Iu. M. Lotman và ký hiệu học văn hóa ở trường phái Tartu *

LTS: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội vừa ấn hành công trình Kí hiệu học văn hóa của Iu. M. Lotman, do các dịch giả Lã Nguyên, Đỗ Hải Phong, Trần Đình Sử dịch từ nguyên bản tiếng Nga. Công trình này tập hợp 29 bài nghiên cứu công phu, sâu sắc của Iu. M. Lotman, người sáng lập trường phái Tartu, một trường phái khoa học nhân văn nổi tiếng ở Liên Xô những năm 60 - 80 thế kỷ trước.

           Hơn mười năm trước, Nxb ĐHQG Hà Nội cũng đã ấn hành cuốn sách Cấu trúc văn bản nghệ thuật của Iu. M. Lotman qua bản dịch của Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy. Lần này, Ký hiệu học văn hóa cung cấp cho người đọc cái nhìn toàn cảnh về hành trình tư tưởng – học thuật của Lotman, cũng như những thành tựu nghiên cứu của ông có liên quan đến các lĩnh vực ký hiệu học, ngôn ngữ học, thi pháp học, văn hóa học. Cuốn sách trình bày những ý kiến độc đáo của tác giả về những khái niệm phức tạp như “ký hiệu”, “biểu tượng”, “huyền thoại”, “ước lệ”, “cấu trúc”, “văn bản”, “ngôn ngữ nghệ thuật”…

          Cùng với công trình Lí luận văn học – những vấn đề hiện đại do Lã Nguyên tuyển dịch (Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2012), Kí hiệu học văn hóa là cuốn sách có chất lượng khoa học cao, bổ ích và cần thiết cho các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên các ngành Văn học, Ngôn ngữ học, Văn hóa học…

        Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Lời dẫn cuốn sách nói trên, do nhà nghiên cứu Lã Nguyên, tức PGS. TS. La Khắc Hòa, thay mặt nhóm biên dịch, chấp bút. (BBT).

Cuốn sách này là tuyển tập các công trình đặc sắc của Iuri Mikhailovich Lotman (1922 - 1993), được biên dịch nhằm giới thiệu với sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và đông đảo độc giả Việt Nam những tư tưởng nòng cốt làm nên lí thuyết kí hiệu học văn hoá của nhà nghiên cứu văn học, nhà văn hoá học và kí hiệu học nổi tiếng thế giới, một trong số học giả hàng đầu của thế kỉ XX.

Iu.M. Lotman tham gia nghiên cứu khoa học từ khi còn là sinh viên. Ông tốt nghiệp đại học vào loại xuất sắc, nhưng không được giữ lại làm nghiên cứu sinh.  Từ năm 1950, chiến dịch bài Do Thái thời Stalin và số phận đã run rủi, đưa ông tới Estonia và Đại học Tổng hợp Tartu. Bầu không khí tương đối tự do của nước cộng hoà nhỏ bé vùng Ban Tích cách xa các trung tâm quyền lực thuộc Liên Xô cũ, như Moskva hay Leningrat, có lẽ đã góp phần tạo điều kiện để tài năng của Iu.M. Lotman nở rộ ở cả hai lĩnh vực hoạt động sư phạm và nghiên cứu khoa học.

Đầu năm 1952, Iu.M. Lotman bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ với đề tài: A.N. Radishev trong cuộc đấu tranh chống lại quan điểm chính trị - xã hội và mĩ học quí tộc của M. Karamzin. Năm 1958, ông cho xuất bản chuyên luận đầu tay: Andrei Sergeievich Kaisharov và cuộc đấu tranh xã hội - văn học của thời đại ông. Trong suốt những năm 1950, Iu.M. Lotman tập trung nghiên cứu văn học  và văn hoá Nga giai đoạn đầu thế kỉ XIX, ông đi sâu khám phá cấu trúc của ý thức xã hội nhằm phát hiện sự thống nhất của tư tưởng triết học, chính trị, thẩm mĩ của thời đại trong quan hệ với đời sống nghệ thuật. Kết quả của những công trình nghiên cứu này là luận án Tiến sĩ: Con đường phát triển của văn học Nga giai đoạn tiền Tháng Chạp, được ông bảo vệ thành công vào năm 1961.

Chuyên luận Những bài giảng về thi pháp cấu trúc của Iu.M. Lotman ra đời vào năm 1964 trở thành sự kiện học thuật vang dội. Nó mở ra một loạt Tập san khoa học mới, có uy tín quốc tế của Đại học Tổng hợp Tartu: Những công trình nghiên cứu các hệ thống kí hiệu. Dưới sự chỉ đạo của Iu.M. Lotman, 25 quyển thuộc ấn phẩm này đã được xuất bản. Nhờ sự nỗ lực của ông, từ 1964 đến 1974, tại khu thể thao của Đại học Tổng hợp Tartu, đã có năm Trường học mùa hè về các hệ thống mô hình hoá phái sinh được tổ chức. Vào những năm 1970, Iu.M. Lotman cho xuất bản hàng loạt chuyên luận quan trọng: Cấu trúc văn bản nghệ thuật (1970), Phân tích văn bản thơ (1972), Kí hiệu học điện ảnh và những vấn đề mĩ học điện ảnh (1973). Ông là người sáng lập và đứng đầu Trường phái Tartu-Moskva, một khuynh hướng khoa học hoạt động sôi nổi vào những năm 1960-1980, bao trùm nhiều lĩnh vực: nghiên cứu văn học, kí hiệu học, ngôn ngữ học, văn hoá học, thu hút sự tham gia của nhiều tên tuổi lỗi lạc: B.F. Egorov, Z.G. Mins, A.I, Chernov, M.L. Gasparov, B.A. Uspenski, V.N. Toporov, Vj.Vs. Ivanov, Iu.K. Lekomsev…

Chuyên luận xuất bản cuối đời của Iu.M. Lotman là Văn hoá và sự bùng nổ (1992). Ông để lại một di sản khoa học đồ sộ vô giá. Các tài liệu viết về tiểu sử Iu.M. Lotman đều ghi nhận, ông là tác giả của hơn 800 công trình nghiên cứu lớn nhỏ. Điều quan trọng là ngay từ khi còn sống, Iu.M. Lotman đã trở thành tác gia kinh điển.

Là học trò của B.M. Eikhenbaum, M.K. Azadovski, N.I. Mordovchenko, V.Ja. Propp, G.A. Gukovski, V.M. Zyrmunski…, Iu.M. Lotman không thể không tiếp thu những tư tưởng khoa học của Trường phái hình thức Nga. Nhưng ông phát triển tư tưởng khoa học của trường phái này là để mở ra một hướng đi mới. Trường phái hình thức Nga có tham vọng xây dựng khoa nghiên cứu văn học thành vương quốc tự trị, không lệ thuộc vào bất kì một lĩnh vực khoa học nào khác, kể cả triết học, xã hội học và chính trị học. Với Trường phái hình thức Nga, khoa học văn học có xu hướng thắt chặt, thu hẹp, để chỉ còn là hình thái học sáng tạo nghệ thuật tập trung vào việc nghiên cứu chất liệu ngôn từ và các thủ pháp tổ chức chất liệu thi ca. Iu.M. Lotman và các cộng sự của ông lại nỗ lực mở rộng đối tượng, nới lỏng biên độ của nghiên cứu văn học để biến nó thành lĩnh vực đặc biệt của văn hoá học. Văn hoá mới thực sự là đối tượng nghiên cứu chủ yếu, đặc biệt của Iu.M. Lotman và Trường phái Tartu. Đây là cơ sở làm nảy sinh nhận xét cho rằng, sự xuất hiện của Iu.M. Lotman và Trường phái Tartu đã dẫn tới “cái chết của nghiên cứu văn học” như một khoa học tự trị ở nửa sau thế kỉ XX.

Là nhà khoa học Xô Viết, Iu.M. Lotman không thể xa rời tư tưởng nền móng của chủ nghĩa Mác. Nhưng đúng như Viện sĩ M.L. Gasparov nhận xét, Iu.M. Lotman chỉ trung thành với phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác chiến đấu.  Ông xa lạ với chủ nghĩa cơ hội, giáo điều và xu hướng xã hội học dung tục từng thống trị suốt một thời gian dài trong nghiên cứu văn học học Xô Viết. Đồng thời, ông luôn nỗ lực theo sát các mũi nhọn khoa học tiên tiến nhất của thời đại.

Có nhiều cơ sở để chứng minh về sự gặp gỡ, giao cắt giữa sự tìm tòi khoa học của Iu.M. Lotman với những khám phá lí thuyết của chủ nghĩa cấu trúc và kí hiệu học hiện đại trong bước ngoặt ngôn ngữ học diễn ra ở các nước Âu – Mĩ vào nửa đầu thế kỉ XX. Nhưng cũng dễ nhận ra hàng loạt điểm khác biệt quan trọng giữa tư tưởng lí thuyết của các học giả Tây Âu với hệ thống quan niệm của Iu.M. Lotman.

Thứ nhất: Iu.M. Lotman  không xem kí hiệu học văn hoá là một phân môn của kí hiệu học, trong đó, văn hoá là đối tượng nghiên cứu, còn kí hiệu học là phương pháp tiếp cận đối tượng. Trong quan niệm của Iu.M. Lotman, văn hoá là hiện tượng kí hiệu học. Mọi hiện tượng văn hoá đều có những đặc điểm kí hiệu học. Cho nên, đối tượng của kí hiệu học chỉ có thể là văn hoá, và hướng tiếp cận văn hoá chỉ có thể là kí hiệu học. Nói cách khác, văn hoá học trước hết là kí hiệu học văn hoá và kí hiệu học trước hết cũng chỉ là kí hiệu học văn hoá mà thôi!

Thứ hai: Iu.M. Lotman không tán thành hướng tiếp cận các hiện tượng kí hiệu học theo truyền thống “nguyên tử luận” (atomisme) của Bắc Mĩ  và Tây Âu bắt nguồn từ Ch. Peirce (1839 -1914) – Ch. Morris (1901 - 1979) và các luận điểm của F. de Saussure (1857 – 1913). Để xây dựng lí thuyết về các hiện tượng kí hiệu học, cả Peirce, lẫn Saussure đều chọn một đơn vị nhỏ nhất, không thể chia cắt, làm đơn vị khởi điểm, có ý nghĩa nền tảng. Với Peirce, đơn vị nhỏ nhất này là kí hiệu. Theo ông, kí hiệu không thể phân rã thành các thành phần nhỏ hơn và mang tính thiết yếu từ giác độ kí hiệu học. Những kí hiệu riêng lẻ giản đơn có thể tạo thành các tổ hợp kí hiệu phức tạp hơn, thành các phát ngôn mà tổng thể của nó sẽ tạo thành ngôn ngữ. Cho nên, kí hiệu là thành tố quan trọng hơn rất nhiều so với ngôn ngữ: việc miêu tả chính xác các kí hiệu và quy tắc cú pháp của chúng sẽ tự động đảm bảo cho việc miêu tả ngôn ngữ đúng đắn.  Saussure và Trường phái Prague lấy cặp đối lập ngôn ngữ và lời nói làm nền móng xây dựng lí thuyết. Trong hệ thống lí thuyết này, hành vi giao tiếp riêng lẻ - sự trao đổi thông tin giữa người gửi và người nhận - được chọn làm đối tượng nghiên cứu như là nhân tố khởi nguyên và là mô hình mẫu của mọi hành vi kí hiệu học. Rốt cuộc, hoạt động giao tiếp kí hiệu của cá nhân được xem là mô hình ngôn ngữ tự nhiên, những mô hình của các ngôn ngữ tự nhiên thì được xem là mô hình kí hiệu học tổng hợp, còn bản thân kí hiệu học thì được diễn giải như là sự ứng dụng mở rộng các phương pháp ngôn ngữ học vào những đối tượng không thuộc phạm vi ngôn ngữ học truyền thống. Iu.M. Lotman không tán thành cách “gộp nhiều miếng bít tết để làm thành con cừu” như vậy. Ông cho rằng, “các hệ thống rạch ròi và đơn nghĩa về mặt chức năng không thể tồn tại tự nó, ở dạng biệt lập. Được tách ra riêng rẽ, không một hệ thống nào có khả năng hoạt động thực sự. Chỉ khi nào được bao bọc trong một màng lưới kí hiệu học đầy ắp những cấu trúc kí hiệu học thuộc những dạng khác nhau và tồn tại ở những cấp độ tổ chức khác nhau nào đó, chúng mới hoạt động”. Cho nên, Iu.M. Lotman tìm cách tiếp cận các hiện tượng kí hiệu học theo hướng chỉnh thể (holisme). Ông đề xướng khái niệm “kí hiệu quyển”, giống như khái niệm “sinh quyển” của V.I.Vernadski, làm nền tảng để mô tả các tiến trình kí hiệu học.

Thứ ba, và đây là điều quan trọng nhất: Kí hiệu học văn hoá của Iu.M. Lotman có thể xem là hệ thống lí thuyết lấy văn bản làm trung tâm (textecentrisme). Trong hệ hình cổ điển của ngôn ngữ học và thi pháp học cấu trúc xuất phát từ quan niệm của Saussure về hoạt động ngôn ngữ, thực chất, văn bản không có chỗ đứng. Bởi vì văn bản chỉ là một biến thể của lời nói, chẳng những thế, ở đây thường hàm chỉ lời nói trong văn viết. Cho nên, văn bản chẳng những không phải là vấn đề cơ bản, mà nói chung, không phải là đối tượng “hợp pháp” của mô tả kí hiệu học, vì mọi cái có liên quan trong đó đều chỉ là kết quả thực hiện của cấu trúc ngôn ngữ. Với kí hiệu học văn hoá của Iu.M. Lotman, không phải ngôn ngữ, không phải kí hiệu, không phải cấu trúc, không phải đối lập nhị phân, không phải quy tắc cú pháp, mà văn bản mới là trung tâm trong hệ thống quan niệm của nó. Chẳng những thế, Iu.M. Lotman còn trao cho khái niệm “văn bản” một nội hàm mới mẻ, làm thay đổi cách hiểu về bản chất của sự giao tiếp.

Iu.M. Lotman cho rằng, giao tiếp là quá trình liên tục phiên dịch, giải mã thông tin giữa người phát và người nhận như những chủ thể kí ức. Cho nên, ngôn ngữ không phải là cái gì có sẵn, tồn tại trước văn bản, mà ngược lại, văn bản bao giờ cũng có trước ngôn ngữ và rộng hơn ngôn ngữ. Rõ ràng, có nhiều văn bản, ta vẫn đọc trơn chu, mà chẳng hiểu gì cả, vì chưa phát hiện ra ngôn ngữ của nó. Muốn đọc một văn bản, ta phải giải mã, tức là tìm ra cái ngôn ngữ đã được sử dụng để mã hoá thông tin có trong văn bản ấy. Văn bản rộng hơn ngôn ngữ, vì nó có những phạm trù mà ngôn ngữ không hề có, ví như các phạm trù đánh dấu sự mở đầu và kết thúc.

Iu.M. Lotman định nghĩa, văn bản là thông tin chí ít được hai lần mã hoá.

Tức là ông không tán thành quan niệm cho rằng, văn bản là thông tin được chuyển tải bằng một ngôn ngữ. Theo quan niệm của ông, từ trong bản chất, văn bản là hiện tượng đa ngữ.

Lại nữa, với Iu.M. Lotman, văn bản không phải là cái bọc đựng nghĩa một cách thụ động, mà là tổ chức truyền đạt, lưu giữ và sáng tạo thông tin. Nó là một thiết chế có “phẩm chất trí tuệ”. Cho nên, trong hệ thống lí thuyết của Iu.M. Lotman, “văn bản” – “cá nhân” – “văn hoá” là những phạm trù đồng hình, đẳng cấu. Khái niệm “văn bản” vì thế có nội hàm rất rộng. Viện sĩ M.L. Gasparov, một cộng sự gần gũi của Iu.M. Lotman, có lần thốt lên: “Cuộc đời chúng ta nếu không phải là văn bản, thì còn là cái gì nữa đây!”.

Cuối cùng, một điểm nữa đáng lưu ý: trong cuốn Văn hoá và sự bùng nổ, ngay ở dòng đầu tiên của phần “Đặt vấn đề”, Iu.M. Lotman viết: “Vấn đề cơ bản của sự mô tả ở mọi hệ thống kí hiệu học là: thứ nhất, quan hệ của nó với cái ngoài – hệ thống, với thế giới nằm bên ngoài phạm vi của nó và, thứ hai, quan hệ giữa động và tĩnh”. Thế tức là, về mặt phương pháp luận, Iu.M. Lotman đã vượt ra ngoài phạm vi của chủ nghĩa cấu trúc, chuyển qua lập trường hậu cấu trúc luận và giải cấu trúc luận.

Trong số 800 công trình nghiên cứu lớn nhỏ của Iu.M. Lotman, chúng tôi chỉ có thể chọn dịch 29 công trình làm thành tuyển tập này. Tất cả các công trình mà chúng tôi tuyển dịch đều tập trung vào một đề tài, xoay quanh các vấn đề lí thuyết và lịch sử kí hiệu học văn hoá. Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi chia 29 công trình này thành ba nhóm với những tiêu đề như sau:

- Nhóm thứ nhất (Phần thứ hai): KÍ HIỆU HỌC VĂN HOÁ VÀ KHÁI NIỆM VĂN BẢN;

- Nhóm thứ hai (Phần thứ ba): VĂN BẢN HÀNH VI VÀ VĂN BẢN VĂN HOÁ;

- Nhóm thứ ba (Phần thứ tư): VĂN BẢN VĂN HỌC NGHỆ THUẬT.

Ngoài ra, chúng tôi còn dịch 3 tiểu luận, trong đó có 1 tiểu luận của Viện sĩ M.L. Gasparov (Lotman và chủ nghĩa Mác) và hai tiểu luận của Giáo sư M.Iu. Lotman, con trai trưởng của Iu.M. Lotman (Đằng sau văn bản: Mấy ghi chú về phông triết học của ký hiệu học Tartu, Ký hiệu học văn hoá ở Trường phái ký hiệu học Tartu-Moskva). Ba tiểu luận này được đặt ở đầu sách (Phần thứ nhất: LOTMAN VÀ TRƯỜNG PHÁI TARTU-MOSKVA) để sau khi đọc, độc giả có ý niệm ban đầu về Iu.M. Lotman và Trường phái kí hiệu học văn hoá Tartu-Moskva.

Do cuốn sách chọn dịch những công trình khoa học tập trung vào chủ đề kí hiệu học văn hoá của Iu.M. Lotman và Trường phái Tartu, nên những cơ sở đang đào tạo các chuyên ngành kí hiệu học, văn hoá học, ngữ văn học và xã hội học có thể sử dụng nó như một giáo trình dạy - học.

Chắc chắn cuốn sách không thể tránh được nhiều khiếm khuyết. Thành thật mong nhận được sự góp ý của bạn đọc gần xa để chúng tôi có thể chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện bản dịch trong những lần tái bản sau này.

                                                               Hà Nội, tháng 12 năm 2013

                                                                  Thay mặt nhóm biên dịch

                                                                            LÃ NGUYÊN

* Lời dẫn cho cuốn: Iu. M. Lotman – Kí hiệu học văn hóa (Người dịch: Lã Nguyên, Đỗ Hải Phong, Trần Đình Sử), Nxb ĐHQG Hà Nội, H., 2015.

Thông tin truy cập

60822941
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5731
8930
60822941

Thành viên trực tuyến

Đang có 266 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website