Phan Du không chỉ là cây bút truyện ngắn thời danh ở các đô thị miền Nam trước năm 1975, mà còn là nhà biên khảo lịch sử thông qua cảm quan của một nhà văn, được bạn đọc một thời yêu thích.
Khi kể về con đường đến với văn chương, ông từng cho rằng, từ “trước năm 1941, tôi đã có mấy truyện ngắn đăng trên báo Thời vụ xuất bản tại Hà Nội” nhưng phải đến truyện ngắn Bữa cơm chay (Tiểu thuyết thứ Bảy, 1942), “khi ấy tôi mới được giới văn nghệ chú ý” [1, trang bìa 1], và Bữa cơm chay được coi là truyện ngắn đầu tay của nhà văn. Đó là truyện ngắn viết về thói giả dối, lối sống đạo đức giả của các mệnh phụ phu nhân ở Huế trước Cách mạng tháng Tám 1945, hạng người “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”. Họ càng ăn chay niệm Phật, càng tỏ ra cay nghiệt, độc ác với những người sa cơ thất thế, nghèo khó cơ hàn. Chủ đề này còn tiếp tục trở đi trở lại trong nhiều sáng tác của Phan Du, và cho đến nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua vẫn không hết tính thời sự trong thực tại đời sống và trong văn chương nghệ thuật của chúng ta, tuy có thể, sự biểu hiện mỗi thời mỗi khác, độ sâu sắc cay độc cũng có thể đậm nhạt khác nhau.
1. Quan niệm về nghệ thuật, về sứ mệnh của người cầm bút thì hầu như nhà văn ở thời đại nào cũng có. Hơn ai hết, Phan Du đến với văn chương với một ý thức hết sức rõ ràng: “Tôi nghĩ rằng cái sứ mạng mà người cầm bút không thể quên được và cần phải kính sợ để không xa rời là, với cái cảm tính bén nhạy của mình, với những xúc cảm chân thành, những thể nghiệm sâu sắc về cuộc sống, những nghệ cảm được chọn lọc kỹ càng, khơi động ở người đọc những cảm niệm sâu xa về con người, khơi động cái hứng khởi, ý nguyện khắc phục bản thân để tiến về Thiện, Mỹ. Chỉ làm được cái việc khơi động đó cũng đã là quý và khó lắm rồi. Và cần thiết nữa. Vì văn nghệ có thay đổi được thế giới này hay không đó là chuyện đang còn tranh luận. Nhưng điều hiển nhiên, không ai phủ nhận, là văn nghệ có thể thay đổi tâm tính con người và thay đổi một cách sâu xa” [trang bìa 4]. Quan niệm về sức mạnh của nghệ thuật có thể làm thay đổi tâm hồn con người, thức tỉnh con người hướng về ba lĩnh vực văn hóa cốt lõi của đời sống là văn hóa tri thức, văn hóa đạo đức và văn hóa thẩm mỹ đã trở thành cảm quan và tâm thức sáng tạo xuyên suốt cuộc đời hành nghiệp văn chương của ông.
Muốn tạo nên sự thay đổi “và thay đổi một cách sâu xa” tâm tính con người, văn chương không chỉ truyền hơi ấm cho con người nhạy cảm với cái đẹp, mà còn phải lên án, tố cáo cái xấu, vạch trần lá mặt lá trái, lối sống đạo đức giả và sự nhẫn tâm của con người. Ngay từ những sáng tác trước Cách mạng tháng Tám 1945 của Phan Du đã thể hiện một cách tập trung chủ đề này, sau truyện ngắn đầu tay Bữa cơm chay, là hàng loạt các truyện ngắn như Sống gửi, Khóc thật, Thuốc cá, Ghen... Hầu hết những truyện ngắn thời kỳ này ông đều viết ở Huế, viết về con người và cảnh vật của đô thị kinh kỳ sắp đến ngày tàn lụi, trở thành trung tâm của tác phẩm. Nhà văn đi sâu vào mặt trái của đời sống, phân tích, mổ xẻ đàng sau lối sống “vương giả” của những con người thuộc tầng lớp trung lưu đang trên đà suy sụp, tụt dốc là những thói giả dối, vô lương đến mức tàn nhẫn với mọi người, kể cả những người thân trong gia đình. Câu chuyện một cặp vợ chồng thường được mọi người gọi “là ông Thị bà Thị nhưng chẳng ai biết là Thị gì. Người ta chỉ biết rằng hai vợ chồng ông Thị có của khá nhiều, chuyên sinh nhai bằng nghề cờ bạc” [tr.233] được tiếng nuôi mẹ và người anh tật nguyền thực ra là hạng lưu manh, đã lừa phỉnh bán hết tài sản, nhà cửa nướng vào canh bạc, bỏ đói và đẩy họ ra đường không chốn nương thân (Sống gửi); hoặc Thuốc cá là truyện về những người được coi là trí thức, đạo hạnh như thầy chùa, giám học, lý trưởng lại có lối sống rượu chè bê tha, gái gú xướng ca, đến như Giám Khôi gặp lúc bố vợ vừa mới qua đời, vẫn trốn đi hưởng lạc, lại còn cho rằng: “Vào những dịp như dịp này mình không chảy ra một ít nước mắt và u hu hu lên mấy tiếng là đời sẽ gán ngay cho mình cái tiếng là bạc bẽo, vô tình. Người đời có quái lạ mần rứa! Chỉ thích giả dối (...). Sự giả dối có mất tiền đâu mà lo. Thật thà là cha đứa dại. Mà nghiệm ra cho kỹ, người đời bây giờ chẳng ai thật thà cả, nước mắt của thế nhân là nước lã tuốt hết” [tr.269]. Không chỉ dừng ở phát ngôn, dòng “nước lã” ấy còn chảy tràn sang thấm ướt trang văn trong truyện Khóc thật, khi nhân vật trung tâm của truyện là cả Khánh suốt đời dùng nước mắt làm kế sinh nhai: “Cả đời, chỉ ăn rồi đi khóc. Hôm nay cha già, không có tiền mua quan tài; ngày mai là mẹ héo, thiếu đồ khâm liệm; ngày mai nữa là vợ ốm nặng sắp ngất ngư mà không tiền mua thuốc; rồi thì đến con cái. Những kẻ thân yêu, bề trên cũng như bề dưới, cứ phải chết đi sống lại mỗi ngày không biết mấy chục dạo (...). Ngày lại ngày, đi rảo khắp các nẻo đường trong thành phố, chọn mặt người mà khóc, đem giọt lệ ra mà lừa dối, đóng vai trò một tang chủ bần cùng để phỉnh phờ thiên hạ và một khi đã có đồng tiền bỏ túi là quay về bên bàn đèn với tất cả cái vui tươi hớn hở của một người sung sướng nhất đời. Lại hút, lại ăn, lại rung đùi mà cười thầm cái đám thế nhân mù quáng không biết phân biệt thế nào là những giọt lệ thật và những giọt lệ giả” [tr.282-283].
Theo Nguyễn Q. Thắng, “Ghen là một truyện có thể xếp vào truyện hay nhất” [3, tr.1384] của Phan Du. Truyện kể về cuộc sống cơ cực của một kiếp hồng nhan: nàng trẻ đẹp, tài hoa sống bằng nghề ca kỹ, suốt ngày đi kiếm tiền về để nuôi người chồng thất nghiệp, nghiện hút lại có tính hay ghen. Sự ghen tuông của con người sống nhờ vào người khác này đạt đến mức bệnh hoạn. Nhưng một nghịch lý ở đời không thể tránh khỏi là tuy ghen nhưng lại cần tiền, tình thế bắt buộc phải cho vợ đi “ca hát”, ở thời điểm này có nghĩa là đi ngủ với khách, để kiếm tiền về nuôi con nghiện! Một đêm nàng đi làm về muộn, hắn nằm ở nhà tưởng tượng ra bao nhiêu cảnh gối chăn, ân ái của vợ với khách làng chơi... Hắn nổi cơn ghen lồng lộn, hăm he chờ đợi khi vợ về đến nhà hắn phải thẳng tay trừng trị nàng cho đã cơn ghen tức, không cần gì đến món xái thuốc phiện nàng mang về, vì “làm như vậy nó sẽ lờn” [tr.230], nhất quyết phải cho nàng biết tay để từ nay về sau nàng chừa thói mê muội lũ đàn ông lắm tiền nhiều bạc, thật đáng ghê tởm và nguyền rủa. Cái lập trường cứng rắn vững vàng như đinh đóng cột của hắn, bỗng sụp đổ ngay tức khắc, khi cơn nghiện kéo đến, như một con rắn độc lần mò rúc sâu vào tì vị, tâm can, lên tận óc, mà cào cấu, đòi hỏi, nên khi vợ vừa về đến nhà, hắn nhào đến vồ lấy những thứ nàng mang về, để thỏa mãn cơn nghiện, mặc cho sau đó ra sao hắn không cần nghĩ tới...
Đặc sắc trong truyện ngắn của Phan Du, không chỉ là ở nghệ thuật dựng truyện, sự tinh tế trong việc phát hiện các chi tiết đậm đặc chất liệu đời sống, buông thả tâm lý nhân vật phát triển đúng như nó vốn có, mà còn có sự tương phản trong cấu tứ của cốt truyện, cho dù thả lỏng mạch truyện hoặc nén chặt trong dẫn dắt các tuyến, các sườn truyện, vẫn đưa đến hiệu ứng tương phản trong nội dung mỹ cảm. Quang cảnh đẹp lung linh của mây, nước, gió, trăng trong cuộc du xuân trên sông Hương có rượu ngon, gái đẹp của Giám Khôi và bạn bè, được ví như khung cảnh lãng mạn của Tô Đông Pha ngắm trăng, câu cá trên sông Dương Tử ngày nào, thật tương phản với sự vật vã khóc than trước cái chết của người bố vợ, vậy mà vẫn được tiếng là “ông cả nằm xuống một cái là thôi, trăm bang vạn sự chỉ hắn lo coi ngó hết, mà không sơ suất một cái chi, giỏi quá chừng” [tr.277], chỉ có người đọc mới biết đó là sự giả dối, vô luân. Cả Khánh suốt đời đi khóc giả, tổ chức bài bạc để lừa người, đến khi bị mất hết cả vốn lẫn lời mới phải khóc thật mà không cần xức dầu vào hai con mắt! Một ca nhi tài sắc, bán thân nuôi chồng, nhưng vẫn bị hành hạ vì những cơn nghen. Ngược lại, tuy ghen tức và có lúc tỏ ra bất cần nhưng khi bị cơn nghiện hành hạ, thiêu cháy sự ghen tuông lại run rẩy vồ lấy chút xái thuốc thừa. Sâu sắc hơn, trong cái cấu tứ “sống gửi”, tư tưởng của tác giả được giấu rất kín trong tình huống cuối truyện, người đọc lo lắng cho ba con người đáng thương đang bị bỏ rơi, là người mẹ, ông anh trai tật nguyền và bà vú già “đến bao giờ mới được mãn kiếp sống gửi ăn nhờ” [tr.263], nhưng thực chất, nghịch cảnh trong cuộc sống của họ có tính tương phản là chính vợ chồng ông Thị mới là người sống gửi ăn nhờ vào tài sản, của cải và sức lao động của ba con người kia, đến vật quý giá cuối cùng là đôi bông tai của bà mẹ cũng bị cô con dâu đè ra lột đi nướng vào chảo bạc!
2. Sau năm 1954, Phan Du sinh sống tại Sài Gòn, tiếp tục viết văn, làm báo, cộng tác với các báo Bách khoa, Văn học, Tân văn, Văn, Tin văn... Những năm sáu mươi, có thời gian làm việc ở Bộ Văn hóa chính quyền Sài Gòn, rồi Đài Phát thanh Huế. Đương thời, nhà văn Vũ Hạnh viết về ông trong Lời giới thiệu tập truyện ngắn Hai chậu lan tố tâm (Nxb. Cảo thơm, 1965) như sau: “Là một ngòi bút vững vàng từ thời tiền chiến và đến bây giờ vẫn còn nguyên vẹn nhiệt tình ngày trước, cộng thêm sự điêu luyện của bao nhiêu năm kinh nghiệm trong nghề, ông đã sáng tác được một số lượng khá lớn truyện ngắn. Nhưng vốn khiêm tốn quá nhiều đến gần như thích cuộc sống ẩn mình, ông không quan tâm đến việc ấn hành tác phẩm” [2, tr.6]. Như vậy, viết văn đối với ông là nghiệp chứ không phải là nghề để kiếm sống như những người khác. Hầu như ông sống bằng đồng lương của một công chức, còn tác phẩm viết ra, chỉ để cho bạn bè, tri âm tri kỷ thưởng thức là chủ yếu. Viết mà không in, hoặc chỉ in báo mà không sưu tập in thành sách, vì vậy mà số lượng tác phẩm còn lại không nhiều. Chỉ có bảy tập truyện ngắn và ba công trình biên khảo, trong đó đáng chú ý nhất là tập truyện ngắn Hai chậu lan tố tâm (1965) và tập biên khảo lịch sử Mộng kinh sư (1971), vừa được tái bản.
Người hoạt động sáng tạo nghệ thuật có lương tâm và nhân cách dưới một thể chế chính trị với sự bủa vây của mật vụ và mạng lưới kiểm duyệt khắc nghiệt như chế độ Sài Gòn trước 1975, quả là không dễ dàng gì. Người cầm bút muốn đứng thẳng, ngoài tài năng còn cần phải có sự dũng cảm và trung thực. Họ không thể công khai chống đối, tuyên chiến một cách trực diện, trong khi phải cố giữ cho ngòi bút của mình đứng thẳng, không ương ngạnh thách thức nhưng vẫn hiên ngang ngạo nghễ, thái độ khách quan trung thực với lương tâm của người cầm bút. Và, vì thế, hầu hết tác phẩm của họ đều ít soi chiếu trực tiếp cái trật tự xã hội đương thời. Cũng như Sơn Nam, Võ Hồng, Nguyễn Văn Xuân và nhiều người đã trưởng thành từ thời tiền chiến, “vùng văn” trở thành đề tài chủ yếu trong sáng tác của Phan Du là cuộc sống trước cách mạng và thời kháng chiến chống Pháp, theo phương châm lấy chuyện xưa để nói chuyện nay. Tất nhiên, đối tượng mà ông và các đồng nghiệp của ông hướng về là nhân dân, là cuộc sống cùng khổ của những người cần lao, những người bị áp bức bóc lột đến tận cùng, thời nào cũng có, để nhằm phất cao ngọn cờ đỏ thắm của chủ nghĩa nhân văn - chủ đề cốt tử của những nền nghệ thuật chân chính. Ông tiếp tục vạch trần và lên án, tố cáo lối sống hai mặt, giả dối, phi nhân của những giàu có thuộc tầng lớp trên, là thế giới của những ông bà Chánh Lân (Con rắn hổ), ông bà Chánh Thiện (Bàn tay kẻ đói), cậu mợ Cả (Bức bình phong), hoặc hai anh em con quan lớn bắt người kéo xe làm “ngựa hai chân” (Con ngựa hai chân). Nhà văn hiện thực của chúng ta còn đi sâu miêu tả, phân tích những phẩm chất tốt đẹp trong cuộc sống của những người thuộc tầng lớp trung lưu, những người vẫn còn lưu giữ những phẩm hạnh làm người sống ở đời, biết thương người đồng loại, muốn cứu vớt những thân phận nghèo khổ, không may (Hai chậu lan tố tâm, Con mèo đen,...), hoặc là, và nhiều hơn cả là, phơi bày kiếp sống lầm than, cơ cực của những người cùng khổ, yêu thương nhường nhịn và có khi phải giành giựt, đấu tranh vì miếng cơm manh áo (Tình người, Cô gái xóm nghèo, Miếng ăn, Miếng ngon bên xác chết, Vàng hời, Hai gánh lúa,...). Đặc biêt, có nhiều truyện ông lấy cảm hứng từ cuộc sống thời kháng chiến, miêu tả vẻ đẹp hiên ngang bất khuất của những con người yêu nước hoặc trở về từ sau cuộc chiến tranh chống ngoại xâm mà ông gọi là thời “binh hỏa”. Đó là thái độ hiên ngang của ông thầy “cá gỗ” làm cho tên thực dân phải đo ván trên một chuyến tàu, khi thấy hắn hành hung một bà cụ già yếu, dẫu đã biết trước những hậu quả như bắt bớ tù đày mà mình phải gánh chịu, bởi “ít ra cũng phải có người chịu liều để cho chúng biết rằng người Việt Nam không phải là giống dễ đè đầu, đè cổ” [Những quả đấm trên một chuyến tàu, tr.34]. Đó là những trải nghiệm chiến tranh, hun đúc nên tâm hồn người họa sĩ, có thể nhận ra vẻ đẹp đích thực trong tâm hồn của một cô gái chân chất, biết yêu thương và đau đớn trước nỗi đau của con người (Một lối nhìn). Đó là sự hy sinh anh dũng của một cụ già “năm nay đã gần tám mươi nhưng lưng cụ không còng, mắt cụ không lòa, gối cụ không run, răng cụ vẫn còn chắc chắn. Cụ lại rất vui tính. Ai gần cụ có buồn bao nhiêu rồi cũng phải hết buồn, cũng thấy dễ chịu. Đã vui tính, cụ lại hay giúp được nhiều chuyện ích lợi cho đồng bào trong thôn, trong xóm. Ai đau ốm cần đến các món ngoại khoa cấp cứu cũng tìm tới cụ. Nhà nào có người chết cần khâm liệm hay lo liệu việc ma chay cũng nhờ đến cụ Tô. Và không bao giờ cụ Tô từ chối dầu là nửa đêm, gà gáy hay mưa gió lụt lội. Giàu cũng như nghèo, xa cũng như gần, thân hay sơ mặc, ở đâu cần đến cụ Tô thì cụ Tô có mặt ở đấy” [tr.130]. Con người đó không được phong anh hùng, nhưng hành động chọn cái chết của cụ là hành động của một người anh hùng: khi máy bay Pháp đến thả bom, cụ đã chạy ra giữa đồng dẫn độ hút bom về phía mình, đánh lạc hướng ném bom của giặc để cứu mạng sống ba mươi người và hai con trâu là sức kéo cày của cả thôn, cả xóm (Cái vỏ đạn). Đó còn là sự thay đổi của thời cuộc, là bóng dáng cuộc cách mạng dân chủ đầu tiên của đất nước, làm thay đổi đến tận gốc rễ đời sống xã hội và con người, biến một con người từng “đóng vai” huyện quan, trở thành một con người chân chính, một người lao động thực sự, biết sống và biết làm chủ đời sống của mình (Qua cơn thử lửa).
Cũng giống như Võ Hồng, nhân vật quen thuộc và tác giả ươm đầy tình cảm trong truyện ngắn của Phan Du là những người thuộc tầng lớp trung gian sa sút, trí thức văn nghệ sĩ: Khảm (Miếng ăn), Thanh (Qua cơn thử lửa), cụ Tú, Ngọc, Bội Lan (Hai chậu lan tố tâm), Khán, Thuyên (Con mèo đen), Lộc, Lợi, Hoàng (Cô gái xóm nghèo), Hoàng Hoa (Một lối nhìn)... nhưng khác với Võ Hồng, nhân vật ông miêu tả thành công, có sức sống lâu bền trong tâm tưởng nhiều thế hệ người đọc, đó là những con người nghèo khổ, sống dưới đáy xã hội, bị áp bức và bóc lột đến tận cùng xương tủy. Đó là Năm Khụ mù lòa, suốt đời cố nhớ ngày giỗ chạp trong làng để đến xin ăn, nhưng đến khi được ăn mâm cơm của người tử tù, mới ăn được mấy miếng, bỗng nghe tiếng súng xử tử người tử tù vang lên, lão “cắn chặt hai hàm răng, rùng mình tha thít như kẻ sắp lên cơn sốt rồi không nói, không rằng, lão quay lưng chống gậy, dò dẫm bước ngay ra khỏi quán, rẽ xuống bờ ruộng, một cách hấp tấp vội vàng. Nhưng mới đến mép bờ, lão đã ngồi thụp xuống bên bụi dứa dại, hai tay ôm lấy ngực, ụa lên mấy tiếng, rồi lão nôn tháo ồng ộc những gì lão vừa được ăn xong” [Miếng ngon bên xác chết, tr.119]. Đó là những người nghèo đi ở đợ cho chủ, dù bị ngược đãi bao nhiêu vẫn một lòng trung thành và biết ơn chủ như “lão Nam giúp việc cho nhà ông Chánh đã trên hai chục năm trời. Mỗi năm lão chỉ được nhận vài chục ang lúa để bù đắp lại cái công thức khuya dậy sớm và làm lụng quần quật suốt ngày như một con vật, hết công việc đồng áng đến công việc trong nhà. Bà Chánh lại là hạng người kim chỉ, gắt chặt, nên tiếng là ở với nhà giàu, sự ăn uống của lão cũng rất kham khổ nếu không có Huệ. Nhưng cũng như những người dân quê mộc mạc, chất phác đã quá quen với những bất công mà tầng lớp họ phải chịu đựng trải qua bao đời trong xã hội, nông thôn, lại vốn giàu tình cảm, lão Nam chẳng những không ý thức được những thiệt thòi về quyền lợi để thắc mắc, bất mãn mà trái lại, còn thầm cảm ân đức của vợ chồng ông Chánh nữa là khác. Lão mến chủ, trung thành với chủ hơn cả một con nghĩa khuyển và lão coi sự biết ơn như là một bổn phận, một cái gì hợp với lẽ phải, một cái gì mà chỉ có những kẻ chẳng còn biết ai trên đầu nữa mới dám coi nhẹ” [Bàn tay kẻ đói, tr.143]. Tương tự, lão Thập Bản cả đời kéo xe cho bốn đời quan, bị cả con cái các quan hành hạ trở thành con ngựa hai chân kéo lê cuộc đời trên khắp các nẻo đường xứ kinh kỳ, với ước mơ có được phẩm trật của triều đình là “cửu phẩm” nhưng cuối cùng là “bộ mặt hốc hác, thiểu não, tuyệt vọng” [tr.230] cùng với những giọt nước mắt đắng cay của kiếp nô lệ, bần hàn. Rồi đến bác Nhã một đời tận tụy với vợ chồng cậu Cả (Bức bình phong), lão Biện khùng giấu vàng cho đến chết (Vàng hời), cả Khánh dùng nước mắt để kiếm lấy miếng ăn (Khóc thật), người Vú già suốt đời sống lệ thuộc vào ý chủ (Sống gửi), Liên và bà Tư cũng các em nhỏ xóm nghèo thất học (Cô gái xóm nghèo)...
Đặc sắc nhất trong những trang viết về thân phận những con người bé mọn là cõi ấm áp tình yêu thương bao phủ và đan dệt nên thế giới Tình người. Truyện diễn ra trong một không/ thời gian ngắn ngủi, chật hẹp, trên đoạn đường từ nhà xác của bệnh viện ra đến huyệt mộ, với ba con người: lão Bảy người có nghề pha chế cà phê, suốt đời làm thuê cho chủ, trú ngụ tại mái hiên sau của quán cà phê với lũ trẻ đánh giày, nay đã kết thúc kiếp người khổ tận đang nằm trong quan tài; người thứ hai là Thuận, thằng bé đánh giày mồ côi, không nơi nương tựa, đêm đêm thường về ngủ ở mái hiên sau của quán cà phê cùng lão Bảy; người thứ ba là bác Cẩm người kéo xác lão Bảy đi chôn, người từng “làm việc ở bệnh viện trong bảy năm trời nay. Tao quen với xác chết lắm rồi. Tao thấy cái chết nó thường quá. Mày thử nghĩ mà coi, có ai lột da mà sống đời được. Chẳng ai thoát được cái cửa đó. Chẳng trước thì sau cũng có một lần. Chết không đáng buồn. Tao chỉ thấy một cái đáng buồn là... là... (...), không có chi đáng buồn và vô phước bằng một chiếc quan tài mà chẳng có người đưa. Phải kéo xác lâu ngày như tao rồi mới cảm thấy thấm thía chỗ đó mày ơi. Lúc sống bơ vơ, trơ trọi kể đã khổ, mà tao nghĩ cũng chưa đáng buồn bằng lúc chết phải ra đi đơn thương độc mã như vậy đó”. Và, trong bảy năm, bác đã kéo đi chôn bảy mươi ba cái xác vô thừa nhận, “nhưng chỉ có lần này tao mới thấy có người đi theo... là mày đó. Có mày, tao đỡ buồn hơn trước, ít nghe khó chịu như mọi lần” [tr.21-22]. Dường như người đọc nhiều thế hệ, vô hình nhưng đông lắm, đang đi theo đàng sau chiếc quan tài hoang lạnh, dõi theo câu chuyện chẳng có mở đầu/ kết thúc, không có tình tiết, gay cấn, thắt nút hoặc dẫn dắt đến cao trào, chỉ trào dâng lên trong lòng niềm buồn thương man mác, nỗi đau day dứt khôn nguôi về thân phận kiếp người. Chiếc xe lộc cộc mà bác Cẩm đang nặng nhọc kéo đi trên đoạn đường lởm chởm đá sỏi gồ ghề, đang chở nặng tình người, chở nắng ấm của tình thương, đi qua từng trang sách, từng dòng câu chữ là tư tưởng nhân văn cao cả của nhà văn. Đọc Phan Du, mới vỡ lẽ ra rằng, cuộc sống và phẩm hạnh của những con người nhỏ bé, nghèo khổ mới dễ nhận ra sự lấp lánh phẩm chất cao đẹp của con người, đó mới là thế giới tốt đẹp của những con người có độ dư về tính người.
3. Ngoài truyện ngắn, Phan Du còn có nhiều công trình biên khảo có giá trị văn chương và học thuật. Công trình đầu tiên Truyện con người (1968), là công trình biên khảo về nhân chủng học. Tác giả đã dựa vào những thành tựu mới nhất của ngành cổ sinh vật học và khảo cổ học tiền sử, đồng thời đã vận dụng khá thành công thuyết tiến hóa vào việc nghiên cứu sự hình thành loài người, con người từ thời tiền sử đến thời hiện đại. Với một thái độ nghiêm túc, một cái nhìn tinh tế của nhà văn và sự trình bày, phân tích hết sức minh bạch, người viết đã phác họa lịch trình tiến hóa của loài người một cách rõ nét và có giá trị học thuật. “Nhiều học giả coi đây là những luận thuyết đáng tin cậy” [4, tr.2090]. Theo nhà văn Trần Trung Sáng, sau Mộng kinh sư (tái bản 2016) và Hai chậu lan tố tâm (tái bản 2017), sắp tới Công ty cổ phần sách Tao Đàn sẽ tái bản và tiếp tục đưa Truyện con người đến với thế hệ độc giả hiện nay [5, tr.8].
Quảng Nam qua các thời đại (1973) là công trình biên khảo lịch sử có tính chất địa chí về đất Quảng từ thời còn là thổ ngơi của người Chiêm Thành đến khi trở thành một phần của lãnh thổ của Đại Việt, kể từ sau cuộc chinh phạt vùng biên ải phía Nam của vua Lê Thánh Tôn (1470) và việc ra chỉ dụ thành lập đạo Quảng Nam thừa tuyên (1471), rồi sự chuyển biến và phát triển với những sự kiện, biến cố lịch sử dồn dập và thăng trầm diễn ra ở vùng đất “phên giậu” này dưới thời các chúa Nguyễn. “Tuy nhiên, điều đáng tiếc, công trình trên nhà văn Phan Du chỉ kịp hoàn tất và phổ biến quyển Thượng. Còn phần sau có thể ông đã biên soạn xong mà không đủ điều kiện phổ biến, hoặc do lý do nào khác, chúng ta chưa biết được” [6, tr.9]. Địa chí được coi là “một trong những lĩnh vực biên khảo mang tính hiện thực xã hội sớm sủa nhất của lịch sử văn xuôi Việt Nam”, và người mở đầu là “danh sĩ Ức Trai/ Nguyễn Trãi, nhà Hậu Lê, tác giả của tác phẩm Dư địa chí, biên soạn năm 1435, theo yêu cầu của vua Lê Thái Tôn” [7, tr.285-286]. Như vậy, thể văn địa chí ra đời chỉ trước thời điểm lịch sử trở thành đối tượng nghiên cứu của Phan Du trong khoảng thời gian vừa tròn 35 năm (1435 - 1470). Những năm gần đây, có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử và địa chí xứ Quảng, đều xem Quảng Nam qua các thời đại là nguồn tư liệu quan trọng, đáng đươc lưu tâm tham khảo trong quá trình nghiên cứu.
Văn chương biên khảo của Phan Du, cho dù về lịch sử nhân chủng hay lịch sử địa chí đều được sáng tạo bằng tâm thức và dưới cái nhìn của một nhà văn, trong đó tác phẩm đáng chú ý nhất là công trình biên khảo lịch sử Mộng kinh sư (1971). Sách chỉ dày khoảng hơn 220 trang, nhưng đã giới thiệu một cách đầy đủ và chính xác về hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, đồng thời trình bày các sự kiện và nhân vật lịch sử trong quá trình mở cõi về phương Nam của các chúa Nguyễn, mở đầu là chúa Tiên (Nguyễn Hoàng 1558 - 1613), rồi lần lượt đến các chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên 1613 - 1635), chúa Thượng (Nguyễn Phúc Lan 1635 - 1648), chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần 1648 - 1687), chúa Ngãi (Nguyễn Phúc Trăn 1687 - 1691), Quốc chúa (Nguyễn Phúc Chu 1691 - 1725), Ninh vương (Nguyễn Phúc Trú 1725 - 1738), Võ vương (Nguyễn Phúc Khoát 1738 - 1765) và đến đời Huệ vương (Nguyễn Phúc Thuần 1765 - 1777), thì nhà Tây Sơn dựng nghiệp. Sự tái tạo lịch sử của Phan Du, được gợi cảm hứng từ hai câu thơ lạ ghi trên vách chùa Thiên Mụ, đã từng được nhắc đến trong Tang thương ngẫu lục (Ghi chép ngẫu hứng về những đổi thay dâu bể), của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án: Hai trăm năm xót cơ đồ/ Không bằng giấc mộng thầy chùa trên non. Và, ngôi chùa cũng trở thành chứng nhân theo suốt những bước thăng trầm của các chúa Nguyễn trong quá trình khẳng định là chân chủ của đất phương Nam.
Ngoài thời gian, con người và các sự kiện lịch sử xác thực, Mộng kinh sư không chỉ dừng lại ở phạm vi một cuốn biên khảo lịch sử, mà còn là một cuốn tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn, thu hút người đọc đến những dòng cuối cùng, thậm chí còn muốn tác giả tiếp tục giai đoạn dựng nghiệp của “một thiếu nhi mười bốn tuổi mà không ai lúc bây giờ có thể ngờ rằng mai kia sẽ là người tạo dựng lại đại nghiệp ngay trên cơ sở đổ nát, điêu tàn: cậu bé Nguyễn Phúc Ánh” [8, tr.212]. Cuộc đời chinh chiến của Nguyễn Phúc Ánh sẽ là nguồn nội dung mỹ cảm cho một tiểu thuyết hay. Đã từng có những tiểu thuyết đặc sắc như Minh sư (2010) của Thái Bá Lợi viết về công cuộc dấy nghiệp của Nguyễn Hoàng, Kỳ nữ họ Tống (2002) của Nguyễn Văn Xuân viết về cuộc khuynh đảo kinh thành của mỹ nhân Tống thị. Mộng kinh sư có thể được coi như một tiểu thuyết chương hồi, gồm có mười ba chương, mở đầu là Linh Mụ và dòng họ chân chủ phương Nam, kết thúc là Cựu đô Phú Xuân trong cảnh điêu tàn và câu đối vô hình trên vách chùa Thiên Mụ. Mỗi chương, ngay từ tiêu đề đều gắn liền với các sự kiện, con người và thời gian lịch sử: Phú Xuân và di chỉ thiên di dinh, phủ về Nam của Tiên chúa Nguyễn Hoàng, Kim Long dưới thời Nhân Lộc hầu Nguyễn Phước Lan, Kim Long dưới thời Hiền vương, Phú Xuân dưới thời Nghĩa vương và Minh vương, Ấu chúa Nguyễn Phước Thuần và quyền thần Trương Phúc Loan... Chỉ nói riêng về con người, là những nhân vật có thật trong lịch sử, từ trong ngôn ngữ miêu tả, ngôn ngữ trần thuật đến ngôn ngữ đối thoại, tác giả đều có kết hợp cả ba phương thức khắc họa điển hình nhân vật của nghệ thuật tiểu thuyết: ngoại hình, nội tâm và hành động. Đây là hình tượng nhân vật Trương Phúc Loan, sau khi nghe Thái Sinh tâu rằng Chưởng dinh Nguyễn Cửu Thống cũng đã phản bội ông ta: “Quốc phó Trương Phúc Loan trố mắt nhìn Thái Sinh, mồm há hốc, và tuy cố trấn định lòng mình, tay ôm chặt chiếc gối dựa, ông vẫn không giấu nổi sự run rẩy của toàn thân, run vì tức giận, mà cũng run vì hốt hoảng trước cái thế cùng đồ không lối thoát” [tr.204]. Khi chúa Thượng Nguyễn Phước Lan say mê nàng Tống thị, gây ra bao điêu đứng cho dân lành, quan Nội tán Viên Hiền hầu Phạm Quang Hựu đã vào phủ chúa can gián và rút gươm xin được chém đầu vì những lời nói thẳng thắn của mình, nhà tiểu thuyết miêu tả hình tượng của Thượng vương như sau: “Nghe giọng nói và ngắm thần sắc cùng thái độ của Viên Hiền hầu, Thượng vương biết rõ là người bầy tôi trung thực này đã có quyết định dứt khoát, nên khi thấy Hầu vừa rút gươm ra khỏi vỏ, Thượng vương đã vội vàng bước xuống, giật vội thanh gươm, phán bảo: Viên Hiền hầu chớ quá nóng nảy. Chính hầu đã thức tỉnh ta rồi” [tr.53]. Hoặc khi Hiền vương Nguyễn Phước Tần, tức là Dũng Quốc công say mê một ca nhi mà quên việc triều chính, và khi nghe Chưởng dinh Nguyễn Cửu Kiều ra sức can ngăn, Hiền vương vô cùng nóng giận và tỏ thái độ hết sức công thần: “Dũng Quốc công nghe xong cả giận, và, trong một phút thiếu tự chủ vì cơn lôi đình, thịnh nộ, đã đập bàn, xẵng giọng phán bảo: Ta đã từng nằm gai nếm mật để bảo vệ cơ đồ, đến nay giềng mối vững vàng, trăm họ an lạc, há ta chẳng có quyền được cung dưỡng bằng cái vui thanh sắc, yến ẩm hay sao” [tr.67],... Không dừng lại ở kết cấu và xung đột, ở cảm quan và tâm thức sáng tạo của một nhà tiểu thuyết, mà quan trọng hơn, ngôn ngữ của tác phẩm không còn hoàn toàn là ngôn ngữ biên khảo, mà đã đi vào vòng sinh quyển của ngôn ngữ nghệ thuật tiểu thuyết, ngay cả trong khi miêu tả cảnh vật núi sông người viết cũng thổi vào đó hơi ấm của tâm hồn: “Và sông Hương Giang, ở phía nam quận Hương Trà, một thành quả mỹ miều của một cuộc giao duyên giữa hai nguồn nước đa tình. Một nguồn từ Khe Ba ở núi Trường Động phía Tả Trạch, một từ phía đông núi Chấn Sơn thuộc Hữu Trạch, băng vượt qua bao nhiêu đường xa, dặm dài, để cùng gặp nhau ở nơi hò hẹn đầy trăng gió là ngã ba sông Bằng Lãng, hợp nhất mà chảy xuống phía đông, tạo thành một dòng thủy tú nổi danh, trầm lặng uốn khúc giữa những đồng xanh, thôn hoa. Chất nước mát ngọt trong lành của dòng sông không những chỉ mang lại sự phì nhiêu cho đôi bờ, mà còn phối hợp với phong thổ để tẩm nhuần thêm chất đường thanh mật ngọt, phổ thêm nhạc điệu vào giọng nói và điểm chuyết thêm vẻ thanh tân, não chúng cho giống thục nữ sinh trưởng giữa vùng Hương Ngự” [tr.20-21],...
Người ta thường nói, văn là người, có lẽ đối với Phan Du là chính xác. Văn chương ông mộc mạc, chân chất, ngôn từ đầy chất giọng xứ Quảng, cũng như con người ông sống thanh bần, lặng lẽ, không muốn làm phiền đến ai. Tâm hồn ông luôn rung động, cảm thông và yêu quý con người, nhất là những người cùng khổ. Ngay cả tác phẩm Hai chậu lan tố tâm ông đạt giải của Trung tâm Văn bút Philipines năm 1964 (gồm có 9 nước Đông Nam Á tham gia, ông đạt giải đồng hạng với Nhật Bản), “do ông Nghiêm Xuân Việt lựa chọn tác phẩm của một nhà văn không đứng trong một tổ chức nào” [tr.5], dịch ra tiếng Pháp gửi dự giải, là những trang viết mượt mà, mỹ lệ về bức tranh thiên nhiên cây cỏ, hoa lá, nhưng cuối cùng cũng phải bán đi để giúp đỡ người nghèo trong cơn hoạn nạn: “Bán hoa là một cái nhục, lại gặp phải những hạng tiểu nhân nó lên mặt eo sách mình càng nhục thêm. Nhưng nhục cũng phải bán. Kể ra vác gậy mà đuổi nó ra khỏi cửa là một việc quá dễ. Nhưng rồi những đứa con không cha, vợ góa chồng, sẽ lấy gì mà ăn... Bán hai chậu lan buồn nẫu cả lòng đi. Buồn như buồn người chết” [tr.205]. Đó là tấm lòng của nhà văn, là tư tưởng văn hóa nhân văn của văn chương Phan Du thể hiện một cách nhất quán từ đầu đến cuối. Yêu mến con người, yêu quê hương đất nước, nên về cuối đời ông đi về với nhân dân, về phía những người hoạt động báo chí yêu nước như Nguyễn Ngọc Lương, Vũ Hạnh, Lưu Nghi và nhà văn Nguyễn Văn Bổng vào hoạt động bí mật trong nội thành Sài Gòn, thông qua tờ báo Tin văn: “Năm 1966 - 67, Phan Du đã đóng góp tích cực vào tờ Tin văn, tạp chí công khai của Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định, do Nguyễn Ngọc Lương làm Chủ nhiệm. Những truyện ngắn như Hang động mới (6/6/1966), Trăng vỡ (6/8/1966)... đã tố cáo một cách sâu sắc, quyết liệt, tác hại của chủ nghĩa vật chất, của lối sống Mỹ đã làm băng hoại đạo đức truyền thống của nhân dân thành thị miền Nam” [9, tr.1384].
Phan Du không chỉ là nhà biên khảo, có kiến thức sâu rộng về lịch sử, địa lý, con người và thổ ngơi đất đai, mà ông còn là người am hiểu tường tận về cỏ cây hoa lá, sông núi ruộng đồng, nắng mưa thời tiết, chủ yếu là ở vùng đất nằm hai bên đỉnh đèo Hải Vân, nơi mà Lê Quí Đôn từng gọi là “đất cổ họng của Thuận - Quảng” (Phủ biên tạp lục). Dù là truyện ngắn hay biên khảo ông đều cắm sâu ngòi bút của mình, thâm canh trên vùng đất ấy. Văn chương của ông như một dòng chảy, quanh co khúc khỉu về hai phía của một đỉnh đèo. Dù sống ở đâu, khi cầm bút, ông đều hướng về vùng đất ấy, nơi ấy làm nên “vùng thẩm mỹ” và sự nghiệp văn chương - trở thành vùng văn hóa của Phan Du.
Phước Châu
Nguồn: Tạp chí Sông Hương, SDB39/12-2020.
-----------
[1] Phan Du (tái bản, 2017), Hai chậu lan tố tâm, Nxb. Văn học. Những trích dẫn về truyện ngắn, chỉ ghi số trang, là trích từ tác phẩm này.
[2] Vũ Hạnh (1965), Lời giới thiệu tập truyện Hai chậu lan tố tâm, sđd.
[3, 9] Nhiều tác giả (2004), Tự điển văn học (bộ mới), Nxb. Thế giới
[4] Trần Mạnh Thường (2008), Các tác gia văn chương Việt Nam, Nxb. VHTT.
[5] Trần Trung Sáng (2018), Hạt bụi bay xa, Nxb. Đà Nẵng.
[6] Trần Trung Sáng (2018), Hạt bụi bay xa, Sđd. Tác giả Trần Trung Sáng là người đã gặp gỡ tiếp xúc với bà Xuân Thúy, con gái của nhà văn Phan Du, hiện nay sống tại Pháp và từng hỗ trợ, giúp đỡ cho Công ty cổ phần sách Tao Đàn trong việc tái bản tác phẩm của nhà văn.
[7] Du Tử Lê (2019), Phụ lục tập truyện Thương những ngày... của Trần Bảo Định, Nxb. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
[8] Phan Du (tái bản, 2016), Mộng kinh sư, Nxb. Hà Nội. Những trích dẫn về phần biên khảo, chỉ ghi số trang, là trích từ tác phẩm này.