"Sự kiện không phải là sự thật" lịch sử có giống truyện lịch sử

Trong cuộc nói chuyện mới đây tại festival văn học Hay, nhà sử học và nhà viết tiểu sử ở Cambridge là John Guy đã nói rằng ông đang nhìn thấy một số lượng lớn sinh viên có triển vọng trích dẫn các tiểu thuyết lịch sử Wolf Hall (2009) và Bring up the Bodies (2012) của Hilary Mantel(1), nhà văn được giải Booker, như một cứ liệu bổ sung cho hiểu biết của họ về lịch sử thời Tudor(2).

Guy cho rằng có lẽ bộ ba chưa hoàn tất của Mantel viết về cuộc đời và sự nghiệp của Thomas Cromwell - tập cuối của nó, The Mirror and the Light, sẽ ra vào năm nay - là một kho tri thức đối với một số lớn học sinh cuối cấp say mê lịch sử. Và điều này bất chấp việc là trong các sách của bà có không ít những sự kiện lịch sử không chính xác (đơn cử chẳng hạn Thomas More bị coi là một bạo chúa căm ghét phụ nữ, Anne Boleyn là một con quỷ cái, còn một chánh án ở London đã đưa More tới chỗ hành hình).

Báo Anh The Guardian dẫn lời Guy nói rằng “sự xóa nhòa ranh giới giữa thực tế và hư cấu này là điều đáng lo ngại”. Thực sự, lời nhận xét của Guy về sự mập mờ thực tế và hư cấu cũng như những quan niệm về tính xác thực cần được đọc như một điều dự đoán lo lắng. Vào thời đại của Trump và các tin giả (fake news), điều đặc biệt quan trọng là phải coi cái gọi là “những sự kiện thay thế” (alternative facts) là thứ nhảm nhí và phải kiểm tra kĩ lưỡng cách viết của các tác phẩm nghệ thuật.

Thế nhưng truyện lịch sử, với tất cả các biến thể của nó, vẫn có khả năng và thường nêu lên những câu hỏi sống còn về việc chúng ta mô tả và quan niệm thế nào về quá trình lịch sử. Quả thực, khi các nhà văn viết truyện lịch sử hư cấu về quá khứ thì đôi khi họ làm việc đó nhằm làm sắc nét hơn là làm mờ đi khả năng của chúng ta trong việc tách biệt thực tế khỏi hư cấu.

Không có những sự kết thúc

Bài giảng đầu tiên trong năm bài giảng sẽ phát trên sóng Radio 4 đài BBC, Mantel cũng nói rằng khi chết “chúng ta bước vào hư cấu”, cuộc đời của những người chết là được cấu thành và cấp nghĩa bởi người sống - dù đó là nhà sử học hay là nhà viết truyện lịch sử. Như người kể chuyện trong cuốn Bring up the Bodies nói: “Không có những sự kết thúc”. Thay vào đó, những sự kết thúc luôn là “những sự khởi đầu”, là nền tảng của các hành động diễn dịch.

Theo Mantel, quá khứ không phải là cái chúng ta tiếp nhận một cách thụ động, mà là cái chúng ta tích cực “tạo ra” trong mỗi hành động nhớ lại. Tất nhiên nói thế Mantel không có ý nói là không có các “sự kiện” lịch sử hay là quá khứ không hề diễn ra. Đúng hơn bà nhắc chúng ta rằng bằng chứng mà chúng ta dùng để cấp cho quá khứ một hình thức tự sự “luôn tản mát” và thường là “không đầy đủ”. “Sự kiện không phải là sự thật”, Mantel nói, mà là “sự ghi lại cái đã được ghi lại” (bằng chứng việc người đương thời đã nhìn chúng như thế nào). Việc của người sống là diễn dịch, hay đúng hơn là diễn dịch sai, những cái được ghi lại đó.

Về mặt này công việc của nhà văn viết truyện lịch sử không trái ngược hẳn với công việc của nhà sử học chuyên nghiệp: Cả hai đều phải suy nghĩ sáng tạo về những cái còn được giữ lại, phải tiến hành - nhất là khi đối mặt với những khoảng trống và sự câm lặng trong kho lưu trữ - “sự lựa chọn, sàng lọc, sắp xếp khéo léo”, tức là những thủ pháp văn học gần với nhà tiểu thuyết Philippa Gregory hơn là với nhà sử học Guy. Tuy nhiên, Mantel nói tiếp, trong cả hai lĩnh vực đều có những trường hợp ngoại lệ, đưa đến sự “tự vấn” và luôn muốn hoài nghi tính xác thực trong công việc của mình.

Hàm răng của Richard

Những suy nghĩ của Mantel về truyện lịch sử có nhiều điểm chung với một tác giả vĩ đại khác cũng viết về thời Tudor: William Shakespeare.

20200518 2
Trong khi tác phẩm Richard III (1592) của Shakespeare có thể đọc như một tượng đài hùng tráng tuyên truyền lịch sử - nó kể về Richard, vị vua cuối cùng của dòng họ Plantagenets, kẻ tiếm ngôi độc ác, và Richmond, vị vua đầu tiên của dòng họ Tudor và là người ông của Elizabeth I như một nhà tiên tri cứu quốc, vở kịch cũng nêu lên những suy nghĩ nghiêm túc về bản chất đặc thù của sự thật lịch sử.

Lấy đoạn đối thoại ở hồi II cảnh IV của vở kịch diễn ra ngay trước khi hai chàng hoàng tử trẻ bị kết án được giải đến tháp tù. Tại đây, người trẻ hơn, công tước York, hỏi bà mình, nữ công tước York, về những chuyện mà chàng nghe được về sự ra đời của người bác:

“Công tước: Bà ơi, họ nói là bác cháu lớn nhanh đến mức mới hai giờ tuổi đã gặm được vỏ bánh mì.
Nữ công tước: Cháu ơi, ai kể cho cháu chuyện đó vậy?
Công tước: Thưa bà, nhũ mẫu của bác kể ạ.
Nữ công tước: Nhũ mẫu của bác ư? Sao lại thế được, bà ấy chết trước khi cháu sinh ra mà.
Công tước: Nếu không phải bà ấy thì cháu không biết là ai kể”.

Khi biết được bà nhũ mẫu của bác mình đã chết trước khi mình sinh ra, cậu bé không thể nói được là cậu nghe chuyện về hàm răng sắc của người bác từ ai. Cậu đã nhớ sai nguồn của mình, đã xóa mờ ranh giới giữa thực và bịa? Có phải bác của cậu sinh ra là quái vật hay câu chuyện này là kẻ thù của người bác kể cho nhau nghe? Và tại sao Shakespeare lại phải nói đến chuyện này?
Về tất cả các mặt khác, vở Richard III luôn phân biệt thẳng băng rõ ràng về mặt lịch sử giữa Thiện (dòng họ Tudor) và Ác (triều đại Plantagenet). Nhưng ở đây, những sự nghi ngờ có tính hủy hoại đã len vào tận nguồn gốc của các câu chuyện chúng ta nói về những con người thực, thoáng cho ta thấy “thực tế lịch sử” như là một quan niệm hỗn độn, rối rắm, luôn ở trên rìa của sự hư cấu.

Cận lịch sử

Vở Richard III nhắc chúng ta rằng các sự kiện lịch sử có thể là hư cấu, nhưng cái hư cấu cũng có thể dễ biến thành thực tế. Bộ tác phẩm lịch sử của Mantel phản ánh sự lo lắng đó. Lấy bối cảnh triều đình Henry VIII luôn sống trong khiếp sợ, các tiểu thuyết của bà cho thấy chứng hoang tưởng bộ phận đã sinh ra tin đồn như thế nào, tin đồn đã gây đổ máu và cấu thành thực tế như thế nào, kết quả là, “tìm đến được sự thật khó như thế nào”. Lịch sử, đối với Mantel, không phải là một xứ khác, mà là cái gắn bó mật thiết với những sự hư cấu mà chúng ta bám vào.

Quả thực vậy, trong Wolf Hall, mối quan hệ mập mờ giữa thực tế và hư cấu, lịch sử và huyền thoại, thường nằm ở mặt tiền và trung tâm. Trong Wolf Hall quá khứ nằm đâu đó ở trên, ở giữa, ở dưới những ghi chép chính thức. Lịch sử không phải được tìm thấy trong “những cuộc đăng quang, những hội nghị của các giáo chủ, cảnh hoa lệ và đám rước”. Thay vào đó nó ở trong “tiếng thở dài của người phụ nữ”, hay mùi hương nàng “để lại trong không trung”, trong “bàn tay kéo lại tấm màn che giường” - tất cả những cái không tìm thấy trong các tài liệu lưu trữ.

Tính phù du của lịch sử mở ra một “khoảng trống” cho hư cấu để chúng ta rót vào đó “những nỗi sợ hãi, tưởng tượng, ham muốn [của chúng ta]”. Như Mantel đã từng đặt ra câu hỏi: “Có chăng một sự phân định rạch ròi giữa huyền thoại và lịch sử, hư cấu và thực tế; hay chúng ta cứ đi tới đi lui trên đường ranh ở giữa, vị thế của chúng ta là bất định và luôn dịch chuyển?”.

Đối với nhà tiểu thuyết Canada Guy Gavriel Kay, tưởng tượng là tiền đề cần thiết của tất cả mọi kiểu viết lịch sử: “Khi chúng ta làm việc với lịch sử xa xôi chúng ta phải đoán định rất nhiều”.

Đấy là lí do Kay thoải mái sử dụng những sự quy ước của tưởng tượng khi hướng đến quá khứ, chuyển mọi sự kiện, con người, địa điểm lịch sử - như Tây Ban Nha thời trung đại và Roderigo Diaz (El Cid) trong tác phẩm The Lions of Al-Rassan (1995), hay cuộc quân Viking xâm chiếm nước Anh trong The Last Light of the Sun (2004) - vào lĩnh vực hư cấu.

Kay đã tiến hành nghiên cứu (trong các sách của ông luôn có bảng thư mục), sau đó hé lộ lịch sử và chứng cứ lịch sử, đặt “góc quay một phần tư” vào những thực tế hư cấu: thay tên các nhân vật lịch sử, đảo lộn và phá vỡ trật tự các sự kiện đã biết, thay những tôn giáo bịa ra vào những tôn giáo thật, đưa cái huyền ảo vào lịch sử châu Âu thời Phục hưng hoặc Trung Quốc. Ông gọi kết quả của quá trình này là “cận lịch sử”: đó là những quá khứ thay thế vừa rất khác với cái quá khứ đã quen lại vừa giống một cách kì lạ.

Giống như ở Mantel, các truyện (cận) lịch sử của Kay có thể đọc không phải như nỗ lực tránh sự mập mờ giữa thực tế và hư cấu mà đúng hơn như sự chỉ ra trung thực sự mập mờ đó là điều kiện của chính lịch sử. Xét cho đến cùng, lịch sử là trường tranh cãi và thường không thể kiểm chứng được. Cần thêm một lần nữa nhắc lại rằng đôi khi chúng ta cần tới những phép chuyển nghĩa của văn chương để san bằng những rối rắm đó hoặc để làm cho chúng trở nên dễ hiểu và đáng tin cậy hơn ở thời hiện tại. Chúng ta cần những ẩn dụ và so sánh để người chết có thể nói năng và hành động, sống và chết

Michael Durrant
(Giảng viên về văn học sơ kì hiện đại, Đại học Bangor, Anh)

Ngân Xuyên
dịch từ nguyên bản tiếng Anh (6/2017)

Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 06.06.2019.
---------
1. Hilary Mantel (1952): Nhà văn Anh, hai lần được giải Booker (2009, 2012).
2. Tudor: Triều đại hoàng gia Anh thời kì 1485 - 1603.

Thông tin truy cập

63694152
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14444
23426
63694152

Thành viên trực tuyến

Đang có 489 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website