Có hai lối miêu tả cảnh vật

 Lê Hoài Nam, Tạp chí Hán Nôm, số 1/2001.

 

Đọc thơ xưa - Hán Việt cũng như Nôm, nhiều khi người ta gặp một tình hình dường như không được bình thường này: trong cùng một bài thơ có những chi tiết về không gian, nhất là về thời gian, trước sau không thống nhất, không ăn khớp với nhau. Chẳng hạn bài Thu ẩm của Nguyễn Khuyến:

 

Năm gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lấp lánh bóng trăng loe.
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy.
Độ năm ba chén đã say nhè !

Câu 2 tả buổi tối không trăng, câu 3 nói về cảnh lúc ban chiều, câu 4 lại tả đêm có trăng và câu 6 thì trở lại cảnh ban ngày. Nếu ở đây có sự không ăn khớp về mặt thời gian, thì trong bài Thu vịnh cũng của cụ Yên Đổ lại có sự không thống nhất về không gian:

Trời thu xanh ngắt mấy từng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ;
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái;
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào !

Bầu trời - Khóm trúc - Mặt ao - Cửa sổ - Hoa sân - Ngỗng trời: các hình ảnh hiện ra không theo một trật tự không gian nào cả; chỗ đứng của tác giả không xác định. Tình hình trên đây không khỏi khiến cho nhiều người đọc không cảm thấy bối rối. Để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu thường qui về đặc trưng bút pháp “tổng hợp” trong nghệ thuật miêu tả cảnh vật của các nhà thơ thời trước. Xuân Diệu khi bình bài Thu ẩm đã viết: “... tôi hiểu bài này là khái quát, tổng hợp nhiều cảnh thu ở nhiều thời điểm”(1)

Thực ra, không phải bất cứ bài thơ tả cảnh vật nào cũng đều có tình hình đó. ở những bài thơ khác, cảnh vật hiện ra trong một thể thống nhất về không gian và thời gian xác định. Bài Thu điếu của cùng một tác giả chính thuộc bút pháp miêu tả này: đó là một buổi câu cá trọn vẹn trên thuyền, trong ao làng, vào một ngày thu trong sáng.

Như vậy là trong thơ xưa có hai lối tả cảnh vật khác nhau.

Các bài thơ tả cảnh vật theo bút pháp “tổng hợp” thuộc một loại thơ gọi là “thơ vịnh(2) vật”. Theo Giáo sư Vương Lực trong cuốn Hán ngữ thi luật học (Nhà xuất bản Giáo dục Thượng Hải - In lần thứ ba, 1964), thì loại thơ này có từ thời Thịnh Đường về trước, nhưng thịnh hành vào thời Trung – Vãn Đường. Một bài thơ vịnh vật chân chính lấy việc tránh chữ trong đề mục (tức đối tượng miêu tả) làm nguyên tắc - gọi là “tỵ đề tự”. Như vậy cả bài thơ như một câu đố mà đề mục chính là lời giải. Một bài thơ vịnh vật hay là khi dựa vào nội dung với những chi tiết tiêu biểu, đặc sắc, người đọc nhận ra ngay bản chất đối tượng miêu tả, không lẫn lộn với những sự vật khác. Đó là một cách khái quát hóa, điển hình hóa nghệ thuật. Tuy nhiên điều này cũng không có tính chất bắt buộc quá khắt khe. Thậm chí có khi có người còn cố ý đưa “chữ đề” vào bài thơ - gọi là điểm đề - thường đặt ở câu đầu, hay câu 3 - 4, ví dụ như các bài vịnh năm canh, vịnh bốn mùa trong Hồng Đức quốc âm thi tập. Thường thì trong đề mục bài thơ có từ “vịnh” đứng trước tên gọi đối tượng miêu tả, nhưng cũng nhiều khi không. Tuy nhiên qua cách miêu tả, người ta có thể nhận ra được bài thơ đó thuộc vào loại vịnh vật, chẳng hạn như các bài thuộc về các môn: “thiên địa”, “phong cảnh”, “phẩm vật” trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi hay trong Hồng Đức Quốc âm thi tập của các tác giả đời Hồng Đức.

Ngoài ra, còn có loại thơ “vịnh sử” là những bài thơ vịnh người và việc trong lịch sử, có bài chuyên nói về một người, một việc, có bài nói chung việc lịch sử, cũng đều được sáng tác theo lối “tổng hợp”.

Khác với loại thơ “vịnh vật” này là loại thơ “tức cảnh”, “tức sự”. “Tức” ở đây có nghĩa là “đến”, “gần”, “ngay liền”. “Tức cảnh” là nói về phong cảnh trước mắt. “Tức sự” là nói về sự vật trước mắt. ở đây cảnh vật và sự việc hiện ra như những cá thể được nắm bắt và biểu hiện trong dạng thức hiện thực của chúng, trong một sự nhất quán về không gian và thời gian. Chẳng hạn bài Tức cảnh chiều thu (có nơi gọi là “Nhị Hà tức cảnh”) của bà huyện Thanh Quan (có nơi ghi là của Hồ Xuân Hương) là một bức tranh nho nhỏ về một bến sông Nhị Hà, vào một chiều thu có mưa lất phất. Kết thúc bài thơ là một thái độ tình cảm rõ ràng đối với cảnh trước mắt:

Cho hay cảnh cũng ưa người nhỉ,
Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ!

Nguyễn Trãi có một bài thơ tuyệt cú “tức sự” rất hay - bài Mộ xuân tức sự:

Nhàn trung tận nhật bế thư trai,
Môn ngoại toàn vô tục khách lai.
Đỗ vũ thanh trung xuân hướng lão,
Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai.

Nghĩa là:

Trong cảnh nhàn suốt ngày đóng cửa phòng sách,
Ngoài cửa tuyệt không có khách tục đến.
Trong tiếng cuốc kêu nghe xuân đang về già,
Cả sân hoa xoan nở dưới mưa bụi.

Chớ có thấy ở đây có tiếng chim cuốc, có hoa xoan nở trong mưa bụi mà vội cho rằng đây là một bài thơ tả cảnh. Điều mà tác giả muốn nói đến là cái sự việc ẩn trong tiếng chim, trong những đóa hoa đó. ấy là mùa xuân sắp qua, đang đi đến tàn cục; qua đó, tác giả muốn gửi gắm nỗi niềm đau xót của mình: thời gian cứ trôi qua, mình đã về già, mà cứ phải bị tách rời khỏi cuộc đời, sống một cuộc sống trống rỗng vô vị, không thi thố được tài năng, thực hiện được hoài bão lớn của mình.

Trong các đề mục những bài thơ chữ Hán của Việt Nam, cũng như của Trung Quốc, thỉnh thoảng ta còn gặp những từ: “tức mục”, “tức hứng”, “tức tịch”. “Tức” trong những từ này cũng đều có nghĩa là “ngay lúc ấy”, “ngay chỗ ấy”. “Tức mục”: từ những điều trông thấy lúc đó mà đặt ra đề mục làm văn (Ví dụ bài Tức mục của Nguyễn Khuyến). Tức hứng: có cảm xúc đối với cảnh vật trước mắt, thừa hứng mà làm (Ví dụ bài Long Hạm nham tức hứng - Tức hứng núi Hàm Rồng - của Phan Huy ích). Tức tịch: làm ngay tại chỗ (Ví dụ bài: Dữ bản huyện doãn Nguyễn, nguyên doãn Trần đồng ẩm, tức tịch thư tiễn - Cùng ông huyện họ Nguyễn, và ông huyện cũ họ Trần uống rượu, viết bài này ngay tại chỗ để tiễn biệt - của Nguyễn Khuyến).

Tóm lại trong thơ Hán, Nôm cũ, có hai lối miêu tả sự vật, dù trên đề mục có ghi “vịnh”, “tức” hay không. Không phân biệt các phương thức nghệ thuật khác nhau đó dễ đi đến những cách hiểu, nhận định về bài thơ gượng ép, không đúng đắn. Điều đó đã được thể hiện chẳng hạn trong nhiều ý kiến phân tích bài thơ Cây chuốI của Nguyễn Trãi hai thập kỷ qua, đặc biệt là trong cuộc tranh luận kéo dài mấy tháng trời trên mặt báo Giáo dục và Thời đại. Nhận thấy các chi tiết về cây chuối ở hai câu trên và hai câu dưới nói về hai giai đoạn phát triển khác nhau của cây chuối: giai đoạn trổ buồng

Tự bén hơi xuân tốt lại thêm,
Đầy buồng lạ mầu thâu đêm.

và giai đoạn còn non tơ:

Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu gượng mở xem.

nghĩa là chúng không thể tồn tại vào cùng một thời điểm trong một cây chuối cụ thể, nhiều người đã cho rằng bài thơ nói về hai cây chuối khác nhau, hoặc là một cây con được bứng từ một nơi khác đưa về trồng cạnh những cây đang trổ buồng, hoặc là cả hai cùng mọc trong một khóm, một vườn chuối. Lại có người - khởi xướng từ Xuân Diệu - tìm cách tạo ra sự nhất quán, nguyên khối của bài thơ bằng cách hiểu từ “buồng” ở câu 2 không phải là buồng chuối mà là buồng ở, hoặc là buồng của người con gái, mùa xuân về, đang khao khát yêu đương, hoặc là buồng của chính thi nhân.

Thực ra, theo thiển ý chúng tôi, bài thơ này chính là bài thơ “vịnh vật”, cũng như các bài thơ viết về các loại cây cối, hoa quả hay thú vật khác của Nguyễn Trãi. Vì vậy không có gì là mâu thuẫn giữa các chi tiết trong bài thơ về mặt thi pháp. Ngược lại, đó là hai chi tiết rất đắt giá để nói về cây chuối. Một chi tiết nói về cây chuối đang trổ buồng, tức là đang ở thời kỳ sung mãn, thời kỳ quan trọng nhất, có ý nghĩa nhất của đời chuối. Còn chi tiết kia nói về thời kỳ mới lớn lên, trẻ trung, đầy hứa hẹn. Nếu chi tiết trên tả cái đẹp thiên về cảm tính, thì chi tiết dưới bộc lộ cái đẹp nặng về xúc cảm. Cố nhiên trong sáng tác thơ ca, người xưa thường gửi gắm một tâm trạng, một nỗi niềm nào đó, nhưng điều đó không thuộc phạm vi bàn bạc của bài viết này. Cần nói thêm là trong bản Nôm của Thư viện Khoa học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, chữ “buồng” được viết là “  ”, và với tự dạng này, “buồng” chỉ có thể có nghĩa là “buồng chuối”; còn buồng trong nghĩa là “nơi ở” thì ” đọc theo âm Hán cổ (âm Hán - Việt là ….thường được viết là “ phòng). Chỉ dựa vào bản phiên ra chữ Quốc ngữ để hiểu “buồng” theo nghĩa buồng khuê, buồng sách e không đúng !

CHÚ THÍCH

(1). Xuân Diệu. Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, Tập 2. Nxb. Văn hóa 1982, tr.182.

(2). Từ “vịnh” vốn có nhiều nghĩa như: “ca” (ca: vịnh), “ngâm” (ngâm vịnh), có khi có nghĩa rộng là “làm thơ” nói chung.

Thông tin truy cập

60791630
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11131
24669
60791630

Thành viên trực tuyến

Đang có 427 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website