Ý nghĩa cuộc Cách mạng tháng Tám nhìn từ thành tựu văn xuôi Việt Nam đầu thế kỉ XX

20210104

Các văn nghệ sĩ trước trụ sở Hội Văn nghệ ở xóm Chòi (Thái Nguyên) (Nhiếp ảnh gia: Trần Văn Lưu)

Nói về thành tựu của văn xuôi Việt Nam đầu thế kỉ XX, lâu nay, các nhà nghiên cứu văn học sử thường nhấn mạnh đến những cách tân lớn về chữ viết, về thể loại, về phương pháp sáng tác, về ngôn ngữ, những đổi mới trong quan niệm về nghệ thuật, về con người… Tôi cho rằng, cần nhấn mạnh thêm một thành tựu nữa, đó là văn xuôi Việt Nam thời kì này đã phản ánh được nhiều đề tài mới mẻ, gắn với một thực tiễn lịch sử phong phú, vừa quật cường vừa bi thương của dân tộc Việt Nam. Một trong số đó là vấn đề số phận người lao động nghèo khổ trong chế độ thuộc địa. Nhiều sáng tác của Hồ Biểu Chánh, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Thạch Lam… đề cập đến đời sống của giới cần lao không chỉ có ý nghĩa như là những tác phẩm tiêu biểu cho nền văn xuôi quốc ngữ mà còn có thể được coi là những bằng chứng lịch sử về sự đối xử bất công với con người. Từ việc cảm nhận về những khổ đau của con người trong chế độ thuộc địa thông qua các hình tượng nghệ thuật sống động, ta có thể nhìn thấy rõ hơn ý nghĩa vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám.

Trong số những nhà văn mở đường cho nền văn xuôi quốc ngữ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, Hồ Biểu Chánh là gương mặt tiêu biểu nhất. Ông cũng được xem là một trong những người đặt nền móng cho sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam. Bằng cái nhìn hiện thực tỉnh táo, Hồ Biểu Chánh đã sớm nhận ra và làm sáng tỏ nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội thuộc địa. Một trong số đó là vấn đề đất đai và số phận của người nông dân trước những thủ đoạn bóc lột của bọn thống trị đương thời.

Trong tiểu thuyết Thầy thông ngôn, tầng lớp địa chủ phong kiến bao gồm những “ông hội đồng”, “ông cai tổng” là một lũ sâu mọt chỉ lo đục khoét, bòn rút sức người sức của của người lao động nghèo. Ông Lê Huấn Hữu “được làm hội đồng quản hạt rồi, thì ông chẳng lo việc chi gấp cho bằng việc khẩn đất”. Không chỉ coi việc khẩn đất là mục đích đầu tiên trên hoạn lộ, bọn quan lại còn kết bè kết phái với địa chủ, tạo thành một thế lực hắc ám, như đám mây đen bao trùm lên đời sống của người nông dân. Cùng hội cùng thuyền với Lê Huấn Hữu là cai tổng Hồ Văn Luông.

Tham vọng nói trên của đám quan lại địa chủ đã được hạng thông ngôn kí lục tiếp tay để có thể thực hiện một cách dễ dàng: “Ông nghe nói thầy thông Phong coi về đất khẩn nên ông tìm đến nhà mà làm quen rồi mượn thầy làm giấy tờ giùm ông cho mau”. Những thủ đoạn của hội đồng, cai tổng, thông ngôn… đã bị Hồ Biểu Chánh vạch trần chân tướng, thể hiện rõ hơn qua nhân vật Vĩnh Thái trong Khóc thầm. Mô hình mà Vĩnh Thái thực hiện cũng chính là cách làm của bọn “địa chủ Tây” - những kẻ đã được chính phủ Pháp dung túng, bao che để cướp không ruộng đất màu mỡ của nông dân, rồi bóc lột họ bằng hình thức “phát canh thu tô” theo kiểu bóc lột phong kiến.

Đời sống của người nông dân Việt Nam vì thế vô cùng khốn khổ. Đây là gia cảnh của Trần Văn Sửu - một người nông dân không còn tư liệu sản xuất, phải làm mướn để mưu sinh: “Nhà lá ba căn xịch xạc, phía ngoài mà chính giữa có soạn một bàn thờ, trước bàn thờ có lót một bộ ván dầu, lại có một cái ghế nghi. Bên tay mặt thấy có một cái cối xay lúa, còn dựa vách thì dựng nào là giằng xay, nào là chuôi cày, nào là cần câu, nào là cuốc phãng. Bên tay trái thấy có một cái chõng tre nhỏ nhỏ, còn trên vách thì móc nào là thúng rổ, nào là giỏ, nào là vòng hái. (…) Chông đèn leo lét để trên ghế nghi, ánh sáng giọi vô bàn thờ trống trơn, duy thấy trên bàn có cái chậu nhỏ để cắm nhang, một cái lon sữa bò và một cái tô đá mà mẻ miệng hết một miếng bằng ngón tay. Trên vách có treo một bộ tượng bốn tấm, giấy đỏ chữ đen, mà tấm đầu lại đứt khúc dưới mất hết hai ba chữ”. Bằng bút pháp tả thực, Hồ Biểu Chánh đã tái hiện một cách cụ thể, sinh động đời sống cùng cực thiếu thốn của người nông dân Việt Nam ở vùng Nam Bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Gia tài chẳng có thứ vật chất nào đáng giá của Trần Văn Sửu là hình ảnh tiêu biểu cho sự nghèo khổ của hàng vạn gia đình nông dân Việt Nam dưới chế độ thuộc địa. Tiếng nói của nhà văn trong trường hợp này trùng khít hoàn toàn với các nhà chép sử. Cả người Pháp cũng phải xác nhận thực trạng này: “Những ai đi ngang qua Đông Dương đều ngạc nhiên về sự đói khổ cùng cực của nhân dân trong xứ. Hầu hết nhà cửa đều chỉ là những túp lều bằng gỗ hay bằng đất trát lợp rạ... Trên tường vài đôi câu đối giấy màu vàng hay đỏ ghi những hàng chữ nho; ít đồ vật trang trí bằng gỗ, đôi khi bằng đồng đen, di tích của một sự thịnh vượng đã qua, lơ thơ trên bàn thờ gia tiên”.

Kế thừa những thành tựu của bút pháp tả thực trước 1930, sang giai đoạn 1930-1945, bằng nghệ thuật điển hình hóa đã đạt đến độ điêu luyện, nhiều sáng tác của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao… càng thể hiện số phận khốn cùng của người lao động một cách sâu sắc, ám ảnh. Trong tiểu thuyết Tắt đèn, gia cảnh anh Dậu gợi cho người đọc nhớ tới căn nhà của Trần Văn Sửu, nhất là chiếc bàn thờ gia tiên: “Chiếc ngưỡng tre uốn lưng gù gù đỡ lấy một bộ đố tre, dõng dạc đứng ra hình chữ môn và hộ vệ cho một mớ nan tre lành phành long bựt, giường thờ giống như cái chạn đựng bát, lơ lửng gác giữa khoảng cột của bếp và buồng. Tờ giấy xanh lạnh lùng phủ ngoài vách đất tỏ rằng nhà mới có tang”.

Ngoài việc đặc tả ngôi nhà, Ngô Tất Tố dành nhiều đoạn đặc tả bữa ăn của nhà anh Dậu: “Rổ khoai vừa đi hết khói, hai đứa xúm lại, lê la ngồi phệt dưới đất, mỗi đứa nhón lấy mỗi củ, không kịp bóc vỏ, chúng nó vừa thổi phù phù vừa cắn ngấu nghiến. Giống như con cọp trong vườn bách thú vớ miếng thịt bò tươi, đứa nào đứa nấy nhai nuốt một cách ngon lành gọn vẹn”. Nhưng đói khát chưa phải là tất cả nguyên nhân làm nên nỗi thống khổ của gia đình anh Dậu, nhất là đối với chị Dậu. Sự tàn nhẫn, bất công đến mức vô lí trong cách đối xử với con người mới thực sự là cú xô đẩy phũ phàng khiến người ta điêu đứng. Đó là thuế thân của nhà nước bảo hộ, là lòng tham vô độ của bọn có tiền của cắt cổ người dân bằng hình thức cho vay nặng lãi, là sự xảo trá của bọn địa chủ lợi dụng sự tăm tối của người nông dân để lừa gạt ngay trong lúc cùng đường của họ, là thói keo kiệt “vắt cổ chày ra nước” của bọn giàu có hám tiền, là thái độ ngang tàng, hống hách, coi thường tính mạng và tài sản của người nghèo, là thói dâm ô đồi phong bại tục của bọn quan lại… Bấy nhiêu thứ như thác lũ cùng ập đến, tấn công căn nhà xiêu vẹo của chị Dậu. Bởi thế, so với Trần Văn Sửu, kết cục của gia đình chị Dậu tăm tối, thảm đạm hơn nhiều. Trần Văn Sửu sau mười một năm sống trốn tránh chui lủi, cuối cùng vẫn có ngày được trở về đoàn tụ với gia đình, xua tan những mặc cảm tội lỗi, những tủi hờn, nghi kị…

Chị Dậu phải cho một đứa con, bán một đứa con, để lại nhà người chồng ốm yếu và thằng con trai năm tuổi để tìm lối thoát cho gia đình mà cuối cùng chính chị bế tắc. May sao còn tình người, còn nhân phẩm cứu vớt con người. Người đọc hẳn rất cảm động trước những ứng xử thơ ngây mà thánh thiện của cái Tí, thằng Dần: “- Bát này chị để phần thày đấy nhé! Chốc nữa thày về ăn. Đứa nào ăn vèn của thày thì chị không cho đi chơi với chị”; “Thằng Dần gục đầu vào mẹ và khóc ti tỉ, chốc chốc lại thúc giục mẹ đi tìm chị nó. Chừng như thương con đói quá, không thể ngủ được, chị Dậu tỉ mỉ bóc sạch cả mấy mẩu khoai và dỗ nó ăn. Nhưng nó khăng khăng một mực để phần cho thày”. Như vậy, dù phải tan đàn sẻ nghé, họ vẫn là Con Người bởi trong lòng họ luôn chan chứa yêu thương và đầy tự trọng.

Các sáng tác tiêu biểu của Nam Cao phần lớn ra đời trong giai đoạn 1941-1945. Đó là khi Chiến tranh thế giới thứ hai đã bùng nổ, Nhật nhảy vào Đông Dương, nhân dân Việt Nam một cổ hai tròng áp bức. Ngoài những chính sách thuế khóa và các thủ đoạn bóc lột phi nhân tính của thực dân Pháp và tay sai, người dân Việt Nam còn phải chịu nhiều chính sách hà khắc của phát xít Nhật. Đói khát kinh hoàng xảy ra. Con người vào lúc ấy không còn nhìn thấy gì khác ngoài miếng ăn. Nam Cao đã viết về nạn đói và miếng ăn, khi trực tiếp lúc gián tiếp, như là một hiện thực nghiệt ngã mà quan thiết nhất đối với con người. Là nhà văn có biệt tài miêu tả tâm lí, ông dành nhiều trang đặc tả diễn biến tâm lí con người trước miếng ăn. Và ông đã cho thấy, vào lúc đó con người thật thảm hại, thậm chí không còn là người nữa. Đó là sự vô tâm đến tàn nhẫn của người chồng chỉ ham hưởng vui thú một mình trước nỗi giày vò đến khổ sở vì đói của vợ con (Trẻ con không được ăn thịt chó). Đó là sự nhịn nhục đến mất hết tự trọng của bà cái đĩ cốt sao có một bữa no (Một bữa no). Đó là những cuộc đối thoại nhiều khi nảy lửa giữa những người trí thức là Thứ, San, Oanh về chủ đề miếng ăn, đồng tiền, vật chất… khiến nhiều khi nghĩ lại, Thứ thấy thật đáng xấu hổ cho chính mình, cho giới mình (Sống mòn)… Có lẽ vì thế, không ít người đọc không đánh giá cao văn Nam Cao. Trần Đăng Khoa trong cuốn Chân dung và đối thoại viết: “Đọc ông ấy (tức Nam Cao - LTA), trang nào cũng thấy đói. Mà văn học chỉ luẩn quẩn xung quanh miếng ăn, cũng khó mà lớn được”. Còn Lê Thị Thanh Tâm trong bài Nỗi buồn Nam Cao thì viết: “Xét cho cùng, cảm thông với các nạn nhân là đức tính quý báu. Nhưng chỉ nhìn con người như những nạn nhân lại không hẳn là sâu sắc”. Tôi không đồng tình với các phát biểu này vì hai lí do chính sau đây.

Thứ nhất, trong cuộc sống của con người, miếng ăn không phải là chuyện nhỏ. Miếng ăn là một trong những điều kiện vật chất tối thiểu để duy trì sự tồn tại của con người. Không có ăn, người ta sẽ chết. Trong bối cảnh miếng ăn có nguy cơ cạn kiệt, sự sống của con người bị đe dọa, vấn đề này sẽ trở nên ám ảnh hơn bao giờ hết. Hãy lắng nghe những lời nói bên trong, những tiếng kêu khẩn thiết của Thứ trong Sống mòn: “Lúc này, hình như tất cả những cái gì không phải là cơm ăn, việc làm đối với Thứ đều bị coi là phù phiếm, là vô ích cả. (...) Điều quan hệ là vợ chồng phải chung lưng đấu sức với nhau, làm thế nào cho được sống! Cơm! Áo! Sự an toàn! Tương lai của mình! Tương lai của các con! Sống, sống!...”. Bởi vậy, bằng việc tập trung viết về miếng ăn và nạn đói, những sáng tác của Nam Cao giai đoạn này đã làm sáng tỏ và lưu giữ một hiện thực mà lịch sử sẽ không bao giờ thôi nhắc tới: nạn đói lịch sử vào những năm trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Giá trị hiện thực - lịch sử to lớn này đủ sức nuôi dưỡng lâu dài nhiều tác phẩm của Nam Cao.

Thứ hai, Nam Cao luôn đặt vấn đề miếng ăn trong mối quan hệ với đời sống tinh thần của con người. Từ vấn đề miếng ăn, nhà văn thường nhìn nhận và lí giải một vấn đề sâu xa hơn: vấn đề con người còn hay mất nhân cách trước sự đe dọa của nạn đói và sự thiếu thốn miếng ăn. Trong thế giới nghệ thuật của Nam Cao, miếng ăn trở thành một nỗi giày vò, ám ảnh quá lớn đối với con người, dù họ là nông dân hay trí thức. Đối với phần lớn nông dân, miếng ăn cần để duy trì sự sống. Nhưng đối với những con người nhiều hoài bão như Thứ (Sống mòn), Hộ (Đời thừa), Điền (Giăng sáng) thì họ không chấp nhận một cuộc sống mà mỗi ngày diễn ra chỉ với mấy bữa cơm. Họ luôn hi vọng bằng những năng lực và sự nỗ lực của bản thân sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội: “Thứ vẫn không thể nào chịu đựng được rằng sống chỉ là làm thế nào cho mình và vợ con mình có cơm ăn, áo mặc thôi. Sống là để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều. Mỗi người sống phải làm thế nào cho phát triển đến tận độ những khả năng của loài người chứa đựng ở trong mình. Phải gom góp sức lực của mình vào công cuộc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi phải để lại một chút gì cho nhân loại”. Dự định đẹp đẽ là thế nhưng cuối cùng Thứ cũng không thể nào cưỡng nổi một lối sống mòn vô vị, vô nghĩa lí: “Y cứ đinh ninh rằng giá y không bị nghèo thì có lẽ y không đến nỗi đớn hèn quá thế này đâu. Có lẽ y đã làm được một cái gì. Biết bao nhiêu tài năng không nảy nở được chỉ vì không gặp được một cái hoàn cảnh tốt!”. Không chỉ dừng lại ở chỗ “tài năng không nảy nở được”, Thứ từ chỗ lòng đầy mơ ước, cuối cùng đầu óc chỉ còn quay cuồng với những lo lắng tủn mủn, những toan tính “cùng cực chi li”. Điều đau đớn là Thứ luôn ý thức rất rõ tình trạng sống thừa, sống mà như đang chết của mình nhưng lại chẳng thể làm gì để cứu vãn nó: “Y vẫn cho rằng cuộc đời hiện tại của y chỉ là một cách sống tạm bợ mà thôi. Y vẫn chờ đợi một cái gì, một cuộc đổi thay. Căn cứ vào đâu? Thứ mở to đôi mắt, sợ hãi, nhận ra rằng bao nhiêu năm nay y đã sống như mơ ngủ vậy. Ôi chao! Còn cách gì có thể thay đổi được đời y?”. Bởi vì Thứ cũng biết: “Chất độc ở ngay trong sự sống. Người nọ, người kia không đáng cho ta ghét. Đáng ghét, đáng nguyền rủa, ấy là cái lối sống lầm than nó đã bắt buộc người ích kỉ, nó đã tạo ra những con người tàn nhẫn và tham lam…”. Đó cũng chính là tiếng chuông cảnh tỉnh xã hội mà Nam Cao, bằng tất cả tình yêu thương và sự trân trọng đối với con người, đã khẩn thiết gióng lên.

Như vậy, mặc dù không phản ánh trực diện những vấn đề nóng bỏng trong lòng xã hội thuộc địa lúc bấy giờ, nhưng sáng tác của Nam Cao vẫn chứa đựng những giá trị hiện thực và nhân bản rất sâu sắc. Bằng những hình tượng nghệ thuật chân thực, sống động, Nam Cao không chỉ cho người ta hiểu rằng miếng ăn quan trọng thế nào đối với sự sống của con người mà còn, quan trọng hơn, cho người ta thấy rõ bản chất của xã hội Việt Nam dưới thời thuộc Pháp. Đó là một xã hội phi đạo lí, thiếu nhân văn, không đảm bảo được cho con người những điều kiện vật chất tối thiểu để sống đúng là con người. Xã hội ấy càng không có chỗ cho con người phát huy những năng lực nhân tính thiên bẩm. Không chỉ có lòng nhân ái, sự hi sinh bị khước từ ở đó mà ngay cả khát khao được lao động, sáng tạo hết mình để cống hiến cho nhân loại cũng không có chỗ đứng, không được chấp nhận. Vậy thì hẳn nhiên, đó không phải là một xã hội ưu việt. Ngược lại, nó đáng bị lên án, bị xóa bỏ. Sự thấu hiểu con người và sức tố cáo xã hội mạnh mẽ chính là giá trị hiện thực và nhân văn sâu sắc mà sáng tác của Nam Cao có được khi tập trung bút lực phản ánh đề tài này. Chính vì thế, khi bàn về Minh triết của Mác - Nguyễn Trãi - Hồ Chí Minh, Hoàng Ngọc Hiến có nhắc đến Nam Cao như một sự tiếp nối dòng chảy “minh triết về sự sống của con người”.

Nhìn lại một số sáng tác tiêu biểu theo khuynh hướng hiện thực đầu thế kỉ XX, có thể nhận thấy, các nhà văn ngày càng khám phá và thể hiện sâu sắc hơn bản chất của xã hội thuộc địa. Đó vừa là quy luật vận động của nền văn học Việt Nam theo hướng hiện đại, vừa là quy luật vận động của đời sống xã hội Việt Nam dưới thời thuộc Pháp. Bởi nếu chỉ thấy rằng các nhà văn hiện thực đang ngày càng già dặn và điêu luyện về bút pháp thì chưa đủ. Cần phải nói thêm rằng xã hội thuộc địa đã ngày càng bộc lộ rõ rệt hơn bản chất của nó. Đó là một xã hội ăn thịt người, cá lớn nuốt cá bé, một xã hội phi nhân văn trong đối xử với con người. Trong một môi trường sống như thế, số phận con người ngày càng trở nên thê thảm. Người ta không chỉ mất ruộng, mất vườn, tan nát hạnh phúc, li tán gia đình để tha phương cầu thực… mà còn đánh mất chính mình, thậm chí phải tự mình hủy diệt sự sống. Suy cho cùng, phải tan đàn sẻ nghé như gia đình chị Dậu hay chết mòn như Thứ, như Hộ thì vẫn còn được sống; chết theo nghĩa đen như lão Hạc và Chí Phèo là sự chấm dứt vĩnh viễn sự sống và là bi kịch ghê gớm nhất của đời người.

Trong bối cảnh xã hội ngột ngạt và hắc ám như thế, cách mạng đã đến. Những con người đói khổ cùng cực đã đứng về phía cách mạng. Thành công của Cách mạng tháng Tám được đánh dấu bằng thắng lợi đầu tiên: phá kho thóc của Nhật. Và rồi, cái gì đến phải đến: Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa (Nguyễn Đình Thi).

Cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại trước hết là ở chỗ nó cứu vớt con người, đưa con người thoát khỏi đói khát và chết chóc, trở về với sự sống. Sâu xa hơn, nó giải phóng con người khỏi nô lệ, lầm than. Nó đem đến một cuộc đời mới mà ở đó con người không còn bị hắt hủi, ngược đãi, đe dọa… bởi những thế lực gian ác, bạo tàn, phi nhân tính. Thành quả cách mạng đó hoàn toàn phù hợp với mục tiêu tranh đấu suốt gần một thế kỉ của dân tộc. Trong lời mở đầu Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của nước ta, Hồ Chí Minh đã dẫn lời Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mĩ như một chân lí về quyền con người để khẳng định mục tiêu và tính chất chính nghĩa của cuộc cách mạng: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Trả lại quyền sống, quyền tự do cho hàng triệu người Việt Nam lầm than, nô lệ - từ góc nhìn nhân văn chủ nghĩa, đó là thành quả vô cùng to lớn, không gì có thể phủ nhận được của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Lê Tú Anh

Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 04.12.2020.

Thông tin truy cập

63659579
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3297
17595
63659579

Thành viên trực tuyến

Đang có 785 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website