I.DẪN NHẬP
Đối thoại thay cho đối đầu: Chúng ta dễ dàng thống nhất về tính quy luật của thực tiễn -thời đại ngày nay đối thoại thay cho đối đầu (trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị - xã hội, văn hóa - nghệ thuật, đạo đức,...). Trái đất là ngôi nhà chung của thế giới,theo cách diễn đạt của nghệ sỹ ngôn từ thì đó là một “cõi nhân gian bé tý”. Đối đầu là hủy diệt, đối thoạilàhòa bình,là cùng tồn tại. LESTER PEARS (1897-1972), nguyên Thủ tướng Canada,Giải thưởng Nobel Hòa bình 1957, đã viết: “Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên khi mà các nền văn minh khác nhau phải học cách cùng sống trong hòa bình, học hỏi lẫn nhau, nghiên cứu lịch sử, tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật của nhau; cùng nhau làm phong phú thêm cái vốn của những nền văn minh khác nhau. Đi ngược lại, thế giới nhỏ bé chật chội này chỉ còn lại sự hiểu lầm, căng thẳng, va chạm và thảm họa… Một trật tự thế giới dựa trên các nền văn minh là một bảo đảm an toàn nhất chống lại chiến tranh thế giới” (theo Wikipedia tiếng Việt). Mẫu mực của đối thoại Việt Nam chính làChủ tịchHồ Chí Minh. Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức trong tiểu luận Đối thoại Hồ Chí Minh siêu phẩm của trí tuệ và tài năng đã nhận xét: “Trong di sản về tư tưởng và văn hóa có một bộ phận đặc biệt là đối thoại Hồ Chí Minh. Đối thoại Hồ Chí Minh thể hiện qua ba phạm vi đối thoại với nhân dân, với ngoại giao và đối thoại với báo chí (…). Toàn bộ đối thoại Hồ Chí Minh là một kỳ tích của trí tuệ, tài năng và tài ứng xử của Người” (Báo Văn nghệ số 35+36, ra ngày 31-8-2019).
Đối thoại đang trở thành một tập quán/cách hành xửtốt đẹp của đời sống hiện nay. Trong lĩnh vực lý luận - phê bình, tinh thần đối thoại càng trở nên cấp thiết, nó thể hiện tính dân chủ của nền văn chương đổi mới.
Đối thoại thay cho độc thoại:Thể hiện tính dân chủ của các quan hệ xã hội, phá thế “độc quyền chân lý”, dỡ bỏ rào cản bảo thủ, kìm hãm, duy ý chí, tạo cơ hội cho những tư tưởng mới có điều kiện phát huy tính tích cực. Độc thoại thực chất là “toàn trị”, sở hữu chân lý (tuyệt đối). Đối thoại là “thế giới mở”, là đa thanh âm, là kiếm tìm chân lý (tương đối). Đối thoại thể hiện sự trưởng thành của thế hệ, cá nhân/(một cá nhân có khát vọng vươn tới danh hiệu “công dân toàn cầu”). Đối thoại nảy nở trên nền tảng của một “thế giới phẳng”. Vì thế Trần Đăng Khoa mới có thể tung bút viết Chân dung và đối thoại (tái bản nhiều lần) - một cuốn sách hay, bán chạy (best-seller) nhưng tất nhiên gây “bão” trong dư luận văn giới. Trên tinh thần đối thoại cởi mở thay cho độc thoại khép kín, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã có cuộc đối thoại thẳng thắn với Giáo sư xã hội học Mỹ B. Katsiaficas (Viện Công nghệ Wentworth). Cuộc đối thoại thú vị mang tên Một cách nhìn về Tết Mậu Thân (thực hiện năm 1992, in trong sách Lãng du trong văn hóa Việt Nam, NXB Thanh niên, 2007, trang 648 đến 653). Chúng tôi đã có cuộc đối thoại nghề nghiệp bổ ích do Tạp chí Văn hóa Nghệ An (số tháng 5-2015) tổ chức thực hiện dưới chủ đề Đối thoại về văn học hậu chiến Việt Nam. Gần nhất là Đối thoại về tác phẩm “nóng” trong văn chương hiện nay (Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số tháng 5-2019). Đối thoại, dưới ánh sáng của phát triển, sẽ giúp chúng ta tiệm cận chân lý nhanh hơn, tốt hơn. Gần đây trong phê bình có hình thức “luận chiến”. Xét về một khía cạnh nào đó, “luận chiến” và “đối thoại” có nét tương đồng. Nhưng cái khác biệt là, “đối thoại” không dẫn đến việc phân chia thành “chiến tuyến” (đôi khi thành “đấu khẩu”) trong hành động phê bình. Trước sau chúng tôi tán đồng quan niệm: “Nghệ thuật đi tìm cái đẹp trong đời sống. Phê bình đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật”.
II.NHẬN DIỆN PHÊ BÌNH THẾ HỆ F
Phê bình thế hệ f là gì/ai?Chúng tôi dẫn trực tiếp quan niệm của một tác giả thuộc thế hệ 8X, tự nhận mình và đồng nghiệp cùng trang lứa thuộc vào thế hệ f: “Muốn hiểu về thế hệ nhà nghiên cứu trẻ, trưởng thành từ đầu thế kỷ XXI mà chúng tôi gọi là thế hệ f, chúng ta cần hiểu về những điều kiện (condition) mà họ thuộc về, đó chính là điều kiện hậu hiện đại, mà ở Việt Nam cụ thể hơn chính là trong bối cảnh tin học hóa và mạng hóa (...). Ngày nay, thật khó hình dung đời sống phê bình đương đại nếu thiếu đi những tiểu luận, công trình của thế hệ f. Nhưng trước tiên, họ là ai? Nhiều người định danh thế hệ lý luận phê bình mới này theo tuổi, từ 7X, 8X, 9X. Một số người khác, gọi tên thế hệ này dựa trên “cách viết đặc thù” của họ, là “thế hệ viết trên mười đầu ngón tay (...). Nhưng theo chúng tôi, f trước tiên là facebook (...). Lấy facebook làm biểu tượng, dĩ nhiên còn một ý nghĩa sâu xa khác, đó là cách thức kết nối và thể hiện sự quan tâm đặc thù của thế hệ này đối với đời sống văn học” (Dẫn theo sách Văn học Việt Nam ba mươi năm đổi mới [1986-2016] - Sáng tạo và tiếp nhận. NXB Văn học, 2017, trang 84-89). Bàn về những thuận lợi và khó khăn của nghiên cứu/phê bình thế hệ f, nhà nghiên cứu/phê bình trẻ Phan Tuấn Anh xác tín: “Mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng nghiên cứu văn học thế hệ f vẫn phải đối mặt với “những con thủy quái hồ Loch Ness” - tức những khó khăn và nguy cơ trong thời đại viết của họ. Thứ nhất, so với mặt bằng chung của người đọc bình dân, những tác phẩm phê bình của họ thường vượt qua tầm đón nhận của độc giả bình thường. Bởi vì, khác với phê bình ấn tượng của Hoài Thanh, cũng khác với phê bình tiểu sử học hoặc xã hội học truyền thống, đa phần những nhà phê bình thế hệ f đều là phê bình lý thuyết (lấy lý thuyết làm đối tượng phê bình), hoặc ứng dụng những lý thuyết mới mẻ của phương Tây vào việc khảo cứu văn bản. Lối phê bình này kén người đọc, dễ tạo cảm giác khô khan, nặng nề, lại đòi hỏi người đọc phải có một tầm đón nhận nhất định, có sự tìm hiểu sơ bộ lý thuyết. Thứ hai, nhằm truy cầu những cái mới có tính cách mạng, vượt chuẩn, lệch chuẩn, phù hợp với các lý thuyết mà họ theo đuổi, các nhà phê bình thế hệ f thường không chọn những tác phẩm dễ đọc, các best seller, những tượng đài cũ kỹ, mà chủ yếu lấy đối tượng khảo cứu là những tác gia, tác phẩm có sự phổ biến hẹp, hoặc nổi danh trên thế giới nhưng ở Việt Nam có thể còn vượt ngưỡng tiếp nhận với đa phần người đọc” (Sđd, trang 91). Như thế, chúng ta đã rõ như dưới thanh thiên bạch nhật, phê bình thế hệ f đề cao “tinh hoa”, bỏ qua “ đại chúng”, đề cử cái “nâng cao”, hạ thấp cái “phổ cập”. Không ít cây bút phê bình trẻ tự nhận mình thuộc “nhóm tinh hoa”. Tự tin là một phẩm chất tốt của người trẻ trong bất kỳ lĩnh vực đời sống nào hiện nay như chúng ta thấy nhỡn tiền. Nhưng nếu lún sâu vào “vượt chuẩn”, “lệch chuẩn” liệu họ có khả năng tạo ra cái mới/giá trị mới trong lĩnh vực tinh thần/ sáng tạo nghệ thuật (?!). Câu trả lời không quá khó!
Lực lượng/đội ngũ phê bình thế hệ F: Dõi theo trang website “phebinhvanhoc.com.vn” của nhóm chủ trương (Phạm Phương Chi/Trần Thiện Khanh/Đinh Văn Thuần), thiết kế trang “Phê bình văn học” (Literature Criticsm Online), chúng tôi truy cập được mục “THẾ HỆ F”,với danh sách khá dài/đông đảo/hùng hậu gồm hơn 40 cây bút đang ăn khách. Họ gồm (ghi chưa đầy đủ, theo thứ tự ABC): Hoàng Thụy Anh, Nguyễn Phúc Anh, Thái Phan Vàng Anh, Phan Tuấn Anh, Phạm Văn Ánh, Nguyễn Duy Bình, Cao Việt Dũng, Trần Trọng Dương, Đoàn Ánh Dương, Hoàng Cẩm Giang, Quách Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Năm Hoàng, Trần Ngọc Hiếu, Lê Nguyên Long, Trần Thiện Khanh, Hoàng Đăng Khoa, Hoài Nam, Đỗ Hải Ninh, Lê Thiếu Nhơn, Đoàn Minh Tâm, Nguyễn Thanh Tâm, Mai Anh Tuấn, Nguyễn Mạnh Tiến, Trần Văn Toàn, Nguyễn Văn Thuấn, Nguyễn Thị Minh Thương, Nhã Thuyên, Lê Hương Thủy, Phạm Xuân Thạch, Phùng Gia Thế, Hồ Khánh Vân, Nguyễn Thanh Sơn,... Nhưng vấn đề đáng nói ở đây là, khái niệm “thế hệ” không quy vào số lượng/đội ngũ tác giả. Chúng tôi tán thành quan điểm của nhà phê bình Chu Văn Sơn (1962-2019) về khái niệm thế hệ: “Một thế hệ văn học thực sự phải là chủ thể cốt lõi của một chặng đường văn học. Đó là một lớp người cầm bút được kết nối bởi cùng một hệ giá trị chung của thời mình. Họ vừa là kẻ sản sinh lại vừa là sản phẩm của hệ giá trị đó” (Dẫn theo sách Thế hệ nhà văn sau 1975, NXB Hội Nhà văn, 2006, trang 8). Vậy liệu những người tự xưng/nhận mình thuộc “thế hệ F” đã thực sự tạo nên một thế hệ theo đúng nghĩa đích thực của từ này (?!). Bất cứ lĩnh vực nào cũng đặt ra vấn đề tiếp nối thế hệ như điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại, theo quy luật tre già măng mọc. Theo chúng tôi, đang diễn ra một tình trạng đứt gãy thế hệ, như ai đó nói trong làng thơ ca đang hiện hữu cái ý đồ “chôn Thơ mới”(?!).
III. “TINH THẦN ĐỐI THOẠI” CỦA “PHÊ BÌNH THẾ HỆ F”
Đối thoại về “cái khác”: Ngay tên sách cũng thể hiện tinh thần mải miết đi tìm “cái khác” của phê bình thế hệ f. Trường hợp Hoàng Thụy Anh với tác phẩm Phê bình văn học & ý thức cái khác (NXB Hội Nhà văn, 2018) là một ví dụ rõ ràng, gần nhất. Chúng tôi truy nguyên mầm mống của quan niệm về “cái khác”, rất có thể tác giả này đã ảnh hưởng người đi trước Đỗ Lai Thúy (tác giả của Thơ như là mỹ học của cái khác). Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy có cách lập luận của riêng mình chưa hẳn đã thuyết phục giới nghiên cứu - lý luận - phê bình: “Mỹ học tiền hiện đại là mỹ học của cái đẹp (...). Mỹ học hiện đại là mỹ học của siêu tuyệt (...). Mỹ học hậu hiện đại là mỹ học của cái khác (...). Đây là mỹ học trò chơi, trò chơi ngôn ngữ” (Thế hệ nhà văn sau 1975, Sđd, trang 27-28). Trong Hội nghị LLPBVH do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, 2016 tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - có nêu một ý kiến được nhiều người quan tâm, tán thành: “cái khác nào cuối cùng cũng không ra ngoài phên giậu của cái dân tộc - nhân văn - nghệ thuật, lại càng không ra ngoài quỹ đạo chân - thiện -mỹ”. Trong tập tiểu luận phê bình của Hoàng Thụy Anh, người đọc thấy tác giả say sưa với “Những khu vực văn học ngoại biên” và ý thức ngoại biên của Phan Tuấn Anh (trang 20-28). Theo Hoàng Thụy Anh chú giải thì, tác phẩm Những khu vực văn học ngoại biên của Phan Tuấn Anh sẽ được nhà xuất bản Tao Đàn (Hà Nội) ấn hành trong tương lai gần (!?). Thực ra thì cuộc đối thoại về “trung tâm” và “ngoại biên”, theo chúng tôi, không phải là vấn đề hàng đầu/trọng tâm/quan thiết/sống còn của toàn bộ nền văn học dân tộc thời hiện đại/đương đại. Nếu say sưa với “ngoại biên” thì vô tình hay hữu ý nhà văn sẽ kéo văn chương xa rời đời sống của nhân dân, cuối cùng chỉ còn là những bản sao của các “tự ngã”. Khi bàn về văn chương trẻ, tôi ghi nhớ một ý của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Văn trẻ giỏi thêu thùa bản thân nhưng kém vá may cho người” (!?). Các giá trị trở thành cổ điển của văn chương Việt Nam mười thế kỷ (X - XX) không dính dáng gì đến/hoàn toàn xa lạ/không liên đới mảy may với cái gọi là “trung tâm” hay “ngoại biên”. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ,... chắc chắn không sáng tác theo cảm hứng/tâm thế “ngoại biên” hay “phi trung tâm” (!?).
Vấn đề đặt ra là “cái khác” có đồng nghĩa với “cái mới”? Lẽ thông thường, cái mới tạo nên giá trị mới, còn “cái khác” lại chỉ đồng nghĩa với “cái lạ” (đánh mạnh vào tâm lý/thị hiếu ham thanh chuộng lạ của con người). Chẳng hạn nhà phê bình Đoàn Ánh Dương đã viết tiểu luận Những biểu thuật hậu thực dân: Văn học đổi mới như là di sản hậu thuộc” (in trong sách Không gian văn hóa đương đại, NXB Phụ nữ, 2014, trang 9-32). Trong mở đầu Nơi con đường bắt đầu (Thay lời mở sách), tác giả viết: “Đọc văn học Việt Nam hiện đại từ điểm nhìn hiện tại, theo đó, dù khuôn gọn đến mấy trong phạm vi nghệ thuật, vẫn khó tách rời các can hệ về mặt xã hội, văn hóa và lịch sử của một dân tộc đã nếm trải rõ rệt quá trình thực dân hóa, và đang phải chứng nghiệm những di sản hậu thực dân một cách khá rõ ràng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bởi nhà văn hôm nay, nhất là nhà văn ở các nước thế giới thứ ba, luôn được/bị đòi hỏi nhiều hơn phẩm tính của một nghệ sỹ. Họ không chỉ là nhà văn trong hệ thống văn học mà còn là trí thức trong một hệ thống văn hóa, trở thành những di chỉ tiếp nối của di sản quá khứ trong suốt quá trình kiến tạo dân tộc” (Sđd, trang 6). Suốt hơn 30 năm qua, theo quan sát của chúng tôi, cũng chỉ có duy nhất một tác giả này khẳng định “Văn học đổi mới như là di sản hậu thuộc” (!?). Đó là “cái khác” chăng? Tiến xa hơn, anh khẳng định: “Tuy nhiên, phải đến nhóm Mở Miệng thì tính chất của trí thức mang biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc (nationalism) mới thể hiện rõ nét” (Sđd, trang 31). Đến đây thì tất cả chúng ta thấm thía “cái khác” trong quan niệm viết phê bình của thế hệ f. Về vấn đề tiếp thu lý luận “hậu thực dân” mà tác giả trẻ này hăng hái đặt ra, theo chúng tôi cần tham khảo ý kiến của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Văn Dân: “Gần đây chúng tôi thấy ở Việt Nam người ta bắt đầu nói đến “triển vọng của nghiên cứu hậu thực dân trong văn học”. Song, thực tế là vấn đề văn học hậu thực dân trên thế giới đã xuất hiện ở (và đối với) những nước thuộc địa cũ của Pháp, Anh và Mỹ, đó là những nước vẫn còn giữ lại những thiết chế chính trị và văn hóa mẫu quốc, họ có vấn đề về mâu thuẫn giữa thiết chế với bản sắc dân tộc, có vấn đề tìm lại bản sắc dân tộc sau chế độ thực dân, bởi lẽ các nước đó sau khi độc lập vẫn nằm trong Liên hiệp Pháp hay trong khối Thịnh vượng chung của Anh. Như vậy, theo các nhà nghiên cứu, không phải tất cả những nước đã qua giai đoạn thuộc địa đều có vấn đề về hậu thực dân (...). Tương tự, Việt Nam đã giành được độc lập bằng cuộc cách mạng dân chủ, thiết lập một chế độ mới với những thiết chế chính trị và văn hóa mới hoàn toàn. Do đó, cũng giống như Hoa Kỳ, Việt Nam hoàn toàn không có vấn đề hậu thực dân” (Báo Văn nghệ số 33, ra ngày 17-8-2019). Theo chúng tôi, cái khác ngày càng xa cái đúng (“sức mạnh của cái đúng”).
Tuy nhiên, cũng phải công bằng khi luận bàn về “tinh thần đối thoại” của phê bình thế hệ f qua một số trường hợp ở đó sự viết/đối thoại có biệt sắc, có giới hạn, có khả năng đóng góp như Lê Hồ Quang với Âm thanh của tưởng tượng (NXB Đại học Vinh, 2015), Hoàng Đăng Khoa với Song hành & đối thoại (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2018); Phùng Gia Thế với Văn học Việt Nam sau 1986 -phê bình đối thoại(NXB Văn học, 2016), Nguyễn Thanh Tâm với Giới hạn của những huyền thoại (NXB Văn học, 2017). Người đọc quý cái đức tính khiêm tốn của tác giả Nguyễn Thanh Tâm khi anh thẳng thắn: “Giới hạn hàm chứa dự phóng về một không gian khác phía bên kia. Bởi vậy, cần phải mang ơn giới hạn vì những giục giã mà nó gợi lên, cũng như cuốn sách này, mang ơn những ai đã đọc, đã nhận thấy và chỉ ra giới hạn của nó” (Lời đầu sách). Tác phẩm này nhận Giải thưởng năm 2017 của Hội đồng LLPBVHNT Trung ương. Tinh thần đối thoại, theo chúng tôi, thể hiện khá độc đáo/nề nếp trong tác phẩm nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2016 - Âm thanh của tưởng tượng (NXB Đại học Vinh, 2015) của Lê Hồ Quang. Lối viết của tác giả, theo tôi, tuy đầy tính chất “khiêu khích”, nhưng sẵn sàng đối thoại trên tinh thần khoa học, công bằng và thể tất. Ví dụ phê bình Nghệ thuật của sự đơn giản (Đọc Gửi VB của Phan Thị Vàng Anh, NXB Hội Nhà văn, 2006). Tác giả dẫn lại bài Tập làm thơ (đứng cuối tập) của Phan Thị Vàng Anh: “Tôi có tài, tôi có tài, tôi có tài/Chẳng bao giờ đến mức “tai một vần”/Đã cố cầu kỳ hết những dòng trên, giờ thì buồn ngủ/Nhai cái kẹo lạc dính hai hàm răng chẳng muốn/mở miệng ngáp một lần”. Lê Hồ Quang viết: “Ai đó có thể nghĩ rằng đấy là một cách ứng xử không nghiêm túc với thơ ca. Nhưng tại sao chúng ta lại không thể nghĩ rằng đấy là một sự lựa chọn có ý thức của người viết? Thơ ca có nhiều con đường để tồn tại và đơn giản, hiểu theo nghĩa là sự tiết chế cao độ những dễ dãi cảm xúc và những bóng bẩy, du dương sáo ngữ, để có thể diễn tả tiếng nói nội tâm một cách thẳng thắn, công khai và thành thực, thì tại sao không? (...). Với tôi, Gửi VB là tập thơ để lại nhiều ấn tượng thú vị và tôi cho rằng, sự đơn giản của nó không chỉ là đơn giản, mà đúng hơn, đó là nghệ thuật của cái đơn giản trong cuộc sống, trong sự sáng tạo” (Sđd, trang 232). Có lẽ, chúng tôi nghĩ, tác giả muốn nhấn mạnh, qua cách viết của mình, một tiên đề “cái đẹp là sự giản dị”.
Đối thoại về phương pháp phê bình: Đang rộ lên như một cuộc thi đua các phương pháp phê bình “phi truyền thống” (thực chất là “nhập khẩu”, “nhập siêu”) như phê bình phân tâm học, phê bình ký hiệu học, phê bình sinh thái học,phê bình hậu hiện đại,... để đối trọng với phê bình truyền thống như phê bình ấn tượng, phê bình xã hội học, phê bình tiểu sử, phê bình macxit,... Người Pháp có câu “mọi nẻo đường đều dẫn đến tháp Eiffel”. Thiết nghĩ, mỗi phương pháp đều có hạn chế cũng như khả thủ của nó. Gần nhất, một tác giả có kinh nghiệm trường văn trận bút đã tung ra một cuốn sách về phê bình ký hiệu học. Khi vận dụng phương pháp này vào khảo cứu văn chương trên cơ sở “thực tiễn tinh hoa” đã lộ ra những bất cập đáng tiếc. Một tác giả khác thì trói voi bỏ rọ, “nhốt” từ Hồ Xuân Hương đến Hoàng Cầm (cách nhau mấy trăm năm) vào cái gọi là “libido”. Những luận cứ/luận giải thực sự ít thuyết phục người đọc vì tác giả quan tâm, đề cao “cái khác” một cách cực đoan.
Vậy còn “phê bình thế hệ f”, họ say mê phương pháp nào? Ai có theo dõi đời sống văn chương đương đại thì không khó nhận thấy đang có một “cơn sốt nhẹ” về “phê bình phân tâm học”, “Phê bình ký hiệu học”,“phê bình hậu hiện đại”,đặc biệt hấp dẫn là “phê bình sinh thái”. Có hẳn một cuốn sách Phê bình sinh thái là gì? (Hoàng Tố Mai [Chủ biên], NXB Hội Nhà văn, 2017). Đây là công trình dịch và tổng thuật tập thể. Một tài liệu tham khảo cần thiết cho giới nghiên cứu- lý luận - phê bình văn học nước nhà, xét từ một khía cạnh và mức độ nào đó. Có hẳn một Hội thảo khoa học Quốc tế “Phê bình sinh thái: Tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu” do Viện Văn học (Viện HLKHXH Việt Nam) tổ chức tại Hà Nội, ngày 14-12-2017, với hơn 100 tham luận của các tác giả trong nước và quốc tế. Các luận văn ở các trường đại học, viện nghiên cứu đã rục rịch và đông đảo dần hai chữ “sinh thái”. Đó là tâm lý sợ tụt hậu, sợ mang tiếng “ếch ngồi đáy giếng”. Nhưng có hẳn một công trình riêng dành cho phê bình sinh thái, thì quả thật còn hiếm hoi, như Rừng khô, suối cạn, biển độc...và văn chương(Phê bình sinh thái) của Tiến sỹ Nguyễn Thị Tịnh Thy, do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành (năm 2017). Trong 4 chương của sách, 3 chương luận chung về phê bình sinh thái, 1 chương “Thực hành nghiên cứu”. Nhưng các tác giả được “chạm” đến thì chỉ có 2 nhà văn Việt Nam, còn lại là các nhà văn nước ngoài (Trung Quốc nhiều hơn cả). Trong Lời giới thiệu “Phê bình sinh thái ở Việt Nam: quen mà lạ”, nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy nhiệt tình cổ xúy: “Thuộc hệ hình phê bình hậu hiện đại, phê bình sinh thái đã góp phần giải phóng phê bình văn học Việt Nam hiện hành thoát khỏi sự cầm tù của văn bản, tức phê bình nội quan hiện đại chủ nghĩa, tiếp cận tác phẩm từ văn bản, để đến với lối tiếp cận tác phẩm từ người đọc, tức phê bình nội - ngoại quan, chuyển từ văn học sang văn hóa” (Sđd, trang 7). Chúng tôi muốn đối thoại với ông Đỗ Lai Thúy rằng, chưa bao giờ phê bình bám chặt văn bản lại không có cơ sở để gia tăng hàm lượng văn hóa, lại không có cơ sở để chuyển từ văn học sang văn hóa (văn chương là nghệ thuật ngôn từ). Chúng tôi cũng mong manh tin rằng, khi tác giả công trình Rừng khô, suối cạn, biển độc...và văn chươngviết: “phê bình sinh thái đã phần nào làm thay đổi thái độ của nhân loại với tự nhiên thông qua lý thuyết của mình” (Sđd, trang 16). Chưa từng có một phương pháp phê bình nào lại có sức mạnh vô song như thế trong lịch sử văn chương nhân loại từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây.
Tác giả Trần Thị Ánh Nguyệt trong tiểu luận Văn xuôi Việt Nam sau đổi mới từ gợi dẫn của phê bình sinh thái nữ quyền”(trong sách Văn học Việt Nam ba mươi năm đổi mới [1986-2016] - Sáng tạo và tiếp nhận, NXB văn học, 2017, trang 311- 321) đã vận dụng phương pháp phê bình kép sinh thái - nữ quyền để đi tới nhận định: “Hành trình bóc lột tự nhiên gắn liền với hành trình bóc lột phụ nữ (...). Phê bình sinh thái nữ quyền có sự giao cắt với chính trị, điều đó khiến cho phê bình sinh thái thực sự nhạy cảm với các vấn đề thời sự. Đó là lý do vì sao phê bình sinh thái bắt nhịp được với những vấn đề của xã hội Việt Nam đương đại” (Sđd, trang 320-321). Theo cách diễn đạt của tác giả thì, phê bình sinh thái là “bảo bối”, là “vạn năng”, là “mắt thần”. Nhưng thực tiễn chứng minh không như thế. Vì sao có sự khập khiễng giữa lý thuyết và thực tiễn? Theo chúng tôi, quan điểm của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Văn Dân là khá thuyết phục. Trong tiểu luận văn học Tình hình tiếp thu lý luận, phê bình văn học nước ngoài hiện nay (Báo Văn nghệ, số 33 ra ngày 17-8-2019), ông đã chỉ ra tình trạng: 1/Chưa chú ý đầy đủ đến tính khả dụng của lý thuyết, 2/Tình trạng sai biệt trong tiếp thu lý thuyết, 3/Tình trạng thiếu cân nhắc trong tiếp thu. Về phê bình sinh thái, tác giả nhấn mạnh: “Tình trạng sai biệt cũng xảy ra với việc tiếp nhận lý thuyết phê bình sinh thái nói chung và phê bình sinh thái tinh thần nói riêng. Hiện nay ở Việt Nam, một số người đã tiếp thu một quan niệm của Trung Quốc cho rằng: Sinh thái học văn học, ngoài xu hướng nghiên cứu mối quan hệ giữa sinh thái (môi trường tự nhiên với văn học), còn có xu hướng nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học với môi trường văn hóa tinh thần - xã hội như là một vấn đề sinh thái. Nhưng thực sự đây có đúng là phê bình sinh thái tinh thần không?”.
Đối thoại về “trò chơi” và lối viết
Tác giả Thái Phan Vàng Anh xác quyết: “Một trong số các lí thuyết văn học tác động mạnh mẽ đến tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI là lí thuyết hậu hiện đại (...) Không còn “phương pháp sáng tác’, “nguyên tắc xây dựng nhân vật’, hệ thống “thi pháp” như là những “chuẩn mực” trong việc “tái hiện” thế giới; với lí thuyết hậu hiện đại văn học được xem như trò chơi của ngôn ngữ - nơi cả nhà văn lẫn nhà phê bình tập trung hướng đến những khoái cảm do nghệ thuật ngôn từ mang lại hơn là “tính mục đích” trong sáng tạo/phê bình văn chương” (Lời nói đầu trong sách Tiểu thuyết việt Nam đầu thế kỷ XXI - Lạ hóa một cuộc chơi, NXB Đại học Huế, 2017, trang 7-8). Có người nhận xét hơi quá, đó là “phương pháp thả rông” (!?). Cách nay chưa lâu, một nhà văn nữ đã hùng hồn tuyên bố: “Văn chương là một trò chơi vô tăm tích”. Gần đây, luận điểm coi văn học như là trò chơi ngôn từ đã đi vào các luận văn, luận án như một thứ thời thượng/thời trang (à la mode); chẳng hạn đề tài Luận án tiến sỹ của Trần Ngọc Hiếu “Lý thuyết trò chơi và một số hiện tượng thơ Việt Nam đương đại”. Trong tác phẩm của mình, Thái Phan Vàng Anh dành hẳn phần 3 (97 trang) để chỉ viết say sưa về “Trò chơi và lối viết”, trong đó mục II/33 trang (Chối bỏ đại tự sự và nguyên tắc trò chơi), được coi như là điểm nhấn/thăng hoa của sự viết. Tất nhiên đây không phải là phát kiến của tác giả, chỉ là mượn ý của M. Kundera khi ông cho rằng tiểu thuyết là “tiếng gọi của trò chơi”. Trong lý thuyết trò chơi, tác giả nhấn mạnh hơn cả đến “trò chơi mặt nạ tác giả” (“mặt nạ tác giả” gắn với cái gọi là “bất tín nhận thức”). Chúng tôi thấy, một tác giả 8X mà lặn ngụp sâu như thế vào những mê cung của “hậu hiện đại” thì quả thực vất vả và không biết hiệu quả có bù đắp xứng đáng cho những nỗ lực vô tận? Một tác giả trẻ khác - Hoàng Cẩm Giang - trong công trình Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI - Cấu trúc và khuynh hướng (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015) cũng say sưa với “Tiểu thuyết như là trò chơi của tự sự và ngôn từ (mục 2, chương 9). Từ/thuật ngữ “trò chơi” xuất hiện dày đặc trong các tiểu luận Yếu tố trò chơi trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 (trường hợp Tưởng tượng và dấu vết của Uông Triều) của Nguyễn Văn Hùng (Văn học Việt Nam 30 năm đổi mới [1986 -2016], Sđd), Tiểu thuyết Tạ Duy Anh và trò chơi thể loại của Trần Viết Thiện (Thế hệ nhà văn sau 1975, Sđd), ...Gắn văn chương với “trò chơi” thì, theo chúng tôi, đến một ngày nào đó giống các “game show” trên truyền hình, phải thay món liên tục nếu không khán giả sẽ chán, bỏ xem.
IV. KẾT LUẬN
- Dân gian có câu “cũ người mới ta”. Việc tiếp nhận và vận dụng lý thuyết của thế giới là một công việc cần thiết đối với nhà khoa học trong quá trình tác nghiệp. Nhưng tiếp biến (vận dụng sáng tạo) như thế nào lại là cả một vấn đề không hề đơn giản và dễ dàng. Không thể gò ép, thậm chí khiên cưỡng vận dụng “phê bình sinh thái” để viết Sáng tác của Ngọc Giao từ góc nhìn phê bình sinh thái (Lê Tú Anh: Văn xuôi Việt Nam hiện đại- Khảo cứu và suy ngẫm, NXB ĐHQG Hà Nội 2018, trang 258-273). Vũ Ngọc Phan, tác giả công trìnhđồ sộNhà văn hiện đại(quyển Thượng, quyển Hạ,1942-1945),ngày ấychỉ giới thiệutác giảNgọc Giao (1911-1997) một cách giản dị. Cứ theo đà này thì tất cả nhà văn Việt Nam và tác phẩm của họ đều có thể tiếp cận từ “phê bình sinh thái, “hậu hiện đại”, “hậu thực dân”, “phân tâm học”, “ký hiệu học” (!?).
- Liệu có thể coi “thế hệ f” với đúng nghĩa là một thế hệ phê bình, dẫu họ cố gắng một cách có ý thức về “cái khác”, dẫu họ cố gắng làm chủ các lý thuyết phê bình “ngoại nhập”, dẫu số lượng tác phẩm của họ được xuất bản là không ít? Thiết nghĩ, một thế hệ mới xuất hiện phải tạo nên được cái mới/giá trị mới. Nghiêm túc, công bằng mà nói đội ngũ 7X, 8X và cả 9X nếu có đóng góp vào nền phê bình nước nhà hiện nay là ở chỗ họ bổ sung lực lượng đông đảo (trẻ, khỏe, nhiệt huyết), có sản phẩm kịp thời. Nhưng số lượng (nhân lực, vật lực) dẫu tăng có thể vẫn không dẫn đến chất lượng mới/giá trị mới theo quy luật “nghệ thuật sáng tạo cái mới”./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Hoài Anh: Lý luận -Phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 (Chuyên luận), NXB Hội Nhà văn, 2009
2. Trần Chí Lương: Đối thoại với tiên triết về văn hóa phương Đông thế kỷ XXI (Trần Trọng Sâm -Nguyễn Thanh Diên dịch), NXB ĐHQG Hà Nội, 2006
3. Nhiều tác giả: Tiếp nhận văn học nghệ thuật, NXB ĐHQG Hà Nội, 2013
4. Nhiều tác giả: Lý thuyết phê bình văn học hiện đại (Tiếp nhận & ứng dụng), NXB Đại học Vinh, 2013
5. Nhiều tác giả: Thế hệ nhà văn sau 1975, NXB Hội Nhà văn, 2016
6. Nhiều tác giả: Văn học Việt Nam ba mươi năm đổi mới- Sáng tạo và tiếp nhận (1986-2016), NXB Văn học, 2017
Bùi Việt Thắng
Nguồn: Văn hóa Nghệ An, ngày 11.02.2020.