1. Phân loại tiểu thuyết giai đoạn 1900-1930 là một vấn đề khá phức tạp bởi lý thuyết về thể loại trong giai đoạn này còn rất nghèo nàn, nếu không muốn nói là chưa có. Hấp dẫn chúng tôi vào công việc tương đối khó khăn này không phải chỉ vì phân loại là “một yêu cầu không thể thiếu để nhận thức các hiện tượng phức tạp, muôn vẻ của thế giới và của cả văn học”(1), chứ không phải là “một cái tục cũ vô nghĩa”(2); mà chủ yếu là bởi cách phân loại hết sức đa dạng với nhiều kiểu đặt tên rất lạ của chính người viết tiểu thuyết. Qua khảo sát, thống kê chúng tôi thấy có 43 tên gọi khác nhau, trong đó có 35 tên gọi đơn và 8 tên gọi phức.
Qua đó có thể nhận thấy:
- Việc các tác giả ghi tên thể loại dưới tên tác phẩm chứng tỏ vấn đề quan niệm thể loại đã được người viết rất lưu tâm. Thông thường, tên gọi thể loại tự nó có chức năng phân loại tác phẩm. Nhưng một số tên gọi như “tiểu thuyết lạ lùng” hay “tiểu thuyết lạ mà quen” hoàn toàn không nói lên điều gì về loại của nó. Sự đa dạng của tên loại tiểu thuyết như trên cũng cho thấy phần lớn các tác giả phân loại tác phẩm của mình một cách tự phát chứ không dựa trên một lý thuyết thống nhất nào.
- Nhiều loại giống nhau về thực chất, chỉ khác tên gọi. Ví dụ: “Thời sự tiểu thuyết”, “Kim thời tiểu thuyết” và “Hiện thời tiểu thuyết”; “Xã hội tiểu thuyết” và “Cảnh thế tiểu thuyết”; “Nhơn tình tiểu thuyết”, “Nhân tình tiểu thuyết” và “Viêm lương tiểu thuyết”...
- Những tác phẩm được gọi bằng nhiều tên có thể do một số nguyên nhân sau: Thứ nhất, tác giả chưa xác định được yếu tố nào là nổi trội trong tác phẩm của mình. Bởi vì trên thực tế một tiểu thuyết có thể quy về nhiều loại khác nhau xuất phát từ tính đa dạng, phức tạp của nội dung phản ánh. Do vậy, có trường hợp như cuốn Giọt luỵ thương tâm (Trần Hoàng Nam), tuy bìa ngoài ghi là “Tả chân tiểu thuyết”, nhưng trang trong lại ghi “Luân lý, Tâm lý, Ái tình, Xã hội, Gia đình tiểu thuyết”; Thứ hai, những tên gọi đó cũng chính là một cách quảng cáo tác phẩm của cả người viết lẫn nhà in, nhà xuất bản.
- Cách phân loại tiểu thuyết như trên cho thấy các nhà viết tiểu thuyết giai đoạn này đã chịu ảnh hưởng của cả Trung Quốc và phương Tây. Các loại tiểu thuyết đã từng xuất hiện trong lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc đến thời cận đại như tiểu thuyết võ hiệp, tiểu thuyết giáo huấn, tiểu thuyết nhân tình thế thái, tiểu thuyết về phụ nữ... Các loại tiểu thuyết có nguồn gốc ảnh hưởng phương Tây như tiểu thuyết phiêu lưu, tiểu thuyết ái tình, tiểu thuyết trinh thám... Có loại là sự gặp gỡ của cả phương Đông và phương Tây như tiểu thuyết giải trí (tùng đàm), tiểu thuyết lịch sử...
- Một số loại hoặc là mới hoàn toàn, hoặc là không còn “vang bóng”. Thuật ngữ “Tiểu thuyết mới” được dùng ở Chiếc xuyến vàng của Nguyễn Văn Thao là một ví dụ về loại lần đầu xuất hiện. Theo GS Đỗ Đức Hiểu(3), thuật ngữ “Tiểu thuyết mới” mãi tới năm 1947 mới xuất hiện dưới ngòi bút của nhà phê bình Môrixơ Nađô. Và vào khoảng những năm 50, 60 của thế kỷ XX, “tiểu thuyết mới” trở thành một khuynh hướng văn học phát triển chủ yếu ở Pháp với những tác giả tên tuổi như: Xarôt, Buyto, Rôbơ-Giê, Ximông. Như vậy, Nguyễn Văn Thao chưa hề được tiếp thu hay chịu ảnh hưởng lý thuyết về “Tiểu thuyết mới” trên thế giới. Đây rõ ràng là một sáng tạo của tác giả về cách gọi tên thể loại. Ngoài ra, còn có nhiều thuật ngữ khác mà trong tất cả các cách phân loại tiểu thuyết xưa nay, chúng tôi cũng không hề bắt gặp. Chẳng hạn: “Hiệp tình tiểu thuyết”, “Viêm lương tiểu thuyết”, “Thế giới tiểu thuyết”... Trong khi sáng tạo thêm một số tên loại mới, thì một số loại tiểu thuyết có truyền thống lâu đời cả trong văn học ta và văn học Trung Quốc lại ít thấy xuất hiện. Chúng tôi muốn nói đến loại tiểu thuyết truyền kỳ. Trong lịch sử văn học Trung Quốc, loại chí quái, chí nhân, chí dị là những mầm mống ban đầu của tiểu thuyết và có “vô số sách chí quái, chí nhân, siêu thần, chí dị...”(4). Trong văn học trung đại Việt Nam, loại truyện này cũng không ít. Vậy mà sao đến thời điểm này, loại tiểu thuyết truyền kỳ lại rất hiếm hoi? Theo chúng tôi, điều này chỉ có thể lý giải bằng sự đổi mới tư duy tiểu thuyết của người đương thời, nhất là sự xuất hiện của quan niệm "tả thực" .
*
2. Trước tình hình phức tạp của việc phân loại tiểu thuyết giai đoạn 1900-1930, một số nhà nghiên cứu khi bàn về đối tượng này đã không bỏ qua khâu phân loại. Ngoài cách phân loại của Trúc Hà, còn có thể kể đến Mọc Khuê. Trong Ba mươi năm văn học(5), tác giả đã dẫn ra một số loại tiểu thuyết quốc ngữ từ thời điểm Tố Tâm ra đời đến những năm ba mươi của thế kỷ XX như: gia đình tiểu thuyết, phong tục tiểu thuyết, xã hội tiểu thuyết, trinh thám võ hiệp tiểu thuyết, tiểu thuyết thần bí, hoạt kê tiểu thuyết và “một vài bộ thiên về tư tưởng” (Cô Lâu mộng - Võ Liêm Sơn, Mộng trung du - Cảnh Chi). Các tác giả cuốn Lịch sử văn học Việt Nam (tập IV)(6) xác định: bước đầu có sự hình thành các xu hướng hiện thực và lãng mạn, bên cạnh đó còn có tiểu thuyết lịch sử. Phan Cự Đệ trong Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại(7) cũng trên tinh thần của các nhà nghiên cứu đi trước cho rằng có ba khuynh hướng của tiểu thuyết trước 1930. Đó là: Khuynh hướng lãng mạn tiêu cực, khuynh hướng hiện thực phê phán, khuynh hướng yêu nước của các tiểu thuyết lịch sử. Ở một công trình khác - Văn học Việt Nam thế kỷ XX(8) - ông có đi sâu vào một số loại như: tiểu thuyết luận đề, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết sử thi, tiểu thuyết phiêu lưu, tiểu thuyết tâm lý, nhưng chủ yếu dựa trên thành tựu của tiểu thuyết từ 1930 đến hết thế kỷ XX. Tiểu thuyết trước 1930 chỉ một vài cuốn được nhắc đến như: Trùng quang tâm sử trong mục “Tiểu thuyết luận đề” và một số tiểu thuyết của Nguyễn Tử Siêu trong mục “Tiểu thuyết lịch sử”. Tôn Thất Dung trong luận án Phó tiến sĩ(9) đã dựa vào hai loại tiêu chí để phân loại: Theo tiêu chí nguồn ảnh hưởng, tác giả chia thành hai dòng (dòng ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Hoa và dòng ảnh hưởng tiểu thuyết phương Tây); Theo tiêu chí nội dung phản ánh, tác giả chia thành 3 loại (loại nội dung lịch sử dân tộc, loại nội dung thế sự, loại nội dung đời tư). Bằng Giang trong Truyện Tàu với một số tiểu thuyết gia đầu tiên ở Việt Nam(10) thì cho rằng: Tính đến năm 1930, đề tài tiểu thuyết nổi bật nhất là tình yêu, thói đời, tình nước. Nguyễn Văn Trung trong Hồ sơ Lục châu học(11) chủ yếu dựa vào nội dung, tư tưởng, chủ đề, chia thành hai loại: “Truyện ta chịu ảnh hưởng truyện Tàu và tiểu thuyết Tây phương” và Truyện ta ảnh hưởng Tây phương (cả nội dung và kỹ thuật)”.
Từ những cách phân loại đó, chúng tôi có một số nhận xét như sau:
- Việc phân loại chưa bao quát hết được thực tế sáng tác tiểu thuyết giai đoạn này, cho dù chúng tôi nghĩ cũng không thể hy vọng sẽ có một cách phân loại có thể bao chứa toàn bộ tiểu thuyết được sáng tác trong giai đoạn 1900-1930.
- Một số cách phân loại sẽ không cho thấy sự phát triển của tiểu thuyết sang các giai đoạn sau. Cụ thể là cách phân loại của các tác giả Tôn Thất Dụng (loại tiêu chí thứ nhất) và Nguyễn Văn Trung. Trong khi đó, thực tế phát triển của tiểu thuyết các giai đoạn sau, nhất là giai đoạn 1930-1945, đã thể hiện tính kế thừa rất rõ nét.
*
3. Theo chúng tôi, trong việc phân loại tiểu thuyết trước hết cần phải xây dựng được các tiêu chí phân loại căn cứ vào tính “thường hiện” của nó. Thực tế cho thấy, có rất nhiều kiểu tiêu chí để phân loại tiểu thuyết giai đoạn này. Chúng tôi tạm thời đưa ra các kiểu tiêu chí phân loại của mình như sau:
3.1. Phân loại dựa vào đề tài và nội dung phản ánh.
3.2. Phân loại dựa vào sự khác nhau về khuynh hướng thẩm mỹ.
3.3. Phân loại dựa vào “dụng ý của tác giả”.
3.4. Phân loại dựa vào sự kết hợp thể loại.
3.5. Phân loại dựa vào nội dung đặc định được miêu tả.
3.6. Phân loại dựa vào kiểu kết cấu tác phẩm.
3.7. Phân loại dựa vào nguồn gốc cốt truyện.
4. Tuy nhiên, đưa ra một bảng phân loại như thế bản thân chúng tôi cũng thấy vẫn còn rất rườm rà, không tiện cho việc quan sát diện mạo cũng như sự vận động và phát triển của tiểu thuyết giai đoạn này. Vả lại, một số loại có số lượng tác phẩm quá ít, chưa đủ để hình thành một “loại”. Chẳng hạn: tiểu thuyết hoạt kê, tiểu thuyết viễn tưởng... Nghiên cứu lý thuyết phân loại, chúng tôi nhận thấy việc phân loại tiểu thuyết của cả phương Đông và phương Tây trước nay đều chủ yếu dựa vào một số loại tiêu chí như đề tài, ý nghĩa, phương pháp, tính chất… Một số dựa vào không gian, thời gian, nhân vật… Nhưng chúng tôi cho rằng không thể dùng một bảng phân loại thuần tuý lý thuyết nào để “căn cứ vào khuynh hướng nào đậm đà rõ nét nhất mà quyết định xếp vào loại này hay loại nọ mà thôi”(12) theo gợi ý cách phân loại của ông Doãn Quốc Sỹ. Vẫn trên tinh thần của “tính thường hiện”, chúng tôi cụ thể hoá thành một số tiêu chí phân loại sau đây:
4.1. Căn cứ vào đề tài và chủ đề: Bởi vì như đã nói, một cuốn tiểu thuyết có thể quy về nhiều loại do tính chất phức tạp của nội dung phản ánh. Nếu chỉ căn cứ vào đề tài nhiều khi sự xác định chưa mang lại kết quả như mong muốn. Ví dụ tiểu thuyết Quả dưa đỏ, nếu xét ở góc độ đề tài, có thể xem đây là tiểu thuyết phiêu lưu. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng đây không thực sự là một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu. Do vậy, cần căn cứ thêm vào chủ đề tác phẩm.
4.2. Căn cứ vào số lượng và chất lượng tác phẩm: Một loại tiểu thuyết theo chúng tôi là phải tập hợp được một số lượng khá nhiều tác phẩm có cùng đề tài, chủ đề và tác phẩm phải thuộc loại có giá trị. Tuy nhiên, một tập hợp gồm nhiều tác phẩm cũng chưa nói lên được điều gì nếu như không có tác phẩm nào neo đậu lại trong tâm trí người đọc. Do vậy, cần căn cứ thêm vào chất lượng tác phẩm.
4.3.Căn cứ vào sự trùng khớp giữa những đặc tính tác phẩm với những tiêu chí của loại tiểu thuyết: Các tác phẩm làm nên một loại tiểu thuyết phải nói lên được (dù không thật đầy đủ) những đặc điểm của “loại” ở giai đoạn này và có thể tạo tiền đề cho sự phát triển của loại tiểu thuyết đó ở các giai đoạn sau.
4.4.Dựa vào cách phân loại tiểu thuyết giai đoạn cận đại (tương đồng về đối tượng) trong cuốn Bách khoa tự điển Funk and Wagnalls Standard Reference Encyclopedia. Cuốn từ điển này phân tiểu thuyết cận đại thành: tiểu thuyết luân lý, tiểu thuyết phong tục, tiểu thuyết lãng mạn, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết tả chân, tiểu thuyết tâm lý, tiểu thuyết xã hội(13).
Trên những cơ sở đó, chúng tôi chia tiểu thuyết giai đoạn này thành các loại như sau:
1. Tiểu thuyết lịch sử
Có lẽ, trong các bảng phân loại tiểu thuyết, cả phương Đông và phương Tây, tiểu thuyết lịch sử là loại có chỗ đứng vững chắc hơn cả. Nói cách khác, các nhà nghiên cứu lý luận hầu như không còn nghi ngờ gì về sự có mặt của loại tiểu thuyết lịch sử. Ở nước ta, trong thời trung đại đã có một số cuốn tiểu thuyết lịch sử viết bằng chữ Hán như Nam triều công nghiệp diễn chí, Thiên Nam liệt truyện, Hoàng Lê nhất thống chí, Hoàng Việt long hưng chí. Vệt tiểu thuyết lịch sử bằng chữ Hán còn kéo dài đến tận mấy chục năm đầu thế kỷ XX với Việt Lam xuân thu và Trùng Quang tâm sử. Cũng trong quãng thời gian đó, những tiểu thuyết lịch sử bằng chữ quốc ngữ đã ra đời. Một số nhà nghiên cứu cho rằng Phan Yên ngoại sử (Trương Duy Toản) là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên của “thời đại mới”, của văn học quốc ngữ. Chẳng hạn, ý kiến của Nguyễn Q. Thắng(14). Nhưng nếu hiểu “Lịch sử là cái tồn tại, là tiến trình liên tục của các thay đổi và nó trực tiếp can thiệp vào cuộc đời từng con người”(15), thì đây chưa phải là một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Thay vì phản ánh những đổi thay của lịch sử, Phan Yên ngoại sử tập trung thể hiện số phận con người trong một hoàn cảnh lịch sử đã đổi thay. Nghĩa là lịch sử (thời loạn Tây Sơn đánh Nguyễn Ánh) và những nhân vật lịch sử chỉ được nhắc đến như là cái cớ, là bối cảnh, là nền để tác giả vẽ bức tranh số phận con người và thế sự. Theo chúng tôi, cuốn tiểu thuyết lịch sử bằng chữ quốc ngữ đầu tiên là Hưng Đạo Vương (1914) của Phan Kế Bính. Điều này, Phạm Thế Ngũ cũng từng nhận định: "Hưng Đạo Đại Vương là sự tích Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, tác giả đem trình bày thành một thứ tiểu thuyết"(16). Cũng như Phan Yên ngoại sử và Ai làm được, Hưng Đạo Vương ra đời xuất phát từ sự thức tỉnh sớm về thực trạng “văn hoá đọc” của nhân dân ta buổi đầu thế kỷ. Tiếp đó là những sáng tác của Nguyễn Tử Siêu ở miền Bắc như Tiếng sấm đêm đông, Đinh Tiên Hoàng, Vua Bố Cái, Lê Đại Hành. Ở miền Nam, bên cạnh những sáng tác của Tân Dân Tử như Giọt máu chung tình, Gia Long Tẩu quốc, Gia Long phục quốc, Hoàng Tử Cảnh như Tây; còn có cây bút Nguyễn Chánh Sắt với Việt Nam Lê Thái Tổ; Phạm Minh Kiên với Việt Nam Lý Trung Hưng (Việt Nam Lý Thường Kiệt). Một số tác giả viết không nhiều nhưng đã để lại được ấn tượng như Hồ Biểu Chánh với Nặng gánh cang thường, Phú Đức với Tiểu anh hùng Võ Kiết, Nguyễn Ý Bửu với Liều thân vì nước, Hồng Tiêu với Máu chảu ruột mềm...
2. Tiểu thuyết xã hội
Định nghĩa về “tả thực”, Phạm Quỳnh cho rằng: “Tả thực là tả cái tình trạng xã hội, tình trạng xã hội là gồm những hành vi của người ta, sự hành vi của người ta thời phồn tạp phiền phức, làm thế nào mà dò được cái mối chủ động ở đâu; Như vậy, quan niệm về tả thực của Phạm Quỳnh rất gần với quan niệm về chủ nghĩa hiện thực trong văn học và phải dựa trên tình hình thực tế của tiểu thuyết ta giai đoạn này. Bởi vì, vào thời điểm Phạm Quỳnh viết bài văn “khảo” này, tiểu thuyết quốc ngữ đã khá phát triển. Từ quan niệm tả thực đó của Phạm Quỳnh, chúng tôi xếp những tiểu thuyết phản ánh những vấn đề xã hội (mà có người còn gọi là tiểu thuyết tả thực hay tiểu thuyết phong tục) vào loại tiểu thuyết xã hội. Loại này chiếm một số lượng đáng kể trong giai đoạn này xuất phát từ hai lý do cơ bản. Một là, ảnh hưởng phương Tây dẫn tới quan niệm về tả thực hình thành trong tư duy của người viết tiểu thuyết. Hai là, môi trường nảy sinh tiểu thuyết hiện đại ở nước ta đang diễn ra rất nhiều những vấn đề mang tính xã hội sâu sắc: sự hình thành của các tầng lớp, giai cấp mới; sự phân hoá ngày càng phức tạp và rõ rệt của các hạng người trong xã hội; cuộc Âu hoá diễn ra với một tốc độ chóng mặt... tác động trực tiếp đến từng số phận con người. Theo xu hướng này, có thể kể ra hàng loạt tác phẩm như: Lâm Kim Liên (Trương Duy Toản), Oán hồng quần ngoại sử (Lê Hoằng Mưu), Cành lê điểm tuyết, Cuộc tang thương (Đặng Trần Phất); Ngọn cỏ gió đùa, Thầy thông ngôn, Tiền bạc bạc tiền, Khóc thầm, Con nhà nghèo (Hồ Biểu Chánh); Kim Anh lệ sử (Trọng Khiêm), Lòng người nham hiểm (Nguyễn Chánh Sắt)... Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm tuy đề cập đến chủ đề tình yêu hay mang màu sắc trinh thám, võ hiệp nhưng vẫn cho thấy nhiều vấn đề xã hội như Mảnh trăng thu (Bửu Đình), Châu về hiệp phố (Phú Đức), Ngọc chìm đáy biển (Mộng Hiệp), Tài mạng tương đố (Nguyễn Chánh Sắt)...
3. Tiểu thuyết tả chân
"Tả chân", theo từ điển Từ nguyên và Hán ngữ đại từ điển, có ba cách hiểu như sau: 1. Cách vẽ chân dung của người hoạ sĩ. 2. Cách vẽ lại những bức tượng. 3. Miêu tả thực tế về sự vật. Từ nghĩa từ nguyên đó, có thể hiểu, tiểu thuyết tả chân là người viết kể lại một câu chuyện hoàn toàn có thật, xảy ra với những người thật, giống như người hoạ sĩ vẽ lại chân dung một người hay một bức tượng. Trong giai đoạn 1900-1930, tiểu thuyết tả chân có thể được dùng để chỉ những tác phẩm lấy những câu chuyện có thật về cuộc đời của những người phụ nữ nhiều lận đận, truân chuyên trong xã hội giao thời làm nội dung chủ yếu. Tuy số lượng chưa nhiều, nhưng chúng đều là những tác phẩm nổi bật, có sức sống khá lâu dài vì giá trị tả chân. Người ta vẫn nhắc đến Cô Ba Tràh (Nguyễn Ý Bửu) và Mồ cô Phượng (Trứ Giả) như là những tác phẩm tiêu biểu nhất.
4. Tiểu thuyết ái tình
Trong danh mục tiểu thuyết được xuất bản giai đoạn này, những tác phẩm được gọi là "ái tình tiểu thuyết" chiếm một số lượng đáng kể. Tuy nhiên, nhìn vào các bảng phân loại tiểu thuyết mang tính chất lý thuyết, chúng tôi không thấy có loại tiểu thuyết ái tình. Tiểu thuyết nói về tình cảm con người thường được gọi là tiểu thuyết lãng mạn (để phân biệt với tiểu thuyết tả chân, tiểu thuyết phong tục, tiểu thuyết xã hội) hay tiểu thuyết tình cảm. Phạm Quỳnh trong Khảo về tiểu thuyết gọi loại này là tiểu thuyết ngôn tình. Và ông giải thích thêm: “Loại này là loại thịnh hành hơn cả. Tình là cái động cơ rất mạnh của muôn vật ở đời. Trong các tình thời ái tình là tình cảm nam nữ, lại là mạnh hơn nhất”(17). Tán đồng với ý kiến của Phạm Quỳnh và tôn trọng cách đặt tên thể loại của người viết tiểu thuyết đương thời, chúng tôi gọi loại tiểu thuyết nói về tình cảm nam nữ trong giai đoạn này là tiểu thuyết ái tình. Chủ đề này trong văn học truyền thống của ta (cả văn học dân gian) cũng đã nói nhiều. Trong hoàn cảnh tiểu thuyết ra đời chủ yếu đáp ứng nhu cầu giải trí của độc giả thành thị, chuyện tình cảm, tình yêu nam nữ càng trở thành đề tài hấp dẫn. Ngoài những chuyện chỉ tập trung vào chủ đề tình yêu, tình cảm vợ chồng như Nặng nghĩa Châu Trần (Nguyễn Thái Hoà), Nước hồ Gươm (Lan Khai), Bèo mây tan hiệp (Phạm Minh Kiên), Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách), Ngọc chìm đáy biển (Mộng Hiệp nữ sử), Kim Tú Cầu (Đạm Phương nữ sử), Chiếc xuyến vàng (Nguyễn Văn Thao)... Nhiều tác phẩm tuy đề cập đến những đề tài khác, nhưng tác giả vẫn khéo léo lồng vào những câu chuyện tình rất cảm động. Nhân tình ấm lạnh (Hồ Biểu Chánh), Giọt máu chung tình (Tân Dân Tử)... là những ví dụ khá tiêu biểu. Có những tác phẩm sự lồng ghép khéo léo đến mức, người ta không thể tách bạch để phân biệt nội dung nào là chính, đành phải gọi bằng những tên kép như trinh thám - kỳ tình (Mảnh trăng thu - Bửu Đình), võ hiệp - kỳ tình (Lửa lòng - Phú Đức), ái tình - phiêu lưu mạo hiểm (Ân oán vì tình - Phạm Minh Kiên)...
Về cách kết cấu, ngoài hai “công thức” mà Phạm Quỳnh đưa ra: “một là tả một cuộc tình duyên từ lúc mới dan díu, qua lúc đương khăng khít, cho đến lúc sau giải tán hay là quyết liệt ra làm sao; hay là đem cái ái tình ra đối đãi với một nghĩa vụ hay là một tình cảm khác (tình cha mẹ, tình vợ chồng, nghĩa gia tộc, nghĩa quốc gia...)”(18), tiểu thuyết ái tình giai đoạn này còn có một số tác phẩm được xây dựng theo mô típ đoàn viên - tai biến - tái hợp và mô típ truyện tài tử - giai nhân truyền thống như Ai làm được (Hồ Biểu Chánh), Tô Huệ Nhi ngoại sử (Lê Hoằng Mưu), Nghĩa hiệp kỳ duyên (Nguyễn Chánh Sắt), Bèo mây tan hiệp (Phạm Minh Kiên)...
5. Tiểu thuyết giáo huấn (bao gồm tiểu thuyết luân lý và tiểu thuyết cảnh tỉnh)
Xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX trên con đường tư sản hoá đặt ra rất nhiều vấn đề liên quan đến đạo lý, luân thường. Tiểu thuyết luân lý một mặt nảy sinh trên nền tảng xã hội đó, mặt khác kế thừa truyền thống “văn dĩ tải đạo” của văn học dân tộc mà dư âm còn lại trong chính tâm lý của người tiếp nhận. Vì lý do đó, tiểu thuyết giáo huấn là một trong những loại tập hợp được nhiều tác giả, tác phẩm hơn cả.
6. Tiểu thuyết nghĩa hiệp
Có thể nhận thấy một dòng tiểu thuyết thuộc loại nghĩa hiệp tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam. Khởi đầu là Kim thời dị sử (Ba Lâu ròng nghề đạo tặc) của Biến Ngũ Nhy. Tác phẩm được chia làm nhiều phần khác nhau (Ba Lâu ròng nghề đạo tặc, Chủ nợ bất nhân...) và “được xem là cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tiên của văn học Việt Nam hiện đại”(19). Tuy nhiên, theo chúng tôi, đây không phải là một cuốn tiểu thuyết trinh thám đích thực. Bởi tiểu thuyết trinh thám (roman policier) có nguồn gốc từ phương Tây. Từ năm 1928, Van Dine - người được xem là “tác gia kiểu mẫu” về truyện trinh thám, đã đúc kết những “khuôn vàng thước ngọc” của loại truyện này (Xin xem chú thích (20)) .
Chưa đòi hỏi phải đáp ứng đầy đủ những nguyên tắc đó cũng thấy Ba Lâu ròng nghề đạo tặc chỉ nhuốm màu sắc trinh thám mà thôi. Hình tượng Ba Lâu giỏi võ nghệ, biết nói cả năm, sáu thứ tiếng, cải trang đổi dạng rất tài tình, chuyên ăn cướp của bọn bóc lột nước ngoài để chia cho dân nghèo và làm từ thiện xuyên suốt cốt truyện và chủ đề, cho thấy tác phẩm này gần hơn với loại tiểu thuyết võ hiệp, một dạng “cựu tiểu thuyết” của Trung Quốc. Tiếp theo Biến Ngũ Nhy, làm nên thể loại này, còn phải kể đến Dương Minh Đạt với Oan hồn yểu tử, Anh hùng ba mặt, Bình vỡ gương tan; Phú Đức với Một thanh bửu kiếm, Châu về hiệp phố và Lửa lòng, Một mặt hai lòng và Non tình biển bạc, Nguyễn Chánh Sắt với Một đôi hiệp khách, Man Hoang kiếm hiệp, Bửu Đình với Mảnh trăng thu... Hầu hết những tác phẩm này đều có độ dài đáng kể, cốt truyện ly kỳ, nhân vật trung tâm thường là những anh hùng hành động vì nghĩa, kết hợp với những vụ phá án có sự xuất hiện của cả những nhà trinh thám trứ danh nước ngoài (Đamakola trong Lửa lòng) và cả những chuyện tình lâm ly, lãng mạn. Do vậy, theo chúng tôi, loại tiểu thuyết này có nguồn gốc ảnh hưởng từ cả tiểu thuyết hiệp nghĩa, công án Trung Quốc, tiểu thuyết hiệp sĩ thời trung cổ lẫn tiểu thuyết trinh thám phương Tây. Trong đó, chủ đề hiệp nghĩa là nổi bật hơn cả. Mặt khác, hành động vì nghĩa của các nhân vật trung tâm được thực hiện bằng cả võ thuật (Châu về hiệp phố) và kiếm thuật (Một đôi hiệp khách, Man Hoang kiếm hiệp), nên chúng tôi gọi chung là tiểu thuyết nghĩa hiệp. Loại tiểu thuyết này chủ yếu nhằm mục đích “tiêu thụ”, tức là ra đời để thoả mãn nhu cầu giải trí của công chúng thị dân là chính và thường được đăng thành nhiều kỳ trên báo, nên không được trau chuốt lắm về ngôn từ, kết cấu nhiều khi thiếu sự chặt chẽ, lô gíc. Trong số những tác giả thử sức ngòi bút ở loại tiểu thuyết nghĩa hiệp, Phú Đức là người thành công hơn cả, theo nghĩa đông độc giả nhất. Sức hấp dẫn của truyện Phú Đức không chỉ ở những cốt truyện ly kỳ kết hợp giữa võ hiệp và trinh thám, kỳ tình, phiêu lưu mạo hiểm với độ dài thường được gọi là “kỷ lục” hay “đáng nể”; mà còn bởi một khả năng thể hiện tâm lý tinh tế sắc sảo, nghệ thuật xây dựng nhân vật với những mẫu hình lý tưởng trở thành khát vọng của bao nhiêu người, không gian nghệ thuật rộng lớn vượt biên giới quốc gia, thoả mãn được trí tò mò và sức tưởng tượng của người đọc...
Gần hơn với loại truyện trinh thám phương Tây, theo chúng tôi, là tác phẩm của một số tác giả miền Bắc như Anh-hùng tương-ngộ, Cái hầm bí-mật, Người hay ma (Thuý Am); Ai giết quan toà (Cuồng Sĩ), Mảnh giấy bí mật, Con ma đeo kính, Vuông khăn đẫm máu (Vũ Đình Tuyết); Con khỉ giết người và Xác chết chạy đi đâu (không ghi tên tác giả, do Tân-Dân thư quán xuất bản)... Tuy nhiên, những tác phẩm này mới chỉ được xây dựng trên cơ sở một “phương thức thô sơ nhất” của tiểu thuyết trinh thám. Đó là mở đầu tiểu thuyết bằng một vụ phạm tội, thường có một vụ án hay một án mạng rồi dẫn dắt câu chuyện theo hướng truy tìm hung thủ. Hung thủ hay thủ phạm được tìm ra là hết truyện. Do vậy, đương thời chúng ít được người đọc chú ý và nhanh chóng bị rơi vào quên lãng. Sau năm 1930, với những tiểu thuyết trinh thám theo đúng nghĩa của Thế Lữ (Mai Hương và Lê Phong, Lê Phong phóng viên, Gói thuốc lá...) và của Phạm Cao Củng (Vết tay trên trần, Chiếc tất nhuộm bùn, Đôi hoa tai của bà chúa, Một cái tết rùng rợn của Kỳ Phát...) thì thái độ của công chúng đối với truyện trinh thám lại khác. Ở đó, người đọc đã có thể theo dõi qua nhiều tác phẩm hành động của những nhà trinh thám đích thực kiểu Sherlock Holmès trong sáng tác của Conan Doyle. Đó là Lê Phong trong các truyện của Thế Lữ và Kỳ Phát trong các truyện của Phạm Cao Củng.
7. Tiểu thuyết tự thuật
Từ ảnh hưởng của truyện Thầy Lazarô Phiền, trong giai đoạn này, tiểu thuyết đã hình thành một dòng “tự thuật” khá rõ rệt. Lý luận văn học ngày nay yêu cầu phân biệt sự khác nhau giữa tự thuật và tự truyện, theo đó tự thuật không phải là một dạng thức của tác phẩm văn học(21) . Nhưng trong tư duy lý luận còn non nớt đầu thế kỷ XX, hai chữ “tự thuật” xuất hiện ở dòng phụ chú của tên truyện được hiểu là nhân vật tự kể câu chuyện của mình chứ không phải là “bản tự thuật về tiểu sử, lý lịch của nhà văn”(22). Và đó chính là một dấu hiệu quan trọng để nhận biết tác phẩm thuộc dòng tự truyện - một dạng thức của tiểu thuyết trong giai đoạn văn học này. Có thể kể đến hàng loạt sáng tác như: Lâm Kim Liên (Trần Thiên Trung), Oan kia theo mãi (Lê Hoằng Mưu), Sổ đoạn trường (Nguyễn Thành Long), Đoạn nghĩa tóc tơ (Nguyễn Hữu Tình), riêng Phạm Minh Kiên có tới hai tác phẩm là Mười lăm năm lưu lạc và Duyên phận lỡ làng... Trong những cuốn “tự thuật” kể trên, Oan kia theo mãi là tác phẩm đáng chú ý hơn cả. Ngoài ảnh hưởng về cách dựng truyện, về kết cấu tác phẩm, về kiểu nhân vật, bất cứ ai đọc Oan kia theo mãi cũng đều dễ dàng nhận ra những dấu ấn của truyện Thầy Lazaro Phiền cả về phương diện cốt truyện. Cũng xoay quanh chủ đề ghen tuông dẫn đến ngộ sát rồi hối hận, nhưng so với truyện của Nguyễn Trọng Quản, truyện của Lê Hoằng Mưu được triển khai sinh động và sâu sắc hơn cả về cốt truyện lẫn nhân vật. Ngoài những tình tiết ly kỳ hấp dẫn, Lê Hoằng Mưu còn tỏ rõ tài quan sát và thể hiện tâm lý con người. Là một trong những tác phẩm thuộc dòng “tự thuật” ra đời sớm nhất giai đoạn đầu thế kỷ XX, Oan kia theo mãi có thể được xem là chiếc gạch nối giữa truyện Thầy Lazaro Phiền và những tác phẩm sau này. Ở đó hội tụ được cả những ưu điểm của tác phẩm dẫn đầu với những thể nghiệm mới của thế hệ hậu sinh. Bởi vậy, nó không chỉ được xem là gạch nối, mà còn có thể được xem là đỉnh cao của dòng truyện này trong giai đoạn đầu thế kỷ XX.
Tuy nhiên, cũng dễ dàng nhận thấy những tác phẩm thuộc dòng “tự thuật” mà chúng tôi kể trên đều tập trung ở khu vực phía Nam. Điều đó thể hiện rất rõ những ảnh hưởng mang tính chất khu vực của truyện Thầy Lazaro Phiền trong hoàn cảnh giao lưu văn hoá còn hạn chế giữa hai miền Nam Bắc lúc bấy giờ. Ở miền Bắc, trong xu hướng phát triển chung của tiểu thuyết, những tác phẩm thuộc loại “tự thuật” cũng ra đời nhưng không nhiều lắm và không cho thấy dấu hiệu ảnh hưởng từ truyện Thầy Lazaro Phiền. Chẳng hạn như Phồn hoa mộng tỉnh (Dương Tự Giáp), Cành hoa điểm tuyết (Đặng Trần Phất), Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách)... Đặc biệt, cuốn Giấc mộng lớn (Tản Đà) là tác phẩm gần hơn cả với loại tự truyện ngày nay. Cùng với những tác phẩm thuộc thể văn này ở phía Nam, chúng đã góp phần tạo thành một dòng riêng trong một diện mạo tiểu thuyết hết sức phức tạp, nhiều loại giai đoạn đầu thế kỷ XX.
8. Tiểu thuyết tâm lý
Trong giai đoạn này, những tác phẩm được tác giả chủ động ghi tên là “tâm lý tiểu thuyết” không nhiều. Qua khảo sát, chúng tôi chỉ thấy có một vài cuốn như Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách), Hai mươi năm lao lục (Phạm Minh Kiên) và Tài mạng tương đố (Nguyễn Chánh Sắt). Trong đó, Tài mạng tương đố thực chất là một cuốn tiểu thuyết xã hội pha màu sắc kiếm hiệp. Đối với Tố Tâm, mặc dù tác giả đã ghi dưới tên truyện là "Tâm lý tiểu thuyết" và viết trong "Mấy lời của người chép chuyện" rằng: “Ký giả không có gì thoa vẽ, mà cũng không quen đem đạo đức bình luận ái tình, ký giả xét là xét cái tình trạng của lòng người, chép là chép cái hành động của tâm lý, còn lý luận luân lý phẩm bình xin để phần dư luận”(23); nhưng không phải không có ý kiến nghi ngờ, thậm chí phủ nhận điều đó: “Nói về loại, Tố Tâm chỉ là một quyển ái tình tiểu thuyết, quyết nhiên không thể là một quyển tiểu thuyết tâm lý được”(24). Thiếu Sơn tuy không trực tiếp phát biểu về thể loại tiểu thuyết, nhưng ông cho rằng tác phẩm này nghiêng hơn về loại tiểu thuyết luân lý. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nói, một cuốn tiểu thuyết có thể quy về nhiều loại khác nhau. Căn cứ vào chủ đề và nhân vật, có thể thấy Tố Tâm thuộc loại tiểu thuyết ái tình, lãng mạn. Nhưng nổi bật hơn cả chủ đề và nhân vật là một ngòi bút phân tích tâm lý, Hoàng Ngọc Phách đã lấy việc thể hiện nội tâm nhân vật làm đối tượng quan trọng nhất trong mục đích nghệ thuật của mình. Và chúng tôi cũng gọi Tố Tâm là một cuốn tiểu thuyết tâm lý. Điều khiến chúng tôi tự tin hơn khi nhận định như vậy là vì đã có nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu có cùng quan điểm. Đó là các ý kiến của Trúc Hà, Trương Tửu, Song Vân, Nguyễn Huệ Chi(25)... Bên cạnh Tố Tâm, một tác phẩm cũng rất xứng đáng xếp vào hàng tiểu thuyết tâm lý, đó là Chiếc xuyến vàng (Nguyễn Văn Thao). Tác giả gọi đây là một “tiểu thuyết mới” và chúng tôi cho rằng thành công nổi bật nhất trên con đường tìm kiếm một tiểu thuyết mới của Nguyễn Văn Thao chính là việc thể hiện tâm lý nhân vật.
Dừng lại ở đây, chúng tôi thấy cũng cần phải nói thêm về một số loại khác. Chẳng hạn, trong rất nhiều lời tựa, các tác giả đã cho rằng tiểu thuyết của mình chỉ nhằm mục đích “mua vui”, “giải trí” nhưng trong thực tế, những tác phẩm đó đều nhằm vào các mục đích như giáo dục, cảnh tỉnh hay tả chân xã hội... Do vậy, giai đoạn này ta không có tiểu thuyết giải trí theo đúng nghĩa.
Chúng tôi cũng cho rằng giai đoạn này ta không có tiểu thuyết chương hồi quốc ngữ. Nhận định này trước hết xuất phát từ một cơ sở là trong Từ điển văn học (Bộ mới), mục từ “Tiểu thuyết chương hồi” không nhắc đến một tác phẩm nào viết bằng chữ quốc ngữ giai đoạn 1900-1930 ngoài Việt Lam xuân thu được viết bằng chữ Hán. Nhưng điều quan trọng hơn là đối chiếu với loại tiểu thuyết chương hồi mà theo các tác giả mục từ “Tiểu thuyết” đỉnh cao là Hồng lâu mộng, thì giai đoạn này ta không có cuốn nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cần thiết. Mặc dù dấu hiệu ảnh hưởng tiểu thuyết chương hồi khá rõ và rất phổ biến, nhưng đó chỉ là những dấu hiệu bề mặt. Thực ra, đó chỉ là những tiểu thuyết được viết theo kiểu kết cấu chương hồi mà thôi.
Nhìn chung, nghiên cứu vấn đề này chúng tôi đã rất cố gắng trong việc sưu tập tư liệu và khoanh vùng đối tượng. Mục đích lớn nhất của người viết là muốn thâu tóm thực tiễn sáng tác tiểu thuyết khá phong phú, bề bộn giai đoạn 1900-1930 vào một số loại căn bản để tiện cho việc bao quát diện mạo và quá trình phát triển của nó. Tuy nhiên, trong điều kiện lý thuyết về phân loại giữa phương Đông và phương Tây còn có nhiều so le đáng kể, mà tiểu thuyết giai đoạn này lại mang dấu ấn ảnh hưởng cả hai khu vực, do vậy cách phân loại của chúng tôi chắc chắn sẽ còn có chỗ phải bàn thêm. Đây cũng là tình trạng chung của một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Điều quan trọng là trên cơ sở những tri thức về sự tương đồng và quy luật lặp lại của một thể loại, chúng tôi sẽ có thể nhận ra được tính độc đáo trong sự vận dụng sáng tạo thể loại của mỗi tác giả ở những tác phẩm có giá trị1
TS. Lê Tú Anh
Đại học Hồng Đức - Thanh Hóa
Nguồn : Tạp chí Nghiên cứu văn học số 7 năm 2009
___________
(1) Trần Đình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Xuân Nam: Lí luận văn học, tập 2. Nxb. Giáo dục, H, 1987, tr.156.
(2) Vũ Đình Liên, Đỗ Đức Hiểu, Lê Trí Viễn, Huỳnh Lý, Trương Chính, Lê Thước: Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam, tập 3. Nxb. Xây dựng, H, 1957, tr.228.
(3) Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (chủ biên): Từ điển văn học (Bộ mới). Nxb. Thế giới, H, 2004, tr.1729-1730.
(4) Lương Duy Thứ, Đặng Đức Siêu, Nguyễn Khắc Phi (tuyển dịch): Truyện chí quái chí nhân chí dị truyền kỳ Trung Quốc. Nxb. Văn hoá - Thông tin, H, 1994, tr.7.
(5) Mọc Khuê: Ba mươi năm văn học. Nxb. Tân Việt, 1942.
(6) Lê Trí Viễn, Nguyễn Đình Chú: Lịch sử văn học Việt Nam (In lần thứ năm, có sửa chữa), Tập IVB. Nxb. Giáo dục, H, 1978.
(7) Phan Cự Đệ: Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (Tái bản lần thứ tư). Nxb. Giáo dục, H, 2003.
(8) Phan Cự Đệ (chủ biên): Văn học Việt Nam thế kỷ XX. Nxb. Giáo dục, H, 2004.
(9) Tôn Thất Dụng: Sự hình thành và vận động của thể loại tiểu thuyết văn xuôi tiếng Việt ở Nam Bộ giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến 1932, Luận án phó tiến sĩ khoa học Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 1993.
(10) Bằng Giang: Truyện Tàu với một số tiểu thuyết gia đầu tiên ở Việt Nam, Tạp chí Kiến thức ngày nay, Số 106, 1993, tr.11-16.
(11) Nguyễn Văn Trung, Hồ sơ Lục Châu học, http://nguyenvantrung.free.fr/index.html.
(12), (13) Doãn Quốc Sỹ: Văn học và tiểu thuyết. Nxb. Sáng tạo, S., 1973, tr.150, 142.
(14) Nguyễn Q. Thắng: Bình minh của tiểu thuyết hiện đại Việt Nam, Tạp chí Bách khoa, Số 1, 1990, tr.44-49.
(15) Trương Đăng Dung: Tiểu thuyết lịch sử trong quan niệm mỹ học của G. Lucat, Tạp chí Văn học, Số 5, 1994, tr. 40-43.
(16) Phạm Thế Ngũ: Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (tái bản), Tập 3. Nxb. Đồng Tháp, 1998, tr.214.
(17), (18) Phạm Quỳnh: Bàn về tiểu thuyết, Tạp chí Nam Phong, Số 43, 1921.
(19) Nguyễn Kim Anh (chủ biên): Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nxb. Đại học quốc gia Tp Hồ Chí Minh, 2004, tr.163, 617.
(20) Đặng Anh Đào: Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại. Nxb. Đại học quốc gia, H, 2001, tr.122.
(21), (22) Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên): Từ điển thuật ngữ văn học (In lần thứ ba). Nxb. Đại học Quốc gia, H, 2000, tr.329-330, 330.
(23) Hoàng Ngọc Phách: Tố Tâm (Tái bản). Nxb Văn nghệ - Hội nghiên cứu giảng dạy văn học tp Hồ Chí Minh, 1988, tr.X.
(24) Vũ Ngọc Phan: Nhà văn hiện đại (tái bản), Tập 2. Nxb. Văn học, H, 1998, tr.359.
(25) Nguyễn Huệ Chi: Hoàng Ngọc Phách đường đời và đường văn. Nxb. Văn học, H, 1996, tr.524.