Đừng kể tên tôi của Phan Thúy Hà, theo tôi, là một trong những tác phẩm văn chương đáng đọc nhất trong năm 2017. Phan Thúy Hà (sinh năm 1979) là một cái tên “mới toanh” trên văn đàn. Một cây bút nữ độc đáo, có phần kì lạ. Chị vốn là cựu sinh viên khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ra trường, Phan Thúy Hà đầu quân cho Nhà xuất bản Phụ nữ, là một biên tập viên cứng tay.
Cái câu “văn là người”, với trường hợp Hà là sát hợp. Làm việc ở Nhà xuất bản Phụ nữ được chừng dăm năm, thì đùng một cái, Hà có một quyết định khiến nhiều người ngạc nhiên - xin nghỉ việc. Sau này, khi Đừng kể tên tôi ra mắt, một lần gặp lại Hà, tôi hỏi lí do vì sao đang thuận buồm xuôi gió lại không làm ở một nơi chốn mà nhiều người đang muốn đặt chân vào, thì nhận được câu trả lời giản dị “Em muốn dành thời gian viết văn!”. Tôi không nghĩ Hà mắc bệnh “vĩ nhân tỉnh lẻ”. Tôi cũng không nghĩ Hà không quan tâm tới chuyện “cơm áo không đùa với khách thơ”.
Con người bề ngoài ít nói này mấy ai biết bên trong sục sôi ý chí, kiên gan, hơi “gàn”, đã quyết là làm. Trở về quê, ngày ngày Hà đi gặp những nhân chứng sống đã trải qua thời đạn bom ác liệt, cần mẫn, kiên trì đeo bám nhiều người, thuộc nhiều giới, nhiều lứa tuổi, nhiều cảnh ngộ, nhiều số phận, hỏi chuyện, ghi chép cẩn thận. Hà cứ như con ong cần cù hút nhụy hoa tạo mật ngọt. Lại nhớ Nguyễn Tuân viết Sông Đà (1960), cụ đã vào thư viện đọc cả ngàn trang sách để hiểu thêm về địa lí, địa tầng, thổ nhưỡng, khí tượng, thủy văn,... Cụ lại còn đọc để biết chi tiết hơn là, muốn tạo 100 g mật, con ong đã phải “đánh đường tìm hoa” không dưới 200 km. Chao ôi, nghề văn cũng lắm công phu.
Tôi biết, lăn lộn ở quê như thế, Hà đã có được một vốn liếng, dĩ nhiên không phải tiền bạc, mà là vốn sống. Ở trường hợp này cái phương châm “sống đã rồi hãy viết” (Nam Cao) tỏ ra phù hợp với Hà. Nhiều người viết văn bây giờ đã lười nhác mà ỷ vào internet. Họ không có cái thú đi đây đi đó (trước đây gọi là “xê dịch”). Họ “trùm chăn” để viết. Tác phẩm nếu có ra được thì cũng chỉ đầy “xác chữ”. Tôi tin rằng, Hà khi học ở khoa Văn học đã có lưng vốn cơ bản. Nhưng viết văn là cả một công trình sống. Là người thời nay, Hà không thể không biết đến các “ism” (học thuyết, chủ nghĩa) đang như nấm mọc sau mưa. Nhưng tuyệt nhiên thấy vắng bóng trong tác phẩm của Hà các thứ hậu hiện đại, hậu thực dân, nữ quyền, sinh thái, phân tâm học,... Chỉ thấy ròng ròng sự sống.
Hơn một lần tôi ghi vào sổ tay văn học (thói quen từ thời sinh viên Văn khoa Tổng hợp) câu của văn hào Nga thế kỉ XIX, L.Tolstoy, đại ý, nhân vật mà ông yêu thích nhất, vui buồn với nó nhất, tâm huyết nhất lúc viết chính là sự thật. Hóa ra là, tác phẩm văn chương quyến rũ, mê hoặc ta bao đời nay, không gì khác, chính là SỰ THẬT. Đúng như đại thi hào Nguyễn Du viết: Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Nếu nhân dân vĩ đại quay lưng với văn chương thì không phải vì dân trí mà vì cái nhợt nhạt, phỉnh nịnh, giả dối,... chỉ là một thứ xa xỉ phẩm trong nhu cầu tinh thần của con người thời đại. Nói cho cùng thì truyền thống của chủ nghĩa hiện thực trong văn chương Việt Nam hiện đại chưa đi hết cung bậc, nó tạm thời bị tắc nghẽn một quãng thời gian dài (áng chừng đến bốn mươi năm), vì rất nhiều lí do ngoài văn chương. Nhà văn chân chính phải có đủ dũng khí “nhúng tay vào sự thật”. Sự thật tạo nên hấp lực của văn chương.
Tại sao Hà không chọn hình thức hư cấu (fiction) mà là phi hư cấu (non-fiction) khi viết Đừng kể tên tôi? Tôi không đặt câu hỏi này sau khi đọc xong tác phẩm, với Hà. Tôi biết, mỗi người có sự lựa chọn sống và viết không ai giống ai. Cá tính sáng tạo rất quan trọng. Nó là chân tủy của sự viết. Nó có thể là ý thức hoặc không có ý thức, có thể là tự phát hay tự giác khi viết đối với mỗi người cầm bút. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng đôi khi tình thế buộc phải so sánh: giải Nobel văn chương 2015 trao cho nữ nhà văn Xvetlana Alexievich với tác phẩm phi hư cấu Chiến tranh không mang một khuôn mặt nữ (Nguyên Ngọc dịch, Nxb Hà Nội, 2016). Có thể nói không quá, văn chương tư liệu đang lên ngôi trong thế kỉ XXI. Nhìn vào văn học Việt Nam sẽ thấy rõ hơn. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 trao cho tiểu thuyết tư liệu Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh (tính đến năm 2017 đã được tái bản nhiều lần, số lượng lên tới hơn 10.000 bản sách, đã có phiên bản tiếng Anh). Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2017 trao cho Hồi ức lính của Vũ Công Chiến. Những tác phẩm văn học tư liệu khác thu hút sự quan tâm của độc giả gần đây như Quân khu Nam Đồng của Bình Ca, Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn, Lính Hà của Nguyễn Ngọc Tiến, Quảng Trị 1972 của Nguyễn Quang Vinh, Chuyện lính Tây Nam của Trung Sỹ,... đã tăng thêm niềm tin vào triển vọng của hình thức văn học tư liệu/ phi hư cấu. Có thể Hà chưa đọc được nhiều của đồng nghiệp trong và ngoài nước. Có thể Hà hoàn toàn như một hòn đảo cô liêu giữa trùng khơi. Có thể khi viết Hà hoàn toàn chỉ đưa vào những chuyện có thật ở quê hương mình, đã cảm thấy đủ, thậm chí dư thừa chất liệu cho nhiều tác phẩm tiếp theo. Vì thế, nhà văn Trần Huy Quang đã thấy việc Hà không chọn hình thức thể loại tiểu thuyết hư cấu để viết là có lí do sâu xa của nó. Vấn đề đặt ra với nhà văn là, cuốn sách được viết ra cao hơn cuộc đời hay cuộc đời cao hơn cuốn sách? Đôi khi rất khó tường minh nếu muốn chi li giải thích. Riêng tôi thì thấy sự thật cao hơn cuốn sách. Có nghĩa là, Hà cũng như nhiều nhà văn khác, nếu tiếp tục “tuẫn tiết viết” thì cả đời người cũng chỉ chạm được vào sự thật mà thôi. Cuộc kháng chiến mười nghìn ngày (1945-1975) là cả một nguồn tư liệu khổng lồ, một trữ lượng vô tận. Phải có nhiều thế hệ tiếp cận và khai thác. Có thể trong vòng năm mươi năm tới, chiến tranh vẫn là một “siêu đề tài” của văn học. Tôi cũng chưa thật rõ quan niệm của Hà khi cầm bút vì người như chị sẽ rất ít khi lập ngôn hay tuyên ngôn. Nó ngược với cái thói đỏng đảnh của mấy cây bút thích “lên gân” rằng “văn chương cuối cùng cũng chỉ là một trò chơi vô tăm tích” (!?). Lại có người cứ chăm chăm vào cái mục đích giải trí của nghệ thuật ngôn từ vì chỉ đọc được mấy câu cuối của Truyện Kiều, thấy cụ Nguyễn Du viết: Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh. Có một ông nhà văn nọ cứ cố tình bám lấy câu này mà thắc thỏm về cái gọi là chức năng giải trí của chữ nghĩa. Không trường phái, không chủ nghĩa, không tuyên ngôn, Hà cứ lẳng lặng viết. Ban đầu cũng chỉ nghĩ không thể không viết ra vì đã được nghe nhiều chuyện kinh thiên động địa. Chuyện từ trong nhà ra ngoài ngõ. Viết vì như có lửa trong người nên cảm thấy “nóng”. Phải cho câu chữ nó phóng ra để thăng hoa nội tâm. Viết để giải tỏa. Viết như một món nợ với cha chú, anh chị, đồng bào, đồng hương. Tôi hình dung Hà như mê đi, như bị cuốn vào thác lũ của những câu chuyện tai nghe mắt thấy. Con người đâu phải gỗ đá. Lại còn bao nhiêu duyên nợ với cuộc đời mà người phụ nữ bình thường không thể làm ngơ hay từ chối thiên chức. Có lẽ cuộc đua “bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn” vẫn cứ diễn ra trong nội tâm của Hà. Đâu phải chỉ có cô Kiều của cụ Nguyễn Tiên Điền. Giống như người đã lên chuyến tàu tốc hành, không thể xuống ga xép, Hà cứ phải phăng phăng lao lên phía trước. Đây là trận đánh chữ nghĩa, không đổ máu nhưng đổ mồ hôi, công sức.
Đừng kể tên tôi kể câu chuyện nào? Lí luận văn học đã chỉ ra một nguyên tắc: không phải là viết về cái gì mà quan trọng hơn là viết như thế nào. Chính vì thế tôi quan tâm đến cách viết của Hà. Trước nhất, Hà tôn trọng triệt để sự thật. Sự thật, bản thân nó lên tiếng. Sự thật, trong sức mạnh tiềm tàng của mình đã hướng dẫn ngòi bút. Có nhiều sự thật. Có sự thật có lợi cho một nhóm người. Sự thật của kẻ thích a dua đám đông. Sự thật một nửa. Sự thật được đánh bóng ru ngủ lòng người. Nhưng chỉ có sự thật đích thực khi nhà văn “lặn” xuống tận đáy đời sống nhân quần.
Thông thường chiến tranh hiện lên trên trang viết trong bộ mặt gớm guốc của thần chết, vì không mất mát nào lớn bằng cái chết. Cái cảnh núi xương sông máu, người ta nghĩ, đó là chân dung chiến tranh. Nhưng đó là lối viết quen thuộc. Có cách khác viết về nỗi buồn chiến tranh (nhan đề một tiểu thuyết của Bảo Ninh). Có cách viết như Tiểu thuyết đàn bà của Lý Lan khi tác giả xoáy sâu vào chủ đề “sự thất lạc bởi chiến tranh”. Trên một tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc có thể viết về nỗ lực xoa dịu, lấp dần hố ngăn cách do lòng hận thù của những người tham gia chiến tranh từ hai phía, vì hận thù làm cho cuộc đời con người ngắn lại. Đỉnh cao hoang vắng của Khuất Quang Thụy, Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê gần đây kể những câu chuyện đau đớn và nhức nhối để hàn gắn vết thương chiến tranh bằng tinh thần giác ngộ, vị tha theo giáo lí Phật. Suy cho cùng tất cả đều là con người, đều là những sinh linh nạn nhân của chiến tranh. Hà viết về cái chết do chiến tranh gây ra. Cũng sát sàn sạt. Cũng ghê gớm. Cũng đau đớn xót xa. Nhưng cái chết trong chiến tranh không ghê gớm bằng cái chết sau chiến tranh do di họa của nó để lại (các nạn nhân chất độc da cam). Cái chết tinh thần ghê gớm hơn, đó là con người bị thất lạc (với quê hương, với gia đình, với bản thân). Đó là nỗi đau khi bị cướp công, bị hàm oan, bị lợi dụng cho những tính toán vị kỉ. Chiến tranh khiến cả một thế hệ dang dở để rồi sau đó lao tâm khổ tứ khắc phục. Cuộc chiến tranh mười ngàn ngày cướp đi hàng triệu người mãi mãi tuổi hai mươi. Đó là cái vốn trời cho không bao giờ lấy lại được. Và khủng khiếp hơn, chiến tranh đã tạo nên một thói quen nguy hiểm khi con người quen với từ “chết”, từ “giết”, từ “phá” hơn là vun xới giá trị của từ “sống”, “xây dựng”, “gìn giữ”, “vun trồng”,... Chiến tranh là sự bất bình thường khiến con người muốn sống bình thường sau đó mà trở nên gian nan, khổ ải. Chiến tranh tàn khốc là một “trò đùa” của tạo hóa chăng? Bất hạnh thay cho dân tộc nào bị tạo hóa chơi khăm.
Những nhân chứng sống Hà ghi cuối sách như muốn nói với độc giả rằng, những câu chuyện các vị nghe tôi kể ở đây là của người trong cuộc, những người đã trải qua “lửa đỏ và nước lạnh” thuật lại, tôi chỉ ghi lại trung thành. Họ không bịa tạc vì thậm chí từ chiến trường trở về không ai trong số họ quan tâm các giấy tờ liên quan đến các chế độ đãi ngộ sau này (thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, thanh niên xung phong,...). Lúc ra trận họ không nghĩ đến các chế độ ưu tiên nếu còn sống trở về. Nhưng, những thất thiệt do hoàn cảnh đem lại cho những người đã cống hiến tuổi thanh xuân vì thắng lợi chung, thì càng nghĩ càng đau đớn, bất bình vì thói vô trách nhiệm của những kẻ “máu cá” (cách nói của Nguyễn Minh Châu). Không ít người cố tình quên quá khứ, hay ngâm nó vào một thứ nước lợ, vì như thế có lợi cho họ.
Tôi nghĩ, không cần kể lại chi tiết Hà đã viết những gì. Không gì thay thế được việc đọc trực tiếp tác phẩm. Người phê bình không nhất thiết mô tả tác phẩm, bởi như thế là thừa. Thậm chí vô duyên khi tác giả đã kể rất ngọn ngành, hấp dẫn. Tác giả chỉ còn chờ sự đồng cảm của độc giả. Nếu có, đó là sự đồng điệu, đồng sáng tạo. Đây là thời mà tác giả khi viết không thể không chú ý đến công chúng đọc. Tôi cũng đồ rằng, lứa tuổi teen, đặc biệt những ai nông nổi, không thích kiểu viết của Hà. Họ hiện sinh, thực dụng, họ sợ bị “bóng đè”. Nhưng Hà đừng lo. Mỗi người sáng tác có công chúng riêng của mình. Hà sẽ có công chúng thuộc típ người sống chậm, thích suy tư và nghiền ngẫm, về quá khứ, hiện tại và con đường phía trước. Trên hành trình ấy, hãy Đừng kể tên tôi, HÃY KỂ TÊN NHÂN DÂN.
B.V.T
Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 23.10.2018.