Lê Tú Anh*, Tạp chí Nghiên cứu văn học, Số 3/2013, tr.98-109.
Trong quá trình hình thành nền văn học quốc ngữ cuối thế kỷ XIX đầu XX, tiểu thuyết là một trong những thể loại tiên phong. Không kể Thầy Lararô Phiền của Nguyễn Trọng Quản xuất bản 1887 được ví “như một con chim lạ từ trời Tây đáp xuống một vùng đất còn vắng bóng đồng loại”([1]), thì ngay từ năm 1910, khi phần lớn các thể loại văn học hiện đại khác còn hoàn toàn im ắng, người ta đã thấy xuất hiện cùng một lúc ba cuốn tiểu thuyết mang dáng vẻ hiện đại([2]). Không chỉ đi trước ở khu vực sáng tác, lý luận về tiểu thuyết còn đi trước trong khoa Nghiên cứu văn học. Trong hành trình tự thăm dò, tìm hướng đi cho một thể loại hoàn toàn mới, các nhà tiểu thuyết giai đoạn này đã đề xuất được một số luận điểm khá căn bản của lý luận văn học. Nổi bật trong số đó là vấn đề chức năng văn học của tiểu thuyết. Khác với quan niệm về các chức năng giáo dục, giải trí, nhận thức... thường được trình bày trực tiếp trong các lời tựa, lời bạt([3]), chức năng dự báo tuy đương thời chưa được định danh, nhưng ngót một thế kỷ trôi qua, đến thời điểm này đã có thể kiểm chứng để khẳng định rằng nó đã hình thành từ trong những tiểu thuyết viết bằng chữ quốc ngữ ở chặng phôi thai của thể loại.
Nhà văn Hồ Biểu Chánh ((1884–1958)
Dự báo từ lâu đã được xem là một trong những chức năng quan trọng của văn học. Chức năng này thể hiện sự vượt trội của nghệ thuật ngôn từ so với nhiều loại hình nghệ thuật khác. Tuy nhiên, không phải lúc nào và ở đâu, văn học cũng có thể thực hiện được chức năng này một cách dễ dàng. Ngoài vấn đề mục đích sáng tác, chức năng dự báo liên quan tới vấn đề chủ thể sáng tạo và chất liệu đời sống được phản ánh. Bởi trong một cuộc sống mà mọi thứ đều ổn, đều tốt đẹp, con người hài lòng với nó thì nhà văn không có gì phải băn khoăn, dự cảm, âu lo... Hoặc giả, nếu nhà văn né tránh sự thật hay vuốt ve, mơn trớn cuộc sống bằng một tình cảm dễ dãi, thì không bao giờ tiếp cận được chân lý. Chỉ khi nào cuộc sống bị đảo lộn, các giá trị truyền thống bị đe dọa và có nguy cơ bị hủy diệt, nghĩa là con người đứng trước những hiểm họa, người ta mới cần cảnh báo. Trong trường hợp này, chức năng dự báo có quan hệ mật thiết với chức năng nhận thức. Tuy nhiên, không nên hiểu chức năng nhận thức chỉ là đem tới cho người đọc tri thức gì mới, mà còn là nó đã đem lại cho người viết những trải nghiệm gì, nhận thức gì về thế giới. Bởi việc nhận thức sâu sắc về thế giới bao giờ cũng giúp nhà văn sớm nhìn ra được những vấn đề thuộc bản chất của nó. Và khi nhà văn có thái độ nhìn thẳng vào sự thật để cảnh báo về những nguy cơ đe dọa cuộc sống của con người, khi đó văn học thường có tính dự báo. Vậy là trong cảnh báo (warning) đã có phần dự báo (forecasting). Giá trị dự báo của tác phẩm văn học, do đó, chính là khả năng nhìn thấy trước những vấn đề lớn, những vấn đề sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc, quyết định đến cuộc sống của con người cũng như của toàn xã hội trong xu thế vận động và phát triển của nó.
Trong các loại nghệ thuật ngôn từ, tiểu thuyết với những đặc trưng thể loại, giàu có về khả năng này hơn cả. Nhưng dưới thời phong kiến, do sự chi phối của ý thức hệ phong kiến mà cốt lõi là tư tưởng Nho gia, Việt Nam cũng như một số nước chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Hán, đặc biệt coi trọng chức năng giáo huấn của văn học. Văn học dưới thời phong kiến (ngày nay cơ bản thống nhất gọi là văn học trung đại) do vậy còn được gọi là văn học chức năng. Để hành chức, văn học trung đại có một hệ thống thể loại riêng. Tiểu thuyết vì chỉ kể toàn chuyện vặt vãnh, nhỏ nhặt, “đầu đường xó chợ”, nghĩa là không thực hiện được những nhiệm vụ quan trọng, nên chỉ được xem là “tiểu đạo” và không được xếp vào hệ thống thể loại văn học trung đại([4]). Cuối thế kỷ XIX đầu XX, các nước phương Đông đã có một cuộc tiếp xúc rộng rãi và sâu sắc với phương Tây. Quan niệm về văn học, nhất là tiểu thuyết, ở đây đã có nhiều thay đổi. Từ vị trí ngoại biên, thậm chí thấp kém, tiểu thuyết đã được đẩy vào vị trí trung tâm, được coi là nòng cốt, trụ cột của nền văn học. Các nhà cải cách Trung Quốc là những người sớm phát hiện ra điều này. Đầu thế kỷ XX, Lương Khải Siêu viết: “Muốn làm mới dân một nước, cần phải hẵng làm mới tiểu thuyết nước ấy. (...). Vì sao vậy? Vì tiểu thuyết có sức mạnh chi-phối người ta”([5]). Ở nước ta, Huỳnh Thúc Kháng trong “Bài tựa” cuốn Tây phương mỹ nhân của Huỳnh Thị Bảo Hòa cũng viết: “Cái lợi khí truyền bá tư tưởng trong xã hội, tiểu thuyết là một thứ phổ thông rất dễ” ([6]). Nhận thức mới mẻ này về tầm quan trọng của tiểu thuyết đã hối thúc thể loại mau chóng ra đời và phát triển.
Quá trình hình thành nền tiểu thuyết quốc ngữ cũng là quá trình rạn vỡ và thay thế của hình thái xã hội. Nói cách khác, tiểu thuyết hiện đại đã hình thành và phát triển trên nền tảng của một hình thái xã hội có nhiều nét đặc thù tương ứng với nó. Chế độ thực dân nửa phong kiến với sự phát triển nhanh của đô thị kiểu tư bản chủ nghĩa, tinh thần dân chủ cùng những tiền đề vật chất cần thiết như ngành in, xuất bản, báo chí... đã tạo điều kiện cho sự ra đời và phát triển của tiểu thuyết. Xã hội trên con đường tư sản hóa cũng đặt ra rất nhiều vấn đề cần miêu tả và lý giải. Tiểu thuyết – thể loại được xem là “sử thi của thời đại mới”, với phương tiện chữ viết mới (quốc ngữ theo mẫu tự La-tinh), đã phản ánh được nhiều vấn đề lớn của dân tộc và thời đại. Qua tiểu thuyết giai đoạn này, người đọc đương thời có thể nhận thức sâu sắc hơn về con người và thời đại mà họ đang sống, để mỗi người trong guồng quay điên đảo của một xã hội coi trọng đồng tiền, lợi danh, bất chấp luân lý, đạo đức... tự xác quyết cho mình một cách sống, một hướng đi. Đồng thời với việc mô tả, nhận diện thực tại xã hội đương thời, các nhà văn đã hình dung được sự vận động của nó trong tương lai. Trong số những vấn đề đã được các nhà tiểu thuyết đầu thế kỷ XX miêu tả và lý giải, nhiều vấn đề sẽ trở nên nóng bỏng và nhức nhối hơn không chỉ trong văn học giai đoạn sau đó (1930-1945) mà cho đến tận cuối thế kỷ XX, đầu XXI khi xu thế hội nhập, toàn cầu hóa trên mọi phương diện khiến Việt Nam một lần nữa “va chạm” rất mạnh với thế giới. Có thể nói, chưa có thời đại nào cuộc sống và con người lại phát triển một cách tự do, phong phú, phức tạp, thiên hình vạn trạng… như thời đại này. Bối cảnh xã hội hiện tại có nhiều mối liên hệ loại hình với xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX đã khiến những vấn đề từng được phản ánh trong tiểu thuyết một thời lại trở lại, dữ dội và quyết liệt hơn, tiếp tục trở thành nỗi nhức nhối của toàn xã hội và nỗi ám ảnh của người cầm bút.
1. Vấn đề người nông dân và đất đai
Người nông dân, trong mọi hoàn cảnh, đều gắn bó mật thiết với đất đai, đồng ruộng. Đối với họ, đất đai không chỉ là tư liệu sản xuất, là tài sản; mà còn là một phần đời sống tinh thần với tình yêu, sự sẻ chia và những mơ ước, khát vọng... Chính vì thế, khi đất đai bị tước đoạt, người nông dân không chỉ trở nên trắng tay mà còn mất phương hướng, lúng túng trong việc mưu sinh và mất mát cả về tinh thần. Nước ta vốn có truyền thống sản xuất nông nghiệp. Những bài ca về lao động sản xuất, về sự gắn bó giữa người nông dân với đồng ruộng đã được cất lên từ bao đời nay. Nhưng vấn đề này lại hầu như chưa từng được đề cập/ nhìn nhận từ tầng lớp trí thức phong kiến (văn học thành văn). Khi thực dân Pháp xâm lược, với điều ước tháng 10-1897 của triều đình Huế nhượng cho thực dân Pháp quyền khai khẩn đất hoang và nghị định ngày 1-5-1900 của thực dân Pháp phủ nhận quyền sở hữu ruộng đất trong luật pháp phong kiến, ruộng đất màu mỡ của nông dân bị biến thành "đất hoang", "đất vô chủ" và từng bước rơi vào tay tư bản Pháp. Ngoài những địa chủ Pháp mới nổi, những địa chủ Việt Nam cũng được thực dân Pháp dung túng để chiếm đoạt ruộng đất của nông dân. Phương thức kinh doanh chủ yếu của tư bản thực dân ở các đồn điền và địa chủ phong kiến là phát canh thu tô. Đời sống của người nông dân Việt Nam do vậy bị lệ thuộc hoàn toàn vào địa chủ phong kiến và địa chủ kiêm tư sản. Thực tế lịch sử ấy đã lập tức tác động đến cảm quan hiện thực của người cầm bút. Ngay từ những bước đi đầu tiên của thể loại, các nhà tiểu thuyết đã rất nhạy cảm với vấn đề này. Qua các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, tiêu biểu là Thầy thông ngôn, Khóc thầm, Con nhà nghèo, Cha con nghĩa nặng, Nhân tình ấm lạnh..., người đọc dễ dàng nhận ra đây chính là một trong những vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Nhà văn đã tập trung làm nổi bật mấy khía cạnh liên quan tới vấn đề này như sau:
Thứ nhất, đất đai đã trở thành mục tiêu săn đuổi của bọn địa chủ và các tầng lớp thống trị. Trong tiểu thuyết Thầy thông ngôn, giai cấp địa chủ phong kiến bao gồm những ông Hội đồng, ông Cai tổng là cả một lũ sâu mọt chỉ lo đục khoét, bòn rút người lao động nghèo. Ông Lê Huấn Hữu "được làm hội đồng Quản hạt rồi, thì ông chẳng lo việc chi gấp cho bằng việc khẩn đất"([7]). Không chỉ coi việc khẩn đất là mục đích đầu tiên trên con đường hoạn lộ, bọn quan lại còn kết bè kết phái với địa chủ, tạo thành một thế lực hắc ám, như đám mây đen đè nặng lên đời sống của người nông dân. Cùng hội cùng thuyền với Lê Huấn Hữu là Cai tổng Hồ Văn Luông: "Hai ông nói chuyện với nhau, chẳng hề nghe luận việc chi ích nước lợi dân, hoặc tính chuyện chi có nhơn có nghĩa, chỉ lo mưu mà mua đất cho rẻ, hoặc lập thế giựt đất của dân mà thôi"([8]). Tham vọng đó của đám quan lại địa chủ đã được hạng thông ngôn ký lục tiếp tay để thực hiện một cách dễ dàng: "Ông nghe nói thầy thông Phong coi về đất khẩn nên ông tìm đến nhà mà làm quen rồi mượn thầy làm giấy tờ giùm cho ông cho mau"([9]). Những thủ đoạn của Hội đồng Lê Huấn Hữu và Cai tổng Hồ Văn Luông còn bị Hồ Biểu Chánh vạch trần chân tướng, bộc lộ sâu sắc hơn qua nhân vật Vĩnh Thái trong Khóc thầm.
Thứ hai, người nông dân bị cướp mất tư liệu sản xuất, phải lệ thuộc hoàn toàn vào những kẻ sở hữu ruộng đất, cuộc sống trở nên tăm tối, bấp bênh, nghèo khổ cùng cực và rất đau đớn về tinh thần. Thị Lựu (Con nhà nghèo) - một cô gái nhà nghèo, cha mẹ chết cả - ở với anh chị là cai tuần Bưởi và Thị Tỏ làm tá điền cho nhà Hai Nghĩa. Thị Lựu bị Hai Nghĩa cậy quyền hãm hiếp. Mặc dù đau đớn, cô cũng không dám hé răng vì sợ hắn đòi lại ruộng. Lựu sinh đứa con trai, anh em cai tuần Bưởi những tưởng sẽ được Hai Nghĩa chấp nhận. Vậy mà, không những Hai Nghĩa dửng dưng, gia đình cai tuần Bưởi còn bị bà cai tổng Hiếu và vợ Hai Nghĩa thu lại ruộng rồi đuổi đi để khỏi mang tiếng xấu. Còn đây là gia cảnh của Trần Văn Sửu (Cha con nghĩa nặng) – một người nông dân không còn quyền sở hữu ruộng đất, phải làm mướn để mưu sinh: “Nhà lá ba căn xịch-xạc, phía ngoài mà chính giữa, có soạn một bàn thờ, trước bàn thờ có lót một bộ ván dầu, lại có một cái ghế nghi. Bên tay mặt thấy có một cái cối xay lúa, còn dựa vách thì dựng nào là giằng xay, nào là chuôi cày, nào là cần câu, nào là cuốc phãng. Bên tay trái thấy có một cái chõng tre nhỏ nhỏ, còn trên vách thì móc nào thúng rổ, nào là giỏ, nào là vòng hái. (…). Chông đèn leo lét để trên ghế nghi, ánh sáng giọi vô bàn thờ trống trơn, duy thấy trên bàn có cái chậu nhỏ để cắm nhan, một cái lon sữa bò, và một cái tô đá mà mẻ miệng hết một miếng bằng ngón tay. Trên vách có treo một bộ tượng bốn tấm, giấy đỏ chữ đen, mà tấm đầu lại đứt khúc dưới mất hết hai ba chữ”([10]). Đó cũng là tình cảnh chung của người nông dân Việt Nam giai đoạn này đã được chính người Pháp xác nhận([11]).
Thứ ba, từ nạn chiếm đoạt đất đai, mâu thuẫn xã hội giữa nông dân và các tầng lớp thống trị ngày càng trở nên sâu sắc, gắt gao hơn. Bọn thống trị đã lợi dụng quyền sở hữu đất đai cướp bóc được của người nông dân và thế lực đồng tiền để ức hiếp họ. Người nông dân không còn phương tiện sản xuất, vì cuộc mưu sinh nên nhiều khi đã phải chấp nhận. Dẫu vậy, trong nhiều cảnh ngộ, mối căm hờn dâng lên tột đỉnh đã khiến xung đột xảy ra. Hương hào Đều (Khóc thầm) bắt quả tang chuyện gian phu dâm phụ đã dùng gậy đánh chết vợ và Vĩnh Thái. Trần Văn Sửu chứng kiến cảnh vợ lăng loàn đã xô vợ ngã chết. Ba Cam (Con nhà nghèo) trả thù cho em gái là Thị Lựu đã dùng dao rạch một nhát vào mặt Hai Nghĩa - kẻ đã xâm hại em mình...
Bước sang giai đoạn 1930-1945, vấn đề ruộng đất đã được các nhà văn trong trào lưu văn học hiện thực, bằng một bút pháp già dặn hơn, điển hình hóa thành những cảnh ngộ vừa cụ thể, ám ảnh, vừa mang tính phổ quát. Từ những câu chuyện tưởng rất riêng của gia đình chị Dậu trong Tắt đèn (Ngô Tất Tố), anh Pha trong Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan)... người ta ngay lập tức nhận ra đó chính là một trong những thảm kịch lớn nhất của người nông dân ở các nước thuộc địa. Ở nước ta, nạn chiếm hữu ruộng đất và những thủ đoạn bóc lột của các tầng lớp thống trị và ngoại xâm đã đẩy dân tộc tới thảm họa diệt vong vào những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX mà kết cục là một nạn đói khủng khiếp, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Đó cũng chính là nguồn cơn để người nông dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề đứng dậy lật đổ chế độ phong kiến và đánh đuổi lũ ngoại xâm, làm nên cách mạng tháng Tám vĩ đại.
Từ khi đất nước bước vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập rộng rãi toàn cầu, biết bao nhiêu đất đai màu mỡ, tươi tốt của người nông dân - những “bờ xôi ruộng mật” - đã bị chuyển đổi thành các khu công nghiệp, khu thương mại, dịch vụ, sân gol, khu sinh thái, nghỉ dưỡng (resort)... Người nông dân Việt Nam lại một lần nữa phải đối mặt với thực trạng không còn tư liệu sản xuất. Trong bối cảnh này, vấn đề người nông dân và đất đai đã được thể hiện trong tiểu thuyết đầu thế kỷ XX lại tái hồi, lại hiện hữu, lại trở nên rất nóng bỏng trong đời sống xã hội đương đại.
2. Vấn đề đô thị hóa và thân phận con người
Dưới thời phong kiến, các đô thị chủ yếu đóng vai trò trung tâm hành chính. Từ khi Pháp xâm lược, đô thị không chỉ là thủ phủ về chính trị, kinh tế, văn hóa mà còn là nơi tập trung quân đội, nhà kho, các nhà máy, xí nghiệp, trung tâm buôn bán, trường học, bệnh viện... Nhìn chung, những quan hệ giao lưu với nước ngoài đã làm thay đổi hẳn bộ mặt đô thị Việt Nam. Nơi đây mở ra rất nhiều cơ hội về việc làm, cũng có nghĩa là cuộc mưu sinh có nhiều hứa hẹn. Trong khi đó, ở những vùng nông thôn, công cuộc bình định và nạn chiếm hữu đất đai đã khiến đời sống người nông dân trở nên điêu đứng. Không còn tư liệu sản xuất, nông dân từ các vùng nông thôn nghèo khó, xác xơ phải trôi dạt về đô thị tìm kế mưu sinh. Thay vì các mối quan hệ họ hàng, làng xóm - những quan hệ mà con người đem tình nghĩa để ứng xử với nhau, trong môi trường đô thị náo loạn, xô bồ, đồng tiền trở thành thước đo của mọi giá trị. Thêm vào đó, xã hội mới bày ra rất nhiều cạm bẫy khiến người ta dễ mắc phải. Thân phận con người trong bối cảnh đô thị hóa được thể hiện trong các tiểu thuyết quốc ngữ đầu thế kỷ XX nổi lên mấy vấn đề sau:
Thứ nhất, con người tha hóa trong môi trường đô thị. Nhân vật Yến Hoa trong tiểu thuyết Cô giáo Yến Hoa lụy vì tình của Nguyễn Bửu Mộc vốn xuất thân từ nông thôn. Nhưng từ khi dời trường làng lên Sài Gòn học, cô như không còn nhớ gốc gác của mình. Ngán ngẩm cuộc sống ở nông thôn quê mùa, nghèo khó, Yến Hoa quyết tâm từ bỏ để ôm ấp giấc mộng sang giàu với một người chồng ngoại quốc. Trở thành cô giáo, Yến Hoa vẫn không thôi ý định tìm kiếm một cuộc sống giàu sang. Dấn thân vào con đường trụy lạc, cuối cùng Yến Hoa bị đuổi việc. Được tình nhân là một thương gia người Pháp – Mensonge – chu cấp tiền bạc, Yến Hoa chỉ ăn không ngồi rồi. Cuộc đời Yến Hoa kể từ đó trượt dài trong lối sống buông thả, mù quáng và tội lỗi. Trong lời cuối sách, Nguyễn Bửu Mộc viết: “Coi bộ tiểu thuyết này rồi, có kẻ trách cha mẹ không khéo dạy, người lại trách Yến Hoa học hành giỏi mà không nghe lời cha mẹ để cho nát thân liễu bồ một cách rất tồi tàn. Nhưng phần riêng của tác giả thì không chê cha mẹ và cũng chẳng trách Yến Hoa. Nghĩ vì làn sóng Âu Mỹ tràn qua Á Đông, làm cho thuần phong mỹ tục của nước nhà phải hóa ra suy đồi như thế… Bởi vậy Yến Hoa mới dày gió dạn sương, ô danh xủ tiết, cũng vì hoàn cảnh nó bó buộc mà ra, nên tôi chỉ trách hoàn cảnh xã hội mà thôi”([12]). Cái hoàn cảnh xã hội mà theo Nguyễn Bửu Mộc là rất đáng trách ấy, chính là môi trường đô thị - nơi mà con người dễ dàng đánh mất đi những phẩm chất tốt đẹp vốn có của “người nhà quê”. Và khi những cái tốt đẹp bị biến đi, nhường chỗ cho cái xấu, cái ác chiếm lĩnh, ngự trị, tức là con người đã bị tha hóa (alienation). Như vậy, mặc dù khái niệm chủ nghĩa hiện thực (realism) chưa hình thành trong văn học 30 năm đầu thế kỷ XX, nhưng các nhà tiểu thuyết đã sớm tiếp thu một quan niệm rất biện chứng về con người. Đó là việc thừa nhận sự tác động qua lại giữa tính cách con người và môi trường, hoàn cảnh sống - một trong những nguyên tắc mỹ học của chủ nghĩa hiện thực. Nhận thức đó diễn ra ở nhiều nhà văn thời kỳ này, ngoài Yến Hoa của Nguyễn Bửu Mộc, các nhân vật như Hà Hương (Hà Hương phong nguyệt – Lê Hoằng Mưu), Liên Tử Tâm (Cô Ba Tràh – Nguyễn Ý Bửu), Thị Phượng (Mồ cô Phượng – Tùng Lâm Lê Cương Phụng)… cũng rất tiêu biểu cho xu hướng tìm kiếm, thể hiện của các nhà tiểu thuyết về chủ đề này.
Thứ hai, con người là nạn nhân của một đời sống thị thành nhiều cạm bẫy. Ngô Tòng trong Cuộc tang thương do gia cảnh éo le, từ bỏ vùng quê Thái Bình cùng mẹ lên Hà Nội sinh sống là bước ra một không gian rộng lớn hơn, tự đặt mình trong nhiều mối quan hệ phức tạp hơn. Dường như nhận thức được sự phức tạp của cuộc sống nơi phố phường, Ngô Tòng không muốn quảng giao, chỉ thân thiết với mình Lê Cần - người bạn học có cùng cảnh ngộ. Tưởng thế là được yên ổn trong cuộc đời đầy bất trắc, nào ngờ chính Lê Cần - người bạn thân thiết và Ngọc Lan - người vợ yêu quí, đã phản bội Ngô Tòng, dan díu với nhau. Cảnh ngộ trớ trêu ngoài sức tưởng tượng đã dẫn đến cái chết bi thảm của Ngô Tòng là điều khó tránh khỏi. Cuộc đời của Bạch Thủy trong Cành hoa điểm tuyết cũng bắt đầu trở nên truân chuyên kể từ lúc đặt chân đến chốn Hà thành. Qua hai tiểu thuyết làm nên tên tuổi là Cành hoa điểm tuyết và Cuộc tang thương, Đặng Trần Phất đã thể hiện rõ thiên hướng ngòi bút của mình. Ông có xu hướng đưa nhân vật từ môi trường nông thôn ra thành thị để thử thách, qua đó chứng tỏ một sự đổi thay không cưỡng nổi của con người trước làn sóng "văn minh" của cuộc Âu hóa. Số phận của những người như Ngô Tòng, Bạch Thủy với đầy những bước ngoặt ngoài dự định và mong muốn chỉ có thể xảy ra trong một môi trường đô thị đa đoan và rất phức tạp.
Vấn đề đô thị hóa và thân phận con người vẫn tiếp tục được các nhà văn hiện thực giai đoạn 1930-1945 khai thác. Nhân vật Thị Mịch trong Giông tố (Vũ trọng Phụng) là một ví dụ về sự tha hóa trong môi trường sống thị thành. Cùng một quan niệm về con người như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao trong Chí Phèo đã xây dựng nhân vật Chí Phèo thành một điển hình nghệ thuật sắc sảo, thể hiện một cách ám ảnh về bi kịch tha hóa của con người trong xã hội thuộc địa. Với Chí Phèo, Nam Cao đã phơi bày nỗi thống khổ tột cùng của con người khi bước chân ra khỏi lũy tre làng, ngụp lặn trong môi trường xã hội thực dân nửa phong kiến - xã hội mà ở đó số phận con người do đồng tiền và tội ác định đoạt, để rồi sau đó trở về sống kiếp dở người dở quỷ, tăm tối, tội lỗi và có lúc đau đớn tới mức không thể tiếp tục sống nốt cuộc đời.
Công cuộc đổi mới đất nước cuối thế kỷ XX đầu XXI lại một lần nữa làm cho quá trình đô thị hóa diễn ra với mức độ chóng mặt. Mô hình đã từng được “kiến thiết” đầu thế kỷ XX giờ đây lại xuất hiện: người nông dân phải nhường đất đai cho các “dự án”, không còn tư liệu sản xuất, với số tiền đền bù ít ỏi đủ để xây cất một ngôi nhà, mua sắm một vài thứ đồ dùng sinh hoạt, con người trở nên thừa thãi, không đủ điều kiện để hưởng thụ ngay cả những thứ mình mới tạo dựng nên. Để tiếp tục sống, không còn con đường nào khác, họ lại phải tìm đến đô thị. Cuộc mưu sinh ở chốn thị thành đầy rẫy những lừa lọc, tàn nhẫn, quay quắt, mưu ma chước quỷ, đổi trắng thay đen, tiền trao cháo múc... không chỉ làm cho người lao động cực nhọc về thân xác; mà còn bị ghẻ lạnh, hắt hủi, khinh khi, làm cho bị đau đớn, xúc phạm về tinh thần. Vốn là nước nông nghiệp, hiện tượng này xảy ra ở nước ta phổ biến hơn bất kỳ một quốc gia nào trong hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đâu đâu cũng thấy đất đai bị thu hồi, bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Theo đó là số người nông dân mất ruộng đất, phải bỏ làng bỏ quê tìm kiếm cơ hội mưu sinh. Còn gì ám ảnh hơn khi cứ sau mỗi dịp tết cổ truyền, từng đoàn người từ các vùng nông thôn lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau đến các bến xe, ga tàu để đi tìm một vùng đất hứa mà không ai có thể đảm bảo rằng ở đó họ sẽ tìm thấy được một cuộc sống tốt đẹp.
Trong văn học, đề tài này đã trở nên nóng bỏng từ thập niên chín mươi của thế kỷ trước. Các nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp thường ý thức rất rõ sự khác biệt giữa hai môi trường sống là nông thôn và thành thị. Trong quan niệm của nhà văn, con người chỉ sống ở nông thôn mới giữ được bản tính thiện. Triệu (Những bài học nông thôn) vì thế đã từ chối gốc gác Hà Nội của mình để được coi là nông dân và sinh ra ở nông thôn. Nhưng ngay cả môi trường sống nông thôn cũng không thoát khỏi sự đe dọa của cơn lốc đô thị hóa. Bao nhiêu ngôi làng đang sống bình yên, trong lành, thuần phác, bỗng bị làn gió dữ thổi tới làm cho nham nhở, náo loạn, dở quê dở tỉnh với đầy rẫy tệ nạn và những thói văn minh rởm đời. Con người không chỉ tha hóa khi phải rời bỏ quê hương, tha phương cầu thực, mà trở nên xấu đi ngay trên mảnh đất quê hương mình. Nguyễn Huy Thiệp viết: “Trong một chuyến đi về nông thôn cách đây không lâu, tôi hết sức ngạc nhiên vì ở một huyện lỵ trung du hẻo lánh có khoảng ba chục ngôi nhà xây cất tạm bợ mà có tới gần chục điểm giải khát ăn uống, trong đó có ba điểm trá hình buôn bán gái mại dâm. Các cô gái điếm là dân nhà quê mà khách làng chơi cũng là dân nhà quê nốt. Tôi đã thấy một tay chơi mặc quần ta (dân miền Nam gọi là quần bà ba), áo sơ mi trắng, hút thuốc lá cuộn, đi đứng như thằng sa đì, đi chơi gái với năm nghìn đồng trong túi”([13]). Tốc độ đô thị hóa càng nhanh, cuộc sống của người dân nông thôn càng bị đảo lộn ghê gớm. Bi kịch vẫn nối tiếp. Văn học do thế vẫn đang kiếm tìm và thể hiện những chiều kích mới của tấn bi kịch chưa nhìn thấy hồi kết này.
3. Vấn đề con người nghiện thói hưởng thụ tầm thường
Con người dưới thời phong kiến do phải "khắc kỷ" để "phục lễ" nên ý thức về quyền sống riêng bị giới hạn tới mức tối đa. Tinh thần hưởng thụ cuộc sống hầu như không tồn tại ở các nhà Nho mà chỉ xuất hiện ở giai cấp tư sản. Trong môi trường đô thị, giai cấp tư sản càng có điều kiện vật chất để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ. Tiểu thuyết Phồn hoa mộng tỉnh của Dương Tự Giáp kể chuyện về Văn Sinh, một chàng trai hai mươi tuổi, sinh ra trong một gia đình khá giả ở Hà Nội, có học hành, đang làm viên chức trong phủ toàn quyền. Văn Sinh là người "thích nghe cô đầu hay, thích uống rượu sâm banh tốt". Sở thích ấy đã được xã hội đáp ứng một cách đầy đủ: Hà Nội bấy giờ chen chúc các xóm bình khang, "Thôi thì hàng Giấy, Bạch-Mai, Thái-Hà, Hàng-Mã, Vạn-Thái, Khâm-Thiên, các xóm "chị-em" không mấy nhà là tôi không biết cả"([14]). Tại một xóm cô đầu, Văn Sinh đã đắm đuối với một cô đào tên Chinh. Những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng không chỉ khiến anh ta tiền mất tật mang mà cuối cùng phải bỏ cả việc để trốn nợ. Viết Phồn hoa mộng tỉnh dưới dạng chép lại một câu chuyện tự thuật của Văn Sinh, Dương Tự Giáp mong muốn cuốn sách của mình sẽ trở thành một bài học cảnh tỉnh cho những ai cứ "đắm-đuối trong bể tình, mơ-màng trên bến đục", khi tỉnh ra thì sự đã rồi, không cứu vãn được nữa. Không chỉ những người đàn ông nhẹ dạ bị hoàn cảnh "dụ dỗ", nhiều phụ nữ cũng không thoát khỏi cạm bẫy của một lối sống thành thị chạy theo thị hiếu vật chất tầm thường. Hà Hương trong Hà Hương phong nguyệt (Lê Hoằng Mưu), Phượng trong Mồ cô Phượng (Trứ Giả), Liên Tử Tâm trong Cô Ba Tràh (Nguyễn Ý Bửu)… là những dẫn chứng sinh động.
Sang giai đoạn 1930-1945, vấn đề vẫn tiếp tục được các nhà văn quan tâm, nhất là tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn. Tuyết (Đời mưa gió) - một cô gái giang hồ - là hiện thân đầy đủ của lối sống chỉ muốn hưởng lạc thú tầm thường, bất chấp đạo đức, luân lý, vô tâm với người khác và thiếu trách nhiệm với chính mình. Bao nhiêu cơ hội tốt đẹp có thể giúp cô hoàn lương, thậm chí nhà văn còn sắp đặt những tình huống khá ảo tưởng, nhưng cuối cùng Tuyết vẫn không thể thoát khỏi lối sống buông thả, phóng đãng vô luân ấy. Xây dựng nhân vật này, các tác giả gần như không tuân thủ quy luật và lô gic cuộc sống, mà chỉ nhằm thể hiện một quan niệm sống đã thấm nhiễm vào phần đông thanh niên thời bấy giờ: "Sống ngày nay nhớ chi đến ngày xưa, tưởng chi đến ngày mai"([15]).
Từ khi đất nước chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, cuộc sống đã có rất nhiều thay đổi. Cuộc cải cách kinh tế len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống, đem lại nhiều cơ hội làm giàu và nhiều người đã giàu lên một cách dễ dàng, nhanh chóng. Sự giàu có trên mức bình thường đã khiến nhiều người mắc phải căn bệnh nghiện hưởng thụ vật chất. Và căn bệnh, oái oăm thay, lại được nền kinh tế hàng hóa dung dưỡng no đủ. Xã hội đang đứng trước nguy cơ của cơn cuồng loạn về chủ nghĩa đồ vật, chủ nghĩa mua sắm, chủ nghĩa tiêu dùng... Lối sống buông thả tột độ đã và đang hình thành trong một bộ phận thanh thiếu niên lúc này, phần lớn xuất phát từ sự dư thừa vật chất mà thiếu đi mục đích, lý tưởng sống vốn chỉ hình thành khi con người phải khổ luyện, trong một môi trường sống lành mạnh.
4. Vấn đề con người háo danh, trọng của, chà đạp đạo lý luân thường
Cơ cấu kinh tế, xã hội đầu thế kỷ XX có nhiều thay đổi, dẫn đến sự ra đời của nhiều ngành nghề mới. Theo đó, trong xã hội xuất hiện rất nhiều kiểu người, hạng người khác nhau gắn với ngành nghề và địa vị xã hội của họ. Tất cả đều hối hả, đua chen trên con đường làm giàu, mua danh kiếm lợi, mua quan bán tước để có được cuộc sống giàu sang, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ, khiến cho xã hội trở nên náo loạn, xô bồ. Tâm lý ham giàu, tham lam, ích kỷ và độc ác của con người khi chạy theo lối sống tư sản đã được phản ánh trong nhiều tiểu thuyết giai đoạn này. Thị Hạnh trong Cuộc tang thương là một nàng hầu, vì lòng tham mà bất chấp đạo lý, lấy ông Hàn - một ông già đáng tuổi cha cô, để rồi sau khi đã bòn rút hết tiền của, lại đem cả nhân tình về nhà khiến ông Hàn giận quá sinh ra ốm đau mà chết. Ông Trần Tư Độ trong Ngọc chìm đáy biển là hạng người coi đồng tiền cao hơn tất cả: "Cứ theo cái bổn tánh của ông thời trong đời ông không còn biết chi trọng hơn là đồng tiền đồng bạc cã, miển có tiền bạc thì ông vui lòng"([16]). Lê Kỳ Xuân (Lòng người nham hiểm) vì háo sắc ham tài đã lập mưu hãm hại người bạn là Hoàng Hữu Chí, những mong chiếm đoạt được con gái bà phủ Ân giàu có... Tuy nhiên, thói ham giàu, coi đồng tiền là mục đích, lý tưởng sống ở đời được thể hiện tập trung và sâu sắc hơn cả trong những tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Các nhân vật như thông Phong (Thầy thông ngôn), Thị Lành, Đỗ Thị (Tiền bạc bạc tiền), Trường Xuân (Tỉnh mộng), hội đồng Lâm Yên (Nhân tình ấm lạnh)... đều là những kẻ "sống chết vì tiền", coi đồng tiền trọng hơn nhân nghĩa, đạo lý, danh dự. Theo đó, xã hội ngày càng điên đảo, quay cuồng, thương luân bại lý.
Trong văn học giai đoạn 1930-1945, tâm lý háo danh, trọng của tiếp tục được đào sâu trong nhiều sáng tác của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan và các nhà văn hiện thực khác. Bằng tiếng cười trào phúng thâm thúy, sắc lạnh, các nhà văn đã lột trần bản chất của giới thượng lưu tư sản - những kẻ có tiền nhưng chỉ quen hưởng thụ vật chất tầm thường và tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời trong hư danh. Vậy mà để có được nó, người ta đã sẵn lòng làm tất cả, khiến cho xã hội trở nên bất nghĩa, vô luân mà đạo đức chỉ còn là một khái niệm trừu tượng, phù phiếm. Người ta trục lợi ngay cả trong cái chết của cha mẹ (Số đỏ - Vũ Trọng Phụng, Báo hiếu: trả nghĩa cha, Báo hiếu: trả nghĩa mẹ - Nguyễn Công Hoan). Người ta mua danh từ thân xác của người vợ (Thế là mợ nó đi Tây – Nguyễn Công Hoan)…
Trong thời kinh tế thị trường, "danh" thường gắn liền với "lợi", người có quyền chức thường nhiều tiền của. Thực tế ấy đã xô đẩy con người vào một lối sống tranh quyền đoạt lợi, dẫm đạp lên danh dự, nhân phẩm, tình người. Từ thập niên 80 của thế kỷ XX, nhiều nhà văn đã bị ám ảnh bởi hiện thực nhức nhối này. Có thể nói, trong bất kỳ tác phẩm văn học phản ánh hiện thực nào giai đoạn này, người đọc cũng có thể bắt gặp hoặc thấp thoáng, hoặc rất điển hình, ám ảnh, kiểu dạng nhân vật sống chết vì tiền. Trong bối cảnh này, đọc lại nhiều tiểu thuyết ra đời từ đầu thế kỷ XX, ta vẫn thấy những nội dung hiện thực ấy như còn nóng hổi.
5. Vấn đề con người vong bản trước sức hút của cái mới lạ
Một vấn đề xã hội cũng có sức ám ảnh nhiều người viết tiểu thuyết từ đầu thế kỷ XX là hiện tượng vọng ngoại, vong bản của một bộ phận trí thức Tây học. Du học “bên Tây” về, thay vì bắt tay vào việc cải tạo xã hội, đem lại ánh sáng văn minh cho đồng bào đồng chủng, họ lại lạnh lùng quay lưng, khinh rẻ, chê bai nước nhà. Vĩnh Thái (Khóc thầm) "khảng khái": "Từ hồi nào cho đến bây giờ tôi nhứt định không thèm đọc nhựt-trình quốc-ngữ"([17]). Roger Trần Thình (Kim Anh lệ sử) phải học mười năm bên Tây mới lấy được bằng tốt nghiệp trường "Máy-móc", vậy mà: "Từ ngày cậu đậu được cái bằng về, cậu nghênh-nghênh ngang-ngang lên mặt kỹ sư, không coi ai bằng mình nữa. Cha mẹ cậu thì cậu chê là gàn, mà người đồng-bang với cậu thì cậu khinh là hủ"([18]). Nước Pháp (người đương thời quen gọi là "bên Tây") là một xứ sở văn minh, điều này không ai phủ nhận. Người Việt Nam du học bên Pháp đã phần nào lĩnh hội được sự văn minh ấy. Tiếc là, họ chưa có đủ tỉnh táo để tiếp nhận một cách chân chính và đúng đắn. Hiểu biết hạn chế cộng với thái độ sùng bái phương Tây tới mức bệnh hoạn đã khiến trong mắt họ những gì thuộc về "người mình", "nước mình" đều đáng khinh bỉ, đáng bỏ đi cả. Vì thế, chính khi trở về nước, họ lại biến thành những kẻ mất gốc, không còn liên hệ với giống nòi. Nội dung này là tiền đề cho sự ra đời của loại đề tài ông Tây An-nam trong văn học giai đoạn 1930-1945. Trong văn xuôi đương đại, nhiều tác phẩm cũng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng vong bản, phủ nhận cội nguồn của một bộ phận người Việt trong cuộc hội nhập rộng lớn toàn thế giới. Bi kịch của con người khát khao kiếm tìm một miền đất hứa bằng những cuộc trốn chạy, bằng những cuộc hôn phối đầy toan tính với người nước ngoài… ngày càng phổ biến như nhắc nhở về một bản lĩnh Việt, trí tuệ Việt, tâm hồn Việt đang bị đánh cắp.
*
Những vấn đề vừa phân tích trên đây cũng chính là những đề tài và nội dung căn bản của tiểu thuyết Việt Nam 30 năm đầu thế kỷ XX. Đó hẳn nhiên cũng là những vấn đề lớn của thời đại mà các nhà tiểu thuyết đã sống, đã chứng kiến, trải nghiệm, đã sớm phát hiện và làm sáng tỏ. Qua nhiều biến động của lịch sử, xã hội, vào giữa thời đại chúng ta đang sống, tất cả lại tái hồi. Vấn đề tưởng của một thời lại đúng với nhiều thời đại tiếp theo. Điều này chứng tỏ tiểu thuyết đầu thế kỷ XX không chỉ có khả năng dự báo, mà còn dự báo chính xác nhiều vấn đề lớn của thời hiện đại trong một quãng vận động dài hàng thế kỷ. Không phải chỉ là chuyện văn chương và tâm hồn nghệ sĩ, quan trọng hơn là vấn đề thiên năng, thiên chức của nhà văn và tác phẩm văn học. Các nền văn học lớn thế giới đã chứng tỏ điều này. Rasul Gamzatov đã từng phát biểu: “Không ai được phép đặt nhiệm vụ cho nhà văn, mà chính nhà văn phải đề ra những nhiệm vụ cho toàn thế giới. (…). Ngày mai đang chuẩn bị gì cho chúng ta? Những sự kiện này hay khác sẽ đưa chúng ta tới đâu? Ai ở nước Nga được sống hạnh phúc? Quốc hội nào, chính phủ nào nêu ra những vấn đề bức xúc một cách chính xác và rộng lớn hơn trên phạm vi toàn cầu? Đây chính là những câu hỏi do văn học Nga nêu ra. Còn những đề tài mang tính vĩnh cửu về chiến tranh và hòa bình, về tội ác và trừng phạt không phải là theo đơn đặt hàng của bộ quốc phòng hay bộ ngoại giao. Tolstoy và Đostoyevsky đã nêu ra những đề tài này”([19]). Như vậy, chúng ta có thêm một căn cứ quan trọng nữa để ghi nhận giá trị của tiểu thuyết quốc ngữ đầu thế kỷ XX.
Vấn đề còn lại là tại sao những lời tiên tri đã không được màng tới? Tại sao nhiều mối đe dọa đã được cảnh báo từ rất lâu rồi mà hậu thế vẫn không tránh khỏi tai ương? Hiện tồn này cho thấy một quy luật tất yếu của cuộc sống: khi phần đông xã hội vẫn còn u mê, thì những lời cảnh báo, dù nghiêm khắc, cũng chỉ như đá ném ao bèo. Gần một thế kỷ trôi qua, ta đã có thể nhìn lại để định giá về những gì được – mất. Nhiều hậu quả không nhỏ, nếu không muốn nói là thật thảm khốc con người đang phải hứng chịu. Vì xã hội trì đọng, luẩn quẩn hay vì văn học chưa phát triển, chưa thoát ra khỏi bút pháp hiện thực già nua, cũ kỹ? Có thể là cả hai, mà cũng có thể không thuộc một lý do nào trong số đó. Bởi sự vận động, đổi thay của một hình thái xã hội, ngoài nguyên nhân chủ quan còn có yếu tố khách quan quyết định. Văn học dù vận dụng hay không vận dụng một phương pháp sáng tác nào thì cũng không thể quay lưng 360o với hiện thực đời sống. Cái chính là con người chưa kịp bừng ngộ trước những cuộc bể dâu, trước những biến thiên của thời thế. Vậy thì, hãy lắng nghe tiếng nói của nhà văn.
(1) Bằng Giang: Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 - 1930, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1992, tr.303.
(2) Đó là các tác phẩm: Lâm Kim Liên và Hoàng Tố Anh hàm oan của Trần Thiên Trung, Phan Yên ngoại sử của Trương Duy Toản.
(3) Xin xem thêm Lê Tú Anh: “Quan niệm về tiểu thuyết trong văn học giai đoạn 1900-1930”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, Số 9/ 2007, tr. 85-99.
(4) Theo Trần Đình Sử: Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999, tr.97.
(6) Trương Duy Hy (biên soạn): Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa - Người phụ nữ viết tiểu thuyết đầu tiên, Nxb Văn học, Hà Nội, 2003, tr.34.
(7), (8), (9) Hồ Biểu Chánh: Thầy thông ngôn, in trong Văn học Việt Nam thế kỷ XX (Văn xuôi đầu thế kỷ), Quyển I - Tập III, Nxb Văn học, Hà Nội, 2002, tr.501, 506, 501.
(10) Hồ Biểu Chánh: Cha con nghĩa nặng, Nxb Tấn Phát (tái bản), 1953, tr. 13-14.
(11) Xin xem Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm, Hoàng Văn Lân: Lịch sử cận đại Việt Nam, Tập 3, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1961, tr.53.
(12) Dẫn theo Nguyễn Kim Anh: Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nxb ĐHQG Tp Hồ Chí Minh, 2004, tr.478.
(13) Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (tái bản), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005, tr.340.
(14) Dương Tự Giáp: Phồn hoa mộng tỉnh, Imp. Kim Đức Giang, Hà Nội, 1929, tr.14.
(15) Khái Hưng và Nhất Linh: Đời mưa gió, Nxb ĐH và GD chuyên nghiệp (in lần thứ hai), Hà Nội, 1991, tr.172.
(16) Mộng Hiệp nữ-sử: Ngọc chìm đáy biển, Từ Duy Quan, Sài Gòn, 1927, tr.101.
(17) Hồ Biểu Chánh: Khóc thầm, An - Trường xb, Sài Gòn, 1929, tr.46.
(18) Trọng Khiêm: Kim Anh lệ sử, Quyển II, Đông-Kinh Ấn-Quán, Hà Nội, 1924, tr.20.
(19) Rasul Gamzatov: Lòng nhân ái là cốt lõi của văn học (Đào Hùng dịch), Báo Văn nghệ, Số 45/2011.