Các chức năng của tính siêu văn bản rất đa dạng bao gồm chức năng châm biếm, chức năng đùa bỡn, chức năng mỹ học, ý thức hệ, chính trị hoặc triết học.
Sách "Métatextualité et Métafiction: Théorie et analyses" - Ảnh: internet
Để xác định tính bội phân của các chức năng được khỏa lấp vào nhau này người ta có thể hình dung về hình ảnh nếp gấp được cuộn lại xét trong chừng mực tính siêu văn bản cố gắng thực hiện chức năng của nó qua việc kết nối các trường tri thức khác nhau nhằm truy vấn chúng trong mối tương quan lẫn nhau. Dĩ nhiên, ở bài viết này, tôi không cố gắng phân bậc chúng, một việc vốn dĩ đi ngược lại với tinh thần của siêu văn bản, mà thay vào đó, tôi cố gắng xác nhận ba nếp gấp hay ba chức năng chủ đạo đảm bảo được sự cố kết nền tảng của tính siêu văn bản như sau.
Bộ khung quy chiếu được giải cấu
Siêu truyện/siêu hư cấu là một truyện/hư cấu quy chiếu một cách rõ ràng đến đối tượng của nó như là một truyện/hư cấu. Chủ nghĩa hiện đại chưa đạt được tính tự phản tư (auto-réflexivité) này của hư cấu, và như Robert Alter đã đề ra công thức cho siêu hư cấu đó là nó “hệ thống hóa” sự tự quy chiếu của văn bản (l’auto-référence textuelle). Siêu hư cấu cần đến một nhận thức phê phán về văn bản thông qua người đọc và để thực hiện điều này, nó “phô bày một cách có hệ thống điều kiện giả lập của nó.”1 Văn bản siêu hư cấu tạo ra một tác phẩm hư cấu nói chung, dẫu nó có là hư cấu điển phạm hay các hình thức đại chúng, chúng đều được dung nhập với cùng một sự đan dệt trần thuật.
Do đó, hư cấu được thiết đặt ở trong một trạng thái phản tư với cái nhìn về chính nó, một cái nhìn vốn dĩ tạo ra hiện tượng đối hợp (involution) có thể gợi lại sự khái quát hóa về hố thẳm và, hơn nữa, xác nhận những biến thể cùng các hình thù kỳ dị không thể đếm hết của nó. Trong “Life Story” thuộc quyển sách khá gợi tả có tên Thất lạc trong hý trường (Lost in The Funhouse, 1968) của John Barth, người kể ngạc nhiên vì anh ta không phải là mình, mà là nhân vật hư cấu ở trong một câu chuyện/truyện khác, “D. dần nghi ngờ rằng thế giới là một tiểu thuyết, và bản thân anh ta là một nhân vật hư cấu.”2 Trong trường hợp này, cũng như trong toàn bộ các trường hợp thường thấy khác, ở đó cấp độ trần thuật (niveau narratif) và cấp độ truyền dẫn của mạch truyện (niveau diégétique) được dung nhập vào nhau và trở nên rối rắm, từ đó cấu thành nên một tính chất tượng trưng của siêu hư cấu. Các cấu trúc xác thực và những sự phân biệt cho phép văn học thực hiện chức năng của nó, thế nhưng người đọc kiến tạo nên thế giới của quy chiếu hư cấu theo cách mà Linda Hutcheon, một chuyên gia thuộc dòng văn học này, gọi là khuynh hướng kiến tạo có tính cách ái kỷ (narcissisme).3
Để làm rõ hơn nữa về sự giao cắt này của các giới hạn, chúng ta có thể so sánh tác phẩm Roland Barthes par Roland Barthes của Roland Barthes với ví dụ kể trên. Đây là một tác phẩm được xem như là một tự truyện hậu hiện đại thể hiện yếu tố hư cấu trong vai trò điều khiển sự tái kiến tạo của chủ thể tính của riêng nó, vì như R. Barthes đã mở đầu văn bản này với phát biểu: “Tất cả điều này phải được xem như được nói ra bởi một nhân vật tiểu thuyết.”4 Bộ khung làm ổn định thể loại tác phẩm này tiến hành đánh cắp thời điểm và vị trí của người đọc trong một trạng thái lập lờ đầy nghi vấn. Chính tính bất định thuộc về bản chất logic học cũng như bản chất hữu thể học này đã gây ra các vấn đề nan giải liên quan đến những gì tạo ra giới hạn của một thể loại, một căn cước, một tỉ thức, tức quá trình của chính sự lĩnh hội. Bộ khung thường hay thay đổi và thăng giáng bắt nguồn từ tính bất định nói trên dường như là chức năng trọng tâm của siêu văn bản. Trong Siêu hư cấu? Tính phản tư ở trong các văn bản đương đại (metafiction? Reflexivity in Contemporary Texts, 1993), Wenche Ommundsen nhấn mạnh đến sự nhập nhằng gây ra cho người đọc khi các loại hình cấu trúc nên sự mô phỏng tạo ra hiệu ứng chập chờn: “Sự rung động nhận thức được siêu hư cấu tạo ra có lẽ nói một cách chính xác nhờ vào thực tế rằng nó cần chúng ta, nghe có vẻ nghịch lý, nhìn nhận bản thân chúng ta đang có một ảo giác, để biết rằng chúng ta là chủ thể của một niềm tin bị bóp méo, nhưng ta vẫn tiếp tục gia nhập vào cùng với nó.”5
Văn bản siêu hư cấu, giống như những người gièm pha hoặc thậm chí ca ngợi dòng văn học này nhận định, trong các chiến thuật văn bản, nó tiến hành xóa bỏ ảo giác mô phỏng được gây ra bởi hư cấu. Nếu chủ nghĩa hiện đại đã nhắm đến, tuy đây chỉ là vấn đề về mức độ và cường độ, cổ xúy cho một sự trong suốt của ký hiệu, thì siêu hư cấu lại muốn làm bão hòa những gì có thể được coi là một sự soạn kịch bản của ký hiệu. Siêu hư cấu chẩn bệnh và khắc tạc ký hiệu, bằng việc đẩy nó tới một cung điện của những sự phản ánh. Nó công khai tập trung sự chú ý của người đọc vào đặc tính kết cấu của ảo giác mô phỏng.
Chức năng cơ bản của tính siêu văn bản, do đó, là đập vỡ, phá bỏ, và cải đổi bộ khung quy chiếu mà vũ trụ hư cấu kiến tạo nên bằng cách dùng đến các thủ pháp mô phỏng (procédés mimétiques). Sự cải đổi bộ khung quy chiếu này được thực hiện dựa trên một kiểu mẫu vừa có tính đùa bỡn vừa có tính giễu nhại, và đạt đến đỉnh điểm ở trong sự soi sáng của một thể giả lập. Bên cạnh chiều kích chính trị vốn có ưu thế hơn, như sẽ được bàn đến ở mục 3, tính siêu văn bản còn có một chức năng đùa bỡn rất quan trọng.
Chức năng đùa bỡn
Có lẽ, tính siêu văn bản sẽ được định nghĩa tốt hơn nếu chúng ta nói rằng nó được sinh ra bởi bởi sự ma quái trong việc giải thích về những giới hạn đưa người đọc đến với một sự chóng mặt giữa việc bảo lưu và việc xáo trộn hiện trạng của văn bản. Sự chóng mặt liên quan đến việc xáo trộn diễn ra theo cách mà ở đó “bản thân nó” không chỉ là một văn bản “khác”, mà văn bản khác này còn có thể “chỉ đơn thuần” là cái vắng mặt và là cái rời đi mà không để lại địa chỉ. Sự chóng mặt còn mang tính bảo lưu hiện trạng văn bản vì chúng ta có thể kinh nghiệm sự tự phủ nhận ở trong và thông qua sự đọc. “Sự viết của giới nữ”, ví dụ như sự viết của Angela Carter, sẽ được phân tích sâu hơn, điển hình ở việc thông qua phong cách của cô tạo ra một thách thức lại các huyền thoại và các câu chuyện bằng cách mở ra các cấu trúc sơ cấp của chúng nhằm che giấu đi khoảng trống nơi trung tâm của hệ thống dị biệt của ngôn ngữ.
Qua việc quy chiếu đến các phân tích của các nhà triết học như Jacques Derrida, Michel Foucault, Jean Baudrillard, hoặc theo phương diện mang tính văn học hơn với Fredric Jameson, Terry Eagleton, Linda Hutcheon, ta có thể nhấn mạnh đến “tính logic” của siêu văn bản khi nó khiến văn bản nói về chính văn bản, từ đó để lộ ra các dấu vết, các mặt nạ và các thiếu sót của tính lịch sử văn bản của nó cũng như tính liên văn bản của nó. Ví dụ, trong Dược phẩm của Platon (La Pharmacie de Platon), J. Derrida đề ra hình thể triết học của ông bằng cách thực hành các kỹ thuật khắc tạc được khâu nối lại với nhau ở trong các văn bản triết học quá khứ, để vén mở miếng lót bìa sách của nó như là phương diện nghịch đảo của văn bản.6 Tương tự, tính siêu văn bản vận hành ở bản lề của các tri thức đã được thiết lập nên. Tất cả các giới hạn giữa các trường tri thức khác nhau hoặc các nghệ thuật khác nhau được tạo ra trở nên bất định mà không có sự nhập nhằng nói chung bởi vì siêu hư cấu có một đối tượng chính trị. Những sự phân chia Lịch sử/hư cấu, hiện thực/nghệ thuật, văn bản/hình ảnh đều được chuyển dịch thành cái gì đó rỗ và bất định.
Trong Chính trị học của chủ nghĩa hậu hiện đại (The Politics of Postmodernism), Linda Hutcheon nhấn mạnh rằng trào lưu này không phải nhất thiết được xem như đang thiết lập nên một cuộc đổ vỡ rõ ràng với quá khứ, cũng chẳng phải như việc xem chủ nghĩa hậu hiện đại đưa đến chủ nghĩa hư vô: “Hậu hiện đại, như tôi đã và đang định nghĩa nó, không phải là sự quy thoái về thành “hiện thực thậm phồn” mà là một sự truy vấn về việc thực tại có thể có nghĩa gì và làm thế nào chúng ta có thể biết được nó. Sự trình hiện, đến đây, không thống trị hoặc xóa bỏ chiếu vật, mà thay vào đó, công nhận một cách tự ý thức sự hiện hữu của nó ngang với sự trình hiện - tức là như việc diễn giải (và quả thật như việc sáng tạo ra) chiếu vật của nó, chứ không phải như việc đề ra một lối truy cập trực tiếp và vắn tắt về nó.”7
Nếu mọi thứ ở trong thế giới được đem lại bởi tính trung giới của các hệ thống ý nghĩa nhằm diễn giải chiếu vật hay thậm chí tạo ra nó ở trong chính hoạt động định nghĩa nó thì dường như các nhà siêu hư cấu nghĩ rằng, không gian văn học luôn vấp phải mọi thách thức, mọi sự xúc phạm được gây ra từ tinh thần của sự chơi. Trong truyện ngắn có tiêu đề “Cái chết của tiểu thuyết” (1969), Ronald Sukenick đem lại tính ưu việt cho chức năng chơi của văn bản, “Điều chúng ta cần không phải là các tác phẩm vĩ đại mà là các tác phẩm bông đùa… Một truyện là một trò chơi mà ai đó tham gia vào vì bạn cũng có thể chơi nó.”8 Mạng lưới ngôn ngữ bao phủ mọi thực tại, siêu hư cấu soi sáng cho chiều kích hư cấu của thực tại này: “Chơi được tạo điều kiện bởi các quy tắc và các vai diễn, và siêu hư cấu vận hành bằng cách khám phá ra các quy tắc hư cấu để khám phá ra vai trò của hư cấu ở trong đời sống. Nó nhắm đến khám phá ra việc làm thế nào mỗi người chúng ta “chơi” trong các thực tại của riêng mình.”9 Một khi đứng ở vị trí của nhà tiểu thuyết, người đọc “theo kinh nghiệm” sẽ có được vai trò xã hội của anh ta một cách đặc biệt, điều này chỉ có thể có được từ việc tra hỏi nếu đời sống của anh ta không được viết ra bởi một số tác giả cố ý né tránh, những người giữ vai trò giật dây từ phía đằng sau sàn diễn.
Mục đích ý thức hệ/thơ ca
Một cách khái quát, đến đây, sự trình hiện, vì thế, sẽ bị truy vấn, cụ thể, đó là tính đầy đủ quy chiếu của ký hiệu. Tính siêu văn bản cố gắng thể hiện rằng ý nghĩa không còn mờ tối nữa nhằm để đạt được sự hấp dẫn của tính thống nhất văn bản. Tính đa bội, tính mờ đục, sự giễu nhại, theo đó sẽ cho phép lột được mặt nạ cấu trúc của cái khả độc/cái có thể đọc được (lisible). Chắc hẳn không có cách đọc nào tốt hơn cách đọc trong S/Z của Roland Barthes để “thấy”, như Henry James nhận định, cái mới của Balzac mà R. Barthes chỉ ra nhập vào trong tính đa bội của các mã ngôn ngữ, văn học và thực hành, chúng được liên kết với nhau bằng cách tăng cường việc thiết lập nên các cấu trúc của sự tạo nghĩa (signification) đem lại ý nghĩa của chúng.
Sự nhịp nhàng và sự liên tục đến đây rõ ràng đã trở thành những điều đáng ngờ vì nó đang thể hiện ra rằng thế giới và nghệ thuật được thiết định bởi các bộ mã mà qua đó giúp hình thành nên một điều tự nhiên khiến các nhà thực hành siêu văn bản nhắm đến chỉ ra bản chất của nó, tức một đồ hình thói quen (construit habité) được tạo lập bởi ý thức hệ và các hệ thống giá trị. Tính siêu văn bản luôn có một phạm vi ý thức hệ/nghệ thuật, việc dính liền ở đây muốn nói đến việc khước từ đem lại ưu thế cho cái này hơn cái kia vốn dĩ trở thành một trong những vấn đề của sự viết.
Các bộ mã, dẫu chúng có là riêng biệt về mặt văn hóa hoặc là các thành phần cấu nên mặt văn học (thể loại, phong cách, giọng điệu), hoặc những thứ riêng biệt về mặt nghệ thuật nói chung cũng như liên quan đến truyền thống, đều phụ thuộc vào các mã và các hệ thống giá trị đồng thời cấu thành nên tính tương đồng mà từ đó người đọc gia biệt khoảng cách với chính mình. Trong bộ khung ý thức hệ, người đọc tiến đến việc nhận ra rằng văn bản được kết cấu và mọi thứ ở trong thế giới được đem lại thông qua các hệ thống trình hiện. Người đọc dần nhận ra rằng ý nghĩa tự nó là kết quả của sự sản sinh ý thức hệ, qua đó từ ngữ có trước sự vật. Việc phản tư về các vấn đề thuộc về các cấu trúc được mã hóa cũng như sự lập chủ đề của chúng ở trong các văn bản siêu hư cấu, do đó, khiến người đọc có thể chống lại sự hấp dẫn của các hệ thống đồng thời nắm bắt được bản chất của chúng, như “sự khai thác tình dục”, sự rập khuôn, tư kiến nói chung.
Sự truy vấn này về các cấu trúc tạo nghĩa là mơ hồ về mặt ý thức hệ, bởi vì làm thế nào chúng ta có thể khước từ đi các hình tượng sai lạc dựa vào tất cả các kiểu mẫu trong khi vẫn nghĩ đến cách thoát khỏi sự xác định ý thức hệ diễn ngôn của riêng nó, ngay cả nó là văn học? Theo Linda Hutcheon, hướng tiếp cận mỹ học chính trị bắt nguồn từ mâu thuẫn này được xem là khả dĩ. Đồng thời với phê bình phụ trợ và sự truyền dẫn được ủy quyền, siêu hư cấu khuyến khích sự phản tư bằng cách lập ra chủ đề mâu thuẫn: “Giễu nhại cũng đặt vấn đề về giả định nhân văn của chúng ta liên quan đến tính độc đáo và sự đơn nhất nghệ thuật cũng như các quan niệm tư bản của chúng ta về quyền sở hữu và tài sản.”10
Phạm Tấn Xuân Cao dịch (từ bài “Les fonctions de la métatextualité”, trong Tính siêu văn bản và siêu hư cấu: Lý thuyết và phân tích (Métatextualité et Métafiction: Théorie et analyses), Laurent Lepaludier (chủ biên), Presses universitaires de Rennes, 2003, trang 39-43).
Nguồn: Tạp chí Sông Hương, 362/04-2019, phiên bản trực tuyến ngày 29.05.2019.