Chế Lan Viên - Một hồn thơ biến hóa

ĐOÀN TRỌNG HUY (*)

                  Hình ảnh: Nhà thơ Chế Lan Viên

              Chế Lan Viên là một hồn thơ độc đáo bởi sức cảm, sức nghĩ biến hoá và phong phú khôn lường, thậm chí đến mức biến ảo.

               Nhà thơ nào cũng có nhiều cách nhìn. Huy Cận nổi trội về thi pháp, là một cái tôi trữ tình với nhiều đối cực. Hơn thế nữa, Chế Lan Viên có thể được xem là một tâm hồn đa cực. Đó là biểu hiện của cá tính sáng tạo độc đáo, là dấu ấn sâu đậm của chủ thể trữ tình.

***

                     I.            CON MẮT XUYÊN VƯỢT TẦM NHÌN QUA KHÔNG GIAN, THỜI GIAN.

               Trong hiện thực, không gian và thời gian là hình thức tồn tại của vật chất. Trong văn học, không gian và thời gian là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật.

               Do đó, ta có khái niệm không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật, mỗi cái đều mang những đặc tính riêng.

               Chế Lan Viên thường có cái nhìn hết sức rộng mở, bao quát trong không gian.

               Thông thường là cái nhìn, sự ước định gầnxa. Tàu đến gợi một khoảng thật xa vời: “Trăm con tàu đến từ trăm xứ sở... Sóng trăm bãi lạ, bờ xa theo tàu về vỗ xứ than này”. Ngược lại, Tàu đi lại đưa hồn người đọc thả trôi tít tắp: “Rồi con tàu lại ra đi... Chìm sâu mình xuống nước, nối đuôi nhau rời khỏi mỏ than ta”.Tiếng hát con tàu hoà với “tiếng ca của người thợ mỏ”. Đi đến, đivề  đã nằm trong không gian tâm  tưởng từ lâu với Chế Lan Viên: “Lng ta chửa  bao giờ ta đi hết được/ Đi hết lng, tiếng khóc hoá lời ca… Khi được lúa, ta được cả chim trời đến hót/ Hạnh phúc khi trở về, hạnh phúc hoá thành đôi (Nhật ký một người chữa bệnh). Trường hợp này, ta chỉ có thể hiểu là sự đi, về của một hồn thơ mẫn cảm:

đâu  chưa đi thì lòng sẽ đến

Lúc trở về, lòng ngậm những cành thơ

                                    Qua Hạ Long

               Với Chế Lan Viên, ta dễ dàng nhận ra các chiều của không gian. Lời đề từ của Thơ bình phương – Đời lập phương đã thể hiện rất rõ quan niệm thơ của nhà thơ – nhà toán học Chế Lan Viên:

Vưc sự sống ba chiều

                                                                         lên trang thơ

                                                                         hai mặt phẳng

               Tháp Bayon bốn mặt( Di cảo thơ I) là một cái nhìn toàn thể, toàn diện. Cái đặc sắc là sự biến hoá của tầm nhìn, sức nhìn: “Anh là tháp Bayon bốn mặt/ Giấu đi ba, còn lại đấy là anh”. Nhà thơ vừa mang tư cách một nhà thơ triết gia – khi suy nghiệm cuộc đời vào mùa bệnh 1988: Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc/ Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình”.  Chế Lan Viên đã chơi trò chơi biến ảo của khối vuông rubic.

               Xưa kia, Huy Cận được mệnh danh là “nhà thơ vũ trụ”, khao khát không gian, cũng là khát vọng tự do trong tù túng. Chế Lan Viên cũng từng là người nằm mơ trong vũ trụ (Ngủ trong sao – Điêu tàn).

               Ngày nay, Chế Lan Viên là người rất tỉnh thức trong tầm nhìn vũ trụ, khi nhận xét: “Nước Mỹ có Thái Bình Dương lại có Đại Tây Dương... Ních xơn mang hai bên sườn nó hai bể ngôn từ dối trá... Nước Mỹ có một  Thái Bình Dương bên một  Đại Tây Dương/ Ta sâu thẳm một bể căm thù bên một bể yêu thương” (Phác thảo cho một trận đánh, một bài thơ diệt Mỹ). Đây là tầm nhìn “xuyên vũ trụ” – vào tận tâm địa kẻ thù và tâm khảm con người dân tộc – con người tự do của nhân loại mới.              

               Trông tới, trông lui trong thời gian của lịch sử, Tố Hữu có cái nhìn thật khoáng đạt từ một đỉnh cao: “Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau” (Bài ca mùa xuân 1961). Chế Lan Viên cũng có cái nhìn tương tự, cái nhìn xuyên suốt lịch sử. Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? là cái nhìn mang tầm cao xa như vậy. Thâu tóm cái nhìn của “cha ông xưa” qua Những pho tượng chùa Tây Phương đến Văn chiêu hồn của Nguyễn Du, con người hôm nay mở ra một thế nhìn với lời đáp mới: “Buổi đất nước của Hùng Vương có Đảng/ Mỗi người dân đều được thấy Bác Hồ”.

               Hiền tài là sự tích tụ của quá khứ. Hôm nay đang chứa đựng sự phát toả của ngày mai. Đó là cảm hứng sâu sắc về hiện tại cuả con người thời đại, với chiều sâu của thời gian lịch sử, cũng là thời gian của sức mạnh truyền thống và hy vọng của tương lai.

 

                           II.            CÁI NHÌN ĐA CHIỀU VỚI SỰ VẬT VÀ HIỆN TƯỢNG

               Một thao tác rất điển hình của Chế Lan Viên đã được tuyên ngôn qua Thời sự hè 72, bình luận:

Phát giác sự việc ở bề chưa thấy

Ở cái bề sâu, ở cái bề sau, ở cái bề xa

               Đó là khi phân tích “các vấn đề”, “ với chiến công”. Phải có con mắt nhìn thấu không – thời gian, các chiều, các bề. Ở đây là tương quan sâu – nông, sau – trước, xa – gần cả trong môi trường, cảnh quan, tương quan, cả trong dòng chảy, diễn biến của sự vật, sự việc và hiện tượng.

               Cuộc đời, việc đời, sự đời vốn không hề đơn giản mà rất phức tạp.

               Để có được nhận thức đúng, dĩ nhiên chúng ta phải nhìn bằng hai con mắt, nhưng  còn phải vận dụng hết tất cả các giác quan. Ta phải nhìn sự việc, hiện tượng để nhận chính xác trong các hoàn cảnh lịch sử cụ thể khác nhau: “Một tiếng chim gù cũng đến nơi rừng lạ để mà nghe/ Một giọt mưa, phải lắng nó rơi trên tàu lá cọ chẳng quê mình”. Một kết luận tương tự nhau, nhưng biểu hiện cái động khác hẳn cái tĩnh, vì chúng là hai trạng thái khác biệt.

               Ta phải nhìn cuộc đời ở cả phía dưới, phía trên, phía sau và cả phía trước.

               Bởi tầm nhìn phát sóng thị lực, đường bay tạo sức lao, sức phóng đến đối tượng, mục tiêu – thường chứa đựng những “chuyện lạ có thật”, những “nghịch lý” rất logic! Ấy là chuyện cuộc đời, cũng là chuyện của nghệ thuật: “Nhưng câu thơ pháo – đất - đối – đất vẫn phải qua trời bằng một đường cong/ Có những lúc câu thơ phải bắn cầu vồng/ Mà người nhắm vẫn là nhắm thẳng” (Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ... )

               Nhìn là phải chiếu thẳng vào đối tượng. Vậy mà, bộ mặt ấy, chân dung hiển hiện ấy vẫn chưa phải là tất cả. Không có con mắt và phương tiện hiện đại, con người muôn thuở vẫn chỉ thấy được một nửa mặt trăng. Kẻ thù lại thường nguỵ trang bằng sự giả tạo, là lũ lang sói đeo mặt nạ người. Vấn đề là, phải có cách lật tẩy, hoặc phải sử dụng công nghệ chụp ảnh ba chiều (3D):

     Ta đang sống với những siêu lửa, siêu bom, siêu lọc lừa, siêu tội ác

                    Người ta chụp ảnh phía đằng sau mặt trăng chưa?Ta đã chụp ảnh đằng sau đế quốc     

Tuyên bố của mỗi lòng người, khẩu súng, cành hoa

               Cái nhìn, sự quan sát, chiếu rọi, xét cho cùng là để nhận chân sự vật, hiện tượng, do đó phải mang sức mạnh phát hiện, khám phá ra sự thật, chân lý.

               Tư duy nghệ thuật của Chế Lan Viên mạnh về thủ pháp đối lập. Đó là một cách để làm bật ra ý nghĩa đích thực. Nhà thơ tập trung vào khảo sát những đối tượng, những quan hệ,... từ đó nhận ra các đối cực và sự so sánh làm bật ra những sự trái ngược về định tính – thật- giả, cao cả,-hèn kém, bi – hùng,...; hoặc định lượng – nhiều – ít, to – nhỏ, lớn – bé, cao – thấp…

Trăm cơn mơ không chống nổi một đêm dày

Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá

Xưa phù du mà nay đã phù sa

Một cái hôn cân vạn ngày lửa đạn

               Khó khăn, phức tạp hơn cả là những phạm trù nhân sinh, như sống – chết, buồn – vui, khổ đau – hạnh phúc.

               Ta cần phải xem xét những quan hệ, những vận động với một cái nhìn linh động và biến hoá. Ngày vĩ đại đòi hỏi một cái nhìn lịch sử như vậy: ‘Những năm tháng này chói loà, hoá thân, đột biến/ Là rốn bão, là hoả diệm sơn, động biển/ Là cấp số nhân, là tổng số thành/ Là sức của trăm ta nhân với triệu mình/ Là sự vật cộng vào nhau. Trái chín/ Là lên men. Thời cơ đến trước giờ nó đến/ Là rồng bay”. Trong sự nhìn nhận này, có khái niệm lượng biến thành chất “tiệm tiến dẫn đến bột phát”.

               Thế đấy, một tư duy biện chứng – rất khoa học mà cũng đầy triết học: “Cái cuộc đời là bể- cứ gì sông/ Trong ấy, tôi tìm cả kho vàng thiên hạ đắm (Di cảo thơ II).

***

               Chế Lan Viên là nhà thơ có tầm mắt bao quát khắp “bốn phương, tám hướng” của đất trời và đo được chiều sâu, tầm cao của tình người, lòng người. Nhà thơ biết quan sát, nhìn nhận con người, sự vật, hiện tượng ở nhiều mặt, nhiều phía, nhiều sắc thái, nhiều biến hoá.

               Là một hồn thơ đa cực, Chế Lan Viên có thể ứng phó được với nhiều hoàn cảnh, thích hợp với mọi trạng huống, tình thế. Ta có thể ví tâm hồn nhà thơ như một chiếc radar cực nhạy, quét khắp mọi phía,mọi chiều để quan sát, tìm kiếm, phát hiện.

               Với con mắt thơ tinh diệu và mang tư duy phức hợp, nhà thơ lớn đã góp phần phát hiện, cống hiến nhiều chân lý hay của đời sống và chân lý đẹp của nghệ thuật bằng thi pháp và phong cách sáng tạo độc đáo đầy hấp dẫn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Huỳnh Văn Hoa (1999) – Chế Lan Viên với cái nhìn nghệ thuật trong thơ, in trong Chế Lan Viên – Người làm vườn vĩnh cửu – Hội Nhà văn.

2.      Đoàn Trọng Huy (2006) – Nghệ thuật thơ Chế Lan Viên – Đại học Sư phạm.

3.      Nhiều tác giả (2000) – Chế Lan Viên – Về tác gia và tác phẩm – Giáo dục.

Thông tin truy cập

60844809
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4588
13943
60844809

Thành viên trực tuyến

Đang có 386 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website