Kỳ II
Câu hỏi 4.4: Trong TVLT đã ghi rõ là 2 cụ “… sưu tập và phiên dịch ra tiếng Việt toàn bộ thơ văn từ thời Hồ đổ về trước, trong các sách vở chữ Hán còn lưu trữ tại các thư viện và trong một số tài liệu bi ký còn nằm rải rác ở các đình chùa trên miền Bắc… Các đồng chí Nguyễn Đức Vân, Đào Phương Bình, cán bộ trong tổ, đã trực tiếp tiến hành công việc đó”.
Tại sao bây giờ giáo sư lại nói các cụ không đi điền dã:
“Các cụ không có điều kiện đi về địa phương để đọc văn bia. Còn chúng tôi thì đã về tận nơi có bia để dập bia và mang về dịch trực tiếp”.
Câu hỏi 4.5: Trong TVLT ghi rõ ràng 2 cụ đã dịch văn bia: “dịch ra tiếng Việt toàn bộ thơ văn từ thời Hồ đổ về trước, trong các sách vở chữ Hán còn lưu trữ tại các thư viện và trong một số tài liệu bi ký còn nằm rải rác ở các đình chùa trên miền Bắc”.
Tại sao bây giờ lại nói 2 cụ chưa làm việc đó hay chỉ dịch 1 bài?:
“Soát kỹ lại phần văn bia khá phong phú ở cả hai tập thì thấy cụ Nguyễn Đức Vân chỉ dịch một bài văn bia Linh Xứng ca ngợi công lao Lý Thường Kiệt (mà anh Hỷ có xin chỉnh sửa lại cả văn và ý), là bài văn đã được GS Hoàng Xuân Hãn ca ngợi trong sách của ông; số còn lại phần lớn đều do anh Hỷ dịch” (NHC).
Còn có thể đưa ra nhiều câu hỏi khác, chẳng cần kiếm tư liệu minh chứng đâu xa, chỉ cần lấy ngay từ sự bất nhất – tự mâu thuẫn trong các phát biểu của chính giáo sư và những gì đã công bố trong TVLT.
NHC chế biến các bản dịch thơ của Nam Trân và sang tên cho mình (12).
5) Quay lại lời phát biểu của giáo sư: “Ông có ý đổ riệt cho tôi cái tội tiếm danh, xóa tên hai cụ đi để bộ sách nghiễm nhiên là sách của tôi”. Thiết nghĩ, những điều trình bày ở phần 4 nói trên đã đủ chứng minh điều tôi cáo buộc. Nếu chưa thỏa mãn, xin chép lại đoạn văn với những câu hỏi mà tôi đã đăng trong bài trước (1) , mà giáo sư cố ý hay vô tình lờ đi không trả lời:
“Và hơn nữa, còn có sự cố tình xóa bỏ dần vai trò cũng như đóng góp của các cụ Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình. Như trên đã nói, 2 cụ bắt đầu tiến hành từ năm 1960 và đến năm 1965 đã bước đầu hoàn thành việc sưu tập và biên dịch. Thế nhưng, ngày 5 tháng 9 năm 2007, trong nghiệm thu đề cương công trình “Tuyển tập thơ văn Lý – Trần” do Nguyễn Huệ Chi làm chủ biên thì phạm vi công việc đã bị thu hẹp lại một cách đáng kể, chỉ còn lại các tác phẩm đã in từ trước. Tức là những tìm kiếm – sưu tầm (và biên dịch) các tác phẩm, văn bia thất tán, tản mác tại các đình chùa khắp nơi trên miền Bắc không còn được tính đến:
“Viện Văn học đã giao cho nhóm cụ Nguyễn Đức Vân – Tổ Hán văn, các cụ chỉ tuyển trên cơ sở các tác phẩm đã in từ trước, từ thế kỷ X – XV nên không được thông qua” (9)
Tiếp theo, trong thuyết minh đề tài “Tuyển tập thơ văn Lý – Trần” cho “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” cũng do Nguyễn Huệ Chi chủ biên thì vai trò của 2 cụ Vân và Bình hoàn toàn bị gạt bỏ. Trong phần “Mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ” của bản đề cương ghi rõ:
“Việc sưu tầm, nghiên cứu được đặt ra từ 1968,…” (10)
Câu hỏi 5: Giáo sư trả lời như thế nào về việc thu hẹp dần và cuối cùng là xóa bỏ hoàn toàn vai trò của 2 cụ Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình? Trong trả lời điện thoại giáo sư Nguyễn Đình Chú (được đăng lại trên Talawas ngày 22-10-2008), giáo sư có trả lời:
“NHC: Tôi sơ suất – xin lỗi.
NÐC: Huệ Chi mà cũng sơ suất thế à?
NHC: Ðược rồi, rồi đây tôi sẽ đưa tên các cụ lên đầu”
Một lần thì còn bảo là nhầm, nhiều lần vẫn nhầm sẽ được hiểu như thế nào?
6) Quay lại chuyện dịch thơ. Giáo sư khoe:
“Khốn nỗi tôi lại là người kỹ tính đến độ một bài thơ do mình dịch ra bao giờ cũng nâng lên đặt xuống, xóa đi dịch lại nhiều lần. Phải hơi kỳ khu trong dùng chữ, phải hiện đại một chút trong biểu đạt mới chịu. Ông biết đấy, chỉ một việc dịch thơ đã làm khổ tôi đến thế thì đi nhận xằng những bài dịch mộc mạc chân chất của người sẽ còn khổ tôi đến thế nào”(4)
Giáo sư nói ông không phải là “người thích huênh hoang”, lần tự khoe trước chỉ là phản ứng tức thời nhằm chống lại dụng tâm của ông Kiều Mai Sơn. Vậy thì lần này được hiểu thế nào, chắc cũng vẫn là phản ứng tức thời?
Trong bài trước, tôi đã nói rõ về vị trí của dịch thơ trong công trình đặc thù này. Dịch thơ nếu hay được thì cũng rất tốt, nhưng với TVLT theo tôi đó là việc thứ yếu (tất nhiên, giáo sư và ban soạn thảo có thể nghĩ khác). Việc chính của TVLT là khôi phục lại tài sản văn hóa của cha ông xưa, tìm kiếm lại các văn bản, giải nghĩa và giải mã để mọi người biết được cha ông đã để lại những gì, triết lý sống, thế giới quan, tinh thần, tâm lý… ra sao? Đấy mới là mục tiêu và giá trị của TVLT, chứ không phải là dịch thơ hay. Do vậy, việc tìm kiếm – sưu tầm và dịch nghĩa mới đóng vai trò cốt lõi. Chưa nói, trên thực tế không thiếu người chẳng cần biết ngoại ngữ hay Hán cổ vẫn dịch được thơ, thậm chí là hay. Nhưng đọc không hiểu, không có người dịch nghĩa, không có những “bài dịch mộc mạc chân chất” thì lấy gì mà dịch thơ? Hay giáo sư định dùng cái vốn Hán học như mình đã thể hiện và đã được đề cập ở mục 3 ở trên để dịch các văn bản Hán cổ?
Tự cho mình là kỹ tính, khi dịch “bao giờ cũng nâng lên đặt xuống, xóa đi dịch lại nhiều lần. Phải hơi kỳ khu trong dùng chữ, phải hiện đại một chút trong biểu đạt mới chịu”, nhưng sao giáo sư lại phải pha chế thế này?
“Ðặc biệt, trong đó có một mẩu cụ Vân đã dịch nghĩa, dịch thơ và khảo đính mà ông đã pha chế thì chẳng ra gì, thậm chí còn là hao hụt, rồi đề thêm tên mình cùng cụ Vân.
NHC: Hồi bấy giờ, cụ Nam Trân cũng làm thế.
Cảm hoài – Ảnh chụp từ TVLT và lưu bút của cụ Vân (Ảnh tư liệu, Fb: Son Mai Kieu).
NÐC: Tôi chả biết cụ Nam Trân có làm hay không, chỉ biết ông làm thế”
Ừ thì khi sách in năm 1989 tên người dịch đã được trả lại cho cụ Vân. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, bỏ qua chuyện tác quyền ai là tác giả dịch bài thơ, phải chăng đây là cách giáo sư vẫn “nâng lên đặt xuống”?
Bản thảo của cụ Vân đã bị thủ tiêu (hay bị giấu) nên giáo sư nói thế nào chẳng được? Lấy gì làm chứng là không có các bài khác mà cụ cũng đã dịch thơ và được giáo sư “nâng lên đặt xuống” thành tên của mình?
Mà giáo sư đâu có chỉ nâng lên đặt xuống với TVLT, còn những vụ khác thì sao? Chẳng hạn chuyện chế biến, sửa bản dịch của cụ Nam Trân, thầy dạy của giáo sư, rồi sang tên
cho mình:
Tuyên ngôn thì tuyệt vời: “Khốn nỗi tôi lại là người kỹ tính đến độ một bài thơ do mình dịch ra bao giờ cũng nâng lên đặt xuống, xóa đi dịch lại nhiều lần. Phải hơi kỳ khu trong dùng chữ, phải hiện đại một chút trong biểu đạt mới chịu”, thực tiễn thì hoàn toàn ngược lại. Những người làm khoa học đứng đắn chắc không ai làm như vậy, thưa giáo sư. Chi tiết hơn có thể đọc bài “Mai Quốc Liên soi công việc dịch “Nhật ký trong tù” của Huệ Chi” được chia sẻ lại tại Giao Blog ngày 27-7-2014 (13) hay chính bài viết của Mai Quốc Liên mà tôi xin không kể lại đây.
Câu hỏi 6: Giáo sư giải thích chuyện này là thế nào?
Đọc bài trả lời của giáo sư Nguyễn Huệ Chi bạn đọc nếu không rõ sự tình sẽ dễ sa vào cảm nhận là ông rất nhã nhặn, có tình có lý, và trọng thị với 2 cụ Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình. Ông viết:
“Đọc đi đọc lại Lời nói đầu Tập II Quyển Thượng này, tôi thấy viết như thế là tương đối nghiêm chỉnh, đặt hai cụ vào giữa lớp dịch giả tiền bối và lớp hiện tại là xác đáng, và không chỉ coi trọng các bậc tiền bối và hai cụ mà cũng không bỏ sót bất cứ ai chúng tôi đã từng tham vấn dù chỉ một điển cố hay một chữ, kể cả với các bạn ở nhóm Lý – Trần 2 như Trần Nghĩa, hoặc các bạn trước ở trong cùng nhóm biên soạn với mình mà lúc này đã đi sang cơ quan khác” (4)
Bề ngoài thì đóng vai đạo đức như vậy nhưng thực tế có phải vậy không? Không! Việc làm đi ngược lại với lời nói! Đọc lại những điều tôi nói ở trên chắc bạn đọc đã thấy rõ Nguyễn Huệ Chi đối xử với hai cụ Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình, các bậc tiền bối và thầy học của mình như thế nào? Những dòng NHC viết trên, hay những phát biểu ra vẻ trân trọng các cụ lâu nay thực chất chỉ là sự ngụy biện, che đậy cho việc làm khuất tất của mình. Cụ thể là thế nào? Cụ Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình là hai người chủ công, trực tiếp làm “vài chục năm nay” (NHC), còn các bậc tiền bối khác không trực tiếp tham gia, chỉ là người có bài dịch được sử dụng. Vai trò của hai cụ Vân và Bình không chỉ là người bắt đầu như giáo sư nói mà còn là những người trực tiếp, đóng góp rất nhiều vào việc tìm kiếm – sưu tầm, dịch nghĩa, dịch thơ…
Câu hỏi 7: Xóa bỏ công sức kết quả rồi đánh đồng người làm trực tiếp với người không làm trực tiếp như vậy có thể coi là nghiêm chỉnh và xác đáng?
8) Tôi hiểu TVLT không phải chỉ có 2 cụ Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình làm mà còn cả công sức nhiều người khác trong đó có giáo sư và các đồng sự. Và từ lúc 2 nhóm biên soạn được thành lập phạm vi, khối lượng của bộ tuyển tập chắc cũng được mở rộng. Tôi không phủ nhận điều đó! Tuy nhiên, sự đóng góp của các cụ hầu như bị xóa bỏ, còn lại không đáng kể thì như những phân tích ở trên, chắc chắn là không phải! Tôi thực sự không biết các cụ làm bao nhiêu bài và cũng không bình luận về những con số mà giáo sư đưa ra. Đơn giản là vì bản thảo, vật chứng đã bị thủ tiêu (hay che giấu) thì đâu biết được những bài nào giáo sư và ai đó đã sang tên?
Cảm hoài – Ảnh chụp lưu bút của cụ Vân (Ảnh tư liệu, Fb: Son Mai Kieu).
“Tôi thử lấy 1 bản dịch trong Thơ văn Lý – Trần tập 1 (in 1977) và 1 bản dịch viết tay của cụ Nguyễn Đức Vân về Thơ văn Lý – Trần. Đó là bài CẢM HOÀI của Kiều Phù (Bảo Giám) thì tên cụ Nguyễn Đức Vân không có.
Trong khi cụ Nguyễn Đức Vân dịch đủ cả 2 bài thơ (1-2) và phần lời nhà sư cũng được cụ dịch trong bản thảo. Thế rồi, bài CẢM HOÀI (1) Giáo sư Nguyễn Huệ Chi nhẹ nhàng gạt cụ Nguyễn Đức Vân ra để nhẹ nhàng đưa bản dịch của ông bố mình là Nguyễn Đổng Chi vào” (14) (Fb: Son Mai Kieu).
Giáo sư có nói không tin ai đó tự ý đoạt rồi sang tên các bài mà hai cụ đã làm và đây là công trình tập thể chứ không phải sách của riêng giáo sư. Thiết nghĩ, với những người liên đới thì chuyện giáo sư tin hay không tin, không có mấy giá trị. Khi cần che chắn thì giáo sư lôi cả tập thể vào, nhưng lúc khoe công thì một mình giáo sư hưởng. Vì giáo sư là chủ sự vụ này nên tạm thời tôi mới chỉ đặt vấn đề riêng với giáo sư.
Thực ra, muốn biết chính xác công sức các cụ tham gia đến đâu, ít hay nhiều là việc làm rất đơn giản: công bố toàn bộ các bản thảo viết tay của hai cụ Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình! Còn khi đã thủ tiêu hồ sơ hay che giấu chúng thì giáo sư có thao thao bất tuyệt kể đến mấy cũng vô nghĩa. Vì đơn giản là nó không được chứng minh và chẳng có chứng cứ! Hơn nữa, như tôi đã chỉ ra và phân tích ở phía trên: có quá nhiều điều bất nhất và tự mâu thuẫn.
Bạn đọc có khả năng phân tích sẽ nhận thấy điều này!
9) Có thể có người sẽ hỏi: Tay Boristo Nguyên là ai, ở đâu ra mà xông vào đánh giáo sư, thần tượng của không ít người? Động cơ gì?
Xin thưa: Tôi là cháu cụ Nguyễn Đức Vân. Là cháu, tôi nghĩ, tôi có quyền khôi phục lại sự thật cho ông mình! Ngoài ra không có bất cứ động cơ nào khác!
Cũng xin nói thêm: Tôi là dân khoa học tự nhiên, không phải dân Văn hay KHXH, lại nhiều chục năm sống ở Nga, chịu ảnh hưởng của văn hóa Nga nên quen nói thẳng không vòng vo, tư biện. Tôi nói chỉ dựa trên bằng cứ và lập luận logic! Tôi có thể hạ nhục giáo sư Nguyễn Huệ Chi được không, nếu như ông là người trong sạch? Vấn đề cốt lõi là sự thực ở đâu? Xin bạn đọc hãy lưu tâm vào chính những lập luận mà tôi đưa ra trong bài viết (cũng như bài viết trước) và đánh giá chúng có đủ để chứng minh cho những cáo buộc mà mình nêu ra hay không? Nếu không, xin hãy chỉ ra chỗ không đúng chỗ nào?
Không hiểu giáo sư Nguyễn Huệ Chi có dám trả lời thẳng vào những câu hỏi mà tôi nêu ra ở trên! Hay ít nhất cũng trả lời một đôi câu hỏi rút gọn này:
Câu hỏi 8, cuối cùng: Trong vòng mấy chục năm làm việc kết quả của hai cụ Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình (là những nhà Hán học đã có rất nhiều công trình dịch thuật và là những người làm việc cần mẫn), tại sao chỉ vẻn vẹn có một vài bài khiêm tốn như vậy, liệu có gì không bình thường? Nếu chỉ với kết quả khiêm tốn như vậy, tại sao trong lời nói đầu của TVLT lại ghi “Đến năm 1965 thì việc sưu tập cũng như việc phiên dịch bước đầu đã hoàn thành”? Và cuối cùng, tại sao các phát biểu của giáo sư lại có những bất nhất, tự mâu thuẫn như tôi đã chỉ ra trong bài viết này?
Cụ Vân mất cũng đã gần nửa thế kỷ. Khi sống, cụ là người khiêm nhường, công danh không màng thì bây giờ chuyện ghi tên hay không với cụ cũng là vô nghĩa, đâu có mang theo được sang thế giới bên kia?
Bản thảo viết tay TVLT, 911 trang (Ảnh tư liệu, Fb: Son Mai Kieu).
Con cháu cụ cũng vậy, coi chuyện công danh như vật ngoại thân, cũng chẳng coi quá quan trọng. Nếu không cũng chẳng phải chờ sau nhiều chục năm chuyện TVLT mới được khơi lại. Có thể giáo sư không biết: Lẽ ra cuộc tranh luận này đã không xảy ra. Mười năm trước đây, sau bài viết của GS Nguyễn Đình Chú tại Talawas cứ nghĩ giáo sư đã biết lỗi và im lặng (cũng là một cách nhận lỗi), con cháu cụ Vân đã coi cho qua. Nhưng một năm trước tình cờ vào trang facebook Son Mai Kieu thấy giáo sư khoe vì TVLT mà được chi bộ đề nghị kết nạp Đảng, tôi có trao đổi qua lại đôi dòng với giáo sư. Thực tình hôm đó tôi cũng thấy buồn cười, nếu là ở địa vị mình tôi sẽ không bao giờ lại khoe chuyện được mời vào Đảng. Tuy nhiên, đấy là chuyện riêng của giáo sư, tôi không quan tâm. Cái mà tôi (và không ít người khác) rất không hài lòng là việc giáo sư hạ thấp trình độ hai cụ Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình (xin xem lại bài viết trước của tôi (1)). Lỡ làm bậy, ngụy biện bao che cho mình thì còn hiểu và thông cảm được nhưng lấp liếm bằng cách bất nhẫn như vậy với các bậc tiền bối, ngay cả với thầy dạy mình thì không thể chấp nhận được! Lúc đó tôi đã định viết bài nhưng sau nghĩ lại thôi, dù sao hiện giáo sư cũng đã có tuổi. Nhưng đến gần đây, khi trả lời Văn Việt (xem video trên youtube (3)), giáo sư vẫn tiếp tục khoe khoang, bất nhẫn với hai cụ Vân, Bình. Đó là lý do buộc tôi không thể im lặng mà nói lại sự thật để mọi người biết về vụ “đại án văn chương của thế kỷ XX” và con người giáo sư NHC là như thế nào.
Nói nhiều không bằng vật chứng. Xin tặng giáo sư 2 bức ảnh chụp tư liệu và mấy lời sau của ông Kiều Mai Sơn:
“Đây là bản thảo những trang đầu tiên tập Thơ văn Lý – Trần viết tay. Góc trên cùng bên trái là bút tích nhà thơ Nam Trân. Cuối trang, có bút tích tổng cộng 911 trang, đánh số trang ngày 26/1/1969 tại… (có lẽ là địa điểm Viện Văn học sơ tán). Chữ ký tắt tên của PGS Nguyễn Văn Hoàn.
Hai cụ già Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình đã tổ chức được bản thảo 911 trang tức là không phải ít. Mà tập bản thảo này được bảo quản giữ gìn trong chiến tranh khi máy bay Mỹ ném bom từ năm 1967 – ít nhất là trước khi nhà thơ Nam Trân mất đến khi PGS Nguyễn Văn Hoàn đánh số trang năm 1969. Nó chỉ bị thất lạc, ém nhẹm và phi tang sau đó. Điều này hẳn GS Nguyễn Huệ Chi rành hơn ai hết”.
Với những gì giáo sư đã làm với hai cụ Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình, nếu là người còn chút lương tâm, tôi nghĩ giáo sư nên chính thức có lời xin lỗi! Ít ra là tôi sẽ bỏ qua, coi như ở đời mấy ai không mắc sai lầm.
Ngược lại, nếu thích, giáo sư cứ tiếp tục ôm cái hư danh mà TVLT đã đem lại cho mình!
Nhưng nên nhớ: Khi mặt nạ đã rơi, cái vỏ đạo đức đã bị gỡ bỏ thì cũng là lúc sự thật đã được phơi bày ra ánh sáng!
Nhà Phật nói: Tạo nghiệp sẽ được hưởng nghiệp!
Cofu, 23-7-2018
Boristo Nguyen
Nguồn: Tuần báo Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh số 511
———————————
(1) Boristo Nguyen. Thơ văn Lý – Trần – Nghĩ về “tư cách trí thức” của GS. Nguyễn Huệ Chi. Tuần báo Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 502.
(3) Video: Văn Việt trò chuyện cùng Nhà nghiên cứu, GS Nguyễn Huệ Chi, youtube, 20-2-2018.
(4) Nguyễn Huệ Chi. Vài lời đáp lại ông Boristo Nguyen. Tuần báo Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh,số 504.
(9) Nghiệm thu đề cương công trình “Tuyển tập thơ văn Lý – Trần” do GS. Nguyễn Huệ Chi chủ biên tại NXB Hà Nội, 5-9-2007.
(10) Đề cương biên soạn “Tuyển tập thơ văn Lý – Trần” thuộc tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, chủ biên Nguyễn Huệ Chi, NXB Hà Nội.
(12) “Mong bác Mai Quốc Liên làm rõ hơn, lẽ nào “Nhật ký trong tù” chỉ có mấy chục bài thôi sao?”. Giao Blog, 27-7-2014 .
(13) “Mai Quốc Liên soi công việc dịch “Nhật ký trong tù” của Huệ Chi”. Giao Blog, 27-7-2014.
(14) Kiều Mai Sơn. “Xin hỏi giáo sư Nguyễn Huệ Chi”, Facebook Son Mai Kieu, ngày 21-7-2018.