới sinh sôi. Và để có được sự văn minh đó phải trải qua một quá trình nhiều gian truân: “Gốc văn minh là đầu sự văn minh mới mọc ra. Ngọn văn minh là sự văn minh đã mọc mà đầu có ngọn. Lá văn minh là sự văn minh đã sinh rườm rà ra ngoài. Hoa văn minh là sự văn minh đã rực rỡ tươi đẹp. Quả văn minh là sự văn minh đã hình thành rồi, có thể lưu truyền cho con cháu hoặc lấy giống mà gieo qua xứ khác cho trạch cập vạn dân”.

Phan Kế Bính dẫn chứng tiếp theo là hình ảnh cái cây cũng có thể áp dụng cho con người hay là một đất nước. cái nào cũng có gốc, thân, ngọn, hoa, quả v..v. Vì thế bắt đầu bằng giáo dục là con người đã tạo ra cho mình những gốc rễ học thuật sẽ giúp cho khai mở trí tuệ, được ví như là ngọn. Từ trí tuệ sẽ sinh ra nghệ thuật hay là sự khéo léo được ví như là lá. Sau đó là những ngành nghề và công nghệ trí xảo là kết trái của trí tuệ sẽ đem đến” hiển vinh sáng sủa” được ví như hoa. Từ sự “hiển vinh, sáng sủa” ấy sẽ phát sinh sự “sung sướng vô cùng” - đó là quả văn minh.

Đối với một đất nước cũng như thế: khởi thủy, người dân sống trong sự dã man, và rồi đất nước ấy phát triển, giáo hóa được ví như là gốc rễ. Dần dà phát sinh ra nhu cầu tìm hiểu về sinh lý, được ví như là ngọn. Với gốc và ngọn như thế, dân trí được nảy nở. từ đó phát sinh ra công nghệ và nghề nghiệp, thúc đẩy canh nông và thương mại. Tất cả được ví như là cành lá của nền văn minh. Và theo đó, sự khéo léo của dân một nước sẽ dẫn đến sự phồn thịnh của quốc gia ấy trên trường quốc tế, được ví như hoa nở và tỏa hương thơm. Nhờ đó, toàn dân hưởng được “sự thái bình sung sướng như là giồng cây đã được đến ngày ăn quả rồi”.

Sau khi đưa ra hình ảnh minh họa kể trên. Phan Kế Bính còn khuyến khích độc giả nên phân biệt như thế nào là văn minh, thế nào là không văn minh. Điều này cho chúng ta thấyrằng để giải thích về phạm trù “văn minh”, Phan Kế Bính đã sử dụng hình ảnh cho phù hợp với lối tư duy tỉ dụ ví von truyền thống.

Theo Jacques Gernet[4] “lối tư duy tỉ dụ là lối tư duy chiếm phần quan trọng trong lối lập luận của người Trung Hoa” . Giới trí thức Việt Nam thời bấy giờ vốn được đào tạo từ những sách vở kinh điển của Trung Quốc, vì vậy chịu nhiều ảnh hưởng từ lối tư duy này. Chính vì thế mà Phan Kế Bính đã chọn phương pháp tỉ dụ (raisonnement par analogy) như trên. Trường hợp này cũng cho phép chúng ta hiểu rằng các độc giả tiềm năng của Đông Dương tạp chí ở thời điểm đó vẫn mang nặng lối tư duy so sánh theo ảnh hưởng của Trung Quốc. Vì thế, ban biên tập sẽ khó mà giải thích những khái niệm mới nếu không sử dụng nguyên tắc diễn đạt theo lối truyền thống. Và còn bởi tự thân tiếng Việt hiện đại thời đó cũng còn thiếu những từ ngữ cần thiết để dịch nghĩa một vài khái niệm, nhất là những khái niệm kể trên.

Ngoài ra, chúng ta lại cũng có thể nghĩ là phương pháp tỷ dụ mà Phan Kế Bính đã đưa ra để so sánh nền văn minh và cái cây rất có thể đã chịu ảnh hưởng của một vài khái niệm của các nhà sinh học thế kỷ XIX ở Châu Âu. Vào cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, thuyết tiến hóa đã ảnh hưởng rất nhiều nhà trí thức trong trào lưu tư tưởng thường được gọi là “Thuyết tiến hóa xã hội của Darwin” (darwinisme social) (Xem phụ lục 15). Tuy nhiên, cho dù Phan Kế Bính có biết về thuyết tiến hóa khi ông viết bài viết kể trên hay không, có vẻ ông không chịu ảnh hưởng lý thuyết đó mà chủ yếu đó là hình ảnh rất quen thuộc trong tư tưởng Trung Hoa. Đó là hình ảnh cái cây mà chúng ta tìm thấy trong Tứ thư. Chính xác là trong sách “Đại học”. Theo như Pieere Huard[5] trích dẫn từ sách “Đại học’ thì ta thấy rất giống với lối dẫn giải của Phan Kế Bính:

Người xưa muốn làm sáng tỏ đức sáng trong thiên hạ trước hết phải trị được nước mình. Muốn bình trị được nước mình trước hết phải sửa sang nhà mình được chỉnh tề tốt đẹp. Muốn sửa sang nhà mình cho chỉnh tề tốt đẹp trước hết phải tu chỉnh bản thân mình. Muốn tu chỉnh bản thân mình trước hết phải giữ cho cái tâm mình nagy thẳng. muốn giữ cho tâm ngay thẳng trước hết phải giữ cho ý niệm được chân thành. Muốn làm cho ý niệm được chân thành thì trước hết phải có sự hiểu biết. Mà con đường để có được sự hiểu biết là nghiên cứu đến nơi đến chốn những nguyên lý của sự vật”.

P. Huard giải thích: “cách diễn giải tư tưởng rất hoa mỹ này được cấu tạo theo lối khai mở hai hướng với mục đích dẫn chứng trước hết bằng phương pháp khấu trừ, sau đó bằng phương pháp cảm ứng, đó là ý chính được sử dụng trong sách “Đại học”: nếu gốc tốt thì cây mới sai quả.

Thí dụ kể trên cho phép ta hiểu như thế nào về phạm trù “khái niệm” mà Phan Kế Bính đã dẫn giải. Đúng là lối dẫn luận của Phan Kế Bính có bao hàm ý nghĩa tiến hóa khiến cho chúng ta có thể nghĩ về sự ảnh hưởng của thuyết tiến hóa của Darwin. Tuy nhiên, nhiều khả năng là lối diễn giải theo lối diễn dịch sử dụng sức sống của cái cây nhằm giải thích về văn minh là một biện pháp đặc thù trong phương thức diễn giải của giáo dục Trung Hoa truyền thống.

Và sau cùng, cách diễn giải kể trên cho phép giải thích đoạn dịch bằng tiếng Pháp lời tựa của bài viết: chữ “progrès” (tiến bộ) không phải được chọn một cách ngẫu nhiên. Nó được chọn trong ý nghĩa triển khai (déploiement), tăng trưởng (croissance). Chữ “progrès" cho chúng ta hiểu rõ hơn tư tưởng bài viết của Phan Kế Bính, nghĩa là tiến bộ và văn minh là hai khái niệm liên quan chặt chẽ với nhau, không thể tách rời.

Bài viết của ông cho chúng ta rằng thấy giáo dục chính là nền tảng của văn minh, của mọi sự cải thiện từ cá nhân một con người cho đến một quốc gia. Thiếu nền tảng kể trên thì không một nền văn minh nào có thể nảy nở được.

  1. 1.2So sánh văn minh Trung Hoa và văn minh phương Tây ở Bắc Kỳ

Đa số các bài viết của tạp chí đều mang đề tài so sánh giữa hai nền văn minh Trung Hoa và phương Tây. Mà qua đó, ý tưởng căn bản khẳng định giáo dục là nền tảng của văn minh. Đó là nguyên nhân phát sinh ra những suy nghĩ chủ đạo hướng về việc nghiên cứu những hệ thống giáo dục cho phép phát huy những điểm tích cực của hai nền văn minh.

*Bài viết của Nguyễn Văn Vĩnh trên mục TẠP LUẬN ( ĐDTC, số 2, trang 8 -9),

Trong bài viết về chủ đề của giáo dục của Nguyễn Văn Vĩnh với nhan đề " Học hành ", ông phân tích hệ thống nghiên cứu truyền thống của nước ta vốn dựa hoàn toàn vào những kiến ​​thức của kinh điển Trung Quốc (chữ Thánh hiền):

“Mấy nghìn năm nay ta học sách thánh hiền mà nghề nông-tang vẫn không thấy ai giỏi…Tôi thiết nghĩ rằng đạo Khổng Mạnh đến tận ngày nay cũng không ai bài bác được là vì chỉ dạy những lý tất-nhiên trong xã hội, chớ không dạy ra ngoài. Mà những lý tất-nhiên thì người ta dù không học tất cũng phải biết đại khái, mà biết lắm cũng chẳng được việc gì…Nói tổng lại thì đạo Khổng Mạnh là một đạo nên học để mà biết lý tưởng đời trước, nhưng mà ai nấy học sách thánh phải muốn biết được hơn thánh, vì nếu bây giờ ta học không bằng nhà nho Châu thì chẳng hóa ra sự tiến hóa của giống ta dật lùi du”.

Nguyễn Văn Vĩnh lấy ví dụ về Đại học (Grand Etude). Ông chỉ ra rằng bậc học này dạy chúng ta phải biết tất cả mọi thứ , nhưng lại không dạy cách để đạt được điều đó: “Đại học thì dạy người ta cách vật, nhưng thế nào là cách vật chả bảo”. Điều này giải thích lý do tại sao mà người Việt Nam học biết bao sách thánh hiền mà không có một người nào đó có một kỹ năng thực sự trong các ngành nghề hữu ích như nông nghiệp:

“Mấy nghìn năm nay ta học sách thánh hiền mà nghề nông-tang vẫn không thấy ai giỏi…Tôi thiết nghĩ rằng đạo Khổng Mạnh đến tận ngày nay cũng không ai bài bác được là vì chỉ dạy những lý tất-nhiên trong xã hội, chớ không dạy ra ngoài. Mà những lý tất-nhiên thì người ta dù không học tất cũng phải biết đại khái, mà biết lắm cũng chẳng được việc gì…Nói tổng lại thì đạo Khổng Mạnh là một đạo nên học để mà biết lý tưởng đời trước, nhưng mà ai nấy học sách thánh phải muốn biết được hơn thánh, vì nếu bây giờ ta học không bằng nhà nho Châu thì chẳng hóa ra sự tiến hóa của giống ta dật lùi du”.

 Ông không tán thành một thực trạng là những người theo Nho học không hiểu rằng những cuốn sách của bậc Hiền Thánh cổ xưa không chứa tất cả các kiến thức của loài người. Các kiến thức ấy phải được cập nhật không ngừng bởi những thế hệ sau: “Nhà Nho ta đi học thường cứ cho kinh sử của thánh hiền để lại là tóm cả bao nhiêu điều phải biết ở cả đó, rồi lại không biết cho rằng nước nào cũng vậy, thánh hiền kế thế nhau, ông đời trước dạy điều biết trước, ông đời sau lại nhân điều dạy trước mà học thêm ra và dạy thêm ra, mỗi ngày một rộng”.

Theo Nguyễn Văn Vĩnh, hệ thống giáo dục này của Nho học là vô ích vì những người theo Nho học chỉ khăng khăng giữ lấy những điều họ đã được học trong các sách thánh hiền. Họ muốn tìm hiểu tất cả mọi thứ , nhưng trong thực tế, họ không học thêm bất cứ điều gì khác hơn so với các bản thánh văn: “Nhà Nho mình lại không thế. Học sách thánh thì muốn học hết cả, mà chỉ học chữ thánh mà thôi, chứ ngoài kinh truyện không có gì nữa” .

Và nếu người đời sau chỉ học của người đời trước mà không mở rộng thêm được gì thì rõ ràng đó là thất bại của Nho giáo: “Nếu từ 2500 năm nay, thiên hạ học chữ thánh mà chưa có ai hơn được thánh thì phải biết rằng đạo Nho hỏng ở nơi đó”. Theo Nguyễn Văn Vĩnh, nghiên cứu Khổng giáo là để biết những “lý tưởng của đời trước” chứ không phải để ràng buộc mình vào đó mà không chịu tiến lên. Ông kết thúc bài viết với một hình ảnh hết sức thú vị, cũng là kết luận cho bài tranh luận của ông: “Phải biết rằng các ông già thời thượng cổ là những trẻ con nhân loại, mà thiếu niên đời nay phải là người nhớn nhân loại. Tính tuổi cả loài chớ tính tuổi một người. Loài còn non biết ít, loài lớn lên phải biết nhiêù”,

Như vậy , quan điểm của Nguyễn Văn Vĩnh thể hiện rất rõ ràng: chúng ta phải từ bỏ hệ thống giáo dục cũ và dừng lại việc chỉ học duy nhất mớ kiến thức thiêng liêng của người xưa. Những kiến thức đó chỉ có giá trị ở thời đại của của các bậc tiền nhân , chứ không phải là kiến thức tiên tiến của nhân loại. Để mau chóng bắt kịp với văn minh nhân loại, để phát triển đất nước, cách duy nhất là học hỏi những phương pháp, những kỹ thuật phương Tây. Người Việt cần mở rộng quan điểm của mình bằng cách đa dạng hóa cách nhìn của họ và kiến thức thực tế về thế giới.

*Bài viết của Phạm Quỳnh mục “Học cũ học mới’ (ĐDTC, số 5, trang 4 -5)

Trong bài này Phạm Quỳnh hướng dư luận đến vấn đề được nêu ra trong phần mở đầu: nền học mới trong bối cảnh một Việt Nam đã có một nền giáo dục dựa theo mô hình Trung Hoa. Hệ thống giáo dục mà ông gọi là “nền học cũ” phải đương đầu với “nền học mới” vốn rất khác biệt với tư duy căn bản của người phương Đông.

Ông giải thích là Việt Nam đang trải qua một buổi giao thời khó khăn. Đó là lí do vì saochúng ta phải hiểu vấn đề “cũ” và “mới” cho tường tận để không phạm sai lầm trong việc lựa chọn con đường để đi vì đây là việc có ảnh hưởng rất lớn tới tương lai.

Phạm Quỳnh cố gắng nêu lên điểm khác biệt giữa hai nền giáo dục và nhấn mạnh ở điểm: các nước Châu Âu đều coi trọng các lĩnh vực học thuật như nhau. Họ phân ra làm ba lĩnh vực riêng biệt; lý học, thực học và văn tự. Trong khi đó, tại Trung Quốc và Việt Nam người ta lại chuộng “từ chương” - một lối học “ hư văn”. Vì thế, theo ông, trong khi Châu Âu tiến bộ hàng ngày nhờ vào tinh thần cởi mở đó thì Trung Quốc và Việt Nam vẫn giẫm chân tại chỗ.

Theo ông, tất cả mọi lĩnh vực kiến thức đều có ở Việt Nam nhưng không được nghiên cứu nghiêm chỉnh như ở Châu Âu. Một số người Việt bỏ công nghiên cứu về thiên nhiên hay về kỹ thuật ứng dụng thì thông thường cũng không đạt được kết quả tích cực. “Vì ta thường chuộng uẩn ảo huyển diệu hơn là rõ ràng, thực nghiệm và quan sát sự vật cũng không có phép tắc nhất định. Mỗi người xét một cách, người nào cũng lấy ý kiến riêng làm nhẽ thực chính sác. Thành ra rút lại thì chỉ có văn tự là học kỹ”.

Thế nhưng, ngay cả văn tự cũng không được phát triển thấu đáo vì các nhà Nho cứ phải tìm sao dùng những từ thật khó, thật hiếm và những điển cố sâu xa, ít người biết: “Cái tệ tập ấy nhân tuấn mãi thành ra tính chất tự nhiên”. Chỉ cần đọc tứ thư, ngũ kinh để hiểu được tất cả những điều xảy ra trong thiên hạ. Trong suốt ba ngàn năm ,” nước Tàu chỉ học huấn cổ”, có nghĩa là chỉ luận về cổ thư, tức là những thánh thư, những kinh điển của Nho học. Nền giáo dục theo mô hình Trung Hoa này không cho phép trí tuệ Việt Nam nảy sinh được tư tưởng mới lạ hay một triết thuyết mới.

Phạm Quỳnh cũng cho rằng Trung Quốc trong hai ngàn năm qua chưa nảy sinh ra một nhà tư tưởng lớn nào như ở phương Tây[6] với những Bacon, Spinoza, Kant, Comte.. mà tư tưởng mới lạ của họ đã thay đổi nền học thuật của nước họ. ông giải thích điều ấy do sĩ tử Việt Nam phải luôn lo học chữ Hán không ngừng nghỉ. Các nhà Nho phải bỏ cả một đời để học chữ Hán nên rốt cuộc không không còn thì giờ để dành cho tư tưởng. “Học chữ còn chưa đủ, lúc nào học tư tưởng?”. ngược lại, ông cho là kiến thức của người Châu Âu được xếp thành ba lĩnh vực nghiên cứu sau đây:

-          Lĩnh vực thứ nhất nhằm nghiên cứu tất cả những gì mà giác quan không thể ước lượng được (“chỉ ước lượng được bằng tư tưởng suy lý mà thôi”), như môn Triết học chẳng hạn (thuần lý học….)

-          Lĩnh vực thứ nhì là tất cả những gì mà giác quan có thể tiếp thu được (có phương phép thí nghiệm được) như các môn Vật lý, hóa học v.v..

-          Lĩnh vực thứ ba thuộc về văn học (văn tự chỉ là cái đồ dung để lưu truyền cái ý hay ý tốt đấy thôi).

Phạm Quỳnh chỉ trích chủ yếu nền giáo dục truyền thống quá đặt nặng về văn học tạo ra thói ‘hư văn” làm cản trở tất cả mọi lĩnh vực học thuật khác(“Chính bởi cái hiếu hư văn ấy cho nên sự học hành không tiến hóa được. nước ta còn học lại nước Tầu, tất cái tệ hư văn lại còn tệ hơn nữa. muốn cho học mới khỏi nhầm như học cũ thì phải tiệt cái tính chất hư văn ấy đi”), cho nên ông đưa ra giải pháp “đem các lý tưởng là gốc cho sự học cũ đời xưa cùng sự học mới thời này”. Và theo ông, cần phải giải thích rõ về hai khuynh hướng cũ và mới để có thể hiểu được thấu đáo hai hệ thống khác nhau: “điều gì giống nhau, điều gì khác nhau, điều gì phản đối, điều gì dung hóa”.

Con đường mà Phạm Quỳnh vạch ra cho đất nước của mình chính là sự dung hòa của hai nền học thuật[7]: “tôi tin rằng sự học mới ta mai sau này là cách dung hóa cái cổ học nước ta với cái tân học thời nay”.

Ông chấm dứt bài viết của mình với ước nguyện tiếp tục suy ngẫm về những đặc tính của hệ thống giáo dục mới được triển khai ở Châu Âu và nền học thuật cũ trong hai đề mục: Tân học bình luậnCổ học bình luận. Ông muốn đem đến cho độc giả những điều mới mẻ của những khái niệm căn bản thuộc về hai hệ thống. về phương Tây qua việc triển khai những khái niệm: văn minh, tiến hóa, xã hội, khoa học, mỹ thuật, tôn giáo v.v..Và về phương Đông, nên nghiên cứu về tam cương, ngũ thường, lục nghệ.

*Bài viết của Phạm Quỳnh trong mục Tân học cổ bình luận (ĐDTC, số 8, trang 9-10)

Bài viết này được viết tiếp theo sau bài viết trên như một dạng “tự ngôn” tức là lời nói đầu cho đề mục dành cho chủ đề này. Trong đó Phạm Quỳnh trở lại ý tưởng dung hòa hai nền học thuật mà ông đã nói trước kia. Ông nhấn mạnh về ý tưởng tiệm tiến tức là mọi thay đổi phải được diễn tiến từ từ. như thế nền học cũ sẽ dần dà biến đổi và nền học mới cũng sẽ từ từ phát huy. (“Tất học cái học cũ phải dần dần biên cải đi, học mới dần dần thâu nhập vào, hai cái dung hóa lẫn nhau, nhiên hậu mới thành được một cái nền học chắc chắn”).

Để dẫn chứng, ông lấy ví dụ ở bài học Hóa, một lĩnh vực nghiên cứu mới, để giai thích rằng thông thường, các thành tố có thể được trộn lẫn theo hai phương pháp : hoặc là hai thành tố sẽ hòa lẫn với nhau mà vẫn giữ đạc tính của riêng mình, và nếu cần cũng có thể tách rời ra được; hoặc hai thành tố sẽ hòa lẫn với nhau để trở thành một thành tố mới, và hầu như sẽ không thể tách phân ra được nữa. Theo đó, Phạm Quỳnh cho rằng hai hệ thống văn hóa, tân và cựu, không chỉ có thể pha lẫn, mà còn có thể dung hòa, đến độ khó có thể phân biệt được đâu là nguồn gốc Trung Hoa, đâu là nguồn gốc Phương Tây. ("Hai chất đã dụng luyện làm thành ra hồn Nam Việt”).

Với Phạm Quỳnh, chuyện sỹ tử “cựu học” và “Tây học” kình chống nhau trong một nước cũng giống như anh em trong một nhà mà kình chống nhau, điều ấy thật là vô ích. Ông viết: “Nhóm đầu tiên cần phải chấm dứt phỉ bang nền Tây học là “đê tiện”, là” thô thiển” hay “nhăng nhố”. Bởi vì “cái Tây học có ích lợi gì thì tôi tưởng các ông cũng đã mục kích biết rồi, không phải nói nữa”. Và rằng :“thời này phải có học thuật Tây thì mới dùng được”.

 Ngoài ra, nhóm Tây học cũng không nên cho là nền Nho học là “hủ bại”. Vì theo ông, Nho học “có hủ bại nữa thời cái hủ bại ấy dã lâu năm lắm rồi, sâu trong não chất rồi”. Vì thế, ông cho rằng không thể loại bỏ nó trong chốc lát. Và ông bày tỏ quan điểm của mình: “tôi giám quyết rằng cũng không hủ bại lắm đâu. Chỉ cần bỏ đi cái phần nó khiến cho Nho học bị đình trệ”, “Học cũ ta chỉ phải cái hiểu hư văn nó làm cho ngưng trệ lại mà không tiến hóa lên được, cái thói ấy tiệt đi thì nghĩa lý thánh hiền ứng dụng thời nay mới dùng được”

Cuối bài, ông trình bày với độc giả ý muốn thêm vào Đông Dương tạp chí hai chuyên mục Tân học bình luậnCổ học bình luận..Thông qua hai chuyên mục này ông sẽ giới thiệu đến độc giả và diễn giải những tư tưởng hay đẹp trong các sách vở Trung Hoa và phương Tây . Ông không chỉ muốn giới thiệu đến độc giả sách hay, ý đẹp mà còn nhận lãnh trọng trách trích dẫn những tư tưởng cao đẹp để giải thích và dịch ra tiếng Việt.

Hai bài viết kể trên của ông Phạm Quỳnh cho ta hiểu được mục đích tối hậu của những suy nghĩ của ông, đó là sự dung hòa của hai nền văn hóa, tức là đi theo xu hướng hợp tác song phương Pháp Việt, tạo mối tương quan giữa chế độ thực dân và người bị trị dựa trên thuyết hòa hợp. Chủ trương này cũng được ban biên tập Đông Dương tạp chí nhắc đến: “Tạp chí này là cốt nghĩa Pháp Việt”[8]. Như vậy chúng ta phải hiểu là mỗi bài viết kể trên đều đi theo tinh thần chủ đạo ấy. Có thể nói rằng, ban biên tập Đông Dương tạp chí không thể chủ trương khai hóa nền giáo dục mà không phải qua lăng kính hợp tác Pháp Việt, thậm chí qua sự hòa hợp của hai nền văn hóa. 

Có lẽ cũng vì thế mà Phạm Quỳnh không tìm cách chứng minh trong hai bài viết của mình về lập luận của ông. Ông chỉ viết với tính cách gợi ý chứ không cần giải thích. Vì theo ông, chuyện đổi mới theo Tây học là chuyện tất yếu không cần phải chứng minh, dẫn giải. Chúng ta có thể thấy rõ điều ấy qua hai ví dụ sau đây:  

-          Bài 1 (số 5, trang 5): “Nước ta còn học lại nước Tầu, tất cái tệ hư văn lại còn tệ hơn nữa. Điều đó không phải bàn ai cũng rõ”.

-          Bài 2 (số 8, trang 9): “Còn cái Tây học có ích lợi gì thời tôi tưởng các ông cũng đã mục kích biết biết rồi, không phải nói nữa”.

Qua những so sánh kể trên chúng ta có thể ý thức được hố sâu ngăn cách của hai nền văn hóa Đông và Tây thời bấy giờ. Ngay cả những người Việt đã chịu một nền giáo dục phương Tây cũng khó lòng đưa ra những dẫn luận thuyết phục như một người có tư tưởng thực dụng Tây phương. Kiểu suy luận của Phạm Quỳnh cho ta thấy vấn đề kể trên. Ông muốn làm công việc nghiên cứu về những tác động về sự va chạm của hai nền văn hóa, hai nền giáo dục cũ và mới. Sau đó, thay vì đặt vấn đề tìm hiểu tại sao nếu tiếp tục theo hệ thống Trung Hoa thì sẽ có hại cho Việt Nam, ông lại cho rằng “điều đó không phải bàn, ai cũng rõ”. Và cũng như thế, ông khẳng định “còn cái Tây học có ích lợi gì thời tôi tưởng các ông cũng đã mục kích biết rồi, không phải nói nữa”. Trong khi đó, ông chưa chứng minh gì cả. Thậm chí, lẽ ra ông còn phải dẫn chứng tại sao nền học thuật phương Tây lại có lợi cho Việt Nam chứ không thể đem sự cảm nhận chủ quan xem như là một nguyên lý.

Vì thế, có vẻ như là Phạm Quỳnh thiếu mất những dẫn luận chắc chắn nhằm thuyết phục độc giả của mình và lôi kéo họ theo quan điểm của ông về vấn đề giáo dục. Ông tin vào lợi ích của nền học thuật phương Tây và về sự hòa hợp giữa Pháp Việt với hy vọng là sẽ nảy sinh ra một sự hỗn hợp văn hóa, sự kết tinh văn hóa nên những lập luận của ông đều đi theo chiều hướng ấy như thể đó là điều hiển nhiên.

  1. 2.Lối tiếp cận mô hình Tây phương của Đông Dương tạp chí

Những suy nghĩ quanh vấn đề va chạm giữa văn hóa phương Tây và văn hóa Trung Hoa đều đi đến kết luận là văn hóa phương Tây hiệu quả hơn. Điều ấy được minh chứng qua khả năng tạo dựng những lĩnh vực nghiên cứu chuyên biệt của người phương tây. Nó rất khác với mô hình giáo dục Trung Quốc chỉ khuyến khích con người tiếp cận thế giới một cách tổng quan. Kể từ thời cổ đại, giáo dục vốn được xem như chìa khóa thành công trong xã hội tinh thần và vật chất. Khoa cử được khởi xướng từ thời Khổng tử như là một phương pháp hữu hiệu để tránh việc cha truyền con nối về quyền lực. Từ đời Hán rồi đời Đường, Trung Quốc cũng đã đều tổ chức các cuộc thi như thế để chọn quan lại cho triều đình.

Trong khi đó mô hình phương tây lại khuyến khích con người đào sâu hiểu biết về thế giới xung quanh mà không nhất thiết phải có tham vọng thành công trong xã hội hay chính trị. Học tập là để tìm hiểu thiên nhiên cũng như hành vi xã hội và những tầng sâu thẳm của tâm hồn con người, để làm sao nhân loại có thể chế ngự được thiên nhiên. Mặc dù thuyết tiến hóa và phân tâm học cũng đã phần nào kìm hãm lại tham vọng lý tưởng ấy thì trong bối cảnh đầu thế kỷ 20, những nghiên cứu của phương Tây với những phương pháp được ấn định rõ ràng đã chứng tỏ mô hình phương Tây cũng vẫn được xem là chính xác. Đối với những người quen tiếp cận thế giới xung quanh bằng phương pháp của phương Tây, có thể rõ ràng nhận định là hệ thống giáo dục này dã cho phép những sắc dân hưởng thụ nền giáo dục đó trở nên mạnh mẽ.

Ban biên tập Đông Dương tạp chí hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của hệ thống giáo dục phương Tây nên họ đã cố công dẫn dắt cho độc giả của mình đến với những đề tài nghiên cứu mới này. Vì đối với họ, chúng có nhiều điểm hữu ích cũng như hệ thống tư tưởng đã thoát thai ra chúng.

Vì thế, trong phần này chúng tôi sẽ cố gắng trình bày những bộ môn mà tạp chí đặc biệt quan tâm để quảng bá và mục đích của chúng. Đông Dương tạp chí tự nhận trách nhiệm tiền tiêu trong công cuộc quảng bá nền Tân học ở Bắc kỳ và công tác quảng bá trước hết là một công tác giảng dạy mà chính nó cũng là một đề tài để nghiên cứu. Vì thế cũng không phải ngẫu nhiên mà tạp chí dần dần trở thành một cẩm nang thuần túy giáo dục vào năm 1919.

2.1 Mục tiêu của Đông Dương tạp chí: quảng bá những kỹ thuật của phương Tây.

Trong chương trình của Đông Dương tạp chí (ĐDTC số 1, trang 2) có ghi rõ “Đông Dương tạp chí – nguyên mục đích là đem các thuật hay nghề mới Thái tây ma dạy phổ thông cho người An Nam”.

Có thể thấy rằng, những biên tập viên của Đông Dương tạp chí hiểu rất rõ những kỹ thuật của phương Tây được xây dựng trên nền tảng của những phương pháp đã được minh chứng và đã trải qua nhiều thực nghiệm. Những phương pháp đó chính là sự kết tinh của một tinh thần gọi là tinh thần khoa học.

Bởi thế mà những bộ môn mới chiếm nhiều trang nhất trong Đông Dương tạp chí chính là những bộ môn nằm trong phạm trù sư phạm: vì mục đích chính là bắt đầu dạy cho người Việt biết phương pháp học tập. Bấy lâu, người Việt Nam vốn đã quen với lối học nhập tâm (học thuộc lòng) và một khi được phát triển tinh thần khoa học thì sẽ dễ dàng tiếp thu những kiến thức mới, một cái nhìn khoa học như người phương Tây.

Ngoài ra giáo dục cũng chính là nền tảng quan trọng của một xã hội theo Nho học. Vì vậy, cũng dễ hiểu vì sao người Việt Nam lại dễ dàng tiếp thu những lĩnh vực mang tính sư phạm. Và như thế, có thể thiết lập ở Việt Nam một hệ thống giáo dục mới mà không phải làm khuynh đảo cả xã hội.

  1. 2.2Những lĩnh vực mới hoặc những lĩnh vực cũ nhưng tiếp cận bằng phương pháp mới.

Trong Việt Nam phong tục , đăng trên Đông Dương tạp chí 1915, Phan Kế Bính đã trình bày rất rõ nguyện vọng của ban biên tập Đông Dương tạp chí đó là đánh động ý thức của người đọc về sự cần thiết tiếp thu phương pháp Tây phương, nhất là một phương pháp giáo dục xứng đáng với tên gọi của nó. Trích đoạn sau đây tuy có vẻ dài dòng nhưng cho phép chúng ta hiểu được cái nhìn của ban biên tập thời bấy giờ về sự giáo dục truyền thống:

Xưa nay lối khoa cử của ta là một con đường cho bọn sĩ phu. Sĩ phu có do con đường ấy xuất thân mới là chính đồ, mà sự vinh hạnh về sau cũng bởi đó mà ra cả. Bởi vậy nhân tâm nước mình say mê bia đá bảng vàng, cố sức mà dùi mài truyện hiền kinh thánh, có người đầu bạc mà vẫn chịu khó đeo bộ lều chiếu để đua ganh vối bọn thiếu niên. Mà rút lại thì có gì đâu, học cũng chẳng qua là học văn chương, thì cũng chẳng qua là thi văn chương. Ai may ra hiển đạt, cũng phải nhờ có tài trí riêng mới chuyên vận được việc đời. Chớ như chuyện một lối văn chương, có mấy khi mà nên được việc. Vậy mà ta mê mẩn mấy trăm năm nay, vẫn chưa tỉnh hết.
Nhà nước gần đây cải lương lại phép thi, bỏ bớt lối hư văn mà thay đổi lối thực học. Hiềm các vị tân học chưa được thịnh hành mà tục cựu nhiễm của ta thì chưa gột hết cho nên cách thi cử cũng chưa theo ngay được lối văn minh. Thiết tưởng làm sao cũng phải có một phen đổi hết cách cũ mà dùng toàn cách mới có ngày mong đến được cõi tân hóa. Xem như các nước bên Á Đông ta, như nước Tàu, Nhật, trước cũng thi cử như ta, mà họ bỏ đi đã lâu rồi. Duy ta còn khăng khăng giữ mãi, không biết bao giờ mới đổi được

Kể từ tháng 7 năm 1913 (ĐDTC, số 11) Trần Trọng Kim đã viết bài viết mang tên “Giáo dục là thế nào” trong đề mục mang tên Sư phạm khoa.

Sau khi nhận định là ở VN ai cũng nói về giáo dục nhưng không có ai tìm hiểu về nguyên tắc và mục tiêu của giáo dục là như thế nào, Trần Trọng Kim nhắc lại định nghĩa thông thường của lĩnh vực này là : “giáo là dạy, dục là nuôi” .

TheoTrần Trọng Kim, không thể hiểu nghĩa giáo dục đơn thuần chỉ có thế. Giáo dục chính là tìm cách “nuôi dưỡng và giáo dục”, điều mà trước đây chưa hề có ở Việt Nam.“Ta cứ bảo giáo là dạy, dục là nuôi, nuôi con cho lớn, dạy con cho khôn, thế là giáo dục chứ không xem xét xem nuôi thì thế nào là nuôi, mà dạy thì thế nào là dạy và dạy bảo thì phải làm sao”.

Về vấn đề trên, Phan Kế Bính cũng có cùng chung nhận định vào năm 1915 trong Việt Nam phong tục. Thực ra Trần Trọng Kim muốn đánh động đến tầng lớp trí thức về sự cần thiết đặt dấu hỏi vì sao và như thế nào để có được một sự giáo dục hoàn hảo cho con trẻ. Có nghĩa là quan tâm đến phương pháp giáo dục, đề cập đến lĩnh vực này một cách khoa học, nói một cách khác là quan tâm đến lí thuyết và phương pháp của giáo dục. Vì cho đây là việc hệ trọng, ông giải thích rất kĩ về từng giai đoạn của lịch sử nhân loại nhằm lí giải làm thế nào con người đã có thể đạt được trình độ như hiện nay và giáo dục là rất cần thiết cho sự vận hành tốt đẹp của xã hội:

“Người ta lúc đầu còn ăn lông ở lỗ, như muông chim, du đãng, tự do, chỉ mình biết mình, đói thì đi kiếm ăn, no thì ngồi nghỉ chứ biết quyền chính trị là gì, đạo luân lí là gì? Đến sau sinh sản ra nhiều, rồi hoặc vị tình thân ái, hoặc vị lợi bảo tồn, mới tụ tập thành quần đảng. Trong một đảng có kẻ mạnh người yếu, người hơn kẻ kém nên mới có thượng hạ, tôn ti. Quyền tự do riêng của mỗi người ngày một kém đi, sự cần dung một ngày một thêm lên, nếu không có cái gì để ràng buộc nhau tất sinh ra biến loạn, cho nên phải tìm cách để bảo dưỡng sự sinh trưởng; đặt luật lệ, lập chính trị để trừng trị, bênh vực nhau. Gốc rễ xã hội là thế. Mà cũng nhờ xã hội thì giống mới có nhân cách; vì có xã hội tiến hóa, bắt người ta phải cách vật, trí tri mới bảo dưỡng được sự sinh trưởng; mà có cách vật trí tri thì tư tưởng, suy xét của người ta mới mỗi ngày một rộng ra, nhân cách ta mới một ngày một cao lên được. người ta phải cần có xã hội vì thế phải tìm phương kế để giữ cái nên xã hội cho vững bền luôn luôn. Đời cha biết cái gì dở, truyền lại cho đời con, đời nọ dạy bảo đời kia cho một ngày một tiến bộ hơn lên, cho nên thành ra sự giáo dục”.

Trần Trọng Kim đã chứng minh là nguyên lí của giáo dục nằm ở sự lệ thuộc của con người vào xã hội với khát vọng duy trì xã hội đó. Giáo dục là cái cho phép con người lưu truyền những kinh nghiệm của người đi trước. Tuy nhiên, điều ấy chỉ cho ta hiểu được nguồn gốc của giáo dục nhưng không có nghĩa là cho ta biết được phương thức để sử dụng giáo dục hữu hiệu. Vì thế Trần Trọng Kim phát triển trong phần dẫn luận của mình về mục đích của giáo dục và dẫn chứng ra nhiều phương pháp thường được sử dụng và chứng minh vì sao nó không hiệu quả:

“Có người bảo rằng sự giáo dục cốt chỉ làm cho thân mình được sung sướng, ý ấy tôi dám chắc không đủ, bởi vì sự sung sướng mỗi người hiểu mỗi cách: người thì lấy giàu có làm sung sướng, người thì lấy danh tiếng làm sung sướng, người thì lấy sự học thức làm sung sướng. Vả lại giống người một ngày một tiến hóa, cách ăn ở một ngày một khác, tất những luân lí, những tư tưởng cũng phải hoán cải luôn. Thế thì cái ý sung sướng cũng phải thay đổi không nhất định, vậy thì lấy nó làm cốt giáo dục thế nào được? Có người lại nói rằng chủ ý sự giáo dục là khai hóa những năng khiếu (faculties) người ta cho đến thập toàn? Có phải là bao nhiêu những khiếu chất của người ta phải khai hóa cả cho đến cực điểm không? Nghĩa là trong xã hội phải toàn là người thong thái hết cả? Nhưng mà xét ở đời có người thông minh, có kẻ ngu đần, người giỏi làm việc giỏi, người dở làm việc dở, mỗi người làm một việc đều có ích lợi cho xã hội cả. nếu dạy người nào cũng cho đến cực điểm cả thì dạy thế nào được, mà lại chẳng hại cho xã hội lắm hay sao? Thí dụ như trong một nước mà ai cũng chỉ chuyên về tư tưởng thì còn lấy ai mà làm ruộng, ai mà gánh phân?”

Cuối cùng, Trần Trọng Kim dựa trên lịch sử loài người để minh chứng cho quan điểm của mình. Ông lấy ví dụ ở nhiều nền văn hóa khác nhau nằm ngoài ảnh hưởng Hán học để chứng minh là giáo dục ở đâu cũng được coi trọng như là một điều kiện tất yếu cho sự phát triển của xã hội:

“Cứ xét trong lịch sử thì biết mỗi xã hội có một cách giáo dục riêng hợp với chính trị, tôn giáo, phong tục xã hội ấy: như Hy Lạp, như La Mã đời xưa, như Âu- la- ba, như Mỹ Lợi kiên. Vậy cái mục đích sự giáo dục đời nào phải theo chính trị, tôn giáo, phong tục, học vấn, công nghệ đời ấy, phải luyện tập thân thể, mở mang trí thong minh, sửa sang đức hạnh đứa trẻ cho hợp thời vận, nghĩa là nên người có lợi, cho thân mình có ích cho xã hội mục đích. Giáo dục hay thì rồi được nhiều người hay, giáo dục dở thì rồi phải nhiều người dở. một nước thịnh suy cũng do ở số nhiều ít những người hay dở mà ra cả”.

Để kết thúc, Trần Trọng Kim còn mời độc giả suy nghĩ về những điểm tiêu cực trong nền giáo dục truyền thống của Việt Nam và noi theo lối giáo dục của người Pháp : “tìm trong cách giáo dục của ta thường dùng tự xưa đến nay xem có những cái gì hư tệ, và xem có thể bắt chước cách giáo dục nước Pháp được chút nào không?”.

2.3 Giáo dục là một điều kiện tiên quyết để tiếp cận với sự tân tiến của Tây phương.

Công việc giáo dục mà Đông Dương tạp chí đã khởi xướng có ý nghĩa trong bối cảnh việc theo đuổi học thuật phương Tây được khởi xướng bởi người Nhật một cách có hệ thống kể từ năm 1868, sau đó dần dần lan tới các dân tộc khác ở vùng viễn Đông. Nhà nghiên cứu Edwin. O Reischaur[9] cho biết Nhật bản đã tạo dựng hệ thống giáo dục theo phương pháp phương Tây và đặt dưới quyền kiểm soát của nhà nước bởi vì tầm quan trọng của giáo dục trong một quốc gia tân tiến không thể nằm ngoài sự hoạch định của người cầm quyền và việc nâng cao dân trí là điều kiện cần thiết để tiếp tục công cuộc canh tân đất nước. Ông giải thích tiến trình canh tân ở Nhật như sau:

Từ cuối thế kỉ 19, nước Nhật đã đạt được sự hài hòa và tập trung về giáo dục hơn hẳn một vài nước ở châu Ậu. Giáo dục được xem như là một phương tiện nhằm phục vụ quốc gia và phải có khả năng tạo dựng những công dân gương mẫu và phục tùng với những kĩ năng chuyên môn cần thiết cho một quốc gia hiện đại. Nền giáo dục Nhật bản được canh tân cho một nhu cầu cụ thể đó là tạo ra hàng loạt nhân lực có trình độ và một số lớn kĩ sư và lãnh đạo xuất thân từ các trường đại học ưu tú..

Cái nhìn của của Edwin. O Reischaur gần với cái nhìn của Trần Trọng Kim trong bài viết của ông trên Đông Dương tạp chí. Theo Trần Trọng Kim, giáo dục được thực hiện với những mục tiêu của xã hội và phải được chỉ đạo theo khuynh hướng chính trị và xã hội nhằm đạt được mục tiêu cụ thể chứ không thể tùy theo cảm hứng của từng cá nhân. Tuy nhiên cũng phải nhận định là lối giáo dục khoa bảng truyền thống của xã hội Việt Nam cũng đã có một chủ trương tương tự. Sĩ tử học để có được một vị trí trong hệ thống quan lại và địa vị xã hội. Như , rõ ràng là giáo dục định hướng theo guồng máy công quyền để giữ cân bằng và hài hòa cho xã hội.

Trở về bài viết của Trần Trọng Kim: ông bắt đầu bài viết bằng cách nhấn mạnh về tầm quan trọng của giáo dục như một đề tài nghiên cứu đồng thời phân tích kĩ lưỡng để tránh những sai lầm. Cũng như Phan Kế Bính đã viết về đề tài văn minh và Phạm Quỳnh viết về những hệ thống văn hóa hay Nguyễn Văn Vĩnh viết về ngôn ngữ, khi nghiên cứu nội dung của Đông Dương tạp chí ta dễ nhận thấy sự đòi hỏi tính trong sáng luôn hiện hữu trong các bài viết.

Điều này cũng không làm chúng ta ngạc nhiên vì với tình trạng triết lý Trung Hoa ảnh hưởng rất nặng nề các trí thức Việt Nam thì óc tư tưởng thực dụng hầu như không được khuyến khích.Trần Trọng Kim đã được đào tạo ở Pháp nên ông cũng nhận ra rằng nền giáo dục truyền thống có vẻ thiếu rõ ràng, chính xác và ông chủ trương theo lối học mang tính khoa học của Tây phương. Đối với tất cả những cây bút còn lại của Đông Dương tạp chí, đó cũng chính là khuynh hướng mà họ muốn đem đến cho độc giả qua những bài viết thật rõ ràng và chính xác. Toàn ban biên tập đều cố gắng phát triển những định nghĩa cụ thể để chấm dứt tình trạng mông lung của nền giáo dục truyền thống mà theo họ nó cản trở tính hiệu quả trong tư duy. Họ hướng đến một mục tiêu duy nhất: phát triển tinh thần khoa học ở Việt Nam.

Jacqueline Russ[10] cho rằng trong tư tưởng Châu Âu không có lí luận và khoa học nào mà có thể thiếu được tư duy phương pháp. “Méthode” có nghĩa là “meta”- con đường dẫn đến nơi nào đó. Điều đó là hiển nhiên vì khoa học luôn gắn liền với phương pháp. “Đó là hàng loạt những khuôn phép để đạt đến chân lí’. Vì vậy ở phương Tây, phương pháp chính là con đương để dẫn đến kiến thức. Và theo ý đó, trong tiếng Hán Việt có từ tương đương đó là “đạo” - cũng mang khái niệm một con đường dẫn đến một điều gì đó cao siêu hơn.. Sự khác biệt, có chăng, chính là ở phương Tây người ta đạt đến khái niệm khuôn khổ (con đường phải theo), thông qua khái niệm thực tế, thưc nghiệm (con đường đang đi). Từ đó nảy sinh ra ý nghĩa “tìm tòi”, “khảo cứu”, lập thuyết khoa học.” Đó chính là định nghĩa của từ “methos” trong bài luận về phương pháp của Descartes.

Sự khác biệt ở đây chính là khái niệm khoa học được gắn kết vào khái niệm về học thuật. Chính góc độ khoa học này của phương Tây là điều mà Trần Trọng Kim muốn mở mang cho độc giả của tạp chí. Ông khẳng định chắc chắn rằng lĩnh vực nào cũng cần phải có phương pháp và lĩnh vực nghiên cứu nào cũng chỉ có thể tiếp cận bằng phương pháp mà thôi.. Phương pháp đó sẽ trở nên hữu dụng một khi đề tài nghiên cứu được qui định rõ ràng.

Sự đam mê đặc biệt của Trần Trọng Kim đối với giáo dục giải thích vì sao ông muốn đem phương pháp sư phạm của Tây phương về cho xã hội Việt Nam. Vì vậy, khoa học sư phạm dần dần được xem như là không thể thiếu được cho việc tiếp thu tinh thần, một lối tư duy cần thiết để mỗi độc giả có thể hiểu được những nghiên cứu mới mà ban biên tập Đông Dương tạp chí muốn khai hóa độc giả của mình. Khuynh hướng này sẽ giữ vai trò chủ đạo trong suốt quá trình hiện hữu ấn phẩm của Đông Dương tạp chí.

Sự quan tâm dành cho vai trò khai hóa luôn giữ một vị trí quan trọng trong Đông Dương tạp chí vì ngay từ số 42 ngày 5/3/1914, một chuyên mục gồm 8 trang đã được triển khai mang tên là Tân học văn tập bao gồm Văn chương khoaSư phạm khoa, mỗi chương gồm 4 trang. Và tập san này hiện diện cho tới cuối 1914. Kể từ 1915, thêm một phần sư phạm khác được đính kèm vào mỗi số báo cho tới ngày 17/3/1918 – năm ra ấn bản sách Nam học niên khóa. Đó là bộ sách giáo khoa nho nhỏ nhanh chóng trở thành một phần quan trọng của tạp chí. Kể từ năm 1919 Đông dương tạp chí trở thành một tạp chí chuyên về sư phạm nghĩa là trở thành Đông Dương học báo.

2.4 Phương pháp phương Tây được trình bày ra sao trong Đông Dương tạp chí.

Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào mà ban biên tập Đông Dương tạp chí đã có thể dẫn dắt độc giả của mình đến với phương pháp học phương Tây? Những chỉ dẫn do Trần Trọng Kim ghi chú trong phần Sư phạm của tạp chí cho phép chúng ta có được một đường hướng cụ thể đồng thời thấy được muc tiêu của Trần Trọng Kim đó là bắt chước theo phương pháp của nước Pháp. Chúng ta có thể thấy ví dụ trong bài Tập làm bài luận của Trần Trọng Kim (số 42 trang 5 của Tân học văn tập).

Tập làm bài luận là cốt tập thần trí của học trò, để xử đoán suy xét cho quen theo thứ tự, và để bày tỏ những ý tưởng, tính tình riêng của mình ra cho rõ ràng minh bạch. Xem như thế, thì bài luận là một bài hệ trọng sự dạy học. Ông thầy nên phải chăm chỉ để uốn nắn cái trí khôn của học trò cho chóng nên người. Khi ra bài, ông thầy cần phải biết sức học trò: học trò lớp nào, bài nào cho vừa sức lớp ấy. Làm bài luận, phải bắt học trò làm cái “plan” trước: nghĩa là trước hết, bài ra thế nào, có những ý tứ gì, phải tìm kiếm cho hết; rồi sau xếp đặt những ý tứ ấy theo thứ tự, như là: xem ý nào nên nói trước thì để trước, ý nào nên nói sau, thì để sau, sau cùng thì cứ theo cái “plan” đã làm sẵn rồi mà đặt ra câu, phải tìm nhời nhẽ cho gọn gàng minh bạch để cho người ta đọc đến là hiểu ngay ý kiến của mình. Trong khi làm bài, ông thầy phải dặn học trò phải so sánh suy nghĩ: điều gì nên nói, thì nói, điều gì không nên nói, thì đừng nói”.

Khái niệm “plan” (sơ đồ) được Trần Trọng Kim đề cập đến là hoàn toàn mới mẻ vì cho đến thời điểm ấy khái niệm này hoàn toàn vắng bóng ở Việt Nam. Nó cho phép người Việt thời ấy bước vào một chiều hướng mới của tư duy và sử dụng nó một cách hiệu quả. Tất nhiên là chúng ta có thể nghĩ rằng khái niệm sơ đồ đã hiện diện trước Đông Dương tạp chí, nhất là trong khuôn khổ những khóa thi văn chương. Theo như P. Huard[11] giải thích trong bài thi theo hình thức Khoa bảng cđã được tổ chức theo ba phần gồm có: phần luận, phần kết và phần mở. Điều ấy có thể cho ta hiểu là người Việt khi đó đã có khái niệm về sơ đồ. Tuy nhiên cũng phải thấy được sự khác biệt của khái niệm sơ đồ mà Trần Trọng Kim đã nói tới. Đó là cách tổ chức sắp đặt riêng biệt của từng người về kiến thức của mình nhằm triển khai thành bài viết với những dẫn luận thuyết phục nhất - rất khác với phương pháp triển khai mà P. Huard đã nói bên trên – vốn chú trọng về một khuôn phép bất di bất dịch mà người viết phải theo đó để triển khai lí luận về đề tài được nói đến. Với phương pháp đầu tiên mà Trần Trọng Kim đề cập, sơ đồ có thể thay đổi tùy theo chủ đề và chính sơ đồ phải thay đổi theo ý. Với phương pháp thứ nhì thì ý tưởng phải thích nghi với hình thức và sự thay đổi này không hề nhỏ.

Phương pháp sơ đồ cho phép phát triển, triển khai suy luận cá nhân chứ không phải áp dụng một phương thức sẵn có trong một khuôn khổ xơ cứng. Nó cho phép người ta sử dụng tư duy để tổ chức kiến thức của mình với mục đích biểu đạt hay hành động theo khuynh hướng hợp lí nhất. Do đó cho phép người ta được tự do thể hiện tư duy của mình..

Ở đây cũng cần phải nhấn mạnh là cách trần Trọng Kim giải thích về sơ đồ rất gần gũi với cách chỉ dẫn nấu ăn. Phương pháp chính là một chuỗi những chỉ dẫn phải áp dụng một cách triệt để để đạt được kết quả mong đợi. Trong tinh thần ấy, việc bắt chước phương Tây sẽ trở nên dễ dàng, chỉ cần biết sử dụng phương pháp đã có trong nhiều lĩnh vực của kiến thức

Không biết rằng Trần Trọng Kim có lường trước được tầm ảnh hưởng sâu rộng của phương pháp ông đem đến cho độc giả hay không, vì ngay chính ông cũng còn mang ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng giáo dục cũ mà ông cố gắng Tây phương hóa. Học lấy những phương pháp phải chăng là để phát triển đầu óc lí luận và tư duy khoa học hay ít nhất là nắm bắt lấy cái mà ta cảm thấy nó vận hành hữu hiệu nhất. Vấn đề được đặt ra là người ta giữ lấy tinh thần của chữ “thuật’ tương đương với từ technique của tiếng Pháp bao gồm “khái niệm”, “phương pháp”. Và chúng ta cũng không quên là Trần Trọng Kim cũng chính là một dịch giả, tức là người phải tìm cách chuyển tải những khái niệm khác nhau của hai nền văn hóa.

Dù như thế nào, ý thức hay không về công việc của mình, ban biên tập của Đông Dương tạp chí cũng đã đem đến cho quần chúng những phương pháp lí luận của phương Tây thông qua những chương mục sư phạm bổ ích.

Chương mục này vốn dĩ được dùng trong công tác giáo dục trẻ em nhưng người lớn cũng có thể đọc được để tiếp thu những phương pháp mới nhằm ứng dụng trong những đề tài nghiên cứu khác biệt như là littéraire (bài luận), morale (luân lý), calcul (toán pháp), géographie (địa dư), l’histoire du Vietnam (Nam sử) sciences (bài cách trí), dictée (ám tả), dissertation (luận) và quốc ngữ . Tất cả đều là những bộ môn hoàn toàn mới mẻ.

Những phương pháp mới cũng được sử dụng trong những chương mục phổ thông không mang tính sư phạm nhưng có thể dẫn dắt độc giả từng bước đến gần với những đề tài khác nhau như kỹ thuật nuôi trẻ, vệ sinh, luật, kinh tế, thuật thương mại, thời tiết, thị trường, hối đoái…

Ví dụ về lĩnh vực lịch sử mà chúng tôi trình bày dưới đây khá lí thú vì môn học này đã hiện hữu trước khi người Tây phương đến Việt Nam. Và ở thời điểm đầu thế kỉ 20, môn Lịch sử đã được phát triển theo khuynh hướng tích cực chứ không chỉ gói gọn trong những ghi chép của triều đình và văn thư vốn chỉ hạn chế trong thế giới Hán học. Trong tinh thần , bài Vạn quốc lịch sử (Đông Dương tạp chí số 3,trang 7 và 8), giới thiệu năm dòng như sau: “sử kí”, “những giống người”, “những dân thượng cổ”, “văn minh buổi đầu”, “những dân văn minh trước nhất”. Trong bài viết này, sẽ rất thú vị nếu ta để ý đến số chữ tiếng Việt kèm theo phần dịch Pháp văn. Điều ấy có nghĩa là những khái niệm của những từ ngữ được sử dụng vẫn còn rất mới mẻ thậm chí hoàn toàn xa lạ với độc giả thời bấy giờ.

*Trong phần sử ký, tác giả chia ra phần: Biệt sử với Vạn quốc lịch sử. Do vậy Cách mạng Pháp hay Độc lập Hoa kỳ đều là biệt sử, khác với Vạn quốc lịch sử được chia làm ba thời kỳ:

     - Sử thượng cổ có nghĩa là lịch sử cho đến công nguyên, và phần đó cũng được chia ra thành ba phần phụ: Sử các nước đông phương, sử Hy lạp và sử La Mã.

-          Sử trung cổ: từ công nguyên đến thời khám phá ra Châu Mỹ.

-          Sử cận cổ: kéo dài từ thời phát hiện châu Mỹ cho đến giai đoạn cận đại.

Phần này còn được chia ra một phần nhỏ đó là phần Sử hiện thế.

Cũng cần lưu ý là có nhiều từ rắc rối được sử dụng mà không cần kèm theo tiếng Pháp. Đó là trường hợp của từ Christianisme, được dịch là Tôn giáo Thiên chúa.

Có lẽ vì tôn giáo này được biết đến ở Việt Nam từ thế kỉ XVII cho nên khái niệm này trở nên thông dụng trong quần chúng.

*Trong phần viết về các chủng người, những từ tiếng Pháp nằm trong ngoặc kép là những từ sau:

- “race balance” (bạch chủng) ou “race caucasique” (giống cao gia sách”

- “race Jaune” (hoàng chủng) ou “race mongole” (giống Mông cổ)

- “race noitre” (hắc chủng) ou “race africaine” (giống Á-phi-lị-gia)

- “race rouge” (hồng chủng)

- “race cuivrée” (tung sắc chủng) ou “race malaise” (giống mã lai)

Những từ nói về những chủng tộc hầu như chưa hiện hữu trong tiếng Việt trước đó bởi vì tác giả phải giải thích thường xuyên tên gọi của các sắc dân có liên quan tới màu da của sắc tộc đó. Điều ấy cũng dễ hiểu vì thuyết chủng tộc chỉ xuất hiện ở Châu Âu vào cuối thế kỷ XIX, và tất nhiên đây là khái niệm hoàn toàn xa lạ với người Việt.

*Ba phần khác của bài viết cũng sử dụng tiếng Pháp nằm trong ngoặc kép, vì đó cũng đều là những khái niệm mới mẻ đối với độc giả Việt Nam như:

- les trios périodes du développement de l’humaniré : giã man thời đại (« état barbare »), du mục thời đại (“ état nomade”) et canh-nông thời đại (« état agricole ») ;

- les trios âges dè la préhistoire : thạch thời đại (“âge de la pierre »), đồng thời đại (« âgce du bronze »), thiết thời đại (« âge du fer”) ;

Những con sông được dịch ra tiếng Việt thường là những con sông ở Trung Quốc hay ở Ai Cập và Ấn Độ vì đó là những sắc dân mà người Việt biết đến. Ngoài ra những tên sông và người nằm trong sách giáo khoa Pháp ngữ thì đều được dung nguyên văn tiếng Pháp.

Khi đọc bài viết kể trên chúng tôi nhận thấy là khi áp dụng một phương pháp hay một khái niệm mới, ngôn ngữ đó phải mượn những từ ngữ mà nó không có. Chúng ta cũng đã thấy điều đó trong phần viết về quốc ngữ. Điều đó cho thấy nếu không có vốn từ vựng thích ứng thì sẽ rất khó tiếp thu những khái niệm mới lạ cũng như khái niệm về “chủng tộc”, hay sự phân chia lịch sử theo Châu Âu hoặc sự miêu tả những giai đoạn đầu của nhân loại. Tất cả những từ và khái niệm mới này đều là thành quả của kinh nghiệm mà Châu Âu có được về thế giới qua tinh thần khoa học . Vì vậy, nó luôn thúc đẩy việc nghiên cứu các sắc dân trên thế giới ngày một sâu xát hơn. (như là nhân chủng học được gọi là folklo thời đó). Nghiên cứu cả thời tiền sử..

Bài viết của Trần Trọng Kim cũng cho biết về sự khó khăn trong công việc khai hóa dân trí để có được những khái niệm mới lạ: cũng như ông phải dùng từ “khiếu” để diễn tả khái niệm “facultés mentales” của con người (khả năng, năng khiếu). một từ mà hình như chưa bao giờ được dùng trong nghĩa này cho tới thời bấy giờ. Vì ông để từ tiếng Pháp trong ngoặc kép để nhấn mạnh khái niệm mà ông muốn chuyển tải.

Chúng ta cũng biết là sự chọn lựa một từ để nói lên một khái niệm mới vốn đã rất khó. Như từ “khiếu” chẳng hạn, trong tiếng Pháp chữ “faculties” nói về khả năng làm một việc gì đó, hay theo ý nghĩa triết học đó là một chức năng đặc thù của vật thể, được xem như là một khả năng đặc biệt để làm hay chịu đựng một loạt tác động nào đó. Khái niệm này được Trần Trọng Kim dịch là “khiếu”. Từ “khiếu” trong tiếng Hán có nghĩa là “cửa ngõ” như “cửu khiếu’ trong cơ thể con người. Từ này gợi lên khái niệm “năng khiếu” như những kênh đặc biệt của tư tưởng để lưu thong kiến thức. Từ Hán Việt này mang khái niệm gần với từ “đặt để” (dispassion) hơn là một “khả năng” “possibilité’ của sinh vật.

Tuy nhiên, có sự khác biệt tinh tế về triết học và văn hóa giữa hai từ kể trên mà dịch giả khó lòng đáp ứng được. Trong tiếng Pháp, “khả năng”, “năng khiếu” (facultés mentales) như là phần phụ trội của tư duy cho chúng ta nghĩ đến cái bướu thông thái . So sánh với sự khác biệt trong tiếng Việt, từ “khiếu” mang khái niệm trũng, sâu như muốn được lấp đầy, (sẵn sàng chứa đựng). Một bên là sự nhô ra, một bên lại là sự lõm vào, đây chính là sự khác biệt về văn hóa, về thế giới quan của hai lối tư duy Đông và Tây.

Với tất cả những khó khăn kể trên, ban biên tập Đông Dương tạp chí phải tìm cách phổ biến rộng rãi những kiến thức mới đến cho quần chúng với hy vọng gợi được trí tò mò ở nơi độc giả và khơi dậy một tư duy, phương pháp khoa học như người phương Tây. Nhưng có lẽ chỉ có phương pháp không thôi thì chưa đủ. Chúng ta vẫn cần một điều gì đó hơn thế nữa để bắt chước được hoàn hảo người phương Tây và đạt được những thành quả tương tự như họ. Phương pháp phải chăng là thành quả của tinh thần, của thế giới quan và của con người. Mà nếu tinh thần ấy, cách nhìn nhận về thế giới ấy chưa đủ độ dày, độ sâu thì có phương pháp nếu có chỉ là giao dụng cụ tốt vào tay một anh thợ vụng. Từ cái nhìn này, bên cạnh phương pháp, Đông Dương tạp chí còn nỗ lực hết sức trong việc đem đến cho độc giả của mình về những khái niệm triết học và đạo đức của phương Tây cũng như về văn chương, hòng xây dựng một thế giới tinh thần phong phú, vững vàng cho họ. Vấn đề này sẽ được chúng tôi đề cập đến ở những phần sau của luận án.

3.Kết luận

Chúng ta có thể nhận thấy rất rõ ràng rằng chương trình của Đông Dương tạp chí là quảng bá kiến thức phương Tây bằng cách tiếp cận trực tiếp văn bản gốc, nhằm đối trọng với làn sóng Tân thư đến từ Trung Quốc mà theo ban biên tập của tạp chí, những sách này chỉ đem đến cho người Việt một cái nhìn manh mún và sai lệch.

Có thể nói rằng, ban biên tập của Đông Dương tạp chí đã tận dụng sự hiện diện của người Pháp, nước Pháp để làm khuôn mẫu noi theo, tìm học văn hóa phương Tây để tiếp thu những khoa học và kỹ thuật mà nhờ vào đó các nước phương Tây trở nên cường thịnh.

Trước yêu cầu xây dựng một nền quốc văn mới, bồi bổ văn hoá dân tộc, những người thực hiện Đông Dương tạp chí chủ trương xây dựng và phổ biến chữ quốc ngữ, dung hoà học thuật Á-Âu để làm giàu cho nền văn học nước nhà, đặt ra vai trò của báo chí trong việc khai hoá dân trí.

Song song với việc xây dựng chữ quốc ngữ, dịch thuật và giới thiệu những phương pháp mới trong những đề mục chuyên biệt. tạp chí còn giúp cho độc giả hiểu được một cách khá tinh tế chiều sâu tư duy của phương Tây chủ yếu thông qua văn học. Vì thế, chúng ta có thể gọi Đông Dương tạp chí là một tạp chí văn hóa cho dù ở lần xuất bản đầu( 1913-1914) tạp chí lúc bấy giờ cũng giữ vai trò thông tin mang tính chính trị và kinh tế.

Tờ Đông Dương tạp chí do Nguyễn Văn Vĩnh chủ trì có vai trò rất quan trọng trong việc truyền bá văn hóa Đông – Tây thông qua con đường khảo cứu và dịch thuật. Với những nỗ lực của ông và các cộng sự, các tri thức mới mẻ của phương Tây đã được giới thiệu đến độc giả Việt Nam qua hàng loạt các bài khảo cứu về đủ mọi lĩnh vực từ Triết học yếu lược, luân lý học, các bài viết về vệ sinh, cách phòng bệnh cho đến các tác phẩm văn học, thơ, truyện ngắn….

Thời ấy, Đông Dương Tạp Chí được xem như một trường học cho tất cả mọi người. Người ta học ở đó cách viết chữ quốc ngữ, cách làm văn quốc ngữ qua câu văn, truyện dịch và những bài Luận quốc ngữ in ở phần Sư phạm học khoa, trong mục Tân học văn tập. Cũng chính ở đây, ta bắt đầu được tiếp xúc với những ngành khoa học hết sức tiên tiến thời bấy giờ qua những bài dạy Toán pháp, Cách trí.. Người ta học ở đó những tư tưởng, luân lý, học thuật mới mẻ của Âu châu qua những bài dịch thuật, khảo cứu về văn hóa phương Tây. Thành quả mà trường học Đông Dương Tạp Chí ấy gây dựng được đó là tạo ra một đội ngũ những nhà văn, nhà tư tưởng tiếng tăm một thời, sau thời gian tập sự ở đây họ đều chắp cánh bay cao.

Như vậy, với tư cách là một “trường học” buổi giao thời, Đông Dương Tạp Chí đã tạo nên những sự vận động đổi mới trong mọi lĩnh vực văn hóa xã hội, học thuật, tư tưởng. Có thể nói Đông Dương tạp chí đã kế thừa và phát huy tinh thần của phong trào Duy Tân lúc đó. Về khách quan, Đông Dương tạp chí là một cột mốc đánh dấu sự thay đổi của cục diện văn hoá và thúc đẩy nền quốc văn đi vào một con đường mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đào Duy Anh (2002), Việt Nam văn hoá sử cương, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội .
  2. Hoài Anh (2001), Chân dung văn học, Nxb Hội nhà văn, TP Hồ Chí Minh.
  3. Vũ Tuấn Anh (2001), Văn học Việt Nam hiện đại, nhận thức và thẩm định, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  4. Lại Nguyên Ân, Bùi Văn Trọng Cường (2004), Từ điển văn học Việt Nam – từ nguồn gốc đến thế kỷ 19, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.
  5. Vũ Bằng (2004), Mười bốn gương mặt nhà văn đồng nghiệp, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
  6. Vũ Bằng (2000), Tuyển tập, tập 1, Bốn mươi năm nói láo, Nxb Văn học, Hà Nội.
  7. Đỗ Quang Chính (1972), Lịch sử chữ quốc ngữ, Tủ sách Ra khơi, Sài Gòn.
  8. Hồng Chương (1985), 120 năm báo chí Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
  9. Nguyễn Văn Dân (2004), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  10. Phạm Văn Diêu (1970), Việt Nam văn học giảng bình, Hoành Sơn xuất bản, Sài Gòn.
  11. Phạm Cao Dương (1972), Nhập môn lịch sử các nền văn minh thế giới, tập 1, Tủ sách phổ thông sử học sài Gòn.
  12. Nguyễn Duy Diễn, Bằng Phong (1961), Luận đề về Đông Dương tạp chí với Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Khai Trí xuất bản, Sài Gòn.
  13. Nguyễn Sinh Duy (2004), Trương Vĩnh Ký, cuốn sổ bình sanh, Nxb Văn học, Trung tâm nghiên cứu quốc học.
  14. Kiêm Đạt (1958), Nguyễn Văn Vĩnh với Đông Dương tạp chí, Tạp chí Giáo Dục Phổ Thông, số 25, ngày 15/10/1958.
  15. Nguyễn Đình Đăng (2004), Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh và sự ra đời của chữ quốc ngữ, báo Quân Đội Nhân Dân, số 15657, ngày 28/11/2004.
  16. Hà Minh Đức chủ biên (1998), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  17. Đinh Văn Đức (2005), Các bài giảng về lịch sử tiếng Việt thế kỷ XX, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.
  18. Phan Cự Đệ chủ biên (2004), Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  19. Đặng Anh Đào (2001), Gió Đông gió Tây: ảnh hưởng và giao thoa trong văn học Việt Nam hiện đại. Hợp tuyển công trình nghiên cứu, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  20. Kim Định (1967), Căn bản triết lý trong văn hóa Việt Nam, Thanh Bình xuất bản, Sài Gòn.
  21. Nguyễn Thiện Giáp (2004), Dụng học Việt ngữ, Nxb đại học quốc gia Hà Nội.
  22. Hoàng Lại Giang (2005), Trương Vĩnh Ký, bi kịch muôn đời, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.
  23. Nguyễn Thị Lệ Hà, Những đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh với việc phát triển báo chí tiếng việt và truyền bá chữ quốc ngữ, Viện sử học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
  24. Nguyễn Thị Lệ Hà, Nguyễn Văn Vĩnh với việc cổ vũ và truyền bá chữ quốc ngữ đầu thế kỷ XX, Tạp chí nghiên cứu lịch sử số 5.2004.
  25. Dương Quảng Hàm (1996), Việt Nam văn học sử yếu, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
  26. Dương Quảng Hàm (2005), Việt Nam thi văn hợp tuyển, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
  27. Cao Xuân Hạo (2001), Tiếng Việt, văn Việt, người Việt, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh.
  28. Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương (1995), Lý luận văn học, vấn đề và suy nghĩ, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  29. Vũ Quang Hào (2001), Ngôn ngữ báo chí, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.
  30. Lê Huy Hòa – Hoàng Đức Nhuận tuyển chọn và giới thiệu (2000), Văn hóa Việt Nam – truyền thống và hiện đại, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
    1. Tân Phong Hiệp (1958), Nguyễn Văn Vĩnh – người có công to với nền quốc văn lúc mới phôi thai, Tạp chí Bách Khoa, số 32.
    2. Đỗ Đức Hiểu (2004), Từ điển văn học, Nxb Thế giới, Hà Nội.
    3. Lê Quang Hưng (2004), “Ông Nguyễn Văn Vĩnh”, Thiếu Sơn toàn tập, tập 1, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.77-81.
    4. Lê Quang Hưng (2004), “Bài học Nguyễn Văn Vĩnh”, Thiếu Sơn toàn tập, tập 2, Nxb Văn học, Hà Nội, tr 92-97.
    5. Hồ Công Khanh (2004), Chữ quốc ngữ và những vấn đề liên quan đến thư pháp, Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.
    6. Vũ Ngọc Khánh (2008), Người có vấn đề trong sử nước ta, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
    7. Lưu Trung Khảo (1960), Vai trò tạp chí trong văn chương Việt Nam: Đông Dương tạp chí, Tạp chí Hiện Đại, 9/1960.
    8. Tạ Ký (1994), Việt Nam thi văn trích giảng, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp.
    9. Châu Hải Kỳ (1959), Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh, Tạp chí Giáo Dục Phổ Thông, số 36, ngày 15/4/1959.
    10. Nguyễn Bá Lương, Luận đề về nhóm Đông Dương tạp chí, Tao Đàn xuất bản.
    11. Mã Giang Lân chủ biên (2000), Quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam 1900-1945, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.
    12. Thanh Lãng (1972), Phê bình văn học thế hệ 1932, Phong trào Văn hoá xuất bản, Sài Gòn.
    13. Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Hồng (1998), Xu hướng đổi mới trong lịch sử Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin.
    14. Di Linh (2007), Làm phim, vẽ tranh về học giả Nguyễn Văn Vĩnh, báo Thể Thao&Văn hóa, số 55, 8/5/2007.
    15. Nguyễn Tấn Long (2000), Việt Nam thi nhân tiền chiến toàn tập, Nxb Văn học, TP Hồ Chí Minh.
    16. Phan Ngọc (2004), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
    17. Phan Ngọc (2006), Sự tiếp xúc văn hóa Việt Nam với Pháp, Nxb Văn hóa thông tin và Viện văn hóa, Hà Nội.
    18. Phạm Thế Ngũ (1998), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp.
    19. Hoàng Nguyên (2005), Học giả Nguyễn Văn Vĩnh : ta tắm ao ta, báo An Ninh Thế Giới, số 44, 3/2005.
    20.  Lê Nguyễn (2005), Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc - nhân vật và sự kiện lịch sử, Nxb Văn hóa thông tin.
    21. Vũ Ngọc Phan (1951), Nhà văn hiện đại, tập 1, Nxb Vĩnh Thịnh, Hà Nội.
    22. Trần Quang (2000), Các thể loại chính luận báo chí, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội.
    23. Nguyễn Phan Quang (1999), Việt Nam thế kỷ XIX (1802 – 1884), Nxb Tp. Hồ Chí Minh.
    24. Nguyễn Phan Quang, Võ Xuân Đàn (2000), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến năm 1884, Nxb TP. Hồ Chí Minh.
    25. Phạm Quỳnh (2003), Luận giải văn học và triết học, Nxb Văn hóa thông tin, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, Hà Nội.
    26. Phạm Quỳnh (2007), Tiểu luận viết bằng Tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932, Nxb Tri thức, Hà Nội.
    27. Thiếu Sơn, Bài học Nguyễn Văn Vĩnh-Những danh nhân chính khách một thời, Nxb Lao động, Hà Nội, 1993
    28. Thiếu Sơn (1933), Phê bình và cảo luận, Nxb Nam Ký, Hà Nội.
    29. Thiếu Sơn (1961), Ông Phan Khôi đã phê bình ông Nguyễn Văn Vĩnh như thế nào?, Tạp chí Bách Khoa.
    30. Thiếu Sơn (2006), Những văn nhân chính khách một thời, Nxb Công An Nhân Dân, Hà Nội.
    31. Trần Việt Sơn (1958), Luận đề về nhóm Đông Dương Tạp chí với Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Nxb Thăng Long, Sài gòn (dùng trong các kỳ thi trung học).
    32. Lê Văn Siêu (1974), Văn học sử thời kháng Pháp (1858-1945), Nxb Trí Đăng, Sài Gòn.
    33. Nhất Tâm (1957), Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936), Tủ sách những mảnh gương Tân Việt, Sài Gòn.
    34. Hà Văn Tấn (2005), Đến với lịch sử văn hoá Việt Nam, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
    35. Hoàng Tuệ (1996), Ngôn ngữ và đời sống xã hội – văn hóa, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
    36. Phạm Minh Thảo (2003), Nghệ thuật ứng xử của người Việt, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
    37. Bùi Đức Tịnh (2002), Những bước đầu của báo chí, truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ mới (1865-1932), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
    38.  Huỳnh Văn Tòng (1973), Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thuỷ đến năm 1930, Trí Đăng xuất bản, Sài Gòn.
    39. Nguyễn Thị Minh Thái (2005), Phê bình tác phẩm văn học nghệ thuật trên báo chí, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.
    40. Nguyễn Ngọc Thiện biên soạn, sưu tầm (2002), Tranh luận văn nghệ thế kỉ XX, Nxb Lao động, Hà Nội.
    41. Nguyễn Văn Trung (1968), Lược khảo văn học, tập 3, Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn.
    42. Nguyễn Văn Trung (1974), Chữ, văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc, Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn.
    43. Nguyễn Văn Trung (1974), Chủ đích Nam Phong, Nxb Trí Đăng, Sài Gòn.
    44. Nguyễn Sỹ Tế, Vũ Khắc Khoan (1961), Luận đề về Nam Phong tạp chí, Tao Đàn xuất bản, Sài Gòn.
    45. Nguyễn Thành (2001), Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.
    46. Trần Ngọc Thêm (2000), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
    47. Nguyễn Quang Thân (2007), Nguyễn Văn Vĩnh, người đi tìm giá trị văn hóa, báo Thể Thao & Văn Hóa, 23/9/2007.
    48. Nguyễn Thiêm (2008), Chuyện về một hậu duệ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, báo An Ninh Thế Giới, số 728, 2/2008.
    49. Đỗ Lai Thúy (2006), Nguyễn Văn Vĩnh, một người Nam mới đầu tiên, Tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật, số 8-2006.
    50. Nguyễn Tùng (1999), Nguyễn Văn Vĩnh – chiếc cầu giao lưu văn hóa Đông-Tây, báo Giáo Dục và Thời Đại, số 25/1999.
    51. Lê Trí Viễn, Phan Côn, Nguyễn Đình Chú, Huỳnh Lý, Lê Hoài Nam (1965), Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn 1858 – đầu thế kỷ XX, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
    52.  Viện Văn học (2004), Từ điển Văn học, bộ mới, Nxb Thế Giới, Hà Nội.
    53. Tạp chí Xưa và nay, Nhà xuất bản Trẻ (1999), Lịch sử - sự thật và sử học, Nxb Trẻ.
    54. Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (2005), Phan Châu Trinh toàn tập, tập 3, Nxb Đà Nẵng.
    55. Hoàng Xuân Việt (2007), Tìm hiểu lịch sử chữ quốc ngữ, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
    56. Nguyễn Vỹ (1994), Văn thi sĩ tiền chiến, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
    57. Yoshiharu Tsuboi (1999), Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Nxb Trẻ.

(Trích từ Luận án tiến sĩ: Những đóng góp của Đông Dương tạp chí trong quá trình hiện đại hoá văn học, văn hoá Việt Nam, bảo vệ ngày 29/12/2016 tại Trường Đại học KHXH & NV- ĐHQG TP.HCM)

 


[1] “Chương trình” (Đông Dương tạp chí số 1, trang 2-4): “Tờ riêng ấy đặt tên là Đông Dương tạp chí, nguyên mục đích là đem các thuật hay nghề mới Thái-tây mà dạy phổ thong cho người An Anm”

[2] Nguyễn Văn Vĩnh, Một công thức khác rút ra từ nền giáo dục cổ truyền, L’Annam Nouveau, số 155 ngày 24/7/1932.

[3] Văn = “literature, civilization, ect”, minh = “brilliant, apparent, lumineux”.….Chữ “tiến bộ” (progrès ) phải dịch ra từ tiến hóa, tiến bộ, tiến thủ, tiến triển…Lỗi dịch này có thể hiểu được là vì trong văn hóa Trung Hoa, mục tiêu đạt đến của văn minh hầu như được xác định bởi chiều dài thời gian và sự vững chắc của nó. Trong khi đó người phương Tây thời ấy chỉ có thể đánh giá văn minh qua khái niệm tiến bộ, và đó cũng chính là một tương lai mà ta có thể so sánh như là một kiểu chạy về phía trước.

[4] J. Gernet, L’intelligence de la Chine – le social et le mental, Paris, Gallimard, 1994, 393p. (citation, p.105)

[5] P. Huard, “Les Chemins du raisonnement et de la logique en Extrême. Orient, Sài Gòn, trong Bản tin chính Tổng công ty Edutes Đông Dương, n.5, Tập XXI, số 3, quý 3 năm 1919, p . 9-32 ) .

[6] Phạm Quỳnh quên nói đến hai nhà tư tưởng Trung Hoa: Hoàng Tông Hy (Huang Zongxi) - người chủ chương tìm hiểu tư tưởng triết học qua sự nghiên cứu cặn kẽ bối cảnh lịch sử và Gu Yanwu (1613-1682) người chủ trương nhận định, đánh giá lại các cổ thư bằng cách tìm lại nguyên văn thông qua khảo cổ, chiết tự và thanh âm. Hoặc là Wang Fuzhi (1619-1692.

[7] Chỉ mới 21 tuổi Phạm Quỳnh đã đặt nền móng tư tưởng qua bài báo này và ông luôn giữ chí hướng đó trong suốt một thời gian dài ngay cả sau Đông Dương tạp chí. Ý tưởng dung hòa hai nền học thuật được tìm thấy trong nhiều bài viết của ông sau đó.

[8] Đoạn quan trọng này lại được in trong tờ rơi đính chính lỗi in nhẩm (số 6, trang 4), nằm trong bài viết đầu của Phạm Quỳnh (số 5, trang 6).

[9] Edwin O. Reischauer, Histoire du Japon et des Japonais. Paris, Seuil, 1973.

[10] Jacqueline Russ, L’aventure de la pens é Euro é en – Une historie des id é es occidentals, Paris, Armand Colin, 1995, 298p.

[11] P. Huard , Les Chemins du raisonnement et de la logique en Êxtrême – Orient, (1949), op, clt, p.22)

Thông tin truy cập

63733063
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
31157
22198
63733063

Thành viên trực tuyến

Đang có 424 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website