PNO - Tôi vẫn luôn hoài nghi cái ý nghĩa lớn lao của văn học ngày nay mà người ta từng nói. Nguyên do bắt nguồn từ hai điểm: một là, những gì đáng viết thì tựa hồ tiền nhân đã viết cả rồi; hai là, văn học vĩ đại tất nhiên được sinh ra trong thời đại phù hợp với nó, ngày nay lại là thời của mạng và khoa học kỹ thuật, văn học chỉ là một diễn viên phụ, không giống giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đến thập niên 70 của thế kỷ XX - khi văn học là một diễn viên chính, một trụ cột văn hóa chiếm một góc trên vũ đài thế giới.
Nhà văn Diêm Liên Khoa
Sự yếu đuối và cô độc của văn học
Thời đại sản sinh ra nền văn học vĩ đại đã qua rồi. Chỉ thiên tài mới có thể được ông trời nhìn đến mà viết ra những tác phẩm kinh thiên động địa. Nhưng với tình thế và hiện thực ngày nay, thật khó có thể sản sinh ra những tác phẩm vĩ đại.
Văn học thế giới đã có trọn vẹn hai trăm năm huy hoàng của thế kỷ XIX và XX, lịch sử nhân loại đã không phụ văn học. Việc những nhà văn còn sót lại nên làm, chính là diễn xuất một cách hết sức vẻ vang vai diễn phụ của mình. Trong rất nhiều tiểu thuyết, phim truyện, ký kịch, sự vinh quang của vai phụ còn hơn cả vai diễn chính - chúng ta không ngừng cần mẫn tìm tòi và viết lách, đại khái cũng vì sự vĩ đại bất ngờ đó mà sáng tác.
Nhưng chúng ta cũng chớ quên diễn viên chính vẫn là diễn viên chính, diễn viên phụ vẫn phải diễn vai phụ mà lịch sử đã phân công. Chấp nhận sự bên lề của văn học chẳng phải một việc tồi tệ. Nó khiến chúng ta biết trong thời đại này, nhà văn chỉ là nhà văn, biết họ muốn làm gì và họ chỉ có thể làm gì.
Bệnh viêm phổi do vi-rút Corona chủng mới đã đến.
Nó quả thực giống như một cuộc chiến không đáng có, nhưng tiếng súng lại đột nhiên vang lên bốn bề. Chẳng phải chỉ một Vũ Hán, Hồ Bắc và Trung Quốc, mà toàn thế giới dần bị kéo vào tai họa ấy. Vũ Hán - thành phố nằm sâu trong đại lục Trung Quốc, trung tâm của nạn dịch ấy, kiếp nạn của bệnh tật và tử vong, tựa như tâm của cơn sóng thần vươn đổ ra bốn bên. Các nước trên thế giới đều không ngờ rằng, chúng ta lại lấy cách đó để chứng minh: nhân loại là một cộng đồng chung.
Hoang đường và trái ngược luôn là một bộ phận của lịch sử nhân loại. Ở đó, sinh mệnh của người chết vẫn còn chưa nhắm mắt, nước mắt và tiếng than khóc bi thương vẫn vang vọng khắp nơi. Mấy vạn nhân viên y tế Trung Quốc bỏ lại con cái và gia đình luân phiên lao tới Vũ Hán, Hồ Bắc xông pha cứu chữa. Khi những nhân viên y tế đem mạng sống ra chống lại dịch bệnh, rất nhiều người đã trở thành một phần trong số những người đã chết. Có thể nói không chút nghi ngờ rằng, bất luận khởi nguồn của dịch bệnh ở đâu, nhưng sự lan tràn của nó bộc phát từ những kẽ hở trong kết cấu xã hội đặc thù của Trung Quốc.
Nhưng, từ sau khi phong tỏa Vũ Hán, thì cả Trung Quốc rất nhanh chóng kết lại làm một, tựa như những thanh củi lẻ tẻ được bó thành một bó bốc cháy. Vào lúc ấy, những thói xấu trong nhân tính giống như khói đen của bó củi ướt cuộn quanh chúng ta, đồng thời những ánh sáng và sự thuần khiết của nhân tính cũng giống như ánh lửa chói mắt, soi sáng sưởi ấm thế giới, đất trời, con người.
Đó cũng chính là sức mạnh dân tộc như người ta vẫn nói. Cũng chính là hy vọng dân tộc ta đang nói đây.
Giữa sức mạnh và hy vọng ấy, ở điểm xung động giữa sự xa mờ của văn học với sự bức thiết cận kề của nạn dịch, chúng ta lại một lần nữa nhận ra sự yếu đuối và cô độc của văn học. Nó chẳng những không thể biến thành khẩu trang để đưa đến vùng dịch, mà cũng không thể trở thành một bộ quần áo bảo hộ y tế. Lúc cần ăn uống, nó không phải là sữa và bánh mì; khi cần rau cỏ, nó không phải là củ cải và cần tây. Thậm chí, khi mọi người sợ hãi, lo lắng bất an, nó cũng không thể trở thành một viên giả dược.
Vì sao, trong tiếng nói của một bộ phận truyền thông chính thức của Trung Quốc, và hầu như toàn bộ người dân có suy nghĩ, không hẹn mà cùng gọi Vũ Hán bị phong tỏa là “Auschwitz” (trại tập trung của Đức Quốc xã ở Ba Lan - người dịch)? Vì sao người ta liên tưởng giữa Auschwitz và “Thơ”?
Vì bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới ở Vũ Hán đã trở thành một ẩn dụ. Vì trong kiếp nạn đột nhiên xảy đến này, xã hội Trung Quốc lại một lần nữa thể nghiệm được tính trọng yếu của việc bao dung những tiếng nói khác biệt. Cũng một lần nữa đem sự sống và cái chết để chứng minh, ở trong trại tập trung Auschwitz khi có thể viết thơ thì hãy viết thơ.
Bởi vì bài thơ lúc này, nó không phải là thơ, mà là tiếng nói khác biệt, truyền gửi và sống động. Nếu như năm xưa, trong trại Auschwitz, có người có thể viết thơ, và đem bài thơ ấy truyền ra ngoài, thì trại Auschwitz sẽ không kéo dài lâu như thế, sẽ không có những sinh mệnh vô tội bị phát xít giày xéo dưới gót chân như con sâu cái kiến nhiều đến thế.
Bệnh nhân khỏi bệnh vẫy tay chào đội ngũ y bác sĩ ở Bệnh viện Dã chiến Lôi Thần Sơn, Vũ Hán ngày 1/3 - Ảnh: Reuters |
Trong giá lạnh, nhà văn vẫn nhiều hơn người khác một chiếc áo bông
Trong chiến tranh nếu không có mặt những phóng viên chiến trường coi sự thật như mạng sống của mình thì điều ấy thực sự là ngu xuẩn và đáng sợ.
Nhân loại đối mặt với kiếp nạn mà không tồn tại những tiếng nói khác biệt thì đó mới là kiếp nạn lớn nhất vậy.
Khi chiến tranh và nạn dịch xuất hiện, có những nhà văn có thể trở thành “chiến sĩ” và “phóng viên chiến trường”. Tiếng nói của họ còn vang xa hơn tiếng súng. Âm thanh của tiếng vang khác biệt ấy nhiều khi có thể khiến mũi dao trước mặt phải chùn lại, khiến tiếng đại bác của đối phương phải câm nín, giống như Isaac Babel và Hemingway, Norman Mailer, Singer và George Orwell.
Nói vậy không phải nhà văn trong chiến tranh nhất định phải thành phóng viên mới là nhà văn giỏi, mà là, một nhà văn trong chiến tranh nhưng không nhìn thấy cái chết, không nghe thấy tiếng súng, là một chuyện vô cùng hoang đường. Thậm chí, anh ta rõ ràng đã nhìn thấy cái chết, đã nghe thấy tiếng súng, nhưng lại nói tiếng súng ấy là tiếng pháo hoa mừng khải hoàn sắp tới, thì còn hoang đường gấp bội, và nó còn đáng sợ hơn cả chiến tranh hay dịch bệnh.
Dẫu rằng, Kafka trong nhật ký của mình có viết: “buổi sáng chiến tranh nổ ra, buổi chiều đi tắm”, nhưng chúng ta nhất định không được quên rằng ông ấy vô cùng mẫn cảm với sự hoang đường, và thực sự viết ra những con người hoang đường. Nhưng chúng ta, lại thường là người coi tiếng súng nổ là tiếng pháo hoa, thậm chí còn cầm cây bút của mình lên để chứng minh sự bình thường của hoang đường cũng như tiếng súng đích thực chính là tiếng pháo hoa.
Không ai có quyền khiển trách khi giữa những tiếng khóc than, có người trở thành kẻ gào thét hay vung tay hô lớn; cũng không nên khiển trách khi vô số chân tướng còn chưa rõ ràng. Đã có những nhà thơ, nhà văn, giáo sư và những trí thức trong sự lựa chọn chính xác của chính trị, rất sớm đã tuyên bố sự lựa chọn, lập trường và quyết định của họ.
Trên thế giới rất ít người có thể hiểu nổi sự khiếp nhược và bất lực của nhà văn Trung Quốc, giống như những con chim cánh cụt yếu đuối ở Nam Cực chỉ có thể sống được trong giá lạnh. Cảnh ngộ thường quyết định sự cao thấp và khác biệt rõ ràng giữa nhà văn với nhà văn, văn học với văn học.
Ở Trung Quốc, việc cho phép tồn tại những tiếng nói khác còn cấp bách và quan trọng hơn nhiều việc sản sinh ra một hay vài tác phẩm vĩ đại ngoài ý muốn. Không ai có thể hiểu nổi sự yếu đuối, cô độc và bất lực của nhà văn Trung Quốc. Cũng không ai có thể hiểu, nhà văn Trung Quốc không hoàn toàn trân quý hay cần thiết sự bao dung và tự do kiểu “anh có thể thế này, tôi có thể thế kia”.
Nhân loại đều có tâm lý muôn người như một: trời lạnh mọi người cùng lạnh, trời ấm mọi người cùng ấm. Nhưng thực sự có đúng vậy không? Với một tập hợp mờ nhạt của nhà văn, văn đàn mà nói, khi mùa đông lạnh giá thực sự tới rồi, trên mình tôi vẫn còn nhiều hơn anh một cái áo bông được người ta phát cho. Đó cũng chính là sự vi diệu, bối rối và thê lương của nhà văn và văn học Trung Quốc ngày nay. Bởi trong cái giá lạnh ấy, phần lớn các nhà văn vẫn nhiều hơn so với người khác một cái áo bông chống rét.
Y tá với dòng chữ “Có tôi đây đừng sợ” trên tay áo - Ảnh: Chinanews |
Đừng biến văn học thành tội ác
Trong hai cuộc chiến tranh thế giới, không phải tất cả những nhà văn đều ra tiền tuyến, đều cầm bút trên chiến trường như Babel, Hemingway và Orwell. Nhưng nếu Tolstoy chưa từng là một người lính, ông viết Chiến tranh và hòa bình thế nào? Nếu Remarque không tham chiến và bị thương trong Thế chiến I, ông viết Phía tây không có gì lạ thế nào? Và đến Joseph Heller với Bẫy số 22, Vonnegut với Bữa sáng của nhà vô địch, lại còn Albert Camus với Dịch hạch, José Saramago với Mù lòa…
Những tác giả nêu ở trước đều từng là lính không quân hoặc tù binh, còn những tác giả kể sau lại là người có hiểu biết và cảm nhận rất sâu về dịch bệnh của nhân loại. Từ góc độ ấy mà nói, ở tình cảnh hôm nay, đến lượt những nhà văn Trung Quốc nên viết cái gì? Họ nên viết ra những con người cá biệt đau đớn nhất, lịch sử hoang đường bất kham nhất, tác phẩm sáng tạo riêng biệt nhất.
Trong lịch sử và hiện thực của đất nước, nhà văn Trung Quốc đã tự mình trải qua, trông thấy quá nhiều sự hoang đường: tử vong và tai nạn; sự bộc phát của dịch bệnh, và sau khi quên đi kiếp nạn rồi nó lại nổ ra. Trải qua những điều ấy rồi, chúng ta có suy nghĩ về sự cô độc, ký ức của con người, và tình cảnh khốn khổ của nhân loại như Camus và Saramago không? Có đối diện với chân tướng của con người, hiện thực và thế giới mà dùng sự sáng tạo để đi tới một sự thực nào đó sâu sắc hơn giống như họ không? Viết hay không viết? Viết thì sẽ viết những gì?
Nói thật, ở Trung Quốc có rất nhiều nhà văn vô cùng tài hoa. Nhưng cái khó của văn học Trung Quốc không hoàn toàn ở chỗ, người ta cho chúng ta viết gì và không viết gì, mà còn ở bản thân chúng ta muốn viết gì và phải viết gì. Qua loa sống tạm là một việc, không thể không sống tạm lại là một chuyện khác. Nhưng tỉnh táo và tự nguyện sống tạm bợ lại là một cái khác trong số những cái khác ấy. Tôi biết, tôi là kẻ sống tạm, nhưng có thể từ trong cuộc sống tạm bợ ấy giành được hạnh phúc và niềm vui, đó là một bẩm tính và văn hóa của người Trung Quốc ngày nay, là một loại đặc chất di truyền.
Văn học yếu đuối, cô độc và bất lực, nhưng nhà văn chẳng những không suy nghĩ về điều đó, mà có thể lại dùng bút mực, tiếng nói và quyền lực của mình để phổ lên những khúc nhạc, cất lên lời thơ ca ngợi hiện thực được tạo nên từ những hoang đường, chết chóc. Để sống tạm, họ lại mang những cái giày của anh hùng để che phủ lên những dấu chân đi đến mộ phần của người chết. Điều ấy khiến cho văn học chẳng những yếu đuối, cô độc và bất lực, mà hơn nữa còn khiến văn học biến thành tội ác. Khiến văn học không còn là văn học nữa.
Điều đáng sợ, không phải là vai trò của văn học trong lịch sử đã bị thay thế và đẩy ra ngoài lề, mà nhà văn biết rõ điều đó nhưng lại vỗ tay cho sự yếu đuối và cô độc, lớn tiếng khen hay cho những sáng tác yếu đuối và cô độc ấy, và lột nốt cái giày cuối cùng của văn học ra, để nó đi chân trần trên gai góc, nhìn văn học gục xuống chết, mà cho rằng mình là nhà văn, là tấm gương đã cứu vớt văn học.
Đó cũng chính là một loại của văn học Trung Quốc hiện nay, là tên đao phủ của văn học mà nhà văn đã tự mình đảm nhận. Bi kịch của văn học Trung Quốc ở chỗ, rất nhiều nhà văn trong cơn giá lạnh đều mặc nhiều hơn người khác một chiếc áo bông. Và khi ra đường, đứng giữa mọi người đều rét mướt, những người mặc hơn người khác một cái áo bông ấy, có thể cởi áo bông của mình ra không? Nếu không, thì văn học sẽ là vô vọng, hoặc thậm chí là tội ác.
Diêm Liên Khoa (Nhà văn Trung Quốc)
Châu Hải Đường (dịch)
Nguồn: Báo Phụ nữ, ngày 20.03.2020.