Một buổi sáng nọ, mấy người bạn rủ nhau lên Bình Dương mừng nhà mới của nhà thơ Chim Trắng. Theo chỉ dẫn của ông, mọi người dừng xe giữa một vùng đất rộng. Đất đã được chia lô, cắm mốc nhưng chỉ có vài ba căn nhà được xây cất. Nhà của nhà thơ Chim Trắng là một trong vài ba căn đó, nằm ở góc của hai con đường nhỏ.
1.
Nhà gọn gàng, xinh xắn. Trên tường rào lác đác hoa ti-gôn màu hồng, hoa tầm xuân tím biếc. Ao nhỏ trước nhà có hoa súng vàng. Toàn bộ đồ nội thất như tủ, giường, bàn ghế đều làm bằng tre. Giản dị mà độc đáo. Sau bữa cơm với canh chua cá lóc, thịt kho tộ, Chim Trắng mời mọi người ở lại nghỉ trưa. Ông mở tủ, lấy ra mấy chiếc võng, phát cho từng người, rồi cười: “Ngủ võng nha. Mỗi người tự tìm chỗ để treo”.
Đã gần 30 năm sống ở một thành phố lớn mà trong tủ nhà Chim Trắng vẫn còn những chiếc võng. Ký ức chiến tranh, nếp sống thời gian khổ vẫn còn đọng lại nơi ông - nhà thơ bước vào cuộc chiến ở độ tuổi đôi mươi, người từng viết những câu thơ:
Tôi chọn nơi sinh ra những căn hầm
Thời mặt đất là đêm chưa có lửa
Tôi chọn tiếng mõ tre làm điểm tựa
Mang âm thanh đi suốt cuộc đời mình.
Đã gần 30 năm sau cuộc chiến tranh, Chim Trắng vẫn còn trong cuộc đối thoại âm thầm, da diết:
Phố trưa nghiêng võng nhớ rừng
Rừng giương mắt lá như chừng ngó ta.
2.
Trong bài thơ Phía sau mình, viết năm 2002, Chim Trắng viết: “Lặng lẽ kỷ niệm, âm thầm kỷ niệm, hừng hực kỷ niệm phía sau mình, mỉm cười với mình”.
Chim Trắng sống nhiều với kỷ niệm. Thơ ông cũng vậy. Giữa phố chợ “mịt mù bụi hoa” là buổi chiều “ướt đẫm chiến khu”, là “những con đường, những cánh rừng ngùn ngụt lửa khói”, là “Lúc đốt lửa chôn đồng đội/ Lá bỗng thành con mắt đỏ tiễn đưa nhau”, là “Một tiếng ru, một nụ hôn, một góc rừng/ Một cơn sốt, một loạt bom rơi”, là “Sóng bạc đầu bầm đỏ ở đâu đây”, là người mẹ “lượm từng miểng bom”, là cô gái “Bàn chân con gái bàn chân nhỏ/ Quỵ xuống bao lần lại đứng lên”...
“Tiếng trực thăng đè nặng trong đầu”, “Tiếng chim kêu bên kia hố bom” vẫn còn vang vọng trong mỗi ngày sống, vẫn còn vang vọng trong mỗi trang thơ. Có lúc nhà thơ tự hỏi: “Lật đời ta, hỏi đời ta/ Một thời đáng nhớ thì ta nhớ gì”. Rồi lại tự trả lời: “Một thời du kích xa lơ ấy/ Mà gần như thể mẹ gần ta”. Và: “Thời gian im tiếng bom/ thời gian không chết”. Dường như, luôn luôn ông “Bơi ngược dòng sông tìm lại một bến đò/ Tìm lại một cuộc đời có đời tôi trong đó”. Dường như, luôn luôn, ông ngoái nhìn lại “Dòng sông mãi thét gào/ Thuyền em một mũi tên lao âm thầm... Nơi dày những hố bom sâu/ Máu xương đã bắc nhịp cầu tôi qua”...
Những ai không có một tuổi trẻ như nhà thơ, không trải qua cuộc chiến khốc liệt, khó có thể hiểu hết thơ ông - dòng thơ chất chứa bao hoài niệm. Có lúc ông nhẹ nhàng giải thích: “Em bây giờ làm sao em hiểu nổi/ Chuyện chiếc lá của riêng ta, chiếc lá ở rừng”. Có lúc ông quyết liệt: “Đừng hòng mong tôi đốt cháy những cánh rừng/ Tôi đã từng qua”. Có lúc ông nói với riêng mình: “Ta vuốt mặt ta, vuốt tràn bão tố”.
Những năm tháng chiến tranh là một vùng đất riêng biệt, là máu thịt, là tình yêu, là lý tưởng sống của nhà thơ:
Vì tất cả tôi ra đi
Vì tất cả tim tôi hằng ngoảnh lại.
3.
Có lần, nhân lúc vui, người bạn hỏi Chim Trắng chuyện tình duyên của ông. Chim Trắng có vẻ bối rối, nói lảng sang chuyện khác. Nhưng rồi, một lát sau, ông tự quay lại câu chuyện: “Coi dữ vậy chớ cũng đâu có gì”. Người bạn gợi chuyện: “Nhài là ai mà thấy thơ anh nhắc nhiều vậy?”. Chim Trắng đáp, giọng trầm xuống: “Là một cô bạn từ hồi còn đi học.
Sau khi trốn khỏi nhà tù ở Mỹ Tho, tôi chạy lên Sài Gòn, đổi tên, đi học lại. Nhà cô ấy ở gần chỗ trọ của tôi. Cô ấy rất xinh, là người Bắc di cư. Hai đứa rủ nhau đi coi phim, đi lên miệt Bà Điểm chơi. Cô ấy thường đợi tôi ở góc đường bên hông chợ Bà Chiểu. Ít lâu sau tôi lại bị bắt. Ra tù là lên luôn chiến khu. Tôi có dò hỏi tin tức về cô ấy. Nghe nói cô ấy lấy chồng mà không được hạnh phúc. Có lúc cô ấy còn bị bệnh tâm thần nữa”.
Người bạn vội hỏi thêm: “Thế còn BH?”. Có lẽ đã vượt qua được sự ngần ngại ban đầu, Chim Trắng kể: “Tên đầy đủ của cô ấy là Lưu Thị Bích Hồ. Cô ấy là giao liên đưa tôi đi công tác. Đoạn đường ngắn, đêm lại tối. Tôi ngồi ở mũi xuồng hút thuốc, cô ấy im lặng chèo thuyền ở phía sau. Cả hai im lặng, lúc chia tay mới nói vài câu. Cô ấy hoạt động nội thành, vừa từ Sài Gòn vào cứ. Tôi chỉ kịp nhìn thấy mái tóc thật dài của cô ấy.
Sau này, khi làm việc tại báo Văn nghệ TP.HCM, tôi có nhận được tập thơ Đồng bằng tình yêu của tôi in trong chiến khu, do cô ấy gửi tặng. Tập thơ bị cháy xém. Cô ấy còn gửi mấy bài thơ để in báo. Nhưng cô ấy không đến, cũng không cho địa chỉ. Tôi áng chừng cô ấy ở vùng Bà Quẹo hay quận Tư nhưng nhờ đến cả công an khu vực mà vẫn không tìm ra. Rất lâu sau tôi mới nghe tin hình như cô ấy bị bom napalm, da mặt bị nám đen.
Rồi Chim Trắng lặng im hút thuốc, lặng im cho đến khi người bạn chào ra về.
“Chim Trắng rất để ý đến việc ăn mặc. Ông ăn mặc lịch sự nhưng không cứng nhắc, lại có pha một chút gì bụi bặm, phong trần”. Ảnh: Hồ Thi Ca
Khi lên chơi Bà Điểm, Bất chợt mùa hè, Ẩn hiện một chân dung, Khi trở về Bà Chiểu, Trên sông Nhe-va, Thư cuối năm 2000, Cỏ khóc dưới chân tôi là những bài liên quan đến Nhài, nhắc nhớ đến Nhài. “Không có cuộc chia tay nào giữa anh và em đâu Nhài”, “Nhài ơi, tôi viết lên da/ Hỏi em còn mất, hỏi ta mất còn”, “Nhài ơi, không có bông lài ở rừng”, “Nhài ơi, đâu đó em còn hát”... Đọc thơ, khó có thể tin rằng đó chỉ là lưu dấu của một mối tình tuổi học trò.
Tín hiệu lúc hoàng hôn, Khi tình yêu lên tiếng, Với sông là những bài thơ liên quan, nhắc nhớ đến người con gái có tên BH.
Với sông là một bài thơ hay của Chim Trắng, viết vào năm 1980. Nhà thơ đã coi lời chào chia tay năm nào như một lời hẹn ước: “Tôi đi qua suốt bao miền/ Có đâu tôi dám quên nhìn lại sau”. Bài thơ được đề tặng BH và những giao liên trên tuyến sông rạch đồng bằng sông Cửu Long, với lời cảm ơn: “Cám ơn em đến vô cùng/ Cho thơ tôi viết ngược dòng sông xưa/ Để từ nơi ấy tôi đi/ Để từ nơi ấy ta về với nhau”. Câu hỏi: “Em bây giờ ở đâu” được lặp lại sau mỗi đoạn thơ là lời nhắn gửi đến người con gái có “mái tóc thật dài” trong đêm chiến tranh ngày đó. Nếu như cuộc tìm kiếm Nhài phần nào là cuộc tìm kiếm lại tuổi thiếu niên trong trắng, đẹp đẽ thì cuộc tìm kiếm BH lại chính là cuộc tìm kiếm phần nào thời thanh niên đầy hy sinh quả cảm.
Thế nhưng, nếu những người con gái ấy may mắn, hạnh phúc, chắc chắn Chim Trắng không day dứt đến vậy, chắc chắn thơ ông không có tiếng gọi tìm thống thiết nhường ấy.
Chim Trắng là vậy. Ông thường đến bên khi ai đó gặp hoạn nạn, khốn khó.
4.
Nhà thơ Thanh Thảo kể, vào cái ngày anh bị “tai nạn thơ” hồi chiến tranh, Chim Trắng, bất chấp bom đạn, bất chấp đường sá xa xôi, đã lội bộ suốt một ngày để đến thăm anh. Hai người mắc võng, nằm nói chuyện qua đêm. Sáng ra, Chim Trắng lại lội bộ về cứ của mình. Tình bạn của họ bắt đầu từ đó.
Chim Trắng hiền hòa, thảo tính nhưng khi đụng đến những vấn đề có tính nguyên tắc sống của mình, ông không bao giờ nhân nhượng. Đôi khi, ông cứ như tự rước sự vất vả, cực nhọc, rước họa vào mình vậy.
Chim Trắng cũng chỉ thực sự thân thiết với Trang Thế Hy khi nhà văn viết tác phẩm Bức tượng, bị phê phán có vấn đề về tư tưởng, khi nhà văn sống khá cô độc. Sau này, khi Tư Sâm (tên thường gọi của Trang Thế Hy) nghỉ hưu, về Bến Tre, Chim Trắng đi đi về về, chăm nom nhà văn như một người ruột thịt. Nghe tin đoàn làm phim của VTV dự tính làm phim chân dung Trang Thế Hy, Chim Trắng mừng lắm.
Chim Trắng tìm mọi cách thuyết phục, dỗ dành ông già khó tính. Chim Trắng liên hệ với Ủy ban tỉnh, với Hội Văn nghệ tìm chỗ ăn, chỗ nghỉ cho đoàn. Rồi ông tự mình lái xe đưa đoàn về Bến Tre, đưa Trang Thế Hy và đoàn làm phim đi quay hết chỗ này đến chỗ khác. Cả đạo diễn, cả quay phim, cả biên kịch suốt ngày gọi chú Ba (tên thật của Chim Trắng), hỏi chú Ba điều này điều khác, vì chú Ba rất rành Bến Tre và cũng rất rành Tư Sâm - Trang Thế Hy. Nhìn Chim Trắng lái xe, đầu húi cua, mặc áo ca-rô, đeo kính râm, cậu quay phim bảo: “Chú Ba chịu chơi thật”.
Quả thực, Chim Trắng rất để ý đến việc ăn mặc. Ông ăn mặc lịch sự nhưng không cứng nhắc, lại có pha một chút gì bụi bặm, phong trần. Chú Ba là người rất hiền, rất chu đáo. Có điều gì trục trặc, ông thường bảo “Không sao. Đừng lo” rồi tự mình tìm cách tháo gỡ. Lúc đoàn rời Bến Tre, Chim Trắng mua kẹo dừa, bánh tráng sữa để họ đem về Hà Nội làm quà. Khi phim hoàn tất, Chim Trắng lo in sang ra nhiều bản để đem về tặng Trang Thế Hy.
Thế nhưng, có lần Trang Thế Hy lạt lòng, nhận trả lời tờ báo nọ về một việc mà Chim Trắng thấy không nên, ông cự nự nhà văn. Đuối lý, nhà văn cười móm mém: “Sao ông cứ rượt tôi hoài vậy”. Trong thâm tâm, Chim Trắng không muốn có điều gì làm phương hại đến thanh danh người bạn vong niên của mình.
Chim Trắng hiền hòa, thảo tính nhưng khi đụng đến những vấn đề có tính nguyên tắc sống của mình, ông không bao giờ nhân nhượng. Đôi khi, ông cứ như tự rước sự vất vả, cực nhọc, rước họa vào mình vậy. Ông thân với Nguyên Ngọc khi Nguyên Ngọc đang bị phê phán. Ông cho in thơ Bùi Minh Quốc khi Bùi Minh Quốc còn bị nạn ở Lâm Đồng. Thời kỳ ông làm Tổng biên tập báo Văn nghệ TP.HCM, không ít lần ông bị nhắc nhở, khiển trách vì những bài tranh luận về văn học, hội họa khác với quan điểm chính thống.
5.
Nhà văn Trang Thế Hy kể: “Ổng (nhà thơ Chim Trắng) đi thực tế chiến trường ở đồng bằng. Khi trở về cứ, đến núi thì trời đã xế chiều, ổng luần quần cho tới tối thì bị lạc. Không định hướng được cơ quan ở phía nào, ổng đành giăng võng ngủ, đợi sáng. Mệt và đói mà chỉ có một trái khóm (dứa). Ổng đập trái khóm vào thân cây, bẻ ra, cạp ăn. Sáng dậy, ổng thấy trên sợi dây thắt lưng Mỹ của ổng, ngoài khẩu súng lục, còn có một con dao găm rất bén”.
Tôi tin câu chuyện này, bởi, nếu không nói đến tính đãng trí của Chim Trắng thì chưa thể hoàn chỉnh bức phác họa chân dung của ông.
Chim Trắng có thói quen rủ bạn bè đi ăn sáng, uống cà phê để trao đổi, thăm hỏi, trò chuyện (ở Sài Gòn nếu không có hẹn thì gần như người ta không bao giờ có thể nhìn thấy nhau ngoài phố đông). Mà hình như lần nào cũng xảy ra “sự cố” vì sự đãng trí của ông. Sự cố thường xảy ra nhất là quên vé gửi xe, quên chìa khóa. Sau khi ăn uống, trò chuyện, mọi người chào nhau ra về thì Chim Trắng không biết phiếu gửi xe của mình lạc đi đâu. Ông để chùm chìa khóa lên một chiếc yên xe nào đó, quày quả quay lại quán. Lát sau ông bước ra, tươi cười giơ cao mảnh giấy nhỏ nhưng chùm chìa khóa thì đã biến mất. Biết vậy, mọi người thường nhắc ông nhưng rồi sự cố vẫn cứ xảy ra.
Những ai không có một tuổi trẻ như nhà thơ, không trải qua cuộc chiến khốc liệt, khó có thể hiểu hết thơ ông - dòng thơ chất chứa bao hoài niệm.
Một nhân viên làm việc tại tuần báo Văn Nghệ TP.HCM kể, có lần thấy Chim Trắng nhấc máy cố định gọi đi đâu đó. Trong lúc ông cầm máy đợi thì điện thoại di động của ông đổ chuông, ông vội vàng cầm lên, alô, alô một hồi, chẳng có ai trả lời. Ông đeo kính nhìn vào màn hình mới biết mình đang gọi vào số di động của chính mình. Cái điện thoại di động ấy hành hạ ông không ít. Có lần nó biến mất. Ông tìm kiếm, gọi hỏi chỗ này chỗ khác mà không thấy tăm hơi, đành đi mua cái mới.
Trong lúc đó, nhân viên kháo nhau, thỉnh thoảng lại nghe tiếng gì như tiếng dế kêu trong cốp xe đậu ở sân cơ quan. Ngày nọ, Chim Trắng mở cốp xe, ông nhìn thấy chiếc điện thoại nằm chỏng chơ giữa đống sách vở, tài liệu. Ông cười: “Cũng may. Quên nó ở đầu máy thì chết”.
6.
Thế rồi, vào cuối năm 2006, Chim Trắng nhận lời đóng vai một thám tử tư trong phim của đạo diễn Mỹ Hà. Có thể, đạo diễn Mỹ Hà nhận ra chất điện ảnh trên khuôn mặt đăm đăm, trên ánh mắt gườm gườm của nhà thơ Chim Trắng. Cũng có thể, đạo diễn muốn tạo ra một sân chơi mới cho người bạn vong niên của mình. Nhưng Chim Trắng bảo đóng phim cực nhọc lắm.
Một sáng đầu năm 2007, sau một đợt đóng phim, Chim Trắng hẹn mấy người bạn ăn sáng tại 45 Đinh Công Tráng (quán này rộng rãi, yên tĩnh, có thể vừa ăn uống vừa trò chuyện lâu được). Thấy ông có vẻ bồn chồn, một người bạn hỏi: “Anh Ba có chuyện chi à”. Ông cười: “Chuyện nhỏ thôi. Mấy bữa trước nhận tiền cát-sê đóng phim cất đó. Rồi tiền nọ tiền kia cũng bỏ chung một chỗ, tiêu xài, mua sắm lung tung. Hôm qua giở ra, thấy sao còn nhiều quá. Tự nhiên nghĩ, có thể cô kế toán tính nhầm, đưa dư cho mình. Sáng nay gọi điện mà chưa gặp cô ấy. Lát nữa phải chạy qua đoàn làm phim xem sao. Chuyện có bấy nhiêu mà mất ngủ. Dạo này hay mất ngủ quá”.
Cuối đời Chim Trắng thường ở Bình Dương. Ở cái ngôi nhà có hoa hồ điệp trắng, có bầy chim sẻ hay về ấy. Ở, để “Mỗi ngày nhìn mặt trời lặn/ Cắn móng tay nhìn hoa móng tay chơi”, và để chiêm nghiệm: “Những gì đã xa/ Những ngả đường thật xa/ Thời gian phủ kín/ Những gì thật gần làm tôi bịn rịn/ Muốn tự mình hoang đi”. Và, cũng có thể, chỉ là để: “Lắc lư võng nhớ về sông quê nhà”.
Nhà thơ Chim Trắng (1938-2011) tên thật là Hồ Văn Ba, quê ở Bến Tre. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ phong trào “Bảo vệ hòa bình” của luật sư Nguyễn Hữu Thọ năm 1955, bút danh Chim Trắng cũng ra đời trong giai đoạn này. Ông từng bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam hai lần ở Mỹ Tho và Sài Gòn.
Đầu năm 1961, ông trốn ra khỏi nhà tù ở Sài Gòn, vào chiến khu, làm công tác thanh niên, làm báo, viết báo, làm thơ, biên tập và sáng tác văn học ở báo Văn nghệ Giải phóng. Sau năm 1975, ông về làm việc ở báo Văn Nghệ TP.HCM. Những năm cuối đời ông sống tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, cho đến khi mất.
Ý Nhi
Nguồn: http://nguoidothi.net.vn/pho-trua-nghieng-vong-nho-rung-12596.html