Hải Ngọc dịch
Ta hãy bắt đầu từ một dự án khu đô thị là điểm nóng của những mâu thuẫn chính trị xã hội trong thời gian vừa qua – dự án EcoPark ở Văn Giang (Hưng Yên). Tên gọi của dự án đã hàm ẩn trong đó một môi trường sống lý tưởng, nơi con người hòa hợp với thiên nhiên, hưởng bầu không khí trong lành, thanh bình, xa lánh những ồn ào, bụi bặm của đô thị. Người thực hiện dự án này đã thỏa mãn cái tâm lý muốn được kết nối lại với thiên nhiên của những cư dân đô thị bằng cách bứng cả những cây cổ thụ từ rừng về trồng để tạo ra một không gian xanh thoáng đáng, hiền hòa. Nhưng môt khu đô thị thân thiên với môi trường như thế, thực chất, lại được hình thành trên sự bất công về môi trường (ở đây, tạm thời chưa nói đến viêc tranh cháp đất đai): nó chỉ dành cho một bộ phận người dân có thu nhập cao trong khi đó lại đẩy những người nông dân vốn găn bó vơi ruộng đồng bị cắt lìa với không gian quen thuộc nuôi dưỡng đời sống vật chất và tinh thần của họ; cảnh quan đẹp ơ đây lại được tạo nên từ kết quả sự tàn phá một cảnh quan khác.
Nhìn rộng ra, vấn đề bất công môi trường không phải là một hiện tượng cá biệt, mang tính địa phương. Nó còn là vấn đề mà nhiều nước bị xếp vào nhóm thế giới thứ ba phải chấp nhận để trả giá cho sự phát triển kinh tế. Một hiện tượng như hãng Vedan xả nước thải ô nhiễm, có chứa chất gây ung thư ra sông Thị Vải cho thấy vấn đề môi trường không tồn tại biệt lập mà bao hàm trong/liên đới đến hàng loạt quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa phức tạp diễn ra trên phạm vi toàn cầu.
Cách con người tương tác với môi trường chịu sự chi phối mạnh mẽ của những ý niệm/diễn ngôn về môi trường. Phân tích các diễn ngôn này nằm trong số những nhiệm vụ quan trọng nhất của phê bình sinh thái – một khuynh hướng lý thuyết phê bình đang phát triển rất năng động hiện nay, đặc biệt ở Anh-Mỹ. Đây là một lý thuyết liên ngành, kết hợp giữa văn học và khoa học, giữa phân tích văn chương và rút ra những cảnh báo về môi trường. Nó có thể không đưa ra được những giải pháp trực tiếp cho những vấn đề môi trường nghiêm trọng hiện nay nhưng bằng cách phân tích các diễn ngôn về thiên nhiên và môi trường, nó có thể tác động đến tâm thức con người, điều chỉnh nhận thức, khắc phục những ngộ nhận về môi trường, để từ đó, có những hành động đúng đắn hơn, hướng đến sự phát triển bền vững và xa hơn, đồng thời là quan trọng hơn cả, là hình thành một chủ nghĩa nhân văn mới, ở đó, con người biết nghe tiếng nói của thiên nhiên để đối thoại với nó.
Karen Thornber là một học giả mới nổi trong lĩnh vực phê bình sinh thái. Bà đã sang VN thuyết giảng về lý thuyết này. Công trình của bà Ecoambiguity: Environmental Crises and East Asian Literatures (2012) [Sự mơ hồ sinh thái: Khủng hoảng môi trường và văn học các nước Đông Á (Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan)] vừa được Hiệp hội nghiên cứu văn học so sánh Hoa Kỳ trao giải Honorable Mention Wellek Prize 2013. Đóng góp lớn nhất của công trinh này là Thornber đã sáng tạo đươc một khái niệm – ecoambiguity-như một khái niệm phản ánh đặc trưng phổ biến của diễn ngôn về môi trường, thiên nhiên trong các nền văn hóa Đông Á, từ đó dẫn đến những ngộ nhận không nhỏ trong ý thức và cách ứng xử đối với môi trường của con người trong khu vực. Những ngộ nhận này, đến lượt chúng, lại dẫn đến những bất công môi trường. Karen Thornber cũng đề nghị phê bình sinh thái cần thiết phải đi theo hướng tiếp cận so sánh trong bối cảnh các vấn đề môi trường không phải là vấn đề mang tinh địa phương nữa. Thậm chí, như trong bài viết mà tôi dịch dưới đây, bà còn cho rằng ý thức hành tinh (planet consciousness) cần phải được thấm đẫm vào trong nghiên cứu phê bình sinh thái. Theo tôi hiểu, ý niệm hành tinh được Karen Thornber đề xuất thay cho những từ xác định không gian địa lý như transnation, globe, world… không phải chỉ vì đó là ý niệm không gian rộng nhất, bao trùm cả sự sống con người và cả sự sống của các thành tố vô nhân (nonhuman) mà còn vì nó đó là ý niệm không gian không bị phân cắt, không bị chiếm dụng để tạo ra những sự bất đối xứng về không gian, từ đó, dẫn đến bất bình đẳng về văn hóa và môi trường. Chẳng hạn, khái niệm thế giới vẫn đang bị chia thành thế giới những nước phát triển, đang phát triển và chậm phát triển, hay khái niệm toàn cầu hóa vẫ n gợi liên tưởng đến quá trình đồng hóa của những “đế quốc mới” trong thời đại mới. Bài dịch dưới dây là lời bạt mà Karen Thornber viết cho tuyển tập East Asian Ecocriticisms. A Critical Reader (Literatures, Cultures, and the Environment) [Phê bình sinh thái Đông Á: Tuyển tập phê bình (Các nền văn học, văn hóa va môi trường)] (2013), trong đó giới thiệu những nhà nghiên cứu trong và ngoài khu vực về diễn ngôn môi trường, thiên nhiên trong văn chương Đông Á. Rất tiếc không có mặt của một học giả VN nào ở đây và văn chương VN cũng đứng ngoài cuộc thảo luận của các học giả. Nhưng cá nhân tôi cho rằng phê bình sinh thái có thể tìm thấy ở văn chương, mỹ thuật, điện ảnh, nghệ thuật đương đại VN nhiều “ca” thú vị để nghiên cứu. Đây cũng là một hướng nghiên cứu mà tôi có ý định thể nghiệm trong tương lại.
Trong tình hình dịch thuật luôn có khả năng sai, nhất là dịch thuật học thuật, việc giới thiêu bản dịch này là một sự liều linh của tôi. Bản dich mới chi là bản thảo và tôi sẽ tiếp tục sửa chữa dần dần.
Cuối cùng, trước khi giới thiệu phần 1 bài dịch, xin giới thiệu link bài thuyết trình của Karen Thornber về phê bình sinh thái và văn chương Đông Á:
*
Những sản phẩm văn hóa của loài người đã thương thỏa với những biến đổi về sinh thái, hiểu theo nghĩa chúng đã phát lộ, diễn dịch lại và nhào nặn những biến đổi này, kể từ thời tiền sử. Những tranh vẽ trong hang động thời kỳ đồ đá cũ có niên đại chắc chắn sớm hơn 30.000 năm trước công nguyên cho thấy nhiều góc nhìn khác nhau về các hoạt động của người nguyên thủy làm môi trường bị biến đổi. Ngôn ngữ con người đóng một vai trò thậm chí còn quan trọng hơn trong hệ sinh thái đang và đã bị biến đổi. Nó đã được sử dụng để chế ngự, mô tả, biện hộ, tôn vinh, kết án, khuyến khích sự cải thiện môi trường, làm chệch hướng và đồng thời thu hút sự chú ý đối với cách con người ứng xử với môi trường. Các văn bản truyền miệng và văn bản viết trên khắp thế giới từ ngàn năm nay đã không chỉ cố gắng khám phá việc con người bị ảnh hưởng như thế nào bởi môi trường xung quanh mình mà còn cả việc con người đã biến đổi môi trường ở mọi nơi như thế nào và tại sao họ làm vậy. Những quy chiếu trong văn chương về sự kiến tạo, cư ngụ và phá dỡ những môi trường đã được hình thành cũng như liên quan đến việc săn bắn, canh tác, ăn uống đều đem đến cho chúng ta cái nhìn thấu thị về những cảnh quan bị biến đổi. Ngay cả những văn bản không có hình tượng con người thì chúng cũng thường ít nhất đề cập đến sự biến đổi các môi trường do con người gây nên. Về phần mình, văn chương thế giới – được hiểu rộng rãi như là các văn bản sáng tạo được lưu truyền vượt ra khỏi nền văn hóa cội nguồn của chúng – kể từ Sử thi Gilgamesh (thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên) đã mô tả con người như kẻ những kẻ làm thay đổi triệt để môi trường xung quanh mình.
Ngược lại, phải đến những năm 1990, nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường vật chất mới trở thành một trào lưu tri thức được xác định rõ ràng. Chắc chắn, bất chấp việc khởi điểm của nó thực sự mới chỉ được tính từ gần đây, phê bình sinh thái (nghiên cứu văn học được định hướng về chủ đề môi trường) đã nhanh chóng phát triển thành một lĩnh vực đa dạng, liên ngành, một hướng nghiên cứu mới hình thành không bị ràng buộc vào bất kỳ một phương pháp đơn lẻ nào hay một giáo điều, một cam kết theo quan điểm môi trường luận nào. Trong cuốn The Cambridge Introduction to Literature and the Environment (2011), Timothy Clark nhận định rằng “phê bình sinh thái đã tạo được một khu vực hoạt động rất năng động, chưa đánh giá hết được, nơi các vấn đề, các chuyên ngành học thuật và chính trị giao cắt nhau. Sức mạnh tiềm tàng của nó không phải ở chỗ nó chỉ như một nhánh phê bình văn học khác, được đặt bên trong những biên giới thiết chế đã có sẵn mà ở chỗ nó là một cách tiếp cận mang tính khiêu khích cả trong việc phân tích văn học lẫn những vấn đề vừa đồng hiện, vừa che khuất lẫn nhau của khoa học, đạo đức, chính trị và thẩm mỹ” (8). Còn trong cuốn Sense of Place and Sense of Planet (2008), Ursula Heise cho rằng: “Thay vì tập trung vào sự khôi phục cảm quan về nơi chốn, thuyết môi trường luận (bao gồm cả phê bình môi trường) cần thiết phải thúc đẩy một nhận thức về cách mà cả một phạm vi rất đa dạng rộng rãi những nơi chốn và quá trình trong tự nhiên cũng như trong văn hóađã kết nối lẫn nhau, nhào nặn lẫn nhau như thế nào trên khắp thế giới” (21). Những nhận định này đã nhấn mạnh đến một số thay đổi cơ bản mà phê bình sinh thái đã trải qua trong hai thập niên gần đây.
Những nhà phê bình sinh thái đầu tiên, một phần do dựa vào lý thuyết sinh thái học chiều sâu (deep ecology), thường đi theo cách tiếp cận sinh học trung tâm luận (biocentric) hoặc theo quan điểm bảo tồn (preservationist). Cách tiếp cận này chủ yếu tập trung xung quanh những sáng tác về đề tài thiên nhiên, quan tâm đến khả năng của văn chương trong việc tạo nên những khuôn mẫu về các giá trị mà ở đó môi trường là trung tâm (ecocentric values), cũng như chú ý đến những cách miêu tả của văn chương về những mối quan hệ về mặt sinh học, tâm lý học và tâm lý giữa con người và thế giới tự nhiên. Kiểu phê bình sinh thái này quan tâm đến trạng thái gắn với nơi chốn (place-attachment) ở phạm vi địa phương hay vùng miền, như ta có thể thấy được qua các tác phẩm của Wendell Berry (1934-), bao gồm hai cuốn The Unsettling of America (1977) và Standing by Words (1983), và Gary Snyder với những cuốn như The Practice of the Wild (1990) và A Place in Space (1995). Bước sang thế kỷ XXI, phê bình sinh thái bắt đầu hướng theo một quan điểm thiên về tính chất nhân chủng học và đặt bình diện xã hội làm trung tâm; giờ đây giới nghiên cứu lại tập trung vào mảng văn học về thành phố và quá trình công nghiệp hóa cũng như vấn đề công bằng/bất công môi trường cùng những vấn đề xã hội liên đới, đặc biệt trong bối cảnh mà những vấn đề về sắc tộc, về các nhóm thiểu số, cộng đồng bản địa, chủ nghĩa hậu thực dân, cộng đồng lưu vong và chủ nghĩa thế giới trở thành mối quan tâm hàng đầu. Theo đó, nó dịch chuyển mối quan tâm về nơi chốn từ phạm vi địa phương sang phạm xuyên quốc gia hay toàn cầu.
Không có gì ngạc nhiên khi hai khuynh hướng chính này lại có nhiều điểm chung. Cả hai đều bao hàm một sự gắn kết chặt chẽ, bền bỉ với tất cả những hình thức truyền thông biểu hiện, từ các văn bản in đến sự trình diễn thị giác, âm nhạc, điện ảnh cũng như các tài liệu pháp lý và các báo cáo của NGO. Những mối quan tâm khác đang diễn ra bao gồm nghiên cứu tu từ học về môi trường; nữ quyền luận môi trường gắn theo đó là những mô hình khoa học, đặc biệt là từ tiến hóa luận sinh học, sinh thái học và các khoa học thông tin; những khác biệt trong quan niệm về môi trường dựa trên phái tính và di sản văn hóa, thí dụ như truyền thống bản địa; sự tưởng tượng văn chương về các mối quan hệ giữa con người và thú vật.
Tính đến nay, cả hai khuynh hướng phê bình sinh thái này đã tạo được những đột phá quan trọng, trong đó có cả việc chúng đã phát hiện lại tầm quan trọng của những thể loại và thể tài văn chương gần như bị quên lãng như các sáng tác về đề tài thiên nhiên, các tự sự về tình trạng bị nhiễm độc của môi trường và con người, thơ ca và kịch sinh thái (ecopoetry/ ecodrama) – những thể loại/thể tài quan tâm đến mối quan hệ giữa con người và môi trường xung quanh họ. Phê bình sinh thái cũng diễn dịch lại sự cấu thành các hệ đề tài liên quan đến môi trường như đề tài mục ca, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc gắn với môi trường, tư tưởng tận thế gắn với môi trường (ecoapocalypticism). Đồng thời nó cũng phát hiện những nội dung “ngầm” về môi trường trong một loạt các văn bản nghệ thuật. Gần đây nhất, phê bình sinh thái đã chú ý đến những thể loại và hình thức truyền thông đa dạng khác ngoài văn bản viết, gồm cả truyện tranh, phim hoạt hình, mỹ thuật sinh học (bioart), kiến trúc xanh, các nguồn dữ liệu kỹ thuật số – điều này đã làm thay đổi cách các học giả nghĩ về nội dung của phê bình sinh thái.
Ngành nhân văn môi trường (environmental humanities) đã cho thấy rất rõ nhiều khả năng môi trường địa phương, vùng miền và toàn cầu bị đẩy vào tình trạng nguy hiểm bởi chính những can thiệp có vẻ như mang tính nhân văn của con người. Song những thách thức quan trọng vẫn còn đó, cả về mặt văn hóa (tức trên phương diện ngôn ngữ và địa lý) và khái niệm.
Phê bình sinh thái thường được định nghĩa khá rộng. Chẳng hạn, Scott Slovic xem đó là khuynh hướng phê bình “khảo sát cặn kẽ những ngụ ý về môi trường sinh thái và quan hệ giữa con người – tự nhiên trong bất kỳ văn bản văn chương nào, kể cả những văn bản (thoạt nhìn) dường như không để ý gì đến thế giới không con người (non-human world)” (27). Các nhà nghiên cứu cho rằng tương lai của phê bình sinh thái được nằm ở việc nó thể hiện được mối quan tâm của văn học về tình trạng của môi trường, đặc biệt là cách văn học tra vấn về vấn đề môi trường như “một thể nghiệm tư tưởng… được phức tạp hóa bởi sự đa bội các diễn ngôn và từ chối nhận lấy những vị trí cố định”.
Nhưng bất kể phép tu từ nói về khả năng dung nạp của phê bình sinh thái, ngay từ những ngày đầu khi lĩnh vực này mới hình thành, các nhà phê bình trên thực tế đã tự giới hạn phạm vi nghiên cứu mình trong văn chương được viết bằng ngôn ngữ của các nước phương Tây, đặc biệt là văn học Mỹ khu vực Anh ngữ nói riêng. Thậm chí ngay cả ở châu Á, những thảo luận về mối quan hệ giữa văn học và môi trường bị tàn phá cũng tập trung một cách bất cân xứng vào văn học phương Tây với những ví dụ chủ yếu được lấy từ văn học của khối Anh ngữ. Những năm gần đây chứng kiến sự sôi động của thuyết môi trường luận và hậu thực dân luận. Những phân tích hàm ý về môi trường ở các văn bản từ các nước châu Phi, châu Mỹ La-tinh (bao gồm cả khu vực Carribean), các đảo Thái Bình Dương, Nam Á, và những so sánh về “sự tưởng tượng môi trường” (environmental imagination) của các nước phát triển ở phía Bắc vốn có nhiều đặc quyền hơn với “thuyết môi trường luận của dân nghèo” ở các nước đang/chậm phát triển thuộc phía Nam toàn cầu cũng đã có đóng góp quan trọng trong việc mở rộng quan điểm về những mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên trên khắp thế giới. Không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của những tri thức học thuật này đối với các ngành nhân văn và xa hơn thế. Song chúng vẫn bị loay hoay bởi chính trọng tâm dồn vào văn học phương Tây của mình; chúng thường trở đi trở lại với một vài dẫn chứng quen thuộc, gần như loại trừ các văn bản đến từ những khu vực viết bằng những ngôn ngữ khác. Chúng không hề khảo sát văn học của khu vực Đông Á, một khu vực với lịch sử thuộc địa nhiều chấn thương mặc dù hiếm khi được ngành nghiên cứu hậu thực dân chú ý đến; một khu vực, hơn nữa, là nơi tập trung ba nền kinh tế lớn nhất thế giới và dân số chiếm ¼ thế giới.
Văn hóa Đông Á từ lâu được gắn với hệ thống những niềm tin chủ trương tôn sùng thiên nhiên, đặc biệt là Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo và Shinto cũng như nhiều triết lý và tôn giáo bản địa. Những phương thức tư tưởng này đã khơi gợi ý thức về môi trường của rất nhiều người châu Á cũng như người Mỹ, châu Âu và một phạm vi nhỏ hơn là các trí thức Trung Đông và châu Phi. Những hình dung phổ biến ở trong và ngoài Đông Á thường cho rằng tình trạng môi trường bị xuống cấp ở khu vực này bắt đầu xảy ra từ cuối thế kỷ XIX, khi người dân Đông Á, dưới áp lực của các quốc gia Tây phương, đã tiếp thu, đồng hóa kỹ thuật và các ngành công nghiệp của họ. Song thực chất, các xã hội Đông Á đã kế thừa cả hàng ngàn năm môi trường bị thoái hóa nghiêm trọng. Rhoades Murphey đã đi rất xa khi tranh luận:
“Tất cả những nền văn hóa châu Á thuộc khu vực ở phía đông Afghanistan và phía nam khu vực thuộc Liên Xô cũ từ lâu đã được biết đến như là những nền văn hóa tôn sùng thiên nhiên… Điều này được xem như đối lập với quan điểm của phương Tây. Thế nhưng những tư liệu ở châu Á lại cho thấy rõ rằng bất chấp những giá trị mà giới tinh hoa trí thức ở đây tuyên xưng, người dân đã làm biến đổi hoặc phá hủy môi trường châu Á sớm hơn và ở mức độ lớn hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, thậm chí so với cả phương Tây thế kỷ XX.” (“Góc nhìn châu Á” 36).
Murphy có lẽ đã quá lời trong trường hợp này vì những biến đổi môi trường mà người dân Đông Á trước đây gây nên không thể bằng với mức độ mà các xã hội phương Tây thế kỷ XX tạo ra được.
Tuy nhiên, sự không tương hợp giữa những niềm tin và những hành vi ở đây là rất đáng lưu tâm. Như nhà sử học Mark Elvin đã nhận xét về Trung Hoa:
“Trải qua hơn ba ngàn năm, người Trung Hoa đã tạo hình lại đất nước Trung Hoa. Họ phá rừng và thảm thực vật nguyên sinh, đắp những sườn đồi và biến những bậc thung lũng thành những cánh đồng. Họ đã đào, đã xây đập, đã làm chệch dòng chảy của sông hồ. Họ đã săn bắn và thuần hóa những loài động vật và chim muông, dẫn đến chỗ họ tàn phá chính môi trường sống của mình như một hệ quả phụ của việc theo đuổi mục đích cải thiện kinh tế. Đến cuối thời kỳ phong kiến, hầu như chẳng có gì có thể được gọi là ‘tự nhiên’, chưa bị chạm đến bởi quá trình bóc lột và cải hóa này… Một nghịch lý nằm ngay trong chính thái độ của người Trung Hoa đối với phong cảnh. Một mặt, phong cảnh được nhìn nhận như một phần của quyền năng tối thượng thiêng liêng. Minh triết dạy rằng con người cần hòa mình vào nhịp điệu của phong cảnh và cần phải ý thức được sự bất lực của mình trong việc nhào nặn lại nó. Nhưng mặt khác, trên thực tế, phong cảnh lại bị thuần hóa, bị biến dạng và khai thác đến mức hầu như có rất ít sự tương đương trong thế giới tiền hiện đại.” (321,323).
Heiner Roetz đã mở rộng luận điểm này, khẳng định quả quyết rằng ở Trung Hoa thời kỳ cổ -trung đại, “một sự đồng cảm với thiên nhiên, như được biểu hiện trong sách Trang Tử, chỉ là một phản ứng đơn giản chống lại những gì thật sự đang diễn ra”. (85)
Roetz đã phóng đại điểm này. Không phải tất cả những biểu hiện của sự đồng cảm, càng không thể nói những hình thức sùng bái thiên nhiên, thậm chí ngay cả những nghi thức bắt nguồn từ các xã hội làm biến đổi đáng kể môi trường, đều có thể được đọc như là những phản ứng chống lại hoàn cảnh thực tế. Nhưng đa phần đều có thể cung cấp những hình dung khác về những gì đang diễn ra trong môi trường lúc bấy giờ, chứ không chỉ đơn giản là biểu hiện của sự trân trọng, tôn thờ thiên nhiên. Dân Đông Á từ lâu đã có một ý thức sâu sắc về những tổn thất mà con người gây ra đối với môi trường, song mặc dù đã có những cam kết của các cá nhân, tổ chức, chính phủ nhằm khắc phục những thiệt hại hiện còn và hạn chế những tác hại xa hơn, sự xuống cấp của môi trường trong khu vực, nhìn chung, vẫn cho thấy những dấu hiệu của hệ lụy dai dẳng từ truyền thống đến giờ. Chắc chắn, nhiều vấn đề môi trường nổi cộm nhất ở Đông Á đã được cải thiện hơn trong vài thập niên gần đây, trong đó có vấn đề ô nhiễm không khí và nguồn nước tại đô thị ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Hoa – ở một phạm vi nhỏ hơn. Như khi quy mô dân số và mật độ phân bố thay đổi, phong cách sống biến chuyển, thì tình trạng, hay đúng hơn phạm vi của sự xuống cấp môi trường cũng thay đổi theo. Thí dụ, trong nhiều trường hợp, ô nhiễm chỉ đơn thuần là bị xuất ra, chứ không phải được khắc phục triệt để, điều này tạo nên nhiều hệ sinh thái phủ bóng (shadow ecologies).
Tương tự, văn học châu Á vốn nổi tiếng bởi sự tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên và miêu tả con người trong sự gắn bó sâu sắc với thế giới tự nhiên. Nhưng phân tích văn xuôi hư cấu và thơ ca Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hàng trăm năm qua lại cho thấy những nền văn học này lại dồi dào diễn ngôn về sự suy thoái của môi trường (ecodegradation) đến mức có thể gây ngạc nhiên cho những độc giả vốn quen với những hình ảnh đã thành ước lệ về sự hài hòa với môi trường sinh thái của người châu Á. Các nghệ sĩ và triết gia Đông Á từ lâu đã lý tưởng hóa sự tương tác giữa con người với môi trường vô nhân xung quanh họ (nonhuman surroundings). Cách thể hiện của họ tạo ra ấn tượng rằng người Đông Á, không như người Mỹ hay người châu Âu, có sự nhạy cảm cố hữu đối với môi trường, rằng họ yêu thiên nhiên và hòa hợp với nó. Tuy nhiên, việc lãng mạn hóa những mối quan hệ giữa con người và môi trường của họ thường là sự thách thức hơn là sự phản ánh cái hiện thực mang tính kinh nghiệm. Quan trọng hơn, phần lớn văn chương, thơ ca Đông Á hiện đại, thậm chí ngay cả một số sáng tác tiền hiện đại, lại đi vào miêu tả con người tàn phá mọi thứ từ những không gian nhỏ đến toàn bộ lục địa.
Các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và khoa học tự nhiên trong và ngoài khu vực Đông Á đã viết nhiều về những vấn đề môi trường ở Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thời hiện đại và tiền hiện đại, về nhiều phong trào và tổ chức chống lại sự xuống cấp của hệ sinh thái, về những phản ứng chính thống của địa phương, các vùng lãnh thổ, quốc gia trước tình trạng này. Ngược lại, phần lớn những nghiên cứu theo quan điểm chủ nghĩa nhân văn trong văn chương Đông Á khi thảo luận về mối tương tác giữa con người và thiên nhiên lại chỉ tập trung vào việc thiên nhiên dưới ngòi bút sáng tạo của các nhà văn hiện lên như thế nào, tức là dành sự chú ý đến cách văn chương ca tụng thiên nhiên, miêu tả thiên nhiên như nơi lánh trú, thường mang tính chất tưởng tượng, khỏi xã hội con người; những bức tranh văn chương mô tả sự hòa điệu của con người với thiên nhiên; hay, ở mức độ ít thường xuyên hơn, là hình ảnh con người bị khuất phục bởi những thảm họa như tuyết lở, động đất, lũ lụt. Hầu như chưa có mấy công trình bàn về những cách thương thỏa sáng tạo với những tổn thất về môi trường được thể hiện trong văn chương Đông Á, bất chấp sự hiện diện hàng ngàn năm nay của thực tế này trong văn chương Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là ở mảng tư liệu văn học thế kỷ XX-đầu thế kỷ XXI của khu vực.
Do những điều kiện môi trường và những phản ứng đối với những điều kiện này có sự khác biệt rất đáng kể giữa các nước trong khu vực, thậm chí ngay giữa những vùng miền khác nhau ở Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, những suy tư trong văn chương Đông Á về mối quan hệ giữa con người với môi trường, đặc biệt là những mối quan hệ bao hàm sự biến đổi được gây ra đối với thế giới vô nhân, cũng có sự khác biệt rất lớn theo không gian và thời gian. Trong những năm tới, các nhà phê bình sinh thái sẽ cần phải hướng đến nhiều nền văn học hơn. Như tuyển tập này cho thấy, những nền văn học đa dạng ở Đông Á là mảnh đất màu mỡ cho nghiên cứu phê bình sinh thái ở thế kỷ XXI.
Song ngay cả khi phê bình sinh thái không dồn toàn bộ sự chú ý của mình vào các văn bản và cảnh quan trong các ngôn ngữ phương Tây, đặc biệt là Mỹ thì văn chương Đông Á, cũng như những nền văn học phi phương Tây khác, xét đến cùng, không thể được xem xét một cách cô lập. Chắc chắn, lĩnh vực này sẽ được hưởng lợi khi có nhiều học giả hơn quan tâm đến văn chương Đông Á và những văn bản ngoài phương Tây khác. Như Simon Estok đã nêu ngay trong lời giới thiệu, những phản ứng đối với tình trạng khủng hoảng môi trường, thậm chí ở quy mô toàn cầu đi nữa, thường mang tính địa phương như một tất yếu, với những biểu hiện văn hóa khác nhau. Việc khảo sát những ngữ cảnh và nền văn học địa phương này là một nhiệm vụ cấp thiết, không đơn thuần chỉ nhằm lập lại thế cân bằng trước tình trạng nghiên cứu trong lĩnh vực này quá dồn vào sáng tác viết bằng tiếng Anh mà còn để đào sâu hơn nhận thức, hiểu biết của con người về nhiều cảnh quan văn hóa đa dạng trên thế giới. Và tuyển tập này đã đưa ra những ví dụ rất thú vị về sự thực hành phê bình sinh thái trong những ngữ cảnh dân tộc và văn hóa đặc thù.
Mặt khác, tuy văn hóa và những vấn đề môi trường là hai phạm trù riêng biệt nhưng chúng không phải là những hiện tượng đơn nhất và toàn cầu hóa phê bình sinh thái cũng là một nhiệm vụ cấp thiết. Chính là vì việc hệ sinh thái bị tàn phá là một hiện tượng toàn cầu nên những cách ứng xử của văn chương đối với tình trạng bị hủy hoại của môi trường thường vượt qua những nền văn hóa sản xuất và có thể xem những cách ứng xử này cùng hình thành nên các mạng lưới các chủ đề và khái niệm liên văn hóa. Xem xét những mạng lưới này sẽ là một phần của thực hành phê bình sinh thái, nếu không muốn nó đó còn là tương lai văn học. Trên thực tế, tôi cho rằng lý tưởng nhất là khi những hệ thống văn chương được nghiên cứu không chỉ trên đường ranh giới văn hóa/dân tộc mà phải còn trong những mạng lưới chủ đề và khái niệm mang tính liên văn hóa. Những mạng lưới quan trọng nhất đều hướng đến những vấn đề có ý nghĩa toàn cầu như đói nghèo, bệnh tật, tình trạng nô lê, chiến tranh và sự tàn phá môi trường. Chú ý đến những mạng lưới này, ta sẽ thấy văn học đã sẵn sàng vượt quá tất cả mọi dạng biên giới: môi trường, chính trị và quản lý, kinh tế, nhân khẩu, văn hóa và xã hội.
Những mạng lưới liên văn hóa là những mạng lưới các văn bản sáng tạo từ nhiều nền văn hóa tập trung vào những chủ đề gần gũi, cho dù tác giả của những văn bản này có chủ động tác động, gây ảnh hưởng đến văn bản của tác giả khác hay không. Werner Sollos đã chú ý đến tầm quan trọng của việc xem xét sự kiên định khi theo đuổi một đề tài:
“Bằng việc biến một đề tài cụ thể thành hằng số, sự kiên định và phạm vi của văn học có thể bắt đầu được phác họa; cùng lúc, nhiều biến số khác được mở ngỏ, mời gọi sự so sánh xuyên các thể loại và thời kỳ văn học… Điều có vẻ như mơ hồ, bí ẩn ở một tác phẩm đơn lẻ có thể được làm rõ khi tham chiếu với những văn bản văn chương và phi văn chương khác; dấu hiệu dường như mang tính cách tân cực đoan ở một văn bản hóa ra lại có thể được chia sẻ rộng rãi bởi những văn bản văn chương ra đời trước đó và những tài liệu khác; cái được ngợi ca như là sự hoàn thiện (hay như các nhà phê bình mới gọi là “sự thống nhất về đề tài”) của một văn bản đơn lẻ lại có thể nhìn nhận công bằng chúng chỉ là sự cấu hình lại những đề tài quen thuộc từ nhiều văn bản khác, có sắc thái hóa thêm ở mức độ nhất định.; những gì được xem là motif xác định trong văn chương của một nhóm sắc tộc có thể lại là đặc điểm được chia sẻ trong văn chương của nhiều nhóm sắc tộc, nhiều quốc gia khác; cái được nhìn nhận như một “sự lật đổ” một thành tố truyền thống gây sửng sốt và chú ý, tự thân nó, rất có thể lại thuộc về một truyền thống nào đó.” (25-6)
Tương tự, Rob Nixon đã rất có lý khi đề nghị thay vì tự động phong cho những văn bản văn chương xoay quanh những vấn đề môi trường như quyền sử dụng đất đai, thử vũ khí hạt nhân, ô nhiễm, tràn dầu thành những điển phạm của văn chương viết về môi trường của một dân tộc, chúng ta nên đặt những tác phẩm này trong một ngữ cảnh quốc tế và xem xét chúng từ góc nhìn so sánh. Làm như vậy, chúng ta không chỉ có thể đa dạng hóa các điển phạm văn chương về môi trường mà còn có thể xác lập lại các hệ hình phổ biến của các điển phạm này. Khảo sát văn chương viết về dầu mỏ, chẳng hạn, có thể cho phép ta khám phá những mối quan hệ giữa các văn bản của nhiều nhà văn khác nhau như các tác giả Mỹ Edna Ferber (1885-1968), Linda Hogan (1947-), Joe Kane (1899-2002) và Upton Sinclair (1878-1968); các nhà văn Nigeria như Ken Saro-Wiwa (1941-1995), John Pepper Clark (1935-) và Tayo Olafioye; và tiểu thuyết gia viết tiếng Arab người Jordan, Abdelrah-man Munif (1933-2004).
Đi xa hơn một bước trong việc tái cấu hình những hệ hình phê bình sinh thái là việc tập trung không phải vào những mạng lưới quốc gia hay thậm chí những mạng lưới được hình thành xung quanh một vấn đề môi trường cụ thể (mạng lưới đề tài) mà thay vào đó, là những mạng lưới được hình thành xung quanh những khái niệm (mạng lưới khái niệm). Thực sự nếu chỉ mở rộng phạm vi ngôn ngữ và địa lý của các văn bản đưa vào phân tích thôi thì chưa đủ. Lĩnh vực này còn cần đến những khái niệm mới, những cách tiếp cận lý thuyết mới, đặc biệt không bị giới hạn trong phạm vi những cư dân, những thời đại cụ thể. Chẳng hạn, trong cuốn Ecocritical Explorations in Literature and Cultural Studies, Patrick Murphy đã kêu gọi phát triển một thứ “lý thuyết phê bình sinh thái xuyên quốc gia”, nghĩa là ông muốn nói đến “một lý thuyết có thể cắt ngang, tức, băng qua những giới hạn của quan điểm và biên giới quốc gia… Tránh rơi vào chủ nghĩa địa phương không có nghĩa là thực hành một thứ chủ nghĩa phổ quát; nó cũng không có nghĩa là bỏ rơi ý niệm rằng phê bình sinh thái, cho dù ở bất cứ hình thức đa dạng nào, là môt thực hành văn chương, văn hóa quan trọng, thích đáng và cần thiết, cần phải được đẩy mạnh trên phạm vi toàn thế giới” (63).
Như tôi có thảo luận trong cuốn sách của mình Ecoambiguity: Environmental Crises and East Asian Literatures (2012), khái niệm mơ hồ sinh thái (ecoambiguity) – những tương tác phức tạp, đầy mâu thuẫn giữa con người và thế giới tự nhiên – đã cung cấp những khả năng mới, thú vị từ góc nhìn này. Các nhà phê bình sinh thái vẫn chưa có sự chú ý nhiều đến những sự mơ hồ phức tạp mà chúng ta phải gặp phải trong quá trình đối mặt với những vấn đề gây tranh cãi được phát sinh từ sự biến đổi và xuống cấp của hệ sinh thái và những mà thơ văn đã làm nổi bật sự thiếu vắng của những câu trả lời giản đơn, sự khan hiếm của những giải pháp dễ dàng đối với những vấn đề môi trường.
Mọi hành vi của con người đều làm biến đổi môi trường. Một vài biến đổi rất hữu hình và dễ giải thích, một vài biến đổi khác tuy nhìn thấy ngay được nhưng lại bị phớt lờ, bị khước từ, một số chỉ hiển hiện sau những khai quật khảo cổ hay những nghiên cứu khoa học, một số khác thì được coi là những giả thuyết trong khi vô số thứ khác vẫn còn không được biết đến. Mô tả những biến đổi xảy ra đối với môi trường từ lâu đã là một thách thức: thường phải cần đến những khái niệm mới, những thuật ngữ mới. Xác định đúng các tác nhân gây ra biến đổi cũng không dễ dàng hơn. Ngay cả những thủ phạm hiển hiện nhất cũng có thể được bao bọc trong những mạng lưới của của những kẻ chối tội (disclaimers). Tương tự, dự đoán chính xác sự thay đổi lúc nào cũng là việc khó khăn. Điều này thường là vì cái vô nhân (nonhuman) hiện ra hay được tưởng tượng như là một thứ vô tận, những dấu hiệu của tình trạng sắp rỗng kiệt dễ dàng bị thờ ơ hoặc không dễ thấy. Phức tạp hơn nữa là đánh giá thế nào là biến đổi, dù là trong quá khứ, ở hiện tại hay tương lai: biến đổi nào có thể được hiểu như là sự phá hại, sự phá hại nào có thể được bỏ qua, thậm chí nên khuyến khích? Simon Estok đã miêu tả những biến đổi của các hệ sinh thái chịu tác động từ con người như là những hiện tượng phần lớn bắt nguồn từ chứng “sợ sinh thái” (ecophobia), được hiểu như “một nỗi sợ hãi hay căm ghét thế giới tự nhiên vô cớ, phi lý, giống như những chứng sợ hãi/thù ghét vẫn đang hiện hữu rất tinh vi trong đời sống thường nhật cũng như trong văn chương chúng ta như thù ghét người đồng tính (homophobia), phân biệt chủng tộc và giới tính” (Ecocriticism and Shakespeare 4). Chứng sợ môi trường này, Estok viết, thường xuyên “thắng” những thứ được mặc định như là đối lập với nó: “biophilia”, được hiểu như là “sự gắn bó bẩm sinh về mặt cảm xúc giữa con người và các hệ thống hữu cơ”, và hơn thế, “ecophilia”, tình yêu thiên nhiên (“Lý thuyết hóa trong một không gian” 219). Chắc chắn, chính chứng “sợ sinh thái” này có thể giải thích khá nhiều cho ham muốn của con người xuyên suốt lịch sử là kiểm soát, chế ngự được (nhiều phần của) môi trường thiên nhiên và sự can dự của con người vào những vụ tàn phá thiên nhiên ở quy mô rất lớn như chặt phá rừng trên diện rộng và tiêu diệt các loài thú. Tương tự, “ecophilia” dường như lại thúc đẩy sự nâng niu, bảo vệ thiên nhiên cũng như sự điều hòa lại môi trường, bảo tồn nó và trên thực tế, chính nó đã khơi gợi cảm hứng cho bản thân lĩnh vực phê bình sinh thái.
Song như cụm từ mòn sáo “yêu thiên nhiên đến chết” cho thấy, những biến đổi môi trường không nhất thiết là những dấu hiệu dẫn đến nỗi sợ sinh thái hay sự sủng ái sinh thái tuyệt đối. Một định kiến chống lại yếu tố vô nhân giữ con người bên trong một căn hộ thành phố, tương đối tách lìa với tự nhiên chắc chắn sẽ điều chỉnh, biến đổi yếu tố vô nhân trong môi trường ít trực tiếp hơn và ít đáng kể hơn so với một thứ tình yêu thiên nhiên hối thúc người ta lái xe hàng giờ hay đi bộ đường dài hay đi ca – nô. Và ngay cả khi những biến đổi này được thúc đẩy chủ yếu bởi chứng sợ sinh thái hay say mê sinh thái thì tự thân chúng cũng thường dễ được đánh giá hơn. Những sự mơ hồ, không xác định này tràn vào những mối quan hệ và những cách diễn giải về mối quan hệ giữa con người và môi trường cho thấy sự mơ hồ sinh thái có thể còn nổi bật hơn là chỉ riêng nỗi sợ hãi sinh thái hay niềm say mê sinh thái không thôi.
Diễn ngôn văn chương thường xuyên lợi dụng sự mơ hồ sinh thái. Việc văn chương rất thường khi công nhiên bất tuân logic, sự chính xác, nhất quán cho phép nó luôn có khả năng phát hiện một cách sắc sảo những sự mơ hồ nói chung, và những sự mơ hồ bắt nguồn từ những tương tác giữa con người với các hệ sinh thái nói riêng. Đặc biệt hơn, tính đa trị (mutivalence) thuộc về bản chất của văn học cho phép nó làm nổi bật và thương thỏa (negotiate) được với sự mơ hồ vốn từ lâu đã bao trùm những mối tương tác giữa con người và môi trường, bao gồm cả những tương tác liên quan đến những tàn phá mà con người gây ra cho các hệ sinh thái. Sự mơ hồ ở đây xuất hiện chủ yếu không phải như một giá trị đạo đức hay thẩm mỹ mà như là triệu chứng của sự bất định thuộc bình diện nhận thức luận, được giải thích vừa cảm tính, vừa chính xác như một sự khuyết hụt ý thức và/hoặc như một thú nhận ngầm về sự bất lực của nhà văn và các nhân vật văn học.
Sự mơ hồ về môi trường tự biểu hiện ra theo nhiều cách đan bện với nhau, bao gồm cả những thái độ nước đôi đối với thiên nhiên; sự nhập nhằng trong nhận thức về điều kiện thực sự của yếu tố vô nhân trong môi trường, thường là hệ quả từ thông tin mơ hồ; những hành vi mâu thuẫn của con người đối với các hệ sinh thái; những chia rẽ, bất đồng trong thái độ, điều kiện và hành vi dẫn đến việc giảm nhẹ hoặc phó mặc vấn đề về sự xuống cấp của môi trường vô nhân một cách chủ động, cũng như việc làm hại, dù không chủ ý, chính những môi trường mà con người đang bảo vệ. Nghiên cứu của tôi trên hàng trăm tác phẩm văn chương thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau cho thấy những hình thức bị chồng chéo lên nhau của sự mơ hồ sinh thái có thể được xem là đặc điểm cơ bản của những văn bản nghệ thuật bàn về mối quan hệ giữa con người và thế giới vô nhân. Thú vị hơn cả là cách mà những văn bản này diễn đạt những sự hoán vị và ngụ ý về những sự bất đồng, chia rẽ theo trục dọc thời gian và trục ngang không gian vật lý và xã hội – nói khác đi, là cách chúng thương thỏa với những sự mơ hồ trong cái gọi là chủ nghĩa quốc tế sinh thái (ecocosmopolitanism).
Phần lớn văn chương chú ý đến những mối nguy hại đối với các hệ sinh thái, trong đó có nhiều văn bản được khảo sát trong tuyển tập này, đều mang tinh thần thế giới về môi trường, hoặc trực tiếp hay gián tiếp đề cập đến sự thoái hóa của môi trường sinh thái vượt khỏi một thời gian hay nơi chốn đơn nhất. Việc phân tích cách các văn bản này tự đặt mình trực diện với những mối bận tâm về môi trường thuộc nhiều kiểu và nhiều phạm vi khác nhau, cách chúng cùng lúc vừa mở ra vừa đóng lại trước thế giới rộng lớn hơn có thể có những đóng góp quan trọng cho nhận thức của chúng ta về mối quan hệ giữa cái địa phương, cái vùng miền và cái toàn cầu.
Patrick Hayden đã nói về “công dân môi trường toàn cầu”:
“Công dân môi trường toàn cầu có thể được xem như một thành tố của một quan niệm bao trùm hơn mang tinh thần thế giới về công dân toàn cầu… Ý niệm công dân môi trường toàn cầu nảy sinh từ mối quan tâm đạo đức về những vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế gắn với môi trường và sự phụ thuộc của nhân tính vào nó; ý niệm này cũng hình thành từ một nhận thức về những trách nhiệm toàn cầu của chúng ta về điều kiện sống của con người vì mối liên kết của nhân tính với môi trường. Do đó, công dân môi trường toàn cầu quan tâm đến những điều tốt chung cho cộng đồng nhân loại và có những sự nhấn mạnh cụ thể vào thực tế tất cả chúng ta đều là các công dân vừa thuộc về những môi trường địa phương đồng thời vừa thuộc về một môi trường toàn cầu duy nhất.” (147)
Tương tự, Ursula Heise đã đặt ra thuật ngữ “chủ nghĩa thế giới sinh thái” (ecocosmopolitan) như là:
“Một nỗ lực nhằm hình dung các cá nhân và nhóm như là bộ phận của những “cộng đồng tưởng tượng” trên hành tinh của cả con người và các thành phần vô nhân… Phê bình sinh thái mới chỉ bắt đầu khám phá những phương tiện văn hóa mà nhờ đó những mối ràng buộc đối với thế giới tự nhiên được tạo ra và duy trì và cách mà sự hình dung về những mối ràng buộc này thúc đẩy hay cản trở những hình thức can dự mang tính vùng miền, quốc gia, xuyên quốc gia như thế nào… Mục đích của một dự phóng phê bình mang tinh thần “chủ nghĩa thế giới sinh thái”… là điều tra những phương tiện nào mà các cá nhân, các nhóm trong những ngữ cảnh văn hóa cụ thể nhờ đó có thể hình dung được chính bản thân họ trong hình thức cụ thể tương ứng như là bộ phận của khối sinh quyển toàn cầu, hay nhờ phương tiện nào mà họ có thể làm được như vậy” (Sense of Place, 61-2).
Cách sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa thế giới sinh thái” của tôi có phần giống với thuật ngữ của Heise, có sự kế thừa cả quan niệm của Hayden về công dân môi trường sinh thái nhưng tôi lại chú ý đến những hình dung của con người về những mối ràng buộc và sự can dự vào thế giới tự nhiên ít hơn là tình trạng của bản thân thế giới tự nhiên, đặc biệt là những phạm vi của sự tàn phá môi trường mà một văn bản có thể nắm bắt, thể hiện được một cách vừa trực tiếp vừa hàm ẩn.
Những nguyên nhân và hình thái của sự xuống cấp sinh thái được thể hiện trong các tác phẩm văn chương hết sức đa dạng: phạm vi các giống loài chịu ảnh hưởng, gồm cả sự hiện hữu hoặc vắng mặt những nỗi đau khổ cao quý của con người; dung lượng văn bản dành để thảo luận trực tiếp về thể trạng hay những tai họa môi trường. Tương tự, văn chương cũng bàn về những sự phá hủy môi trường sinh thái ở những phạm vi không gian và thời gian khác nhau, gồm cả cái được coi là sự phá hại trong hoàn cảnh xác định – những tổn thương ngắn hạn đối với các hệ sinh thái tương đối nhỏ, khu biệt; sự phá hại trên diện rộng không gian – mức độ phá hại bị giới hạn trong phạm vi thời gian song lại ảnh hưởng đến hệ sinh thái lớn hơn hoặc nhiều hệ sinh thái; sự phá hại trên diện rộng thời gian – sự xuống cấp của môi trường diễn ra trong phạm vi thời gian lớn hơn phạm vi không gian; sự phá hại bao trùm – sự xuống cấp của môi trường vừa kéo dài về thời gian, vừa trải rộng trong không gian.
Các văn bản mang tinh thần chủ nghĩa thế giới sinh thái là những văn bản nói đến một cách bao quát về tình trạng môi trường xuống cấp trên một phạm vi mang tính toàn cầu tiềm tàng. Đó là những bài thơ hay những văn bản ngắn thường xuyên nói đến việc loài người hủy hoại mọi thứ từ những vùng rừng nhỏ đến toàn bộ hành tinh. Những biểu hiện phức tạp hơn về chủ nghĩa thế giới sinh thái có thể thấy được trong các tác phẩm văn chương trực diện miêu tả những kiểu và trường hợp đặc thù của tình trạng môi trường bị hủy hoại, bất kể quy mô, nghĩa là nó có thể bao trùm những vấn đề môi trường ở cấp vĩ mô hơn mà cũng có thể ở cấp độ nhỏ hơn. Thí dụ, ngay một bài thơ ngắn chú ý đến một con thú đơn độc ốm yếu cũng có thể nói thẳng ra được sự đau đớn của con thú này là hệ quả của sự phá rừng trên quy mô lớn. Tương tự, một tiểu thuyết dài về biến đổi khí hậu hay sự xóa sổ nhiều giống loài trên trái đất lại cũng có thể mô tả chi tiết về điều kiện của những nơi chốn cụ thể. Những văn bản mang tinh thần thế giới sinh thái khác lại miêu tả những vấn đề ở một không gian mà đó cũng là vấn đề tương tự ở những không gian khác: một tác phẩm nói về một cánh đồng bị ô nhiễm cũng có thể nói lên sự giống nhau giữa sự tàn phá trên mảnh đất này và những mối nguy hại đối với môi trường diễn ra ở một mảnh đất khác cách xa đó. Nhiều văn bản tập trung vào những biến cố xảy ra tại một nơi chốn và thời gian cụ thể vừa song song với những điều kiện ở những nơi chốn và thời gian khác, vừa nói về những trường hợp này như thể đấy là bộ phận của những mô hình lớn hơn của tình trạng suy thoái môi trường hoặc như thể chúng bao hàm trong mình những vấn đề nhỏ hơn.
Mặc dù cách xử lý của văn chương về đề tài mối quan hệ của con người với những môi trường bị phá hại thường phô diễn những mối ràng buộc chặt chẽ mang tính địa phương nhưng nhìn chung diễn ngôn văn chương về đề tài này phần nào đó lại ít mang tính văn hóa, tính dân tộc, hay thậm chí tính vùng miền hơn là về các đề tài khác, trong đó gồm cả sự tôn vinh thiên nhiên. Điều này thực sự không ngạc nhiên vì toàn cầu hóa môi trường là hình thức lâu đời nhất của toàn cầu hóa, còn có trước toàn cầu hóa kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Bên cạnh đó, nhiều nhà văn viết về sự tàn phá môi trường lại có thời gian đáng kể ở nước ngoài và đã chứng kiến sự xuống cấp của môi trường ở nhiều địa điểm, nơi chốn. Nếu như toàn cầu hóa sinh thái được cho rằng có thể làm cho văn chương mở rộng đề tài môi trường một cách thuận lợi thì toàn cầu hóa văn chương cũng có thể làm gia tăng sự chú ý đối với những vấn đề môi trường.
Tinh thần chủ nghĩa thế giới sinh thái phần lớn được thể hiện hàm ẩn, nó khơi dậy những câu hỏi về thực trạng và khả năng của môi trường. Thực trạng của môi trường quy chiếu đến những dấu hiệu khủng hoảng sinh thái mà một văn bản thể hiện trực tiếp hoặc gợi dẫn rõ ràng. Khả năng của môi trường lại biểu thị những tác hại do con người gây nên đối với moi trường dưới dạng những ẩn ý trừu tượng hơn. Đó có thể là một sự hủy hoại môi trường mà nhà văn muốn biểu đạt nhưng theo một cách không hoàn toàn tường minh; sự phán đoán của nhà văn về khả năng của môi trường theo hình thức này có thể dựa trên tri thức của nhà văn, hoặc ít nhất dựa trên những gì mà người ta có thể biết được về trí thức của nhà văn về những vấn đề môi trường. Phổ biến hơn, khả năng của môi trường quy chiếu đến cái có thể diễn dịch hoặc ngoại suy từ một tác phẩm sáng tạo, bất kể điều này có nằm trong chủ ý của tác giả hoặc có liên quan gì những hoàn cảnh xã hội và môi trường đặc thù xung quanh việc hình thành văn bản ấy. Nhiều tác phẩm văn chương tập trung vào những sự tàn phá môi trường trong phạm vi xác định có thể được đọc như sự thu nhỏ của những sự tàn phá trên diện rộng không gian, thời gian hay thậm chí cả sự tàn phá bao trùm. Do đó, trong một vài trường hợp, một bài thơ ngắn về một sinh vật đau ốm, không hàm chứa bất cứ quy chiếu nào đến những con thú khác cũng vẫn có thể được đọc như là cách nói về tình trạng tuyệt vọng của một giống loài hay nhiều giống loài ở nhiều không gian. Tương tự như thế, trong một số trường hợp, một truyện ngắn về những gì mà các sinh vật phải chịu đựng trên một cánh đồng được phun thuốc trừ sâu, với những thay đổi chẳng mấy đáng kể ở tên gọi nơi chốn, nhân vật, tên chủng loại sinh vật, cũng có thể gia tăng nhận thức về tính trạng lâm nguy của các loài động vật ở những không gian khác. Nói tóm lại, các văn bản có thể mang tinh thần thế giới sinh thái mà không cần phải miêu tả trực diện sự xuống cấp của môi trường vượt quá phạm vi thời gian-không gian đơn nhất.
Thường khó xác định liệu phán đoán về những khả năng của môi trường ở một văn bản có thể đi trước thực trạng của môi trường hay không, nhất là khi-đúng hơn, gần như bao giờ cũng thế -những khả năng là mơ hồ. Thực ra, ngay cả thứ văn học được viết từ tiêu điểm “vùng sinh thái” (bioregionalist) cũng hiếm khi xác định chính xác phạm vi không gian-thời gian của sự xuống cấp môi trường mà nó miêu tả. Song phạm vi của sự khủng hoảng môi trường mà hành tinh của chúng ta đang phải đối mặt đòi hỏi chúng ta cần phải quan sát thật kỹ những khả năng này. Điều này không có nghĩa là phủ nhận những đặc thù của tình trạng môi trường lâm nguy ở những địa điểm cá biệt hay việc cần phải hiểu những hoàn cảnh cụ thể của quá trình sản xuất văn hóa. Trường hợp sau đặc biệt quan trọng trong trường hợp nhà văn tích cực tham gia vào các phong trào môi trường hay chính trị khác, hoặc ở nơi văn bản tập trung vào những mối bận tâm về sinh thái như là hiện tượng cá biệt một nơi chốn. Hơn nữa, nền tảng và hoàn cảnh của chính độc giả cũng có thể ảnh hưởng đến cách mà những khả năng của văn bản được nắm bắt. Tuy nhiên, những nhà phân tích văn chương về đề tài khủng hoảng môi trường phải xem xét nghiêm túc các thực trạng, khả năng, và vô số vị trí ở giữa. Các văn bản văn chương, với tư cách là những sản phẩm văn hóa hữu hình, đứng bên trong, chứ không phải bên ngoài các hệ sinh thái từ quy mô địa phương đến toàn cầu, điều này cho phép chúng có đưa ra những bình luận giàu hàm lượng thông tin về nhiều môi trường khác nhau.
Những quan điểm từ lĩnh vực nghiên cứu văn học thế giới có thể đặc biệt hữu ích đối với nghiên cứu văn học và môi trường. David Damrosch đã định nghĩa văn học thế giới như:
“tất cả các tác phẩm văn chương được lưu hành vượt khỏi phạm vi nền văn hóa nguồn hoặc dưới hình thức bản dịch hoặc bằng ngôn ngữ gốc… một tác phẩm chỉ có đời sống hiệu ứng (effective) như là văn học thế giới khi nào, và ở bất cứ chỗ nào, nó là hiện diện chủ động của một hệ thống văn chương vượt khỏi phạm vi của nền văn hóa nguồn… Văn học thế giới… không phải một tập hợp điển phạm các văn bản mà là một cách đọc: một hình thức tương tác vô tư với thế giới, vượt xa khỏi giới hạn của thời gian và nơi chống của chính mình… điều này giúp chúng ta có thể hiểu được những cách mà theo đó, một tác phẩm văn chương muốn vươn đến xa hơn, hoặc muốn lệch khỏi xuất phát điểm khởi nguồn của nó.” (4,281,300)
Nhiều văn bản đề cập đến tình trạng báo động của môi trường đã được dịch sang ít nhất một thứ tiếng nhưng hầu như chưa có mấy tác phẩn có một sự hiện diện tích cực trong hệ thống văn chương rộng hơn nền văn hóa nguồn. Do vậy, nhìn chung chúng không được diễn giải như là những tác phẩm văn học thế giới. Mặt khác, hầu như tất cả những văn bản này đều nhấn mạnh đến những mối quan tâm không chỉ giới hạn trong những nền văn hóa nguồn và mang tinh thần chủ nghĩ thế giới sinh thái, hoặc trực tiếp hoặc ngầm ẩn. Có thể xem xét lại nhiều giá trị ở những văn bản này bằng cách đọc chúng như là bộ phận của văn học thế giới, nghĩa là xem xét cách chúng có thể vượt khỏi điểm khởi nguồn của mình như thế nào.
Những khủng hoảng sinh sôi trên khắp thế giới đã đặt ra một mệnh lệnh đối với nghiên cứu văn học, đòi hỏi không chỉ mở rộng phạm vi đề tài mà còn cần thiết phải hình thành một ý thức nhạy cảm hơn, sắc bén hơn về trạng thái sinh tồn của hành tinh chúng ta. Một trong những phương tiện hiệu quả nhất để tăng cường ý thức này trong nghiên cứu văn chương là hãy đọc, tiếp cận các văn bản như là những thành tố của văn học thế giới, ngay cả khi đó có thể không phải là văn học thế giới, hiểu theo quy phạm chặt chẽ, nhưng chúng lại tương tác với những vấn đề quan trọng rộng hơn phạm vi của nền văn hóa đơn nhất. (Những) Thế giới mà các văn bản này miêu tả, về mặt địa lý, vật chất, có thể nằm ngoài nơi chốn và thời gian của chúng ta, nhưng mối quan tâm mà chúng hướng đến thì lại rất gần với chính quê hương, xứ sở của ta.
Khái niệm “ý thức hành tinh” (planetary consciousness) một thời gian rất dài được kết nối với chủ nghĩa đế quốc. Bàn về lịch sử tự nhiên ở châu Âu thế kỷ XVIII, Mary Louise Pratt đã gắn “ý thức hành tinh” của thời đại này với sự đổ vỡ (disruption), sự sắp đặt lại trật tự (reordering), chủ nghĩa đế quốc và châu Âu trung tâm luận: “Cách mà người châu Âu thế kỷ XVIII hệ thống hóa thế giới tự nhiên như một dự phóng xây dựng tri thức châu Âu…đã tạo nên một thứ ý thức hành tinh mang tinh thần lấy châu Âu làm trung tâm. Thứ ý thức ấy bao quát bề mặt của trái đất, xác định các loài thực vật, động vật bằng những thuật ngữ gợi liên tưởng thị giác, quy gộp và tập hợp lại các loài này trong một trật tự hữu hạn, có tình chất tổng thể của quá trình hình thành châu Âu.” (30-1, 37). Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, văn hóa, giống loài, vốn ấn định tính chất thượng đẳng của một cộng đồng người hay một nhóm người đặc biệt, chính là cơ sở cho sự kiếm tìm hình thức cho cái “ý thức hành tinh” này. Song nếu như việc nhấn mạnh “ý thức hành tinh”có thể cũng cố những thứ chủ nghĩa địa phương, dân tộc, chủng tộc hay những thứ chủ nghĩa trung tâm luận khác thì nó cũng có thể được sử dụng để đối lập với các định kiến. Như Nelson Maldono Torres đã nhận định: “Chống lại một thứ ‘ý thức hành tinh’ được nhìn theo con mắt của châu Âu đế quốc vốn đã trở thành công cụ cho các cuộc phiêu lưu bành trướng thuộc địa của giai cấp tư sản, Dussel đã khai triển một một quan điểm khác về ‘hành tinh’… Thay vì phục vụ cho chủ nghĩa đế quốc, quan điểm ‘hành tinh’ này hướng đến việc vượt qua chủ nghĩa châu Âu trung tâm luận” (210). Đây chính xác là là mục đích của một số hình dung đương đại về ý thức hành tinh.
Trong thập niên vừa qua, những nhà phê bình như Gayatri Chakravtorty Spivak và Wai Chee Dimock đã thôi thúc các học giả thuộc cả chuyên ngành văn học so sánh lẫn văn học dân tộc hướng đến một cách tiếp cận mang ý thức hành tinh. Nói một cách đơn giản nhất, với điều này, họ muốn gia tăng phạm vi cũng như nền tảng văn hóa của nghiên cứu văn học. Dimock đề nghị đọc văn học Mỹ như một tập hợp con, chứ dứt khoát không phải như một thực thể có sức ôm chứa, bao trùm lớn nhất, của “một tổng số vô hạn những của những tập hợp (aggregates) lớn hơn được xác định theo độ dài thời gian (durations) và sự mở rộng (extensions) của bản thân con người với tư cách một giống loài, tạo thành một nếp gấp, giữa nhiều nếp gấp khác, trong văn chương Mỹ”. (5, 10-1). Quan điểm mà bà biện hộ có thể dễ dàng áp dụng, có sự điều chỉnh nhất định, với bất kỳ nền văn học nào khác, ở cấp dân tộc hay khu vực, v.v…Spivak đã đưa ra một lập luận có phần gây tranh cãi rằng:
“như là những tính tập thể được giả định được băng qua các biên giới được bảo vệ của một thứ văn học so sánh, được bổ túc thêm bởi Nghiên cứu vùng, những nền văn học này cố gắng hình dung, tưởng tượng về chính mình như thể chúng là một hành tinh văn học hơn là nền văn học của châu lục (continental), toàn cầu (global) hay thế giới (worldly)… Để thay cho một cách đọc văn học thế giới qua dịch thuật theo kiểu bản đồ hàm ẩn trong đó một sự ngạo mạn… tôi muốn đề nghị một lựa chọn khác, hãy tiếp cận văn học thế giới từ ý thức hành tinh”. (72-3)
Những liên tưởng về hành tinh đã làm phong phú nghiên cứu văn học cũng như chúng làm giàu có hơn hiểu biết của con người nói chung. Những quan niệm gần đây về chủ nghĩa nhân văn hành tinh và ý thức hành tinh nhấn mạnh đến việc cần phải phân tích các diễn ngôn văn chương, cũng như những diễn ngôn sáng tạo khác, về những vấn đề cấp thiết liên quan đến thực trạng hay mới chỉ là nguy cơ tiềm tàng của liên vùng và hành tinh. Paul Gilroy đã nói đến tầm quan trọng của việc “hình thành một thứ chủ nghĩa có khả năng hiểu được tính phổ quát của sự tổn thương ở cấp độ yếu tố bởi những sai lầm mà chúng ta gây ra cho nhau”, cũng như “một ý thức hành tinh về bi kịch, sự mong manhm ngắn ngủi của sự hiện sinh không thể phân chia được của loài người”. Tương tự, khi thảo luận về giá trị của chấp nhận một hệ hình nghiên cứu mang ý thức hành tinh rõ hơn, Dimock đưa ra vấn đề về tình trạng nô lệ – vấn đề, theo bà, mặc dù thường được nghiên cứu trong phạm vi địa lý và niên biểu nước Mỹ, nhưng đã trở thành một hiện tượng thực sự không nhận ra được khi nó diễn ra bên ngoài những tọa độ không gian-thời gian này.” (Planet and America, 6). Tuy ở đây Dimock nói về việc mở rộng nền tảng chứng cứ cho nghiên cứu lịch sử nhưng phê bình văn học cũng nên đi theo con đường tương tự, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, chẳng hạn, mạng lưới liên văn hóa của tình trạng nô lệ và sự lạm dụng các quyền con người khác. Một đường hướng phê bình như vậy sẽ phân tích các tác phẩm văn chương như sản phẩm vừa thuộc về thời gian-không gian đặc thù vừa thuộc về những kinh nghiệm mà con người cùng chia sẻ. Nhưng đáng nói là, điều thậm chí quan trọng hơn cả việc tăng cường ý thức hành tinh trong nghiên cứu văn học là việc nhận diện và phân tích những mạng lưới liên văn hóa thương lượng quan hệ giữa con người và môi trường, đặc biệt là những quan hệ liên đới đến sự xuống cấp của hệ sinh thái.
Cách tiếp cận này là cấp thiết vì một số lý do. Thứ nhất, một định hướng như thế phản chiếu chính xác hơn khách thể mà tên gọi của nó bao quát toàn bộ sự sống: “hành tinh”, chứ không phải “hoàn cầu” hay “thế giới”, ngay lập tức vừa chỉ Trái Đất của chúng ta, nói đến cả sự đa dạng và tương tác của các sinh thể sống – nhìn thấy được và không nhìn thấy được, con người và vô nhân, sinh thể và vô sinh thể, cái vĩ mô và cái vi mô ở kích thước và tác động – vốn hình thành, cư trú và chuyển di trên khắp địa cầu này. Thứ hai, như những nhà hoạt động vì công bằng môi trường và các học giả nữ quyền luận sinh thái gần đây cho thấy việc xem xét các tác phẩm văn chương nghệ thuật diễn tả mối tương tác giữa con người và môi trường, trên thực tế, đào sâu sự hiểu biết không chỉ về mối quan hệ này mà còn về mối quan hệ giữa con người với con người. Thứ ba, và cũng quan trọng hơn cả, những nghiên cứu văn chương có thể giúp chúng ta phát triển sâu hơn, nhiều sắc thái hơn những hiểu biết về mối tiếp xúc giữa con người và những yếu tố vô nhân; những hiểu biết này lại có tiềm năng thúc đẩy nhanh hơn những thay đổi văn hóa cần thiết cho việc điều hòa lại những hệ sinh thái bị tàn phá, hạn chế nhiều hơn tình trạng xuống cấp của môi trường và bảo vệ sức khỏe của con người.
Tuy nhiên, cuối cùng việc tăng cường ý thức hành tinh về văn học đi xa hơn việc mở rộng không gian địa lý của nghiên cứu văn học và xa hơn cả việc dịch chuyển đối tượng nghiên cứu từ mối quan hệ giữa con người với con người đến việc bao hàm cả trong đó mối quan hệ giữa con người và môi trường (tức là mạng lưới diễn ngôn về những mối quan hệ giữa con người và cái vô nhân). Nó cũng bao hàm cả việc đánh giá tinh thần chủ nghĩa thế giới sinh thái của những mối tương tác này: xem xét từng tác phẩm văn chương đơn lẻ, ngay cả những tác phẩm dường như chỉ tập trung thể hiện những mối quan tâm môi trường mang tính địa phương, cũng có thể làm tăng thêm ý thức về những hiện tượng văn hóa xuyên quốc gia và xuyên văn hóa. Tương tự, nó cũng đòi hỏi chúng ta đánh gia cách ứng xử của văn chương về những hiện tượng diễn ra trên quy mô rộng có thể gia tăng nhận thức về những mối quan tâm ở phạm vi nhỏ hơn như thế nào.
Khủng hoảng sinh thái xuất hiện khắp nơi trên hành tinh của chúng ta, với phạm vi thời gian và không gian địa lý vướt xa hơn bất cứ một mối quan tâm cấp thiết mang tính toàn cầu nào. Hơn bất kỳ hiện tượng nào khác, khủng hoảng môi trường hối thúc chúng ta phải suy nghĩ lại về sự sống của chúng ta, những trách nhiệm của chúng ta từ hệ quy chiếu hành tinh. Thông qua những phân tích xuyên văn hóa về các tác phẩm văn chương trực diện viết về sự tàn phá môi trường vô nhân, chúng ta có thể có có được những cái nhìn thấu thị mới mẻ vào những thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt, không cần quan tâm đến sự chuyên biệt hóa nào: đâu là cách tốt nhất để tổng hợp và phân tách những động lực (dynamics) của cái cục bộ, cái toàn cầu và mọi thứ ở giữa; đâu là cách tốt nhất để tổng hợp và phân tách những khoảng khắc trong thời gian của người từ thời gian của hành tinh và mọi thứ ở giữa?
Văn học hiếm khi nào đem đến những phương thuốc phổ biến, nó lại càng ít đưa ra được những chính sách để ngăn ngừa những nguy cơ trong tương lai hay khắc phục sự tàn phá đang diễn ra ở các cảnh quan; trong một số trường hợp, bản thân văn chương thậm chí có thể còn tiếp tay cho những hành vi phá hại môi trường mà nó tỏ ra xót xa. Nhưng việc đề ra các chính sách, ở đây chưa bàn đến việc thực thi, đòi hỏi những thay đổi trong ý thức – tức là trong hình dung, hiểu biết và kỳ vọng – đó là những thứ mà văn học, nếu được đặt đúng chỗ, có khả năng tác động rất lớn. Chắc chắn, những tụng ca về các kỳ quan thiên nhiên, ngay cả những trường hợp không đề cập gì đến những môi trường bị tổn thương, cũng có khả năng làm lay động người đọc sâu sắc, từ đó, thúc đẩy ý thức về môi trường. Bên cạnh đó, việc tôn vinh thiên nhiên, ngay cả trong những tác phẩm được xuất bản ở những xã hội đang phải chịu đựng tình trạng khủng hoảng môi trường nghiêm trọng cũng không phải là những sản phẩm tất yếu của sự không biết hay của ham muốn có vẻ như tích cực nhằm che giấu những hệ sinh thái bị phá hoại. Thay vào đó, đôi khi chúng là sự phản đối những thay đổi đang xảy ra trong thế giới kinh nghiệm. Tuy nhiên, một cách trực diện hơn, diễn ngôn văn chương về ô nhiễm, khủng hoảng môi trường – dù là phản ánh thực trạng hay tưởng tượng về những viễn cảnh có thể/không thể xảy ra đi nữa, dù được lồng vào bên trong những hình thức ca tụng, tôn vinh tự nhiên hay trở thành trung tâm của một văn bản – đều nhấn mạnh rất rõ ràng những thách thức trực tiếp mà các hệ sinh thái thuộc đủ mọi loại phải đương đầu. Tác phẩm văn chương trực tiếp đề cập đến sự tàn phá môi trường cũng có thể cho thấy những khó khăn trong việc xác định chính xác các nguyên nhân dẫn đến thực trạng này cũng như gợi ý những giải pháp hiệu quả. Và ở những mức độ khác nhau, những tác phẩm này đã đề cập đến một trong những sự mơ hồ lớn nhất của những biến đổi do con người gây ra đối với cảnh quan môi trường: đến mức độ nào thì những biến đổi này thật sự đáng lưu tâm, về mặt đạo đức cũng như về mặt sinh thái, qua không gian và thời gian? Văn chương chú ý phát hiện, miêu tả những hệ sinh thái bị đe dọa để từ đó nêu bật sự cấp thiết của một nhận thức tốt hơn về những sự phức tạp bao trùm, xuyên thấm những mối quan hệ giữa con người và môi trường, bao hàm cả những cố gắng của con ngời nhằm bảo vệ hay khắc phục các yếu tố vô nhân. Thứ văn chương này cũng trực tiếp nói đến những hậu quả khi không thể làm được điều đó. Nguy cơ lớn ở đây không phải là sự mất đi cái tự nhiên hoang dã phủ hào quang được tưởng tưởng tượng mà đáng kể hơn nữa, chính là sự mất mát sự sống thật sự của con người và của cả những yếu tố vô nhân.
Nguồn: KarenThornber, “Ecocritical and Literary Futures” in East Asian Ecocriticisms. A Critical Reader (Literatures, Cultures, and the Environment), ed. by Simon C. Estok and Won-Chung Kim, NY: Palgrave MacMillan (2013).