Nhà văn Mỹ gốc Việt Andrew Lâm: ‘Viết là hành trình cô đơn đầy mê hoặc’

Nếu bạn không có niềm đam mê thực sự, đừng theo đuổi sự nghiệp viết. Nó là một bức tranh trái ngược với những hình ảnh lãng mạn mà bạn vẫn thường nhìn thấy ở những nhà văn thành công.

Chúng tôi gặp Andrew Lâm, một nhà văn, nhà báo người Mỹ gốc Việt, tác giả cuốn sách Perfume Dreams: Reflections on the Vietnamese Diaspora (Những giấc mơ hoa: Suy ngẫm về cộng đồng người Việt tha hương) và East Eats West: Writing in Two Hemispheres (Viết ở hai cực Đông, Tây) tại Thành phố Hồ Chí Minh trong dịp ông trở lại tìm kiếm tư liệu cho dự án sách mới về lịch sử, gia đình và quê hương Việt Nam.

20200419

Cách không xa cuộc sống xô bồ và guồng quay không ngừng nghỉ của Thành phố Hồ Chí Minh, “chốn trú ẩn” của Andrew Lâm nằm trong một con ngõ lặng lẽ cạnh sông Sài Gòn. Mỗi buổi sáng, ông đi bộ dọc theo con đường nhỏ thanh bình chia cách khu căn hộ và dòng sông Sài Gòn, hít làn gió mát lành và đắm chìm trong những suy tư lúc bình minh lên. Ông cũng không quên tự thưởng cho mình một tách cà phê trước khi quay về căn hộ nhỏ. Ngay tại đây, Andrew ngồi lặng lẽ bên ban công nhìn ra sông Sài Gòn trong sự thanh thản và cô độc mà ông từng viết rằng ông “sẽ giữ tuyệt đối cho riêng mình”.

_______

Với ông, trở thành nhà văn là định mệnh hay là lựa chọn cá nhân?

Tôi xem nó như một tiếng gọi, một mong ước thầm kín và theo thời gian nó trở thành một thiên hướng. Tình yêu với ngôn ngữ và niềm say mê đọc sách là điều không thể chối cãi. Khi tôi bắt đầu viết, tất cả những nỗi buồn, sự bối rối và những hiểu biết sâu sắc cuồn cuộn trong tôi bắt đầu xuất hiện hình hài và ý nghĩa. Tôi vẫn luôn vật lộn với việc tìm kiếm ý nghĩa của chúng. Tuy nhiên, viết lách cho tôi một phương tiện để bộc lộ chính mình.

_______

Trong việc viết lách, điều gì lôi cuốn ông nhất? Một nhà văn cần kỹ năng để viết hay họ đã được ban tặng bản năng viết?

Tôi nghĩ điều quan trọng nhất trong sáng tác là có thể gọi tên một khái niệm, ý tưởng, suy ngẫm và cảm xúc. Nói cách khác, thông qua việc viết lách, tôi có thể định hình những trải nghiệm, một thứ hỗn độn và muôn hình muôn vẻ. Viết lách ít nhất cho phép tôi chắt lọc những trải nghiệm và chia sẻ chúng với người đọc.

Nếu không có một sự thôi thúc, những kỹ năng sẽ trở nên vô dụng đối với người viết. Mong ước được bày tỏ là cốt lõi của việc viết, là động lực viết. Kỹ năng và kỹ thuật là thứ người viết cần học để phục vụ cho việc hiện thực hoá mong ước của mình. Còn thật khó để nói về tài năng. Tôi nghĩ, mỗi người trong chúng ta đều có tài năng theo một cách nào đó.

Tôi không bao giờ can ngăn ai theo đuổi việc viết lách nếu người đó thực sự muốn và có điều gì đó để viết. Tôi sẽ can ngăn những người lãng mạn hoá việc viết và mong muốn theo đuổi việc viết mà thiếu đi một ao ước sâu sắc được bày tỏ bản thân.

Nhà văn Mỹ gốc Việt Andrew Lâm: 'Viết là hành trình cô đơn đầy mê hoặc' -2

_______

Có bao giờ ông tách biệt hình ảnh bản thân khỏi những tác phẩm của mình hay mỗi tác phẩm đều là một hiện thân của bản ngã?

Những tác phẩm của tôi không bao giờ có thể lột tả được hết con người tôi, những trải nghiệm hàng ngày, sự kỳ lạ, những thăng trầm trong cuộc sống, nỗi buồn và niềm vui. Mặc dù mỗi tác phẩm của tôi phản ánh góc nhìn của tôi đối với những sự việc, được truyền cảm hứng bởi những sự việc nhất định cộng thêm những hiểu biết cá nhân nhưng tôi không cảm thấy rằng tôi sống để viết.

Viết lách mang lại ý nghĩa cho cuộc đời, là thứ neo đậu con người tôi, cho tôi một sự định hướng. Ngược lại, những trải nghiệm cuộc sống cá nhân bộc lộ chính nó trong các tác phẩm hư cấu và phi hư cấu của tôi. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng viết lách có thể điều khiển tôi theo cách mà tôi vẫn thấy ở nhiều nhà văn khác. Tôi sống cuộc đời của mình. Và tôi viết.

_______

Liệu mỗi nhà văn có nên tìm một nơi trú ẩn để giải phóng sức sáng tạo của họ? Viết lách có phải là một lối thoát giúp các nhà văn thoát khỏi sự đơn độc của chính mình?

Có rất nhiều loại nhà văn. Một số người viết theo công thức, một số người viết những câu chuyện cá nhân. Nhắc đến nơi trú ẩn, tôi nghĩ bạn đang nói đến một không gian riêng hoặc có thể là một trang thái cô đơn mà người viết bắt đầu ngòi bút của mình. Nếu như vậy, tôi cho rằng mỗi nhà văn nên có một chốn trú ẩn cho riêng mình.

Đối với câu hỏi thứ hai, tôi không thực sự đồng ý với suy nghĩ đó. Tôi xem việc viết như một nỗ lực định nghĩa vị trí của tôi trên trái đất này, trong lịch sử và để tạo nên một khung hình xung quanh nó. Tôi không xem viết lách là một lối thoát. Tôi nghĩ ma tuý hay rượu mới là lối thoát.

Viết lách là một nỗ lực thuần khiết. Ít nhất đối với tôi là như vậy. Thêm nữa, nếu tôi không viết, tôi vẫn trân trọng sự đơn độc của mình và tôi bảo vệ nó một cách nghiêm ngặt.

_______

Làm cách nào để duy trì và nuôi dưỡng tính trung trực với vai trò là một nhà văn và một nhà báo? Ông có phương châm viết nào không?  

Trung thực là chìa khóa để có những tác phẩm tốt. Nếu bạn không nhìn vào cuộc sống với góc nhìn của “đôi mắt lạnh”, sự phân tán của bạn sẽ không mang lại những cái nhìn sâu sắc cho người đọc và dĩ nhiên không giúp bạn hiểu được chính câu chuyện đó. Đối với các tác phẩm tự truyện cá nhân, điều đó có nghĩa là bạn dám nhìn vào những lỗi lầm, vết thương của mình mà không che đậy. Thừa nhận những vết sẹo, vết thương, nỗi sợ hãi, nỗi buồn là khởi đầu của hành trình tìm hiểu chính mình. Khả năng truyền đạt những thứ bạn tìm được, những thứ bạn nỗ lực làm sáng rõ chính là thứ kết nối bạn với người khác.

Đối với một nhà báo, tôi nghĩ đó có thể là khả năng nhìn vấn đề dưới nhiều góc độ và gạt đi sự thiên vị về văn hoá, chính trị hay chủng tộc và khám phá thế giới trước mắt mình. Sự trung thực trong việc đưa tin những gì đang diễn ra thay vì đưa tin những gì bạn cho là cần thiết qua lăng kính cá nhân. Tuy nhiên, dường như điều đó không phải là những gì mà chúng ta đang nhìn thấy ở báo chí hiện nay.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng tính trung trực mà bạn nói đến vẫn chưa đủ. Động lực cốt lõi của nghệ thuật viết ở đây là sự nhiệt huyết. Loại hình văn học hay nhất, đối với tôi, hướng đến sự mặc khải, sự hiểu biết về vị trí của mỗi người trong cõi đời này, cung cấp những hiểu biết sâu sắc về nguyên do sự thống khổ của mỗi người và theo một khía cạnh nào đó, con đường hướng tới sự tự do. Văn học đóng vai trò như những vector tinh thần luôn hướng về phía ánh sáng.

Nhà văn Mỹ gốc Việt Andrew Lâm: 'Viết là hành trình cô đơn đầy mê hoặc' -4

_______

Các nhà văn thường cho rằng họ viết những tác phẩm mà họ ao ước được đọc khi còn trẻ hoặc khi họ mới bắt đầu sự nghiệp sáng tác. Những tác phẩm của ông hướng đến việc thu hẹp khoảng cách nào? Ông thêm những góc nhìn nào vào những khoảng cách đó?

Tôi không dám chắc tôi là một ví dụ như vậy. Tôi chắc chắn muốn nhìn thấy nhiều hơn nữa những tác phẩm viết về trải nghiệm của người Việt tại Mỹ trong thời điểm tôi bắt đầu viết. Tuy nhiên, vào thời điểm cách đây gần ba thập kỉ, chúng tôi đều là những người tha hương vừa đặt chân đến Mỹ, nhiều người vẫn đang vật lộn để tồn tại và tiếng Anh là một thách thức. Thực lòng, tôi vẫn chưa viết về tuổi thơ của tôi ở Việt Nam. Đấy là một điều mà tôi muốn được đọc từ một tác phẩm bằng tiếng Anh.

_______

Ông muốn độc giả nhận được điều gì từ các tác phẩm của mình? Phản ứng nào của độc giả có ích nhất đối với ông? Phản ứng nào từ độc giả giúp ông hiểu được rằng họ hiểu được mục đích của tác phẩm?  

Điều tôi hy vọng trước tiên là độc giả thích thú với những câu chuyện ngắn của tôi – họ có thể cười, khóc và tìm thấy niềm vui hay sự lạc quan. Tôi cũng hy vọng những nhân vật trong các câu chuyện hiện ra một cách chân thực và người đọc cảm thấy gần gũi với những nhân vật đó. Một sinh viên từng nói với tôi rằng cô ấy muốn mời những nhân vật của tôi đi ăn trưa và tôi thực sự rất cảm động vì điều đó. Cô ấy hoàn toàn tin rằng những nhân vật đó có thật. Khả năng sáng tạo nên những nhân vật chân thực và sống động chính là một nghệ thuật.

Trong những tác phẩm phi hư cấu, tôi có một kỳ vọng khác. Tôi kỳ vọng một tác phẩm được nhìn dưới góc hình của thực tế, lịch sử và những sự kiện được ghi lại. Có tác phẩm kỳ vọng mang lại một góc nhìn sâu sắc, có tác phẩm kì vọng truyền đạt được những ý tưởng và suy nghĩ phức tạp của người viết. Có tác phẩm tranh luận về một quan điểm hay có tác phẩm hi vọng người đọc sẽ đón nhận với một tư tưởng cởi mở.

Nhà văn Mỹ gốc Việt Andrew Lâm: 'Viết là hành trình cô đơn đầy mê hoặc' -3

_______

Ông viết cho ai? Ông hình dung những độc giả của mình là ai?

Tôi viết gần như cho chính mình nhưng hiểu rõ rằng những gì tôi viết cũng phải hiểu được bởi những người đọc của tôi. Viết là một hoạt động vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính quần chúng.

Vì vậy, tôi không dùng thứ ngôn ngữ khó hiểu. Cũng cần phải nói rằng động lực khiến tôi viết bây giờ đã khác với động lực cách đây 27 năm khi tôi bắt đầu viết. Cách đây 27 năm, khi tôi bắt đầu viết một cách nghiêm túc, tôi nghĩ những tác phẩm của tôi phải giúp người Mỹ, những người không hề biết gì về Việt Nam hiểu được.

Tôi bắt đầu say mê với việc viết lách và sự say mê đó đơn giản chỉ là tìm cách kể một câu chuyện hay. Việt Nam, lịch sử, câu chuyện gia đình tôi vừa là điểm bắt đầu vừa là điểm neo giữ tôi. Nói cách khác, dù những tác phẩm của tôi vẫn tiếp tục neo giữ vào những đề tài tương tự nhưng tôi từ bỏ việc vận động cho một thứ gì đó cao cả bằng cách kể một câu chuyện hay. Tôi chọn cách nói về những vấn đề cá nhân nhiều hơn về những người quanh tôi.

_______

Ông muốn nhắn nhủ gì tới những bạn trẻ có hoài bão trở thành nhà văn, nhưng vẫn còn ngần ngại hay chưa dám theo đuổi ước mơ này?

Nếu bạn không có niềm đam mê thực sự, đừng theo đuổi sự nghiệp viết. Nó là một bức tranh trái ngược với những hình ảnh lãng mạn mà bạn vẫn thường nhìn thấy ở những nhà văn thành công. Một nhà văn dành nhiều thời gian một mình để viết được một hai câu văn hay mà có thể không đi tới đâu. Nếu như không có một ngọn lửa đam mê bên trong, bạn sẽ bị đốt cháy.

Và nếu bạn có một niềm đam mê, con đường trở thành nhà văn cũng vô cùng gian nan và thường không mang lại quả ngọt. Nỗ lực lao động trong sự đơn dộc không đảm bảo một sản phẩm cuối cùng chất lượng. Sự hoài nghi, lo lắng, đố kị, hi vọng xuất bản, sự thất vọng trước những thất bại – tất cả là một phần của sự nghiệp văn chương.

Nói như vậy, tôi không thể hình dung một ngày tôi không viết, thậm chí chỉ là vài câu. Khi một suy nghĩ được diễn đạt gãy gọn và chia sẻ với mọi người, nó có một sức mạnh riêng. Nó tiếp tục tồn tại và trở thành một phần của nhận thức. Khi một tác phẩm hoàn thành và thoả mãn chính bạn, một nhà văn rất kĩ tính, khi tác phẩm đó khiến bạn ngạc nhiên và hé lộ một điều gì mà bạn không hề biết tới khi đặt bút viết – thực khó có thể có một cảm xúc nào giống như vậy – phấn khích, ngạc nhiên, kì diệu. Tôi đã làm gì để đạt được chúng?

Đôi khi tôi cảm thấy rằng tôi sống vì cảm xúc đó. Tôi e rằng đó là một cám dỗ đầy mê hoặc.

_______

Cảm ơn anh đã dành cho tôi cuộc trò chuyện này.

 

Song Quỳnh

Nguồn: Doanh nhân, ngày 11.4.2020.

Thông tin truy cập

63693559
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13851
23426
63693559

Thành viên trực tuyến

Đang có 322 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website