Đọc tập thơ Lục bát năm lăm của Đoàn Thị Thu Vân, NXB. ĐHSP TP.HCM, 2010
Thơ lục bát là thể thơ kỳ lạ: buột miệng ra 2 hàng 14 âm tiết cũng thành một bài thơ (bài thơ ngắn nhất thế giới, ngắn hơn cả haiku của Nhật đến 3 âm tiết); kéo dãn ra thành mấy ngàn câu cũng thành một tác phẩm - tiểu thuyết bằng thơ; rút nó lại mười lăm hai chục câu cũng thành một bài thơ – thơ trữ tình; và nén nó lại nữa còn bốn câu thì thành tứ tuyệt lục bát. Tôi chưa từng thấy có thể thơ nào kỳ lạ đến như thế! Cái tính linh hoạt đến kỳ lạ này phải chăng là biểu trưng của văn hóa Việt Nam?
Tứ tuyệt lục bát vừa có chất suy tư, triết lý của tứ tuyệt, vừa có chất trữ tình của lục bát, và cả tự sự nữa - nếu cần. Cầm trên tay tập Lục bát năm lăm của chị Thu Vân, tôi rất ngạc nhiên: đây là một tập thơ dường như thuần một thể - lục bát tứ tuyệt (trừ mấy bài cuối). Tập thơ có đủ tất cả những đặc tính của tứ tuyệt lục bát, vừa triết lý, vừa trữ tình và đôi chỗ như lời kể. Chị Đoàn Thị Thu Vân nổi tiếng là một nhà nghiên cứu uyên thâm, sắc sảo với nhiều công trình về văn học cổ điển Việt Nam (Khảo sát đặc trưng nghệ thuật thơ Thiền Việt Nam, Tiếp cận thơ văn Nguyễn Trãi…), lần này qua Lục bát năm lăm chị lại hé mở ra một thế giới khác: thế giới sáng tạo thơ ca. Thơ của chị không lên gân, không làm dáng, thơ chị rất thật. Thơ ấy hình như là những ghi chép – ghi chép bằng ngôn từ đẹp về những buồn vui, những phút tư lự của một người dạy văn và nghiên cứu văn chương:
- Nửa đời phiêu bạt gió sương/ Gót chân lãng tử còn vương hải hồ/ Tay đàn, tay vẽ, túi thơ/ Nợ tài hoa trả bao giờ cho xong. (Lãng tử Sài Gòn)
- Chị ơi trả chị duyên này/ Mười lăm năm ấy chưa phai hương thề/ Trăng xưa vẫn đợi người về/ So tơ phím cũ cận kề tóc mai. (Thúy Vân)
Có những bài thơ đã đạt đến “Ngộ”, người làm thơ đã đi đến cảnh giới “Quên”, nhưng người đọc thì lại cứ “Nhớ” - nhớ đến nao lòng:
Lá vàng ta cũng vào thu/ Thả hồn theo lá ngao du giữa đời/ Vô tâm quên tháng năm rồi/ Quên luôn cả chuyện đầy vơi thế tình.(Ngẫu hứng thu)
Đọc Lục bát năm lăm ta thêm yêu lục bát, thêm yêu văn, yêu cõi người và yêu tâm hồn người.
Đoàn Lê Giang