Đọc Mưa mặt nạ, tập truyện ngắn của Nhật Chiêu,
NXB Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2008.
“Chiều hôm ấy, gió thổi mạnh qua làng...”
Nhật Chiêu bắt đầu truyện đầu tiên của tập truyện ngắn như thế. Như muôn ngàn truyện [cổ điển hay hiện đại] khác chúng ta từng bắt gặp: Vào chiều hôm ấy, vào buổi sáng hôm ấy,...
Nhưng lạ, ở đây không có các tình tiết hấp dẫn liên diễn hòng lôi cuốn người đọc theo dõi truyện; chuyện tình lâm li làm ta xúc động đến ứa nước mắt — không; cả thuyết thoại dông dài về hiện thực xã hội khiến ta suy ngẫm hay suy diễn cũng không nốt. Mà là: “bầu trời liên tục đổi mặt nạ của mình”.
Sau đó là “một trận mưa mặt nạ”, “dân làng tranh nhau nhặt mặt nạ”, con người mua bán trao đổi mặt nạ, mang mặt nạ vào mình để “trở thành người mặt nạ” “không tài nào gỡ ra được”...
Nhưng người nhặt mặt nạ hay mặt nạ nhặt người? Tại sao người mua [mặt nạ] là bạn mà người bán cũng là bạn? Tại sao cả truyện ngắn mười bốn trang chỉ gồm toàn dấu phẩy mà chẳng xuất hiện dấu chấm nào (“Mưa mặt nạ”)? Có khi còn không cả dấu phẩy nữa (“Tiếng kêu”). Rồi, sau mỗi câu hỏi vẫn cứ vắng mặt dấu hỏi? Có hỏi Nhật Chiêu tại sao, tác giả cũng không trả lời [được]. Bởi, anh không biết, không thể biết.
“KHÔNG BIẾT”, viết hoa, chấm hết luôn truyện “Mưa mặt nạ”!
Hậu hiện đại bất tín nhận thức của con người về một thế giới hỗn mang, bất tín đến cả cái biết chuyên biệt mà ta tưởng đã nắm chắc. Ta không biết chắc thế giới, đã đành. Ta cũng chẳng biết chắc chắn ta, các suy nghĩ hay hành động thường nhật cụ thể nhất của ta. Cả lối chấm phẩy câu văn ngỡ như ta đang làm chủ nó, cũng không.
— Không biết!
“Trăng là mặt nạ của hồ ư, hay hồ chính là mặt nạ”? Trang Châu nằm mơ hóa bướm hay bướm chính là Trang Châu? Hiện thực là hiện thực thật hay chỉ là giấc mơ hóa hiện thực. Đâu là ranh giới cách ngăn giữa ảo và thực? Người và ma? Sống và chết? Văn chương và cuộc đời? Hành vi của bạn mỗi ngày do bạn chủ động hay nó phát sinh từ bao nhiêu xung động ở mạch ngầm diệu vợi mơ hồ nào đó?
Đặt hàng loạt câu hỏi như thế, người đọc lờ mờ nhận thấy bóng dáng những Trang Tử, Dostoievski hay Freud ẩn hiện đằng sau mỗi truyện trong suốt tập Mưa mặt nạ. Và cả bóng dáng Nhật Chiêu nữa, với bao cái “lạ” của anh. “Lạ ở nhạc điệu, ở giọng điệu, ở không gian, ở cấu trúc và ở không khí truyện: nó cứ hư hư thực thực” (“Nhận định của ban biên tập Tiền Vệ”, 11.2006).
Hư hư thực thực, nỗi song trùng đó lặp lại nơi truyện “Cánh bèo”. “Nó giả giọng anh”, “đúng là giọng anh”; “y khá giống tôi về ngoại hình”, hay “nó là hồn ma đeo mặt nạ”, “hồn ma của ông, đang ở trong cơ thể sống của ông”. Đột ngột nó ló mặt ra quấy nhiễu ông. Lạ, nó chính là ông, một ông khác. Một “khác” này, trong rất nhiều tình huống bất ngờ, có những hành động, lời nói khác đầy lạ lẫm, không lường trước được.
Bởi song hành với ý thức, ở bề sâu con người còn ẩn chứa vô thức và tiềm thức tác động ngấm ngầm nhưng thường trực lên cuộc sống ta. Bên cạnh giấc thức, chúng ta còn những giấc mộng lặp đi lặp lại đến ám ảnh; và bên trong con người vẫn chưa dứt hẳn sự tồn tại của con thú với những bản năng gốc sẵn sàng xổ ra khó kiềm chế!
Nên, chớ khờ khạo cho rằng con-người-ý-thức là tâm điểm của mọi hành động con người. Cả trong văn chương cũng thế, con-người chưa hẳn là nhân vật trung tâm điển hình quanh và qua nó các biến cố, sự kiện xảy ra! Trong truyện ngắn “Tiếng kêu”, “tiếng kêu” là nhân vật chính: “tiếng kêu lại đến”, “tiếng kêu rụt rè bơ vơ hiu hắt”, “tiếng kêu vang lên” hay “nở ra từ từ”,... Cũng vậy, “chiếc lồng” đã ngang nhiên trở thành ”nhân vật” chính trong “Chim đã gọi tôi”. Chiếc lồng ra đi, chiếc lồng bay, chiếc lồng nói, chiếc lồng nhìn sững, chiếc lồng vẫn bay,... “Và chiếc lồng tiếp tục lên đường”. Nhưng cả chiếc lồng cũng không giành phần làm kép chính. Ở đó còn có “tôi”, họa sĩ, nhà thơ, chim, Kafka, một câu thơ của Yves Bonnefoy,... tất cả cùng đề huề có mặt. Làm cuộc giải trung tâm cấp tập, lí thú!
Nhưng để làm gì, lối viết ấy? Nó có gây hiệu quả nghệ thuật nào không, hay đấy chỉ là trò chơi kĩ thuật đơn thuần, như vô vàn trò chơi khác đã bị các trào lưu văn chương thải loại? Hoặc giả là trò chơi trong cuộc chơi lớn hơn — trò chơi của thế giới (Le jeu du monde - M. Heidegger)?
“Văn chương là trò chơi. Chơi không với một ý đồ nào: vô cầu và vô tâm. Chỉ như thế văn chương mới không là nghiệp chướng”. Nhật Chiêu đã rạch ròi như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn (Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 30.2007). Nhưng để nhập cuộc chơi, con người cần nhiều trải nghiệm chia xé đau đớn.
“Từ khi có tiếng kêu tôi mất ngủ hằng đêm và cảm giác rõ ràng bước chân đó dấn tới mãnh liệt đi xuyên qua mọi thứ vây bọc quanh tôi
Như thể nó đi xuyên qua làn da của tôi
Như thể nó đi xuyên qua mộng mị của tôi
Tiếng kêu ám ảnh những hoàng hôn và đêm tối cô tịch của tôi.”
Và, trong “tiếng kêu” còn có “tiếng gọi”. Trong lịch sử văn học Việt Nam, một Chế Lan Viên đã từng biết đến kinh nghiệm tinh thần thẳm sâu đó, ngay từ tuổi mười bảy:
Ai kêu ta trong cùng thẳm hư vô?
Ai réo gọi trong muôn sâu chới với?
Tôi nghĩ, Nhật Chiêu đã trải nghiệm nó.
Xao xuyến ban tặng một thử thách về tính thể như là cái khác với mọi hiện vật, với điều kiện là bởi “xao xuyến” và trước xao xuyến, nghĩa là trong lo âu đơn thuần của sợ hãi, chúng ta không lẩn tránh trước tiếng nói câm lặng đang đẩy chúng ta rơi vào nỗi hãi hùng của vực thẳm... Sự dũng cảm trong sáng đối với xao xuyến tinh yếu đảm bảo cho khả tính đầy huyền nhiệm của kinh nghiệm về tính thể. Vì hãi sợ như là lo sợ trước vực thẳm cư trú gần kề xao xuyến tinh yếu. Nó mang ra ánh sáng đồng thời bao bọc chốn cư trú này của thể tính con người, trong đó họ cư trú như ở nhà mình trong Cái mà hãy còn lại.
“L’angoisse accorde une épreuve de l’Être comme de l’autre de tout étant, à supposer que par “angoisse” devant l’angoisse, c’est-à-dire dans la seule anxiété de la peur, nous ne nous dérobions pas devant la voix silencieuse qui nous dispose à l’effroire de l’abime... Le clair courage pour l’angoisse essentiale garantit la mystérieuse possibilité de l’épreuve de l’Être. Car proche de l’angoisse essentiale comme effroi de l’abime habite l’horreur. Elle éclaircit et enclôt ce champ de l’essence de l’homme, à l’intérieur duquel il demeure chez lui dans Ce qui demeure.”
(M. Heidegger, “Qu’est-ce que la métaphysique?”, Questions I,
traduit par Henry Corbin, Gallimard, Paris, 1968, p. 77-78).
Khi đã mơ hồ nhận ra rằng: “không phải đâu, mà chính ta đang kêu”, Nhật Chiêu được xao xuyến xâm chiếm đồng thời vời gọi chiêm nghiệm thanh thản xao xuyến. Anh để cho nó lan toả ra, thấm sâu vào, và trôi đi.
“Một chiếc cầu trôi ư
Đêm nay ta sẽ trôi
Chính là chiếc cầu ấy cùng với tiếng kêu của nó đã trôi vào trong giấc mơ tôi không biết lúc nào”
Cuộc sống là một giấc mộng dài. Cõi mộng triền miên hay đời thực ngắn ngủn. Dài với ngắn, thực và ảo, truyện ngắn hay bài thơ,... không biết. Vô phân biệt và vô ngại. Bài thơ là một truyện kể, truyện kể đẹp như thơ. Vô ngại giữa thể loại văn xuôi với thi ca, là cái lạ [chưa hẳn đã là] cuối cùng của Mưa mặt nạ. Bởi chỉ khi không còn tồn tại rào cản nào về mặt thể loại, động từ và tính từ, dấu chấm và dấu phẩy,... kẻ sáng tạo mới có thể viết như là thở.
Và sống trên mặt đất như là cư ngụ tại nhà.
Sài Gòn, 12.04.2008.