Cõi nhân sinh trong Milano Sài Gòn, đang về hay sang? của Trương Văn Dân

                  Không hiểu tại sao, khi nghĩ về Cõi nhân sinh trong tập truyện ngắn & tùy bút Milano Sài Gòn, đang về hay sang? của Trương Văn Dân, tôi lại nhớ đến ca khúc nổi tiếng “Một Cõi đi về” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bởi trong Milano Sài Gòn, đang về hay sang? ẩn chứa rất nhiều suy tư đầy tính triết luận của Trương Vân Dân về thân phận con người trong cõi nhân sinh và tất nhiên trong đó, không thể không có những ưu lo về cái chết. Song, nếu ở Một cõi đi về của Trịnh Công Sơn hướng con người suy tư về cõi chết thì ở Milano Sài Gòn, đang về hay sang? của Trương Văn Dân  không chỉ nói về cái chết, về cõi hư vô trong phận số con người mà còn luận bàn về sự sống trong cõi nhân sinh mà trong cảm quan của một nhà khoa học viết văn anh nhận ra ở đó đang chứa đầy những bất ổn, bất an, bất toàn… đang rình rập để cướp đi những khoảnh khắc hạnh phúc  nhỏ nhoi của con người, được mệnh danh là đang sống trong một xã hội hiện đại của thời công nghiệp 4.0.

             Là một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về hóa, sinh, lại đam mê sáng tác văn học, nên cảm quan sáng tạo luôn hiện hữu và dày xéo tâm hồn Trương Văn Dân là nỗi đớn đau trước sự tàn phá môi trường sống của con người từ những “phát kiến” được phủ một lớp vỏ danh từ gọi là “văn minh”, “hiện đại” nhưng ẩn chứa trong đó là những điều phi nhân bản và thường chỉ phục vụ cho mưu cầu “kiếm tiền” của những nhóm lợi ích nhưng luôn nhân danh những điều lớn lao. Đó cũng là điều luôn ám ảnh tâm thức người đọc khi đến với cõi nhân sinh trong sáng tác của Trương Văn Dân mà chính mỗi chúng ta cũng là một nạn nhân đang vẫy vùng trong đó. Ta hãy nghe anh chia sẻ: “Văn minh hiện đại là tăng áp lực lên mọi người và dồn nhau vào một không gian sống chật hẹp thiếu cây xanh, đầy khói bụi ô nhiễm” (tr.83) Vậy mà, trong cái không gian chật hẹp ấy tưởng như con người xích lại gần nhau hơn, chia sẻ yêu thương nhau hơn. Nhưng không, chính trong cái không gian chật hẹp ấy sự hiện hữu của nền văn minh công nghệ qua những phương tiện thông tin hiện đại như điện thoại thông minh lại là nguyên nhân chia cắt sự gắn bó giữa con người trong cuộc đời thực, để họ chỉ còn gặp nhau trong thế giới ảo mà “lưỡi dao công nghệ thông tin đang cắt lìa con người khỏi không gian xung quanh mình. Nó phá hủy sợi dây liên kết giữa con người với thế giới thực tại. Bao người đang trở thành “nô lệ” vào chiếc smartphone mà không hay biết” nên những cuộc hội ngộ giữa con người kể cả những người bạn chí cốt sau mấy chục năm cũng là một “Cuộc hội ngộ câm” (tên một truyện ngắn của TVD). Phải chăng những “cuộc hội ngộ câm” mà Trương Văn Dân nói đến đã giết chết dần cảm xúc của trái tim con người trong cõi nhân sinh của thời kỳ được gọi là “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Tôi rất tâm đắc về tính biểu tượng của hình ảnh “cuộc hội ngộ câm” mà tác giả đã khái quát. Cuộc “hội ngộ câm” ấy, hiện nay đã xâm nhập vào cuộc sống của từng gia đình, từng cộng đồng và tất nhiên nó như một thứ dịch bệnh đang làm giá băng tâm hồn con người, khiến con người dù đang ở cạnh nhau, thậm chí ở trong nhau mà vẫn hững hờ với nhau. Sự cảnh báo của nhà văn về căn bệnh “hội ngộ câm” này, vì thế là một cảnh báo đầy tính nhân bản. Và những trăn trở về sự tàn phá của con người với môi trường sống qua cảm nhận của Trương Văn Dân, còn thể hiện trong các bài viết Khi còn chiến tranh là còn hy vọng, Thiên đường và địa ngục… mà trong nhãn quan của anh, sự độc tôn nền văn minh vật chất là căn nguyên đang làm tha hóa con người. Bởi theo Trương Văn Dân “Nếu sống chỉ chạy theo vật chất là sai lầm. Hạnh phúc là sống bình an. Có lẽ vì thế mà nhiều nước đang xét lại sự phát triển của mình và nghiên cứu kinh sách Phật giáo và triết học phương Đông” (tr.52). Và để có cuộc sống an lành này tác giả khuyến cáo: “Thế giới này cần tạo một cuộc cách mạng mới. Mục đích là bỏ nguồn năng lượng dựa vào nhiên liệu hoá thạch và triệt để sử dụng năng lượng tái tạo trong thế kỷ XXI  (…) trí tuệ nhân loại phải hướng về điều này thay vì làm điện thoại di động, TV, Xe hơi, Computer… đời mới. Và đây mới là sự thách thức cho tương lai.” (tr.53)  Và khi càng trăn trở, dằn vặt như thế, Trương Văn Dân càng suy tư về các giá trị tinh thần trong cõi nhân sinh cần được giữ gìn. Đó là những  giá trị mà không có một nền văn minh vật chất nào dù hiện đại đến mấy có thế thay thế. Bởi, người ta có thể chế tạo những robôt hiện đại, đa năng với những kỹ năng, kỹ xão tinh vi thay con người phục vụ trong các dây chuyền công nghệ sản xuất ra của cải vật chất nhưng không thể chế tạo ra những robốt biết rung động thay con người trước tình yêu với nụ hôn đầu đời. Điều mà họa sĩ – nhà văn Tạ Tỵ trong tạp văn Ý Nghĩ (Nxb. Khai phóng, Sài Gòn, 1974) đã cảm thán đại ý: Hỡi những cột ăng ten, những bóng đèn điện tử, biết bao giờ các ngươi có được một linh hồn hay suốt đời chỉ mang tên hai tiếng: Phương Tiện.

             Có phải xuất phát từ trường tư tưởng thẩm mỹ như thế mà cõi nhân sinh trong Milano Sài Gòn, đang về hay sang?, Trương Văn Dân đã dành nhiều trang viết cho những vùng đất anh đến và đi, cho những con người mà anh đã gặp trong cõi đời rong ruỗi của mình với một cảm hứng đầy chất trữ tình. Vì anh ý thức những phương tiện công nghệ kia không thể thay anh chia sẻ những tình cảm ấm nóng từ trái tim của anh đến với những người mà anh yêu quí. Đó là những lần gặp mặt bạn bè trong câu chuyện “Cuộc hội ngộ của những trái tim”, là hình ảnh một Kiệt Tấn phong tình và đầy nghệ sĩ tính ở bài viết “Kiệt Tấn đôi khi thèm chết nhưng vẫn mê đời”, là câu chuyện về những Thằng bạn già nhớ mẹ đầy da diết và cảm động, là câu chuyện về người bạn Huỳnh Kim Bửu với Tiếng hạc bay trên sông Côn, hay hình ảnh bạn bè trong câu chuyện Mùa thu những chiếc lá tìm nhau… mà câu chuyện nào, hình ảnh nào cũng thấm đẫm sự chân tình yêu mến của tình người. Đó là sự gặp gỡ từ những cuộc ra đi và  những cuộc trở về trong cõi nhân sinh mà anh trải nghiệm với tư cách là một thực thể. Hình như những cuộc thiên di trong cuộc đời anh và những con người anh đã gặp, thể hiện qua những bài viết, những câu chuyện mà anh chia sẻ trong tác phẩm đều là những cuộc thiên di định mệnh trong hành trình sống của thân phận lưu đày. Đó là cảm giác “mênh mông và cô độc” khi anh vừa đặt chân trên đất Mỹ mà trong cảm nhận của anh “Vẫn là những căn nhà xinh xắn, khang trang, sân trước vườn sau, nhưng khoảng cách từ nhà này đến nhà kia trông giống như những dòng kênh mà vắng bóng chiếc cầu, chia cắt.” (tr.108). Vì thế, khi nói về cuộc sống của những người Việt xa tổ quốc đang sống ở Mỹ anh đã cảm nhận: “sự cô đơn và lạc lõng ở Mỹ dễ khiến những người già bị trầm cảm. Họ cô đơn sống qua ngày trong những căn nhà đóng kín… thi thoảng mới có thể tổ chức gặp nhau để tha hồ kể chuyện đời xưa” (tr.109) (Mùa thu những chiếc lá tìm nhau). Hay cảm giác đầy hoài niệm của kiếp lãng du khi anh đến Paris lúc: “trời trong và đẹp. Thật là may mắn. Thiện nói mấy ngày trước Paris cũng mưa lạnh. Vào nhà Thiện mở cửa nhìn xuống, sườn dốc một màu xanh, thoai thoải. Chợt nhớ những đêm đốt lửa sưởi ấm mùa đông ở Đà Lạt trong lúc ra mắt giới thiệu tập thơ của nhà thơ Phạm Cao Hoàng đang sống ở nước ngoài mà đến lúc ấy tôi chưa từng gặp mặt.” ( tr.15) (Pari ngày trở lại)

            Trương văn Dân là người đi nhiều, gặp nhiều, giao du nhiều nên anh cũng chiêm nghiệm nhiều. Vì vậy, cõi nhân sinh trong Milano Sài Gòn, đang về hay sang? không chỉ dừng lại trong những cảm nhận về bè bạn mà còn mở ra cùng những phận người mà khi đọc qua khiến lòng ta không khỏi nhói đau về những số phận mà anh nói đến. Đó là hình ảnh “ông cụ già cong người đạp nhưng chiếc xe ba gác vẫn cứ đứng yên, không nhúc nhích. Trên xe có chở chừng vài mươi thanh sắt và một ít vật dụng. Số lượng không nhiều nhưng nó lại quá tải đối với thân hình gầy nhom, ốm yếu của ông. Hơi thở hổn hển, ông hì hục đạp mà chiếc xe nằm ì không đi tới.” (tr.41) (Trèo lên quãng dốc) Và  khi chứng kiến cái quảng dốc cuộc đời ấy, nhà văn không khỏi xa xót trước nỗi khổ nghèo của người dân đô thị mà cuộc đời của họ như đang dính chặt vào những lo toan cơm áo, cơ hồ như không thoát ra được như “chiếc xe nằm ì không đi tới.”. Đó là thân phận một cô gái tật nguyền bán vé số từng rơi vào tận cùng nỗi đau đã gởi những lá thư để cứu người đàn ông tuyệt vọng đang tìm đến với cái chết trước tình cảnh người vợ bỏ đi để lấy một Việt kiều từ Mỹ về vì không thể sống trong nghèo khổ như lời trần tình của cô gái: “Em khổ quá” “Em chịu hết nổi rồi” “chừng này tuổi em thấy tiếc cuộc đời và tuổi xuân chỉ có một lần của mình” (tr.66) trong truyện Thư không người gửi, một câu chuyện khá cảm động mà ở đó ta bắt gặp hình ảnh và tâm hồn hai người đàn bà hoàn toàn đối lập nhau nhưng lại có điểm giống nhau đó là sự thành thật với chính khát vọng sống của mình. Vì vậy, hình ảnh người đàn bà tên Thảo trong câu chuyện đã bỏ chồng, bỏ con đi theo cuộc sống đủ đầy hơn là một việc làm thiếu nhân bản, cần phải lên án. Nhưng nghĩ lại, cô cũng là một phận người đáng thương vì cô dám sống thật với mình, với đời khi cô tự thú: “Em khổ quá” “Em chịu hết nổi rồi”. Cái đáng thương ở cô là cô không đeo mặt nạ, không diễn kịch như biết bao người quanh ta đang ngụy trang bằng những mặt nạ trí trá, giả dối, diễn kịch trên sân khấu cuộc đời. Hay nỗi đắng chát của ông Hóa, một con người đầy quyền lực đã trở nên cô độc trước sự ghẻ lạnh của người đời khi mình không còn quyền lực trong câu chuyện Chiếc nạng và tấm gương, khi ông nhận ra “con cô đơn quá! … Rồi ông giật mình thức giấc . Ngồi bật dậy, lao đi, ông cố chụp lấy điều không nắm được” (tr.40). Phải chăng, đây cũng là một cái kết bi kịch của quyền lực.  Cõi nhân sinh trong trong Milano Sài Gòn, đang về hay sang? của Trương Văn Dân, vì thế thấm đẫm vị đắng chát của kiếp người trong chốn nhân gian.

                Có thể nói những cuộc viễn du của Trương Văn Dân khắp năm châu, bốn biển cũng là một phương thức để tích lũy vốn sống cho những trang viết. Chính vì vậy ở những câu chuyện của Trương Văn Dân, cuộc sống bày ra ngồn ngộn, thậm chí khá bộn bề. Dường như anh muốn thâu nhận vào trang viết của mình hầu hết những vấn đề của cõi nhân sinh. Chính sự nghiêm sinh này đã giúp anh có chất liệu khá phong phú để sống và viết, một điều rất cần đối với nhà văn trong hành trình sáng tạo. Song, giá anh biết thiết chế và chọn lọc từ trong vốn sống của mình những gì tinh tế nhất, vi diệu nhất để đưa vào trang viết thì sức hấp dẫn và sự thuyết phục từ những trang văn của anh sẽ cao và sâu hơn.

              Một phương diện khác của cõi nhân sinh trong Milano Sài Gòn, đang về hay sang? đó là nỗi ám ảnh về nguồn cội, về đất nước quê hương mà dẫu có sống ở những quốc gia giàu sang đến mức nào thì khát vọng tìm về cội nguồn vẫn luôn canh cánh trong lòng những con dân nước Việt. Và đây là những trang văn hay và cảm động trong tập truyện mà Trương Văn Dân muốn chia sẻ với người đọc với tư cách là một chứng nhân, là người trong cuộc.

               Xa quê bao nhiêu năm, dẫu sống ở Pa ri tráng lệ vậy mà Trung trong Biết đâu nguồn cội vẫn nhớ đến quặn lòng khi nghe một người bạn hát ru con: “Chiều nay mở cửa ra trông / Thấy làng đâu chỉ thấy lòng mà thôi” … “Bài hát đã làm anh xúc động nhưng mẫu đối thoại ngắn ngũi càng làm anh xúc động bội phần. “Hát gì vậy, nhớ nhà hả?” “Đó là hai câu thơ viết về nỗi nhớ làng của Yến Lan tao ru bằng tiếng Việt để con tao nghe quen tai sau nầy dễ tiếp thu tiếng Việt”. Trung chợt nhớ là bạn lấy vợ người Ý, chị ta không nói được tiếng Việt và anh phải thay mẹ để ru con bằng tiếng nói quê hương. Trung bùi ngùi nhớ đến hình ảnh bạn và tự hỏi, sao khi xa người ta tha thiết đến cội nguồn, còn khi sống trên đất nước người ta lại hờ hững và không mấy quan tâm.” (Biết đâu nguồn cội, tr.3) Chính điều trăn trở này là sức mạnh nội sinh thôi thúc Trung và những người con xa xứ luôn khao khát tìm về cội nguồn. Không những thế, họ còn luôn tự hào mình là người Việt Nam là con Lạc cháu Hồng. Vì vậy,  dù là công dân Pháp nhưng về Việt Nam khi nghe ai giới thiệu Trung là người Pháp thì “Anh đã nhẹ nhàng đính chính” “không tôi là người Việt Nam”. Đến nỗi, một người bạn của Trung đã phải thốt lên “Mày là một thằng Việt Kiều lạ lùng. Khi người ta ùn ùn bỏ đi thì mầy lại quay về, có lắm kẻ cầm trong tay thông hành ngoại quốc để khoe khoang thì mầy lại khăng khăng làm người Việt.” (Biết đâu nguồn cội tr.5) Sự khẳng định của Trung, không cần phải luận giải nhiều cũng cho thấy ý thức về nguồn cội ở Trung mãnh liệt biết dường nào. Chính điều này đã cho thấy tâm thức Đi - Về là một trong những mỹ cảm trong cõi nhân sinh của Trương Văn Dân thể hiện ở Milano Sài Gòn, đang về hay sang? và cũng là một phẩm tính thẫm mỹ chi phối sâu sắc chủ đề của tác phẩm.

             Ý thức về phận người, về cội nguồn, về trách nhiệm của con người trước vận mệnh đất nước, dân tộc cũng như ý thức của người cầm bút trước sự hủy hoại môi trường là những thông điệp đầy tính nhân văn mà tác giả muốn chia sẻ với người đọc. Điều này chúng ta có thể tìm thấy ở những đoản văn đầy tính nhân bản và triết luận trong tác phẩm. Và đây cũng là điều cần được ghi nhận. Ta hãy lắng lòng đọc những đoản văn này để thấy được những trăn trở của nhà văn: “Ở mọi nơi trên thế giới, sự tàn ác đều như nhau. Lòng tốt có giới hạn. Mà cái ác thì khôn cùng”. Tôi đắng họng. Không biết bình phẩm ra sao. Mãi sau Elena mới nói: “Cuộc đời này là gì? chẳng qua chỉ là một hơi thở! Tại sao chúng ta không sống cho cái tâm mình đẹp? Chỉ vì tham lam mà người ta ghen ghét và chém giết nhau. Thế mới biết Phật giáo thật thâm diệu: Ai biết xem thường danh lợi thì đời sẽ bình an và lúc nào cũng có thể mở lòng chào đón mọi người với tình thân ái.” (tr.65) Hay lời sẻ chia đầy minh triết của Bác Thuận, một nhân vật trong Thiên đường và địa nguc mà khi đọc lên tâm trí ta không khỏi âu lo trước những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống: “Cuộc cách mạng duy nhất là cuộc cách mạng nội tâm. Cuộc cách mạng chuyển hóa lòng tham, giận dữ thành nhân ái, thân thiện với người và với thiên nhiên. Con người không thể sống bình an và hạnh phúc khi dùng cái ác làm phương tiện.” (tr.54). Bởi, suy cho cùng, con người rồi cũng Về với hư không và cuộc đời cũng chỉ là Một giấc mơ hoa… Song, không chỉ dừng lại đó, trong Milano Sài Gòn, đang về hay sang?  còn những điều khá lý thú và bổ ích, các bạn có thể tự khám phá khi tiếp nhận tác phẩm mà trong một bài giới thiệu ngắn chúng tôi không thể nói hết được.

              Hy vọng, đọc tác phẩm này các bạn sẽ chia sẻ với những vấn đề  tác giả nói đến trong cõi nhân sinh và tìm được cho mình “một cõi đi về”.  Đó là cõi đi về phía ánh sáng của tình yêu thương, lòng nhân ái và sự hướng thiện, vốn là những giá trị hằng cửu mà những tác phẩm văn học đích thực mang đến cho con người. Milano Sài Gòn, đang về hay sang? của Trương Văn Dân là một tác phẩm văn chương như thế mà tôi muốn chỉa sẻ như một người đọc tri âm.

                                    Xóm Đình An Nhơn Gò Vấp – Mùa Vọng Giáng sinh

                                                                  Sài Gòn, 10/12/2017

Thông tin truy cập

63694147
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14439
23426
63694147

Thành viên trực tuyến

Đang có 486 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website